Thơ Đường

 (Trần Trọng San, In trong " Những vấn đề ngữ văn " (Tuyển tập 40 năm nghiên cứu khoa học của Khoa VH&NN))

QUÁ TRÌNH DIỄN BIẾN CỦA THƠ ĐƯỜNG

Ðời Tống, Nghiêm Vũ, tác giả sách Thương Lang thi thoại, chia thơ Ðường làm năm thể là: Ðường Sơ thể, Ðại Lịch thể, Nguyên Hoà thể và Vãn Ðường thể.

Ðời Minh, Cao Bính, tác giả sách Ðường thi phẩm vựng, sửa đổi đôi chút cách phân định của họ Nghiêm, chia thơ Ðường làm bốn giai đoạn là: Sơ Ðường, Thịnh Ðường, Trung Ðường và Vãn Ðường.

Lục Khản Như và Phùng Nguyên Quân chia toàn bộ Ðường Thi làm hai thời đại lớn: từ Sơ Đường đến thời Thiên Bảo gọi là thời đại Lý Bạch, từ sau thời Thiên Bảo đến thời Vãn Ðường gọi là thời đại Ðỗ Phủ (Trung Quốc thi sử, quyển Trung, Cổ văn thư lục, Hongkong, tái bản 1964).

Tô Thuyết Lâm tái dụng ý kiến của Hồ Thích, tác giả sách Bạch thoại văn học sử, chia thơ Ðường làm năm thời kỳ:

1)   Thời kỳ kế thừa tác phong cổ điển của các đời Tề, Lương;

2)   Thời kỳ long thịnh của văn học lãng mạn;

3)   Thời kỳ đản sinh của văn học tả thực;

4)   Thời kỳ phát đạt của văn học duy mỹ;

5)   Thời kỳ suy đồi của thơ Ðường.)

Các luận giả đời sau phần nhiều đều theo cách phân chia của họ Cao, chỉ có ý kiến khác về niên đại cho từng thời kỳ (Cao Bính xếp Liễu Tông Nguyên, Hàn Dũ, Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Lý Hạ, Lư Ðồng, Mạnh Giao, Giả Ðảo vào thời Vãn Ðường. Hậu nhân thì xếp các nhà thơ này vào thời Trung Ðường).

Sơ Ðường bao quát thời gian từ năm đầu niên hiệu Vũ Ðức, đời Đường Cao Tổ (618) đến năm đầu niên hiệu Khai Nguyên, đời Ðường Huyền Tông (713), gần một trăm năm. Thơ Ðường bắt đầu phát triển; hình thức và nội dung dần dần hình thành và sung thực. Cái di phong thời Lục triều tuy còn vương sót, nhưng rồi lần lần phai lạt, nhường chỗ cho một phong khí mới, sẽ tạo nên sự hưng thịnh của thời Thịnh Ðường.

Thịnh Ðường bao quát thời gian từ năm đầu niên hiệu Khai Nguyên (713) đến năm đầu niên hiệu Ðại Lịch, đời Ðường Ðại Tông (766) chừng năm chục năm. Tình tự cuồng liệt, ý cảnh bao la, thể chế thuần thục, nghệthuật kỳ diệu. Thơ Ðường đạt đến cực điểm xán lạn huy hoàng.

Trung Đường bao quát thời gian từ năm đầu niên hiệu Ðại Lịch (766) đến năm thứ 9 niên hiệu Thái Hoà, đời Ðường Văn Tông (835), chừng 70 năm. Ðó là thời kỳ chuyển biến của thơ Ðường. Với thể chế hoàn toàn thành tựu, nội dung và kỹ xảo được chú trọng nhiều hơn cho được thêm thâm khắc, tinh tiến.

Vãn Ðường bao quát thời gian từ năm đầu Khai Thành, đời Ðường Văn Tông (836) đến năm thứ 2 niên hiệu Thiên Hựu, đời Ðường Chiêu Tuyên Ðế (905) chừng 70 năm. Thơ Đường kết thúc ở đây. Một thể tài văn học khác được sáng chế trong thời trước, nay được lưu ý, tôn trọng hơn, để rồi sẽ phát đạt, hưng thịnh trong thời đại sau: đó tà từ.

Thời Sơ Ðường (618-713)

Trong gần một trăm năm của thời kỳ này. Trung Quốc sống trong cảnh thái bình, an lạc. Có một vài cuộc rối loạn do sự chấp chính của nữ nhân (Vũ hậu, Vi hậu, Thái Bình công chúa), Nhưng những vụ biến động này chỉ giới hạn trong chốn cung đình hay ở một vài địa phương và cũng chóng bình định. Vì vậy thơ làm trong thời kỳ này phần nhiều là những bài ca tụng cảnh đất nước thanh bình, tán dương thịnh đức của triều đại, có văn từ hoa mỹ diễm lệ, thừa tập di phong của thời Lục Triều. Phong khí này lan tràn cả trong những tác phẩm ngoài loại ứng chế. Mãi đến Trần Tử Ngang, mới mở đầu một phong trào chống đối, gọi là Phản động phái.

Ðầu thời Sơ Ðường, phát khởi hai khuynh hướng thi ca, mà rồi đây ta sẽ thấy bành trướng mạnh trong thời Thịnh Ðường: Biên tái và Ðiền viên. Biên tái là loại thơ tả cănh sắc biên thuỳ và tâm tình của người lính thú. Những bài đầu tiên thuộc loại này như Tòng Quân Hành của Ngu Thế Nam, Thuật hoài của Nguỵ Trung, đều khơ i nguồn cảm hứng từ những cuộc chinh chiến vào khoảng cuối đời Tuỳ. Ðiền viên là loại thơ tả cuộc sống nông thôn đạm bạc, chất phác cùng những lạc thú thiên nhiên của nhàn nhân dật sĩ. Thuỷ tổ của loại thơ này là Ðào Uyên Minh đời Tấn, Thời Sơ Ðường, Vương Tích nối gót họ Ðào, làm ra nhiều bài như Quá Tửu gia, Dã vọng… có lời chân phác tự nhiên, không điêu trác hoa mỹ.

Nổi trội nhất trong số những nhà thơ diễm thể của thời kỳ này là Sơ Ðường tứ kiệt: Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương. Thơ của các nhà này tuy đã sát với sinh hoạt thực tế, nhưng vẫn còn có vẻ phù diễm, Ðỗ Phủ nhận định:

Vương Dương Lư Lạc đương thời thể,

Khinh bạc văn chương thẩn vị hưu.

Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt,

Bất phế giang hà vạn cổ lưu (Hý vi lục tuyệt cú)

(Vương, Dương, Dư, Lạc thể đương thời,

Văn chương khinh bạc cười không ngơi.

Các người thân với danh đều mất,

Còn mãi, giang hà muôn thủa trôi.)

Sau Tứ Kiệt, hai nhà thơ có uy quyền trên thi đàn là Thẩm Thuyên Kỳ và Tống Chi Vấn "Từ thời Kiến Anh đời Nguỵ cho đến thời Giang Tả (Ðông Tấn), luật thơ biến thiên nhiều lần, Thẩm Ước, Dữu Tín dùng âm vận phụ thêm, làm cho đối ngẫu tinh mật. Ðến Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn, thơ càng mỹ lệ, tránh các thanh bệnh, đặt câu, làm bài như cẩm tú thành văn. Học giả suy tôn, gọi là Thẩm Tống" (Đường thư văn nghệ truyện). Hai nhà này được coi là có công đầu trong việc hoàn thành thể luật thi. "Thơ ngũ ngôn đến Thẩm Tống, mới có thể gọi là luật" (Vương Thế Trinh).

