Mộng mị và ảo giác trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát

20170728.hoa mai

Mộng mị và ảo giác cho đến nay vẫn chưa được lý giải tường minh, thống nhất. Trong văn chương, yếu tố văn hoá tâm linh kỳ bí này có vai trò và ảnh hưởng lớn. Các tác giả kể về giấc mơ, mượn mơ mộng để nói chuyện thực, mượn mộng ảo để giải toả bế tắc trong đời, lấy mộng để phúng dụ… Những bí hiểm của giấc mơ và các cách biến hoá giấc mơ, ảo giác cho ý đồ nghệ thuật của các tác giả đem đến cho văn chương mộng ảo một sức hấp dẫn rất riêng.

Sáng tác thơ chữ Hán của Cao Bá Quát có tới 162 bài[1] đưa người đọc vào thế giới mộng mị và ảo giác. Những bài thơ đó góp phần chứng tỏ Cao Bá Quát là một cây bút có nhiều ý tứ mới lạ, ấn tượng trong văn học Việt Nam trung đại.

1. Mộng mị trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát

Trong thơ chữ Hán, Cao Bá Quát 129 lần dùng từ “mộng”. Trong đó, có nhiều hình thái “mộng” khác nhau. Có “mộng” phù vân của Phật giáo: Mộng đáo chư thiên tối thượng đầu ([Có phải] mơ đến các cõi trời là trên hết cả chăng - Du Nam Tào sơn tự lâu thượng ký vọng đề bích trình Thúc Minh, kỳ nhị), Mộng thất yên hoa lãn tiệm tiên (Mất cái mộng yên hoa nên bệnh lười cũng dễ thích nghi - Dạ thoại túng bút đồng Phan Hành Phủ), có khi là giấc mộng Nam Kha hư ảo: Thí vấn cổ thần đàm mộng sự/ Bách niên lai vãng kỷ hoàng lương (Thử hỏi thần xưa nói chuyện mộng/ Trăm năm qua lại, kể đã mấy giấc hoàng lương rồi - Tống Thổ Khối Nguyễn Kinh Lịch Bắc hồi), có mộng là lý tưởng, khát vọng: Tiền đồ lịch lịch câu nhàn mộng (Con đường phía trước rõ là giấc mộng viển vông - Hoạ Thúc Minh lưu biệt Doãn Trai chi tác kiêm thứ kỳ vận), Bạch gian thanh toả mộng tương vương (Cái khoá xanh rõ như ban ngày kia còn mơ mộng hi vọng gì - Phạm Học Sĩ, Vũ Ninh Phủ tịnh kiến phỏng mạn bút thư tạ), Hồ hải thuỳ đồng mộng (Ai có cùng mộng hồ hải - Đồng Chí Đình, Minh Trọng phiếm chu du Ngũ Hành Sơn hoạ Minh Trọng thứ vận), có mộng là chỉ cảnh suýt chết trong lũ lụt hãi hùng, khiếp đảm của tác giả với hai người bạn: Tàn mộng do kinh cửu dạ phong (Ác mộng đã tàn mà vẫn còn hãi vì chín đêm gió lộng - Đồng Lê Ứng Khanh dạ ẩm), có mộng là chút mơ màng, lãng mạn: Khởi lai đắc đắc hương sinh mộng (Đứng dậy ngửi được mùi thơm sinh mơ mộng - Thử khốn hí ngoạ hà diệp đồng Phan Sinh, kỳ nhất)… Bài viết này đề cập tới “mộng” - những giấc ngủ mơ của tác giả.

Phần nhiều bài thơ có chữ “mộng” của Cao Bá Quát là viết về những giấc chiêm bao mộng mị của ông. Ông có 43 bài nói về giấc mơ của mình. Sự vật, hiện tượng, nỗi niềm xuất hiện trong mơ của ông rất phong phú. Có khi là nơi cửa tía, mây khói gắn liền với ước vọng công danh: Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng (Cửa tía, mây khói thường chiêm bao giấc trưa - Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Tấn, tẩu bút lưu biệt thân thức), Đỉnh huyễn tha niên mộng (Ngôi Tể tướng trong giấc mộng năm xưa - Dạ vũ thư sự)... Có khi là chuyện hư huyễn như Lý Bạch: Tạc dạ mộng hồn phi quá lĩnh/ Ách quân trực hạ nguyệt giang cao (Đêm qua hồn chiêm bao bay qua đỉnh núi/ Đường hẹp ông rơi thẳng xuống mé sông trăng - Ký Thượng Mão Nguyễn tứ tú tài Dưỡng Chính). Có khi là dư âm kỳ diệu của thơ ca: Tạc dạ ngâm thi thanh đáo hiểu/ Mộng trung thượng giác dư thanh nhiễu/ Khởi lai nhất bán hoặc xuân tâm/ Phi nhập khinh yên uất mộng liễu (Hôm qua ngâm thơ cho đến sáng/ Trong mộng còn biết dư âm quanh quẩn bên mình/ Tỉnh dậy ít nhiều còn ngờ vực lòng xuân/ Cơ sự ấy hoà vào khói mây, niềm u uất trong mộng được xua tan - Tân xuân thí bút, kỳ nhị)...

Tuy nhiên, trở đi trở lại trong những giấc mơ của Cao Bá Quát thường là những cảnh vật, con người gắn bó thân thiết trong cuộc sống đời thường, cá nhân của ông. Ông mơ về quê hương (thơ ông có 16 lần ông thổn thức trong giấc mơ quê): Quy mộng trở sơn xuyên (Giấc mộng về [quê nhà] cách trở núi sông - Đoan ngọ), Mộng nhiễu gia hương chỉ xích gian (Hồn mộng quẩn quanh nơi quê nhà trong gang tấc - Để ngụ bệnh trung giản chư hữu), Hương viên mộng trở tam thu lạo (Hồn mơ về quê nhà, bị nước lụt mùa thu ngăn cách - Thương Sơn công hữu sở quỹ vật kiêm trí hảo thi, bộc phương nhiễu vu thất tử chi thích, cảm thê giao khẩn tình hiện hồ từ), Lữ mộng kinh tiêu vũ (Mưa trên tàu lá chuối kinh động giấc mơ xa nhà - Châu Long tự ức biệt, kỳ nhất)... Ông mơ thấy bạn bè: Chỉ kim lai vãng thục/ Do tác mộng trung du (Như nay qua lại quen thuộc như thế/ Vẫn còn cùng nhau du thưởng như trong giấc chiêm bao - Đề Trần Thận Tư học quán, thứ Phương Đình vận (thập nhất thủ)- kỳ lục), Xuân phong mi vũ mộng lai tần (Nhiều lần mộng thấy dung nhan ân huệ đến - Thứ vận Thương Sơn công kiến ký)… Ông mơ thấy những đứa con đã mất (Mộng vong nữ, Thất tử)... Những giấc mộng ấy cho thấy Cao Bá Quát là người sống rất tình cảm. Thơ ông giàu nỗi niềm cảm xúc riêng tư của một con người cá nhân nồng hậu, thắm thiết.

