Don Quijote và sự thật tư tưởng của Cervantes

Văn phong, cách dẫn chuyện của Cervantes cho đến nay đã có nhiều lỗi thời: dài dòng, mâu thuẫn và lặp không cần thiết, nhưng hạt nhân tư tưởng, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm vẫn toả sáng và âm vang qua mọi thời đại. Nhất là những bài học về sáng tạo, tiếp nhận và phê bình văn học vẫn còn có ý nghĩa thời sự đối với chúng ta.

Sự thật con người của Cervantes không phi thường như chúng ta nghĩ. Tôi hình dung ông ta chỉ là một gã quý tộc hết thời, gia đình sa sút, nghèo đến kiết xác. Truyền thống huy hoàng của công danh, quyền lực, tiền tài đã chấm dứt từ đời cha của ông. Ông thân sinh ra Cervantes phải làm ông lang băm để kiếm từng đồng xu nuôi vợ nuôi con. Còn ông, như một cái dấu chấm lửng não nề sau một bản anh hùng ca phù phiếm và vô nghĩa. Ông muốn kéo dài bản anh hùng ca dòng dõi quý tộc của mình, nhưng cái nỗ lực ấy chỉ biến nó thành khúc bi ca và hí kịch. Ông muốn được học nhiều chữ để đeo đuổi công danh, nhưng điều ấy thật phù phiếm. Chữ nghĩa không phải là nơi dành cho kẻ cơ hội. Ông lại chạy theo binh nghiệp, nhưng võ học đâu dung nạp một kẻ hám danh. Ông không ngồi trong nhà tù của bọn cướp biển thì cũng phải ngồi vào nhà tù của triều đại mà ông tôn thờ. Sự thật là thế. Cervantes đã cúc cung tận tuỵ phục vụ cho triều đình, nhưng phải đến ba lần ra toà, cuối cùng chết trong cái khố rách.

Cái phi thuờng đối với ông là con đường văn chương. Tôi tưởng tượng đến những đêm dài chàng quý tộc Cervantes nằm trong nhà tù trăn trở thao thức vì cái đói và cả vì công danh sự nghiệp mà thai nghén nên thằng con bệnh hoạn Don Quijote. Cái thằng con này lớn nhanh, nó bằng tuổi ông rồi già nua trước ông. Nó vừa đẹp ở lý tưởng lại vừa hèn kém về dục vọng, vừa mạnh mẽ ở thể lực lại vừa ngu xuẩn về tinh thần. Nó là bản sao của chính con người ông. Ông cho ra đời một thằng con như thế để ông cười về mình và cười về nhân tình thế thái. Don Quijote là sự tự nhận thức của chính nhà văn. Nhà văn không phi thường ở lý tưởng mà phi thường ở khả năng nhận biết sự thật con người của mình. Đó là con đường của văn chương hiện đại. Không cần đợi được lên Thánh, lên Tiên mới viết văn hay. Nhà văn là Quỷ,Quỷ ở với người.[1]Giá như ông đã có danh vọng, ông chỉ là một kẻvăn nôcho chế độ độc tài. Giá như ông giàu có, ông chỉ là hạngnhà văn đàng điếm. Một đoàn sứ giả Pháp sang Tây Ban Nha hâm mộ tài năng ông, thấy ông nghèo kiết xác, có người đã thốt lên, thương hại cho ông: “Sao! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư!”. Kẻ này thật chẳng hiểu gì về nghiệp văn. Cũng trong câu chuyện ấy, có một người khác tinh tế hơn, biết chút đỉnh về văn chương nghệ thuật, nói: “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo như ông làm giàu cho thiên hạ”.[2]Cái đáng tự hào của nghề văn chính là sự giàu có về tâm hồn trong cái sự nghèo đói và bức bách ấy.

