1. Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của M.Sholokhov và trong lịch sử văn học Nga thế kỷ XX, Sông Đông êm đềm chiếm một vị trí xứng đáng, góp phần quan trọng vào việc khẳng định tài năng nghệ thuật của nhà văn và đưa ông đứng vào hàng ngũ các nhà văn lớn của thế giới được nhận giải Nobel văn học vào năm 1965. Nhà văn Ch.Aimatốp cho rằng: “Sông Đông êm đềm là một giai đoạn cường tráng trong sự phát triển của văn học và tư tưởng nghệ thuật của chúng ta. Đó là một cực của văn học sử thi dân gian có cội rễ trong đời sống”. Để tạo nên sự thành công của tác phẩm, ngoài tài năng nghệ thuật độc đáo của tác giả trên nhiều phương diện như sự kết hợp giữa tính sử thi với tính bi kịch, tính sử thi với yếu tố hài hước, nghệ thuật phân tích tâm lý..., việc nhà văn M.Sholokhov đưa những yếu tố Folkore vào tác phẩm cũng góp phần làm nên giá trị to lớn của Sông Đông êm đềm.
Trong tiểu thuyết sử thi Sông Đông êm đềm, “Truyền thống dân gian và văn học cổ điển Nga được kết tinh một cách trong sáng trong ngòi bút tài hoa của Shlokhov và hình thành nên loại văn xuôi giàu nhịp điệu thấm đượm chất trữ tình du dương, dịu ngọt, man mát, ghi nhớ và u buồn, hân hoan và xúc động” [1 - tr. 848]. Nhà văn đã chiếm hữu và sử dụng một cách vững vàng kho tàng văn học dân gian Nga và cả những thành tựu của sử thi Hy Lạp, văn hóa thời Phục Hưng, những kinh nghiệm của thiên tài L.Tônxtôi trong tác phẩm Sông Đông êm đềm. Chính điều đó làm nên giá trị lớn lao của cuốn tiểu thuyết, là sự tổng hợp giữa những di sản quá khứ với tính hiện đại tạo nên một sự kết tinh hàm súc và sáng rõ lạ thường làm cho sử thi của Shlokhov có những cách tân táo bạo, độc đáo đối với văn học Nga và văn học thế giới.
Trong Sông Đông êm đềm, Folklore được biểu hiện dưới những hình thức khác nhau và góp phần không nhỏ vào việc tạo ra những sắc thái thẩm mỹ phong phú đối với việc miêu tả tâm lý nhân vật và xây dựng các yếu tố của cốt truyện.
2. Đánh giá những đóng góp của M.Sholokhov về phương diện nghệ thuật, đặc biệt Sông Đông êm đềm, S.O.Melich Nubarốp khẳng định rằng: “Nắm được tinh thông ngôn ngữ Nga, trong các tác phẩm của mình, Sholokhov đã đem lại cho người đọc toàn bộ tính chất phong phú, chính xác, đầy ý vị của ngôn ngữ nhân dân. Ông đã đưa vào các tác phẩm của mình hàng nghìn châm ngôn, tục ngữ và thành ngữ dân gian, tóm lại là toàn bộ những gì đã làm cho các tác phẩm văn học dân gian Nga trở nên phong phú” [2 - tr. 205, tr. 206]. Điều này thể hiện rất rõ trong toàn bộ sáng tác của M.Sholokhov, nhưng đậm đặc chất dân gian với một khối lượng lớn là ở tác phẩm Sông Đông êm đềm.
