Trong một thời đại của “dịch bệnh”, Albert Camus từ tốn kê một đơn dặn chúng ta cần bắt đầu thói quen thực hành những việc tốt đẹp nhỏ bé.
Albert Camus.
“Chúng ta sống bằng ẩn dụ”. Những phép ẩn dụ, chúng chi phối cách ta nghĩ, cách ta trải nghiệm, và tất nhiên, cách ta hành động. Chúng ta không chỉ sống bằng ẩn dụ mà thậm chí, chết bởi ẩn dụ. Trong lịch sử, người ta đã từng mô tả những người Tutsi như một loài rắn để việc chặt đầu họ bằng dao rựa sau đó tự nhiên trở nên hợp lý, người ta cũng từng định danh người Do Thái như một loài loài sâu bọ để có cớ tàn sát họ bằng Zyklon-B, một loại thuốc trừ sâu, trong các trại tập trung. “Dịch hạch” là một dẫn chứng về một ẩn dụ cho những bệnh dịch mà cả xã hội có thể cùng chết vì. Ở Mĩ, trên các trang mạng tại thời điểm Trump đắc cử ghế Tổng thống, “dịch hạch” được sử dụng tràn lan để miêu tả sự kiện này: “dịch hạch đã bắt đầu bốc mùi khắp Nhà Trắng”, hay “hãy chung tay đẩy lùi nạn dịch Trump”. Nhưng Trump thật ra chỉ là một trong vô vàn mầm bệnh của xã hội này. Tiểu thuyết Dịch hạch (tựa gốc: The Plague) của Albert Camus, ngay từ sớm đã kê cho chúng ta một đơn thuốc để chiến đấu với những bệnh dịch của xã hội. Trong đó, ngoài cảm giác lo âu thường trực, chúng ta còn nghe thấy lời kêu gọi cho những hành động tử tế nhỏ bé xuất phát từ cá nhân. Vì một thời đại luôn bệnh dịch này, tiểu thuyết của Camus và lời nhắn từ nó đáng được nhìn lại thêm một lần nữa.
Dấn thân và chiến đấu
Vào thời điểm Dịch hạch lần đầu xuất bản năm 1947, Camus đã được cả thế giới biết đến qua tiểu thuyết Người xa lạ và tiểu luận triết học Huyền thoại Sisyphus. Cả hai cuốn sách lên kệ trong thời kì Pháp bị quân đội Đức chiếm đóng đã làm nên tên tuổi của Camus như một nhà văn hiện sinh, người hình dung ra một thế giới mất nghĩa, được tạo ra từ vô vàn sự ngẫu nhiên và che đậy dưới một lớp màng phi lí. Camus tuyên bố rằng, tất cả những cố gắng đeo đuổi để tìm một ý nghĩa cho cuộc đời này sẽ luôn chỉ nhận lại một sự im lặng.
Thời gian sau, vì bệnh lao, Camus phải rời quê hương Algerie của mình đến sống tại một trang trại gần vùng Le Chambon-sur-Lignon miền Nam nước Pháp. Ông đã bước chân vào một nước Pháp khi mà đồng hồ ở đây chạy theo múi giờ của Đức. Tại đó, ông đã xem xét lại thái độ trước đây của mình về những bổn phận thuộc đạo đức. Camus nhận ra: trong chiến tranh, sự phi lí không dạy cho chúng ta nhiều điều. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mãi được cho dù biết cuộc chiến này ngu xuẩn thế nào.
Sự khởi phát của Dịch hạch và quyết định dấn thân vào cuộc chiến chống lại nó bắt nguồn từ chính nhận thức này. Năm 1943, Campus tham gia vào một tờ báo bí mật và bắt đầu thành hình cho cuốn tiểu thuyết thứ hai của mình. Trong Dịch hạch, người kể chuyện kể lại câu chuyện xoay quanh một nhóm những người đàn ông khi bệnh dịch đổ bộ lên thành phố Oran nằm ven biển Algerie. Bernard Rieux, một bác sĩ đồng thời là người kể chuyện, và Jean Tarrou, anh chàng lạ lùng luôn đắm chìm trong những suy tư về đạo đức, luân lí, đã cùng với nhau dẫn dắt một đội y tế tự nguyện để chiến đấu với Thần Chết, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân trong vùng.