Cùng nổi tiếng đương thời là văn chương tứ hữu (bốn bạn văn chương): Tô Vị Ðạo, Lý Kiều, Thôi Dung và Ðỗ Thẩm Ngôn. Lý Kiều được Ðường Huyền Tông khen là "Chân tài tử", nổi danh với Tô Vị Ðạo; người đời xưng là Tô Lý, liên tưởng đến cặp Tô Vũ, Lý Lăng đời Hán. Ðỗ Thẩm Ngôn là tổ phụ của Ðỗ Phủ; tính tình và tác phẩm đều có ảnh hưởng đến vị thi thánh sau này. Rồi đến Ngô trung tứ sĩ (bốn người học trò đất Ngô) là: Hạ Tri Chương, Bao Dung, Trương Húc và Trương Nhược Hư. Bài Xuân Giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư và bài Bạch đầu ông vịnh của Lưu Hy Di là hai bài trường thiên đặc sắc của thời Sơ Ðường.

Tất cả những bài thơ kể trên không ít thì nhiều đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ gọi là Ỷ mỹ phái.

Những nhà thơ chống lại quan niệm của phái Ỷ mỹ được xếp vào phái thơ gọi là Phản Ðộng phái. Chủ trương của phái này là cải biến tác phong các đời Tề Lương, khôi phục phong cách đời Hán Nguỵ. Lãnh tụ là Trần Tử Ngang. Trong bài tựa thiên Tu trúc của Ðông Phương Cầu, ông viết: "Cái tệ của văn chương kéo dài đã trăm năm rồi. Các đời Tấn Tống tuy không truyền dược phong cốt đời Hán Nguỵ, nhưng văn hiến còn có chỗ chứng minh được. Lúc nhàn rỗi tôi thường xem thơ làm trong các đời Tề Lương, thấy rằng vẽ mỹ lệ thì nhiều mà hứng ký thác thì ít, cho nên thường thở than. Trộm nghĩ đến cố nhân, tôi thường sợ phong khí chậm chạp, suy đồi, phong nhã không dấy lên được, vì thế trong lòng lo lắng không yên". Trần Tử Ngang rồi Trương Cửu Linh làm những bài thơ có nhan đề là Cảm Ngộ, chú trọng đến ý cảnh hơn là văn từ.

Thời Sơ Ðường, ngoài hai phái thơnghiêm chỉnh trên, còn có những nhà chuyên làm thơ bạch thoại có tính cách khôi hài, thông tục, gọi là "thơ đả du". Nổi tiếng nhất là Vương Phạm Chí và các vị tăng Hàn San, Phong Can, Thập Ðắc. Tuy phổ biến dễ dàng, các bài thơ bạch thoại không được người đời coi trọng.

Thời Thịnh Ðường (713-766)

Có thể gọi thời Thịnh Ðường là thời Ðường Minh Hoàng, vì có liên hệ mất thiết với vị vua này. Cuộc khởi loạn của An Lộc Sơn (năm 755) là cái mốc phân chia thời này ra làm hai giai đoạn: thái bình và tán loạn.

Trước loạn An Lộc Sơn là thời những bài thơ chứa đầy tình, nhạc và rượu. Cũng có những bài thơ tả tình quan tái và niềm khuê oán. Nhưng đó là tình cảm hào hùng của người chinh phu tuy biết "từ xưa chinh chiến mấy ai về" nhưng vẫn quyết "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao"; đó là nỗi nhớ nhung, sầu muộn của người cô phụ "lúc ngoảnh lại trông màu dương liễu", tuy có tê tái nhưng không bi thảm. Từ cuộc loạn ấy về sau, thi ca phản ánh một xã hội điêu tàn, thống khổ. Chiến địa không còn là cảnh hùng tráng đầy thi vị, mà là nơi ma than, quỉ khóc, xương trắng tả tơi. Những người lính thú bạc đầu nơi quan ải, những thiếu nữ thành ra cô phụ sau tối tân hôn, những người chồng phải gửi vợ nơi quê người, đất khách, và những người cha tủi hổ vì bất lực trước cảnh con thơ chết đói. Các bài như Tam Lại, Tam Biệt của Ðỗ Phủ cực tả cảnh chiến tranh tàn khốc, xã hội tối tăm, nhân dân đồ thán trong thời kỳ này.

Thơ thời Thịnh Ðường có thể xếp thành ba phái chính: Phái Biên tái, phái Ðiền viên và phái Xã hội.

Phái Biên tái có nguồn gốc xa xôi là Hoành suý khúc từ thời Lương. Ðến thời này, loại thơ Biên tái tăng tiến về cả hai mặt lượng và phẩm. Có những người chỉ cảm động về tình chinh phu, cô phụ, tưởng tượng ra cảnh quan ải biên thuỳ, rồi làm thơ. Ðó là trường hợp những bài như: Lương Châu từ của Vương Hàn, Xuất tái của Vương Chi Hoán, Vương Xương Linh, Tái hạ khúc, Tái thượng khúc của Lý Bạch… Nhưng cũng có những nhà thơ thực sống trong chốn nhung mạc, từng trải miền sông núi biên cương, như Cao Thích, Sầm Than… Chinh phụ ngâm khúc của Ðặng Trần Côn mượn rất nhiều ý và lời trong thơ biên tái thời Thịnh Ðường.

Phái Ðiền viên bắt nguồn từ thơ Ðào Uyên Minh thời Tấn. Vườn thông, giậu cúc và vò rượu của quan tể huyện Bành Trạch được nhiều văn nhân thi sĩ đời Ðường coi là ý nghĩ cao cả trong cuộc đời, là cảm hứng bất tận của thi ca. Trong thời kỳ này, phái Điền viên có những tác giả hữu danh như nhà ẩn sĩ phong lưu: Mạnh Hạo Nhiên, vị thi Phật Vương Duy với những bài thơ đầy điệu nhạc, ý hoạ, và vị thi tiên Lý bạch phóng khoáng hồn nhiên.

Lý Bạch là nhà thơ vĩ đại nhất thời Thịnh Ðường, trước loạn Thiên Bảo. Ý cảnh trong thơ ông cực kỳ bao la, rộng rãi. Tác phong gồm đủ mọi tính cách: hùng tráng, phiêu dật, trầm uất, cuồng phóng, diễm lệ, thanh u… Lời thơ buông thả tự nhiên, không có gò bó bởi cách luật, không điêu trác về kỹ xảo. Người ta yêu thơ Lý Bạch không những vì tác phẩm mà còn vì cuộc đời: tính khinh thế ngạo vật, tình nồng nhiệt đậm đà, và cái chết ôm trăng tuy khó tin nhưng chứa chan thi vị. Lý Bạch có hoài bão của một vị hiệp khách băn khoăn cứu khốn phò nguy, lại vừa có khát vọng của một đạo gia muốn siêu trần thoát tục. Tính chất nửa tiên nửa tục ấy chính là đặc điểm của thơ họ Lý. Thời Vãn Ðường, Bì Nhật Hưu nói rằng: "Từ khi nhà Ðường lập nghiệp tới giờ, ngữ ngôn ra ngoài trời đất, tư tưởng vượt xa quỉ thần, đọc xong thì thần ruổi tám cực, nghĩ rồi thì lòng ôm bốn bể; lỗi lạc dị thường, không phải là lời của thế gian, thì có thơ của Lý Bạch".

