1. Sau giai đoạn hoàng kim vào những năm cuối kỷ nguyên Meiji (Minh Trị, 1868-1912), chủ nghĩa tự nhiên (shizenshugi)[1] và biến thể tiểu thuyết tự thuật (watakushi shōsetsu)[2] về sau, đã mất hẳn động lực sáng tạo do sa vào lối mòn về đề tài, sự khô cứng về văn phong và âm hưởng thất bại yếm thế trước thời cuộc, đồng thời chịu sức ép nặng nề từ các tư trào văn học đối kháng trực tiếp hoặc gián tiếp. Các trào lưu này, quy tụ nhiều nhà văn và nhà phê bình lỗi lạc, đại diện một số phong cách có xu hướng phản tự nhiên[3] nổi lên cuối thời Meiji bao gồm: Thứ nhất, khuynh hướng cao sang bản xứ Dư dụ phái (yoyūha) sử dụng lối văn “chan chứa cảm tình khiến người đọc phải bồi hồi xúc động, lưu luyến khó quên, hoặc nói cách khác, đọc một lần rồi thì lời văn nằm lại mãi trong lòng mọi người”[4] với các đại biểu Natsume Sōseki (1867-1916), Mori Ōgai (1862-1922), Masaoka Shiki (1867-1902). Thứ hai, Chủ nghĩa duy mỹ (yuibishugi)[5] đề cao giá trị thẩm mỹ và nhục cảm trong nghệ thuật theo phong cách chủ nghĩa tượng trưng phương Tây, ra đời hậu bán thế kỷ XIX tại Nhật Bản với các tác giả Kitahara Hakushū (1885-1942), Kinoshita Mokutarō (1885-1945), Yoshi Isamu (1886-1960), Nagai Kafū (1879-1959), Tanizaki Jun’ichirō (1886-1965). Thứ ba, Bạch hoa phái(Shirakaba), cùng những đại diện của nó như Arishima Takeo (1878-1923), Arishima Ikuma (1882-1974), Nagayo Yoshirō (1888-1961), kiên trì đường lối cải lương “nhân đạo chủ nghĩa”, “lạc quan chủ nghĩa”[6], chủ động hòa giải sự đối đầu giữa các phe phái. Và cuối cùng, một số cây bút tương đối khó phân loại theo các khuynh hướng kể trên, như nhà văn thiên tài Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) cùng những đồng sự, được các nhà phê bình xếp vào Chủ nghĩa tân hiện thực (shingenjitsushugi)[7].
Đây là những năm bút chiến chống chủ nghĩa tự nhiên mang tính chất phê phán căng thẳng, và vì vậy một số tạp chí mới đã ra đời nhằm bênh vực cho các phe phái mà chúng quan hệ. Đáng chú ý có bốn tạp chí lớn, gồm Subaru (Tao đàn, 1909-1913), Mita bungaku (Văn học Mita, 1910-?), Shinshichō (Tân tư trào, 1907-1970) và Shirakaba (Bạch hoa, 1910-1923). Tờ Subaru dưới sự tổ chức của Mori Ōgai đã nhanh chóng quy tụ được nhiều văn sĩ chống chủ nghĩa tự nhiên như Ishikawa Takuboku (1886-1912), Kinoshita Mokutarō, Yoshi Isamu, nhưng khi phong trào lắng xuống thì nhóm này lại bị phân rã. Tờ Mita bungaku được khoa văn trường Đại học Keiō khai trương với chức chủ bút do Nagai Kafū nắm giữ, đã nhanh chóng trở thành tuyến đầu của trào lưu phản tự nhiên. Tanizaki Jun’ichirō khi đó mới 24 tuổi, là một thành viên của nhóm Shinshichō cùng với Yamamoto Yūjō (1887-1974), Kume Masao (1891-1952), Akutagawa Ryunosuke, cũng thường xuyên cộng tác với Mita bungaku. Trong khi các tờ Subaru, Mita bungaku và Shinshichō tạo thành một hiệp hội tấn công chủ nghĩa tự nhiên, thì các thành viên trẻ của tờ Shirakaba lại thành lập một hiệp hội khác. Nói chung, “nhóm thứ nhất không thích tính chất nội quan và không màu sắc của văn học tự nhiên chủ nghĩa, họ kêu gọi trở về với xúc cảm và cái đẹp, trong khi nhóm thứ hai tấn công tư tưởng thất bại u buồn của các nhà tự nhiên chủ nghĩa, thay vào đó họ nhấn mạnh một loại chủ nghĩa nhân văn lạc quan”[8]. Với sự phân hóa thành nhiều tiểu phái được hậu thuẫn bởi các tạp chí theo các tôn chỉ khác nhau, với sự hỗ trợ của nhiều đại học, phản tự nhiên trở thành trào lưu với nhiều tác gia và nhiều thành tựu nhất, đồng thời cũng phức tạp nhất trong lịch sử văn học cận-hiện đại Nhật Bản.
2. Trước hết, có thể thấy khuynh hướng Dư dụ phái phê phán chủ nghĩa tự nhiên chủ yếu trên phương diện xúc cảm nghệ thuật qua chủ trương sáng tác những tác phẩm chan chứa tình cảm và làm xúc động lòng người. Tư tưởng của văn phái là sự tiếp nối hoàn hảo mỹ học truyền thống Nhật Bản, từ quan niệm yojō (dư tình) nhằm tái tạo không gian nghệ thuật thấm đượm những ngụ ý trong lớp ngữ nghĩa bề sâu của ngôn từ nghệ thuật, đến mỹ cảm aware biểu hiện cảm thức xao xuyến trước những bi ai não lòng, vô thường và quyến rũ của cuộc đời. Những mỹ cảm truyền thống đó nảy sinh từ văn học một thời trữ tình ngọt ngào nữ tính Heian (790-1192), lại được hiển minh trong những loại thể sáng tác hiện đại. Ở đây, ta thấy sự có mặt của các nhà văn đứng trên tuyến đầu của sáng tạo văn hóa trong những va chạm Đông-Tây thời Meiji như Masaoka Shiki hay Natsume Sōseki. Hai người đều tiếp nhận một nền giáo dục giống nhau từ trước tuổi 20: theo học chữ Hán và tiếng Anh để dự thi vào trung học. Shiki vào khoa tiếng Nhật đại học hoàng gia Tōkyo, Sōseki vào khoa tiếng Anh cùng trường và họ đã trở thành bạn thân ở đây.
