Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu: Đừng đọc “Người đẹp ngủ mê” với ý nghĩa dung tục

Nhân dịp tiểu thuyết Người đẹp ngủ mê được trở lại với diện mạo mới, ngày 23-12, Phương Nam Book tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Những thể nghiệm nhân sinh trong tác phẩm của Kawabata” tại Đường sách TP Thủ Đức. Khách mời chia sẻ tại chương trình là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn.

Kawabata Yasunari (1899-1972) sinh ra ở Osaka (Nhật Bản), mồ côi cha mẹ năm lên 2 tuổi. Từ đó, ông và chị sống lần lượt cùng ông bà ngoại và gia đình người dì. Kawabata Yasunari là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1968.

Những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học của Kawabata Yasunari qua thời gian vẫn luôn đem lại hấp lực mạnh mẽ đối với nhiều nhà phương Đông học trên khắp các châu lục, có sức lôi cuốn rộng rãi độc giả trên thế giới, phản ánh nhiều phương diện của văn hóa Nhật cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật.

20231231 4Dịch giả Quế Sơn và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (từ trái qua) chia sẻ tại chương trình. Ảnh: QUỲNH YÊN

Người đẹp ngủ mê được Kawabata Yasunari viết và xuất bản vào năm 1961 khi ông 62 tuổi. Tác phẩm này dựa trên một kịch bản sân khấu kabuki với nhan đề Những mỹ nữ của Eguchi, công diễn khoảng thế kỷ XVII ở Nhật Bản. Kiệt tác Người đẹp ngủ mê đã ảnh hưởng lớn đến văn chương Nhật cũng như được yêu thích trên thế giới. Dấu ấn của nó có thể thấy sâu đậm ở Gabriel García Márquez với các tác phẩm: Người đẹp ngủ mê trên máy bay và Hồi ức những cô gái điếm buồn của tôi

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, sau khi đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1968, sang năm 1969, tác phẩm của Kawabata bắt đầu được dịch ở Việt Nam. Tác phẩm Người đẹp ngủ mê hiện có 3 người dịch và dịch giả Quế Sơn là người dịch thứ hai.

Ngoài Người đẹp ngủ mê, nhiều tác phẩm của Kawabata cũng rất được yêu mến tại Việt Nam như: Xứ tuyếtĐẹp và buồnNgàn cánh hạcHồTiếng rền của núi, và mới đây, một tác phẩm hãy còn dang dở của ông cũng vừa được ra mắt là Bồ công anh.

Tại chương trình, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã chỉ ra sự tương đồng giữa Kawabata và danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Dù sống cách nhau nhiều thế kỷ nhưng cả hai lại có sự tương đồng trong cảm thức về cái đẹp. Cụ thể, trong Quốc âm thi tập, khi miêu tả vẻ đẹp của bông hoa dâm bụt, Nguyễn Trãi viết: “Ánh nước, hoa in một đóa hồng”.

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, câu thơ này khiến ông liên hệ đến đóa hoa mà Kawabata chia sẻ trong diễn từ nhận giải Nobel. “Kawabata cho rằng, tôi đến từ cái đẹp Nhật Bản, tôi sinh ra từ cái đẹp Nhật Bản. Cuộc sống của tôi là khởi sự từ cái đẹp Nhật Bản và Kawabata suốt đời theo đuổi lý tưởng cái đẹp có thể cứu vớt con người nhưng con người cũng phải cứu vớt cái đẹp. Đó là tư tưởng chủ đạo của Kawabata và trong tác phẩm này cũng như vậy”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng, thi pháp quan trọng nhất của Kawabata, đó là thi pháp gương soi. Ông tả cái bóng để người đọc có thể thấy cái hình nó đẹp như thế nào. Và danh nhân Nguyễn Trãi cũng sử dụng thi pháp này khi miêu tả bông hoa dâm bụt.

Trong tác phẩm Người đẹp ngủ mê, nhân vật chính Eguchi 67 tuổi là người khó ngủ, thậm chí phải dùng đến thuốc ngủ để dỗ giấc ngủ của mình. Ông tìm đến ngôi nhà của người đẹp ngủ mê để có thể tìm lại bình yên và sức sống, khát vọng sống trên đời, khát vọng hiện hữu với cái đẹp và bình an. Nơi đó, ông được đưa vào một căn phòng bí ẩn, có một hoặc hai người đẹp đang ngủ mê, họ không biết gì về sự hiện diện của ông. Ông sẽ nằm bên họ, bắt đầu tự dỗ giấc ngủ và nhìn ngắm người đẹp ngủ mê. Chỉ nhìn ngắm thôi, vì quy luật của ngôi nhà là ông không được làm gì xúc phạm đến các cô gái đang nằm ngủ. 

Do vậy, theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, chúng ta cần nắm vững thi pháp và nguồn gốc của Kawabata để có thể đọc tác phẩm một cách tường minh nhất. “Đừng đọc nó như một tác phẩm truyện ký, thấy gì ghi nấy. Không phải như vậy, vì đây là tác phẩm đầy tính biểu tượng. Hiểu tác phẩm, chúng ta sẽ thấy nó có nhiều ý nghĩa tích cực, nhiều ý nghĩa đẹp chứ không phải là một tác phẩm mà những độc giả hời hợt sẽ tìm đến, xem nó như một tác phẩm dung tục”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhắn nhủ.

Quỳnh Yên

Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 23.12.2023.

Thông tin truy cập

60893654
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17510
18331
60893654

Thành viên trực tuyến

Đang có 613 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website