Cha tôi đã mài mòn không biết bao nhiêu thỏi mực xạ để làm thơ bằng chữ Hán và chữ Nôm. Ông còn viết thư pháp hình người. Lên bảy - tám tuổi, tôi thấy trong các gióng sách giấy bổi (loại giấy mềm và bền) treo chật hai bên ban thờ có nhiều hình người như bức tranh tuyệt đẹp. Các bức tranh đều mang một ý nghĩa nào đó, như lời mẹ tôi nhận xét. Tôi hiểu rằng văn học nghệ thuật gắn bó mật thiết với con người, vì con người. Và hội họa xuất hiện cùng thơ đã như đôi bạn tri kỉ.
Tranh dân gian Đám cưới chuột
Vì thế, sau này, trong bài thơ Nét hoa văn mang hình ngọn lửa, tôi nhìn mái cong Đền Hùng thành “ngọn lửa không bao giờ tắt”, biểu trưng cho phẩm chất của ông cha truyền lại con cháu. Ngọn lửa luôn cháy trong tôi ấm áp và soi sáng con đường tôi đi. Họa sĩ là một trong những bài thơ tôi thể hiện quan điểm ấy:
"xóa đi rồi vẽ lại
nghẹt thở
thêm một nét gầy thêm một nét
chết lặng dưới chân cầu thang
nàng khóc"
“Nàng khóc” vì niềm vui sướng trước chân dung tuyệt đẹp của mình mà họa sĩ đã nhọc công “xóa đi rồi vẽ lại”, bao giờ cho thành tác phẩm mới thôi. Tâm hồn nàng đang run lên vì hạnh phúc. (Tôi luôn cho rằng, mỗi câu thơ tưởng như không liên quan tới hội họa, bản thân nó đã là nét vẽ trừu tượng.) Ở góc nhìn biểu cảm, Họa sĩ là một bức tranh lập thể. Nhà thơ Hồ Minh Tâm đưa ra nhận xét khi đọc bài thơ này: “Vẽ hay xem tranh, trước hết phải chọn góc nhìn, tầm nhìn, điểm tụ. Cũng như thơ hay hay không, ngoài xác chữ hiển hiện còn là tâm trạng, là bóng của những con chữ ấy đổ xuống hồn ta đậm nhạt ra sao.”
Không lạ gì khi trong các hang động xuất hiện nhiều bức tranh hình người của ông cha. Chứng tỏ hội họa có mặt từ lâu trong tâm thức người Việt. Hội họa như thơ ca, như hơi thở vui buồn của mọi thời.
Lý Bạch có hai câu thơ người đời luôn nhắc tới: "Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây" (Tương Như dịch). Bằng đôi mắt hội họa, thi tiên đã cho ta tầm nhìn vũ trụ huyền vi đến vậy. Thời hiện đại, trong bài Độc giả yêu quý, nhà thơ Michael Palmer (Mĩ) viết: "Hắn vẽ núi vẽ đi vẽ lại/ từ chỗ hắn trong hang, há hốc/ trước ánh sáng, vắng ánh sáng, trên bệ cao/ cái sọ với những hốc nhuốm màu xanh/…/ tóc nàng sáng bừng và vậy đó". Rõ ràng, thơ dùng hình tượng để mô tả, đọc lên hiện ra trước mắt ta một bức tranh. Họa sĩ tài hoa có thể lẩy từ những câu thơ để vẽ ra thành tác phẩm hội họa. Thơ nghiêng về sự thăng hoa bên trong của con người. Ngược lại, thông qua màu sắc đường nét ánh sáng, hội họa có khả năng thể hiện, bộc lộ một nội tâm nào đó của con người.
Người Việt chúng ta không ai không nhớ hai câu trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: "Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Đấy là thơ, hay tranh? Khó mà phân biệt. Bốn câu thơ của Huy Cận cũng như vậy: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng". Hay hai câu thơ của Nguyễn Đình Thi: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy", hiện sinh động trước ta một Hà Nội với khoảng lặng như nốt nhạc trầm, lòng rưng rưng buồn.
Trong thơ có họa. Trong họa có thơ. Thiên nhiên và lòng người chan hòa với nhau. Tính thơ và tính họa lồng vào nhau, bổ sung cho nhau như những sáng tạo độc lập.
Làng tôi có phá Hạc Hải và ngọn núi Đầu Mâu. Hạc Hải được ví như nghiên mực, Đầu Mâu như ngọn bút. Khi về chiều, bóng núi đổ dài chấm xuống nghiên mực Hạc Hải vẽ lên trời những bức tranh và những câu thơ huyền bí. Thiên nhiên cũng biểu hiện nội tâm chăng? Hay nói cách khác, thông qua nội tâm của con người, thiên nhiên cũng sống động biểu cảm và đồng điệu. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Thi ca, hội họa (và âm nhạc) như có sự sắp đặt của Đấng Chí Cao.
Tranh Đông Hồ bày ra nơi vỉa hè thành phố, trên các ngõ nhỏ miền quê như nhắc nhở chúng ta điều gì. Con mắt quá khứ luôn ngắm nhìn hiện tại. Sợi dây bền chặt vô hình ấy không khi nào đứt, là mạch máu thiêng liêng nuôi giữ bản thể dân tộc:
"Một chiếc ghế bện mây bên chiếc ghế bện mây cũ
hai mái tóc ông chải sáng
rẽ đôi chút khí trời hiếm hoi
bức tranh quê Đông Hồ bày nơi ngưỡng cửa
& nàng như ngày tháng xếp chồng lên nhau
ẩn trong gam lạnh
...vì ông biết những đêm dài nàng bay ra
cùng khói sương buốt giá
ánh sáng
hơi thở
tiếng đàn
bởi nàng là bức tranh Đông Hồ ấm áp
khắc họa cuộc đời ông"
(Bức tranh mùa đông - Hoàng Vũ Thuật)
Hồn dân tộc được khảm vào bức tranh. Người bán tranh chính là thi sĩ của mọi thời gian và không gian. Khi lòng ta đắm say vẻ đẹp tranh Đông Hồ thì cái khoảng cách giữa thơ và hội họa không còn ý nghĩa. Thơ và hội họa nhập một!
