Nước Mỹ (Kẻ mất tích) - Hành trình kiếm tìm tự do của kẻ lưu vong cô độc

Được đánh giá là “tia sáng lẻ loi bên ngoài chùm tác phẩm đã trở thành huyền thoại” của Franz Kafka, tiểu thuyết Nước Mỹ (Kẻ mất tích) kể về số phận “lên voi xuống chó” của chàng thanh niên Karl Roβmann sau khi “gây họa” ở quê nhà, buộc phải lưu vong sang nước Mỹ lánh nạn. Và với vị trí là cuốn tiểu thuyết đầu tay, Nước Mỹ (Kẻ mất tích) có ý nghĩa như viên gạch nền cho văn nghiệp của một trong những tác gia vĩ đại nhất nửa đầu thế kỉ XX cũng như cả văn học thế giới thời hiện đại.

Kẻ lưu vong cô độc

Có thể nói, hình tượng kẻ cô độc vẫn luôn thường trực trong văn chương Kafka, bằng hình thức này hay hình thức khác. Là một K. đơn độc trên con đường đến được lâu đài xa ngái. Là một Joseph K vô vọng khi đối diện cửa công quyền, chứng minh sự trong sạch của bản thân trong một vụ án anh chẳng thể hiểu lí do vì sao bản thân bị gán tội. Hay một Gregor Samsa, cô độc trong căn nhà của chính mình khi đã hóa thân thành một con bọ khổng lồ.

Tuy nhiên, với tiểu thuyết đầu tay Nước Mỹ (Kẻ mất tích), bóng hình kẻ lưu vong cô độc lại đặc biệt hơn hết thảy. Bởi con người ấy trẻ hơn rất nhiều so với những cá nhân khác mà về sau Kafka xây dựng và chàng trai trẻ đấy thật sự phải chịu cảnh “lưu vong”, tha phương nơi đất người. Chưa tròn 17 tuổi, Karl Roβmann đã cất bước sang hải ngoại bởi tội lỗi ái tình cậu gây ra ở quê hương nước Đức. Một thân một mình trên chuyến tàu vô danh, Karl mang theo tủi nhục quá khứ, sự tự ti của một kẻ nhập cư lẫn giấc mơ màu hồng về miền đất hứa cậu sắp đặt chân đến.

Và rất nhanh, Karl Roβmann đã sớm nhận ra, đợi chờ cậu ở phía trước là sự đơn độc đến cùng cực. Không gia đình, không thể giao tiếp, không tìm được tiếng nói chung với bất kì ai giữa vùng đất khách. Có những lúc, Karl ngỡ rằng một tay cậu đã chạm tới hạnh phúc khi tìm thấy một nơi nương tựa, một gia đình, một chốn đi về. Nhưng rồi chẳng bao lâu, chàng thiếu niên còn chưa trưởng thành đó phải thất vọng ê chề khi đối diện trước bất công xã hội.

Giữa nước Mỹ, vốn được coi như miền đất hứa của tự do, dân chủ, kẻ nhập cư như Karl lại trở thành một tồn tại ngoại lai, đầy dị biệt. Để rồi, càng lúc, sự tủi nhục trong quá khứ, nỗi ê chề ở thực tại càng thêm ăn sâu vào cô đơn không lối thoát. Tháng ngày Karl sống trên đất Mỹ, có thể nói là hành trình cậu vẫy vùng vượt thoát đơn côi bủa vây, tìm một chỗ đứng, dù có tồi tàn để cái tôi nhỏ bé của cậu tồn tại.

Đấy là một hành trình “lên voi xuống chó”, nhưng cũng có thể nói rằng, hành trình đó tựa khát vọng chàng thiếu niên nhạy cảm lầm lũi sống trong xã hội nghiệt ngã đang ngày càng thu hẹp dần. Ban đầu tới Mỹ, Karl có gia đình, sống trong nhung lụa với người bác quyền cao chức trọng. Sau đấy, cậu sống giữa tình thương của những người đồng hương tốt bụng, mặc cho công việc có nặng nhọc. Rồi Karl bị quăng vào kiếp đời nô lệ. Và kết truyện, chàng trai trẻ lại lên chuyến tàu vô định, giữa bao gương mặt xa lạ. “Cậu biết mọi điều mình có thể nói ra sẽ bị bóp méo thành khác hẳn với ý mình nghĩ, nên chỉ còn biết phó mặc cho họ phán quyết, dù tốt hay xấu.”