Masaoka Shiki là một thi sĩ một nhà phê bình thơ xuất sắc với thành tựu chính “tạo ra lối phê bình văn chương cho thời đại, lối phê bình coi waka và haiku[9] như một bộ phận của văn chương”[10]. Cái mới mẻ của lối phê bình này ở chỗ nó phủ định thái độ thường có của các thi sĩ haiku và waka coi tiêu chí phê bình hai thể thơ này là riêng biệt, tách rời các hình thức văn học khác. Sáng tác của ông, ngoài những thi phẩm còn là những tiểu luận dài về hai thể thơ trên đăng trên tờ Nihon (Nhật Bản).
Natsume Sōseki, văn sĩ sau này được các nhà phê bình đánh giá là một trong ba trụ cột của văn học cận-hiện đại Nhật Bản cùng Mori Ōgai và Akutagawa Ryunosuke, là người vừa say mê nền văn hóa cổ truyền, thơ haiku vừa thành thạo văn chương Anh. Ông đã dùng những kiến thức văn học Anh để tạo nên lý thuyết văn chương cho chính mình. Những tác phẩm lý luận Bungakuron (Văn học luận, 1907), Bungaku hyoron (Văn học bình luận, 1909), tiểu luận Gendai Nihon no kaida (Kỷ nguyên ánh sáng của nước Nhật Bản hiện đại, 1911), Watashi no kojinshugi (Chủ nghĩa cá nhân của tôi, 1915) v.v. tỏ rõ nỗ lực phi thường của ông trong việc “đi tìm bản chất của văn học”[11]. Lý luận văn học của ông thể hiện dưới những phương diện: xem xét quan hệ cuộc sống và những loại hình nghệ thuật, sự nếm trải và đánh giá của nghệ sĩ, các phẩm chất chân-thiện-mỹ trong các hình tượng nghệ thuật, phương thức để sáng tác tiểu thuyết, và tính giáo dục của nghệ thuật. Trong Bungakuron, một cuốn sách được đánh giá là tác phẩm phê bình văn học tổng hợp và hệ thống đầu tiên ở Nhật Bản hiện đại, ông cho rằng văn học có hai yếu tố: tri giác và cảm xúc. Tri giác mà không cảm xúc thì là tri giác trong nhận thức khoa học, cảm xúc mà thiếu tri giác thì đó chỉ là tiền-văn chương. Đây là một nhận định tuyên chiến với lý thuyết của chủ nghĩa tự nhiên vốn chủ trương viết tự thuật bằng phong cách thông tục, hầu như thiếu dấu ấn tư tưởng và tình cảm của tác giả. Tác phẩm Bungaku hyoron của ông thể hiện một nhãn quan đặc biệt với văn học nước ngoài, thông qua việc phân tích lịch sử văn chương Anh thế kỷ XVIII, ông nhấn mạnh sự khách quan và cần thiết đối với người Nhật phải có những chuẩn mực riêng để phán xét văn chương ngoại quốc.
Bên cạnh các luận văn, Sōseki để lại một di sản sáng tác đa dạng gồm các tiểu thuyết, truyện ngắn kỳ ảo và thơ haiku. Tác phẩm đầu tiên trong số này là Wagahai wa neko de aru (Tôi là con mèo, 1905-1906) với hình tượng một con mèo nằm lắng nghe các nhà khoa học tranh cãi, thực chất là một thảo luận về triết học và nghệ thuật. Tiểu thuyết Botchan (Cậu ấm, 1908) kể về một giáo viên trung học vụng về trước thời cuộc, là một trong những cuốn sách nhiều độc giả nhất mọi thời đại và hiện nay vẫn còn bán rất chạy. Tác phẩm Gubujinsō (Cỏ ngu mỹ nhân, 1908) gây ấn tượng với phong cách đẹp, và chân dung hoàn hảo nhất về lớp trẻ thời đại được hiển hiện trong Sanshirō (Tam Tứ Lang, 1908) viết về nhân vật cùng tên.
Ở những tiểu thuyết và truyện ngắn về sau, Sōseki nhấn mạnh yếu tố xúc cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Lần lượt nhiều tiểu thuyết tâm lý ra đời với những cuộc tình tay ba là đề tài chủ đạo, như Mon (Cánh cửa, 1910), Kōjin (1912-1913), Kokoro (Trái tim, 1914), tiểu thuyết nửa tự truyện Michikusa (1915) và tác phẩm còn dang dở Meian mà chỉ riêng những phần đã viết cũng được đánh giá là tác phẩm hay nhất của Sōseki và là tiểu thuyết tâm lý Nhật Bản hay nhất từng được viết ra. Những tác phẩm này, với phong cách đi từ trang nhã, hoa mỹ nhất tới giản dị và thông tục một cách trong sáng, thể hiện một cách trữ tình tình yêu của lớp trẻ đương thời.
