Tranh minh họa Hồng lâu mộng - tác giả: Vương Nhất Minh
Tiểu thuyết Trung Quốc từ truyền thống đến đương đại vô cùng phong phú, thật khó có thể khái quát được đầy đủ ở một số điểm nào đó. Tuy nhiên ở đây chúng tôi thử đề xuất một cảm nhận của mình: thị hiếu thẩm mỹ của tiểu thuyết Trung Quốc nổi bật lên ba chữ “hiếu” (thích, chuộng) (tam hiếu, hay có thể gọi là “thị hiếu bộ ba”), đó là: hiếu sự, hiếu sử và hiếu kỳ.
Trong “thị hiếu bộ ba” này, “hiếu sự” gần như là đương nhiên. Tiểu thuyết thuộc loại hình tự sự; phải có “sự” mới có thể “tự sự”, phải có “chuyện”, có việc mới “kể chuyện”, “kể việc” được. Như vậy gắn với “sự” là đặc điểm chung của tiểu thuyết chứ không riêng của tiểu thuyết Trung Quốc. Điểm đặc thù của tính “hiếu sự” trong tiểu thuyết Trung Quốc thể hiện ở việc nó rất coi trọng cốt truyện, đến mức trong một thời gian dài người ta mặc nhiên coi cốt truyện như là nội dung - nói “tóm tắt nội dung” thực tế lại là “tóm tắt cốt truyện”. Đặc điểm này đã có từ xưa nhưng càng được tô đậm thêm từ tiểu thuyết thoại bản thời Tống (960-1279).
Trọng sử là một đặc điểm của người Trung Quốc. Có thể nói người Trung Hoa là một trong những dân tộc trọng sử nhất trên thế giới này. Từ thuở xa xưa, khi mới có chữ viết là họ đã viết sử. Đến thời Xuân Thu (770 - 446 TCN), Khổng Tử (551 - 479 TCN), nhân vật đại biểu của văn hóa Trung Quốc cổ đại, đã nói rõ mình “tín nhi hiếu cổ”. Thị hiếu ấy của Khổng Tử cùng với chủ trương “pháp tiên vương” (theo phép tắc của các vua đời trước) của Nho gia Tiên Tần góp phần khẳng định tính chất “hiếu sử” của người Trung Quốc suốt mấy ngàn năm qua. Đặc điểm này thể hiện ra ở tâm trạng “hoài cổ” trong thơ, ở tỉ lệ rất cao tác phẩm viết về lịch sử hoặc lấy đề tài lịch sử trong tiểu thuyết và kịch (kể cả tiểu thuyết và kịch bản phim truyền hình hiện đại). Người ta viết tiểu thuyết mà vẫn đặt cho tác phẩm của mình những cái tên của những thể tài lịch sử: truyện, ký, chí, lục (chẳng hạn như: Huyền quái lục, U minh lục, Hội Chân ký, Chẩm trung ký, Tam Quốc chí diễn nghĩa, Thủy hử truyện, Tây du ký, Tình tăng lục, Thạch đầu ký (hai cái tên khác của Hồng lâu mộng), Liêu trai chí dị, Quan trường hiện hình ký...; thậm chí đến thế kỷ XX mà con dấu của các thể tài lịch sử vẫn còn đóng lên nhan đề tác phẩm: Bình tung hiệp ảnh lục, Xạ điêu anh hùng truyện, Kiều xưởng trưởng thượng nhiệm ký...
Về truyền thống “hiếu sự” và “hiếu sử” còn có nhiều điều phải nói nhưng ở đây xin tập trung khảo sát truyền thống “hiếu kỳ”.
Có một điều dễ nhận thấy là “sự” hay “sử” đều “kỳ”.
