I. Dẫn nhập
Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp bao gồm 50 thiên, là một cuốn lý luận phê bình văn học tiêu biểu của văn học cổ điển Trung Quốc. Văn tâm có nghĩa là cái tâm trong việc sáng tác văn chương, Điêu long có nghĩa là phương pháp sáng tác câu văn một cách chính xác. Trong tác phẩm này các thiên được liên kết một cách hữu cơ với nhau như một phức hợp khổng lồ. Hiện nay, nhiều học giả khẳng định rằng Văn tâm điêu long là một trong những cuốn lý luận tổng hợp và có tính hệ thống trong lịch sử văn học.
Văn tâm điêu long được in vào khoảng giữa năm 501 và 502. Tác phẩm này đã được lưu hành vào thời Nam Bắc Triều, đồng thời với Lưu Hiệp. Khi 昭明太子(Chiêu Minh Thái Tử) của 梁(Lương) biên soạn 文選(Văn Tuyển), ông đã lấy Văn tâm điêu long làm tiêu chuẩn để chọn lựa câu chữ. Trong <梁書(Lương Thư)> và <劉勰傳(Lưu Hiệp Truyện)> cũng có nội dung khái quát của Văn tâm điêu long. Danh tiếng của Văn tâm điêu long lừng lẫy đến mức tên của nó thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm đời sau và thường được các học giả trích dẫn lại.
Văn tâm điêu long được truyền sang các nước khác từ lâu đời, mà trước hết là Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bài này, chúng tôi sẽ khảo sát hình thức lưu truyền của Văn tâm điêu long từ thời kỳ Silla đến cuối thời kỳ Joseon của Hàn Quốc và cách giải thích về Văn tâm điêu long của các học giả Hàn Quốc.
II. Hình thức lưu truyền Văn Tâm Điêu Long vào thời kỳ Silla
Văn tâm điêu long đã được truyền sang bán đảo Triều Tiên khi nào? <朗慧和尙碑(Bia ghi Nang-Hye (Lãng Tuệ) hòa thượng)> của Choe Chi Won (崔致遠) là một văn bản sớm nhất trong những văn bản hiện tồn nói về Văn tâm điêu long. Trong bia văn này có một chứng cứ quan trọng để bàn về quá trình mà Văn tâm điêu long được truyền sang Hàn Quốc lần đầu tiên vào thời Silla. <朗慧和尙碑(Bia ghi Nang-Hye (Lãng Tuệ) hòa thượng)> đã đựoc lập vào năm 890. Bia mang mã số 8 trong những vật quốc bảo của Hàn Quốc, hiện được lưu giữ tại chùa Sung-Ju (聖住寺址), ở Sung-Ju-Li, Sung-Ju-Myon, TP. Bo-Ryoung. Nang-Hye hòa thượng là tên sau khi viên tịch của 無染(Vô Nhiễm). Choe Chi Won là một văn nhân đã đỗ kỳ thi tuyển quan chức ở Trung Quốc vào thời đại nhà Đường, còn 朗慧無染(Nang-Hye Vô Nhiễm) là một cao tăng được gọi là 東方大菩薩(Đông Phương Đại Bồ Tát), cũng đã đi tu ở Trung Quốc lúc thời Đường.
Sau đây là một đoạn liên quan đến Văn tâm điêu long trên 朗慧和尙碑(Bia ghi Nang-Hye (Lãng Tuệ) hòa thượng):
上曰: “弟子不侫, 小好屬文, 嘗覽劉勰《文心》, 有語云: ‘滯有守無, 徒銳偏解, 欲詣眞源, 其般若之絶境’, 則境之絶者, 或可聞乎?” 大師對曰: “境旣絶矣, 理無矣, 斯印也, 黙行爾.” (亞細亞文化社本, 冊1, trang 76~77)
Vua (vua Kyung Mun) nói rằng: ta không có năng khiếu nhưng thích viết văn nên trước đây đã đọc Văn tâm điêu long chăm chỉ. Trong đó có nói: nếu chỉ thiên về ‘hữu’ hay ‘vô’ thì đó là một quan điểm phiến diện. Việc đi tìm nguồn gốc chính là 絶境(Tuyệt cảnh) của 般若(Bát nhã). Đại sư có thể nói cho ta nghe về trạng thái đạt đến 境(tuyệt cảnh) được không ạ? Đại sư (朗慧無染) trả lời rằng: đã đạt đến 境(tuyệt cảnh), chân lý cũng không còn nữa. Đó chính là 心印(tâm ấn) nên tôi chỉ im lặng mà làm.
“上” ở đây là vua Kyung-mun của thời kỳ Silla. Vào năm 871 vua Kyung-mun đã gửi thư mời Nang-Hye Vô Nhiễm đến Kyung-Ju làm thầy giáo của mình. Trong khi hỏi Nang-Hye Vô Nhiễm về tuyệt cảnh của Bát nhã, vua Kyung-mun đã trích dẫn một câu của Văn tâm điêu long. Đó là một câu trong thiên 18, tên là Luận thuyết (論說), của Văn tâm điêu long. Theo câu đó, khi sáng tác câu văn, phải hài hòa về hữu vô mới viết ra được một tác phẩm đến tuyệt cảnh chân chính.
Vua Kyung-mun đọc Văn tâm điêu long khi nào? Năm sinh của vua Kyung-mun không rõ, mà ông lên ngôi vào năm 861. Tuy đoạn văn trên không ghi rõ năm nhưng ít nhất là trước năm 871 -năm mà vua Kyung-mun và nhà sư gặp nhau - vua Kyung-mun đã đọc Văn tâm điêu long. Khi vua Kyung-mun hỏi, Nang-Hye Vô Nhiễm đã hiểu nghĩa câu văn đó của Văn tâm điêu long. Ông nói rằng tuyệt cảnh của Bát nhã là cái mà tập trung suy nghĩ, tức không có hữu hay vô. Lời nói này phù hợp với cách nói trong Văn tâm điêu long chủ trương hài hòa giữa hữu với vô. Vì vậy, có thể nói rằng trước đó Nang-Hye Vô Nhiễm cũng đã đọc Văn tâm điêu long.