Phái Xã hội phát sinh do sự thúc bách của hoàn cảnh hồi hậu bán thời Thịnh Ðường. Cuộc loạn Thiên Bảo làm cho những người có cao vọng thần tiên cũng phải băn khoăn về trần tục, và những ẩn sĩ Chung Nam thắc mắc về những chuyện đời. Ðại biểu của phái Xã hội là thi thánh Ðỗ Phủ, tề danh vời thi tiên Lý Bạch. Thơ Hàn Dũ có câu: "Lý Ðỗ văn chương tại, Quang diễm vạn trượng trường" (Văn chương Lý Ðỗ còn, Ánh sáng dài muôn trượng). Lý Ðỗ là hai bạn thân, nhưng tác phong hoàn toàn khác nhau. Lý Bạch mặc cho cảm hứng phát xuất tự nhiên, còn Ðỗ Phủ thì dụng công điêu luyện. Thơ của họ Lý có tình cảm lãng mạn của một tài tử an mệnh, lạc thiên; thơ họ Ðỗ mang đậm tính chất hiện thực, phô bày sinh hoạt thực tế của nhân loại, diễn tả tâm tư thâm mật của con người. Thơ Lý Bạch khiến ngưới ta nhẹ nhàng "phơi phới như mọc cánh, lên tiên"; thơ Ðỗ Phủ vẽ đầy đủ thảm trạng xã hội, khiến người ta không khỏi bùi ngùi, ngao ngán. Lý Bạch nói lên niềm khát vọng siêu thoát, Ðỗ Phủ bày ra mối hệ luỵ nhân sinh. Lý Bạch xa ta: muốn theo, không được; Ðỗ Phủ gần ta: muốn dứt, không xong. Với tính cách nhân bản ấy, thơ Ðỗ Phủ càng đọc càng thấm thía, khi tuổi tác càng cao, kinh lịch càng nhiều. Trái lại, thơ Lý Bạch chỉ như một hớp rượu cay, say người nhưng chóng tỉnh, và khi tỉnh rồi, thì chỉ còn thoang thoảng hương vị thoáng qua. Nghệ thuật tác thi của Ðỗ Phủ rất tinh vi, xảo quyệt. Ông dùng hết mọi thể thơ, mà không thể nào không giỏi. Nhất là về lối thất ngôn luật thi, thì thi tài họ Ðỗ thật là không tiền, khoáng hậu. Học vấn rộng, kinh lịch nhiều, kỹ thuật tinh xảo, tình cảm cường liệt, tất cả những yếu tố ấy đặt ông lên địa vị "thi thánh" như lời suy tôn của Vương Thế Trinh đời Minh, và khiến ông xứng danh "tình thánh" như Lương Khải Siêu đã dâng tặng. Nguyên Chẩn thời Trung Ðường nói rằng: "Hết được mọi thể chế hôm nay, gồm được những cái độc chuyên của mọi người… Từ khi có thi nhân đến giờ, không ai bằng Tử Mỹ". Trong những thi phẩm Trung Quốc được ngoại nhân phiên dịch, thơ Ðỗ Phủ chiếm đa số; thậm chí có cả kẻ nguỵ tạo Ðỗ thi.

Bài Hoàng Hạc lâu, được coi là thiên cổ tuyệt xướng, là tác phẩm của Thôi Hiệu, người đồng thời với Lý Bạch.

Thời Trung Ðường (766-835)

Sau khi loạn An Lộc Sơn, Sử Tư Minh đã bình, tình hình vẫn còn phân loạn. Phiên trấn cát cứ, Hồi Ngột, Thổ Phồn quấy nhiễu, triều đình thối nát, loạn quan lộng quyền, đó là những nguyên nhân khiến xã hội bất an, nhân dân cực khổ. Tình trạng thi ca kém hẳn thời trước. Các nhà thơ chỉ quanh quẩn trong phạm vi cũ, không có gì mới mẻ đáng làm vinh diệu cho thi đàn. Nổi bật hơn cả là Bạch Cư Dị.

Trong thời Ðại Lịch (766-779), đời Ðường Ðại tông, có mười thi sĩ gọi là Ðại Lịch thập tài tử: Lư Luân, Cát Trung Phu, Hán Hoằng, Tiền Khởi, Tư Không Thự, Miêu Phát, Thôi Ðồng, Cảnh Vi, Hạ Hầu Thẩm và Lý Ðoan. Nổi tiếng hơn cả là Lư Luân, Tư Không Thự và Lý Ðoan với những bài thơ tống biệt làm theo thể ngũ ngôn luật thi.

Ngoài ra Lý Ích, Cố Huống cũng là những nhà thơ nổi danh đương thời.

Ðến thời Nguyên Hoà (806-820) đời Ðường Hiển Tông, và thời Trường Khánh (812-824) đời Ðường Mục Tông, xuất hiện thi hào Bạch Cư Dị thuộc phái thơ Xã hội của Ðỗ Phủ, chủ trương nghệ thuật vị nhân sinh. Trong tờ Dữ Nguyên Cửu thư, Bạch Cư Dị có nhận định sau: "Trong khoảng hai trăm năm nhà Đường hưng khởi, thi nhân nhiều không kể xiết. Những tác phẩm đáng nêu ra là 20 bài thơ Cảm ngộ của Trần Tử Ngang và 15 bài thơ Cảm hứng của Bào Phòng. Người đời xưng Lý, Ðỗ là thi hào. Tác phẩm của họ Lý thực là tài, thực là khéo, người ta không theo kịp; nhưng tìm những chỗ phong, nhã, tỷ, hứng, thì trong mười phần không có được một phần. Thơ họ Ðỗ rất nhiều, đáng lưu luyến có hơn môt ngàn bài, thông quán cổ kim, tường tận cách luật, còn hơn họ Lý. Nhưng kiếm những bài thơ như Tân An lại, Thạch Hào lại, Ðông Quan lại, Tái lư tử, Lưu hao môn, và những câu như: "Chu môn tửu nhục xú, Lộ hữu đống tử cốt", thì trong mười phần không có được hơn ba, bốn phần. Họ Ðỗ còn như thế, huống hồ những người không bằng ông?". Bạch Cư Dị muốn trở về với những tác phong phúng dụ, ý nghĩa khuyến gián mà Nho gia thường gán cho Kinh Thi, và vì chủ đích ấy, ông thích làm những bài dùng chữ thông tục, dễ hiểu, có thể gọi là thơ bạch thoại của đương thời. Với những bài Tân nhạc phủ Tần trung ngâm, Bạch Cư Dị là lãnh tụ của phái thơ Xã hội thời Trung Ðường. Ngoài những bài thuộc loại phúng dụ đó ra, những bài thuộc các loại nhàn thích, cảm thương và tạp lục của ông cũng có nhiều bài có giá trị. Nhưng trái với ý muốn của tác giả, phổ biến nhất và nổi tiếng nhất lại là những bài thơ trường thiên trữ tình: Trường hận ca tả mối diễm tình bi thảm của Ðường Minh Hoàng với Dương Quý Phi, và Tỳ bà hành nói lên tâm sự người thương phụ ở bến Tầm Dương.