“Hiếu kỳ” (chuộng lạ) là một đặc điểm xuyên suốt tiểu thuyết Trung Quốc từ khi mới manh nha cho đến tận hôm nay. Từ những mẩu chuyện vụn vặt (tiểu thuyết) nơi đầu đường xó chợ thời Tiên Tần, từ những tưởng tượng diệu kỳ như “cá côn hóa chim bằng”, “Trang Chu mộng hồ điệp”... trong sách Trang Tử, qua tiểu thuyết “chí quái”, “chí nhân” thời Lục triều, qua tiểu thuyết “truyền kỳ” đời Đường, “thoại bản” thời Tống - Nguyên đến tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh và đến tận tiểu thuyết đương đại, truyền thống “hiếu kỳ” chưa hề bị đứt đoạn. Ngay tên thể tài, tên tập truyện hay tên tác phẩm cũng thường thể hiện đặc điểm này với những yếu tố kỳ, quái, dị (đều có nghĩa là “lạ”). Chẳng hạn: Huyền quái lục, Liêu trai chí dị, Phách án kinh kỳ Kim cổ kỳ quan, Bao Công kỳ án, Hoàn kiếm kỳ tình lục, Thiên vân sơn truyền kỳ...
Ở những nhan đề các tác phẩm như thế, người viết hoặc người biên soạn đã đưa vào những tín hiệu hiển minh, thông báo ngay từ đầu cho người đọc biết sự có mặt của “kỳ, quái, dị” trong tác phẩm, thể hiện sự “hiếu kỳ” của người viết, hấp dẫn tính hiếu kỳ của người đọc.
Nhưng điều quan trọng hơn là, dẫu có hay không những chữ “kỳ, quái, dị” trong nhan đề, thì trong tác phẩm vẫn chứa đựng những câu chuyện, những yếu tố quái, kỳ, dị, ảo, thậm chí hoang đường. Người Trung Quốc xưa quan niệm “phi kỳ bất truyền” (không lạ thì không lưu truyền).
Ngay từ những tác phẩm được coi là tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc như Yên Đan tử, một số thiên trong Hoài Nam tử... đời Hán, qua Sưu thần ký, Thế thuyết tân ngữ... thời Lục triều, yếu tố kỳ, dị, quái, ảo rất đậm. Ở tiểu thuyết “truyền kỳ” đời Đường, “kỳ” là điều không thể thiếu. Từng tác phẩm có thể không có chữ “kỳ” trong tiêu đề, nhưng tinh thần chung của tiểu thuyết thời này là “truyền kỳ” nên truyện nào cũng “kỳ”. Cuộc du tiên của nhân vật “tôi” trong Du tiên quật (của Trương Trạc), sự “kỳ ngộ” dẫn đến “kỳ tình” của Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong Hội chân ký (của Nguyên Chẩn), những giấc mộng trong Nam Kha thái thú truyện, Chẩm trung ký thông qua “kỳ” mà phản ánh chân thực đời sống xã hội và tâm thái của con người đời Đường.
Tiểu thuyết “truyền kỳ” đời Đường có vị trí quan trọng chẳng những vì ở đây người ta đã “có ý thức làm tiểu thuyết” (lời Lỗ Tấn) mà còn vì nó khẳng định “hiếu kỳ” đã trở thành truyền thống, xác lập một cái “gen” ưu trội trong thị hiếu thẩm mỹ của tiểu thuyết Trung Quốc.
Lại nữa, “biến văn” đời Đường tuy không có địa vị trên văn đàn chính thống vì nó thuộc văn học dân gian. Nhưng với mục tiêu truyền bá Phật giáo, “biến văn” cũng đầy tính chất truyền kỳ mà đời sau sẽ kế thừa; nên “biến văn” cũng có vai trò quan trọng củng cố thêm truyền thống “hiếu kỳ”.
Đến thời Tống - Nguyên, tiếp thu truyền thống “hiếu kỳ” này, từ hai nguồn văn chương bác học và bình dân trong quá khứ mà gần gũi là từ đời Đường, tiểu thuyết thoại bản Tống - Nguyên tràn ngập chữ “kỳ”. Tất nhiên điều này cũng là để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ “hiếu kỳ” của công chúng mà đại đa số là nông dân và thị dân, và cả...trẻ em nữa. Cốt truyện ly kỳ hấp dẫn là mạng sống của tiểu thuyết thoại bản vì nếu không thế thì “thuyết thoại nhân” (người kể chuyện) thất nghiệp.
