1. Sự vỡ mộng trong quá trình tái hiện phương Đông
Điểm quan trọng nhất trong tinh thần của dòng văn học hương xa (exotisme) của thế kỷ XIX chính là sự đi tìm cái gọi là « khác lạ ». Đã từ lâu, phương Đông là một đề tài hấp dẫn đối với văn học phương Tây, bởi phương Đông là ẩn chứa một thế giới huyền bí, kỳ lạ, một nguồn đề tài vô tận cho những sáng tác văn chương đi theo dòng hương xa này.
Theo quan điểm của Vitor Segalen, phương Đông được những tác giả phương Tây tiếp cận dưới hai góc độ : không gian và thời gian. Cảm quan chủ đạo của dòng văn học hương xa có nguyên nhân từ sự không thích ứng với hoàn cảnh hiện tại dẫn đến ý muốn thoát ly thực tế. Ta thấy quan điểm của học giả Edward Said có sự tương đồng vể ý kiến này Trong công trình Đông phương luận (Orientalisme) của mình, ông nhận xét rằng có hai phương Đông tồn tại trong trí óc của người phương Tây : “Phương Đông vừa là một thế giới cổ mà người ta muốn trở lại, như trở lại thăm vườn Eden hoặc Thiên đường,để xây dựng một phiên bản mới về thế giới cổ đó, đồng thời lại vừa là một nơi hoàn toàn mới mà người ta đến thăm như chuyến đi của Colombus đến châu Mỹ”. [1]
Về giá trị không gian, phương Tây xem phương Đông như một vùng đất mới cần được khai phá. Về giá trị thời gian phương Tây bày tỏ sự ngưỡng mộ và luyến tiếc với một thế giới phương Đông cổ điển đã lùi vào quá khứ. Sự biểu hiện rõ nhất cho ý muốn tái hình ảnh phương Đông cổ điển thể hiện ở các tác phẩm văn học tiếp cận những truyện kể lại về truyền thuyết xa xưa, những đề tài ma quỷ, kỳ quái. Ngược lại, sự thể hiện của ý muốn khám phá về không gian đuợc phản ánh rất rõ nét trong các tác phẩm du hành ký (récit de voyage). Tất nhiên hai quá trình này không diễn ra rời rạc, riêng biệt mà nó song song và hòa trộn, tương hỗ với nhau, thậm chí có mối liên hệ nguyên nhân – kết quả.
Nguyên nhân của ý muốn thoát ly thực tế ở xã hội phương Tây cuối thế kỷ XIX có liên quan chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Quá trình này là kết quả từ những cuộc cách mạng xã hội, mà theo như Marx nói, những cuộc cách mạng này lại được hình thành và bổ trợ nhờ quá trình khai thác thuộc địa ở phương Đông. Những cuộc cách mạng này là một bước tiến của lịch sử, tuy nhiên nó lại đặt những trí thức phương Tây vào một bối cảnh xã hội-lịch sử hoàn toàn mới. Sự thay đổi quá nhanh chóng của một xã hội sẽ dẫn đến việc làm rạn nứt những giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, con người bị đẩy vào tình trạng hoang mang trong ranh giới giữa những giá trị cũ và mới đan xen. Quá trình này đã diễn ra ở châu Âu thế kỷ XIX, và cao trào của nó chính là giai đoạn văn học suy đồi (décadentisme).
Song song với trào lưu này, ở phương Tây diễn ra một quá trình tìm đến phương Đông như một nguồn bảo lưu những giá trị nhân bản. Phương Đông được nhìn nhận là một thế giới tĩnh với những thay đổi chậm; thêm vào đó, nó chứa đựng một nguồn tư liệu về lịch sử và văn hóa lâu đời. Đến với phương Đông, người ta đối diện với cái cổ đại xa xưa và một không gian cách biệt với phương Tây đang rối loạn. Phương Đông chính là một nơi chốn để thoát ly, một hình thức giải thoát và một phương án để mang lại thế thăng bằng về tinh thần, phục sinh lại châu Âu già cỗi. Tư tưởng về sự tái sinh này xuất phát từ chủ nghĩa lãng mạn kết hợp với yếu tố tôn giáo của Cơ đốc giáo. Said nêu trong công trình của mình một dẫn chứng rằng Friedrich Schlegel và Novalis đã khuyên dân tộc mình nói riêng và người châu Âu nói chung nên đi sâu nghiên cứu Ấn Độ, vì nền văn hóa tôn giáo của đất nước này có thể đánh bại được nhưng tư tưởng khô cứng giáo điều của phương Tây. Phương Đông đã đem đến một sự giải phóng về trí tưởng tượng cũng như một nguồn cảm hứng, đề tài vô tận cho các nhà văn phưong Tây.