Cùng khuynh hướng với Masaoka Shiki và Natsume Sōseki, Mori ōgai lại khởi đầu hoạt động trong bối cảnh chính thể tuyên truyền cho Hiến pháp Hoàng gia năm 1889, với những cải tổ nằm trong Hiến pháp quy định, chủ yếu là sự đối kháng và có thể là sự kết hợp, giữa văn hóa hiện đại phương Tây với di sản văn hóa phong kiến thời Edo-Tokugawa (1603-1868). Ông đã trải qua các cực của sự đối kháng này và cũng cố vượt qua sự hỗn hợp phức tạp nhất của hai nền văn hóa trong suốt văn nghiệp của mình. Tác phẩm của ōgai bao trùm hầu hết những vấn đề của văn hóa Nhật Bản hiện đại.
Là một người từng du học ở châu Âu 4 năm và rất giỏi tiếng Đức, Ōgai khởi đầu văn nghiệp của mình bằng việc dịch thuật các tác phẩm như Impromotu Poets (Những nhà thơ ứng khẩu, 1892-1910) và Faust (1913). Những tác phẩm dịch thuật của ông có ảnh hưởng rất lớn đến các học giả cuối thời Meiji, nhưng những đóng góp trong lĩnh vực sáng tác của ông mới thật khiến tên tuổi của ông sống mãi trong nền văn học Nhật Bản cận-hiện đại. Từ những tiểu thuyết phê phán chính sách của chính phủ cực kỳ dũng cảm như truyện ngắn ngụ ngôn Chinmoku notō (Pháo đài tĩnh lặng, 1910), Mōsō (Mộng tưởng, 1911) đến những tác phẩm mà “sự đa dạng về đề tài và phong phú về các nhân vật đương đại có lẽ không ai bằng trong văn xuôi Nhật Bản”[12]. Đó là hình tượng bác sĩ trong Maisui (Gây mê), nhà thơ trong Seinen (Thanh niên), người đàn ông yếm thế trong Hyaku monogatari (Một trăm truyện), thanh niên quý tộc trong Kono yō ni (Nếu như), người nghệ sĩ trong Hanako, bà quản lý trong Gan (Ngỗng hoang) v.v., với các đề tài trải rộng bình diện từ tình yêu trong Maihime (Vũ nữ) đến kinh nghiệm tình dục trong Vita Sexualis (Tình dục muôn năm), từ sự xung khắc mẹ vợ-chàng rể trong Hannichi (Nửa ngày) đến cuộc đời nghệ sĩ trong Hanako, từ phê phán xã hội trong Chinmoku notō đến những hoài niệm trong Rêveries (Hoang tưởng).
Ōgai cũng là một nhà thơ trữ tình và nhà phê bình waka danh tiếng. Waga hyakushū (100 bài thơ của tôi, 1909) tập hợp những bài hay nhất của ông. Những nỗ lực ủng hộ các nhà thơ trẻ trên hai tạp chí Mita bungaku và Subaru của Ōgai đã ảnh hưởng đến văn nghiệp của họ rất lớn, góp phần sáng tạo một trường phái waka hiện đại với phong cách ngọt ngào và hoa mỹ, khiến ông được tôn vinh như thủ lĩnh của phong trào.
Một thành tựu khác của Ōgai là sự tạo dựng một phong cách văn xuôi Nhật Bản “thông tục tinh tế” đối kháng với “thông tục thuần túy” của chủ nghĩa tự nhiên, thông qua sự hòa trộn của lối tu từ học Nhật Bản và văn phong châu Âu, bộc lộ rõ nét trong những tiểu thuyết lịch sử sau này, chẳng hạn cuốn Okitsu Yagoemon no isho (Di chúc của Okitsu Yagoemon, 1912) và Sakai jiken (Sự kiện Sakai, 1914).
Đóng góp cuối cùng của Ōgai là một loạt tiểu truyện về các học giả thời Tokugawa viết vào những năm cuối đời, như Shibui Chūsai (1916), Izawa Ranken (1916-1917), Hōjō Katei (1917). Những tác phẩm này, với nghệ thuật biểu cảm và thủ pháp xây dựng tâm lý phong phú, đã khiến độc giả bị cuốn hút vào thế giới sống động của nhân vật. Các tiểu truyện của Ōgai và một số ít văn sĩ như Nagai Kafū, Nakamura Shin’ichiro phản ánh sự thành công lớn trong việc tìm tòi đổi mới phong cách thể loại từ cuộc đối đầu văn hóa Đông-Tây, khiến tác giả trở thành một trong những chủ soái của phong trào chống tự nhiên chủ nghĩa cuối thời Meiji.
3. Nếu Dư dụ phái tấn công chủ nghĩa tự nhiên qua việc phê phán tính “vô cảm” của nền văn học này và sáng tạo ra những tác phẩm văn học thấm đẫm xúc cảm, thì Kitahara Hakushū, Nagai Kafū, Tanizaki Jun’ichiro, Kinoshita Mokutarō lại phản đối lối văn khô khan và đề tài không màu sắc của chủ nghĩa tự nhiên, bằng việc đưa ra những sáng tác theo chủ nghĩa duy mỹ (yuibishugi) và đề cao nhục cảm. Những văn sĩ tiên phong như Kitahara Hakushū và Kinoshita Mokutarō, qua nỗ lực sáng lập PAN hội (PAN no kai)[13] nhằm thay thế vị trí của trường phái lãng mạn Nhật Bản (Nippon rōmansha)[14] trên văn đàn và quy tụ những cây bút chống chủ nghĩa tự nhiên, đã chủ trương học tập phong cách tượng trưng và duy mỹ phương Tây qua sáng tác của Charles Baudelaire (1821-1867), Théophile Gautier (1811-1872), Oscar Wide (1854-1900).
