Điều gì xảy ra trong Hamlet khi Hamlet đến châu Á?

20180122 Keith Andrew Jones

VH - Ngày 15.01.2018, buổi nói chuyện với chủ đề "What Happens in Hamlet when Hamlet Goes to Asia” (Điều gì xảy ra với Hamlet khi Hamlet đến Châu Á – việc tiếp nhận Hamlet ở Châu Á) với diễn giả là giáo sư Keith Andrew Jones, University of Northwestern – St.Paul (Department of English and Literature), chuyên gia nghiên cứu về Shakespeare đã được tổ chức tại Văn phòng Khoa Văn học. Buổi nói chuyện đã có sự tham dự của đông đảo giảng viên, sinh viên, HVCH và NCS của Khoa Văn học.

Được sự đồng ý của GS. Keith Andrew Jones, Web Khoa Văn học giới thiệu toàn văn bài nói chuyện "Điều gì xảy ra với Hamlet khi Hamlet đến Châu Á" cùng với bản gốc tiếng Anh "What Happens in Hamlet when Hamlet Goes to Asia”.

 

------------

Trong luận văn thạc sĩ Những Shakespeare ở Trung Hoa, Alexander Huang đưa ra 3 cách thức Shakespeare và Trung Hoa tương tác với nhau là: “Phổ quát hoá”, trong đó một vở kịch được dịch sang tiếng Trung Quốc được trình bày không sai lệch về cốt truyện và nhân vật; “Bản địa hoá” là khi Shakepeare được đồng hoá với những đặc điểm của văn hoá Trung Hoa, và “Cắt gọt” bao gồm việc viết lại các vở kịch “sao cho chúng gắn với những hình ảnh của Trung Hoa” (17). Tôi muốn dùng hệ thống thuật ngữ của Huang để khảo sát các bản phim Hamlet – một ở Nhật Bản thời kỳ hậu chiếm đóng (tức sau năm 1952-ND), một ở Trung Hoa cổ đại, và một ở Tây Tạng cổ đại – và phát triển một cách hiểu mang tính tạm thời về điều xảy ra khi chúng ta quay về với văn bản Hamlet sau khi xem xét các phiên bản nói trên của vở kịch.

Khi Trung Hoa và Shakespeare gặp nhau, mỗi cái được chiết xuất ra đều biến thành một cái gì đó rất phong phú và kỳ lạ - hoặc ít lý tưởng hơn là thành cái gì đó khá xa lạ đối với công chúng của cả phương Tây lẫn Trung Hoa – và cuốn sách của Huang cố gắng lèo lái và hoà hợp những dòng chảy của dạng thức biến hoá đó. Huang bình luận về sự không hài lòng có thể nảy sinh khi một ví dụ của Shakespeare Trung Hoa nào đó bị phân loại một cách sai lầm như quá Shakespeare hay quá Trung Hoa. Thay vì cố gắng phân loại những tương tác giữa Trung Hoa và Shakespeare theo cách đó, Huang biện luận rằng những sự việc tự chúng có những thước đo của riêng mình.

Cách tiếp cận như thế là hiệu quả và thú vị, nhưng những cách lý giải khác lại thậm chí có thể cung cấp cách đọc bao quát hơn về những cải biên và về các vở kịch được cải biên. Cách tiếp cận của Huang có xu hướng khẳng định rằng “Cải biên phải được xem xét dựa trên những điều kiện riêng” (32), tuy nhiên, điều này có thể chỉ thích đáng nếu hạn chế trong sự lý giải chỉ ra các phương diện cải biên/thích ứng Shakespeare. Một cách hiểu về quá trình cải biên có thể chỉ là điểm khởi đầu cho sự phân tích sâu hơn, nhưng cần thiết cho việc khảo sát bất kỳ một ví dụ nào về Shakespeare ở châu Á. Đối với các bộ phim được khảo sát ở đây, sự so sánh với Shakespeare dường như là không tránh khỏi và đáng có.

Công trình Shakespeare và vấn đề cải biên của Margaret Jane Kidnie đề xuất rằng chúng ta không nên so sánh những phim cải biên kịch Shakespeare với văn bản các vở kịch. Theo bà, làm như thế là gán quá nhiều uy quyền cho văn bản. Thay vào đó, mọi sự sáng tác – cải biên – phái sinh cần được xem xét như một quá trình năng động mở ra theo thời gian để đáp lại nhu cầu và cảm xúc của những người vận hành nó” (2). Bà phát triển luận cứ của mình gắn với nguy cơ nhãn tiền của việc kiếm tìm “tính xác thực”:

“Trong khi chống lại một quan điểm tương đối luận một cách sai lầm cho rằng mọi sự vật đều mang ý nghĩa nào đó, cuốn sách này biện luận rằng không có bất kỳ sự lặp lại lý tưởng nào đối với kịch Shakespeare mà người ta có thể đạt tới được, dù trên văn bản hay trên sân khấu. Điều này không có nghĩa là ở bất kỳ thời điểm nào cũng không thể xác định được văn bản cũng như sự trình diễn nào được xem là đích thực Shakespeare; tuy nhiên, sự tái tạo mà ngày nay dường như đã hoàn toàn nắm bắt hay thể hiện được nguyên bản – và điều này là có thực khi nói về văn bản hay sự trình diễn – chỉ có được sự phổ biến tiềm năng nhất thời và hạn chế. Chính cái điều tạo nên một Shakespeare đích thực là vấn đề không bao giờ có thể giải quyết đến cùng được bởi không có một phạm trù tiên nghiệm (priori) nào mà các dàn dựng sân khấu và tái tạo thuộc về.” (9)

Mặc dù tôi không tin rằng việc tìm kiếm văn bản thích đáng nhất (nếu không nói là đích thực nhất) là bất khả thi, nhưng tôi đồng tình rằng việc dán nhãn cho một sự tái tạo nào đó, cụ thể là những phiên bản kịch Shakespeare của châu Á là “đích thực” sẽ không đưa chúng ta đi xa được. Nếu kiếm tìm một Shakespeare đích thực trên sân khấu là một ngõ cụt, thì hướng đi khôn ngoan cho nhà nghiên cứu Shakespeare có thể là việc trở về với văn bản để khảo sát nó theo cách mới dưới ánh sáng của sự trình diễn tái tạo vở kịch.

