Lê Hồng Sâm, những điều còn lại…

            Ngày 25 tháng Ba năm 2003, chính phủ Cộng hòa Pháp trao tặng Lê Hồng Sâm huân chương Cành cọ Hàn lâm để tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của Bà trong gần nửa thế kỷ bền bỉ bắc cây cầu kết nối văn học - văn hóa Pháp với đời sống tinh thần Việt Nam. Nhưng từ lâu trước đó, tên tuổi Lê Hồng Sâm đã quen thuộc cùng học giới và văn đàn trong nước cũng như quốc tế khi nhắc tới văn chương Pháp ở Việt Nam.

            1. Tên của Bà thường hiện diện ở trang bìa lót của nhiều tác phẩm văn học Pháp được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Bà dịch từ rất sớm, vì công việc, và chủ yếu vì tinh thần trách nhiệm. Được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963) rồi được phân công về tổ văn học nước ngoài, Lê Hồng Sâm đảm trách phần văn học hiện thực phương Tây thế kỷ XIX. Trong hoàn cảnh nhiều tác phấm chỉ được học trò biết đến qua những bài giới thiệu của thầy cô khi lên lớp, Bà tự đặt nhiệm vụ cho mình: cố gắng cung cấp nguyên bản. Và ngay sau đó, những truyện ngắn của Maupassant, rồi Một tấm lòng chất phác (truyện hay nhất trong Ba truyện kể) của Flaubert, Vanina Vanini của tác giả Bà yêu thích - Stendhal - và tất nhiên không thể thiếu một số truyện trong Tấn trò đời của văn hào lỗi lạc Balzac, v.v. được in ronéo để “phục vụ kịp thời” và được xuất bản dần dần, sau đó. Nhờ những bản dịch của Bà, nhiều thế hệ sinh viên Văn khoa Tổng hợp không chỉ phải “nghe nói” về tác phẩm, phần nào đã thoát khỏi cảnh “học chay”, được biết tường tận hơn bút pháp, hiểu sâu sắc hơn tư tưởng một số nhà văn lớn của nước Pháp thế kỷ XIX.

            Không chỉ vì trách nhiệm đối với học trò và lương tâm nghề nghiệp đối với công việc giảng dạy, Lê Hồng Sâm dịch còn vì sở thích khám phá. Ngoài trào lưu văn học hiện thực thế kỷ XIX, Bà còn quan tâm tới những hiện tượng văn học khác, theo cách riêng của mình. Bà chú ý tới một số nữ tác gia lớn thuộc thế kỷ XX, bởi nhìn thấy ở họ những nét tiêu biểu của văn học Pháp thế kỷ này: sự tìm tòi, sáng tạo, tác động tương hỗ giữa các loại hình nghệ thuật, tinh thần cởi mở trước các nền văn hóa khác. Đó là Nathalie Sarraute với cội rễ Nga, người được coi như mở đầu trào lưu Tiểu thuyết Mới. Đó là Marguerite Yourcenar, với mỗi trang viết không chỉ trĩu nặng kiến thức về nền văn hóa cổ Hy Lạp, La Mã, mà còn là “kết quả của một quá trình nghiên cứu và một cách tiếp cận đầy suy tư”, để vượt lên cao hơn sự thực có tính lịch sử, đem tới sự thực mang tầm nhân loại. Và đặc biệt, là Marguerite Duras cùng những cách tân hiện đại để khám phá chất Đông Dương tiềm thức. Dường như Lê Hồng Sâm có phần ưu ái khi dịch nhiều tác phẩm của Duras, phải chăng vì Bà muốn tìm hiểu thêm về quê hương từ một góc nhìn khác.