Cùng chủ trương sáng tác và tề danh với Bạch Cư Dị, là Nguyên Chẩn. Người đương thời gọi hai ông là Nguyên Bạch, và những bài thơ bình dị của hai nhà này là Nguyên Hoà thể.

Lưu Vũ Tích là bạn thơ của Nguyên Bạch, nổi tiếng về những bài hoài cổ từ điệu uyển chuyển, thanh tân.

Phái Ðiền viên có các đại biểu là Vi Ứng Vật, Lưu Trường Khanh và Liễu Tông Nguyên, với những tác phẩm nhã đạm nhàn viễn, thanh dật chịu ảnh hưởng của Ðào Uyên Minh.

Thời Trung Ðường mở thêm cảnh giới thi ca khác: đó là Quái Ðản phái. Các nhà thơ phái này ưa chuộng sự kỳ dị , hiểm tích trong việc đặt câu, dùng chữ, gieo vần. Lãnh tụ phái Quái đản này là Hàn Dũ, cũng chính là nhà đại văn hào phản đối biền lệ, vận động phục cổ. Châu tuần các vì sao Bắc Ðẩu này, có Mạnh Giao "Khổ ngâm", Giả Ðảo "Thôi xao" và Lý Hạ được tiếng "Quỷ tài".

Cuối cùng phải nhắc đến một bài thơ nhiều người truyền tụng: Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế, Tiết phụ ngâm của Trương Tịch, Ðề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ và Kim lũ y của Ðỗ Thu Nương. Ðỗ Thu Nương là một nữ lưu nhân vật, nổi danh tài sắc một thời: "Ả Thu Nương ghen lúc điểm tô" (Tỳ bà hành).

Thời Vãn Ðường (836-905)

Tình trạng, chính trị, kinh tế, xã hội càng ngày càng suy đồi. Quan lại tham nhũng, thuế má nặng nề, thưởng phạt bất công, những nguyên nhân ấy đưa đến loạn Vương Tiên Chi (874) rồi loạn Hoàng Sào hơn trong 10 năm, làm sụp đổi nhà Ðường. Lịch sử tái diễn cảnh hổn độn khoảng cuối đời Tuỳ, văn học trở lại duy mỹ lúc Ðường Sơ. Trước kia có phái Ỷ mỹ, bây giờ có phái Chi Phấn, tràn ngập phong khí hoa diễm lãng mạn.

Ba nhà thơ nổi trội nhất thời này là: Lý Thương Ẩn, Ðỗ Mục và Ôn Ðình Quân.

Lý Thương Ẩn là tác giả những bài thơ tượng trưng, tả những nối tình u uẩn, có nhan đề là Vô đề. Ông rất tài tình trong khi sử dụng thể thơ thất ngôn luật thi, khiến ta liên tưởng đến Ðỗ Phủ thời Thịnh Ðường.

Ðỗ Mục thì sở trường về thể thất ngôn tuyệt cú, tề danh với Lý Thương Ẩn, kết thành cặp Lý Ðỗ của thời Vãn Ðường. Người đời gọi ông là Tiểu Ðỗ, để phân biệt với Ðỗ Phủ là Lão Ðỗ.

Ôn Ðình Quân cũng nổi tiếng ngang với Lý Thương Ẩn; người đời gọi là Ôn Lý. Ông là vị "Khai sơn đại sư" của lối từ trường đoản cú; chính nhờ từ ông mà từ mới tách khỏi thi để trở thành một thể riêng biệt.

Phái thơ này có những tác giả khác như: Hàn Ác, Ngô Dung, Bì Nhật Hưu, Lục Quy Mông… nhưng tác phẩm ít và không mấy giá trị.

Ngoài ra, có Tư Không Ðồ, Trịnh Cốc, Hứa Hồn, Lý Quần Ngọc, Triệu Hỗ, Chu Khánh Dư, Tào Ðường, Trần Ðào, Vi Trang là tác giả của một số bài đáng kể.

Nhà thơ Xã hội Vi Trang nổi tiếng về bài Tần phụ ngâm, dài 1600 chữ, tả cuộc binh loạn Hoàng Sào. Tiếp theo là Ôn Ðình Quân, ông là từ gia vĩ đại của thời Ðường.

Nhà thơ thần tiên Tào Ðường với những bài Thiên Thai, đem lại cho thi ca thời này một sắc thái mới.

Thời Vãn Ðường có hai nữ thi nhân là Ngư Huyền Cơ và Tiết Ðào. Ngư Huyền Cơ trước làm danh kỹ sau làm đạo sĩ. Tiết Ðào rất quen thuộc với chúng ta, với hình ảnh "lá gió, cành chim".

Về thơ Bạch thoại, thời này có mấy nhà nổi tiếng là La Ẩn, Ðỗ Tuân Hạc và Hồ Tăng.

Hết thời Vãn Ðường, thi tạm coi là kết thúc, nhường chỗ cho thể từ trường đoản cú, phát triển trong thời Ngũ Ðại rồi hưng thịnh trong đời Tống.

CÁC THỂ THƠ TRONG ÐƯỜNG THI

Ðường thi tam bách thủ (Ba trăm bài thơ Ðường) là cuốn hợp tuyển gồm những được cho là tiêu biểu của thi ca đời Ðường. Ta có thể căn cứ vào sự phân loại trong sách này, lấy thể thơ làm tiêu chuẩn, chia thơ Ðường ra làm sáu loại sau: ngũ ngôn cổ thi, thất ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật thi, thất ngôn luật thi, ngũ ngôn tuyệt cú, thất ngôn tuyệt cú. Trong mỗi loại, ở phần dưới, là những bài nhạc phủ làm theo thể thơ thuộc loại ấy.

Cổ thể hay cổ phong

Thể thơ này không có luật lệ nhất định. Không hạn định số câu. Cách gieo vần rất rộng rãi, uyển chuyển. Có thể dùng độc vận (một vần), liên vận (nhiều vần) hay không hiệp vận. Vận chính là các vận thuộc cùng một vận bộ. Vận thông là các vận thuộc hai vận bộ khác nhau, có âm thanh tương tự. Vận chuyển là những vận có âm vốn không giống nhau. Ngoài ra, thể này không phải theo niêm, luật, cũng không bắt buộc phải có đối ngẫu.

Những bài thơ làm theo thể này gọi là cổ thi, bắt đầu xuất hiện vào đời Hán. Có ngũ ngôn cổ thi và thất ngôn cổ thi; trong đó có thể xen những câu dài hoặc ngắn hơn. Trước kia người ta cho rằng thể ngũ ngôn cổ thi khởi đầu từ các bài Hà Lương tặng đáp của Tô Vũ và Lý Lăng. Thực ra những bài này là nguỵ tác của người đời sau. Một thuyết khác cho rằng Cổ thi thập cửu thủ (Mười chín bài cổ thi) do Mai Thặng đời Hán Vũ Đế làm ra những bài cổ thi đầu tiên. Hiện nay người ta công nhận thuyết ấy, nhưng nghi ngờ những bài này đều không phải là của Mai Thặng, mà có lẽ là tác phẩm của nhiều người. Còn thể thất ngôn cổ thi, cho đến nay người ta vẫn cho rằng khởi đầu từ bài thơ Bách Lương làm theo lối liên cú đời Hán Vũ Đế. Sử chép rằng năm thứ 3 niên hiệu Nguyên Phong (108 trước Công nguyên), vua Hán Vũ Đế xây đài Bách Lương, rồi xuống chiếu cho quần thần làm thơ thất ngôn, hễ ai làm được thì được lên ngồi trên đài này.