Tuy nhiên, quá trình tái tạo và lặp lại những kiến thức kinh viện của Đông phương luận đã đưa đến một kết quả là sự vỡ mộng của những người phương Tây khi họ đối diện với phương Đông hiện đại. Sức mạnh của châu Âu trong mối tương quan Âu- Á cùng với sự lệ thuộc vào văn bản truyền thống đã khiến cho những người phương Tây này không thể thích ứng và chấp nhận được thực tế của phương Đông đương đại. Kết quả là họ thực hiện một cuộc thoát ly kép : thoát ly thực tế ở phương Tây và thoát ly thực tế phương Đông hiện đại, bằng cách tìm đến thế giới phương Đông cổ điển với những truyền thuyết, đề tài lịch sử, huyền thoại, xứ sở của những giấc mơ và những ảo tưởng.
Bên cạnh đó, cùng với thời gian, những miền đất phương Đông đã không còn là những vùng đất hoàn toàn xa lạ. Mỗi nhà nghiên cứu, nhà sáng tác về đề tài phường Đông khi tiếp xúc với thực tế của chủ đề này đều đã mang sẵn trong mình những kiến thức, những hình ảnh nhất định, thu thập được từ sách vở, văn bản tồn tại trước đó về thế giới này. Chính vì thế, sự thất vọng, vỡ mộng khi đối diện với phương Đông thực tế là một điều khó tránh khỏi.
Said đưa ra ví dụ cho sự vỡ mộng này bằng một đọan trích trong thư Gerad de Nerval viết cho Theophile Gautier cuối tháng 8 năm 1843 như sau : “Tôi đã mất hết vương quốc này đến vương quốc nọ, hết miền này đến miền khác, già nửa phần đẹp đẻ của vũ trụ và ít nữa tôi sẽ không còn nơi nào làm chổ ẩn náu cho các giấc mơ của mình; nhưng chính Ai Cập mà tôi tiếc nhất là đã gạt ra khỏi trí tưởng tượng của mình vào lúc này khi tôi nhớ lại đất nước đó với lòng đượm buồn”[2]. Những vương quốc ảo mộng của Nerval tan biến khi chúng đối diện với những vùng đất thật và cụ thể.
Sự kết hợp của chủ nghĩa suy đồi (décadentisme), sự vỡ mộng và tinh thần của chủ nghĩa hương xa (exotisme) đã đưa đến một kết quả về tính đặc trưng trong chủ đề sáng tác. Nếu như trước đây, phương Đông vốn đã được nhắc đến nhiều bởi các hình ảnh khuôn sáo nhấn mạnh vào tính chất bạo lực, dã man, ghê rợn, chết chóc, bí hiểm, nhục dục thì tính chất này càng được khai thác mạnh mẽ ở giai đọan cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Một thể loại phổ biến trong dòng văn học hương xa chính là du hành ký. Một văn bản du hành ký đúng nghĩa phải mang tính chất khác với một bản báo cáo về du lịch, nó cần những cảm xúc, những ý kiến rất cá nhân, riêng biệt của người viết để mang lại sự tiếp cận mới mẻ cho một thế giới đã được nhận biết. Điều đáng chú ý ở đây là những kinh nghiệm chủ quan mà người viết dùng để áp dụng vào quá trình khám phá phương Đông không chỉ là những kinh nghiệm về phương Tây mà còn là kinh nghiệm về một « phương Đông khác », một phương Đông qua sách vở, tài liệu để lại của những người đi trước. Như thế những kiến thức, những kinh nghiệm về phương Đông qua sách vở kinh viện ấy được những nhà văn dùng làm cơ sở để « tái khám phá » thế giới phương Đông thật.
2. Sự vỡ mộng và những mâu thuẫn trong cái nhìn của Yourcenar :
Marguerite Yourcenar (1903-1987) là một nhà văn gốc Bỉ, di cư sang Pháp vào năm 12 tuổi và sau cùng bà định cư ở Mỹ. Trong suốt cuộc đời mình, bà du hành qua nhiều thành phố khác nhau, từ Paris, Lausanne, London cho đến Athens, Istanbul... Bà là nhà văn nữ đầu tiên được bầu vào viện Hàn lâm Pháp.
Trong suốt cuộc đời viết lách của mình, Yourcenar bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với chủ đề về phương Đông, trong đó có Nhật Bản. Rémy Poignault, qua việc nghiên cứu về thư viện riêng của Yourcenar, đã đưa ra những con số thống kê chứng minh cho niềm đam mê của tác giả này đối với nền văn học và văn hóa phương Đông.