            Những năm gần đây, khi thời gian cho phép Bà được dành “toàn tâm toàn ý”  cho công việc dịch thuật hằng yêu thích, Lê Hồng Sâm đáp ứng yêu cầu mà các nhà xuất bản nhiều lần đề xuất và bắt tay vào những bản dịch đồ sộ, (tất nhiên đó cũng là những tác phẩm chẳng dễ đọc – dễ hiểu chút nào). Để giúp độc giả Việt Nam tiếp cận những tư tưởng lớn của nhân loại, bản dịch Émile hay là về giáo dục (dịch chung cùng Ts. Trần Quốc Dương) và Những lời bộc bạch của J.J. Rousseau (đều xấp xỉ ngàn trang) được ấn hành. Ở Nhật Bản, với mục đích xây dựng bệ đỡ tri thức cho công cuộc Duy tân, từ cuối thế kỷ XIX, các cuốn sách tinh hoa của thế giới đã được chuyển dịch một cách hệ thống. Còn ở ta, khoảng trống ấy … rất may có những mảnh ghép khiêm tốn nhưng thực giá trị từ những dịch giả lặng lẽ và cần mẫn như Lê Hồng Sâm. Để kỷ niệm 200 năm sinh của Balzac, văn hào mà Bà có nhiều “duyên nợ” trong suốt bấy nhiêu năm nghiên cứu và giảng dạy văn học Pháp, Bà chủ trì công trình dịch và giới thiệu có hệ thống hầu như đầy đủ bộ Tấn trò đời (16 tập, Nxb Thế giới, 1999-2001) tới độc giả Việt Nam. Có lẽ phải rất lâu sau nữa, một bản dịch trọn vẹn hơn của bộ tiểu thuyết đồ sộ ấy mới lại được xuất bản. Và rồi, năm 2013, khi Bên phía nhà Swann, cuốn đầu tiên trong bộ “tiểu thuyết cái của thế kỷ XX” – Đi tìm thời gian đã mất – kỷ niệm 100 năm lần ra mắt đầu tiên, Bà lại cùng những đồng nghiệp cũ trăn trở với những câu văn dài dằng dặc, xoắn bện vào nhau, vốn gây khó khăn cho ngay cả độc giả bản ngữ, nhằm khởi động một công việc khó: đặt nền móng cho thế hệ dịch giả sau tiếp tục “tìm thấy lại” M. Proust, cha đẻ của tiểu thuyết hiện đại Pháp. Dịch thuật chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nếu không muốn nói rằng đó là một sự lao động nhọc nhằn. Bà chấp nhận làm điều ít ai muốn làm này vì trách nhiệm và cũng vì ưa thích.

2. Cùng với việc chuyển ngữ tác phẩm, Bà còn viết. Viết về những gì Bà đã chiêm nghiệm rất kỹ, rất lâu, viết về văn học Pháp, nền văn học mà Bà gần gũi và yêu mến từ thuở nhỏ. Có thể chia những bài viết của Bà thành ba nội dung lớn: giới thiệu những gương mặt tác giả tiêu biểu; cảm nhận và suy tư về văn chương; luận bàn về dịch thuật. Ba nội dung này gắn bó bền chặt với nhau tạo thành công trình nghiên cứu mang phong cách Lê Hồng Sâm: gợi mở từ những suy ngẫm.

Là một người thầy, Bà bền bỉ làm công việc của người dẫn đường. Cùng với những bản dịch, Lê Hồng Sâm thường viết giới thiệu. Nhưng Bà tìm một cách viết khác lối trình bày tiểu sử tác giả và nội dung tác phẩm vốn đã quen thuộc. Với kiến văn dồi dào, Bà luôn biết chọn những góc nhìn mới lạ để giới thiệu một nhà văn lớn trong mối quan hệ bền chặt với những tác phẩm của họ. Bà cho thấy cuộc đời đầy trắc trở của Rousseau cùng những nẻo đường dẫn tới sự “xác lập một thể loại mới” với Những lời bộc bạch. Bà phân tích tính “bi đát” trong số phận Flaubert để lý giải chủ trương nghệ thuật của văn hào cũng như vẻ đẹp khác thường của Một tấm lòng chất phác. Với cây đại thụ Hugo, chủ soái của trào lưu lãng mạn, Bà làm nổi rõ, qua “Hugo trong Balzac”, bóng hình Hugo thế nhân, cũng như Hugo tác giả trong mắt một nhân chứng cùng thời không kém kỳ vĩ – Balzac. Rồi các nhà văn nữ tiêu biểu của văn học Pháp như G. Sand, M. Yourcenar, N. Sarraute, S. Beauvoir, M. Duras, v.v. đều được Bà giới thiệu nhưng chẳng hề theo một mô thức cố định. Mỗi gương mặt, qua lăng kính thức nhận của Lê Hồng Sâm, dù chỉ là một vài khía cạnh văn chương, đôi ba lát cắt cuộc đời, đều xuất hiện sống động và độc đáo.