Cận thể hay kim thể

Người đời Đường gọi lối thơ tuyệt cú và lối thơ luật là cận thể hay kim thể, để phân biệt cổ thể hay cổ phong nói trên. Thơ cận thể thật ra đã xuất hiện trong đời Lục Triều, sau công trình biện biệt tứ thanh của nhóm Thẩm Ước (Thẩm Ước là tác giả sách Tứ thanh phổ, người thời Vĩnh Minh (483-493), đời Tề), và việc phân định vận của nhóm Lục Pháp Ngôn (Lục Pháp Ngôn là tác giả sách Thiết vận, người đời Tuỳ Văn Đế (581-640)). Nhưng đến đời Ðường, mới có sự phân biệt rõ rệt thơ cổ với thơ cận thể.

Luật thi

Tiền Mộc Yêm, tác giả sách Ðường âm thẩm thể nói rằng: "Luật đây là sáu luật, là luật hoà hợp âm thanh. Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm". Có thể giải thích thêm về thể cách của thi như sau:

a) Trong một câu, bằng trắc cần phải điều tiết;

 b) Trong khoảng hai câu liền nhau, sự đối ngẫu cần phải khéo;

 b) Trong một bài, âm thanh cần phải chọn sao cho có sự cao thấp, bổng trầm.

Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của luật thi là niêm, luật và đối.

Về đối ngẫu, Lưu Hiệp đời Lục Triều, tác giả sách Văn tâm điêu long, đã phân biệt bốn cách là: Ngôn đối, Sự đối, Chính đối và Phản đối. Ngôn đối là đối bằng lời suông. Sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu mỗi câu trình bày một sự việc nhưng nói lên cùng một ý, là chính đối. Nếu hai sự việc đó trái ngược nhau, thì gọi là phản đối. Sự đối và phản đối khó làm hơn và có giá trị hơn là ngôn đối và chính đối.

Ðến thời Sơ Ðường, Thượng Quan Nghi phân biệt sáu cách đối là:

1) Chính danh đối, như thiên địa đối với nhật nguyệt;

2) Ðồng loại đối, như hoa diệp đối với thảo mao;

3) Liên châu đối, như tiêu tiêu đối với hách hách;

4) Song thanh đối, như hoàng hoè đối với lục liễu;

5) Ðiệp vận đối, như bàng hoàng đối với phóng khoáng;

6) Song nghĩ đối, như xuân thụ đối với thu trì (Theo sách Thi uyển loại cách).

Một bài luật thi hoàn chỉnh dùng vào việc ứng chế, ứng thí, có thể định nghĩa là một bài thơ tám câu hoặc năm chữ ngũ ngôn luật thi hoặc bảy chữ thất ngôn luật thi, phải theo những qui tắc nhất định về niêm, luật; bốn câu 3,4 và 5,6 phải đối nhau từng đôi một.

Tuy nhiên, ta thấy rằng ngoại trừ khi ứng chế hoặc ứng thí, người đời Ðường thường dùng thể luật thi một cách uyển chuyển, rộng rãi.

Ngoài những bài có bốn câu giữa đối nhau, cũng có những bài hoặc hoặc tám câu toàn đối, hoặc sáu câu, hoặc hai câu đối nhau, không nhất định.

Về niêm, cũng có những bài không giữ đúng lệ (thất niêm).

Về luật, sự sử dụng "ảo cú" làm cho quy tắc bớt chặt chẽ, câu thơ có âm điệu biến đổi bất thường. Ảo cú là câu thơ trong đó có chữ đáng bằng đổi thành trắc, hay đáng trắc đổi ra bằng, không theo cách thường. Thí dụ:

Ngã ký sầu tâm dữ minh nguyệt,

Tuỳ quân trực đáo Dạ Lang tây (Lý Bạch).

(Lòng sầu ta gởi cùng trăng sáng,

Theo gót người đi đến Dạ Lang).

Ánh giai bích thảo tự xuân sắc,

Cách diệp hoàng ly không hảo âm (Ðỗ Phủ).

(Soi thềm, cỏ biếc còn tươi thắm;

Cánh lá, oanh vàng vẫn hót hay).

Về vận, bài luật thi bắt buộc phải dùng vận chính (không được dùng vận thông, vận chuyển), căn cứ vào cuốn qui định vận bộ do triều đình ban hành. Ðời Ðường Huyền Tông có cuốn Vận anh, cải biên theo cuốn Thiết vận của Lục Pháp Ngôn đời Tuỳ, rồi cuốn Ðường vận của Tôn Miễn, bổ khuyết sách trên.

Về việc dàn ý, bài luật thi vốn có bố cục như sau: các câu 1, 2 là khởi (khai), các câu 3, 4 là thừa, các câu 5, 6 là chuyển, các câu 7, 8 là hợp (hạp). Ngoài các câu đầu và kết ra, trong những câu giữa, muốn nói gì cũng được, không có lệ nhất định. Chỉ trong những khoa thi về sau, bài luật thi mới có bố cục chật hẹp (phá, thừa, thực, luận, kết).

Khoảng đời Thanh, Kim Thánh Thán phê bình luật thi đời Ðường, có đề xướng cách "phân giải" như sau:

8 câu chia làm 2 giải: 4 câu đầu gọi là tiền giải, 4 câu sau gọi là hậu giải. "Hai câu 3, 4 chuyên thừa cho hai câu 1, 2, mà các câu 1, 2 thì có dụng ý cao trội hơn và còn nghiêm ngặt hơn, so với các câu 3, 4; hai câu 5, 6 chuyển xuống thành hai câu 7, 8, mà các câu 7, 8 thì hàm sâu xa hơn và còn mật thiết hơn, so với các câu 5, 6. Ðâu có thể lấy hai chữ "khởi", "kết" mà bôi bỏ đi hết bao nhiêu tâm huyết của cổ nhân!" (Kim Thánh Thán tuyển phê Ðỗ thi).

Tuyệt cú

Trong dân ca đời Lục Triều, đã thấy những bài bốn câu năm chữ hoặc bảy chữ. Các nhà thơ mới phỏng theo đó mà làm ra những bài bốn câu ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn. Ðến đời Ðường, lối thơ bốn câu này rất thịnh hành và được gọi là "tuyệt cú". Sau khi có luật thi, lối tuyệt cú vô hình trung đồng hoá trong thể thơ này. Vì thế, người ta thường ngộ nhận tuyệt cú là bài thơ do sự cắt bài luật thi mà thành. "Tứ nghĩa là bốn; tuyệt nghĩa là dứt, ngắt. Lối này gọi thế vì thơ tứ tuyệt là ngắt lấy bốn câu trong bài thơ bát cú mà thành" (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu). Do đó thơ tuyệt cú cũng phải tuân theo nhưng quy tắc về niêm, luật, vận như luật thi, và cũng có hai thể ngũ ngôn và thất ngôn.