2.1. Dựa vào tiêu chí phân loại Folklore của V.Guxép trong cuốn Mỹ học Folklore và qua khảo sát thực tế tác phẩm, chúng tôi thấy rằng trong Sông Đông êm đềm, M.Sholokhov chỉ sử dụng thể loại Folklore ở hai dạng: sử thi (tự sự) và trữ tình với tổng số khoảng 44 đơn vị. Các dạng thức biểu hiện của Folklore cụ thể như sau:
Như vậy, ở nhóm tự sự, nhà văn chỉ sử dụng 5 đơn vị Folklore mà cũng tập trung ở thể loại tục ngữ (4 đơn vị), còn ở nhóm trữ tình trong số lượng 39 đơn vị, loại bài ca anh hùng (14 đơn vị), bài ca bi ai (12 đơn vị) và bài ca bông đùa (8 đơn vị) có số lượng nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ rằng, thể loại trữ tình được nhà văn ưa thích và chú ý hơn; tất nhiên, chúng có ý nghĩa quan trọng đối với các yếu tố của tác phẩm.
Chúng ta biết rằng, trong văn học dân gian Nga, bên cạnh các thể loại câu đố, tục ngữ, ca dao, truyền kỳ, truyện cổ..., nổi bật là thể loại bưlina (tráng sĩ ca) và saxtusca (bài ca trữ tình). Nếu bưlina là những bài ca chiến công, bài ca về người anh hùng nơi chiến trận của các tráng sĩ trong những cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược bảo vệ đất nước thì saxtusca là những bài ca trữ tình ngắn thường có 4 câu nói về thái độ, tâm trạng, một biểu trưng nào đó của con người trong đời sống lao động sản xuất. Những người Côdắc vùng sông Đông nói riêng và dân Côdắc nói chung có truyền thống tự do và tự trị không chịu khuất phục bất kỳ một thể chế chính trị nào. Những cuộc nổi dậy của người dân Côdắc trong lịch sử Nga đã chứng minh điều đó và xuất hiện những người anh hùng, những tráng sĩ sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi cộng đồng. Là người mang dòng máu Côdắc và am hiểu sâu sắc đời sống văn hóa dân Côdắc cho nên M.Sholokhov đưa vào tác phẩm Sông Đông êm đềm một số lượng lớn các bài ca trữ tình thuộc nhóm trên là điều dễ hiểu. Chính những bài ca đó gần gũi và gắn với tâm trạng của người dân Côdắc trong những biến động mang tính bước ngoặt của đời sống cá nhân và xã hội.
2.2. Những yếu tố Folklore trong Sông Đông êm đềm được nhà văn sử dụng luôn gắn với quan niệm nghệ thuật của tác giả. Nó là một bộ phận không thể thiếu được làm nên phong cách nghệ thuật đặc sắc của Sholokhov và thấm sâu vào các yếu tố nghệ thụật như không gian, thời gian, nhân vật... Khảo sát Folklore trong Sông Đông êm đềm, chúng tôi thấy phần lớn chúng được tái hiện thông qua sự hồi tưởng của nhân vật, đặc biệt là Ácxinhia và Grigôri. Và thời gian biểu hiện của nó cũng phân bố không giống nhau, mang những gam màu sáng, tối khác nhau. Trong số 44 đơn vị Folklore của tác phẩm được nhà văn sử dụng ở các dạng thời gian trong ngày, thời gian chiều, tối và thời gian không xác định có số lượng Folklore xuất hiện nhiều nhất (buổi chiều: 7 đơn vị, buổi tối: 17 đơn vị, không xác định: 13 đơn vị). Điều này nói lên rằng, những bài ca trữ tình dân gian Nga thường được nhân vật sử dụng ở vào thời gian rỗi rãi, trong không gian vắng lặng dễ bộc lộ cảm xúc của con người: “Tối tối khi bóng đêm tháng sáu bềnh bệch như đá mắt mèo tỏa xuống cánh đồng, bên đống lửa lại có tiếng hát:
“Viễn chinh đồng đất nước người/ Con ngựa huyền đưa chàng trai Côdắc/ Sớm ngóng trông, chiều lại ngóng trông/ Đợi, đợi mãi, mong có ngày sẽ thấy/ Ngựa chiến trở về chàng Côdắc bạn lòng” [3 - tr. 202,tr. 203 T1].