Bàn về văn chương Pháp, Lê Hồng Sâm ít dẫn những lý thuyết hàn lâm kinh viện. Người đọc sẽ rất khó khăn khi kiếm tìm những trích dẫn kinh điển về phân tâm học, về ký hiệu học, về xã hội học, v.v. nơi bài viết của Bà. Nhưng ở bề sâu mỗi bài viết luôn thấp thoáng ẩn hiện những lý luận và phương pháp tiếp cận văn chương hiện đại. Thử xem riêng về Balzac, Lê Hồng Sâm tìm hiểu ý nghĩa tiềm ẩn của một số tiểu thuyết, cho thấy đề tài về hai anh em, về đứa con bị ghét bỏ bộc lộ ẩn ức nơi nhà văn, nêu rõ những điều ở bề sâu vô thức, tiềm thức của người viết, những điều mà bản thân tác giả chỉ cảm nhận mơ hồ song lại được hình tượng văn học nói lên, đó chẳng phải là phê bình phân tâm học sao? Tương tự, một phạm trù quan trọng của thi pháp học hiện đại – không gian nghệ thuật – cũng được Bà tinh tế phát hiện và phân tích hiệu quả: không gian khép kín ở Phòng cổ vật, “nơi nhân vật giam mình trong quá khứ, tự cô lập khỏi cuộc sống đương thời” trong khi Vũ hội ở Sceaux lại là “chốn gặp gỡ có tính chất biểu tượng giữa quá khứ và hiện tại, cảnh nhốn nháo thú vị giữa giai cấp đang suy tàn và những tầng lớp đang đi lên”, còn với Lão Goriot, sự di chuyển của nhân vật trong không gian tương ứng với những biến đổi tâm lý hay xã hội, v.v.. Trong bài viết “Chabert, tấm gương phản chiếu bóng hình bao thời đại, bao xứ sở”, Lê Hồng Sâm đặt Đại tá Chabert trong mối tương liên để phân tích đối sánh với ba truyện ngắn Việt Nam Tướng về hưu, Hai người đàn bà xóm trạiThủ tục làm người còn sống. Đó là cách nghiên cứu của văn học so sánh. Có phải chăng Bà đã tiếp nhận những lý thuyết ấy nhuần nhuyễn để khi lập ngôn, chúng tự nhiên như hơi thở, hòa quyện trong nguồn mạch suy tư rất riêng của Bà ?

Bên cạnh những nghiên cứu về văn học Pháp, Lê Hồng Sâm cũng có một số bài viết chứa đựng nhiều trăn trở về Dịch, một công việc mà trọn đời Bà yêu thích. Vẫn là ba yêu cầu: Tín – Đạt – Nhã nhưng làm sao để bản dịch vừa không xa rời nguyên tác vừa dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với người đọc không cùng ngôn ngữ ? Câu hỏi lớn này, từ lâu nay vẫn luôn là mối quan tâm của các dịch giả. Lê Hồng Sâm nhiều lần nhắc tới khái niệm “Độ”. Với Bà, “độ” không thuộc về chủ nghĩa chiết trung, không phải là bình quân giữa việc giữ nguyên tư tưởng của tác giả và nền tảng nhận thức cũng như văn hóa bản địa của người đọc. “Độ” là một điểm nút (theo đúng tinh thần quy luật Lượng – Chất của triết học), phụ thuộc vào sự tinh tế và mẫn tiệp của người dịch, biết cân bằng mâu thuẫn kia trong tính hài hòa của tổng thể dịch phẩm. Và dường như ý niệm “độ” của Bà ẩn chứa một lời nhắn nhủ với bản thân, cũng là với các dịch giả, bởi nếu không cần mẫn đào luyện thì chẳng bao giờ có thể cảm nhận được đâu là “độ” và thế nào là “chưa đủ độ”!

3. Quả thực, con số khoảng mấy chục bài viết là quá khiêm nhường so với vốn kiến văn dồi dào, phong phú của Bà. Có đồng nghiệp thân thiết đã nhiệt tâm mà trách cứ: “Thời gian rảnh, chị làm gì?”. Bà mỉm cười nghĩ về gia đình bé nhỏ của mình với người chồng luôn không được khỏe và cô con gái yếu ớt từ tấm bé. Bà đã dành tất cả yêu thương và biết mấy thời gian, công sức, để làm điểm tựa cho những đóng góp trọn đời với dân tộc, với nhân dân của Ông, để làm bệ đỡ vững vàng cho những thành công ngày hôm nay của người con gái bé bỏng ngày nào. Cho tới tận bây giờ, khi Ông vì bạo bệnh đã xa Bà trọn 30 năm, Bà vẫn nhắc tới Ông bằng tất cả tình cảm như buổi ban đầu cô nữ sinh Đồng Khánh cùng người yêu lên đường kháng chiến. Phải chăng truyền thống yêu nước từ cội nguồn gia đình đã khơi dòng cho tình yêu mang đậm chất “lãng mạn cách mạng” để ông bà cùng nhau băng qua cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vượt lên những tháng ngày cực nhọc của đất nước và bình thản đón nhận những rối ren của thời cuộc mà bên nhau bằng tất cả tình cảm “không một chút gợn” như Bà thường hồi tưởng.

