Đại văn hào Nga Lev Tolstoy là một thiên tài ở trên nhiều phương diện. Ông là nhà văn, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà tư tưởng. Riêng sáng tác văn chương, ông đã để lại một lượng tác phẩm khổng lồ, trong đó, bên cạnh mảng văn xuôi (tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn), còn có một phần đáng kể là kịch.
Thái độ của nhà văn đối với kịch rất đặc biệt, nhiều mâu thuẫn. Một mặt ông xem đó là một ngành nghệ thuật “có ảnh hưởng nhất”, “quan trọng nhất”, là “công cụ quan trọng của tiến bộ”. Mặt khác, ông lại cũng tỏ ý coi thường hình thức kịch, cho nó giả tạo, thấp kém, chỉ dành cho những kẻ yếu đuối. Ông là nhà văn cổ điển Nga duy nhất để lại cả một quan niệm hoàn chỉnh về kịch, với hai luận văn lớn “Nghệ thuật là gì?”(1883) và “Về Shakespeare và về kịch” (1903). Nhà văn quan tâm và viết kịch hầu như suốt cuộc đời sáng tác của mình, và đặc biệt, như hiện tượng có tính biểu tượng, những vở kịch quan trọng nhất của nhà văn ra đời trong khoảng thời gian giữa thời điểm kết thúc của “cha đẻ nền sân khấu hiện thực truyền thống” A.Ostrovsky và thời điểm khởi đầu của nền kịch mới với A. Chekhov: vở “Quyền lực bóng tối” ra đời năm Ostrovsky qua đời (1886), và “Thi hài sống” xuất hiện đồng thời với “Ba chị em” của Chekhov (1900).
Bởi vậy, việc tìm hiểu nghệ thuật kịch của Tolstoy hết sức thú vị, và có ý nghĩa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, kịch của ông hầu như ít được nghiên cứu. Mới chỉ có “Quyền lực bóng tối” và “Thi hài sống” được dịch sang tiếng Việt (từ năm 1970 và chỉ in ronéo), và chưa vở nào được đưa lên sân khấu.
Công trình “Nghệ thuật kịch của Lev Tolstoy” của Giáo sư Nguyễn Hải Hà là một bổ khuyết cho khoảng trống này trong nghiên cứu Tolstoy ở Việt Nam. 298 trang chuyên luận giới thiệu vị trí của kịch trong sáng tạo của Tolstoy, phân tích sâu sắc những giá trị về nội dung và nghệ thuật của các vở kịch tiêu biểu “Quyền lực bóng tối”, “Thành quả giáo dục”, “Thế rồi ánh sáng loé lên trong tối tăm” và “Xác thây sống”
“…Kịch Tolstoy không chỉ có chỗ đứng danh dự trong lịch sử nghệ thuật kịch Nga, trong chừng mực nhất định, ông còn được coi là bậc thầy nghệ thuật kịch thế giới”, tác giả cuốn sách đã nhận định như thế ở phần dẫn nhập, và công trình “Nghệ thuật kịch Lev Tolstoy” của ông nhằm chứng minh cho điều đó.
Giáo sư Nguyễn Hải Hà là chuyên gia hàng đầu về văn học Nga ở Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều sách và giáo trình về văn học Nga như Lịch sử văn học Nga thế kỷ XIX, Văn học Xô viết, Thi pháp tiểu thuyết L.Tolstoy, Văn học Nga – Sự thật và cái đẹp.
Sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành tháng 8 năm 2006.