Con trâu không chỉ là con vật nuôi hiền hòa, gần gũi với cộng đồng người Cơ Tu, mà còn là sợi dây liên kết giữa đồng bào Cơ Tu với các đấng thần linh.
Người Cơ Tu cư trú lâu đời ở miền núi Tây Bắc tỉnh Quảng Nam, Tây Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, liền khoảnh với địa bàn phân bố tộc Cơ Tu bên Lào. Họ sinh sống theo cộng đồng làng và dù trải qua nhiều biến thiên lịch sử họ vẫn luôn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng như: nghệ thuật điêu khắc nhà Gươl, nhà mồ, cây nêu… lễ hội mừng lúa mới, chọn đất lập làng… Đặc biệt, hình tượng con trâu luôn xuất hiện ở hầu hết các nghi lễ, lễ hội. Con trâu không chỉ là con vật nuôi hiền hòa, gần gũi với cộng đồng người Cơ Tu, mà còn là sợi dây liên kết giữa đồng bào Cơ Tu với các đấng thần linh.
Nghệ nhân A Lăng Sơn giải thích về ý nghĩa những bức điêu khắc trong nhà Gươl. Ảnh: NGỌC PHÚC
Từ ý nghĩa những bức tranh điêu khắc
Làng truyền thống Tây Giang (Quảng Nam) là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, cũng là nơi để những chàng trai, cô gái Cơ Tu phô diễn những nét đẹp của điệu múa Tân tung da dá, vừa hùng dũng, vừa nhẹ nhàng uyển chuyển trước nhà Gươl… Bên trong nhà Gươl, những bức tranh gỗ được điêu khắc thủ công tưởng chừng như để trang trí cho đẹp mắt nhưng đó là những nét văn hóa đặc trưng thể hiện phong tục, tập quán của người Cơ Tu và được lưu truyền từ xa xưa.Nghệ nhân A Lăng Sơn (thôn Ag Rồng, xã A Tiêng) cho biết, từng bức điêu khắc bên trong nhà Gươl đều thể hiện một câu chuyện, sự tích rất riêng, độc đáo, thú vị… và quan trọng nhất là mỗi bức điêu khắc đều có bóng dáng con trâu.
“Con trâu rất quan trọng trong đời sống người Cơ Tu, nên người nghệ nhân điêu khắc rất khéo léo bố trí bằng hai tấm phù điêu đầu trâu nhìn chính diện và cả ở đầu cột, đế cột như là vật biểu tượng của ngôi nhà. Các bản làng từ vùng thấp, vùng trung rồi đến vùng cao biên giới… tại mỗi Gươl làng, ngay sau bậc cấp bằng gỗ đầu tiên bước lên là hình tượng con trâu được điêu khắc trên tấm gỗ dày của lối vào chính nhà.
Tại huyện Tây Giang , 100% làng đều có nhà Gươl. Ảnh: NGỌC PHÚC
Bên cạnh đó, hình tượng con trâu còn được xuất hiện ở 3 tấm ván bao quanh làm vách nhà. Ngoài ra, kiến trúc nhà Gươl còn có nhiều mô tuýp điêu khắc trên gỗ như chim, rồng, rắn, các con vật loài bò sát... Nhưng những hình tượng này chỉ xuất hiện ở những vị trí không quan trọng và chỉ là những chi tiết nhỏ vui mắt trong nội thất nhà. Còn hình tượng con trâu luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất”, nghệ nhân A Lăng Sơn nói.
Việc dựng nhà Gươl đã được huyện Tây Giang triển khai từ rất sớm và đến nay 100% làng đều có nhà Gươl. Tương tự, các huyện Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), người Cơ Tu luôn sống theo mô hình cộng đồng làng. Mỗi làng đều có nhà Gươl tại trung tâm làng mình. Đặc biệt, dù nhà Gươl to hay nhỏ, hình tượng con trâu vẫn được đặt ở vị trí trang trọng nhất, thể hiện sức mạnh cộng đồng làng cũng như sự thân thuộc giữa con trâu với người dân.