Kẻ xấu ngủ ngon của Kurosawa

Bộ phim Kẻ xấu ngủ ngon của Kurosawa (Warui Yatsu Hodo Yoku Nemuru), được phát hành vào năm 1960, có thể so sánh với Hamlet, dù ở mức độ nào và làm được tới đâu vẫn còn thường xuyên gây tranh cãi. Bộ phim đã bị phê phán một cách nghiêm túc ở một số chi tiết (xem “Hamlet của Kurosawa” của Kaori Ashizu). Đánh giá thành công hay thất bại của phim dựa vào khả năng thẩm xét Hamlet của nó là không công bằng; tuy nhiên, dường như rõ ràng rằng bộ phim buộc chúng ta phải xem xét lại một số khía cạnh nào đó của Hamlet, làm phong phú trải nghiệm của chúng ta về nó - cho dù chúng ta nhìn nó bằng đôi mắt phương Tây hay phương Đông.

Rõ ràng, Shakespeare là một trong những nguồn ảnh hưởng chính của Kurosawa. Ngai vàng đẫm máu (Kumonosu jô), một phiên bản bắt nguồn từ Macbeth, được phát hành năm 1957; Loạn (1985), với những quan hệ gần gũi với Vua Lear, là một trong những bộ phim cuối cùng của Kurosawa. Vì thế người xem hiện đại có khuynh hướng tìm thấy những yếu tố của Shakespeare trong Kẻ xấu ngủ ngon. Thật ra, nhiều khán giả có thể giống tôi, đã đến với bộ phim với mong muốn tìm thấy Hamlet ở đó. Một người xem như vậy có thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng và quá phân tâm trong bốn mươi lăm phút đầu tiên của bộ phim để cố giải mã ai là người tương tự của Hamlet, ai là hiện thân của Claudius, và liệu Gertrude và Ophelia có được đúc kết thành một nhân vật đặc biệt nào không. Khuynh hướng tìm thấy Hamlet trong phim có thể dẫn đến những mối đe doạ mà Huang và Kidnie đã cảnh báo: việc tìm kiếm Shakespeare đích thực có thể chứng tỏ sự nông cạn, hoặc tệ hơn là vô ích.

Theo những lời lẽ của riêng nó, Kẻ xấu ngủ ngon là bộ phim mà Kurosawa sử dụng Hamlet để bình luận về chính trị Nhật Bản đương thời. Như vậy, nó phù hợp với loại “Truncation” (cắt xén) của Huang. Nó cũng có dạy chúng ta nhiều điều về làm phim, diễn xuất, và nỗi sợ kiểm duyệt. Nhưng bộ phim cũng cho phép chúng ta tự hỏi rằng cách tiếp cận Hamlet của châu Á có thể tìm thấy điều gì đó trong vở kịch mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.

Khả năng đó liên quan tới quan điểm mới về Ophelia và Laertes. Nói ngắn gọn, cốt truyện của Kẻ xấu ngủ ngon liên quan đến một nhân vật giống Hamlet tên là Nishi. Anh ta kết hôn với Yoshiko, con gái của một quan chức tham nhũng, một phần của một kế hoạch bí mật này là để đưa vị quan chức đó và toàn bộ công ty ra công lý vì sự tham nhũng và vì vai trò của nó trong việc cha anh ta tự tử. Yoshiko và anh trai Tatsuo của cô cũng tương tự như Ophelia và Laertes; cha của họ, Iwabuchi, là phiên bản tương đồng  Polonius. Iwabuchi, nói chung, là một Polonius thành công hơn, quyền lực hơn, phục vụ một nhân vật Claudius chưa từng nghe, chưa từng thấy.

Mối quan hệ giữa bốn người này được biết đến trong suốt bộ phim, nhưng trường đoạn mở đầu – buổi tiếp tân sau đám cưới của Nishi và Yoshiko - đặc biệt quan trọng. Cả Nishi lẫn Yoshiko đều không nói trong cảnh đầu tiên, kéo dài gần hai mươi phút; tuy nhiên, có đủ cuộc trò chuyện về họ để bào chữa cho sự im lặng của họ. Trong quá trình chuẩn bị, Tatsuo hai lần được miêu tả là bạn của Nishi và một lần là con của Iwabuchi trước khi anh ta được mô tả là em trai của Yoshiko. Khi Yoshiko bước vào, khập khiễng, cận cảnh cho thấy chân này của cô thực sự ngắn hơn chân kia. Cô vấp ngã khi bước lên bậc thang, và Tatsuo, đúng hơn là Nishi, giúp cô đứng lên và hộ tống cô đến bữa tiệc. Tin đồn bay nhanh giữa các nhà báo rằng Nishi chỉ kết hôn với Yoshiko để thúc đẩy vị trí của mình trong công ty, nhưng Tatsuo, khi có cơ hội phát biểu, nhiệt tình bảo vệ Nishi – nhưng thêm một câu để kết lời: “Nghe này Nishi. Nếu anh làm cho chị tôi bất hạnh, tôi thề tao sẽ giết anh.”