Nhưng sự quái ác khôn lường của dịch bệnh đẩy lùi mọi nỗ lực của họ. Ngay cả khi họ đã có thêm nhiều người đồng hành cùng, con quái vật lại càng lúc càng mạnh và đánh gục hết thảy đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ. Có vẻ như cố gắng của các nhân vật chính là hoàn toàn vô vọng, nhưng họ vẫn kiên trì theo đuổi thứ mà họ cho là bổn phận của mình và tìm thấy được ý nghĩa từ đó – một điều mà chưa từng có tiền lệ trong các tác phẩm phi lí trước đây của Camus. Khi Tarrou cảnh báo với Rieux rằng, chiến thắng dịch bệnh sẽ chỉ là tạm thời và không thể kéo dài được lâu vì những con chuột vẫn luôn ẩn nấp và rình rập trong thành phố này, vị bác sĩ đáp rằng: “Tất nhiên tôi biết rõ điều đó. Nhưng không có lí do nào để ta từ bỏ việc chiến đấu”.
Liệu rằng Camus có chủ ý dẫn dắt chúng ta tới một bài học đạo đức nào đó sau Dịch hạch? Tất cả những câu hỏi tương tự như vậy sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời bởi Camus đã viết một tác phẩm văn chương hư cấu và nó hiển nhiên không phải một chuyên luận về đạo đức. Ngay từ rất sớm, nhiều nhà phê bình đã suy luận rằng, Camus mượn dịch hạch như một phép ẩn dụ để mô tả lại cuộc sống của người Pháp trong bị chiếm đóng và ông đã miêu tả cuộc xâm lược có tính diệt chủng của Đức cũng ngẫu nhiên tới như một dịch bệnh.
Nhưng bảy mươi năm sau, những phán đoán như trên đã nhanh chóng trở nên lỗi thời. Bởi Dịch hạch có nhiều ý nghĩa hơn thế. Được thai nghén trong thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới và bắt đầu cuộc chiến tranh lạnh, nếu khăng khăng Dịch hạch của Camusnói về bản chất của chủ nghĩa phát xít thì chẳng khác nào nói Trại súc vật của George Orwell chỉ là bức tranh truyền thần vẽ chủ nghĩa cộng sản. Đối với Camus, phép ẩn dụ về dịch hạch diễn tả “sự ngột ngạt mà tất cả chúng ta đã và đang phải chịu đựng cùng một bầu không khí đầy hăm dọa mà chúng ta phải hít thở trong đó hàng ngày.” Những sự ngột ngạt này đến từ nhiều nguyên nhân, dịch bệnh giống như một sự kiện có tính chất thường xuyên với đời sống con người. Nhưng dù nhận thức được như vậy, con người “vẫn sẽ ngỡ ngàng và hoang mang trước những thảm họa bất ngờ ập đến”.
Đơn thuốc của Camus
Trước dịch bệnh, việc đầu tiên phải làm là mô tả được chính xác tình trạng bệnh. Rieux làm một phép toán rằng: số liệu của những ca tử vong cộng với những triệu chứng bệnh chính bằng dịch bệnh. Anh hiểu rõ công việc của mình là “phân tích chính xác” về bệnh dịch.