Phê bình tác phẩm của ông, người ta chỉ thấy toàn cái vĩ đại. Ông yêu nước, thương dân và sống cuộc đời thanh bạch, “sự đồng cảm với nhân dân, tình yêu đất nước và tấm lòng nhân đạo chủ nghĩa đã từ trái tim nóng bỏng của nhà văn truyền vào tác phẩm của ông”.[3]Không có gì chắc chắn cả. Có chăng, đó chỉ là sản phẩm của một sự tuyệt vọng khi con đường công danh bất thành, những tham vọng bị đổ vỡ. Người ta còn hướng dẫn hai cách đọc: “Một là đọc trên những dòng chữ, và ta sẽ thấy toàn bộ pho sách là mũi nhọn tấn công vào tiểu thuyết kiếm hiệp; hai là đọc giữa những dòng chữ để tìm hiểu ý tứ sâu xa của tác giả và tác phẩm. Đọc theo cách thứ hai, ta sẽ thấy toát ra từ toàn bộ pho truyện một bài học nhẹ nhàng, ý nhị về chính nghĩa công lý tự do.[4]Nhảm nhí. Phô trương và đầy mâu thuẫn. Chẳng ai đọc thế. Trừ những người không tin vào cái đọc của mình, mê muội bởi lời phán truyền của người khác. Còn nữa, nhận định này dễ đưa người đọc rơi vào cái mê hồn của lý tưởng: “Với sự ra đời của nó, loại hình tiểu thuyết hiệp sỹ bị đào thải khỏi văn đàn”, “Ngày nay, khắp các nẻo đường Tây Ban Nha đau thương và quật khởi vẫn còn giữ mãi hình bóng chàng hiệp sỹ lang thang ra đi cứu giúp kẻ nghèo khổ bị áp bức, kẻ yếu bị bức hiếp, chà đạp”.[5]Thật vớ vẩn. Bốc lên như thế chẳng khác nào chửi vào đất nước Tây Ban Nha, một đất nước cho đến bây giờ vẫn còn sinh ra những thằng hiệp sỹ lang thang cuồng dại như Don Quijote. Điều Cervantes giễu cợt chính mình và sự huyễn hoặc của tiểu thuyết hiệp sỹ thời trung cổ, không ngờ có kẻ khen lấy khen để. Thương cho ông, lời khen ấy không dành cho tác phẩm của ông mà dành cho loại hình tiểu thuyết hiệp sỹ mà ông đã nhại nó. Lý tưởng tự do, tinh thần hành hiệp đâu phải do ông nghĩ ra mà nó đã có từ những tiểu thuyết hiệp sỹ ấy. Điều này lặp lại trò hề phê bình Truyện Kiều của Nguyễn Du. Khen Nguyễn Du với tấm lòng nhân đạo lớn, yêu thương những kiếp hồng nhan bạc mệnh, khác nào khen ông Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc, cha đẻ đầu tiên của Truyện Kiều. Hai trường hợp này khác nhau, nhưng có một điểm chung: phê bình lấy được, một kiểu phê bình dựa vào tiêu chuẩn đạo đức, chính trị. Tôi không phê phán những tiêu chuẩn đẹp đẽ ấy mà chỉ vạch ra cái sự lười biếng và vô cảm của một số người nghiên cứu, phê bình hiện nay. Cái tai hại của lối nghiên cứu, phê bình ấy là ở chỗ: nó tạo nên một lối mòn trong sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật, mở đường cho khuynh hướng nghiên cứu phê bình bầy đàn, ăn theo, nói leo,một thứ chủ nghĩa cơ hội trong tri thức, học thuật. Đây cũng là lý do, ở Việt Nam, ai cũng dạy văn và bình văn được: Cứ yêu nước, yêu nhân dân là tác phẩm tốt. Lãnh đạo cũng thấy an tâm về mặt tư tưởng. Chính trị, nói như một nhân vật trong truyện Nguyễn Huy Thiệp, “không cao siêu sẽ nhầm lẫn”, “vì chúng giả hình. Chúng nhân danh lương tâm, đạo đức, mỹ học, trật tự xã hội, thậm chí nhân danh cả dân tộc nữa”.[6]

Sự thật tư tưởng của Cervantes, theo tôi, không phải ở lý tưởng tự do, công lý, chính nghĩa nào cả. Đấy chỉ là một thứ lý tưởng cũ rích nảy sinh trong những cuộc đấu tranh của thời kỳ chiếm hữu nô lệ mà âm vang của nó vẫn còn qua các thiên sử thi, huyền thoại cổ đại. Cuối thời kỳ chiếm hữu nô lệ, tầng lớp quý tộc tiến bộ đã làm nên những trang sử huy hoàng trong công cuộc giải phóng nô lệ để tạo nên một cơ chế thống trị mới: chế độ phong kiến tập quyền. Tấm gương của những anh hùng được khuếch trương, cái lý tưởng tự do, công lý, chính nghĩa đã từng kéo hàng triệu người nô lệ vào cuộc đấu tranh ấy sẽ tiếp tục được duy trì để mị dân. Tiểu thuyết hiệp sỹ chẳng qua là sự kế thừa và phát triển cái di sản của huyền thoại, sử thi. Sự ngây thơ và ảo tưởng trong sáng tạo nghệ thuật đã vô tình tiếp tay cho một thế lực độc tài kiểu mới. Chính trị đến một giai đoạn lịch sử nào đó trở nên khôn ngoan, xảo quyệt hơn. Trừ những tên hôn quân vô đạo dám ngang nhiên biểu dương quyền lực và uy vũ của gông xiềng, còn kẻ làm chính trị bình thường nhất nào chẳng dại gì mà không căng cờ và giương biểu ngữ tán dương tự do, công lý, chính nghĩa. Nó là kếan dântốt nhất để cho kẻ có quyền được ung dung hưởng thụ. Tiểu thuyết hiệp sỹ thời trung cổ có chỗ đứng trong đời sống và được chế độ phong kiến duy trì, lợi dụng chính là ở lý tưởng này. Nó đánh đúng vào tâm lý yêu tự do của quần chúng và mê hoặc những tâm hồn ngây thơ, khờ khạo như Don Quijote. Đáng thương cho quần chúng khi những lý tưởng hào nhoáng ấy đã trở thành niềm tin, tín ngưỡng. Cái đầu to tướng của lý tưởng ấy đã thống trị phần thể xác còm cõi thê lương của con người. Người ta sẵn sàng chịu đựng đói rách, còng lưng ra làm việc để tôn thờ cái lý tưởng xa vời hiện thực mà giai cấp thống trị đã bịa đặt ra để đánh bóng cho sự bóc lột kiểu mới của nó.

