Đô thị hóa đã nhanh, mà giải trí hình ảnh và mạng xã hội lại còn nhanh hơn, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của văn học dân gian (VHDG). Với những tỉnh thành có lịch sử dài lâu và đa văn hóa như Quảng Nam, điều này có bị ảnh hưởng nhiều không? Tiến sĩ La Mai Thi Gia (Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ về vấn đề này.
Tiến sĩ La Mai Thi Gia.
Những dấu ấn đặc sắc
* Trong hình dung ban đầu của chị, VHDG Quảng Nam có những đặc điểm nào khác biệt?
Tiến sĩ La Mai Thi Gia: VHDG Quảng Nam nhìn chung mang đầy đủ đặc trưng của VHDG các tỉnh duyên hải miền Trung, đậm chất văn hóa biển, các thể loại dân ca miền biển được hát ở đây vô cùng phong phú.
Không chỉ là các làn điệu dân ca được dùng trong đời sống thường nhật của người dân lao động như hò đối đáp, hát ru, hát than thân, bài ca quê hương, bài ca lao động (hò kéo lưới, hò đi biển, đi câu…), mà còn là những làn điệu đặc sắc được diễn xướng trong các lễ hội và tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển như hát bả trạo, hò đưa linh, hát cầu ngư, nghinh ông, bài chòi…
Đó là những bài dân ca có nội dung khấn nguyện thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, tôm cá đầy ghe, hoặc tiễn đưa người chết…
Chưa kể ở Quảng Nam do địa bàn miền núi chiếm diện tích khá lớn, nên có nhiều tộc người thiểu số cùng cộng cư lâu đời, dẫn đến sự đa dạng trong văn hóa, VHDG với nhiều biểu hiện sinh động.
Chẳng hạn nội dung của loại hình tự sự dân gian miền núi rất khác biệt so với đồng bằng hoặc vùng biển, đặc biệt trong thể loại thần thoại và truyện cổ tích miền núi có hệ thống thần linh và những mô tuýp khó tìm thấy trong kho tàng truyện kể của người Kinh, dù là cùng trong địa bàn tỉnh.
Và xen lẫn trong kho tàng VHDG của người Kinh lẫn các tộc người thiểu số là những truyền thuyết và truyện cổ tích còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn Chămpa.
Một nét đặc sắc nữa trong VHDG Quảng Nam là sự phát triển mạnh mẽ của thể loại truyện cười, truyện tiếu lâm với nội dung khôi hài, châm biếm và đả kích.
Nổi bật là nhóm truyện cười kết chuỗi, bao gồm các giai thoại vừa được cho là có thật, vừa được thêm thắt, bổ sung, qua nhiều thế hệ về các nhân vật như Thủ Thiệm, Tú Quỳ….
Có thể thấy, truyện cười là nơi bộc lộ rõ ràng nhất tính cách Quảng, vừa hay cãi vừa thích lý sự, bắt bẻ, vừa thích đùa cợt, trào lộng và dí dỏm, lạc quan.
Đồng thời theo tôi, đây cũng là thể loại VHDG tiêu biểu cho tài năng và trí tuệ của con người xứ Quảng nhất, bên cạnh các thể loại dân ca, hò vè là những giai điệu thoát thai từ đời sống tâm hồn của người dân quê tôi.
La Mai Thi Gia sinh năm 1980 tại Tam Kỳ. Công trình “Mô-tuýp trong nghiên cứu truyện kể dân gian: lý thuyết và ứng dụng” (xuất bản năm 2014, tái bản 2019) tạo ấn tượng khá tốt trong học giới, được giải Nhì của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chị là đồng biên soạn các bộ sách “Văn học dân gian An Giang” (2010), “Văn học dân gian Bến Tre” (2012); là chủ biên các bộ sách “Văn học dân gian Tiền Giang” (2018), “Văn học dân gian Vĩnh Long” (2019), “Văn học dân gian Đồng Tháp”, “Văn học dân gian Trà Vinh” (sắp xuất bản)... |
* VHDG Quảng Nam thú vị như vậy, nơi đây lại là quê hương của chị, nhưng chị vẫn chưa có công trình nghiên cứu liên quan nào...
Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Việc sưu tầm VHDG các tỉnh đồng bằng lẫn miền núi phía Bắc đã được các chi hội và hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã và đang làm rất tốt, với số lượng tác phẩm đồ sộ, liên tiếp được xuất bản.
VHDG khu vực miền Trung và Tây Nguyên (ngoài thể loại sử thi) có thể có tỉnh chưa được thực hiện sưu tầm với quy mô lớn, nhưng ở mỗi tỉnh cũng đã có kế hoạch sưu tầm và xuất bản bởi các cá nhân hoặc các nhóm tác giả (dù không phải tỉnh nào cũng làm tốt được việc này).
Từ những gì đã công bố, xuất bản, tôi nghĩ Quảng Nam cũng đang dần triển khai việc sưu tầm này trên diện rộng, ban đầu đã có những thành quả rất đáng ghi nhận.
Bộ “Văn học dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng” (4 tập, hơn 2.000 trang) do Nguyễn Văn Bổn sưu tầm, biên khảo, phát hành năm 2018, là một ví dụ tiêu biểu cho tình yêu và lòng đam mê của một nhà nghiên cứu dành cho di sản văn hóa truyền thống của địa phương mình.