Bóng tối mà nhà văn chọn để biểu hiện các bài ca dân gian được hiểu như một ký mã nghệ thuật nhằm bộc lộ tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật.
Nếu thời gian xuất hiện của Foklore trong Sông Đông êm đềm dàn trải ở các dạng thời gian khác nhau (sáng, trưa, chiều, tối) thì không gian biểu hiện của nó cũng đa dạng (không gian lộ thiên, không gian có mái che, không gian không xác định). Các thể loại Foklore ở tác phẩm sử thi này được diễn xướng trong những điều kiện không gian mang tính đặc trưng. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng Foklore của loại không gian lộ thiên và không gian có mái che bằng nhau (21 đơn vị). Điều này không phải là một sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên mà theo chúng tôi, nó nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nó góp phần phản ánh tính chất bấp bênh của tầng lớp trung nông Côdắc ở những bước ngoặt của các sự kiện lịch sử xã hội. Bên cạnh đó, loại Foklore diễn xướng trong không gian có mái che có xu hướng tiến tới không gian lộ thiên. Các bài ca, tiếng hát bắt đầu từ trong nhà, trong toa tàu... dần dần theo chân người hát đi ra khoảng không gian bao la rộng lớn hơn.
Các loại Folklore trong Sông Đông êm đềm tùy theo tính chất nội dung và gắn với nhân vật mà nó được thể hiện dưới các dạng thời gian và không gian khác nhau. Đây cũng là một yếu tố biểu hiện của Folklore trong tác phẩm, góp phần không nhỏ vào việc miêu tả tâm trạng nhân vật.
2.3. Trong Sông Đông êm đềm, các loại Folklore được biểu hiện thông qua các nhân vật khác nhau nhưng tập trung nhất là ở các nhóm trẻ con, phụ nữ, người lính và những người Côdắc.
Nước Nga và vùng sông Đông được phản ánh trong tác phẩm vào giai đoạn từ 1912 đến 1922 gắn với cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Cách mạng Tháng Mười 1917 và cuộc chiến tranh nội chiến đẫm máu (1917 - 1922) và những năm sau nội chiến. Người lính trở thành hình tượng nhân vật được phản ánh tập trung nhất. Vì vậy, trong Sông Đông êm đềm nhóm người lính và những người Côdắc hát những bài ca dân gian Nga chiếm số lượng nhiều hơn cả. Trong số 44 đơn vị Folklore của tác phẩm thì đã có 36 đơn vị do người lính biểu hiện (trong đó có 23 đơn vị nói về chiến tranh) ở các thời gian và không gian khác nhau. Tinh thần Côdắc đã thấm vào máu và huyết quản của những người lính Côdắc, họ sống tự do, phóng túng và luôn ca hát trong mọi hoàn cảnh:
“Súng vẫn bắn, đội hình ta không loạn/ Lệnh trên truyền, ta chém ta đâm!/ Ta chỉ biết tuân theo mệnh lệnh/ Của chỉ huy, của cha ta dù dẹp bắc dẹp đông.” [3 - tr. 2 - tr. 3 T3]. Những người lính ra trận phải đối đầu với gian khổ và cái chết không phải vì Tổ quốc mà vì quyền lợi của chính quyền Nga hoàng. Họ trở thành vật hy sinh, chỉ biết hành động theo “mệnh lệnh”. Đó là bi kịch của những người lính Côdắc ở chiến trận. Người lính nhận thức được thân phận của họ, chán ghét chiến tranh:
“Chàng thanh niên Cô dắc/ Xin ông sĩ quan trẻ/ Buông tha cho tôi về/ Với cha, với mẹ/ Với người vợ trẻ mến yêu” [3 - tr. 31T3].