Nagai Kafū, tiểu thuyết gia và nhà lý luận xuất sắc của chủ nghĩa duy mỹ Nhật Bản, trong những luận thuyết chiến đối kháng với chủ nghĩa tự nhiên, đã đưa ra những quan điểm về nghệ thuật rất độc đáo. Ông cho rằng nghệ thuật không phải là sự mô phỏng hiện thực máy móc như các nhà tự nhiên chủ nghĩa, mà là sự bắt chước có lựa chọn, nghĩa là không chỉ phản ánh sự trung thành với hiện thực mà quan trọng hơn cả là sự chọn lựa và điển hình hóa đối tượng miêu tả. Ở một phương diện khác, ông nhấn mạnh tính đồng cảm giữa cái được lựa chọn và các phẩm chất của người nghệ sĩ, nghĩa là sự bộc lộ nội tâm chủ quan của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Là một nghệ sĩ thuộc trường phái duy mỹ, quan niệm của ông khi bàn về cái đẹp cũng rất đặc biệt, ông tìm mối tương cảm giữa cái đẹp và sự đau khổ, coi cái đẹp thực sự là cái đẹp bất toàn[15].
May mắn được du học Mỹ 4 năm và đã từng tham quan một số nước châu Âu, thành thạo cả chữ Hán và lẫn Tây học hiện đại, Nagai Kafū thuộc nhóm những thành viên tinh hoa của thời Meiji. Nhưng cuộc đời và tác phẩm của Nagai phản ánh sự bất mãn đối với chính sách quân phiệt ở Nhật giai đoạn từ nước ngoài trở về qua tác phẩm Shinkichōsha nikki (Nhật ký của một người vừa trở về, 1909), và sự thu mình vào chủ nghĩa cá nhân biệt lập với xã hội, bằng cách vừa chơi bời đàng điếm, vừa miệt mài viết văn trong giai đoạn sau. Lối sống của Nagai Kafū hiển nhiên là phóng đãng, nhưng không thể coi đó là “sa đọa” bởi đời sống tình dục của cá nhân trong lịch sử văn hóa Nhật Bản hầu như chưa bao giờ được đưa ra phán xét dưới quan niệm đạo đức. Hơn nữa, lối sống này cũng khá phổ biến trong các tay bút ảnh hưởng truyền thống văn nhân phong lưu trước cuộc đời, không dính dáng đến chính trị, lánh đời nhưng không xa thú vui trần tục như uống rượu, đàn bà và ca hát. Các tiểu thuyết như Udekurabe (Đua tranh, 1916) kể về ba nàng geisha tranh khách, và Okamezasa châm biếm chua cay những kẻ có thế lực thường lui tới gái giang hồ, là những tác phẩm thể hiện đề tài và cảm hứng từ chính môi trường Nagai hay lui tới.
Cuối những năm 1930, trước động thái mở rộng chiến tranh của nhà cầm quyền, Nagai lặng lẽ rút khỏi xã hội và tiêu phí thời gian trong các nhà thổ. Cũng trong thời gian này ông viết tiểu thuyết Bokutō kitan, một tác phẩm được đánh giá có lẽ là hay nhất của ông, bộc lộ thiện cảm của ông khi phân tích đời sống tình cảm tinh tế của những người phụ nữ ở tầng lớp dưới trong xã hội.
Cùng khuynh hướng duy mỹ với Nagai Kafū, Tanizaki Jun’ichiro lại là cây bút “chuyên viết về những xung đột nội tâm giữa Đông và Tây”[16]. Những tác phẩm tiêu biểu của Tanizaki giai đoạn trước 1945 có thể kể ra gồm Chijin no ai (Tình yêu của kẻ mê muội, 1924-1925), Manji (Chữ thập ngoặc, 1928-1930), Tadekuumushi (Người thích cây tầm ma, 1928-1929), Mōmoku monogatari (Chuyện kể một người mù, 1931), Ashikari (1932), Shunkinshō (Chân dung Shunkin, 1933), Sasameyuki (Tuyết mỏng, 1943-1948). Ngoài ra, Tanizaki còn dịch Genji Monogatari[17] sang tiếng Nhật Bản hiện đại (1939). Những tác phẩm của Tanizaki phần lớn đều ngắn, trừ tiểu thuyết Sasameyuki, tất cả đều được viết một cách căng thẳng, miêu tả quan hệ nhục dục và tình cảm của nam nữ tách biệt khỏi các quan hệ xã hội khác. Những năm cuối đời ông viết Kagi (Chìa khóa, 1956) và Fūtenrōjin nikki (Nhật ký lão điên, 1961-1962) với đề tài về những ông già và đời sống tình dục của ông ta. Quan hệ giữa một bên là sự chết như một tiến trình đi tới cứu rỗi ở miền cực lạc và một bên là thú vui xác thịt để tìm sự thỏa mãn nơi trần thế được miêu tả một cách trừu tượng trong những tác phẩm loại này.
Tuy nhiên, dù có điểm chung là sự tôn sùng cái đẹp nhục dục bằng phong cách hoa mỹ rất Tây hóa mà không bận tâm đến đạo lý đi đôi với cái đẹp như trước, quan niệm của Nagai Kafū và Tanizaki đối với tình dục vẫn khá khác biệt. Vào cuối đời, khi tự so sánh mình với Nagai, Tanizaki cho rằng Nagai có xu hướng “coi thường phụ nữ như kẻ bề dưới và xem xét họ như những đồ chơi” trong khi ông “coi phụ nữ là kẻ bề trên”. Những sáng tác của hai ông phản ánh điều này rõ nét, cả hai đều đưa quan hệ nam nữ thành đề tài chủ đạo trong những tác phẩm của mình, nhưng một người thì viết về sự buông thả ở các nhà thổ, một người mô tả ái tình trong xã hội trung lưu. Sự khác biệt này rõ ràng không chỉ do ảnh hưởng của lối sống từng người mà của cả phong cách văn nhân mà các ông đại diện.