Cái “gen” “hiếu kỳ” này cũng truyền sang cho tạp kịch đời Nguyên - cả tác giả và công chúng của tạp kịch cũng phần lớn là bình dân hoặc gần gũi với bình dân.
Vậy là truyền thống “hiếu kỳ” đã lan rộng được vun bồi và đơm hoa kết quả phong phú trong văn học thời Tống - Nguyên. Nó đã “thâm căn cố đế”, “vinh hoa mậu diệp” (sâu rễ bền gốc, hoa lá xum xuê).
Tiểu thuyết Minh - Thanh đã kế thừa trọn vẹn truyền thống “hiếu sự”, “hiếu sử” và “hiếu kỳ” từ thoại bản và tạp kịch Tống - Nguyên. Trong đó tiểu thuyết đời Minh thiên về “hiếu sử”, tiểu thuyết đời Thanh thiên về “hiếu sự”, còn “hiếu kỳ” vẫn là thừa số chung suốt thời Minh - Thanh. Bởi vậy ta gặp chữ “kỳ” khắp nơi: kỳ nhân, kỳ sĩ, kỳ nữ, kỳ đồng, kỳ tài, kỳ mưu, kỳ binh, kỳ công, kỳ duyên, kỳ tình, kỳ oan, kỳ án, kỳ phương, kỳ hoa dị thảo...; tổng quát hơn thì có “tứ đại kỳ thư”, “tuyệt thế kỳ thư”... Những bộ tiểu thuyết viết về những kỳ nhân, kỳ sự, đem đến “kỳ thú” cho công chúng vốn “hiếu kỳ”.
Như thế, đến tiểu thuyết Minh - Thanh, truyền thống “hiếu kỳ” đã đạt đến đỉnh cao của nó, bên cạnh chữ “kỳ” phổ biến trong các thể tài tiểu thuyết, còn có hẳn một thể tài tiểu thuyết thần ma. Đến một nhà nho như Viên Mai cũng soạn một bộ tiểu thuyết kiểu “chí quái”, mặc dù ông biết rõ đó là điều “tử bất ngữ”. Đến cuối đời Minh đã có người chỉ trích: “... Thất chân chi bệnh, khởi vu hiếu kỳ” (cái bệnh mất sự chân thực bắt đầu từ sự hiếu kỳ) và cho rằng cần phải tiến thêm một bước, tìm “cái kỳ của vô kỳ” (vô kỳ chi kỳ). Đây âu cũng là biểu hiện của quy luật biến “dịch”: “cực tắc phản”. Vả lại, “vô kỳ chi kỳ” thì cũng là “kỳ”, phải viết sao cho người ta nhận thấy cái “kỳ” trong những cái “vô kỳ”, từ những điều vẫn thấy hàng ngày. Nhiều tiểu thuyết đời Thanh đã tìm thấy và chỉ ra “cái kỳ trong sự vô kỳ” như thế, mà Nho lâm ngoại sử là một thành tựu tiêu biểu.
Đến cuối đời Thanh, loại tiểu thuyết “khiển trách”, cũng chăm chú phát hiện những cái cực “lạ” từ những thứ cực “quen”, như trong Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng của Ngô Ốc Nghiêu, Quan trường hiện hình ký của Lý Bảo Gia. Ở đây cái “kỳ” có một sự biến thiên, đáp ứng nhu cầu nhận thức của thời đại, khi chế độ và ý thức hệ phong kiến đã tổng khủng hoảng, trình hiện bản chất xấu xa hủ bại của nó, hiện thực ấy cần được phơi bày và “khiển trách”.