Những người phụ nữ trong tác phẩm đã hát lên những bài ca dân gian Nga để bộc lộ nỗi lòng của mình. Trong 5 lần xuất hiện thì Folklore đều ở dạng bài hát ru hoặc bài hát cổ. Hai lần lời hát ru con vang lên ở đầu và cuối tác phẩm đều gắn với Đaria và Ácxinhia. Nếu lời ru của ĐaRia diễn ra trong khung cảnh hòa bình, yên ả thì lời ru của Ácxinhia thấm đượm nỗi buồn man mác về một cậu bé mồ côi Vanhiuska đáng thương:
“Thiên nga, thiên nga/ Mau xòe cánh trắng/ Đến đây đón ta/ Về nơi yêu dấu/ Về nơi quê nhà.” [3 - tr.96T8].
Khoảng cách giữa lời ru đầu của Đaria đến tiếng ru cuối của Ácxinhia là một chặng thời gian dài của lịch sử với biết bao sự kiện trọng đại xảy ra. Người phụ nữ gắn liền với tình yêu và hạnh phúc gia đình. Họ luôn khát khao một tình yêu chân chính và một mái ấm gia đình hạnh phúc. Tình yêu và nỗi nhớ nhung khắc khoải của người phụ nữ trong chiến tranh càng mãnh liệt hơn xen lẫn nỗi lo lắng, sợ hãi. Những bài ca dân gian mà người phụ nữ hát lên nói hộ nỗi lòng của họ: “Trên đời này còn ai đau khổ/ Hơn chồng em ngoài bãi sa trường/…Đùng một cái phong thư đóng dấu/ Báo tin chàng đã hy sinh/ Ôi! Chúng giết anh yêu, anh quý/ Bên bụi cây nằm lại mình anh” [3 - tr. 220T4].
Bên cạnh những người lính, người phụ nữ Côdắc thể hiện những bài ca dân gian, nhóm trẻ con cũng góp phần làm phong phú thêm sự hiện hữu của Folklore trong Sông Đông êm đềm. Trong tác phẩm, bài ca phù chú của Misca cất lên vào đầu chiến tranh nói lên sự vô tư, trong sáng của trẻ thơ:
“Mưa đổ cho ta/ Để ta vào bụi/ Cầu đức Chúa Trời/ Cầu chúa Giêsu.” [3 - tr. 46, tr.47T1].
Tiếng hát ấy hòa vào tiếng cười đùa và các trò chơi con trẻ của vùng sông Đông đầu tác phẩm nói lên không khí thanh bình, yên ả của đất nước. Khi chiến tranh nổ ra, mọi người bị cuốn vào khói lửa binh đao, cuộc sống bị đảo lộn và không còn nghe tiếng hát và tiếng cười của trẻ con với những bài đồng dao ngộ nghĩnh.
3. Khi sử dụng những yếu tố Folklore trong các tác phẩm văn học nói chung và đặc biệt là trong Sông Đông êm đềm nói riêng, M.Sholokhov nhằm hướng đến những giá trị thẩm mỹ nhất định. Nhưng các chất liệu Folklore đó không chỉ nhằm ca ngợi quê hương đất nước, tình yêu, cái đẹp, phản đối chiến tranh mà còn góp phần đắc lực vào việc thể hiện tâm trạng nhân vật và xây dựng cốt truyện.
3.1. Người dân Côdắc từ bao đời gắn với đời sống tự do, phóng túng tạo nên một kiểu tính cách Côdắc mang tính đặc trưng. Họ gắn bó với vùng sông Đông và các triền sông khác trong một xã hội bền vững với truyền thống sinh hoạt cố hữu từ ngàn đời. Nhiều bài ca cổ của dân Côdắc ca ngợi cảnh đẹp của quê hương xứ sở với những truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa. Mở đầu tác phẩm, tác giả đưa vào hai bài ca dân gian cổ của người Côdắc như là một sự giới thiệu khái quát về vùng đất và con người nơi đây chất chứa biết bao điều kỳ diệu:
“Mảnh đất thân thương, mảnh đất vinh quang của chúng ta không dùng cày khai vỡ...