Don Quijote, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha có tài ba đến mấy cũng không xoay chuyển nổi cái cỗ máy hoàn hảo của hiện thực. Trong lịch sử của nhân loại, không có cái cơ chế thống trị nào hoàn hảo hơn chế độ phong kiến. Nếu không, nó đã chẳng tồn tại đến cả ngàn năm. Nó biết tạo ra một thứtự do, công lý, chính nghĩa ảođể lừa dối con người. Thật mỉa mai, nhà quý tộc tài ba của chúng ta đã đọc biết bao nhiêu sách cuối cùng chẳng giác ngộ thêm một điều gì mới mà còn bị mê cuồng trong đống sách khổng lồ ấy. Không phải ngẫu nhiên mà Cervantes đặt trên giá sách của Don Quijote chỉ một loại sách. Từ quyển sách mở đường nhưAmadis nước Goleđến những quyển nhưDon Belanis, Tirante el Blanco… toàn “ăn theo”, “bịa đặt vô lý”, “với những câu văn kỳ quặc khó hiểu” và “sức mê hoặc ma quỷ” của những ảo vọng hoang đường. Đó là hình ảnh củamột sự độc quyền tư tưởng, tâng bốc, tung hê những anh hùng của quá khứ để làm rào chắn cho sự ăn chơi của bọn thống trị hiện hành. Don Quijote cũng như chính Cervantes đã phải chết ngây, chết dại, chết chìm vì sự cả tin mù quáng. Tiếng cười trong tác phẩm như một sự thức tỉnh sau những sai lầm và ngộ nhận cuồng điên.

Con đường phiêu lưu hành hiệp của Don Quijote được Cervantes miêu tả chẳng khác gì một sự kế thừa truyền thống, một sự kế thừa ngây ngô như cách “đánh bóng những vũ khí đã han rỉ của các cụ để lại, vứt ở xó đường từ bao thế kỷ nay”. Anh ta làm được gì khi sử dụng lại cái thanh kiếm cùn, chiếc áo giáp cũ đã rỉ sét và cái thau sắt thay cho chiếc mũ đã vỡ một mảng trống trên đầu kia. Thế giới này đâu còn những tên khổng lồ ngu xuẩn để anh ta đọ sức và những lọ thuốc thần linh thiêng để chữa trị vết thương trên người anh ta. Chiếc cối xay gió của thời đại độc quyền sẽ ném anh vào không khí như ném một thứ đồ chơi. Quyền lực của cái gọi là thanh gươm công lý sẽ ném anh vào núi rừng hoang dã để anh sống chung với khỉ mà tìm ra cái gọi là tự do, chính nghĩa. Ừ, thì cũng có lúc anh ta làm được một số việc có ích cho đời, như điều anh ta đã nói: “trả thù cho những người bị xúc phạm, bênh vực kẻ hèn yếu, uốn nắn những điều sai trái, phi lý, đả phá mọi lạm dụng bất công”. Nhưng đợc bao nhiêu với cái trò anh hùng thiểu năng trí tuệ ấy. Không cười được nữa, khi chàng hiệp sỹ của chúng ta sau lúc hành hiệp cứu người đã phải chạy trốn lên núi Morena với “tấm thân trần truồng nhồng nhỗng”, “lúc làm thơ, lúc than vắn thở dài, lúc kêu gọi thần đất, thần rừng, thần suối, thần Eco đau khổ và sướt mướt…”. Đấy là cái trơ trẽn của một chiến công, khúc ca ai oán của một anh hùng đã hết chức năng lịch sử.