Tại sao vua Kyung-mun say mê đọc Văn tâm điêu long? Văn tâm điêu long là một cuốn lý luận văn học tràn ngập tư tưởng Phật giáo. Như đã nói ở trên, vua Kyung-mun là một tín đồ Phật giáo sùng đạo và rất thích viết văn. Trong thời gian tại vị, ông rất quan tâm đến đạo Phật và Quốc học (國學), ví dụ như ông đã đẩy mạnh Quốc học và xây một tòa tháp chín tầng ở Chùa Hwang-Ryong (皇龍寺). Ông thích đọc Văn tâm điêu long vì thấy nó là một cuốn sách phù hợp với tư tưởng của mình. Tôi thiết nghĩ rằng để thiết lập lý luận về đạo Phật và thực hành giáo dục cải tạo thế giới có lẽ Nang-Hye Vô Nhiễm cũng thích đọc Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp mà cũng xuất thân là nhà sư.
Vua Heon-gang, người kế vị Kyung-mun không những say mê đạo Phật mà còn rất quan tâm đến việc sáng tác văn chương. Ông nói cũng giống như sáng tác văn chương theo thể biền văn (騈儷體, biền lệ thể). Do vậy, tôi cho rằng có lẽ nhà vua cũng thích Văn tâm điêu long, chứa đựng tư tưởng Phật giáo và được viết theo thể biền văn, như vua Kyung-mun.
Choe Chi Won còn để lại một câu nữa liên quan đến Văn tâm điêu long. Khoảng năm 904, ông đã viết <唐大薦福寺故主翻經大德法藏和尙傳(Đường Đại Tiến Phúc Tự Cố Chủ Phiên Kinh Đại Đức Pháp Tàng (Beop-Jang) Hòa Thượng Truyện> (sau đây gọi tắt là 法藏和尙傳(Beop-Jang (Pháp Tàng) Hòa thượng truyện) ở 華嚴院(Hwa-Eom (Hoa Nghiêm Viện) của Chùa Hae-In (海印寺) để tôn vinh hoạt động có tính tâm linh của 法藏和尙(Beop-Jang hòa thượng) và cổ súy 華嚴思想(Tư tưởng Hwa-Eom (Hoa Nghiêm)) của 海東(Hải Đông). Beop-Jang hòa thượng là một cao tăng sống dưới thời 則天武后(Tắc Thiên Vũ Hậu) và 高宗(Cao Tông) của nhà Đường. Về sau, khi bàn về 妙旨(diệu chỉ) của Hwa-Eom (Hoa Nghiêm) với 義湘(Ui-Sang) của Silla, một người đồng môn, ông đã bén duyên với Đạo Phật Hải Đông (Hae-Dong).
Sau đây là đoạn trích một phần liên quan đến Văn tâm điêu long trong 法藏和尙傳 (Beop-Jang Hòa thượng truyện):
傍호(言+互) 訶者, 引文心云: “‘舊史所無, 我書則博’, 欲偉其事. ‘此訛濫之本源, 述遠之巨蠹也.’ 子無近之乎?” (亞細亞文化社本, 冊2, trang 355)
Khi Choe Chi Won kết thúc những trường đoạn tôn vinh sự nghiệp của 法藏(Beop-Jang), có một người nào đó ở cạnh ông đã dẫn dụng một câu của Văn tâm điêu long để phê phán rằng cách viết của Choe Chi Won phức tạp. Văn phải ngắn gọn, cớ sao lại viết dài dòng nhiều lời, cuối cùng thành ra lộn xộn? Việc sử dụng những câu không nằm trong điển tích, không thể tránh bị người ta phê phán. Mặc dù làm như vậy là để ý văn hay hơn, nhưng đó là một nguyên nhân sai lầm sẽ gây hại cho cả bài.
Câu được trích dẫn ở trên nằm ở thiên 16, tên là Sử truyện (史傳), của Văn tâm điêu long. Nhân vật trong truyện tồn tại thực tế hay hư cấu thì không rõ. Có thể Choe Chi Won tự đặt ra một nhân vật hư cấu để dùng lời người khác phê phán là những câu văn của mình phức tạp trong khi sáng tác 法藏和尙傳(Beop-Jang Hòa thượng truyện). Dù sao, như hai câu ví dụ trên, có một điều chắc là lúc bấy giờ Văn tâm điêu long đang được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức của Silla.
Choe Chi Won là thủy tổ của 海東漢文學(Hán văn học hải đông). Các câu văn của Choe Chi Won đã ảnh hưởng rất nhiều không những trong thời kỳ bấy giờ mà còn trong cả thời kỳ Goryeo (Cao Ly) và Joseon. Có hai văn nhân, tên là Lee Deok Mu (李德懋) và Sung Hae Eung (成海應) sống khoảng thế kỷ XVIII, đều giới thiệu phần nói về vua Kyung-mun và Văn tâm điêu long trong Bia ghi Nang-Hye Hòa thượng của Choe Chi Won khi viết về cuộc đời Nang-Hye Vô Nhiễm. Như vậy, tôi cho rằng khi Bia ghi Nang-Hye Hòa thượng và Beop-Jang Hòa thượng truyện được lưu truyền, cái tên Văn tâm điêu long cũng được giới thiệu đến mọi người một cách tự nhiên. Có lẽ giới trí thức đã đọc một số câu trích dẫn từ Văn tâm điêu long trong văn của Choe Chi Won. Còn Bia ghi Nang-Hye (Lãng Tuệ) Hòa thượng là một tấm bia được dựng ở sân trước Chùa Sung-Ju nên có lẽ các nhà sư của chùa và khách thập phương đến thăm chùa đã đọc được. Vì thế, có lẽ cái tên Văn tâm điêu long cũng đã được truyền bá đến người ta.