Trong suốt diễn biến của phim, Tatsuo đã khám phá ra rằng Nishi đã lợi dụng em gái của mình - để trả thù hơn là để thăng tiến - nhưng chúng ta cũng biết rằng Nishi thực sự đã yêu Yoshiko. Một yếu tố cuối cùng của cốt truyện, Tatsuo rời nhà với khẩu súng săn. Iwabuchi nói với Yoshiko rằng Tatsuo bỏ đi để giết Nishi, và ông ta thuyết phục cô tiết lộ vị trí ẩn nấp của Nishi. Khi Tatsuo trở về từ hành trình săn-vịt, cả hai đều nhận ra rằng Iwabuchi mới thực sự tham nhũng. Họ chạy đến chỗ ẩn nấp của Nishi, nhưng đã quá muộn. Iwabuchi đã giết Nishi và che giấu tất cả những bằng chứng về sự tham nhũng của ông ta và công ty.

Những thay đổi này đối với cốt truyện của Shakespeare rõ ràng là “không chính xác”, nhưng chúng mời gọi chúng ta trở lại vở kịch với sự chú ý nhiều hơn đến những động lực gia đình của Polonius, Ophelia và Laertes. Quả thực, bộ phim có thể giúp chúng ta xem vở kịch qua đôi mắt ít tập trung vào Hamlet. Ví dụ, Laertes và Tatsuo đều bảo vệ Ophelia và Yoshiko như nhau, nhưng Kẻ xấu ngủ ngon mang đến một cách đọc về lời khuyên của Laertes với em gái - “Sự vĩ đại của anh ấy quá nặng nề, ý chí của anh ấy không phải là của anh ấy” (I.iiii.17ff) tình cờ được nói ra, cho thấy ước muốn chân thành về một cuộc hôn nhân hạnh phúc cho em gái ẩn dưới lời cảnh báo của Laertes.

Huyền thoại bò cạp đen (Dạ yến) của Phùng Tiểu Cương

Một trong những ví dụ hiện đại và nổi tiếng nhất của “Shakespeare Trung Quốc” là Dạ Yến, một bộ phim được phát hành đầu tiên năm 2006 với tiêu đề tiếng Anh là The Banquet và gần đây đã được phát hành dưới tiêu đề hấp dẫn hơn The Legend of the Black Scorpion. Trong bài giảng của tôi về bộ phim, tôi đã khám phá rằng tựa đề và sự dữ dội võ thuật slow-motion và phóng đại của nó (thể loại của bộ phim là võ thuật, một loại phim hành động Kung Fu đã phát triển ở điện ảnh Hồng Kông) làm cho nó dễ bị thái độ mà Alexander Huang mô tả như tâm lý “Đây là cách họ làm Shakespeare ở đó; thật kỳ lạ”(36). Cách hiểu Huyền thoại bò cạp đen sẽ không đầy đủ nếu không nhận diện những điều thuộc về Trung Quốc và những điều thuộc về Shakespeare.

Khi tôi giảng Huyền thoại bò cạp đen, tôi đưa ra một biểu đồ về các nhân vật của bộ phim và những nhân vật gốc tương ứng với họ trong vở kịch của Shakespeare (xem Bảng 1). Khi làm như vậy, tôi hy vọng đồng thời làm nổi bật các khía cạnh Hamlet của bộ phim trong khi chuẩn bị cho sinh viên về một số - nhưng không phải tất cả - những cách mà bộ phim khởi đi từ nhân vật kịch và cốt truyện của Hamlet.

Bảng 1

Nhân vật trong Huyền thoại bò cạp đen và những nhân vật gốc tương ứng trong Hamlet

Huyền thoại bò cạp đen Hamlet
Vô Loan Hamlet
Hoàng hậu (Uyển Nhi) Gertrude / Ophelia
Hoàng đế Claudius
Thanh nữ Ophelia / Horatio (?)
Ân Chuẩn Laertes / Nhóm cướp biển
Ân thái thường Polonius
Bùi Hồng Fortinbras (?)

Một vài nhân vật có nhiều nhân vật tương ứng và dấu hỏi đặt ra từ nguyên do rằng chúng ta sẽ được xem một cái gì đó vừa giống vừa không giống Hamlet.

Ngay từ phần đầu phim, một vài thay đổi chính từ cốt truyện Hamlet là rõ ràng. Lời dẫn chuyện mở đầu cho chúng ta biết bối cảnh của bộ phim là vào năm 907. Những sự kiện này diễn ra vào đầu thời kỳ được gọi là Ngũ Đại Thập Quốc. Ở thời điểm này trong lịch sử Trung Quốc, triều đại nhà Đường đang rơi vào hỗn loạn chính trị và chiến tranh, nhưng sự giàu có và huy hoàng của đế quốc Trung Hoa vẫn còn. Điều này tạo ra các yếu tố rất xa hoa. Các phiên bản phim khác của Hamlet thay đổi giá trị có liên quan của Vương quốc Đan Mạch. Trong bộ phim của Kenneth Branagh, vương quốc giàu và đẹp, nhưng nó dường như giới hạn trong một dinh thự - cực kỳ lớn mặc dù nó có thể được. Hamlet của Laurence Olivier được đặt chủ yếu trong một lâu đài nhỏ hơn rất nhiều. Trong bộ phim của Michael Ameryda, vương quốc đã được thay thế bằng một doanh nghiệp. Nó được thừa nhận là một doanh nghiệp lớn, nhưng nó không đúng là ở cấp độ một vương quốc. Trong bộ phim Phần Lan Hamlet Goes Business (Hamlet Liikemaailmassa) do Aki Kaurismäki đạo diễn, trung tâm quyền lực hạ thấp xuống để chỉ kiểm soát một nhà máy sản xuất vịt cao su. Huyền thoại bò cạp đen bày ra toàn bộ đế quốc Trung Hoa, làm tăng lên giá trị của gia sản Hamlet tương ứng.

Sau giới thiệu này, bộ phim thể hiện một kiến trúc mộc mạc và đơn sơ nhưng đẹp và tinh tế, nơi hoàng tử Vô Loan (nhân vật tương ứng với Hamlet) ở ẩn, “tìm kiếm sự say mê trong nghệ thuật âm nhạc và nhảy múa”. Người kể chuyện cho chúng ta biết rằng “tình cảm đã nảy nở giữa nàng Uyển Nhi và hoàng tử trẻ Vô Loan” Tuy nhiên, ba năm trước thời điểm bắt đầu phim, hoàng đế, cha của Vô Loan đã cưới nàng.