Mảnh đất thân thương của chúng ta đã có vó ngựa cày,
Mảnh đất thân thương, mảnh đất vinh quang của chúng ta được gieo những cái đầu Côdắc.
Điểm trang Sông Đông êm đềm của chúng ta có những nàng gái góa trẻ măng,
Hoa nở trên Sông Đông êm đềm, cha của chúng ta là bầy trẻ thơ côi cút,
Sông Đông êm đềm đầy nước mắt những người mẹ, người cha”… [3 - tr. 34T1].
Bài hát cổ trên đã giới thiệu với chúng ta một sông Đông với bề dày lịch sử đau thương, tang tóc, bi tráng nhưng đầy kiêu hãnh của những người Côdắc. Đó là tình yêu quê hương thiết tha của những con người vùng đất này đã bao đời tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp. Nhưng chiến tranh và những biến cố xã hội đã làm cho vùng sông Đông đảo lộn, con người bị rơi vào cảnh tang tóc của chia cắt và chiến tranh, đến nước sông cũng đục ngầu giận dữ và buốt giá.
Ở một số bài ca dân gian khác thể hiện tình yêu lứa đôi, tình đồng đội và cao hơn là tình đời, tình người mang tính nhân văn sâu sắc. Người vợ ở quê nhà hướng về người chồng nơi biên cương với nỗi lòng khắc khoải:
“Người vợ trẻ hướng về phía Bắc/ Sớm ngóng trông, chiều lại ngóng trông/ Đợi, đợi mãi, mong có ngày sẽ thấy/ Ngựa chiến trở về chàng Côdắc bạn lòng” [3 - tr. 427T2].
Hay một tình yêu đầu vừa chớm nở nhưng còn e ấp được thể hiện qua một bài ca dân gian:
“Chạy ra thềm, cô nàng hối hả/ Ôm trong tay chiếc áo lông đen/ Cô đem khoác cho chàng họa sĩ/ Sắp lên đường ngồi đợi trên yên.../ Nếu qua đây anh yêu nhớ lại/ Anh tới đây em sẽ hôn nhiều.” [3 - tr. 675T7].
Phê phán, lên án chiến tranh mang lại khổ đau cho mọi người được thể hiện trong một bài ca cổ qua giọng của một người lính chiến:
“Chán ngấy đời lính/ Toàn thấy buồn phiền/ Đã vì mầy chết bao ngựa chiến.” [3 - tr.125T7].
Những bài ca cổ nói về chiến tranh như là sự bộc bạch tâm sự của những người lính Côdắc trong hiện tại khi họ trở thành bia đỡ đạn cho chính quyền Nga hoàng
3.2. Ở một bình diện khác, trong Sông Đông êm đềm, M.Sholokhov dùng Folklore nhằm bộc lộ tâm trạng nhân vật. Dòng chảy của các sự kiện lịch sử xã hội diễn ra dồn dập tác động vào số phận các nhân vật. Nhà văn đã tiếp thu những cách nói dân gian, những câu chuyện cổ tích để xây dựng nên những nhân vật trong tác phẩm. Chính những bài dân ca Nga nói về người phụ nữ lao động bị đọa đày, bị chồng áp bức đã vùng lên chống lại những thói tục lạc hậu để tìm đến hạnh phúc lứa đôi chân chính là hình mẫu để nhà văn sáng tạo nên hình tượng Ácxinhia đầy kiêu hãnh. Ánh mắt đưa tình và mơn trớn, đĩ thoã của Đaria phải chăng là sự hiện thân của những người đàn bà lẳng lơ trong những bài ca cổ?
Mối tình cuồng nhiệt, say đắm giữa Ácxinhia và Grigôri là khát vọng cháy bỏng về tình yêu tự do và hạnh phúc chân chính của lứa đôi. Nhưng cả hai luôn ở trong tâm trạng giằng xé, mâu thuẫn và gặp không ít bất hạnh. Sự chờ đợi Grigôri của Ácxinhia thật đáng sợ, đôi khi mòn mỏi và dường như đã mất hy vọng. Trong sự khắc khoải chờ mong đó, bỗng vang lên lời bài ca về ngỗng xám cổ xưa:
“Ngỗng xám ơi, ngỗng xám ơi,
Phải chăng đến lúc ngỗng quay về nhà.