Thành công lớn nhất của Tanizaki là Sasameyuki, một tiểu thuyết với những chi tiết về cuộc sống thường ngày của một gia đình trung lưu ở lớp trên vùng Ōsaka-Kobe, gia đình của 4 chị em Makioka. Tác phẩm hầu như không có kịch tính và được diễn tiến bằng một chuỗi tình tiết vụn vặt xoay quanh những sinh hoạt thường nhật, không miêu tả tình yêu nhục cảm như phong cách thường thấy của tác giả, thay vào đó nó tái họa một phạm vi xã hội nhỏ bé, biến việc tôn sùng phụ nữ thành việc tưởng niệm tất cả những gì thuộc thế giới vi mô này. Vẻ đẹp hồi tưởng đem đến cho tác phẩm cảm thức về cái đẹp mong manh và sự phù du trong hiện tại, sự trong sáng đến nao lòng của khát vọng muốn trở lại với thế giới ngày hôm qua, thế giới của cái đẹp mà hôm nay có thể đã vĩnh viễn biến mất. Mặc dù bị nhà cầm quyền đương thời cấm đoán (có lẽ do tác phẩm ngầm chứa thái độ bi quan đối với xã hội hiện tồn) khi mới xuất bản, Sasameyuki vẫn thực sự là một trong số ít tác phẩm vĩ đại được viết trong chiến tranh và là một dấu mốc trong lịch sử tiểu thuyết Nhật Bản.
4. Trường phái Bạch hoa (Shirakaba) ra đời sau vụ hành hình nhà xã hội chủ nghĩa tiền-Marxit Kōtoku Shūsui (1871-1911) và những người đồng chí của ông vì bản án “phản quốc” cuối thời Meiji (1910). Đây là giai đoạn bế tắc tinh thần dân chủ và tự do trong xã hội, và thế hệ các nhà văn trẻ bước vào kỷ nguyên Taishō (1912-1926) bằng thái độ dịch xa khỏi chính thể đương thời, thay vào đó họ tập trung sự chú ý đến các vấn đề riêng của thế hệ mình. Tôn chỉ Bạch hoa phái ít nhiều đối kháng với tư tưởng của chủ nghĩa Marx đang dần hiện diện tại Nhật Bản bằng thái độ ủng hộ chủ nghĩa siêu quốc gia và tung hô chủ nghĩa quân phiệt, thể hiện tinh thần cải lương nhân đạo và lạc quan chủ nghĩa “yêu đời đồng thời hạn chế lòng mình, vui trong giới hạn của chính lý và thiên đạo để xây đắp đời sống vui cho người khác”[18], mong muốn các nhà cầm quyền mở rộng tư tưởng ấy tới toàn dân nhằm xây dựng quốc gia không bị phân tán vì thù hận bởi các trào lưu đối lập. Mục tiêu lớn hơn, Bạch hoa phái quy tụ những cây bút tấn công các nhà tự nhiên chủ nghĩa mang màu sắc thất bại, bi quan và yếm thế trước thời cuộc, hướng đến một vị trí trung dung giữa các dòng phái trong thời điểm mà sự đối kháng với chủ nghĩa tự nhiên ở các khuynh hướng có tôn chỉ khác nhau không tránh khỏi dẫn đến đối kháng giữa chính các khuynh hướng đó. Các đại biểu chính trường phái này là Arishima Takeo, Arishima Ikuma, Shiga Naoya (1883-1971), Nagayo Yoshirō, Mushanokōji Saneatsu (1885-1976), Satomi Ton (1888-1983).
Arishima Takeo là người cùng thời Nagai Kafū. Hai nhà văn này có một số điểm tương đồng về thời đại và đều bộc lộ lý tưởng sống theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng Arishima đã dần tiệm cận được chủ nghĩa xã hội qua tư tưởng “giúp mọi người xây dựng lòng nhân đạo”[19], “người làm văn học là trước hết phải đem lương tâm lương trí của mình ra mà phục vụ cho những gì là “logique” (hợp lý), để nâng cao nhân phẩm đời sống con người”[20]. Arishima viết nhiều, song đáng chú ý nhất của ông là cuốn Aru onna(Một người đàn bà, 1919). Cuốn sách miêu tả theo lối hiện thực thân phận và cuộc đời một người đàn bà đẹp thuộc tầng lớp trung lưu. Đó là câu chuyện về tình yêu và cuộc đấu tranh của cô chống lại thiên kiến và thói đạo đức giả của xã hội để được sống một cuộc sống đúng với chính mình, nhưng đó cũng là bi kịch của chính cô trong xã hội bấy giờ. Trong một tiểu thuyết khác, Oshiminaku ai wa ubau (Tình yêu thả sức giành giật, 1920), ông khẳng định một tình yêu lãng mạn tự biểu hiện khi tới đỉnh điểm là cái chết trong sự hòa hợp giữa hai người. Ông, cùng với người tình của mình là Hatano Akiko đã tự vẫn tại một nhà nghỉ ở Karuizawa, lấy cái chết để rọi sáng lý tưởng của mình.