Chính vì sự mơ hồ trong vấn đề nguồn gốc của lối thơ tuyệt cú mà phát sinh ra một cách cắt nghĩa khác về chữ "tuyệt": "Tuyệt là tuyệt diệu, mỗi câu chiếm một địa vị đặc biệt. Chỉ trong bốn câu mà thiển thâm, ẩn hiện, chính kỳ, phục khởi đủ cả, cho nên gọi là tuyệt" (Bùi Kỷ, Quốc văn cụ thể).

Trong một bài tuyệt cú, câu 1 là khởi, câu 2 là thừa, câu 3 là chuyển, câu 4 là hợp. Bài Khuê oán của Vương Xương Linh là thí dụ điển hình của bố cục thơ này.

Khi làm thơ tuyệt cú, các nhà thơ đời Ðường cũng có thái độ như khi làm luật thi, nghĩa là không chịu sự câu thúc chặt chẽ của quy tắc.

Tóm lại, lối thơ cận thể với trật tự cẩn nghiêm, tề chỉnh, nói lên ảnh hưởng của Nho giáo, là một thành công lớn của người đời Ðường và là một bước tiến quan trọng của thi ca Trung Quốc.

Nhạc phủ

Nhạc phủ là một loại thơ làm theo nhiều thể khác nhau và có công dụng trong ca nhạc. Ðời Ðường, nhạc phủ gồm có những bài thơ cổ phong, luật thi và nhất là tuyệt cú. Vương Thế Trinh đời Thanh nói rằng: "Thơ tuyệt cú của ba trăm năm đời Ðường chính là nhạc phủ của ba trăm năm đời Ðường".

Những bài thơ dùng trong ca nhạc đã có từ lâu, từ thời của Kinh Thi và có thể trước nữa. Nhưng chỉ từ đời Hán Vũ Đế, danh từ "nhạc phủ" mới được dùng để chỉ thể thơ. Ðời Hán Huệ Đế, nhà vua thiết lập một cơ quan gọi là Nhạc phủ lệnh. Ðến đời Hán Vũ Đế (140-86 trước Công nguyên), Nhạc phủ có quy mô mở rộng hơn, với Lý Diên Niên làm chức Hiệp luật đô uý. Từ đó trở đi, Nhạc phủ được dùng để chỉ loại thơ có thể hợp nhạc, và trở nên một thể thơ. Cuối đời Ðông Hán, vào thời Kiến An (196-220), ba cha con họ Tào (Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực) làm ra nhiều bài nhạc phủ cổ áo, bi tráng, nổi tiếng một thời. Ðến thời Nam Bắc Triều, các điệu nhạc mới của ngoại quốc du nhập nhiều. Nhạc phủ xưa không còn hợp với âm luật mới nữa; nhưng vẫn còn nhiều nhà thơ dựa theo những bài nhạc phủ cũ để làm ra những bài mới, tuy gọi là nhạc phủ, song thực ra không còn được dùng trong ca nhạc.

Xét về nhạc phủ đời Ðường, ta thấy có thể chia ra làm bốn loại sau:

1) Những bài ca giao miếu, giống như Tụng trong Kinh Thi, không có giá trị về mặt văn chương. Thí dụ: bài Phong Thái sơn nhạc của Trương Thuyết.

2) Những bài thơ làm theo đề mục cũ của nhạc phủ, tuy có hay về mặt văn chương, nhưng không còn được dùng trong ca nhạc. Thí dụ: các bài Tương tiến tửu, Quan san nguyệt của Lý Bạch.

3) Những bài tân nhạc phủ có ý phúng dụ giống phong cách đời xưa, cũng không thể hợp nhạc. Thí dụ: 50 bài Tân nhạc phủ của Bạch Cư Dị.

4) Những bài thơ nổi tiếng được các linh quan của Lê viên phổ nhạc. Loại này có giá trị nhất, vì đích thực là nhạc phủ, lại vừa là kiệt tác xét về mặt văn chương. Ðó là những bài thơ tuyệt cú của Vương Chi Hoán, Vương Xương Linh, Vương Hàn, Cao Thích, Vương Duy…

NGUYÊN NHÂN SỰ HƯNG THỊNH CỦA THƠ ĐƯỜNG

Tất cả các nhà phê bình văn học đều công nhận rằng đời Đường (618-907) là thời đại hoàng kim của thơ ca Trung Quốc. Bộ Toàn Đường thi ấn hành năm 1707 gồm 900 quyển, hợp thành 30 tập, chép 48.900 bài thơ của hơn 2.200 thi nhân đời Đường (Đời Tống, Kế Hữu Công soạn bộ Đường thi kỷ sự, gồm 81 quyển, chép thơ của 1.150 tác giả. Đời Minh, Cao Bính soạn bộ Đường thi phẩm vựng, gồm 90 quyển, chép hơn 5.700 bài thơ của 620 tác giả, sau lại bổ sung hơn 900 bài của 61 tác giả, làm thành 10 quyển thập di. Năm thứ 44, niên hiệu Khang Hy, đời Thanh (1705), vua Thánh Tổ dùng bộ Đường ấn thống thiêm làm căn bản, đem Toàn Đường thi tập chứa trong nội phủ ra, sai soạn thành bộ Toàn Đường thi (ấn hành vào năm 1707). Nếu đem số thơ này so với tổng số thơ làm ra trong bảy, tám trăm năm của tám đời (Đông Hán, Nguỵ, Tấn, Tề, Lương, Trần, Tuỳ), thì thấy nhiều gấp mấy lần. Nhưng đó chỉ là xét về lượng. Thực ra trong lịch sử thi ca Trung Quốc, thơ đời Đường sở dĩ được người ta chú ý đến nhất, yêu chuộng nhất, chính là vì thời ấy đã xuất hiện những nhà thơ vĩ đại, có khuynh hướng sáng tác khác nhau, và nghệ thuật đạt đến mức thuần thục, hoàn hảo, khiến cho thơ của những đời kế tiếp chỉ là những bài mô phỏng, những thi sĩ đời sau chỉ là những đệ tử truyền thuật, và hễ nói đến thơ Tàu,người ta hầu như chỉ nói đến thơ Đường.

Về thi ca, Đường là thời đại nổi trội đặc biệt, có thể nói là không tiền khoáng hậu. Nhưng cái gì đã tạo nên sự hưng thịnh của Đường thi, đó là một vấn đề khó biện giải thoả đáng. Vì thế mà các luận giả đành phải liệt kê ra một số sự kiện, coi đó là những nhân tố góp phần tạo lập nên sự hưng thịnh này.

1. Lòng trọng văn của vua chúa.

Hầu hết các vua nhà Đường đều yêu chuộng thơ văn. Đường Thái Tông khi còn là Tần Vương, đã mở Văn học quán, làm nơi hội họp các văn nhân. Khi lên ngôi, lại thiết kế Hoàng văn quán, thâu thập hơn 20 vạn cuốn sách, rồi cùng nghiên cứu, thảo luận với 18 quan Bác sĩ, trong đó có Đỗ Như Hối, Phòng Huyền Linh, Khổng Dĩnh Đạt, Ngu Thế Nam. Sách Tân Đường thư chép rằng, Thái Tông thường làm những bài cung thể diễm thi, rồi sai Ngu Thế Nam hoạ. Ngu Thế Nam bèn tâu can rằng: "Tác phẩm của bệ hạ rất hay, nhưng thể không nhã chính. Hễ bề trên ưa thích cái gì, thì kẻ dưới sẽ yêu thích nhiều hơn. Thần e rằng những bài thơ này một khi đã lưu truyền rồi, thiên hạ sẽ hùa theo mà làm".