III. Hình thức lưu truyền Văn Tâm Điêu Long vào thời kỳ Joseon
Từ sau thời kỳ của Choe Chi Won đến nửa đầu thời kỳ Joseon, trong phạm vi tôi đã điều tra, không có văn bản nào nói về Văn tâm điêu long. Tuy nhiên, không thể vì thế mà nói rằng thời kỳ đó Văn tâm điêu long không được lưu truyền. Từ lâu giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đã có sự tiếp xúc qua lại và trao đổi học thuật. Các sứ thần Hàn Quốc đã tìm kiếm nhiều tài liệu ở Trung Quốc mang về. Nói một cách khác, những văn bản đã và đang được lưu truyền ở Trung Quốc nhanh chóng được truyền sang Hàn Quốc. Đặc biệt, nếu các tài liệu đó đã được phổ biến ở Trung Quốc thì sẽ được truyền sang Hàn Quốc nhanh hơn. Từ ngày xưa, Văn tâm điêu long đã được nhiều học giả đánh giá là một tác phẩm lý luận văn học xuất sắc. Vì vậy, có thể Văn tâm điêu long của Trung Quốc cũng được du nhập vào Hàn Quốc trong thời kỳ Cao Ly và đầu thời kỳ Joseon.
Vương quốc Cao Ly lấy đạo Phật làm quốc giáo. Lúc bấy giờ nhiều chùa đang xây dựng nên khá nhiều văn bản về Phật giáo được sưu tập và lưu truyền. 八萬大藏經(Bát Vạn Đại Tạng Kinh) cũng ra đời trong thời kỳ này. Trong thời kỳ Goryeo (Cao Ly) thể biền văn thường được sử dụng. Trong các văn bản hành chính cũng như văn chương của các văn nhân, thể biền văn cũng thường được sử dụng. Như đã nói ở trên, trong thời kỳ Silla, đạo Phật và thể biền văn đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự truyền bá Văn tâm điêu long. Có thể nói rằng, như thời kỳ Silla, hoàng đế và các văn nhân của thời Goryeo (Cao Ly) cũng quan tâm đến cách lý luận theo đạo Phật và thể biền văn được sử dụng trong Văn tâm điêu long. Còn vào đầu thời kỳ Joseon, có nhiều trường hợp các tài liệu của Trung Quốc được lưu truyền hoặc xuất bản ở Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù chúng tôi chưa tìm được một ghi chép nào nói rằng trong thời kỳ này, Văn tâm điêu long đã được xuất bản, nhưng theo không khí văn đàn bấy giờ, có đủ lý do là các văn nhân quan tâm đến Văn tâm điêu long, một tác phẩm lý luận văn học tiêu biểu của Trung Quốc.
Dù sao thì Văn tâm điêu long đã xuất hiện lại vào đầu thế kỷ XVII trong những tác phẩm hiện có. 芝峯類說(Chi phong loại thuyết) là một bộ sách theo kiểu từ điển bách khoa do Lee Su Kwang (李睟光) viết năm 1614. Trong 文體(Văn thể) của 文章部(Văn chương bộ), quyển số 8 của bộ này có một câu văn như sau: 劉勰曰: 漢劉歆移太常, 此移文之所起也. 孔德璋北山移文, 倣此.
Lưu Hiệp nói rằng: 劉歆(Lưu Hâm) của Hán đã làm 移太常博士書(Di Thái Thường Bác Sĩ Thư), đó là nguồn gốc của 移文(di văn). 北山移文(Bắc San Di Văn) của 德璋(Đức Chương), 孔稚圭(Khổng Trĩ Khuê) đã phỏng theo nó.
Trong khi phân tích đặc trưng và nguyên cứ của nhiều loại văn thể, Lee Su Kwang đã nói về nguyên cứ của 移文(di văn). Di văn là lời văn để gửi trả lại cho người ta. Lời nói trên của Lưu Hiệp nằm ở thiên 20, Di hịch (檄移) của Văn tâm điêu long. Ông nói rằng di văn là việc chuyển, 難蜀父老(Nan Thục Phụ Lão) của 司馬相如(Ti Mã Tương Như) đã chuẩn bị cơ bản của di văn còn 移太常博士書(Di Thái Thường Bác Sĩ Thư) của 劉歆(Lưu Hâm) đã bắt đầu viết di văn. Lee Su Kwang cho rằng 北山移文(Bắc San Di Văn) của 孔稚圭(Khổng Trĩ Khuê) đã phỏng theo 移太常博士書(Di Thái Thường Bác Sĩ Thư) của Lưu Hâm.
Lee Su Kwang đã đến Bắc Kinh ba lần trước sau 壬辰倭亂(Nhâm Thần Uy Loạn). Ở Bắc Kinh, ông đã được học hỏi trực tiếp nền văn minh, giao lưu với nhiều người Trung Quốc cũng như nước ngoài và đã tìm được nhiều tài liệu mang về bán đảo Triều Tiên. Những tài liệu này đã hỗ trợ ông viết tác phẩm 芝峰類說(Chi phong loại thuyết). Không rõ ông có được Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp trong hoàn cảnh nào nhưng chúng ta có thể đoán là ông có được tác phẩm này trong thời gian ở Trung Quốc.
Jang Yu (張維) đã viết lời mở đầu của 芝峯集(Chi Phong tập), một cuốn sách được xuất bản sau khi Lee Su-Kwang qua đời. Khi phê bình văn chương của Lee Su-Kwang, ông nêu ra ý tưởng rằng nghệ thuật văn chương sẽ tiếp tục phát triển. Ý tưởng này giống với một đoạn trong thiên 2, Trưng Thánh (徵聖) của Văn tâm điêu long, viết rằng: Nhan Hạp (顔闔) nói rằng Khổng Tử tô lông vẽ màu, dùng lời hoa mỹ, hoặc giống với một đoạn trong thiên 50, Tự Chí (序志) của Văn tâm điêu long, viết rằng: những người thế hệ sau có xu hướng trau chuốt văn chương.