Shiga Naoya, với thế giới tưởng tượng nhỏ hẹp hơn Tanizaki Jun’ichiro, viết về một cái tôi trung tâm và những điều vụn vặt của cuộc sống quanh mình theo một phong cách thuần khiết, trong sáng và cô đọng, kết hợp hài hòa đề tài hiện thực của các nhà tự nhiên chủ nghĩa với văn phong trữ tình của Dư dụ phái. Tác phẩm sáng giá nhất của ông là Anyakōro (Hành trình đêm, 1921-1937), giới thiệu cho chúng ta một con người hoàn toàn tự lập, một cá nhân khép kín mà sự độc lập của anh ta không bị quấy rối bởi các hệ thống tôn giáo, triết học hay tư tưởng, bởi các thế lực chính trị hoặc bởi những điều kiện kinh tế. Tiểu thuyết này không có cấu trúc chặt chẽ, các khung cảnh và tiết đoạn nối tiếp nhau như những truyện ngắn độc lập và được viết với một vẻ đẹp trang nghiêm.
Tư tưởng nhân đạo và lạc quan chủ nghĩa của Bạch hoa phái rõ nét nhất trong những sáng tác của Mushanokōji Saneatsu, đây thực sự là “chuỗi những áng văn chương đẹp vì lời lẽ thuần lương, hàm chứa những cảm tình chất phác xuất tự đáy lòng con người thực lòng yêu đời và yêu người”[21]. Những tác phẩm chính của Mushanokōji gồm Omedetaki hito (Một người may mắn), Sono imo(Cô ấy), Ningen banzai (Nhân gian vạn tuế), Aiyoku (Muốn yêu), Shinri senjū (Người thầy chân lý).
5. Trong trận tuyến đối đầu với phong trào tiểu thuyết tả chân, hậu duệ chủ nghĩa tự nhiên, đang dần “quên mất sứ mệnh văn hóa của mình nên đã không tạo nổi chút khí sắc mới nào, chuyển thành một phong trào tự khoa trương, tự quảng cáo đời mình một cách lộ liễu và quá trớn”[22], tạp chí Shinshichō đã quy tụ được cây bút xuất sắc Akutagawa Ryunosuke (1892-1927) và một số cộng sự Kikuchi Kan (1888-1948), Kume Masao (1891-1952), Yamamoto Yuzō (1887-1974), Toyoshima Yoshio (1890-1955). Tạp chí này, cùng với tôn chỉ và hành động nhằm “thúc đẩy thiết lập một chế độ dành mọi ưu tiên về tự do và no ấm cho giai cấp bình dân hạ đẳng”[23], đã góp phần thúc đẩy những sáng tác theo Chủ nghĩa tân hiện thực (shingenjitshugi), một khuynh hướng dung hòa được những tinh hoa lý trí của chủ nghĩa tự nhiên và sắc màu lãng mạn phóng túng của chủ nghĩa duy mỹ, thể hiện một phong cách riêng biệt hòa trộn giữa hiện thực và huyền ảo bằng bút pháp hoa mỹ mà xúc tích.
Akutagawa Ryunosuke, thủ lĩnh của văn phái, là một cây bút kiệt xuất với trên 140 tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn và các bài phê bình. Trong khoảng mười năm trước khi tự tử ở tuổi 35, ông đã đưa ra những sáng tác hiện thực mà sự đa dạng về nội dung và hình thức của chúng lớn hơn bất cứ tác phẩm của nhà văn nào cùng thời với ông, phản ánh sự nhạy cảm nội tâm và chiều sâu tri thức của một người am hiểu sâu sắc văn chương Nhật Bản truyền thống, văn học Trung Hoa cổ điển và tư tưởng phương Tây hiện đại. Những sáng tác của Akutagawa trải rộng đề tài trên rất nhiều bình diện xã hội: Hana (Cái mũi, 1916), Ronen (Tuổi già, 1914), Jigokuhen (Bức bình phong địa ngục, 1918), Imogayu (Cháo khoai, 1916), và truyện ngắn sau này chuyển thể thành kịch bản cùng tên Rashomon (La Sinh Môn, 1915) lấy bối cảnh và đề tài từ truyền thống; Butokai (Tiệc khiêu vũ, 1920), Hina (Con nộm, 1923) nói về sự tiếp thu văn minh Âu Tây thời Meiji; Hōkyonin no shi (Cái chết của một con chiên, 1918), Kirishitohoro shōninren (Truyện thánh Christopher, 1919) viết về thời người ngoại quốc đến truyền giáo; Gesaku sammai (Hứng sáng tác, 1917), Karenoshō (Cánh đồng khô, 1918) tái họa đời sống sáng tạo của các nghệ sĩ; tập truyện thiếu nhi Kumo no ito (Sợi tơ nhện, 1918), Toshishun (Cậu bé Đỗ Tử Xuân, 1920) mượn đề tài Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa đời Đường; tiểu thuyết trào phúng Kappa (Loài thủy quái Kappa, 1927), Shuju no kotoba (Ngôn từ của người lùn, 1923-1925) phê phán các chính sách kiểm soát báo giới của nhà cầm quyền đương thời; và Daidōji Shinsuke no hansei (Cuộc sống đầu đời của Daidōji Shinsuke, 1925), Aru ahō no isshō (Cuộc đời một kẻ ngốc) sử dụng phong cách tự thuật. Những sáng tác trên, với khả năng trực giác nhạy bén, phạm vi quan tâm rộng lớn, phần lớn mang văn phong mỉa mai và gợi tả sâu sắc theo khuynh hướng tân hiện thực, đã phản ánh tinh thần chống chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa quốc gia và tự do chủ nghĩa của tác giả.