            Giàu tình cảm nhưng không dễ bị cảm xúc chi phối, Lê Hồng Sâm tinh tế, cẩn trọng và ẩn chứa bên trong là cả một tấm lòng.  Bà là một “nhà tổ chức” công tâm và tận tụy, để quy tụ mọi người, hỗ trợ mọi người, nhất là những đồng nghiệp trẻ, cùng “làm” khoa học. Bộ Lịch sử Văn học Pháp (5 tập, Nxb Thế giới, 1990) do Bà và GS. Đỗ Đức Hiểu làm tổng chủ biên cho tới nay vẫn là bộ sách tham khảo được nhiều nhà nghiên cứu tin cậy. Rồi với uy tín của thành viên Hội nghiên cứu Balzac quốc tế, Bà thúc đẩy việc dịch, hiệu đính và kết nối để hình thành bộ Tấn trò đời (16 tập, Nxb Thế giới, 1999-2001). Những công trình đồ sộ ấy đều do những tên tuổi lớn và cả những người trẻ, một số thuộc thế hệ học trò của Bà, tham gia biên soạn và biên dịch. Bà không quên “tranh thủ” những đồng nghiệp “già” để truyền thụ, để chia sẻ, để bồi dưỡng cho những đồng nghiệp trẻ. Một trong những thành viên tham gia dịch Tấn trò đời đã khẳng định trong bài viết về bộ sách: “Trong quá trình thực hiện công trình, nhiều dịch giả đã thực sự trưởng thành. Có thể nói một cách thành thực rằng đây là một môi trường đào tạo lý tưởng cho các nhà nghiên cứu, bởi một khi công việc nghiên cứu được kết hợp chặt chẽ với công việc dịch thuật, chắc chắn kết quả làm việc sẽ có hiệu quả cao hơn.[1]

            Khác với một đôi người muốn người đi sau mãi mãi nấp dưới cái bóng của mình, Lê Hồng Sâm không ngừng tạo cơ hội để thế hệ trẻ vươn xa và bay cao. Từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Bà đã đặt nền móng cho sự hợp tác giữa hai bộ môn Văn học Pháp của hai trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris 7 Denis Diderot. Hợp tác quốc tế để cùng nghiên cứu, và cũng để tạo cơ hội cho những cán bộ trẻ được trau dồi, được đào tạo thêm. Với tư cách “điều phối viên” phía Việt Nam, Bà đã góp phần giúp đỡ để nhiều học trò, đồng nghiệp đi Pháp trao đổi và thực tập. Nhưng sự đời không phải lúc nào cũng trong suốt. Khi có sự chia rẽ, vì chỉ nghĩ đến việc chung, vì trong sạch, không ngả về phía nào, Bà từng chịu thiệt thòi. Ấy thế nhưng Bà vẫn làm việc, vẫn cống hiến, không hề trách cứ ai, chỉ lo ảnh hưởng không tốt tới việc phát triển ngành và đào tạo những thế hệ sau. Tấm lòng luôn nghĩ cho học trò ấy của một người Thầy, theo đúng nghĩa viết hoa của từ này, có học trò nào đành quên? Có lẽ ai đã từng tiếp xúc, dù thân hay sơ, cũng đều khó lẫn phong cách rất riêng vừa dịu dàng, mực thước mà cũng thật lôi cuốn, gợi mở của Lê Hồng Sâm. Những người học trò gần gũi như các thầy giáo khoa Ngữ văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội vẫn khâm phục những bài giảng “không thừa và không thiếu chữ nào… như là những văn bản đã được gọt giũa tu từ từ trước[2]; những sinh viên ở miền Nam sau Thống nhất (mà nay cũng đã thành danh), lưu giữ ấn tượng khó phai, từ chút ngạc nhiên thú vị “Cô giáo đầu tiên đến từ Hà Nội lại xuất hiện ở giảng đường với chiếc áo dài cổ cao nền nã” đến niềm quý trọng “Cô Lê Hồng Sâm là một trong số ít giảng viên giới thiệu tinh hoa văn học thế giới đã khiến chúng tôi tâm phục ngay từ giờ giảng đầu tiên, không những bằng nội dung khoa học mà còn bằng giọng nói và phong thái sư phạm”, rồi tình thương mến “Hai năm ở Hà Nội, đối với tôi, cô là nguồn động viên tinh thần lớn lao, giúp chúng tôi giữ được niềm say mê với văn học giữa những biến đổi của thời thế[3]. Và mới đây, những lời trò chuyện bên bàn trà của Bà làm cho những học trò thế hệ cuối 9x thốt lên “Trời ơi! Cô Sâm thật tuyệt vời!”. Vâng, “cô Sâm” của các bạn đã sắp bước qua tuổi 90 rồi đấy!