Đương nhiên, những giấc mộng của Cao Bá Quát còn có nhiều điểm chung với các tác giả trước. Mơ về quê chẳng hạn. Nguyễn Trãi cũng từng có giấc chiêm bao về quê day dứt:

Kỷ thác mộng hồn tầm cố lí,

Không tương huyết lệ tẩy tiên doanh.

(Quy Côn Sơn chu trung tác)

 (Bao nhiêu lần nhờ hồn mộng mà tìm làng cũ,

Chỉ suông đem nước mắt pha máu mà rửa mộ tổ tiên) [4]

Sau Nguyễn Trãi, quê hương cũng hiện về trong giấc ngủ của Nguyễn Du:

Đa bệnh nhất thân cung đạo lộ,

Ngũ canh tàn mộng tục hương quan.

(Thuỷ Liên đạo trung tảo hành)

(Tấm thân nhiều bệnh giao phó cho đường sá,

Trong giấc mộng tàn canh nằm vẫn còn mơ về quê hương) [3]

Vì lẽ, như các nhà nghiên cứu đã khẳng định, “Đối với người trung đại, gia đình, nguồn cội, quê hương là cái đảm bảo cho sự yên ổn, giá trị, mà một khi đã rời bỏ thì con người trở nên yếu đuối, trống rỗng như tự đánh mất mình” [7; tr.146]. Quê hương không chỉ là một mảnh đất, một ngôi nhà, hay những kỷ niệm, đó là biểu tượng của những giá trị muôn đời, là truyền thống gia đình và sự che chở của tiên tổ. Do vậy, khi phải sống xa quê, sống ngụ cư là một nỗi bất hạnh không thể bù đắp được. Với những giấc mơ về quê hương, nhà nho xưa rút khỏi thực tế không thoả mãn để tìm đến nơi thân thuộc bình yên trong mộng tưởng.

Đặc điểm ấn tượng, xúc động trong thơ Cao Bá Quát là những giấc mơ của ông thường hiện hữu những con người, cảnh vật, sự kiện... rất cụ thể, gắn bó mật thiết với đời sống tình cảm rất đỗi riêng tư của ông.

Trong những giấc mơ của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, quê hương rất ít những hình ảnh chi tiết, thường chung chung, không giới hạn, không xác định. Các tác giả không miêu tả mà đa phần chỉ nhắc tới những giấc mơ khắc khoải về chốn chôn rau cắt rốn. Còn Cao Bá Quát, mơ về quê, ông mộng thấy món gỏi cá lô đặc sản, thân thuộc: Cố hương lô khoái mộng sơ hoàn (Trong mộng mới hiện về món gỏi cá lô ở quê cũ - Sơ thu vịnh Hoài Phủ, Minh Trọng nhị tri kỷ). Với giấc mộng này, tình yêu quê của Cao Bá Quát đúng là bắt nguồn từ lòng yêu những vật gần gũi, thân thương nhất! Sách xưa chép rằng, Trương Hàn đời Tấn làm quan xa; nhân một hôm gió thu bắt đầu thổi khiến ông nhớ canh rau thuần, gỏi cá lô (Thuần canh lô khoái) ở quê nhà, bèn than rằng: “Đời người ta quý nhất là được điều thích chí, sao có thể chịu trói mình vào chức quan nơi mấy ngàn dặm để cầu danh tước làm gì!” (Nhân sinh quý đắc thích chí, hà năng cơ hoạn sổ thiên lý, dĩ yêu danh tước hồ?). Đoạn ông sai thắng ngựa, rồi bỏ quan trở về. Từ đó, thành ngữ “Thuần canh lô khoái” được dùng để chỉ tấm lòng nhớ quê. Và cũng từ đó, hình ảnh rau thuần, cá lô[2] cũng trở thành biểu tượng của lòng nhớ quê, của phong vị nơi quê nhà.

Đặc điểm “thực”, chi tiết trong những giấc mơ của Cao Bá Quát được thể hiện rõ ở nhiều phương diện. Trong giấc mơ của Cao Bá Quát thường hiện lên những vùng đất, con người có tên riêng. Đó là những tên đất: Biệt lai bất trước Tô giang mộng (Từ khi xa nhau chẳng còn mộng thấy sông Tô Lịch nữa - Ký tiễn Hoan niết Nguyễn Nhân Trai phó lị, kỳ nhất), Hốt tác Giang Nam nhất mộng lai (Bỗng nằm mơ một giấc đến tận miền Giang Nam - Dư hốt ư mộng trung vãng thám Tuần Phủ, ám tưởng kinh trung cố nhân hoặc đương hữu niệm ngã giả, nhân ký Tuần Phủ kiêm trình Đôn Nhân Phạm tử, kỳ nhất)... Đó là những tên người: Tạc tiêu hốt hốt kiến Long Trân/ Kim nhật tương phùng mộng thị chân (Đêm qua bất ngờ mơ thấy Long Trân/ Hôm nay gặp nhau mơ là thực - Long Trân hốt lai kiến tầm dĩ biệt cáo, nhân ký tạc dạ sở mộng thư dĩ tống biệt), Mộng Ngô Dương Đình (Nằm mơ thấy Ngô Dương Đình - Mộng Ngô Dương Đình), Cao tử dạ mộng (Chàng Cao đêm nằm mơ - Thất tử)...

Cùng với những tên người tên đất ấy là những chi tiết về hình dung, hành động, nỗi niềm trong những cảnh huống xác định. Người con gái đã mất hiện lên trong giấc mơ của Cao Bá Quát y như lúc đứa bé còn sống:

Thân viễn ngô đương bệnh,
Tư nhi mỗi tiết ai.
Hốt nhiên trung dạ mộng,
Sậu kiến lệ như thôi.
Y phục hàn nhưng phá,
Dung nhan thảm bất khai.
Thái diêm bần vị khuyết,
Tân khổ nhữ quy lai!