Mau bơi về đến bên ta,
Đêm ngày nước mắt chan hòa ngỗng ơi.” [3 - tr.310T8].
Lời ca như là nỗi lòng của Ácxinhia đang đêm ngày mong ngóng sự trở về của Grigôri. Tâm trạng của Ácxinhia được nhà văn lột tả càng sâu sắc hơn thông qua một bài ca cổ và nàng chỉ mong ngày về của chàng để được sum họp:
“... Giải ngũ hồi hương/ Vai đeo lon/ Ngực mắc huân chương.” [3 - tr. 79, tr. 80T6].
Bước vào trận, cũng như bao người lính Côdắc khác, Grigôri khao khát lập công. Một bài ca cổ vang lên như tiếp thêm sức mạnh cho chàng và chàng càng phấn khích:
“Phi cho mau, ta tiến tới trường thành/ Ai tới trước sẽ vinh quang rạng rỡ/ Sẽ có huân chương, sẽ là chàng Côdắc xứng danh. [3 - 439, 440T2]. Tính cách của Grigôri được thể hiện đậm nét trong thời khắc ra trận với tư cách là một người lính Côdắc chân chính.
Là một sĩ quan Nga hoàng, Lítxnhítxki trung thành với vua và ra trận để bảo vệ quyền lợi của giai cấp quý tộc. Để khắc họa tính cách hiếu chiến, bảo thủ, cố chấp của Lítxnhítxki, nhà văn đặt tâm trạng hào hứng chiến thắng của y đối lập với sự chán ghét chiến tranh của những người lính thông qua một bài ca dao cổ. Nỗi căm ghét chiến tranh muốn trở về nhà của họ như một lưỡi gươm đâm trúng lòng tin và niềm kiêu hãnh của Lítxnhítxki:
“Người sĩ quan trẻ đang cầu Chúa/ Chàng thanh niên Cô dắc xin về/ - Xin ông sĩ quan trẻ/ Buông tha cho tôi về/ Buông tha cho tôi về” [3 - tr. 31T3].
Chính tình huống đối lập trên càng khắc hoạ sâu sắc tính cách bi hài, sự lố bịch của nhân vật Lítxnhítxki.
3.3. Là một yếu tố thuộc hệ thống thi pháp nghệ thuật trong tác phẩm Sông Đông êm đêm, Folklore không chỉ tham gia vào việc phản ánh hiện thực, bộc lộ tâm trạng nhân vật... mà còn góp phần tích cực vào quá trình phát triển của các yếu tố cốt truyện. Nhà văn sử dụng Folklore như một chất liệu đặc biệt nhằm triển khai các tình tiết của cốt truyện, đồng thời kết nối các chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật đặc sắc. Hai tuyến nhân vật cơ bản trong tác phẩm (tuyến cách mạng và phản cách mạng) phát triển dường như song hành với nhau nói lên tính chất đấu tranh gay go quyết liệt của cuộc nội chiến và cách mạng, trong đó nổi bật hình tượng nhân vật Grigôri Mêlêkhốp. Sự phát triển của các yếu tố cốt truyện liên quan đến nhân vật Grigôri và một số nhân vật khác được nhà văn liên kết thông qua các bài ca dân gian cổ. Đó có thể là một bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật, là một sự kiện xã hội trọng đại, là một sự biến đổi trong tâm trạng nhân vật... dẫn đến tiến trình phát triển theo chiều hướng mở rộng của cốt truyện. Chính sự xuất hiện của những Folklore vào những thời điểm đó làm cho tiến trình câu chuyện phát triển lôgíc, mạch lạc hơn, đồng thời làm giảm bớt tính chất căng thẳng của sự việc, làm vơi và dịu đi tính chất khốc liệt của chiến tranh. Trong một lần ra trận, trung đội Grigôri phải đương đầu với một trận đánh quyết liệt và tâm trạng mọi người rất căng thẳng, mệt mỏi. Bỗng một giọng hát ngang tàng vang lên xé tan bầu không khí yên tĩnh trên “Ôi bên dòng Camưsinca, anh em ơi dòng sông yêu dấu
Trên vùng Xaratốp, vùng đồng cỏ vinh quang
Nơi quê hương người Côdắc, Gơrêben, Iaich
Và sông Đông những người sống tự do...” [3 - tr. 21, tr. 22T8]
Bài ca nói về quê hương xứ sở, gợi lại những kỷ niệm êm đẹp thuở thiếu thời mà Grigôri đã trải qua đã phần nào làm vơi đi sự lo lắng và bi thảm của chiến tranh. Và điều này càng đánh thức lương tâm trách nhiệm của Grigôri giúp chàng nhận ra những chân giá trị của cuộc sống và tìm cách trở về làng.