Tương tự như vậy, Tarrou cũng chú trọng đến sự chính xác và rõ ràng, nhưng trong ngôn từ. Anh từng kể cho Rieux nghe về một lát cắt quan trọng của cuộc đời mình khi chứng kiến cha anh, một công tố viên của nhà nước, trong một phiên tòa xét xử. Người thanh niên trẻ Tarrou đã ở đó nhưng anh chỉ tập trung chú ý vào hình ảnh người đàn ông phạm tội: chiếc cà vạt thắt xộc xệch, vẻ khốn khổ, hoảng sợ hiển hiện trên khuôn mặt, những móng tay bị cắn nham nhở. Cha anh, trong chiếc áo choàng đỏ rực đầy quyền lực của tòa án, đứng dậy đọc bản luận tội và đề nghị một án tử hình cho bị cáo. Một bài diễn văn tràng giang đại hải đầy những cụm từ sáo rỗng nhưng lại có quyền làm biến mất luôn sự hiện diện của một người còn sống. Sau nhiều năm bị ám ảnh bởi những lời lẽ độc đoán, cay nghiệt của cha mình trong phiên tòa cũ, Tarrou nghiệm ra rằng, một người tốt, một người không bao giờ lây nhiễm bệnh dịch cho bất cứ ai “là người luôn chú ý đến người khác và những lời nói ra của chính mình”. Anh khẳng định, tất cả những tội lỗi mà chúng ta gây ra đều bắt nguồn từ việc ta không có ý thức về hành vi ngôn ngữ của mình. Ngôn từ, rất có thể là một mầm bệnh và cướp đi tính mạng một con người.
Bên cạnh việc cẩn trọng trong ngôn từ, chúng ta còn cần phải học cách quan sát. Nếu chúng ta biết cách tạm nén lại những mối bận tâm của bản thân để nhìn ra được vấn đề của những người xung quanh, dành sự quan tâm tới họ, thì sớm muộn ta sẽ vì họ mà hành động. Thấu cảm với thế giới nghĩa là, vào một thời điểm khi ta buộc phải đưa ra một lựa chọn có tính đạo đức thì thật ra, quyết định “làm hay không” của ta phải nằm sẵn ở đó từ lâu rồi.
Khi viết Dịch hạch, Camus đang sống tại vùng ngoại ô Le Chambon-sur-Lignon. Dưới sự dẫn dắt của vị mục sự André Trocmé, ngôi làng theo đạo Tin Lành này đã cứu sống hơn 3000 người tị nạn Do Thái trong suốt cuộc chiến. Một lần, một tay sĩ quan người Đức tra hỏi vị mục sư về nơi ẩn áu của người Do Thái trong làng, câu trả lời của Trocmé là một dẫn chứng rõ ràng nhất cho việc chúng ta chuyển từ việc chỉ quan sát sang những hành động thiết thực: “Chúng tôi không biết người Do Thái là cái gì. Chúng tôi chỉ biết tới CON NGƯỜI”. Camus chưa bao giờ tiết lộ rằng ông biết gì về Chambon, nhưng trên thực tế, cái tên Rieux của vị bác sĩ trong tiểu thuyết có lẽ không phải một sự ngẫu nhiên trùng hợp.
Những cố gắng không bao giờ ngừng lại
Trong tiểu thuyết, Rieux nhận ra: dịch hạch sẽ không chừa một ai, nó là mối bận tâm của tất cả chúng ta. Quyết định chiến đấu với nó không có gì đáng để tung hô, thậm chí hiển nhiên như hai cộng hai bằng bốn. Điều thúc đẩy con người ta chống lại dịch bệnh sẽ không phải một thứ chủ nghĩa anh hùng to tát mà ở ngay những hành động nhỏ bé hàng ngày của những con người bình thường. Khi được hỏi thêm, anh đáp: “Về phần mình, tôi sẽ làm công việc của chính tôi.”
Cốt lõi của ý tưởng tốt đẹp này nằm ở việc mỗi người thực hiện bổn phận của chính mình và “chính điều đó mới khiến con người hạnh phúc”, cho dù sau này, người ta rất có thể sẽ không còn tin và chế nhạo nó, cho dù chính Camus cũng đã đau đớn nhận ra sự bất lực của mình trong việc bảo vệ những giá trị bình thường của những con người bình thường. Có thể sống bình thường, giản dị và vô tư thật ra là một việc rất khó khăn trong đời.
KIỀU CHINH lược dịch theo Robert Zaretsky, Foreign Affairs Magazine.
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 30.03.2020.