Cái gì đã cho anh nhìn thấy qua mỗi câu thơ viết ra? Là hiện sinh, vô thức, trừu tượng, ấn tượng hay siêu hình... thì đó cũng là cái mà người họa sĩ trải nghiệm qua bức vẽ. Chúng ta có thể chưa hiểu hết gam màu trong tranh. Cũng như chúng ta chưa hiểu hết những sâu kín trong lòng người khi giơ tay ra hứng những giọt mưa trong buổi chiều buồn. Mưa nói gì với em hay em đã nói gì với mưa? Cả hai câu trả lời sẽ có trong bức tranh. Một bức tranh trừu tượng về mưa, về tình yêu, về lẽ vô thường giữa cuộc đời. Nếu tôi không làm thơ hay vẽ tranh, tôi sẽ thấy mưa chỉ là những giọt nước tự trời cao rơi xuống và đã làm ướt bàn tay cô gái. Một cái nhìn thẳng, nhạt nhẽo, vô tâm. Người yêu anh sẽ chán chường, bởi không hay rằng lòng em đang thấm đẫm tình yêu anh. Em đang chờ anh trong mưa dịu dàng và êm đềm. Anh hãy đến vì em đang nhớ anh. Tâm trạng cô liêu ấy chỉ đến khi hồn người cũng thăng hoa. Đời sống tinh thần con người sẽ giàu có lên rất nhiều. Và, cái Đẹp muôn đời sẽ ngự trị trong ta, cứu rỗi thế giới mà ta đang sống.
"Hai năm tôi đi tìm
không phác họa nổi gương mặt trong gương
không phác họa nổi cái nhìn hiện trong trí nhớ
ngã gục dưới nền
ngực giấy trống rỗng
gương loang loáng buồn
người họa sĩ ngồi bên đường cũng biến mất
cùng những câu thơ đăng đắng
nơi nào ô cửa màu xanh
gió không có lối vào…"
(Chân dung của B - Mai Diệp Văn)
Nỗi nhớ về người họa sĩ cũng đã “biến mất cùng những câu thơ đăng đắng”. Thơ và hội họa tương đồng hòa trộn như máu với thịt trong cơ thể con người. Đấy là nét đặc trưng riêng có, là linh hồn của sáng tạo chăng?
Vậy đó, “thi họa đồng nhất” hình thành rất sớm trong nền văn hóa phương Đông lẫn phương Tây. Quan niệm “truyền bá sự vật không gì bằng lời, lưu giữ hình ảnh không gì bằng tranh” là nền tảng nghệ thuật thể hiện sự tôn vinh giá trị của thi - họa. Nhờ vậy ngày nay nhân loại có một di sản văn hóa khổng lồ.
Tôi may mắn được thăm Trung Hoa, Nhật Bản, Nga, Pháp, Campuchia…, đến tận các bảo tàng lớn thế giới. Bước chân ngỡ phủ mặt địa cầu, nhưng càng đi càng thấy mình nhỏ bé. Khát vọng hòa nhập, vươn tới luôn nhắc chúng ta. Câu chuyện về Phù Đổng thiên vương vẫn còn đó. Nó như con tàu mơ ước bay vào không gian, tìm ra vũ trụ chính mình…
Để kết thúc tâm sự, tôi trích dẫn ra đây mấy khổ nơi bài thơ đậm chất hội họa của nhà thơ Vũ Quần Phương:
Tranh Tết dân gian
Chuột thổi kèn, chuột làm chú rể
Cô dâu ngồi kiệu thẹn thò ghê
Có cả chú mèo, nhưng chẳng sợ
Khi đã mùa xuân ở bốn bề
Này trái dừa cao, anh trèo em đỡ
Vạt váy ô hay, dám hứng trời
Khuôn ngực để trần - mùa xuân mà lị
Thày đồ cóc nhỉ, thày đồ cóc ơi!
Thày dạy những gì? Chi hồ giả dã
Học trò nghiêng ngả, khổ quá mùa xuân
Nước chảy ngoài sông, cánh đồng mát thế
Mà mặt thày cau, mà thước thày cầm
…
Gà lợn ngựa voi con xanh con đỏ
Trăng lặn trăng lên khi tỏ khi mờ
Nào tất cả vào đây cả mây cả gió
Em gõ nhịp xênh tiền anh hát í ơ
Sự vươn dậy của các dân tộc bắt nguồn từ gốc rễ, đặc tính của dân tộc đó. Bức tranh dân gian dạy chúng ta rằng: "Có cả chú mèo, nhưng chẳng sợ/ Khi đã mùa xuân ở bốn bề". Chân lí "Này trái dừa cao, anh trèo em đỡ/ Vạt váy ô hay, dám hứng trời" làm ta tự tin trong vẻ đẹp phồn thực mà lãng mạn.
Tôi cho rằng đấy là bức họa nhà thơ đã vẽ bằng chất liệu ngôn ngữ biểu tượng của biểu tượng, diễn tả ra thơ. Sự đồng nhất ấy luôn có trong máu sáng tạo của những người nghệ sĩ.
Hoàng Vũ Thuật
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 07.7.2021.