(Mộng vong nữ)

(Nhà xa bệnh lại dày vò,
Nhớ con hằng nén xót chua nghẹn ngào.
Ðêm qua bỗng thấy chiêm bao,
Gặp con, giọt lệ tuôn dào như mưa.
Áo đơn lạnh lẽo xác xơ,
Ủ ê nét mặt, bơ phờ hình dung!
Tuy nghèo dưa muối đủ dùng,
Ðắng cay con hãy về cùng với cha!)

 Giấc mơ của tác giả không có những hình ảnh mờ nhoè, pha tạp của nhiều hình ảnh. Chỉ có duy nhất chân dung đứa bé hiện lên như thực, rõ ràng, cụ thể với hai chi tiết: quần áo rách rưới và nét mặt ủ ê. Người cha mộng thấy đứa con gái của mình trong bộ đồ nó từng luôn mặc khi còn ở dương thế. Hình ảnh này gần như là nỗi ám ảnh trong tiềm thức người Việt bao đời nay. Tập quán đốt áo mũ, vải vóc, vật dụng (hàng mã) cho người chết nói lên điều đó. Ca dao cũng phản ánh tục cầu hồn, với sự vất vưởng, đói khát của hồn: Hồn rằng hồn chẳng có nhà/ Ở rào ở giậu cùng bờ là tre, hay Hồn rằng hồn thác ban đêm/ Thèm cơm thèm cháo, hồn đâm thác ngày… Hình ảnh đói cơm rách áo của đứa trẻ chân thật và thương tâm như cuộc sống nghèo khổ của cộng đồng từ bao đời! Đau xót hơn là chi tiết: nét mặt buồn bã, không tươi. Con trẻ gắn liền với sự thơ ngây, hồn nhiên, trong sáng. Nhưng ở đây, đói khổ đã làm đứa trẻ già nua, khắc khổ. Quần áo và tâm tư khiến nó trở nên tiều tuỵ, thảm não. Những hình ảnh ấy cứa vào tim gan của người cha. Bài thơ kết thúc bằng tiếng cầu xin thảng thốt:

Thái diêm bần vị khuyết,

Tân khổ nhữ quy lai!

(Tuy nghèo dưa muối đủ dùng,
Ðắng cay con hãy về cùng với cha!)

Tiếng gọi đau đớn này xuất phát từ sâu thẳm trái tim rất mực yêu con của cha. Nó tha thiết đến cháy lòng. Sau tiếng gọi thảng thốt, Cao Bá Quát bừng tỉnh giấc? Đó là lời ông cầu xin con trong lúc mê sảng hay khi đã sực tỉnh giấc chiêm bao? Khó xác định được. Người đọc nhận thấy mộng và thực đã không còn ranh giới. Thậm chí, cái ảo đã tan biến, chỉ còn lại nỗi đau tê tái thực của tác giả ứa máu trong từng dòng chữ!

Lần khác, giấc mơ tới con của Cao Bá Quát cũng xuất hiện rất “thực”:

Cao tử dạ mộng,

Hữu hài nhi tuỳ.

Cụ xưng thần ngôn,

Khẩu tạ thủ huy.

Bái đảo khung mân,

Hoằng ngã tích hi.

(Thất tử)

(Chàng Cao đêm nằm mơ,

Có đứa con đi theo.

Nói đủ lời thần bí,

Miệng tạ tay vẫy.

Cầu lạy cao dày,

Ban cho ta phúc lành.)

Ở giấc mộng này có yếu tố ảo: đứa con đi theo nói đủ lời thần bí, nhưng không nhiều. Vẫn là một chân dung như bằng xương bằng thịt với hành động: “miệng tạ tay vẫy”, “cầu lạy cao dày, ban cho ta phúc lành”. Những cử chỉ, hành động đáng yêu ấy thể hiện sự lễ phép và tình cảm hết mực yêu quý của đứa trẻ dành cho cha.

Lần khác, mộng về mái ấm gia đình, Cao Bá Quát kể về giấc mơ thấy điềm sinh con trai:

Ức dữ cố nhân ngôn,

Ngô dạ mộng hùng bi.

Chiêm chi viết sinh nam,

Môn hộ tương xanh chi.

(Tiểu nam sinh nhật)

(Nhớ [có] nói với bạn cũ,

Ta đêm chiêm bao thấy gấu.

 Xem thế bảo rằng sinh trai,

Cửa nhà sẽ được chống đỡ)

Giấc mơ ấy chạm khắc một nỗi niềm riêng tư. Đó là một khát vọng thành thực của người làm cha trong yêu cầu của thời đại bấy giờ: sinh được con trai nối dõi tông đường theo yêu cầu của chữ hiếu. Nó cho thấy trước khi người con ra đời, người cha rất đỗi hồi hộp, mong chờ. Sự thực ứng với điềm mộng khiến cho người cha bừng lên niềm vui sướng!

Có thể nói, những giấc mơ của Cao Bá Quát rất giàu chi tiết, giàu yếu tố thực. Điều đó khiến cho những giấc mộng của ông được tái hiện sống động. Những trải nghiệm trong mộng mị của ông không phải giả mà là chân. Nó như chứng minh cho quan niệm về giấc mơ dưới cái nhìn khoa học: mộng là hiện tượng khi ta ngủ có một số điểm của não hưng phấn không bị ức chế toàn diện và triệt để nên nó tiếp tục hoạt động mà sinh ra mộng. Chính những nhân tố của các điểm hưng phấn có liên quan đến tác dụng của những vết hằn do những kích thích quá mạnh của tri giác, cảm giác trước hiện thực khách quan trước đây của con người, cho nên những cảnh mộng nói chung có mối liên hệ nhất định với cảnh lao động, sinh hoạt,... thường ngày [5]. Có điều, đúng là Cao Bá Quát 127 lần dùng chữ “mộng” đều phản ánh hay nói đến bấy nhiêu lần ông nằm mơ hay không, thì điều đó nhất định là không chắc. Người nghệ sĩ một khi khó mà thực hiện điều mong nuốn trong đời thực, anh ta có thể mượn hình ảnh giấc mơ để tự do giải thoát qua tác phẩm văn chương. Giấc mơ đó, nói như Sigmund Freud, là “những giấc mơ trong khi thức”. “Những giấc mơ trong khi thức này sở dĩ được gọi như thế là vì trong những sự liên quan với đời thực chúng không có thực hơn gì những giấc mơ chính thức” [6; tr.113]. Ở đây, Cao Bá Quát mơ thấy món gỏi cá lư ở quê nhà như đã nói ở trên là một trường hợp như thế. Cũng theo Sigmund Freud, đó là sản phẩm của trí tưởng tượng. “Trong các giấc mơ trong khi thức này người ta nhận thấy thực chất của cái hạnh phúc tưởng tượng làm cho con người được hưởng mọi sự khoái lạc bất cần những thực tế của cuộc đời. Chúng ta biết những giấc mơ trong khi thức đó chính là trung tâm điểm và điển hình cho những giấc mơ ban đêm” [6; tr.443].