Đến thế kỷ XX, đặc biệt văn học Ngũ tứ, văn học kháng chiến, văn học thời kỳ đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (1949 - 1965), tinh thần khoa học, chống mê tín, phục vụ đời sống... được đề cao; mặt khác, tiếp thu tinh thần của chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, truyền thống “hiếu kỳ” bước vào thoái trào. Khó tìm thấy chữ “kỳ” truyền thống trong tiểu thuyết của Mao Thuẫn, Ba Kim, Lão Xá, Triệu Thụ Lý, Chu Lập Ba...Có chăng là một phần biểu hiện của “vô kỳ chi kỳ” phản ánh những đổi mới “phiên thiên phúc địa” của đất nước Trung Hoa trong thời đại mới (như trong Bản làng đổi mới chẳng hạn) còn hiện tượng như trong ca kịch Bạch mao nữ thì khá hiếm.
Có vẻ như truyền thống “hiếu kỳ” bị đứt đoạn. Nhưng không hoàn toàn như thế.
Độc giả “hiếu kỳ” vẫn có thể tìm thấy “kỳ” đã “ẩn” mình vào trong loại tiểu thuyết võ hiệp của một số tác giả nổi danh như Cố Minh Đạo, Hoàn Châu Lâu Chủ... Những tác phẩm của họ xuất hiện cùng thời với sáng tác của “Hội nghiên cứu văn học”, “Sáng tạo xã”... Có điều chữ “kỳ” trong loại tiểu thuyết võ hiệp thời này phần nhiều đã bị lạm dụng nên giá trị không cao.
Có một điều rất “kỳ” là, bằng ngòi bút hiện thực tỉnh táo, bằng phép “lạ hóa” tài tình, Lỗ Tấn đã đem đến cho người đọc những nhận thức rất mới, rất “lạ” từ những con người rất “quen” như “người điên”, Khổng Ất Kỷ, AQ... Cũng chính Lỗ Tấn, bằng tư tưởng và nhận thức mới, kế thừa tinh hoa truyền thống đã “viết lại chuyện cũ” đem đến cho người đọc những xúc cảm, tư duy rất mới, rất lạ từ những hình tượng vốn rất kỳ trong thần thoại, “chí quái” như Nữ Oa (trong Vá trời), My Gian Xích, hiệp sĩ mặt đen (trong Luyện kiếm). Như vậy, ở đầu thế kỷ XX, chữ “kỳ” không rộn ràng như trong tiểu thuyết trung đại nhưng cũng không tắt tiếng.
Giữa thế kỷ XX, ở Trung Hoa đại lục chữ “kỳ” hầu như im tiếng, nhưng trong văn học Hán ngữ, tiếng nói của truyền thống “hiếu kỳ” vẫn cất lên và đầy sức hấp dẫn trong tiểu thuyết “khoa ảo”(khoa học viễn tưởng), trong tiểu thuyết võ hiệp ở Hồng Kông và Đài Loan. Loại tiểu thuyết này chỉ được coi là “cận văn học” nhưng nó được đông đảo công chúng ưa thích, “nhã tục cộng thưởng” và ngày nay cũng rất được công chúng Trung Hoa đại lục “khuynh tâm”. Nguyên nhân làm nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết võ hiệp (đặc biệt là tác phẩm của Kim Dung) có nhiều, nhưng trong đó phải kể đến một sự thực là các tác giả đã khéo kế thừa truyền thống “hiếu sự”, “hiếu sử” và “hiếu kỳ” của tiểu thuyết Trung Quốc.
Từ sau “cải cách khai phóng” cuối thế kỷ XX, tiểu thuyết Trung Quốc phát triển chưa từng thấy. Cùng với sự tiếp nhận ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (chữ “huyền ảo” ở Trung Quốc được dịch là “ma ảo”)... đang khá phổ biến trên thế giới, cái “gen” “hiếu kỳ” tưởng như đã “lặn” đi bây giờ lại trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là trong trào lưu “tiểu thuyết tiên phong” với những cây bút sung sức của đội ngũ nhà văn xuất hiện sau “Cách mạng văn hóa” như Tô Đồng, Cách Phi, Tàn Tuyết, Trát Tây Đạt Oa, Trần Trung Thực, Mạc Ngôn, Trương Duyệt Nhiên, Quách Kính Minh...