“Trong số 6876 tác phẩm được kiểm kê, đánh gia sơ bộ cho thấy co khoảng 500 cuốn viết về đề tài Đông phương. [...] Những tác phẩm này rất đa dạng, nói về các đề tài như lịch sử, văn minh, nghệ thuật của Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và thậm chí cả của Tibet hay Thái Lan, có cả những tác phẩm triết học Nhật Bản bên cạnh những sách chuyên về trồng bonsai.[...]” [3]
Ngay từ thuở thiếu thời, Yourcenar đã tiếp xúc với những tác phẩm văn học Nhật qua các bản dịch và bà bày tỏ niềm ngưỡng mộ với nền văn hóa, văn học độc đáo của vùng đất này. Trong một cuộc phỏng vấn vào những năm gần cuối đời, Yourcenar phát biểu “Khi ai hỏi tôi rằng tôi yêu thích tiểu thuyết gia nào nhất thì tôi sẽ trả lời là Murasaki Shikibu. Bà chính là Marcel Proust của văn học trung đại Nhật Bản”.[4] Niềm yêu thích này được Yourcenar nuôi dưỡng và hoài thai thành hai tác phẩm đáng chú ý : Tình yêu cuối cùng của hoàng tử Genji (nằm trong tập Những truyện kể phương Đông) và tập du hành ký Le Tour de la prison(Vòng quanh ngục tù)
Tác phẩm Le Tour de la prison là thành phẩm sau lần tác giả đến thăm Nhật bản vào năm 1982. Tác phẩm bao gồm 14 bài viết và một bài diễn văn mà Yourcenar đã diễn thuyết ở Tokyo “Voyages dans l’espace et dans le temps (Du hành qua không gian và qua thời gian). Đối với Yourcenar, viết về bản thân cuộc hành trình chỉ là một lý do, một cơ hội để bà bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở về văn hóa, văn học, chính trị,... Trong trường hợp cụ thể này, ta nhận thấy thể loại du hành ký trở thành một phương tiện để mình chứng và đối chiếu những kiến thức tĩnh trong sách vở với hiện thực tồn tại.
Yourcenar đến với Nhật Bản với một vốn kiến thức dày dặn và sâu sắc về văn hóa văn học của đất nước này. Điều này đã được minh chứng qua lời nhận xét của một nhân chứng đã gặp gỡ và tiếp xúc với Yourcenar trong suốt thời gian bà thăm quan Nhật Bản : “Dù đến đây lần đầu tiên vào năm 1982 nhưng Yourcenar đã có những hiểu biết và suy nghĩ rất rõ ràng, thậm chí sâu sắc về những điều tương đồng giữa xã hội Nhật Bản hiện đại đã được viết trong những tác phẩm của ba nhà văn lớn : một nhà văn cổ điển và hai nhà văn đương đại : Murasaki Shikibu, Yukio Mishima và Junichiro Tanizaki.” [5]
Những gì Yourcenar quan tâm và am hiểu là những kiến thức thuần túy về văn học và văn hóa. Chính vì thế khi đối diện với một thực trạng Nhật Bản đang hiện đại hóa, công nghiệp hóa, Yourcenar bộc lộ rõ sự thất vọng của mình. Sự vỡ mộng này đưa đến kết quả là sự hoài hoài niệm về hình ảnh một Nhật Bản trong sách vở xa xưa mà bản thân Yourcenar xem đó như một vườn địa đàng trong quá khứ. Bà viết một cách cay đắng: “Mười một ngàn robot luôn có biểu cảm, chia thành từng nhóm nhỏ hay nhiều đẳng cấp hay thậm chí đơn lẻ ít nhiều gì phân biệt được, như chúng ta thôi. Tokyo-Toàn-Diện của trần tục và thanh nhã tầm quốc tế; Tokyo của chính trị, tài chính, cái này chồng chéo vào cái kia...” [6]