Tựa truyện, có phần chú thích trong ngoặc đơn: Kẻ mất tích, như một biểu tượng cho Karl Roβmann, con người đã đánh mất cả quê hương, cả bản ngã, thậm chí cả tên gọi giữa dòng xoáy cuộc đời cay nghiệt. Hình tượng kẻ lưu vong, gánh nặng cô đơn đè lên vai cậu trai chưa cả trưởng thành, phải chăng cũng như lời tiên đoán của Kafka cho một tương lai, người trẻ mãi lầm lũi giữa xã hội với một cái tôi cô đơn đến cùng cực? Và Nước Mỹ ở đây, có lẽ cũng chỉ là một hình ảnh biểu tượng cho nơi đến của một tâm hồn thiếu vắng quê hương.

Bìa cuốn sách Nước Mỹ (Kẻ mất tich)

Hành trình kiếm tìm tự do

Tuy nhiên, dù trong Nước Mỹ (Kẻ mất tich), Karl Roβmann có cô đơn và cảm thấy vô vọng đến đâu trên hành trình hòa nhập với cuộc sống mới, giao hòa cùng con người tại nơi ở mới thì tới tận cùng, chàng trai ấy gần như chưa một lần đánh mất hi vọng. Karl vẫn luôn tiến về phía trước mặc cho cuộc đời nghiệt ngã, bằng khát vọng tự do cháy bỏng.

Thật vậy, Karl rời bỏ tất cả, để lại sau lưng tủi nhục quá khứ, lưu vong sang Mỹ, chính là hình thức đầu tiên trên bước đường tìm về hai chữ tự do, làm lại cuộc đời của chàng trai trẻ. Không gian tác phẩm chuyển dịch từ không gian rộng mở, chênh vênh sang không gian mỗi lúc một thu hẹp: nơi ở của ông bác thượng nghị sĩ Jacob, khách sạn Occidental, căn hộ hai tên bạn phản trắc Delamarche và Robinson đang sống cùng Brunelda, cuối cùng khép lại là chiếc tàu của hí viện tới Oklahama rẽ nước ra khơi. Sự thu hẹp không gian, cũng như sự dịch chuyển, thu hẹp tâm hồn Karl, làm cậu dần nhận ra sự cay nghiệt của thế giới.

Tình cảm giữa con người với con người, nhất là người mang cùng huyết thống trở nên mong manh đến đáng thương. Chân lí, pháp luật dường như hết sức xa vời. Người ta dần đánh mất những quyền cơ bản nhất, thậm chí đến cả bản năng phản kháng cũng không còn. Mặc cho số phận đẩy đưa, mặc cho người khác định đoạt, con người dần mất lẽ sống lẫn mục đích tồn tại. Cuối cùng, người ta chỉ còn lại một thân xác vô hồn giữa dòng xoáy cuộc đời.

Karl đã có thể trở thành kẻ như thế, và bản thân cậu, cũng không thiếu đi những khoảnh khắc hành động như một cỗ máy. Karl dễ dàng chấp nhận việc gánh trên vai nỗi tủi nhục của kẻ tội đồ, dễ dàng chấp nhận sự tan vỡ trong mối quan hệ với ông bác. Và cả tấm ảnh chụp cùng cha mẹ thuở còn sống ở quê nhà, cậu đã gay gắt muốn đòi lại, mà rồi mọi chuyện cũng dần chìm vào quên lãng.