Tiếp theo, chúng ta biết rằng chú của Vô Loan đã giết hoàng đế và kết hôn với Uyển Nhi (ngôn ngữ của lời giới thiệu nói rằng người chú “chiếm ngôi báu và hoàng hậu”). Hơn nữa, chúng ta được cho biết rằng Uyển hậu đã bí mật gửi các sứ giả đến báo cho Vô Loan về vụ ám sát và hối thúc anh trở lại triều đình; tuy nhiên, nàng không biết rằng hoàng đế mới cũng đã phái các thích khách đến để giết Vô Loan.

Chỉ sau bốn phút của bộ phim, chúng ta được giới thiệu với một nhân vật chia sẻ một số thuộc tính của Gertrude và một vài khía cạnh của Ophelia, đặt phức cảm Oedipus của Hamlet trong mối quan hệ với một người phụ nữ sau đó trở thành mẹ kế. Chúng ta cũng được lôi cuốn vào xem xét hôn nhân tương ứng giữa Uyển hậu với em trai của người chống đã chết như thế nào. Cuối cùng, cách nhìn về Vô Loan của hoàng đế mới và hoàng hậu của ông dường hoàn toàn đối lập.

Mặc dù không đúng theo kịch bản, mở đầu của bộ phim mô phỏng Shakespeare trong đặc trưng của nó và phác thảo cơ bản cốt truyện. Có vẻ như, đối với vở kịch, nằm trong danh sách “bản địa hóa” của Alexander Huang - Shakespeare được hòa nhập vào nền văn hoá Trung Quốc trong thời kỳ này. Sau đó trong bộ phim, chúng ta được trình bày với một quang cảnh có khối lượng lớn hơn cho khía cạnh “Trung Quốc” của “Shakespeares Trung Quốc”.

Đến khoảng một phần ba bộ phim, hoàng đế mới đang thảo luận về những mong muốn của ông để sửa chữa các phần của cung điện đang đổ nát dưới triều đại của hoàng đế anh keo kiệt của mình. Một phần của việc phục hồi bao gồm việc khánh thành một bức chạm khắc bằng đá khổng lồ hình con tuyết sơn huyền báo. Bức khắc đó trở thành trung tâm của một cuộc đấu tranh chính trị rất tinh tế.

Lúc đầu, hoàng đế dường như hài lòng với nó. Ông nói, “Khi tuyết xuống, sinh vật này ẩn trong sơn động chăm sóc bộ lông của mình. Đến ngày nắng, nó xuất hiện sáng chói và bóng mượt. Nó biết rõ thời tiết. Đúng là linh thú”. Lời nói chỉ đơn giản là một nhận xét về đặc tính sinh học của tuyết sơn huyền báo. Nhưng có một gợi ý tinh tế rằng những người biết điều gì tốt cho họ sẽ mô phỏng tuyết sơn huyền báo, biết làm thế nào để thích ứng với hoàng đế mới.

Theo gợi ý, Ân thái thường, nhân vật tương đương Polonius, xu nịnh đề nghị rằng một con hổ sẽ thích hợp hơn: “Theo Kinh Dịch, đại nhân là hổ biến thành, quân tử là báo biến thành. Hoàng thượng là đại nhân. Hổ có khí tượng vương giả”.

Hầu như ngay lập tức, Hoàng đế đã quay sang Bùi Hồng, U châu tiết độ sứ, hỏi ông ta tại sao ông im lặng - mặc dù ông không có cơ hội để im lặng hoặc lên tiếng. Bùi Hồng tâu ông nghĩ rằng “con tuyết sơn huyền báo này nên được ban cho Ân thái thường… vì ông ta cũng rất hiểu thời tiết ". Nghe lời này, Ân Chuẩn, con trai của Ân thái thường, rút kiếm ra, nhưng người cha giữ lấy tay và buộc anh phải tra kiếm vào. Hoàng đế sau đó đồng ý ban bức khắc cho Ân thái thường, mặc dù không rõ liệu ông dành món quà như là một lời khen, khen thưởng cho Ân thái thường về khả năng thay đổi và theo hoàng đế mới, hoặc một sự xúc phạm, cho thấy sự kém cỏi của Ân thái thường trong khi vẫn từ chối công nhận sức mạnh của Bùi Hồng. Sau đó, chúng ta biết rằng Ân Chuẩn coi đó là một sự sỉ nhục trong khi Ân thái thường coi đó là một sự xúc phạm cũng như là một bài kiểm tra lòng trung thành của ông ta.

Hoàng đế quay trở lại với việc trang hoàng, yêu cầu một bức chạm hình con hổ để thay thế, nhưng ông bị hoàng hậu ngăn lại, nàng đã đề nghị thay vào đó hãy chạm một con rồng bay trên trời. Hoàng hậu đi vào dường như bất ngờ, nhưng quần thần nhường đường cho nàng, cúi đầu hô: “Chúng thần bái kiến hoàng hậu”. Bùi Hồng, quỳ xuống bên cạnh nàng khi nàng đi về phía khán giả, hô: “Thần U châu tiết độ sứ Bùi Hồng khấu kiến hoàng thái hậu”.

Một khán giả phương Tây có thể không nhận thấy bất cứ điều gì khác lạ ở lời nói này. Nhưng sự khác biệt của danh hiệu đó là rất lớn. Có tiềm năng rất lớn làm mất mặt hoàng hậu hoặc hoàng đế hoặc cả hai. Lời tuyên bố của Bùi Hồng ngụ ý rất nhiều rằng Vô Loan mới là vua thực sự và hoàng đế hiện tại chỉ là một kẻ tiếm ngôi.