Song song với thái độ này là sự hoài niệm về một Tokyo cổ kính, một Tokyo với cái tên xưa cũ : Edo. Yourcenar cảm thấy hoàn toàn xa lạ với Tokyo mới mẻ, đầy những hình ảnh sáo rỗng của đời sống hiện đại. Những gì Yourcenar ôm ấp trong ký ức là một thành phố Edo cổ xưa truyền thống trong văn học Nhật, như trong tác phẩm của Saikaku, Hokusai và Utamaro. Điểm mấu chốt trong thái độ của Yourcenar là bà không chỉ bày tỏ sự chán ghét và thất vọng trước sự thay đổi của Tokyo mà bà còn tin rằng chính Tokyo đã dần phá hủy và thay thế dần những giá trị tốt đẹp của Edo, một Edo lãng mạn, trữ tình, một “Edo và những geisha mơ dưới trăng”. Yourcenar bình luận một cách cay đắng và châm biếm rằng “Cô thiếu nữ duyên dáng của Saikaku đã đốt cháy cả một quận trong đô thành chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho cuộc hẹn hò yêu đương, cô ấy hẳn sẽ có ít cơ may hơn với bê tông cốt thép và những tấm kính ngày nay, so với vật liệu từ rơm và giấy thuở xưa.”[7]
Theo Yourcenar, những điều tốt đẹp, những đam mê của nhân sinh nơi Edo ngày xưa đã mất dần đi cùng với những cao ốc, khách sạn cho tình nhân (love hotel), những xáo trộn, căng thẳng của đời sống công nghiệp. Thậm chí ngay cả giá trị của việc tự tử trong thời đại này đã thay đổi. Những áp lực của cuộc sống hiện đại khiến cho những hành động tự tử vì nổi loạn, phản kháng dần bị thay thế bởi tự tử a dua theo thời, theo mốt. Nếu như những ronin, những samurai, hay những tâm hồn quả cảm như Mishima thực hiện những cuộc tự sát để bày tỏ sự trung thành, sự băn khoăn nhân sinh về tương lai, vận mệnh đất nước, « cuộc tự sát vì lòng hoài cố, nỗi ưu tư và mệt mỏi vì cuộc tha hương quá xa trên con đường không biết dẫn về đâu »[8] thì cho đến thời hiện đại này, hành động tự sát diễn ra hoàn toàn tầm thường, trần tục. Tác giả bày tỏ niềm quan ngại và sự phê phán quá trình Âu hóa quá triệt để và nhanh chóng đang diễn ra trong lòng xã hội Nhật Bản.
Yourcenar cũng phần nào thể hiện sự thất vọng khi chứng kiến sự thay đổi trong sự bài trí sân khấu Nô. Bà cảm thấy bàng hoàng trước việc người ta thay thế vào sân khấu những đồ dùng đầy chất Tây phương như ghế phô-tơi và đèn điện. Áng sáng từ loại đèn này, theo Yourcenar, làm mất đi không khí lãng mạn và kỳ bí của những linh hồn trong kịch Nô.
Thái độ và phản ứng của Yourcenar trong cách bà tiếp xúc với xã hội Nhật Bản hiện đại rất tương đồng với những suy nghĩ của những nhà văn viết về phương Đông trước đó : ban đầu là sự vỡ mộng, thất vọng, sau đó là sự quay về, tôn sùng hình ảnh phương Đông trong quá khứ. Yourcenar không nhìn nhận sự biến đổi của xã hội theo hướng hiện đại hóa là một quá trình tất yếu tự thân mà bà xem nó như một kết quả của sự can thiệp và ảnh hưởng từ phương Tây.
Qua những trang viết của bà trong tác phẩm Le Tour de la prison, ta nhận thấy niềm say mê, ngưỡng mộ của tác giả với nền văn hóa cổ kính lâu đời của Nhật Bản. Nhưng trên hết, niềm say mê của Yourcenar với những giá trị văn hóa Nhật Bản không chỉ biểu hiện một sự yêu thích đơn giản mà đằng sau nó có những nguyên do phức tạp hơn nhiều.