Khi nỗi nhớ nhung Grigôri đang giày vò tâm hồn Ácxinhia, bỗng nàng nghe một bài hát dân gian văng vẳng xa gần nói về con ngỗng xám đang trên đường bơi về nhà. Nàng càng mong ngóng, khao khát sự trở về của Grigôri, và càng khẳng định mạnh mẽ và quyết liệt hơn mối tình mãnh liệt của mình dành cho chàng và từ đây có lẽ không gì có thể chia cắt được họ. Và nàng quyết tâm rời bỏ tất cả: gia đình, người thân, chồng, quê hương để ra đi cùng với người tình Grigôri đến một chân trời mới làm lại cuộc đời.
4. Sông Đông êm đềm là một tác phẩm sử thi của nền văn học Nga thế kỷ XX góp phần quan trọng về phương diện nghệ thuật đối với văn học thế giới. Tác phẩm này không chỉ chứa đựng một nội dung rộng lớn bao chứa một giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc Nga, đặc biệt là dân Côdắc sông Đông trên con đường đến với cách mạng mà còn có những đóng góp đặc sắc về nghệ thuật, trong đó vai trò của các Folklore mà nhà văn sử dụng có ý nghĩa rất lớn trên nhiều phương diện.
Sử dụng tiếng nói dân gian và những sáng tác dân gian trong Sông Đông êm đềm của M.Sholokhov là một khám phá mang tính nghệ thuật độc đáo, là sự tiếp tục những truyền thống văn học Nga các giai đoạn trước đó trong điều kiện lịch sử - xã hội mới. Trong tác phẩm Sông Đông êm đềm: “Ngôn ngữ hình tượng, tính cách nhân vật, thiên nhiên đời sống, quan niệm về cái đẹp, tất cả đều hoàn toàn xuất phát từ nhân dân (...). Lời tác giả kể cũng như lời đối thoại của các nhân vật trong Sông Đông êm đềm đều sống động, mang tính chất dân gian, chân thực, chính xác và bao giờ cũng xuất phát từ sự quan sát sắc bén, hiểu biết cảm quan sâu sắc về đối tượng” (A.Tônxtôi).
Hà Văn Lưỡng
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, số 381, tháng 11.2020, phiên bản trực tuyến ngày 25.12.2020.
-----------------
Tài liệu tham khảo:
1. Đỗ Hồng Chung, Nguyễn Kim Đính và các tác giả khác (1997), Lịch sử văn học Nga, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. S.O.Melich Nubarốp (1961), Lịch sử văn học Xô Viết (tập 2), Nxb. Văn hóa - Viện Văn học, Hà Nội.
3. M.A.Sôlôkhốp (1993), Sông Đông êm đềm (8 tập), Nxb. Hội Nhà văn, Nxb. Cà Mau, Hà Nội.