Những sách như Cổ Kim thi thoại, Tiểu thuyết cựu văn, Toàn Đường thi có chép một số giai thoại chứng tỏ Đường Thái Tông là một người rất yêu thơ. Khi Vũ hậu lâm triều, cũng từng xuống chiếu sưu tầm các sách thất lạc, để phát triển văn học. Đời Đường Trung Tông, vào ngày rằm tháng giêng hằng năm, nhà vua tổ chức ngày hội văn rất long trọng, quần thần đều phải dâng thơ chúc tụng. Đường Huyền Tông là một nhà thơ có tài, rất sủng bái Lý Bạch. Bạch Cư Dị được Hiến Tông phong làm chức học sĩ nhờ có bài thơ phúng giáng. Nguyên Chẩn được Mục Tông bổ làm Từ bộ lang trung cũng chỉ vì mấy bài ca. Văn Tông rất thích thơ ngũ ngôn, có đặt ra mười hai quan thi học sĩ. Tóm lại, trong đời Đường, thi ca vì được vua chúa yêu chuộng, đã trở nên bậc thang đưa lên chỗ vinh hoa, phú quý. Do đó, từ kinh thành cho đến đồng nội, núi rừng, người ta đua nhau đọc thơ, làm thơ, gây nên một phong trào thi ca bồng bột, mãnh liệt. Bị lôi cuốn trong trào lưu ấy, có người làm thơ vì mục đích giàu sang, nhưng cũng có người vì thực lòng yêu thơ; và chính tự nơi những người này, đã xuất hiện những thi nhân lỗi lạc.

2. Việc dùng thơ trong khoa cử.

Đầu đời Đường, khoa thi tiến sĩ vẫn giữ thể thức của đời Tuỳ, chỉ hỏi về sách (kế hoạch). Đến năm thứ 2, niên hiệu Vĩnh Long (681), đời Đường Cao Tông, quan Khảo công viên ngoại lang Lưu Tư Lập tâu rằng:

- "Các tiến sĩ chỉ đọc các sách cũ, chứ không có thực tài".

Vua bèn xuống chiếu, sửa đổi thể thức ra bài thi trong khoa thi tiến sĩ: thí sinh phải làm hai bài tạp văn (thi, phú) để tỏ ra thông hiểu âm luật, rồi sau mới thi sách. Thơ đã được vua chúa yêu thích, từ đây lại được dùng trong khoa cử. Người có tài thơ rất dễ có dịp tiến thân, lại có danh dự cao hơn những người chiếm ngôi cao bằng những đường lối khác. Từ thời Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông trở đi, khoa thi tiến sĩ được tôn trọng đặc biệt. Các danh sĩ phần nhiều trúng tuyển khoa này. Các quan công khanh nào mà không xuất thân tiến sĩ, đều không được xem là tôn quý. Xem thế có thể nói rằng đa số quan lại đời Đường đều là những người làm thơ, nếu không muốn nói là thi sĩ. Tuy nhiên cũng nên biết rằng hai thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ đều không đậu khoa thi này.

3. Sự hoàn thành các thể thơ mới.

Trong văn học Trung Quốc, người ta phân biệt thi với phú. Những bài Kinh Thi mới gọi là thi, còn những bài trong Sở từ (trong đó có Ly tao) thì thuộc lãnh vực phú. Chí Ngu, tác giả sách Văn chương lưu biệt luận cho rằng tất cả những thể thơ có từ ba đến chín chữ đều bắt nguồn từ Kinh Thi. Nhưng thực ra tứ ngôn (4 chữ) mới là thể thơ chính của Kinh Thi. Đến đời Hán, mới xuất hiện thể ngũ ngôn và thất ngôn cổ phong. Đời Đường là thời kỳ hoàn thành một thể mới gọi là cận thể hay kim thể, phân biệt với cổ phong hay cổ thể nói trên bằng cách luật nghiêm ngặt, chặt chẽ . Thơ cận thể hoàn chỉnh ở đời Đường, tiếp tục thịnh hành trong các thời đại sau. Mãi đến hồi đầu thế kỷ này, với sự du nhập của văn hoá Tây phương và sự thay thế văn ngôn bằng bạch thoại, thì thể thơ này mới suy tàn, nhường chỗ cho một thể thơ mới khác mà người Tàu gọi là tân thể thi.

4. Sự phát triển của sinh hoạt trí thức và nghệ thuật.

Về mặt tư tưởng, đặc điểm của đời Đường là sự tịnh thịnh của ba giáo thuyết Nho, Đạo và Phật. Tình trạng này có ảnh hưởng đối với khuynh hướng sáng tác của thi nhân và đem lại hứng vị dị biệt cho tác phẩm.

Nho giáo được tôn sùng từ thời nhà Hán với Đổng Trọng Thư, nay lại càng hưng thịnh. Năm 619, Đường Cao Tổ lập miếu thờ Chu Công, Khổng Tử ở Quốc Tử học. Đường Thái Tông mở Văn học quán, cùng với 18 học sĩ trong đó có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, thảo luận về nghĩa kinh. Phong Khổng Tử làm tiên thánh, Nhan Tử làm tiên sư. Năm 647, lại xuống chiếu cho Tả Khâu Minh, Bốc Tử Hạ… cả thảy 21 người được phối hưởng tại miếu Tuyên Ni; sai Khổng Dĩnh Đạt cùng một số nhà Nho soạn bộ Ngữ kinh chính nghĩa, gồm 170 quyển. Đó là bộ sách dùng trong khoa cử nhà Đường và Đời Tống. Loại thơ phúng thích xã hội như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đã thấm nhuần cái tinh thần bao biếm cũng như tư tưởng tích cực của Khổng Tử.