            Để có thể mãi lôi cuốn lớp lớp thế hệ học trò như vậy, không hẳn chỉ vì thông tin thế sự luôn được cập nhật (ở tuổi 70, Bà đã làm quen với máy tính, tự soạn thảo văn bản thành thạo và “lướt” web đọc tin tức hàng ngày), Lê Hồng Sâm thực sự thông tuệ, để luôn hành xử một cách tế nhị và nhân ái. Sống giữa cuộc đời, Bà có nhiều bạn – bạn thời đi học, bạn kháng chiến, bạn công tác, bạn hàng xóm, bạn đồng hương, v.v., một mạng lưới quan hệ chằng chịt và cũng không kém phần phức tạp. Không phải Bà không nhận ra những mặt này mặt khác của thế nhân, nhưng Bà luôn gắng tìm những điểm sáng trong mỗi người để thấy cuộc đời vẫn còn trong trẻo quá (hay là để cho những thứ ô tạp kia chẳng thể vương lại quanh mình). Bà yêu quý những người bạn của mình bằng những cách khác nhau: khi thì sẵn sàng san sẻ không nề hà vốn tri thức dồi dào với bất kỳ ai muốn biết, muốn hiểu, lúc lại bình tĩnh hàng giờ chỉ để lắng nghe một ý tưởng có phần “đi ngược với thời đại” của một người bạn đang lâm vào khủng hoảng. Còn với những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi, Bà xoay xỏa tìm cách đỡ đần hay đơn giản chỉ là vững vàng để cảm thông cùng những tiếng thở dài não nề, những dòng nước mắt buồn thương, cùng sẻ chia với những điều không may của bè bạn. Chẳng thế mà, tình cảm quý trọng đối với Bà đã vượt khỏi không gian và thời gian. Những người cháu con họ mạc rất xa ở quê ông vẫn thường gọi điện thoại “báo cáo” “tình hình” quê hương với Bà, mặc cho quãng thời gian ngắn ngủi Bà về làm dâu ở vùng quê chiêm trũng ấy đã lùi xa hai phần ba thế kỷ. Thường xuyên, Bà vẫn nhận được e-mail của những người bạn từ nước Pháp xa xôi gửi tới hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ ý tưởng nghiên cứu hay đơn giản chỉ là cần gấp một lời khuyên…  vì Bà là cả một kho vốn sống và tình yêu thương.

Tôi vẫn thường ngồi say sưa nghe Bà kể chuyện đời, nói chuyện văn chương trong căn phòng sáng sủa và ngăn nắp của Bà để mà suy tư, để mà chiêm nghiệm. Tôi nhớ Bà từng nhắn nhủ: “Cuộc đời con người như bóng câu qua cửa sổ. Con thấy không, chỉ là cái bóng ngựa phi vút qua thôi nhé. Nhanh lắm đấy!”. Trong vũ trụ bao la này, mỗi con người chỉ như một hạt bụi trong thoáng chốc mà thôi. Và người ta có phải đến cuộc đời này để ghi lại một chút gì chăng khi tất thảy cõi nhân thế vốn chỉ là mây bay và gió thoảng. Riêng tôi, tôi vẫn luôn tin ở những điều còn lại…

 


[1] Lộc Phương Thủy, Về bộ sách Tấn trò đời của Honoré de Balzac, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2002.    

[2] Trần Hinh, Nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm: Cánh chim không mỏi.

[3] Huỳnh Như Phương, Từ phòng văn một người Hà Nội.

Nguồn: Lời bạt sách Văn chương Pháp - tản mạn đọc và cảm nhận (Phê bình và tiểu luận của Lê Hồng Sâm, Dương Xuân Quang  tập hợp và tổ chức bản thảo), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.

Thông tin truy cập

63667450
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
11168
17595
63667450

Thành viên trực tuyến

Đang có 739 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website