Phản ứng của Hoàng đế là cẩn thận và thận trọng. Trước tiên ông giải thích những ngụ ý:

“Tiên đế đã về trời. Nếu thái tử kế vị, hoàng hậu sẽ trở thành hoàng thái hậu. Nhưng trẫm chính là kẻ soán vị. Bùi Hồng, có phải vậy không? Không ngạc nhiên khi ngươi xuất thân Nho tướng. Chỉ ba chữ, luân thường triều cương, xuân thu đại nghĩa ngươi đã thế thiên hành đạo. Theo quy tắc tổ tông, hoàng đế quỳ trước mặt hoàng thái hậu như con trai với mẹ mình. Nhưng hoàng đế nhận quỳ gối của hoàng hậu là như chồng đối với vợ. Thái hậu ư? Hoàng hậu ư? Quỳ hay nhận quỳ? Xin hỏi trẫm phải tự xử thế nào?”

Sau 10 giây ngập ngừng, hoàng hậu nhanh chóng quỳ xuống. Bùi Hồng cười rất to và gọi đó là một cuộc trao đổi tồi tệ. Hoàng đế lấy chức U châu tiết độ sứ của Bùi Hồng ban cho Ân Chuẩn. Hơn nữa, Bùi Hồng bị kết án đánh đến chết và toàn bộ gia đình ông bị hành hình.

Sau khi ông bị quân lính dẫn đi, hoàng đế nâng hoàng hậu đứng dậy, quay trở lại cuộc thảo luận về bức chạm như thể không có chuyện gì xảy ra: “Hãy khắc một đôi rồng phượng”, ông ra lệnh.

Một hiểu biết chắc chắn về Hamlet đã giúp tiết lộ sự liên quan và tầm quan trọng của cảnh mở đầu của Huyền thoại bò cạp đen; một sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá Trung Quốc (sâu hơn tôi có, tôi tự thừa nhận) giúp tạo nên tinh thần của cảnh này. Sự tinh tế của các lời nói và các truyền thống xung quanh chúng được giải thích một phần bằng chính bộ phim, nhưng những cộng hưởng cảm xúc của việc hoàng đế và hoàng hậu gần như phải chịu mất mặt và chắc chắn sự chịu đựng ở Ân thái thường là sâu sắc hơn nữa.

Theo nhiều cách, Huyền thoại bò cạp đen là một trường hợp thử nghiệm lý tưởng cho luận văn của Alexander Huang. Trong đó, cả Shakespeare và Trung Quốc đều được mở ra để kiểm tra, và mỗi tác phẩm chứng minh một cách hùng hồn cho tác phẩm kia. Vở kịch lồng trong kịch, cách mà nhân vật tương ứng với Laertes đảm nhiệm vị trí của cướp biển, kết thúc không bình thường (mà tôi đang liều cố tránh làm hỏng cho những ai chưa xem bộ phim) và việc vận dụng phức tạp những nhân vật này kết hợp để tạo ra một tác phẩm hấp dẫn đó là hoàn toàn Shakespearean và hoàn toàn Trung Quốc.

Hoàng tử xứ Himalayas của Sherwood Hu

Hiệp hội Shakespeare Hoa Kỳ chiếu bộ phim Hoàng tử xứ Himalayas tại Hội nghị năm 2011. Bộ phim được quay tại Trung Hoa, với bối cảnh Tây Tạng cổ, với lời thoại bằng tiếng Tây Tạng. Nó không được phát hành ở các thị trường Bắc Mỹ, nhưng tôi vẫn hy vọng rằng nó sẽ dần được tiếp thị.

Phim mở đầu với hai tuyến đề tài: một lời tiên tri và nhân vật truyền lời tiên tri đó. Ta được làm quen với một số hình ảnh với diễn tiến nhanh. Đầu tiên, một cảnh quay cho thấy cảnh tuyết rơi; sau đó chuyển sang một hình người cô đơn đi nhanh ngang qua cảnh tuyết với dãy núi rộng lớn làm phông nền. Phân cảnh tiếp theo cho thấy một bọc đồ mà một người đàn ông đang mang theo: đó là một con chó nhỏ quấn trong chăn. Người đàn ông đi đến bờ suối và nói, “Hỡi Thượng đế, nó chết rồi. Xin Người che chở thương xót nó”. Sau đó ông ta thả con chó xuống và nhìn nó trôi đi. Gần như đồng thời, một người phụ nữ xuất hiện và tuyên bố: “Nhà vua băng hà – với vị vua mới, máu sẽ chảy thành sông”.

Nhân vật đàn ông là Kulo-ngam, tương đồng của Claudius. Người phụ nữ được gọi là “Người đàn bà Sói” trong suốt phần còn lại của phim – ngoài một lần được gọi tên là “Po”. Lời tiên tri của bà sẽ thúc đẩy, hay lý giải, hay xáo trộn nhiều hành động khác trong phim. Vai trò của Người đàn bà Sói là trung tâm cho sự khám phá cái mà Hoàng tử xứ Himalayas đã làm với Hamlet.

Phần lớn cốt truyện của phim song hành với những sự kiện trong Hamlet, mặc dù các sự kiện đó không phải lúc nào cũng thể hiện trong cùng một trật tự thời gian giống nhau – và động cơ của nhiều sự kiện rõ ràng khác với trong kịch của Shakespeare.