Suốt mấy chục năm miệt mài sưu tầm, từ ấn phẩm được xuất bản đầu tiên năm 1983 cho đến bộ sách này là minh chứng của nhiệt huyết và trí tuệ của một nhà nghiên cứu và là một người con xứ Quảng.
Riêng về cá nhân mình, tôi cũng mong muốn sẽ góp phần vào việc nghiên cứu hoặc tiếp tục sưu tầm thêm các tư liệu VHDG Quảng Nam trong tương lai gần. Quảng Nam là một cột mốc quan trọng trong hành trình mở rộng lãnh thổ quốc gia về phương Nam, việc hiểu và cắt nghĩa đúng về VHDG sẽ giúp hiểu nhiều hơn về con người và văn hóa của mảnh đất rất giàu truyền thống này.
Gìn giữ và kế thừa
* Vùng đất Nam Bộ có điều gì hấp dẫn để chị dày công nghiên cứu nhiều công trình VHDG?
Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Bản thân chúng tôi dành ưu tiên cho vùng đất mới Nam Bộ, vì nơi đây chưa được quan tâm khai thác và lưu giữ nhiều như ở các vùng miền khác.
Khoa Văn học của chúng tôi là một khoa lớn của một trường đại học lớn của miền Nam, trong khoa chúng tôi lại có bộ môn Văn hóa dân gian được thành lập từ những ngày đầu. Chúng tôi có đủ năng lực và điều kiện về nhân lực lẫn kỹ năng, kiến thức để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và khó khăn này hơn là bất cứ đơn vị, cơ quan, ban ngành hoặc trường đại học nào trong khu vực.
Do vậy, đây vừa là nhiệm vụ cũng vừa là sứ mệnh của chúng tôi. Việc chúng tôi cần làm cho triệt để hiện nay là phải triển khai sưu tầm tối đa vốn liếng VHDG của toàn bộ các tỉnh miền Nam, gồm cả Tây Nam Bộ lẫn Đông Nam Bộ, nhằm công bố và lưu giữ vốn liếng văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một trong giai đoạn hiện nay.
Chúng tôi phải sưu tầm càng sớm càng tốt vì các nghệ nhân dân gian và người dân lớn tuổi còn lưu giữ văn học dân gian trong trí nhớ không thể ngồi đó mãi để đợi chúng tôi mà thế hệ trẻ hiện nay thì chẳng mấy mặn mà với vốn liếng văn hóa cổ xưa này.
* Có sự khác nhau nhiều không về VHDG trong đời sống truyền miệng và khi đã cấu thành văn bản?
Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Theo tôi là không nhiều, vì khi làm công việc chỉnh lý và biên soạn các tuyển tập VHDG của các địa phương sau mỗi chuyến sưu tầm điền dã, chúng tôi đều có ý thức giữ lại tối đa nội dung và hình thức của văn bản sưu tầm được.
Chúng tôi chỉ loại đi những tác phẩm không đầy đủ, không rõ nghĩa, trùng lặp nhau (số này rất nhiều), nhưng sẽ giữ lại các dị bản, giữ nguyên tiếng địa phương và cẩn thận chú thích.
Tuy nhiên, nếu từ văn bản đi ngược lại ra đời sống thì mỗi người khi sử dụng và truyền miệng đều có thể tham gia quá trình làm biến đổi tác phẩm. Có thể biến đổi về mặt hình thức ngôn ngữ, như sử dụng các thể thơ biến thể, thêm tiếng đệm, lót láy, phong cách kể chuyện cá nhân…
Hoặc về mặt nội dung, như thay tên địa danh, thay cách xưng hô, thay đổi những chi tiết phù hợp với văn hóa vùng miền… Chính quá trình này khiến VHDG luôn phát sinh dị bản và luôn luôn sống động.
* Theo chị, các sáng tác trong các lĩnh vực nghệ thuật ngày nay có thể kế thừa được các thành tố của VHDG không?
Tiến sĩ La Mai Thi Gia: Nhiều chứ, đặc biệt là trong thể loại truyền thuyết, văn học Việt Nam đương đại gần đây cho thấy sự lên ngôi của thể loại tiểu thuyết lịch sử, nơi các nhà văn mổ xẻ lại quá khứ, hoặc giải thiêng, hoặc thiêng hóa các nhân vật và sự kiện trong lịch sử, cũng như trong truyền thuyết.
Truyện cổ tích hay truyện thơ cũng là nguồn tư liệu quan trọng cho các nhà biên kịch trong việc sáng tác các kịch bản cải lương, kịch nói và điện ảnh. Ca dao dân ca thì từ trước đến nay vẫn luôn luôn là nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ dựa vào đó để tiếp tục viết nên những bản nhạc mang âm hưởng của các giai điệu truyền thống không chỉ của người Kinh, mà còn từ dân ca của các tộc người thiểu số.
Hoặc như nội dung của các truyện cười có tính châm biếm và đả kích của VHDG Quảng Nam, có thể được chắt lọc để viết thành các vở hài kịch đương đại, vừa chứa đựng tinh thần thời đại vừa bộc lộ được cái hóm hỉnh, duyên dáng, mà sâu cay, trong cái hài của cha ông ngày trước.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Lý Đợi
Nguồn: Báo Quảng Nam, ngày 19.9.2021.