Im Suk Young (任叔英) là một văn nhân cùng thời với Lee Su-Kwang. Ông đã sáng tác một bài thơ dài bảy trăm vần. Yu Geun (柳根) đã viết một bài thơ để khen ngợi bài thơ này rồi tặng cho Im Suk Young, Im Suk Young đã cảm ơn bằng bài 啓(Khải). Trong bài Khải, ông viết rằng: 賦(Phú) của 左思(Tả Tư) đã được 杜武(Đỗ Vũ) khen ngợi và cuốn sách của Lưu Hiệp đã được 沈約(Trầm Ước) tán thưởng. Còn khi viết thư gửi cho Jo Chan Han (趙纘韓) là một người bạn thân của mình, ông đã phê bình những văn chương từ xưa. Ông ấy viết rằng: tài năng thì không bằng Trầm Ước nhưng đã biết về cuốn sách của Lưu Hiệp.
Khoảng trước và sau thế kỷ XVIII, Văn tâm điêu long thường xuất hiện trong các văn bản của Triều Tiên. Thời vua Anh Tổ (英祖) và Chính Tổ (正祖) là thời kỳ thái bình thịnh vượng, thậm chí được gọi là thời kỳ phục hưng của Triều Tiên, đến thời kỳ Thuần Tổ (純祖) đất nước vẫn còn thịnh vượng. Vào thời kỳ này, các tài liệu và văn hoá đa dạng được du nhập từ nước ngoài về qua các sứ thần, các nhân sĩ quan tâm đến các văn bản và văn hoá đó. Nhà vua và quần thần đã đọc Văn tâm điêu long trong chính không khí này.
Chính Tổ đã đẩy mạnh chế độ quân chủ và xử lý mọi cải cách một cách chủ động, ông đã công bố 文體反正(Văn Thể Phản Chính) để tập trung vào chấn hưng văn học và tư tưởng thuần tuý. Trong văn đàn bấy giờ phát sinh khuynh hướng mới nên bắt đầu thịnh hành những tác phẩm văn chương mới mẻ. Chính Tổ đã quy định những tác phẩm văn chương như vậy thuộc thể loại tạp văn đến từ 稗官小說(Bại Quan tiểu thuyết), tiểu phẩm, 擬古文體(Nghĩ Cổ văn thể) rồi cố gắng lấy những tác phẩm văn chương truyền thống của Hwang Kyung Won (黃景源), Lee Bok Won (李福源), v.v… làm mẫu để phục hồi văn cổ thuần tuý. Trong khi bàn bạc với Yun Haeng Im (尹行恁) là một thần của 奎章閣(Khuê Chương Các), Chính Tổ đã từng phê bình 六朝文學(Lục Triều Văn học) và Văn tâm điêu long. Sau đây là một đoạn trong 日得錄ㆍ文學(Nhật Đắc LụcㆍVăn học), cuốn số 162 của 弘濟全書(Hoằng Tế Toàn Thư):
六朝人不識文體, 浮靡纖麗, 輕佻㗹殺, 無皇矞爾雅底氣味, 但劉勰《文心雕龍》能裁擇於羣言, 咀啜於理趣, 有非當時時樣. (文化財管理局藏書閣本, 冊4, trang 748)
Những người của Lục Triều không biết về văn thể nên đã viết văn khinh suất, bóng bẩy, cẩu thả và thô thiển, hoàn toàn không có cảm giác tuyệt vời, trang trọng, đúng đắn và trang nhã. Chỉ Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp là lựa chọn từ vựng kỹ lưỡng và cảm nhận ý của nó nên không giống với phong trào đương thời.
Trong thời kỳ Lục Triều, thể biền văn đã thịnh hành. Thể biền văn có cấu trúc gồm những 對句(câu đối) có bốn hoặc sáu chữ nên thường được các văn nhân Lục Triều sử dụng vì có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên nó hay bị những người đời sau chỉ trích là vô ích và thô thiển vì có hình thức cố định và khuynh hướng quá thiên về tu từ chủ nghĩa. Chính Tổ đã phê phán rằng thể loại của các văn nhân Lục Triều không giống 醇正古文(Thuần Chính Cổ Văn), nhưng ông đánh giá rằng Văn tâm điêu long là cuốn duy nhất đã phản ánh lý luận đa dạng một cách đúng đắn và có ý đồ rõ ràng, nên hoàn toàn khác với phong trào đương thời của các văn nhân Lục Triều.
Chính Tổ đã lập ra Khuê Chương Các để đẩy mạnh chế độ quân chủ và thúc đẩy giáo dục của quốc gia phát triển. Lee Deok Mu (李德懋) đã được Chính Tổ chọn làm 檢書官(Kiểm Thư quan) của Khuê Chương Các. Vào năm 1792, khi các văn sĩ của Khuê Chương Các soạn xong tác phẩm 奎章全韻(Khuê Chương Toàn Vận), Chính Tổ đã lệnh cho họ hiệu đính cuốn đó. Khi ấy Yun Haeng Im(尹行恁), Seo Young Bo (徐榮輔), Nam Gong Cheol (南公轍), Lee Seo Gu (李書九), Lee Ga Hwan (李家煥), Sung Dae Jung (成大中), Yu Deuk Gong (柳得恭), Park Je Ga (朴齊家), Lee Deok Mu,v.v... đang làm việc tại Khuê Chương Các, đã viết quyển 對策(Đối sách) nói về quá trình hình thành chữ viết. Trong tác phẩm này có một câu văn mà được dẫn dụng từ Văn tâm điêu long. Câu văn này nằm ở 六書策(Lục Thư sách) của 雅亭遺稿(Nhã Đình di cảo), quyển số 20 của 靑莊館全書(Thanh Trang Quán toàn thư):
“文象遞于結繩, 鳥跡代乎書契.” 此是劉勰《雕龍》之言, 而敷衍易繫及書序者也. (韓國文集叢刊本, 冊257, trang 289)
Đại Tượng làm thay thế cho 結繩(Kết thằng chi thế), còn vết chân của con chim thì trở thành thư khế. Chuyện này đến từ Văn Tâm Điêu Long là cái mà giải thích thêm về hệ từ của 周易(Chu dịch) và lời mở đầu của 書經(Thư kinh).