Cuối đời, Akutagawa Ryunosuke mang một nỗi bất an thường trực, một phần do dao động trước những biến cố xã hội dưới sức ép của cao trào vô sản và một phần do sức khỏe suy sụp vì suy nhược thần kinh. Ông đã tìm đến cái chết bằng độc dược vào năm 1927, một cái chết ít nhiều phản ánh thân phận của giới trí thức trong một xã hội bất trắc đương thời, gây xúc động sâu sắc cho văn giới. Kế thừa phong cách phản ánh thực tại trong dòng lãng mạn buông thả vô hạn nhằm tái tạo một “hiện thực mới” của Akutagawa, những cây bút Toyoshima Yoshio, Kikuchi Kan, Kume Masao, Yamamoto Yuzō, Kikuchi Hiroshi, đã tiếp tục đưa tạp chí Shinshichō và khuynh hướng sáng tác tân hiện thực đến gần khuynh hướng xã hội, góp phần không nhỏ tạo tiền đề cho sự ra đời của trào lưu văn học mang màu sắc vị nhân sinh ở giai đoạn sau[24].
6. Tóm lại, nhờ những cải tổ xã hội rộng lớn theo mô hình phương Tây của các nhà cải cách thời Meiji, trước hết là sự thay đổi nền giáo dục đã lạc hậu từ thời Tokugawa và việc chuyển dịch ồ ạt các tác phẩm tư tưởng, văn học, văn hóa nước ngoài, nền văn học hiện đại Nhật Bản với ngôn ngữ, văn phong và thể tài mới, đã dần thành hình qua những sáng tác của các cây bút tự nhiên chủ nghĩa cuối thời Meiji. Nhưng, chỉ đến giai đoạn hậu kỳ Meiji và bắt đầu kỷ nguyên dân chủ Taishō, do chính sách lưỡng diện của giới cầm quyền tư bản giai đoạn này, nỗ lực cởi mở với phương Tây trong khi vẫn đặt hoạt động truyền bá tư tưởng Marxit trong nước ra khỏi vòng pháp luật; do ý thức dịch xa khỏi chính thể đang dần quân phiệt hóa của các văn sĩ và thay vào đó, dành ưu tiên cho những mối quan tâm riêng của thế hệ mình; đồng thời, do “khoảng trống quyền lực” trên văn đàn mà sáng tác nghèo nàn của các nhà tự nhiên chủ nghĩa không thể khỏa lấp, đã thúc đẩy những khuynh hướng mới nhằm kiến tạo những giá trị văn học mới. Từ đây, sự nở rộ các tư trào phản tự nhiên và cuộc đối đầu giữa chúng với chủ nghĩa tự nhiên, đã khiến tiến trình đi từ ý tượng đến thực tiễn nhằm tác thành một nền văn học Nhật Bản hiện đại trở nên hiện hữu.
Qua những phác thảo trên, ta cũng có thể nhận thấy một số đặc điểm khá rõ rệt của các khuynh hướng phản tự nhiên giai đoạn này: Thứ nhất, sự quan tâm hạn chế đến chính trị và vì vậy ảnh hưởng của các văn sĩ đến chính sách của nhà cầm quyền là không rõ rệt. Thứ hai, nhiều vấn đề đương thời chưa được phản ánh trong tác phẩm, chẳng hạn những cuộc chiến của Nhật Bản nhằm mở rộng đế chế vào lục địa châu Á và những biến động xã hội có tính hệ quả trong nước. Thứ ba, các khuynh hướng phản tự nhiên rất phức tạp, trải rộng từ xu thế cấp tiến nhất như Chủ nghĩa tân hiện thực đến cải lương nhất như văn phái Bạch hoa, từ sự hồi quang phản chiếu mỹ học truyền thống trong khuynh hướng Dư dụ phái đến nỗ lực Tây hóa triệt để trong tác phẩm của các nhà Duy mỹ chủ nghĩa. Và cuối cùng, do sự đa dạng về tôn chỉ của nhiều nhà văn có quan điểm và thực tiễn sáng tác khác nhau, các khuynh hướng phản tự nhiên đã bộc lộ những mâu thuẫn có tính đối kháng nội tại, điều đó dẫn đến sự phân rã tất yếu sau khi chủ nghĩa tự nhiên trên văn đàn Nhật Bản đi vào lịch sử. Những giới hạn trên sẽ phần nào được vượt qua khi những khuynh hướng văn học về sau, như văn học vô sản và văn phái tân cảm giác[25] ra đời./.
* Nghiên cứu viên, Viện Văn học.
[1] Chủ nghĩa tự nhiên (tiếng Nhật: shizenshugi; tiếng Anh: naturalism; tiếng Pháp: naturalisme), một văn phái Nhật Bản nổi lên cuối thế kỷ XIX và hưng thịnh trong khoảng thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX. Trường phái này quy tụ những cây bút trẻ địa phương sáng tác theo phong cách thông tục thuần túy, với đề tài chủ yếu là thế giới nhỏ hẹp của cá nhân, thường được trải nghiệm dưới hai dạng: 1. sự bất lực trong việc can thiệp vào tiến trình cải cách của thời đại và vỡ mộng trong sự nghiệp; 2. cuộc sống của các nhà văn tỉnh lẻ tại Tōkyo, một thế giới nhỏ hẹp với vô số những tình cảm vụn vặt đời thường của những con người ít nhiều là người bên lề của đô thị.
[2] Tiểu thuyết tự thuật hay tiểu thuyết cái tôi (tiếng Nhật: shi-shōsetsu hoặc watakushi shōsetsu, còn gọi là shinkyo shōsetsu-tâm cảnh tiểu thuyết; tiếng Anh: I-novel). Trong văn học Nhật Bản hiện đại khái niệm tiểu thuyết (shōsetsu) trải rộng từ những truyện cực ngắn “trong lòng bàn tay”, cho đến các tác phẩm trường thiên, tương đối khác biệt với khái niệm tiểu thuyết-truyện truyền thống (monogatari).