Trong các đời Tần Hán, Đạo gia có ảnh hưởng lớn. Đến đời Đường, hầu như trở thành quốc giáo. Năm 620, Đường Cao Tổ (Lý Uyên) tin thuyết của Cát Thiện, người Tấn Châu, tôn Lão Tử (Lý Nhĩ) làm tổ và lập miếu thờ. Năm 666, Cao tông truy tôn Lão Tử làm Huyền Nguyên Hoàng đế. Năm 741, Huyền Tông giáng chiếu lập miếu thờ Lão Tử ở hai kinh và các châu. Năm 743, truy tôn Lão Tử làm Đại Thánh Tổ Huyền Nguyên Hoàng đế. Vua lại tự chú thích Đạo đức kinh, coi là sách đứng đầu các kinh. Phong Trang Tử làm Nam Hoa chân nhân, và gọi tác phẩm của các nhà này là chân kinh. Sùng huyền quán được thiết lập, là nơi học sinh khảo cứu chân kinh để ứng thí. Đạo sĩ rất được tôn trọng, thuật luyện đan rất thịnh hành. Nhiều vương hầu, công chúa, quan chức,văn nhân là đệ tử của Đạo gia. Nhiều vua chết vì dùng đan dược, như Thái Tông, Hiến Tông (phát bệnh cuồng nộ, bị hoạn quan giết), Vũ Tông, Tuyên Tông. Số công chúa, các vương chết vì phục dược có đến mấy trăm người. Các văn nhân như Lư Chiếu Lân, Lý Kỳ, Lý Bạch, Sử Quang Huy, Bạch Cư Dị, Lục Quy Mông đều ưa thích đan dược. Cả đến Hàn Dũ bình sinh bài xích Lão Trang, mà cuối đời cũng vì dùng thuốc Đạo gia mà vong thân. Ảnh hưởng của Đạo giáo với thi ca rất lớn lao. Những bài thơ thần tiên của Lý Bạch, tự nhiên của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên và duy mỹ của Lý Thương Ẩn là những tác phẩm tiêu biểu của loại thơ có màu sắc Đạo gia. Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ thời Đông Hán, và rất hoạt động trong thời Nam Bắc Triều, nhưng đến đời Đường mới thật thịnh đạt. Trong thời Trinh Quán, Huyền Trang rời Trường An, theo đường bộ du hành tại Ấn Độ trong 14 năm (630-644), đi qua 128 nước, đem về 650 bộ kinh, rồi cùng các đệ tử phiên dịch. Đường Thái Tông đích thân làm bài Tam Tạng thánh giáo tự để tỏ lòng sủng ái. Đời Đường Cao Tông, Nghĩa Tỉnh vượt biển Nam Hải sang Ấn Độ, đi qua hơn 30 nước, đem về hơn 400 bộ kinh. Đời Hiến Tông, vua thân tự đón xương Phật để cầu phúc; vì can ngăn việc này, Hàn Dũ bị biếm. Đến đời Văn Tông, trong nước có đến hơn bốn vạn ngôi chùa và hơn bảy chục vạn tăng ni. Chỉ có đời Vũ Tông là đạo Phật bị bài xích. Năm 845, vua hạ chiếu huỷ tượng, phá chùa. Nhưng đến các đời vua sau, Phật giáo lại hưng khởi. Tóm lại, ở đời Đường, Phật giáo nhờ sự tôn sùng của vua chúa và công trình dịch kinh của chư tăng, đã lan rộng, thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân. Trong số các thi nhân nổi tiếng, Giả Đảo đã từng làm tăng, Vương Duy là nhân vật quan trọng trong Nam phái thiền tông. Tuy không có ảnh hưởng nhiều như Nho và Đạo, Phật giáo cũng đem lại cho thi ca đời Đường những sắc thái và ý tưởng đặc biệt.

Về hội hoạ, đời Đường có ba hoạ phái lớn với ba nhà nổi tiếng là: Vương Duy, Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn. Vương Duy chuyên vẽ tranh sơn thuỷ, mở đầu cho phái hoạ Nam Tông. Trong cuốn học hoạ bí quyết, ông viết: "Trong đạo hoạ, phép về thuỷ mặc hơn hết. Hình ảnh trong gương tăng màu sắc nhân vật; hình ảnh dưới trăng là bức trăng thuỷ mặc. Hình ảnh sông núi dưới bóng trăng là địa lý trong thiên văn; hình ảnh trăng sao trên mặt nước là thiên văn trong địa lý". Dưới ngọn bút của Vương Duy, thi và hoạ hoà đồng với nhau, phô bày vẽ đẹp: "Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi (Trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ). Ngô Đạo Tử và Lý Tư Huấn có khuynh hướng hội hoạ trái ngược nhau.

Truyện chép rằng, khi ở đất Thục lánh nạn An Lộc Sơn, Đường Huyền Tông có sai Ngô, Lý vẽ về phong cảnh xứ này. Ngô Đạo Tử ngồi trong điện Đại Đồng, chỉ trong một ngày đã vẽ xong cảnh vật miền sông Gia Lăng dài ba trăm dặm, vì chỉ chú ý đến những điểm nào gợi hứng nhất. Trái lại Lý Tư Huấn chủ trương mô phỏng thiên nhiên, đã để ra hàng tháng trời vẽ tỉ mỉ, cặn kẽ từng tảng đá, gợn sóng, ngọn cỏ lá cây. Cả hai bức tranh dâng lên, đều được Huyền Tông khen ngợi. Ngô Đạo Tử được người đời gọi là Hoạ Thánh; Lý Tư Huấn là tổ của hoạ phái Bắc Tông. Từ thời ấy trở đi, các hoạ sĩ Trung Quốc không nhiều thì ít, đều là môn đệ của hai nhà này.

Cùng với các ngành hội hoạ, nghề làm đồ sứ rất tiến bộ trong đời Đường. Cách trình bày rất mỹ thuật với đặc điểm là dùng ba màu: nền trắng, hình vẽ màu vàng hay lục.

Nghề in cũng rất cải tiến. Đời Hán người ta đã khắc kinh truyện trên những tấm bia. Người đời Đường nhân đó mới có ý nghĩa khắc chữ lên mặt đá, rồi bôi mực mà in: chữ trắng nổi bật trên nền đen. Đến thời Đại Lịch, đời Đường Đại Tông (770), người ta dùng gỗ thay đá để in Tứ Thư, Ngũ kinh, phương pháp ấn loát này rất thông dụng trong các đời Đường Tống.

5. Sự thịnh vượng của tình trạng, chính trị, kinh tế xã hội.

Sách Cựu Đường thư chép rằng, năm thứ 8 niên hiệu Trinh Quán (634) trong tiệc yến tại cung Vị Ương, có Hiệt Lợi khả hãn của Đột Quyết múa và tù trưởng Nam Việt là Phùng Trí Đới vịnh thơ, Đường Cao Tổ cười nói: "Hồ Việt một nhà từ xưa chưa từng có cảnh tượng này".

Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) biết dùng các hiền thần như Phùng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Nguỵ Tr ưng và các võ tướng như Lý Tĩnh, Lý Tích làm cho đời Đường thành một thời đại hưng thịnh cả về văn trị lẫn võ công. Thi hành chế độ phủ binh, tạo nên một quân lục hùng hậu, khiến cương thổ mở rộng, uy thanh lan tràn đến nhiều nước khác. Quốc thế thịnh hơn cả đời Hán: ngoại quốc gọi người Tàu là "Đường nhân" (người Đường). Chế độ quân điền và phép tô dung điệu được ban hành, khiến cho nông nghiệp mở mang, công thương nghiệp phát triển. Trường An và Lạc Dương là hai trung tâm trọng yếu về thương mại và công nghệ. Xét chung thì như vậy; thực ra thì chỉ có thời Khai Nguyên, đời Đường Huyền Tông, là hoàn toàn thịnh trị, như thơ Đỗ Phủ nói: "Ức tích Khai Nguyên toàn thịnh nhật" (Nhớ ngày toàn thịnh thời Khai Nguyên). Sau đó từ loạn An Lộc Sơn trở đi, tình hình xã hội tiếp tục suy đồi. Tác phẩm của các nhà thơ xã hội như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị phản ánh rất rõ thực trạng này./.

 

 

Thông tin truy cập

63676641
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20359
17595
63676641

Thành viên trực tuyến

Đang có 374 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website