Không chỉ các điêu khắc trong Gươl, mà hình tượng con trâu còn xuất hiện trong quan tài ở nhà mồ của người Cơ Tu. Ảnh: NGỌC PHÚC
Già Bríu Pố (xã Lăng, huyện Tây Giang) cho hay, không chỉ các điêu khắc trong nhà Gươl, mà hình tượng con trâu còn xuất hiện trong quan tài ở nhà mồ của người Cơ Tu. Tại làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang, hình ảnh rõ nhất là hai đầu trâu ở hai đầu quan tài và ở một phía đầu hồi nóc của nhà mồ. Ở hình tượng này, con trâu được mô phỏng rõ nét và tự nhiên hơn bằng khối tròn của thân cây y hệt sừng, đầu, tai, chỉ khác thân của nó là thân của quan tài.“Người Cơ Tu thể hiện sự quý trọng con trâu bằng việc khắc hình ảnh nó lên nhà Gươl, nhà ở của họ… với hy vọng cho mọi thành viên trong làng được của cải, vật lộc dồi dào. Và hình tượng con trâu xuất hiện quan tài ở nhà mồ như là vật dâng cúng làm quà cho người chết mang theo để tiếp tục đời sống ấm no ở thế giới bên kia”, Già Bríu Pố nói.
Đến các lễ hội
Không chỉ có ý nghĩa trong điêu khắc, mà con trâu còn gắn liền với đời sống người Cơ Tu thông qua các nghi lễ, lễ hội như: lễ hội mừng lúa mới, cúng đất lập làng, đám cưới, đám hỏi, kết nghĩa ăn thề ở các bản làng… Qua đó, con Trâu luôn được chọn để hiến tế, làm sợi dây liên kết với các Giàng và các đấng thần linh.
Nghệ nhân A Lăng Sơn phân tích: “Con trâu không chỉ được xem như là tài sản quý, dùng để trao đổi và làm vật trung gian, mà còn là một sứ giả được con người gửi lên gặp gỡ thần linh trong các buổi lễ."
Lễ hội đâm trâu. Ảnh: NGỌC PHÚC
Khác với nhiều dân tộc khác canh tác lúa nước coi trọng con trâu là đầu cơ nghiệp, người Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam làm lúa rẫy và hoàn toàn không dùng trâu để sản xuất lương thực. Nhưng xét về khía cạnh văn hóa, con trâu được xem là hình ảnh được đề cao trong nghệ thuật điêu khắc cũng như nghi thức tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ, thông qua việc hiến tế trâu, người Cơ Tu cầu mong Giàng, thần linh ban phát cho bản làng mùa màng bội thu, cho làng mới được yên bình, cho đôi vợ chồng được hạnh phúc bền lâu, hay cho hai làng luôn giữ mối tình đoàn kết bền chặt…
Lễ hội đâm trâu hiện nay đã được cải tiến nhưng vẫn giữ được nét truyền thống văn hoá đặc sắc của người Cơ Tu. Ảnh: NGỌC PHÚC
“Trên thực tế, Lễ hội đâm trâu vẫn có những chi tiết không phù hợp trong tiến trình phát triển của xã hội ngày nay. Nhất là khi địa bàn miền núi Quảng Nam đã đang phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng làng. Nên, nhiều năm trước, huyện Tây Giang đã đi đầu trong việc cải tiến Lễ hội đâm trâu. Bước đầu, việc thay đổi hình thức này cũng đã gặp sự phản ứng rất nhiều của già làng, người dân. Song bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động và bằng các việc làm cụ thể. Giờ đây lễ hội đâm Trâu vẫn giữ lại cái hồn và có thay đổi một số nét liên quan đến con Trâu”, ông Arất Blúi thông tin.
Ngọc Phúc
Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 21.02.2021.