Câu văn trên của Văn tâm điêu long nằm ở thiên 39, Luyện tự (練字). Trong khi luận về quá trình hình thành và phát triển của chữ viết, Lưu Hiệp đã nói rằng sau khi người ta lấy vết chân của con chim sáng tạo ra hệ thống chữ viết thì sự bất tiện của Kết thằng chi thế từ trước đến nay mới được giải quyết. Một câu văn được cấu thành bằng những chữ viết, yếu tố cơ bản. Các văn nhân nắm bắt đặc trưng của chữ viết rồi sử dụng nó để tạo ra cái hay của văn chương. Những người của Khuê Chương Các, dẫn đầu là Lee Deok Mu, đã dẫn dụng Văn tâm điêu long để luận về sự hình thành và phát triển của chữ viết. Trong mục lục những tài liệu được họ trích dẫn trong Đối sách, ngoại trừ 四書五經(Tứ thư ngũ kinh) là một cuốn cổ điển truyền thống và 說文解字(Thuyết văn giải tự) là một cuốn cơ bản của học thuật về chữ viết, còn có Văn tâm điêu long. Từ điều này, chúng ta có thể đoán là những người ở Khuê Chương Các đã coi trọng Văn tâm điêu long với tư cách là một tác phẩm có giá trị ngang với quyển sách cổ điển truyền thống và sách học chữ viết cơ bản.
Chính Tổ đã lập Khuê Chương Các rồi lưu trữ và xuất bản nhiều tác phẩm. Lee Deok Mu, Yu Deuk Gong và Park Je Ga là những người xuất thân là Kiểm thư quan của Khuê Chương Các. Khi được đi Bắc Kinh nhiều lần với tư cách là sứ thần, họ đã thăm khu vực bán sách, mua nhiều loại sách mang theo về nước. Khuê Chương Các và các tòa nhà phụ chứa đầy sách mà các sứ thần thời Joseon bấy giờ đã mua về từ Trung Quốc. Trong Khuê Chương Các ngày nay có 漢魏叢書(Hán Ngụy tùng thư) và 廣漢魏叢書(Quảng Hán Ngụy tùng thư), v.v... Trong đó có cả Văn tâm điêu long. Do vậy chúng ta không thể nói rằng Văn tâm điêu long được Chính Tổ và những người ở Khuê Chương Các dẫn dụng là các bản tùng thư này mà phải nói rằng các vương gia và quan chức đời sau đã tiếp xúc với Văn tâm điêu long qua các bản tùng thư này.
Lee Deok Mu đã thường xuyên ghi chép nội dung và cảm tưởng khi đọc sách vào 耳目口心書(Nhĩ mục khẩu tâm thư). Trong Nhĩ mục khẩu tâm thư này có ba chỗ ghi lại cảm tưởng của ông khi đọc Văn tâm điêu long. Sau đây là một đoạn nằm ở cuốn số 53 là 耳目口心書(Nhĩ mục khẩu tâm thư) của 靑莊館全書(Thanh Trang Quán toàn thư):
《文心雕龍》曰: “身與時舛, 志共道申, 標心於萬古之上, 而送懷於千載之下, 金石靡矣, 聲其銷乎.” 余則以爲窮人多著書, 而窮之又窮者, 書亦不傳. 然而其所著嘉惠後人, 得遇知音, 則窮中有通者也. 若或長受後世之唾罵, 則此天下之至窮也. 然則著書不傳者, 窮之又窮之中, 又有通焉者也. (韓國文集叢刊本, 冊258, trang 473)
Trong Văn tâm điêu long nói rằng: Bách gia chư tử thường thân không hợp với thời, mà chí hướng thì lại được bộc lộ ra cùng lý luận. Họ thể hiện cái tâm ở nơi viễn cổ, đồng thời lại gửi lòng mình đến tận muôn đời sau. Vàng đá có thể mất đi, nhưng thanh danh của họ làm sao tiêu tan được! (dẫn từ trang 223, bản dịch của Trần Thanh Đạm và Phạm Thị Hảo). Tôi nghĩ rằng những người thiếu thốn viết nhiều sách nhưng những người thiếu thốn hơn thì không thể viết sách được. Tuy nhiên, những quyển sách mà ta đã viết nếu hợp với đời sau, cuối cùng gặp tri âm thì trong điều kiện thiếu thốn cũng có cái mà hiểu nhau. Nếu đời sau bị người ta chửi bới và phỉ nhổ thì đó là cực kỳ thiếu thốn. Vậy thì việc không để lại sách là việc hiểu nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn và thiếu thốn nữa.
Câu văn trên của Văn tâm điêu long nằm ở thiên 17, Chư tử (諸子). Ở đây Lưu Hiệp nói về sự vĩnh cửu của văn chương và tư thế của văn nhân. Có khi một số văn nhân không hợp thời nên gặp khó khăn nhưng các tác phẩm văn chương ẩn chứa chí hướng lớn thì có thể lưu truyền đến muôn đời sau. Vì vậy, văn nhân phải có ý đồ trường tồn vĩnh cửu bất chấp thời gian.
Lee Deok Mu nhấn mạnh sự trường tồn của văn chương mà Lưu Hiệp đã nói trong Văn tâm điêu long để thể hiện hoàn cảnh của mình. Vì xuất thân là con ngoài giá thú nên Lee Deok Mu đã gặp nhiều khó khăn trong công việc. Trong xã hội Joseon, những người xuất thân là con ngoài giá thú rất khó thăng quan tiến chức. Có thời Lee Deok Mu được Chính Tổ yêu mến nên được phong làm Kiểm Thư quan của Khuê Chương Các, nhưng ông cũng gặp nhiều khó khăn, không như những người xuất thân chính thất. Thêm vào đó, hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên cuộc sống không dễ dàng. Tuy vậy, ông không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, vẫn tập trung chăm chỉ sáng tác văn chương.