Với những giấc mơ, đời sống tình cảm của Cao Bá Quát được diễn tả sâu sắc, xúc động. Tình cảm ấy được diễn tả cao hơn so với nỗi nhớ (tư, tưởng). Nhớ gắn liền với ký ức, kỷ niệm đã là sự thanh lọc, đọng lại những ấn tượng lớn lao nhất, thẳm sâu nhất. Đi vào giấc mơ, tình cảm được ghi dấu ấn cả trong tiềm thức, trọn vẹn trong mọi thời gian, mọi hoạt động của con người, cả khi thức lẫn lúc ngủ.

Viết về giấc mơ, Cao Bá Quát đã thực hiện quyền của người nghệ sĩ và đem đến sự an ủi, đền bù cho cả bản thân lẫn độc giả những thiếu thốn trong tình cảm và khát vọng, như Sigmund Freud nói. “Nghệ sĩ còn có quyền lực bí ẩn nhào nặn các vật liệu để trở thành hình ảnh trung thành của trí tưởng tượng vô thức làm cho trí tưởng tượng này gây ra một nguồn khoái lạc đủ để che giấu hay huỷ bỏ, dù chỉ là tạm thời những sự dồn ép”. “Phạm vi của trí tưởng tượng ngông cuồng là con đường trung dung được mọi người trong thế giới quí mến và tất cả những người nào thiếu thốn một cái gì thường đến tìm ở đó những sự an ủi và đền bù” [6 ; tr.447].

2. Ảo giác trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát

Ảo giác của Cao Bá Quát trong thơ ông có nhiều dạng thức. Trước hết, Cao Bá Quát có niềm tin mãnh liệt rằng kiếp trước ông là một nhân vật đặc biệt của cõi thiêng. Có lúc ông cho rằng mình vốn là một danh nhân của lịch sử: Dạ gian ức đắc quy phi mộng/ Do ký tiền thân bản thị Chu (Ban đêm nghĩ đến giấc mơ bay về/ Còn nhớ ra rằng kiếp trước chính mình là chàng Trang Tử - Tiểu ẩm hí bút), Ngã thị Hậu Sơn bệnh cư sĩ (Ta là một kẻ cư sĩ Hậu Sơn[3] nằm dưỡng bệnh - Lạp mai thi đồng Thận Phu, Cung Trọng tác), Kim Túc tiền thân chứng (Kiếp trước từng là Phật Thóc Vàng[4] - Bất tri thuỳ thị trích tiên tài). Thậm chí, kiếp trước của ông là minh nguyệt: Tri ngã tiền thân thị minh nguyệt (Chính là minh nguyệt, tiền thân của ta đó - Quỳnh Cần Phạm Giám sinh vị dư tụng mỗ phụ nhân trung thu dạ thi, tình trí thê uyển, nhược hữu bất thăng li biệt chi cảm giả. Kỳ tình dâm cố kỳ từ ai dĩ thương. Lễ nghĩa quân tử sở bất dự dã. Nhiêu Khâu Ma, Trạch Bồ chi phong do kiến thái ư kinh, tư cố thủ nhi lục chi, kiêm thứ kỳ vận, dụng tắc Phạm tử, diệc dĩ chư hảo sự vân)... Có khi ông lại khẳng định mình từng giữ những chức mọn nơi thiên đình, tiên cảnh: Hư đạo Thượng Thanh hương án lại/ Hối lao Trường Cát cẩm nang đồng (Từng làm chức quan coi việc nhang đèn ở cõi Thượng Thanh[5]/ Hận vì đã nhọc thân làm tiểu đồng mang túi gấm cho Trường Cát[6] - Hoạ Nhữ Nguyên Lập giáo thụ ngũ thập tự thọ ngũ thủ thứ vận, kỳ tam), Tiền thân nguyệt phủ tu (Thân kiếp trước từng sửa búa trăng[7] - Bồng Doanh đô xứng liệt tiên du), Khiếu xưng thần hữu hiệu Mẫn Hiên/ Ôi danh cựu trứ Hương án lại (Kêu rằng: - Bạn thần hiệu là Mẫn Hiên/ Chức danh hèn mọn là cựu Hương án lại[8] - Đắc vũ đồng Phan Hành Phủ mính ẩm hiệu Hàn thể), Nghi thị tiền thân thị Ngọc Hoàng (Ngờ rằng tiền thân ta đã hầu Ngọc Hoàng - Châu)... Nhiều hơn cả là sự tự nhận mình là một chàng tiên ở Cao Bá Quát. Ông “tưởng” mình là khách của nhà trời: Thuỳ liệu Ngọc kinh Thiên thượng khách (Ai ngờ rằng đây là khách nhà trời của chốn Ngọc kinh - Đáp niên gia Vũ Hoài Phủ kiến tặng thứ vận, kỳ nhất). Ông tự nhận mình là “tiên tử”: Kỵ lư tiên tử hạnh nan phùng (Tiên tử cưỡi lừa khó gặp mơ - Dạ túc Triệu Châu kiều), là “thi tiên”: Bắc Sơn thi tiên Mẫn Hiên ông (Ông tiên thơ Mẫn Hiên ở núi Bắc - Di Xuân dĩ Tu trúc sinh hoa thi kiến thị, tức tịch tẩu bút, ca dĩ đáp chi), là “thiên tiên”, “ngoan tiên” bị biếm trích ở cõi trần: Phụ kinh sơ thí tiểu ngoan tiên (Người ta chỉ mới thử chàng tiên bướng xem có hối lỗi mà mang roi hay không đó thôi - Cửu nhật chiêu khách), Ngoan vân thâm xứ ngoạ ngoan tiên (Đám mây nhởn nhơ nơi sâu thẳm có ông tiên bướng bỉnh nằm ở đó - Tặng Trà Lũ cử nhân), Tiêu nhiên trích truỵ cổ ngoan tiên (Thản nhiên đày xuống trần gian vị tiên cổ bướng bỉnh - Dạ thoại túng bút đồng Phan Hành Phủ), Nhân bản thiên tiên trích (Người vốn là tiên trên trời bị đày xuống trần - Chúng tiên đồng nhật vịnh Nghê thường), Ký đắc thử bang tằng trích đoạ (Nhớ được chốn ấy từng [là nơi] bị biếm trích, đầy đoạ - Tàng Chân động)... Lối tự nhận gốc gác lai lịch thiêng này của Cao Bá Quát khiến thơ ông phảng phất hình bóng Lý Bạch, Nguyên Chẩn của Trung Quốc thời trước, và Tản Đà của Việt Nam thời sau. Với lai lịch ấy, Cao Bá Quát khẳng định mình khác người, vượt lên trên số đông trần tục. Đặc điểm “ngông” của Cao Bá Quát biểu lộ ở đây.