Xét đến cùng, Don Quijote chỉ là một anh hùng ở cái vỏ của lý tưởng, một thứ lý tưởng đã đầu độc, nhồi sọ vào trong một tư chất kém cỏi. Điều đáng nói hơn nữa là, với cái tư chất kém cỏi ấy, anh ta ngộ nhận sự hiểu biết có vẻ mênh mông của mình. Anh ta nói huyên thuyên những điều trong sách vở, về tự do, công lý, chính nghĩa, nói như một cái máy mà chưa chắc đã hiểu gì. Không ngờ những điều này lại được một số người nghiên cứu, phê bình hiện nay khen là “tỉnh táo đến lạ thường”, “hấp dẫn đến lạ kỳ”, “sắc sảo và xác đáng”.[7]Sancho ạ, tự do là một trong những thứ của cải quý báu nhất mà thượng đế ban cho con người. Vì tự do, cũng như vì danh dự, có thể và cần phải liều mạng sống”. “Sancho ạ, con phải lấy nguồn gốc nghèo nàn của mình làm vinh quang. Đừng sợ nói cho mọi người biết rằng mình xuất thân là nông dân… Đạo đức, tự bản thân nó, có giá trị gấp bao lần dòng máu”. Lừa bịp và giả dối. Không có lời mị dân nào trơ trẽn hơn. Bởi vì nó đòi hỏi một sự hy sinh trừu tượng và mơ hồ. Cái đáng ghét nhất của Don Quijote là dùng lý tưởng cao siêu ấy để nguỵ trang cho sự hám danh và dại gái của mình. Anh ta chiến đấu cho nhân dân hay chỉ cho dục vọng của riêng mình? Thì đấy, anh ta có giải phóng cho ai được đâu, trừ lúc giải phóng cho mấy thằng ăn cướp; còn bản thân anh ta lúc nào cũng mơ tưởng được làm vua, được vang danh trong thiên hạ, bắt kẻ thù lẫn nạn nhân phải về làng Tobozo quỳ xuống chân nàng Dulxinea xinh đẹp để được ban ơn!

May mà Sancho có đầu óc thực tiễn hơn. Muốn hay không, Sancho vẫn phải yên vị với vị thế nông dân tôi tớ của mình mà phụng thờ ông chủ ngu xuẩn kia, nhưng anh ta chưa bao giờ tin những lời nói trên trời dưới đất ấy là sự thật. Cái Sancho cần là miếng cơm manh áo, sự sống cho chính mình đã, trước khi nói đến tự do. Tất nhiên, những điều nói ở trên kia hoàn toàn không phải chỉ là lỗi của Don Quijote. Lỗi của sách vở, lỗi của cả một ý thức hệ đã gặm nhắm vào đầu óc nông cạn của nhà quý tộc đã hết thời ấy. Don Quijote là hiện tượng điển hình của một cách tiếp thu tư tưởng thụ động, tiếp thu mà không có sự thanh lọc. Nó là hình ảnh của một bộ máy dây chuyền trong thời buổi chính trị, đạo đức đã được công nghệ hoá. Thiên tài của Cervantes chính là ở điểm này. Là người đã từng bị cuốn vào trong cái vòng xoáy của bộ máy dây chuyền ấy, Cervantes đã nhận ra sự ngớ ngẩn và lầm lạc của mình và thế hệ mình. Ông muốn thoát ra khỏi cái vai trò công cụ cho một thứ tư tưởng huyền ảo mông lung để trở về với những gì đời thường nhất. Ông đã cảnh giác cho đời sau về cái sự mê hoặc ma quỷ của những tư tưởng cao siêu thoát ly thực tế.

Xem chừng, mỗi chúng ta đã có trong mình con người Don Quijote.

Và, nó cũng là bài học cho sự đọc, tiếp nhận và phê bình văn học hôm nay.

 

Trung tuần tháng Năm, Ất Dậu

Nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2006/05/3B9AD2DB/

_____________________

[1]Xem Châu Minh Hùng, Cuộc tìm kiếm hình thức đa thanh mới của văn xuôi hiện đại qua tổ chức truyện của Nguyễn Huy Thiệp (http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/phe-binh/2006/03/3B9ACC18/)

[2]Lấy từ nguồn các sách ở phần giới thiệu về tiểu sử của Cervantes.

[3]Trần Duy Châu, Nguyễn Văn Khoả, Lương Duy Trung… Lịch sử Văn học Phương Tây, tập 1. NXB Giáo dục, 1979, tr117. Lưu ý những lần tái bản sau này vẫn chưa có gì đổi mới. Những câu văn phô trương và tối nghĩa này có lúc phải được “dọn vườn”. 

[4]Lời giới thiệu của dịch giả Trương Đắc Vị. Đôn Kihôtê, nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. NXB Văn học, tái bản 2001, tr 11.

[5]Cùng nguồn với chú thích 3. tr 125.

[6]Lời của giáo Triệu trong "Những bài học nông thôn".

[7]Cùng nguồn với chú thích 3. tr 119. Giọng văn “vỗ đùi” này thường gặp trong nghiên cứu phê bình ở Việt Nam.

 

Thông tin truy cập

63661298
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5016
17595
63661298

Thành viên trực tuyến

Đang có 1131 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website