Tuy nhiên cũng có khi ý chí của ông trở nên yếu đuối. Khi đọc thiên 50, Tự chí (序志) của Văn tâm điêu long, đoạn Lưu Hiệp nói về sự xuất chúng của trí tuệ và tính bất hủ của văn chương, Lee Deok Mu đã lo lắng rằng trong thời gian vô định thì các tác phẩm của mình cũng chỉ như con muỗi bay lướt qua một thoáng. Từ lâu ông rất thích 贊(Tán) của thiên 46, Vật sắc (物色) trong Văn tâm điêu long, vì theo ông nó nói đến giới hạn mà những văn nhân cũ kỹ không thể tới được.
Gang I Cheon (姜彛天) là một văn nhân không làm quan xuất thân từ An-san (安山). Từ khi còn nhỏ ông đã bộc lộ tài năng văn chương nên nhận được sự kỳ vọng rất cao, nhưng tư tưởng và văn chương của ông lại không hợp thời, cuối cùng ông mất khi còn trẻ. Trong 重菴集(Trọng Am tập) của ông có đoạn nói lên cảm tưởng về Văn tâm điêu long. Sau đây là một đoạn trong quyển số 5, 雜著ㆍ讀文心雕龍(Tạp Trướcㆍđộc Văn tâm điêu long) của 重菴集(Trọng Am tập):
文自天地生, 旣有文矣, 不得不有其法, 法之所具, 而妙以之生, 文非妙不稱, 妙非文不宣. 妙也者, 固已森布於天地之間, 無可以窮旣之矣. 聖神之作, 閎博之旨, 觸境而感情, 引情而成法, 依法而生妙, 有莫之然而然者, 有不自知其所以然而然者. 天地以是妙而憑於人以宣, 雖聖人武所與, 又況於文藻之倫乎? 是故隱而不章, 其奧也; 明而可跡, 其顯也, 奧顯之用, 神通之機, 存乎人而已矣. 擬作之法, 始自中古, 亦必精窮力探之久, 有得於中而發之乎辭, 而后爲可追作者之軌以自成一家之則, 豈但在乎辭章字可之間而止耳乎? 大抵制文之法而發天地之妙者, 前人之功也. 因前人之法而成文之妙者, 後人之事也. 苟欲能此, 非精窮力探之久, 有不可得者, 其下材則又有駸駸自入乎綺繪俳優之不自知救. 自劉勰《文心雕龍》之書作, 而洞察乎情志之蘊指, 能悉乎引伸之微旨, 於是乎其所云天地之妙者, 亦已呈現之無餘, 夫使下材者, 亦有以知古人之文爲有法, 得其用力之方者, 《文心》能之也. (奎11612本, 冊利)
Từ khi sáng tạo ra trời đất đã có văn (文) nên tất nhiên văn (文) phải có pháp (法). Khi có pháp (法), diệu (妙) nảy sinh từ đó. Nếu không có diệu (妙), không thể nói về văn (文), còn không có văn (文) thì không thể thể hiện điều lạ được. Diệu (妙) thật đã tràn lan khắp thế giới nên không thể miêu tả hết được.
Văn chương cao quý và ý chí to lớn của thánh nhân đến cảnh (境) làm nên tình (情) rồi dẫn tình (情) làm nên pháp (法), dựa theo pháp (法) làm nên diệu (妙). Do vậy có khi không hiểu đúng hay sai. Trời đất được con người làm rõ do diệu (妙) này, thánh nhân không giao gì cả huống hồ đàn 文藻(văn tảo). Vì thế cái mà không nói rõ và không được thể hiện ra ngoài chính là điều thâm thúy, còn cái mà rõ ràng và để lại dấu vết thì chính là sự xuất hiện. Tác dụng thâm thúy và thể hiện và điểm then chốt kỳ lạ chỉ có tại con người.
Việc bắt chước có từ thời kỳ Trung cổ nhưng sau khi tập trung học hỏi rồi thể hiện trong văn từ (文辭) mới hình thành nên một nguyên tắc của mình theo nguyên tắc của tác giả đó. Sao chỉ giữ trong câu và từ? Nói chung việc làm nên nguyên tắc sáng tác văn chương rồi thể hiện diệu (妙) của trời đất là sự nghiệp của những người xưa, còn theo nguyên tắc của những người xưa việc hoàn thành diệu (妙) của văn chương là công việc của những người đời sau. Thật muốn làm như thế, phải nghiên cứu kỹ càng và học hỏi chăm chỉ.
Sau khi Lưu Hiệp sáng tác Văn tâm điêu long, có thể quan sát đạo lý của 情志(tình chí) và rút ra tất cả ý nghĩa tiềm ẩn. Do đó cái kỳ lạ của trời đất cũng đã được thể hiện ra hết. Nói chung phải làm 下材(hạ tài) biết nguyên tắc của người xưa và rút ra phương pháp của mình, Văn tâm điêu long có thể giúp ích cho điều ấy.
Khuynh hướng văn chương của Gang I Cheon hoàn toàn khác với tính cách của Văn thể phản chính mà Chính Tổ triển khai. Vì vậy, Chính Tổ coi Gang I Cheon là một người không đồng quan điểm nên ngăn cản Gang I Cheon làm quan. Tuy nhiên, dù con đường của Gang I Cheon và Chính Tổ khác nhau nhưng hai người đều tán dương Văn tâm điêu long là một tác phẩm hướng dẫn sáng tác văn chương hay. Văn tâm điêu long đã quan sát đạo lý của văn rồi thể hiện ra thế giới. Thêm vào đó, Văn tâm điêu long còn tìm ra công và tội của 文苑(Văn uyển) đời trước rồi giúp người ta có thể quan sát kỹ càng sự thay đổi trong nhiều đời. Khi đọc kỹ Văn tâm điêu long, những người mới bắt đầu học hoặc những chưa tài giỏi có thể nhận ra chân lý trong đó, cứ rèn luyện theo những điều đó thì có thể đạt đến những điều thâm thúy và sâu sắc. Nếu người đời sau tìm thấy con đường mà người đi trước đã khai mở thì có thể hiểu ra ý nghĩa chân chính trong đó. Còn nếu thẩm thấu những điều ấy vào văn chương của mình thì có thể tự làm nên sự nghiệp.