Hoàng tử Lhamoklodan (tương đồng với Hamlet) vội về nhà và quyết tìm hiểu tại sao người ta không chờ chàng về mới làm lễ tang cho cha chàng. Nanm (tương đương Gertrude) nói với chàng rằng chú của chàng sẽ làm nhiếp chính đến khi Lhamoklodan đủ tuổi cai trị. Ngay sau đó, chúng ta nghe thấy thông báo rằng Kulo-ngam định kết hôn với chị dâu. Nghe tin đó, Po-lha-nyisse (tương đồng với Polonius) há hốc miệng kinh ngạc, khiến chúng ta hiểu rằng đối với văn hoá thời bấy giờ, điều này là hết sức bất ngờ. Lhamoklodan gặp người bạn cũ tên Horshu (người tương ứng với Horatio), và các sự kiện của Hồi I, cảnh iv trong vở kịch Hamlet gần như giống hệt. Mặc dù chúng ta không được biết cuộc trò chuyện giữa Lhamoklodan với ông vua quá cố, nhưng phim cho thấy những người đàn ông thề giữ bí mật; ngay sau đó, phim chuyển sang cảnh song hành với phần đầu của cảnh kịch – trong – kịch (tức cảnh Hamlet mời đoàn kịch đến cung điện diễn vở kịch về đôi gian phu dâm phụ mưu sát nhà vua trong vở kịch của Shakespeare, III, ii).

Cảnh này bị ngắt quãng bởi một ảo ảnh. Người đàn bà Sói bằng cách nào đó đã đưa Lhamoklodan ra khỏi thời gian hiện hành để gặp chàng ở một thế giới khác bên bờ một dòng sông. Bà ta kể câu chuyện về hai người đàn ông và cuộc chiến giữa họ (bộ phim luôn tiện hữu hình hoá những yếu tố câu chuyện của bà cho chúng ta). Chúng ta được biết rằng ông vua quá cố trong một thời điểm trong quá khứ từng định giết nhân vật tương đương Claudius vì nghi ngờ ông ta dan díu với hoàng hậu.  Nhưng hồn ma bỗng xuất hiện ở chân trời, và Người đàn bà Sói cắt đứt câu chuyện.

Bà ta còn quay lại trong một vài cảnh phim về sau như người đứng đầu nhóm diễn viên. Trong bữa tiệc, bà kể câu chuyện với các vũ công đeo mặt nạ ở hai phía trên đầu diễn cảnh bạo lực. Cắt ngang giữa cảnh này là hồi tưởng về cuộc gặp gỡ của Hamlet với hồn ma, báo cho chàng biết rằng ông chết bởi tay của Kulo-ngam. Khi chúng ta quay lại vũ điệu, một trong các diễn viên bế một con chó nhỏ nhồi bông. Người đàn bà Sói nói: “Con chó con này che giấu những ý nghĩ giết người’, và người vũ công diễn với con chó ngã xuống. Người đàn bà Sói bèn nói thêm: “Người em trai đã thả con chó của nhà vua chạy lên đồi và nhận lấy lời tiên tri”. Nghe những lời đó, Kulo-ngam bật khóc.

Sau đó, phim cho chúng ta thấy cảnh trong đó hồn ma và Người đàn bà Sói tranh luận về việc Lhamoklodan nên làm gì. Người đàn bà Sói nói với hồn ma rằng “khát khao trả thù của ông ta sẽ đem đến tai hoạ và xúc phạm đến thế giới thần linh”, nhưng hồn ma cương quyết đòi Lhamoklodan tìm cách trả thù.

Từ chỗ này trở về sau, câu chuyện mối quan hệ giữa Kulo-ngam và Nanm trở nên rõ ràng và dứt khoát hơn. Nanm đã nói với Lhamoklodan rằng bà yêu Kulo-ngam trước khi Lhamoklodan được sinh ra, nhưng bà bị buộc phải kết hôn ngoài ý muốn 17 năm trước. Tại thời điểm đó trong phim, Kulo-ngam thú nhận với Nanm rằng ông ta đã giết chồng bà, cũng là anh trai mình, nhưng nói rằng làm việc đó không phải để chiếm ngai vàng. Ông ta quả quyết rằng ông làm tất cả vì tình yêu với bà, và xuất phát từ mong muốn bảo vệ Lhamoklodan. Ông lặp lại lời tiên tri của Người đàn bà Sói ở đầu phim: “Nhà vua băng hà, với vị vua mới máu sẽ chảy thành sông”. Kulo-ngam giải thích lời tiên tri nghĩa là ông vua mới sẽ là người bị đổ máu, và ông ta vì lòng vị tha đã cướp lấy ngôi vua để Lhamoklodan không phải bị đổ máu như lời tiên tri. Tuy nhiên, lời tiên tri không rõ rệt, và lý giải của Kulo-ngam có thể sai.

Người đàn bà Sói tiếp tục câu chuyện bằng giọng nói ngoại cảnh. Bà ta cho biết rằng Nanm đã ngủ với Kulo-ngam trước khi cưới vua. Trong dòng hồi tưởng, chúng ta nhìn thấy cảnh gặp gỡ đó. Có nghĩa là Kulo-ngam là cha ruột của Lhamoklodan.  Sự thay đổi cốt truyện của Shakespeare rất hấp dẫn, biến đổi căn bản nhất có thể tất cả những quan hệ chính trong vở kịch. Động cơ của Kulo-ngam là để bảo vệ Lhamoklodan, mong muốn cưới Nanm của ông ta, và sự căm ghét của Nanm đối với chồng mình – tất cả cùng tập hợp lại tại thời điểm này.

Bởi cốt truyện của phim tiếp tục song hành với Hamlet, Lhamoklodan được phái đi xa – bề ngoài là để bảo vệ đất nước khỏi ngoại xâm, nhưng như sự phát triển của cốt truyện, thực tế là để bảo vệ chàng khỏi sự đổ máu sắp đến. Lhamoklodan ngay sau đó gặp nhân vật tương đồng Fortinbras (một nữ chiến binh tên Ajisuji) truyền thông điệp tương đương với “Làm thế nào mọi sự cố đều được báo với tôi” (IV, iv) và quyết định trở về quê hương để hoàn thành yêu cầu của hồn ma trả thù Kulo-ngam. Khi về gần đến nhà, chàng gặp Người đàn bà Sói một lần nữa. Bà cảnh báo Lhamoklodan đừng trở về. Lhamoklodan và những người đồng hành đứng ở một bên bờ một vực lớn, còn Người đàn bà Sói ở bên kia ra sức hét to hết sức để họ có thể nghe được lời cảnh báo. Chúng ta có thể thấy cảnh đó mang tính biểu tượng về vực thẳm giữa thế giới linh hồn với thế giới những người sống và về khả năng mất sự giao liên giữa hai thế giới.