Không chỉ tin mình vốn thiêng, Cao Bá Quát còn thường xuyên đưa mình đến cõi mộng. Trong những phút giây ấy, cơ hồ như Cao Bá Quát có hiện tượng xuất thần, thân một nơi, hồn lạc vào những cõi miền khác nhau. Có hai loại không gian xuất hiện trong ảo giác của Cao Bá Quát: cõi trần và cõi hư.

Cõi trần gồm quán rượu và những cảnh nổi danh: Cơ như thân tại tửu gia lâu (Cơ hồ như ta đang ở quán rượu - Hoạ Lục Phóng Ông chinh nguyệt ngũ nhật xuất du), Tam Thanh, Bát Cảnh như truy tuỳ (Tưởng như Tam Thanh Bát Cảnh cũng theo mình đến - Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác Côn Sơn hành vân), Hành, Nhạc, Thái Hàng thiên hạ sơn/ Hoàng Hà, Giang, Hán thiên hạ thuỷ/ Thuỳ khiển tam xích thằng sàng gian/ Điệp điệp trùng trùng kiến lưu trĩ/(...) Nhược thân ngô lịch túc ngô lý (Hành, Nhạc và Thái Hàng là những núi nổi tiếng trong thiên hạ/ Hoàng Hà và Giang Hán là những sông nổi tiếng trong thiên hạ/ Vì ai mà kẻ ở quanh cái võng ba thước này/ Lại được thấy cảnh sông núi trùng trùng, điệp điệp?/ (...) Tưởng như chính mình bước chân đến tận nơi ấy - Đề Sát viện Bùi công Yên đài anh ngữ khúc hậu), Quải phàm hướng Thương Bột/ Nhất tiếu vọng Chi Phù (Căng buồm hướng về Thương Bột/ Cười một tiếng trông về núi Chi Phù - Quan hải tam thập lục vận thư trình Ngộ Hiên)... Theo ảo giác, Cao Bá Quát thấy mình đến những miền đất xa xôi, nổi tiếng hoặc chính những miền đất ấy hội tụ, “theo” ông về!

Cõi hư là những cảnh thiên đình, cõi tiên của Đạo giáo hoặc những địa danh trong sách của nhà Phật: Hương Quốc, Dao Trì, Bồng Lai, Doanh Châu, núi Viên Kiểu, ngọn Phương Hồ, Nhị Châu, Tiên quế, bến Ngân Hà, Hoàng Cô, Thiên Tôn, đảo Lang Phong...: Hương Quốc quần tiên hội/ Hoa trường tuyển phật kỳ (Đông các tiên hội họp ở Hương Quốc/ Mong chọn được vị phật ở Hoa trường - Bất tri thuỳ thị trích tiên tài), Viên Kiểu vị câu lưu/ Hồi thủ Phương Hồ tức ([Nay] được núi Viên Kiểu bắt giữ lại/ Quay đầu đi tới ngọn Phương Hồ - Bồng Doanh đô xứng liệt tiên du), Ngã hành tố Ngân Chử/ (...) Hoàng Cô diểu an cầu/ Thiên Tôn lộng vân cẩm/ (…) Hoàn khấu Lang Phong đảo/ (...) (Ta đi ngược lên bến Ngân Hà/ (...) Hoàng Cô[9] mịt mùng sao tìm được/ Thiên Tôn[10] còn đùa với gấm đẹp như mây/ (…) Lại gõ cửa đảo Lang Phong[11] - Quan hải tam thập lục vận thư trình Ngộ Hiên)...

Trong những cõi phi thực ấy, Cao Bá Quát “gặp gỡ” với những con người đấng bậc, thần thiêng: Động Tân, Thái Bạch phân tống nghinh (Các ông tiên Động Tân[12], Lý Bạch rộn rã tiễn đưa - Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác Côn Sơn hành vân), Thử trung vô số thánh, hiền, hào/ Dữ ngã lai vãng tận tri kỷ (Trong ấy có vô số các bậc hào kiệt/ Cùng đi lại với ta và thành tri kỷ cả - Đề Sát viện Bùi công Yên đài anh ngữ khúc hậu), Lộ phùng Ngô tiên nhân (Trên đường gặp ông tiên họ Ngô[13] - Lục nguyệt thập ngũ dạ nguyệt hạ tác phụng ký chư cố nhân), Thượng Thanh chư tiên nhân/ Tiếu ngã thanh lang lang (Các nàng tiên cung Thượng Thanh/ Cười ta tiếng nghe lanh lảnh - Đàm thiên hành), Thượng Thanh chân nhân phi hạc mao/ Không trung di ngã lục ngọc trượng (Thượng Thanh chân nhân[14] xoã tóc bạc/ Trao ta gậy ngọc màu lục giữa không trung - Tự đề liễu yến trướng tử ca), Nam Đẩu Tinh Quân tiếu dư lão (Nam Đẩu Tinh Quân[15] lại cười ta già - Du Hưng Phúc tự đề bích)...