Có thể không còn những hình tượng “vá trời”, “dời núi”, “lấp biển”, những nhân vật “mắt lửa ngươi vàng”, “ba đầu sáu tay”... nhưng những cái “quái”, “kỳ”, “ảo”, “dị” trong tiểu thuyết Trung Quốc đương đại cũng đầy sức hấp dẫn. Bởi vì cùng với sự kế thừa “truyền thống hiếu kỳ” có tự ngàn xưa của dân tộc, tiểu thuyết đương đại còn tiếp thu ảnh hưởng của tiếng nói “kinh dị”, ‘huyền ảo” trong văn học thế giới. Ở đây người ta có thể chứng kiến sự dung hợp ngoạn mục giữa truyền thống hiếu kỳ của dân tộc với những yếu tố “kinh dị” “huyền ảo” của văn học châu Âu, châu Mỹ. Ngay đến sự u huyền của vô thức, tiềm thức, những xung động bản năng, những khát vọng quyền lực và dục tình... tưởng như mới được tiếp nhận từ quan niệm “siêu nhân” hay “thuyết phân tâm” ngoại lai, nhưng thực ra nó cũng có căn cốt trong văn chương Trung Quốc, từ “Trang Chu mộng điệp”, Lý Bạch “mộng tiên”, từ giấc mộng “hoàng lương”, giấc mộng “thái hư ảo cảnh”, “phong nguyệt bảo giám”...
Trong phạm vi một bài viết chúng tôi không đi vào các tác giả tác phẩm cụ thể, chưa có điều kiện luận chứng đầy đủ, chỉ phác thảo “lộ trình” của chữ “kỳ” để thấy “hiếu kỳ” là một truyền thống bền vững trong tiểu thuyết Trung Quốc.
Thực ra, “hiếu kỳ” cũng không phải là riêng của tiểu thuyết Trung Quốc. Bản tính của nhân loại là “hiếu kỳ”, nhưng có lẽ khó tìm thấy ở một nền tiểu thuyết nào mà chữ “kỳ” lại xuyên suốt qua mọi thời đại một cách liên tục, bền bỉ như trong tiểu thuyết Trung Quốc.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do đâu ?
Phải chăng “hiếu kỳ” là một đối trọng cho đặc chất chuộng thực tiễn của người Trung Hoa?
Phải chăng “hiếu kỳ” chính là một sự bổ sung cho nhịp sống bình thường trầm lặng ít đổi thay của một nền văn hóa gốc nông nghiệp?
Phải chăng “hiếu kỳ” là một sự bù đắp cho sự thưa thớt của thần thoại và mờ nhạt của tôn giáo (mặc dù Trung Quốc có Đạo giáo và tiếp thu sâu sắc Phật giáo) trên xứ sở của con cháu Viêm Hoàng? (người Trung Hoa tự nhận mình là “Viêm Hoàng tử tôn”).
Và nữa, phải chăng “hiếu kỳ”, mong mỏi những sự thần kỳ, chính là gửi gắm ước mơ thoát khỏi bao nhiêu tai họa do những thế lực hung bạo “bốn chân” và “hai chân” gieo rắc? Thế là trong tiểu thuyết hiện ra bao nhiêu là giấc mộng - mộng minh quân (vì minh quân hiếm lắm), mộng thanh quan (mấy đời mới được một Bao Công?), mộng thần Phật Bồ tát, mộng hiệp khách, mộng giai nhân, ... mộng nào cũng “chưa chín một nồi kê”, mà mộng nào cũng đeo đẳng tiềm thức con người cả mấy ngàn năm. Có nhà nghiên cứu Trung Quốc đã coi đây là một thứ “liệt căn tính” của người Trung Hoa.
“Hiếu kỳ” là biểu hiện của sức trẻ, một động lực của tìm tòi, khám phá, sáng tạo và phát triển./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 48-52