Nhiều bóng gió và sự huyền bí khác nhau trong các cảnh trước đó đã ám chỉ rằng Odsaluuyang mang thai. Tại thời điểm này, phim cho thấy rõ rằng nàng không chỉ mang thai, mà đang chuẩn bị sinh con. Trong cơn đau đẻ và mất nhiều máu, nàng lần tới dòng suối. Nàng nằm ngửa trong suối, và dòng nước đỏ máu. Đó là một phần sự hoàn tất lời tiên tri của Người đàn bà Sói. Điều mà lời tiên tri mang tính biểu tượng gợi ra – tại thời điểm này, ít nhất là mang nghĩa đen. Phim đưa ra hình tượng ám ảnh về Odsaluyang nằm trên hoặc hấp hối trong dòng nước, và đứa bé nàng vừa sinh ra trôi xa khỏi nàng. Ở giây cuối trước cảnh nhảy, đứa bé dường như chuyển động rất nhẹ nhàng.

Chúng ta chuyển sang cảnh Người đàn bà Sói nghe tiếng khóc và cứu đứa bé khỏi dòng nước. Bà ta nói: “Hoàng tử… hoàng tử xứ Himalayas!”

Sau khi trở về, Lhamoklodan được mẹ cho biết rằng chú của chàng là cha chàng và cha chàng là bác của chàng. Trong cảnh tiếp ngay sau khám phá này, Người đàn bà Sói cho biết động cơ của mong muốn trả thù của hồn ma – nhưng bà giảm nhẹ nó với sự cả quyết rằng Lhamoklodan không cần sự trả thù đó: “Nhà vua quá cố mong muốn cậu giết cha ruột của mình. Đó là cách trả thù của ông ấy. Những tội lỗi của thế hệ trước không là nguyên do khiến cậu phải trả thù trong hiện tại”.

Hồn ma xuất hiện vào lúc đó, quát mắng Người đàn bà Sói và đòi trả thù. Tuy nhiên, ông ta biến mất và Người đàn bà Sói tiếp tục câu chuyện bà đã bắt đầu trong cảnh kịch-trong-kịch. Nó làm động cơ của Kulo-ngam sâu sắc hơn:

“Nhà vua đã quyết định hành hình hoàng hậu. Mẹ cậu đã tiết lộ rằng cậu không phải là máu thịt của ông ấy. Để bảo vệ mẹ cậu và cậu, Kulo-ngam đã làm chuyện liều lĩnh nhất. Thần núi đã ban một con chó tẩm độc hiếm cho Kulo-ngam. Dù có vật cống này, nhà vua vẫn không tha thứ cho em trai như theo truyền thống. Nhưng ông ta không biết rằng chất độc của con chó con đã lan rộng”.

Trước khi vua chết, ông ta biết rằng Lhamoklodan không phải là con trai mình; hơn thế nữa, ông ta biết được ai là cha đẻ của chàng – nhưng Kulo-ngam đã kịp giết chết ông ta trước khi ông tàn sát tất cả họ.

Ở cuối đoạn quyết đấu, Lhamoklodan hấp hối vì vết thương do thanh kiếm tẩm độc, đi vào thế giới linh hồn và gặp hồn ma lần nữa. Hồn ma lại giục giã trả thù bằng những lời sau: “Hắn ta giết người nhân danh tình yêu. Hắn là kẻ tội phạm phải bị trừng trị… Lưỡi kiếm tẩm độc của hắn cũng đã lấy mạng của con”.

 Mặc dù hồn ma lặp đi lặp lại mệnh lệnh “giết hắn”, Lhamoklodan đã phát ngôn những lời giải phóng xứ sở khỏi lời nguyền trả thù:

“Hãy để thần linh trên trời phát xét linh hồn ông ấy. Con không thể giết ông ấy… Con không còn sức lực để yêu, để hận thù hay để giơ kiếm lên. Nếu cái chết của con gợi cho mọi người nhớ đến tình yêu và lòng thù hận, thì con sẽ không còn gì phải hối tiếc. Hãy để hồn của ông trở về với bóng tối tàn nhẫn: đừng bao giờ làm ô uế dân Jiabo nữa. Hãy đi đi!”

Sau những lời đó, Lhamoklodan quay trở về với thực tại, chứng kiến những cái chết của Nanm sau khi uống rượu độc mà Kulo-ngam chuẩn bị cho Lessar (tương ứng với Laertes) để bảo vệ Lhamoklodan nếu như chàng thua trong cuộc quyết đấu; của Lessar do bị thương bởi thanh kiếm tẩm độc mà Kulo-ngam chuẩn bị để Lhamoklodan dùng trong một cố gắng khác để bảo vệ chàng; và của Kulo-ngam người dùng thanh kiếm tẩm độc tự cắt cổ mình để đi cùng với Lhamoklodan và những người khác sang thế giới bên kia.

Điều cuối cùng mà Lhamoklodan chứng kiến là hình ảnh thoáng hiện của đứa bé mà Odsaluyang sinh cho chàng. Người đàn bà Sói chỉ nó cho chàng, và dường như nó đã đem lại cho chàng ít hy vọng, ít an ủi. Lời cuối cùng của chàng là “Jiabo: Vua của Jiabo”. Lời tiên tri đã đến đoạn kết: “Với vị vua mới, máu sẽ đổ thành sông” đã thành hiện thực với máu của Lhamoklodan, Nanm, Kulo-ngam và Lessar.