Cõi ấy bừng lên hoa ngọc, mây trời... với hương thơm, sắc thắm kỳ lạ: Dao thảo khai tam đảo/ Quỳnh hoa tuỵ thập châu (Cỏ dao phát triển trên ba đảo[16]/ Hoa quỳnh nở rộ trên mười châu[17] - Bồng Doanh đô xứng liệt tiên du), San thụ sâm Bồng Đảo/ Ngân hoàng triệt Nhị Cung (San hô đầy rẫy nơi Bồng Đảo/ Bụi tre ngà giăng khắp cung Nhị Châu[18] - Chúng tiên đồng nhật vịnh Nghê thường), Thiên Tôn lộng vân cẩm/ Xán nhược tử ỷ cừu/ (...) Hải thị phú châu bội/ Yêu quang chiếu di mâu (Thiên Tôn còn đùa với gấm đẹp như mây/ Rực rỡ như lụa lông cừu màu tía/ (...) Ngọc trai hàng chuỗi tạo nên ảo ảnh/ Ánh sáng quỷ quái chiếu sáng khắp nơi - Quan hải tam thập lục vận thư trình Ngộ Hiên), Hoạ bình phiến thạch Thiên Thai san/ Tứ thời bát tiết sinh chi lan/ Ngọc giai trạc trạc thanh lang can/ Chi chi tiết tiết thuỳ châu hoàn/ Xuân vũ dục thấp xuân phong can/ Cô tư phiêu dật phi nhân hoàn (Bình phong vẽ bằng đá phiến núi Thiên Thai[19]/ Bốn mùa tám tiết sinh cỏ thơm chi lan/ Thềm ngọc lang can xanh bóng sạch sẽ/ Cành cành đốt đốt buông rũ hạt châu/ Mưa xuân muốn làm ướt, gió xuân liền lau khô/ Vẻ phiêu dật riêng không phải trong cõi người - Di Xuân dĩ Tu trúc sinh hoa thi kiến thị, tức tịch tẩu bút, ca dĩ đáp chi)...

Diệu kỳ nhất và được Cao Bá Quát nhắc đến nhiều nhất là thi, nhạc -  những thanh âm, khúc nhạc du dương bao trùm, thấm đượm, tan hoà vào cảnh vật và những đấng bậc linh thiêng: Thử nhật Nghê Thường vịnh/ (...) Nhất khúc tấu Dao Trì (Ngày nay vịnh khúc nhạc Nghê Thường/ (...) Một khúc nhạc dâng lên ca ngợi cảnh Dao Trì - Bất tri thuỳ thị trích tiên tài), Đồng nhật Nghê Thường vịnh (Cả một ngày vịnh khúc Nghê Thường - Bồng Doanh đô xứng liệt tiên du), Nghê Thường vịnh tối công/ Thanh bình tam điệp lộng/ Nhã Tụng nhất ban đồng/ (...) Thử khúc nghi thiên thượng/(...) Thanh tiêu âm tử tế/ Bích lạc vận đinh đông/ (...) Quỳnh bội hướng linh lung (Ca hát rất hay khúc Nghê Thường/ Vui ba lần láy lại điệu Thanh bình/ Sánh ngang với các phần Nhã, Tụng [trong kinh Thi]/ (...) Khúc hát này đáng loại ở trên trời/ (...) Âm thanh tề chỉnh vang trời xanh/ Làn điệu thánh thót trong khoảng không màu biếc/ (...) Đi hướng tới nơi đó, ngọc đeo trên người rộn ràng âm thanh - Chúng tiên đồng nhật vịnh Nghê Thường)... Những khúc nhạc kỳ ảo chỉ có ở chốn thần tiên, muôn đời đi vào huyền thoại (như Nghê thường vũ y khúc), hay điệu từ bất hủ ở chốn nhân gian (như Thanh bình điệu của thi tiên Lý Bạch), hay thơ ca đạt đến mức chuẩn mực trong kinh Thi… mới có thể dự vào đây cùng các đấng bậc thần tiên.

Nói chung, không gian ảo giác của Cao Bá Quát được tái hiện chủ yếu bằng các điển tích điển cố, phần nhiều là những điển về Đạo giáo. Cao Bá Quát chưa sáng tạo được những miền mộng siêu thực, tượng trưng như các nhà thơ mới Hàn Mặc tử, Bích Khê sau này. Song, thế giới cõi mộng của Cao Bá Quát cũng đã rất xa lạ với cảnh sắc của cuộc sống hàng ngày. Đó là một cõi huyền bí của thế giới cái đẹp. Nó khiến cho thơ ca Cao Bá Quát có thêm màu sắc mới mẻ, lãng mạn và kỳ ảo.

Con người Cao Bá Quát ở cõi miền tâm linh, mộng ảo ấy chỉ đôi lúc không còn ở trạng thái ý thức, mất mọi ràng buộc thể chất, đắm mình trong vô thức (khi say ở quán rượu để quên thực tại); còn lại, hầu hết được tác giả khắc hoạ với một niềm tin tuyệt đối. Thân hồn Cao Bá Quát như hoà nhập tột độ trong những ấn tượng và cảm giác ở thế giới hư ảo. Vậy nên, trong những vùng không tưởng ấy, tâm trạng, cảm xúc của Cao Bá Quát luôn dâng lên ở mức cao độ, vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý trí. Khi thì ngạc nhiên, phấn khích, thăng hoa:

Bệnh trung hốt toạ, toạ hốt khởi,

Hạp ngô lưỡng mục, bế ngô nhĩ.

Trừng thần địch lự mặc dĩ du,

Nhược thân ngô lịch, túc ngô lí.

Khởi dư giả thuỳ? Bùi sứ quân!

(...) Đốt đốt nam nhi chân khoái sự !

(Đề Sát viện Bùi công Yên đài anh ngữ khúc hậu)

(Rồi bỗng nhiên đang ốm, ngồi nhỏm dậy, đứng phắt lên,

Nhắm hai mắt lại, bịt hai tai lại.

Tinh thần lắng xuống, ý nghĩ sạch lâng, lặng lẽ cho tâm hồn giong ruổi,

Tưởng như chính mình bước chân đến tận nơi ấy.

Người làm cho ta phấn khởi như thế là ai? Là ông sứ họ Bùi!

(...) Chà chà! Làm trai như thế mới thực là khoái!)

Thủ pháp liệt lê một loạt hành động nhanh, gấp đã diễn tả thành công cảm giác kinh ngạc của chính tác giả khi đọc tác phẩm của ông sứ họ Bùi! Tác phẩm ấy khiến cho tác giả hồi sinh, khoẻ mạnh về thể chất, hết cả đau ốm, mệt mỏi (ngồi nhỏm dậy, đứng phắt lên). Hơn thế, nó làm thanh thản tâm hồn (tinh thần lắng xuống, ý nghĩ sạch lâng) và khai sáng nhận thức, đổi mới tư duy của tác giả.