[3] Trường phái phản tự nhiên (Tiếng Anh: reaction against naturalism school). Tên tiếng Anh của trường phái này chúng tôi lấy trong từ điển bách khoa điện tử Encarta Reference Library 2004, Microsoft Corporation 2004, tại mục từ Japanese Literature phần A1C. Tên tiếng Nhật chúng tôi chưa tìm được nên suy đoán có thể là hansizenha-phản tự nhiên phái, hay hanshizenshugi-phản tự nhiên chủ nghĩa. Trong tình trạng dịch thuật tràn lan với rất nhiều sai sót phiên âm tiếng Nhật như hiện nay, chúng tôi cố gắng chuẩn hóa roman các danh từ riêng trong bài theo nguyên bản bằng việc đối chiếu kim từ điển nhân danh, địa danh và tên tác phẩm Nhật Bản.
[4] Ishida Kazuyoshi, Nhật Bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), tập II, bản dịch của Chân Vũ Nguyễn Văn Tần, Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản. Sài Gòn, 1973, tr. 417.
[5] Chủ nghĩa duy mỹ (tiếng Nhật: yuibishugi-duy mỹ chủ nghĩa, còn gọi là tanbishugi-đam mỹ chủ nghĩa; tiếng Anh: aestheticism).
[6] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, Tr. 420.
[7] Chủ nghĩa tân hiện thực (tiếng Nhật: shingenjitshugi hoặc shinshajitsushugi-chủ nghĩa tân tả chân, tiếng Anh: neo-realism).
[8] Dẫn theo T.W. Goossen, Các tạp chí văn học Nhật Bản. Đinh Quang Trung dịch. Văn học Nhật Bản, chuyên đề của Viện Thông tin KHXH. H. 1998, tr.236
[9] Hai thể thơ truyền thống của Nhật Bản, waka (Hòa ca, thơ Nhật) ban đầu để chỉ chung nhiều loại thơ Nhật khác nhau, nhưng sau đồng nghĩa với thể thơ tanka (đoản ca, gồm 5 câu với 31 âm tiết 5+7+5+7+7) do sự phát triển mạnh mẽ của nó. Haiku (bài cú) gồm 3 câu với 17 âm tiết 5+7+5, được phát triển từ những câu đầu của thể thơ trào phúng haikai (bài hài) nên còn gọi là haikai no ku .
[10] Suichi Kato, Lịch sử văn học Nhật Bản, tập 3; chương 2: Thời đại Minh Trị, phần Masaoka Shiki và Natsume Sōseki.. Bản dịch của TS.Trần Hải Yến. Bài viết sử dụng nhiều tư liệu từ nguồn này, nhưng do bản dịch đang chờ in nên trong bài người viết không đưa được số trang vào những trích dẫn. Xin trân trọng cảm ơn TS. Trần Hải Yến đã cung cấp tư liệu.
[11] Tóm lược từ 100 nhà lý luận phê bình văn học thế kỷ XX, Trung tâm KHXH và NV quốc gia, Viện Thông tin KHXH, H. 2002, tr. 280.
[12] Suichi Kato, Lịch sử văn học Nhật Bản, tập 3; Sđd; chương 2: Thời đại Minh Trị, phần Mori Ōgai.
[13] Theo thần thoại Hy Lạp, PAN là vị thần được những người chăn cừu tôn thờ, có hình dạng nửa người nửa vật, sừng dê, chân dê, mình đầy lông lá, sống đời sống khoáng dã ở khắp rừng núi trên thế gian với chiếc sáo mục đồng do thần tự làm lấy. Văn học châu Âu lấy thần PAN tượng trưng cho sự linh hoạt và khoáng đạt. PAN hội Nhật Bản thành lập ở Tōkyo năm 1908, hoạt động được 4 năm thì tan rã. Với tôn chỉ hoạt động tự do, người sáng tác vào hội không cần điều kiện gì đặc biệt, miễn là những sáng tác của họ không gò bó theo chủ nghĩa tự nhiên duy lý.
[14] Trường phái lãng mạn Nhật Bản, một trường phái ít thành tựu nổi bật, tiêu biểu cho mỹ học cung đình và truyền thống về văn hóa, gồm Yasuda Yojūrō (1910-1981), Kamei Katsuichirō (1907-1966) quy tụ với tạp chí Nippon rōmansha (1935).
[15] Tóm lược từ 100 nhà lý luận phê bình văn học thế kỷ XX, Sđd, tr 278-279.
[16] Hữu Ngọc, Hoa anh đào và điện tử, NXB Văn hóa, H. 1989, tr. 138.
[17] Genji monogatari (Chuyện kể Genji, 1010), trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ Murasaki Shikibu (978?-1016?), được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với Don Quixote của M. Cervantes (1547-1616).
[18] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr. 419-420.
[19] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr. 426.
[20] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr. 429.
[21] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr. 422.
[22] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr 431-432.
[23] Ishida Kazuyoshi, Nhật bản tư tưởng sử (Nihon shisoshi), Sđd, tr. 420.
[24] Giai đoạn Thế chiến đầu thời Shōwa (Chiêu Hòa, 1927-1985) sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx thông qua hoạt động của Đảng cộng sản Nhật Bản (JCP, Nihon kyosantō) và cảm hứng từ văn phái tân hiện thực, đã làm nở rộ những sáng tác theo khuynh hướng văn học vô sản (puroretaria bungaku) “vị nhân sinh”, với các đại diện xuất sắc Tokunaga Shunaō (1899-1958), Kobayashi Takiji (1903-1933).
[25] Tân cảm giác phái (Shinkankakuha), do Yokomitsu Riichi (1898-1947) và Kawabata Yasunari (1899-1972) sáng lập thông qua tạp chí Bungei jidai (Văn nghệ thời đại, 1924-1927).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8-2005