Yu Han Jun (兪漢雋) là một văn nhân sống ở thời Chính Tổ, Thuần Tổ. Khi luận về nguồn gốc của ca nhạc, ông viết rằng: qua các thời đại, tiếp tục có những văn nhân sánh vai sáng tác văn chương. Trong Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã chia thành lý luận văn học và dấu vết của người xưa, còn trong 詩品(Thi phẩm), Chung Vinh (鍾嶸) đã hòa hợp hai điều này với nhau. Dù luận điểm của họ thỉnh thoảng có điều không rõ nhưng họ đã luận về tất cả ý chính lớn.
Jung Yak Yong (丁若鏞) là 實學者(thật học giả) sống ở thời Chính Tổ, Thuần Tổ. Ông đã tập trung tổng hợp 古今注(Cổ kim chú) của 四書五經(Tứ thư ngũ kinh) và giải thích một cách mới mẻ. Trong đoạn có nội dung rằng Khổng Tử tấn công dị đạo quá mức chỉ có hại, ông đã dẫn dụng các tài liệu xưa. Trong đó có một câu của Văn tâm điêu long. Sau đây là câu trong 爲政下(Vi Chánh Hạ), quyển số 7 論語古今注(Luận ngữ cổ kim chú), tập 2, 與猶堂全書(Dữ do Đường toàn thư):
劉勰《文心雕龍》〈序〉云: “周公設辨, 貴乎體要. 尼父陳訓, 惡乎異端.” 按此諸文, 漢晉先儒, 不以異端爲楊墨佛老之類. (韓國文集叢刊本, 冊282, trang 170)
Trong Tự chí của Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã nói rằng: Khi bàn luận, 周公(Chu Công) đã quý mấu chốt, còn khi giảng dạy, Khổng Tử phải ghét dị đạo. Trong câu này, 先儒(Tiên Nho) của 漢(Hán) và 晉(Tấn) đã không giải thích dị đạo là bọn 楊墨佛老(Dương Mặc Phật Lão).
Đến vào thế kỷ 19, Văn tâm điêu long tiếp tục được truyền bá trên văn đàn thời Joseon. Kim Jung Hee (金正喜) là một quan văn sống ở thời Hiến Tông (憲宗) và Triết Tông (哲宗). Ông đã đề cao 實事求是(Thật sự cầu thị) và giao lưu với nhiều văn nhân Trung Quốc. Khi viết một bài về sự hài hòa và cách hành văn, ông đã trích dẫn Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Sau đây là một đoạn trong quyển số 6, 題李石見吟詩處上樑文後(Đề Lý Thạch Kiến Ngâm Thi Xử Thượng Lương Văn Hậu) của 阮堂全集(Nguyễn Đường toàn tập):
靑與赤, 謂之文; 赤與白, 謂之章. 文章之始起, 而騈體之所本也. 昭明勤選, 範此規模; 彦和著書, 傳玆科律. (韓國文集叢刊本, 冊301, trang 119)
Thanh (靑) và Xích (赤) được gọi là Văn (文), còn Xích (赤) và Bạch (白) thì được gọi là Chươn (章). Ban đầu của văn chương (文章) chính là căn bản của thể biền văn. 昭明太子(Chiêu Minh thái tử) đã chọn lựa kỹ lưỡng rồi lấy đó làm tiêu chuẩn, còn Lưu Hiệp thì đã viết sách rồi truyền cho hậu thế.
Còn trong một tác phẩm đánh giá 詩卷(Thi quyển) của người nào đó, Kim Jung Hee đã sử dụng ý của 明詩(Minh thi) trong Văn tâm điêu long. Người xưa đã làm thơ đúng quy luật nhưng đến đời sau, người ta coi đó là cũ kỹ và chỉ quan tâm đến cách viết mới. Những người hậu thế quen với việc viết những lời hoa mỹ và chọn đề tài cũng không thận trọng. 揚雄(Dương Hùng) đã mỉa mai điều đó là 小道(Tiểu đạo) và Lưu hiệp đã phân loại đúng hay sai trong Minh thi của Văn tâm điêu long.
Lee Kyu Gyeong (李圭景) là một văn nhân không làm quan, cháu nội của Lee Deok Mu, sống ở thời Hiến Tông (憲宗) và Triết Tông (哲宗), Lee Yu Won (李裕元) là một văn nhân sống ở thời Cao Tông (高宗), cũng để lại một số tác phẩm có sử dụng các câu trong Văn tâm điêu long.
Ngoài ra, trong các tác phẩm của thời Joseon đôi khi có những đoạn trích dẫn các đoạn của những người khác đã dẫn dụng Văn tâm điêu long. Trong 尙書序(Thượng Thư tự) của 與猶堂全書(Dữ do Đường toàn thư) và 逸書(Dật thư) của 硏經齋全集外集(Nghiên Kinh Tề toàn tập ngoại), Jung Yak Yong và Seong Hae Eung (成海應) đã sử dụng lại nội dung mà 王應麟(Vương Ứng Lân) của 宋(Tống) đã nói trong 因學紀聞(Nhân học kỉ văn). Và khi phân tích 毛詩指說(Mao thi chỉ thuyết) của 唐(Đường), 成伯璵(Thành Bá Dư) trong 成伯璵四家詩說(Thành Bá Dư Tứ gia thi thuyết), Seong Hae Eung đã nói rằng nó giống với thể tài trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Tuy nhiên, phận này cũng được Seong Hae Eung đã trích dẫn nội dung giải thích Mao Thi Chỉ Thuyết trong 四庫全書總目提要(Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu). Còn phận biện chứng nhiều loại 韻書(Vận thư) của 五洲衍文長箋散稿(Ngũ Châu diễn văn trường tiên tán cảo), Lee Kyu Gyeong đã trích dẫn lại các câu mà 顧炎武(Cố Viêm Vũ) dẫn dụng từ thiên 33, Thanh Luật (聲律) của Văn tâm điêu long.