Một lần khác, ảo giác thể hiện tâm trạng tê tái đến tột cùng trong nỗi đau mất con của Cao Bá Quát (Thất tử). Vì đau khổ, Cao Bá Quát không còn là một người bình thường nữa. Hỏi người đời không được giải đáp, ông tiến lên trời, hỏi Ngọc Hoàng, nghe câu trả lời của gã tóc đỏ - kẻ phát ngôn đại diện cho cõi trời. Ông dường như đang có tâm trạng của một kẻ điên khùng giống hệt hành xử và tâm lý của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao sau này. Bên trong sự phi lý ở lối chất vấn của Cao Bá Quát và tiếng chửi của Chí Phèo có sự diễn tiến rất logic. Câu trả lời của gã tóc đỏ cũng được tác giả nghe và ghi lại đầy đủ, rất dài và chi tiết, mạch lạc. Điều đó cho thấy cả Cao Bá Quát lẫn Chí Phèo đều rất “tỉnh” trong cơn say, cơn điên loạn! Nỗi đau, vì thế được diễn tả ở mức thấm thía, xót xa cực độ!

Một lần khác, Cao Bá Quát cũng bị rơi vào trạng thái hoảng loạn khi chứng kiến văn minh, sức mạnh phương Tây, thấy hậu hoạ xâm lược của phương Tây với phương Đông, trong đó có cả đất nước mình, đang hiển hiện trước mắt. Hồn ông đi tìm phương án ngăn ngừa ở các cõi mộng. Đầu tiên, ông đến bến Ngân Hà, tìm hỏi Ngưu Lang - chàng chăn trâu vốn người trần mắt thịt nhưng ở trên trời. Rồi lại lặn lội đến đảo Lang Phong gặp Tây Vương Mẫu. Sau đó, đến Thương Bột, Chi Phù tiếp xúc với bầy chim Tinh Vệ. Chưa có câu trả lời, lại đến tận Bồng Lai... Như có phép mầu của Tôn Ngộ Không, Cao Bá Quát đi hết nơi này đến nơi khác, gặp gỡ đủ mọi đối tượng, từ kẻ trần đến người tiên, từ chàng làm nghề mọn chăn trâu cho đến nhân vật thống soái của chốn thiên đình, từ nam cho đến nữ, từ người cho đến cả động vật, sự vật... Tất cả đều không có lời giải đáp cho nỗi sợ hãi của tác giả. Trong thế giới Cao Bá Quát tưởng có thể tìm được câu trả lời ấy, Thiên Tôn đang mải chơi đùa với gấm mây, Tây Vương Mẫu chuẩn bị du hành, bầy chim Tinh Vệ tiếp tục lo trả thù cá nhân, lũ chim xanh lặng lẽ ăn tiệc... Mọi đối tượng đều có việc riêng của mình, thờ ơ, không quan tâm đến nỗi nhức nhối trong tâm can của hồn Cao Bá Quát. Chỉ có con chim đại bằng hỏi lại một câu: “Mưu tính đuổi bọn quân xâm lược phương Tây chần chừ ư?” thì lại chỉ “Nghiêng cánh nhìn mây đỏ”, không biết trả lời sao! Phải nói rằng, dùng yếu tố hoang đường, ngòi bút của Cao Bá Quát có tính ngụ ý. Nó phản ánh sự bế tắc, bi quan của Cao Bá Quát trước việc tìm ra một phương sách đối phó với hiểm hoạ mất nước trong tương lai gần. Đồng thời, nó gợi ra sự tương phản, đối lập giữa cá nhân Cao Bá Quát với những đấng bậc bề trên chịu trách nhiệm và có vai trò quyết định với vận mệnh non sông.

Điều đáng nói nữa là những bài thơ ảo mộng của Cao Bá Quát thường viết theo cấu trúc: thực - ảo - thực. Nếu chiêm bao của Cao Bá Quát gắn liền với sợi dây của đời sống tình cảm cá nhân thì những ảo giác của ông lại thường xuất hiện khi đột ngột chạm vào những sự kiện đặc biệt. Các bài thơ chủ yếu bắt đầu là không gian, sự kiện thực. Như Cao Bá Quát du chơi ở Côn Sơn là thực: Khách đạo: Côn Sơn chi thượng thanh thả u/ Dữ tử tương tương phỏng cổ du (Khách nói: Trên núi Côn Sơn vừa mát mẻ vừa tĩnh mịch/ Chúng ta hãy cùng nhau lên thăm những dấu tích xưa - Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác Côn Sơn hành vân). Nhưng sau khi vượt lên khoảng trời cao xa trên núi Côn Sơn, cảnh vật chung quanh tựa như tiên cảnh, thì lúc này Tam Thanh, Bát Cảnh như thể cũng theo cùng[20], và [các vị tiên] Động Tân, Lý Bạch [mới nhân đó] rộn rã đón đưa. Hay Cao Bá Quát ngắm trăng sông Trà là cũng là chuyện thực: Trà giang nguyệt/ Kim dạ vị thuỳ thanh (Trăng sông Trà/ Đêm nay vì ai mà trong trẻo - Trà giang thu nguyệt ca)..., nhưng khi nhà thơ say sưa cùng ánh trăng, hoà mình cùng vũ trụ, thì ông mới tự nhận mình là “anh bộ binh gặp bước đường cùng trong bọn Trúc Lâm[21]”. Hoặc có khi Cao Bá Quát rơi vào những cảnh huống bất hạnh, trớ trêu: Cơ lưu lưỡng thiên thứ/ Thập kiến hải nguyệt viên (Bị giam cầm đã hai lần đổi chỗ/ Và đã mười lần thấy trăng tròn trên mặt bể - Lục nguyệt thập ngũ dạ nguyệt hạ tác phụng ký chư cố nhân). Dưới ánh trăng rằm trong cảnh ngục tù, ông thả hồn lên tận tầng mây tía, và đã gặp ông tiên họ Ngô “trên đường đi” kéo vào cung quế chuyện trò hồi lâu, ông toan hỏi trời nhưng không được, rồi cuối cùng trở về với cảnh ngục tù. Hoặc trong cảnh đau đớn tột cùng vì mất con: Cao tử bất hạnh/ Nhi vẫn quyết nhi (Cao tử bất hạnh/ Nên mất đứa con - Thất tử), Cao Bá Quát đã phân thân thành một nhân vật siêu phàm, bay lên tận trời xanh để hỏi trời... Hoặc từ một sự kiện “lịch sử” khác của đời mình, đi “Dương trình hiệu lực”, tác giả từ chỗ tận mắt chứng kiến cảnh Cổn cổn thế vị hưu (Thế hung hăng cuồn cuộn chưa dừng - Quan hải tam thập lục vận thư trình Ngộ Hiên) của phương Tây mà phân thân bay ngược lên bến Ngân Hà để tìm Ngưu Lang, Chức Nữ...