Việc thêm vào nhân vật bà thầy bói là một trong những điều đáng chú ý và hấp dẫn của bản Hamlet phái sinh này, đặc biệt bởi vai trò của bà kết hợp cả người kể chuyện, người chơi, thượng đế, Fortinbras, Hồn ma, Osric, và Những chị em kỳ dị của Macbeth. Bà ta kết nối vực thẳm giữa trần thế với thế giới linh hồn, và bà giúp chúng ta nhìn thấy cái nền mà nếu không có bà sẽ chỉ là trống rỗng.

Những biến đổi hoặc bổ sung cho các nhân vật Claudius và Gertrude cũng có sự phân nhánh xa rộng. Việc Nanm kết hôn với người đàn ông mà bà không yêu ám chỉ điều gì? Nỗi đau thương của Lhamoklodan có được Nanm chia sẻ? Nanm có mong muốn cái chết của chồng hay không? Bà có khuyến khích Kulo-ngam giết vua hay không, dù là cố ý hay vô ý? Kulo-ngam có thực sự mong có tình yêu của Nanm và sự an toàn của Lhamoklodan hơn tất cả hay không? Có phải việc ông ta chiếm ngai vàng hoàn toàn chỉ là do những động cơ đó hay không?

Cuối cùng, có câu hỏi nào trong số các câu hỏi này giờ đây áp dụng được cho Hamlet? Khi kể lại câu chuyện theo cách đó, phim có làm bộc lộ thêm những yếu tố nào còn sót lại về Claudius, Gertrude, Laertes, Ophelia, hay Hamlet hay không? Làm nổi bật và sâu sắc hơn mối tình giữa Claudius và Gertrude hướng tới nhân bản hoá họ ở mức cao hơn – một mức độ chắc chắn là một phần của văn bản nhưng không nhất thiết gắn với tâm trí độc giả của nó. Hiệu quả tổng thể của việc trở lại với Hamlet sau khi gặp gỡ với Hoàng tử xứ Himalayas là khuấy động lại cách đọc quen thuộc vở kịch với trung tâm là Hamlet.

Nhan đề của bài viết này là mượn của J. Dover Wilson Điều gì xảy ra trong Hamlet – nhưng có lẽ nó mang một giới từ chưa đúng. “Điều gì đã đã xảy ra với Hamlet khi nó được nhìn qua lăng kính của những cải biên kịch Shakespeare của châu Á?” có lẽ thích hợp hơn.


Tài liệu tham khảo

Ashizu, Kaori. “Kurosawa's Hamlet?” Shakespeare Studies 33 (1995): 71-99. MLA International Bibliography. Web. 23 February 2012.

The Bad Sleep Well [Warui Yatsu Hodo Yoku Nemuru].  Dir. Akira Kurosawa.  Perf. Toshirô Mifune, Masayuki Mori, Kyôko Kagawa, and Tatsuya Mihashi.  1960.  DVD.  Criterion, 2006. 

A Dream in Hanoi:  A True Story of Love, Stage Fright, and Noodle Soup.  Dir. Tom Weidlinger.  Perf. The Central Dramatic Company of Vietnam; Artists Repertory Theatre of Portland, Oregon; F. Murray Abraham.  2002.  Videocassette.  Bullfrog Films, 2002.

Hamlet.  Dir. Kenneth Branagh.  Perf. Kenneth Branagh, Kate Winslet, Richard Attenborough, Brian Blessed, Richard Briers, and Robin Williams.  1996.  DVD.  Castle Rock, 2007. 

Hamlet.  Dir. Laurence Olivier.  Perf. Laurence Olivier, Jean Simmons, Basil Sydney, Eileen Herlie, Norman Wooland, Felix Aylmer, and Terence Morgan.  1948.  DVD.  Criterion, 2000.

Hamlet.  Dir. Michael Almereyda.  Perf. Ethan Hawke, Julia Stiles, Sam Shepard, and Bill Murray.  2000.  DVD.  Buena Vista Home Entertainment, 2001.

Hamlet Goes Business [Hamlet Liikemaailmassa].  Dir. Aki Kaurismäki.  Perf. Pirkka-Pekka Petelius, Esko Salminen, Kati Outinen, Elina Salo, and Esko Nikkari.  1987.  DVD.  Villealfa Film, 1998.

Huang, Alexander C. Y.  Chinese Shakespeares: Two Centuries of Cultural Exchange.  New York: Columbia University Press, 2009.

Kidnie, Margaret Jane.  Shakespeare and the Problem of Adaptation.  London:  Routledge, 2009. 

The Legend of the Black Scorpion [a.k.a. The Banquet (Ye Yan)].  Dir. Feng Xiaogang.  Perf. Zhang Ziyi, Daniel Wu, Zhou Xun, Ge You, Ma Jingwu.  2006.  DVD.  Dragon Dynasty, 2008.

Prince of the Himalayas [Ban dao yin xiang; a.k.a. Ximalaya wangzi.]. Dir. Sherwood Hu. Perf. Purba Rgyal, Dobrgyal, Zomskyid, Sonamdolgar, Lobden, and Lopsang. Hus Entertainment, Shanghai Film Studios. 20 October 2006.

Shakespeare, William.  The Riverside Shakespeare.  2nd ed.  Gen. ed. G.  Blakemore Evans.  Boston:  Houghton Mifflin, 1997. 

Throne of Blood [Kumonosu jô (The Castle of the Spider’s Web)].  Dir. Akira Kurosawa.  Perf. Toshirô Mifune, Minoru Chiaki, and Isuzu Yamada.  1957.  DVD.  Criterion, 2003. 

Người dịch: PGS.TS. Trần Thị Phương Phương, TS. Đào Lê Na, ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, ThS. Nguyễn Thị Phương Thúy

Thông tin truy cập

63674991
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18709
17595
63674991

Thành viên trực tuyến

Đang có 495 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website