IV. Kết luận
Ngày nay có nhiều học giả nghiên cứu và phát biểu về Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp. Văn tâm điêu long được truyền bá vào bán đảo Triều Tiên từ sớm đã thu hút được sự quan tâm của các học giả Hàn Quốc. Vì vậy, trong bài này chúng tôi phân tích sự truyền bá của Văn tâm điêu long từ thời kỳ Silla đến cuối thời kỳ Joseon một cách tổng quát.
Văn bản sớm nhất ở thời Silla hiện còn có nói đến tên Văn tâm điêu long là <朗慧和尙碑(Bia ghi Nang-Hye(Lãng Tuệ) Hòa Thượng)> của Choe Chi Won, được biên soạn vào năm 890. Theo bia ghi này, trong khi nói chuyện với 朗慧無染(Nang-Hye Vô Nhiễm), vua Kyung Mun (景文王) của Silla đã nói rằng từ lâu ông đã thích đọc Văn tâm điêu long. Từ đó, chúng ta biết được rằng vào giữa thế kỷ IX, Văn tâm điêu long đã được lưu truyền ở bán đảo Triều Tiên. Trong 法藏和尙傳(Beop-Jang (Pháp Tàng) Hòa Thượng Truyện) Choe Chi Won cũng đã viết về Văn tâm điêu long. Tôi chưa tìm thấy văn bản nào có nhắc đến Văn tâm điêu long được lưu truyền trên văn đàn Hàn Quốc sau thời điểm hoạt động của Choe Chi Won đến đầu thời kỳ Joseon. Tuy nhiên, căn cứ vào dòng văn học chữ Hán của Hàn Quốc, Văn tâm điêu long có thể được lưu truyền trong thời gian này.
Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Lee Su Kwang, Jang Yu và Im Suk Young đã viết những tác phẩm nhắc đến Văn tâm điêu long và khoảng thế kỷ XVIII, trong những tác phẩm của Joseon, cái tên Văn tâm điêu long đã xuất hiện khá nhiều. Đó là thời kỳ hoàng kim của văn đàn, đến mức được gọi là thời kỳ phục hưng của Joseon. Bắt đầu từ Chính Tổ, Lee Deok Mu và Yu Han Jun là những nhân vật chủ chốt của Văn Thể Phản Chính đến Gang I Cheon, Jung Yak Yong v.v... là các nhân sĩ từ nhiều tầng lớp khác nhau đã nói đến Văn tâm điêu long hoặc viết những bài luận về nó. Đến thế kỷ XIX, Văn tâm điêu long vẫn còn được lưu truyền trên văn đàn thời Joseon. Kim Jung Hee, Lee Kyu Gyeong và Lee Yu Won v.v... đã từng nói về Văn tâm điêu long. Trong số những nhân sĩ của Joseon từng nói về Văn tâm điêu long, có nhiều văn nhân từng đi sứ đến Minh (明)ㆍThanh (淸) và 實學者(thật học giả). Theo hiện tượng này, chúng ta có thể hiểu là văn đàn Joseon thường giao lưu với văn đàn Trung Quốc và liên quan với những tầng lớp có thể tiếp nhận văn bản Trung Quốc từ sớm. Sau thế kỷ XX, Văn tâm điêu long đã và đang xuất hiện với hình ảnh mới mẻ trên văn đàn Hàn Quốc.
Tài liệu tham khảo
1. 劉勰. 范文瀾注. 《文心雕龍》. 學海出版社. 臺北. 1980. 再版.
2. 張維. 《谿谷先生集》(標點影印韓國文集叢刊. 冊92). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 1992.
3. 任叔英. 《疏菴先生集》(標點影印韓國文集叢刊. 冊83). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 1992.
4. 李瀷. 《星湖全集》. 驪江出版社. 서울(Seoul). 1984.
5. 正祖. 《弘齊全書》. 文化財管理局藏書閣. 서울(Seoul). 1978.
6. 李德懋. 《靑莊館全書》(標點影印韓國文集叢刊. 冊258). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 2000.
7. 姜彛天. 《重菴集》. 朝鮮抄本. 奎11612本.
8. 兪漢雋. 《自著》(標點影印韓國文集叢刊. 冊249). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 2002.
9. 丁若鏞. 《與猶堂全書》(標點影印韓國文集叢刊. 冊282). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 2002.
10. 金正喜. 《阮堂全書》(標點影印韓國文集叢刊. 冊301). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 2003.
11. 李圭景. 《五洲衍文長箋散稿》. 名文堂. 서울(Seoul). 1982.
12. 成海應. 《硏經齊全集》(標點影印韓國文集叢刊. 冊275). 民族文化推進會. 서울(Seoul). 2003.
13. 李裕元. 《林下筆記》. 成均館大學校 大東文化硏究院. 서울(Seoul). 1991.
14. 崔英成譯. 《譯註崔致遠全集》(四山碑銘). 亞細亞文化社. 서울(Seoul). 1998; (孤雲文集). 1999.
15. 朴現圭. 〈《文心雕龍》과 《文賦》의 한국(Hàn Quốc) 傳來 時期攷〉. 仁山學. 3집(tập số 3). 仁山學硏究院. 2005.
Người dịch: Kim Joo Young, NCS Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí khoa học Văn hóa và Du lịch, số 2&3 (82&83), tháng 3&5/2016