Nhưng tới tận cùng, chàng trai trẻ vẫn không ngừng vươn lên. Có thể sự nhiệt tình thuở mới bước chân vào sóng gió cuộc đời đã lắng lại nhưng khao khát vươn tới tự do vẫn còn đấy. Bởi nếu không, Karl đã không tiếp tục sống, khát khao sống một cách toàn vẹn, chứ không chỉ là tồn tại vô nghĩa lí, dần kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần như cách gã Robinson mài mòn sinh mệnh trong căn hộ phong kín của Brunelda. Và bóng hình người mẹ, kỉ niệm quê cũ, thấp thoảng ẩn hiện trong kí ức Karl, tựa chiếc mỏ neo níu giữ khát vọng ấy mãi trong tâm hồn cậu.

Câu chuyện khép lại bằng một hình ảnh rất mở: Karl lại đặt chân lên một chuyến tàu, tới vùng đất mới có cái tên như thực như hư: Oklahama. Là bởi Kafka đã bỏ dở Nước Mỹ (Kẻ mất tích) không viết nữa, hay vốn, đây chính là dụng ý nghệ thuật của Kafka nhằm tạo sự đầu cuối tương ứng cho tác phẩm. Karl đến nước Mỹ trên một chuyến tàu vô định, và từ chuyến tàu vô định khác, cậu lại quăng mình tới tương lai. Một tương lai không có gì chắc chắn, song vẫn chở theo hi vọng khắc khoải về hai tiếng tự do của một chàng trai trẻ tuổi.

20210809

Nhà văn Franz Kafka thời trẻ. Ảnh: TL

Viên gạch nền cho văn nghiệp Franz Kafka

Với vị trí là tiểu thuyết đầu tay của Franz Kafka, Nước Mỹ (Kẻ mất tích) có ý nghĩa như viên gạch nền cho văn nghiệp Kafka, là tiền đề để ông sáng tác hàng loạt tác phẩm bất hủ sau này.

Tiền đề đó, trước hết là sự sáng tạo huyền thoại độc đáo mà Kafka đã manh nha thể hiện trong Nước Mỹ (Kẻ mất tích). Tội lỗi Karl gây ra ở quê nhà, việc cậu lưu lạc trên một con tàu từ Đức sang Mỹ và về sau là con tàu vô định tới Oklahama không khỏi khiến người ta liên tưởng đến tích “trái cấm” cùng con tàu Noah trong Kinh Thánh. Hay một người phụ nữ quá khổ, tính tình tựa trẻ con như Brunelda, sự sinh hoạt khác thường ở gia đình cô ta cũng là một hiện thực đầy sự huyền ảo. Ngoài ra, “ngôi nhà nông thôn” như một biệt phủ chằng chịt tựa mê cung của ông Pollunder lại gợi nhớ tới Lâu đài người tá điền K. mãi chẳng thể đặt chân tới. Và ngay chính hình ảnh nước Mỹ cũng là sự sáng tạo của riêng Kafka, khi bản thân ông, chưa một lần đặt chân tới đất nước này.

Bên cạnh đó, hình ảnh một Karl Roβmann đang vẫy vùng chống lại sự cứu rỗi của Kyoto giáo, hay rộng hơn, là chống lại sự tha hóa của bản thân giữa hệ thống những điều phi lí, trái ngang trong xã hội để được sống là một con người trọn vẹn. Nhưng chân lí lại hết sức xa vời còn sự bất công lại hiện diện muôn nơi, và những kẻ ngoại lai, người lao động lam lũ thì quá đỗi bé mọn. Như Karl, như người thợ đốt lò, như những người trực thang máy nơi khách sạn... Và độc giả sẽ gặp lại những cá nhân mang tính biểu tượng ấy trong hình bóng Joseph K. ở Vụ án hoặc truyện ngắn Trước cửa công quyền Kafka viết sau này.

Nhưng cũng bởi là viên gạch nền, nên ở Nước Mỹ (Kẻ mất tích) vẫn chứa đựng sự trong trẻo cùng niềm tin, hi vọng rất mực của Kafka vào tương lai. Như cách ông đã để Karl Roβmann tiếp tục sống, tiếp tục hướng đến bến đỗ tiếp theo trên chuyến tàu hư ảo tới Oklahama vậy.

Mọt Mọt

Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 04.8.2021.

 

Thông tin truy cập

63669261
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12979
17595
63669261

Thành viên trực tuyến

Đang có 1125 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website