Nếu để ý về tiểu sử và bao quát về sáng tác của tác giả, ta nhận thấy rằng Yourcenar sống và viết trong một giai đoạn lịch sử khá biến động với hai cuộc thế chiến, với những xung đột tư tưởng thời đại. Bà là người cùng thời với Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, André Malraux, Albert Camus. Bà có những mối liên hệ với những nhà văn bộc lộ quan điểm chính trị rất rõ ràng như Edmond Jaloux, André Fraigneau... Trong khi những nhà văn kia bày tỏ quan điểm của họ về những vấn đề chính trị, những biến cố thời đại thì Yourcenar dường như tự cô lập mình trong những sáng tác xoay quanh các chủ đề về lịch sử, thần thoại, phương Đông, văn học cổ điển... Sự lựa chọn này đã trở thành một nét phong cách rất riêng của Yourcenar. Bà không viết về chính trị, bởi có lẽ bà muốn tránh cái bẫy của Đông phương luận trong thế kỷ XX, tuy nhiên mối liên hệ chặt chẽ với những giá trị cổ điển đã đặt Yourcenar đối mặt với một tình thế mới : bà càng chìm đắm trong những giá trị xưa cũ này, thì bà lại càng khó thoát khỏi ảnh hưởng của những nhà nghiên cứu và sáng tác về đề tài phương Đông trước đó, như Gobineau, Flaubert, Chateaubriand. Đây chính là lý do đưa đến nhận xét của Rémy Poignault về tính chất của « phương đông » trong sáng tác của Yourcenar : « Phương Đông của Yourcenar trước tiên hết là một phương Đông tưởng tượng, như những quan niệm mà bà thu nhận được qua văn học, nghệ thuật. Đó là lý do giải thích cho vấn đề du hành của Yourcenar không bước ra khỏi được cái khung của những giai thoại. » [9]
Yourcenar tìm thấy trong nền văn hóa phương đông những giá trị đồng điệu với tâm hồn bà. Sự tìm kiếm những giá trị tương đồng ấy đặt ra một câu hỏi cho chúng ta rằng liệu nó có đưa đến một kết cục là chủ nghĩa Sùng Nhật (japonisme) – một bình diện thu gọn của Đông phương luận ?
Để hiểu được Yourcenar có đi vào lối mòn diễn dịch văn hóa và kiến thức theo hướng Đông phương luận hay không, ta phải trả lời được câu hỏi : Yourcenar tìm kiếm gì trong những giá trị của phương Đông ? Những kiến thức bà thu nhận được từ nền văn hóa này có ý nghĩa như thế nào với bà ? Bên cạnh việc nhận ra những điểm khác biệt, nêu ra những so sánh giữa hai nền văn hóa đông tây, ta thấy Yourcenar có ý thức đi tìm đến những giá trị chung, có tính chất vĩnh cửu, vượt qua rào cản về thời gian cũng như không gian địa lý. Bên cạnh đó, ta thấy rằng bản thân Yourcenar có ý thức về việc tránh khỏi những cái bẫy của Đông phương luận trong thế kỷ XX. Điều này được thể hiện rất rõ trong bài phát biểu của bà « Voyages dans l’espace et voyages dans le temps » (Du hành qua không gian và qua thời gian). Yourcenar phê phán mặt trái của những cuộc du lịch hiện đại. Trong những cuộc du hành này, hình thức văn hóa bản địa đã bị tước bỏ đi sự độc đáo của nó và bị đồng hóa với văn hóa phương tây, trong quá trình hiện đại hóa. Những chuyến đi cuối cùng chỉ là cái vỏ thỏa mãn sự tò mò đối với những điều mới lạ, mà không đoái hoài gì đến những giá trị văn hóa sâu sắc bên trong.
Chịu ảnh hưởng từ nền tảng ý thức hệ, triết học, tôn giáo phương tây, Yourcenar không thể hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của Đông phương luận. Tuy nhiên, bằng sự mẫn cảm và niềm đam mê với phương Đông cũng như vốn kiến thức sâu sắc và những cơ hội gặp gỡ trực tiếp với những bền văn hóa khác nhau, Yourcenar đã thể hiện sự ý thức luôn hướng về những giá trị vĩnh cửu, vượt qua những rào cản hạn chế của tư tưởng Đông phương luận.
Tài liệu tham khảo :
1. Edward Saïd, Đông phương học, Tủ sách tham khảo cơ bản khoa học xã hội và nhân văn, NXB Chính trị quốc gia, H. 1998, p.63.
2. Edward Saïd, Đông phương học, Tủ sách tham khảo cơ bản khoa học xã hội và nhân văn, NXB Chính trị quốc gia, H. 1998, p.104.
3. Rémy Poignault, “Marguerite Yourcenar et l’Orient : Panorama”, trong Marguerite Yourcenar et l’Orient, Bulletin no 16, SIEY, 1996, p.27
4. Marguerite Yourcenar, Les yeux ouverts, Paris, Centurion, 1980, tr.110
5. Jun Shiragi, « Madame Yourcenar au Japon », trong Le voyage de Yourcenar, C.I.D.M.Y, Bulletin no8, Bruxelles, 1996 , tr. 245.
6. Marguerite Yourcenar, Essais et mémoires, Gallimard, 1991, tr.628
7. Marguerite Yourcenar, sđd, p.631
8. Marguerite Yourcenar, sđd, p.630
9. Rémy Poignault, “Marguerite Yourcenar et l’Orient : Panorama”, trong Marguerite Yourcenar et l’Orient, Bulletin no 16, SIEY, 1996, p.27