Từ trong hiện thực cuộc sống, tác giả có khi ban đầu chỉ là “muốn” (dục) thoát ly, nhưng sau thì chìm vào ảo giác thực sự:

- Hạ hữu đại bằng tương cửu sồ,

Trắc thân ai minh thị thương mãng.

Ngã dục thừa chi phù dao thướng,

Phi khâm kiểu thủ vọng thiên nhưỡng.

Ngoan vân oanh hợp xương môn âm,

(Tự đề liễu yến trướng tử ca)

(Bên dưới có chim đại bằng đem chín con,

Nghiêng mình kêu thảm nhìn cỏ xanh rậm.

Ta muốn cưỡi nó bay vọt lên phía trên,

Áo lất phất ngẩng đầu trông trời đất.

Mây quấn giáp vòng cửa tiên râm mát)

- Ngã dục thừa vân ly,

Kiểu đầu khuy phù tang.

Hồi quy lãng phong điên,

Tức giá thu đồi quang.

Hốt truỵ xích ngọc tích,

Cánh cách Bồng Lai hương.

(Đàm thiên hành)

(Ta muốn cưỡi con vân li,

Cúi đầu trông xuống cây phù tang.

Bay về trong sóng gió điên cuồng,

Ngừng bay thu lại ánh sáng mờ đi.

Bỗng đánh rơi chiếc hài ngọc đỏ,

Lại cách xa quê xứ Bồng Lai)

- Ngã dục sáp song sí,

Phi bộ lăng tử yên.

Lộ phùng Ngô tiên nhân,

Ấp ngã quế thụ biên.

(Lục nguyệt thập ngũ dạ nguyệt hạ tác phụng ký chư cố nhân)

(Ta muốn chắp thêm đôi cánh,

Bay lên tận tầng mây tía.

Trên đường gặp ông tiên họ Ngô,

Kéo ta đến bên cây quế)

Có khi tác giả lập tức chuyển sang trạng thái hoang tưởng:

- Giải y phân thủ tản bộ hành,

Tùng đào vị ngã trữ viễn tình.

Tam Thanh, Bát Cảnh như truy tuỳ,

Động Tân, Thái Bạch phân tống nghinh

(Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác “Côn Sơn hành” vân)

(Phanh áo, giang tay bước đi thong thả,

Tiếng thông reo làm khuây cả nỗi lòng xa xôi.

Tưởng như Tam Thanh, Bát Cảnh cũng theo mình đến,

Và các ông Động Tân, Lý Bạch rộn rã tiễn đưa)

- Cử bôi thí yêu nguyệt,

Nguyệt nhập bôi trung hành.

Hàm bôi dục yết cánh phi khứ,

Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành.

(Trà giang thu nguyệt ca)

(Cất chén thử mời trăng,

Trăng vào đi trong chén.

Ngậm chén toan uống thì trăng lại biến mất,

Chỉ còn có bóng người dọc ngang)

- Nãi hô vấn thiên,

Thiên viết: Bất tri

(Thất tử)

(Bèn kêu hỏi trời,

Trời rằng: chẳng hiểu)...

Những ảo giác ấy rồi cũng tan đi, cuối cùng tác giả lại trở về với hiện thực buồn thương, nghiệt ngã. Trước mắt tác giả chỉ còn là những hình ảnh nổi trôi, vô định (mây bay), tàn lụi (lá rụng, tuổi già đến):

Sơn tiêu phục hữu cao tùng tam lưỡng chi,

Phan trắc diếu bát hoang.

Minh vân thiên ngoại phi,

Chinh điểu tương dữ hoàn.

Lạc diệp phân phân nhi,

Du nhân quy bất quy?

(Dữ thi hữu Phan Long Trân du Côn Sơn, nhân tác “Côn Sơn hành” vân)

(Kìa trên đỉnh núi còn có đôi ba cành tùng cao,

Trèo cho tới nơi, nhìn ra tám cõi.

 Chỉ thấy những đám mây lờ mờ bay tận ngoài trời,

Chim đi xa đã rủ nhau về.

Lá cây rụng đang bay phất phới,

Khách du tử về hay không đây?)

Ông đau đớn cất lên lời than:

Ô hô! Nhất danh cơ bạn trường như thử!

Bạch phát, thanh bào, ngô lão hĩ!

(Đề Sát viện Bùi công “Yên đài anh ngữ” khúc hậu)

(Than ôi! Một chút danh cứ ràng buộc mãi thế này,

Bạc đầu với chiếc áo xanh. Ta già mất rồi!)

Và rốt cuộc, lại mượn rượu, thơ để quên đi nỗi đắng cay, u uất:

Quy lai nhất trường khiếu,

Bả tửu dục vấn thiên.

Thiên cao bất khả vấn,

Thả phú Tù sơn thiên.

(Lục nguyệt thập ngũ dạ nguyệt hạ tác phụng ký chư cố nhân)

(Trở về ta huýt một hơi sáo dài,

Nâng chén rượu toan hỏi trời.

Trời cao không thể hỏi được,

Âu là ta cũng làm bài phú Tù sơn)

Kiểu kết cấu này gợi một vòng tròn luẩn quẩn, không lối thoát trong tâm hồn, tư tưởng tác giả. Nó kết lại nỗi đau tê dại, hoá đá trong lòng Cao Bá Quát.

Kết luận

Mộng mị và ảo giác tạo nên một ấn tượng đặc biệt cho thơ chữ Hán Cao Bá Quát. Những giấc mơ, những cảm giác ảo của Cao Bá Quát vừa có yếu tố hiện thực vừa là bút pháp dùng ảo giác để phản ánh hiện thực, mượn mộng mơ nghệ thuật để hoá giải thực tại phũ phàng và nỗi niềm chua xót. Sự kết hợp thú vị giữa thực và ảo khiến thơ chữ Hán của Cao Bá Quát bắt đầu có sắc thái lãng mạn, siêu thực, tượng trưng của các tác giả Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... sau này!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mai Quốc Liên chủ biên (2004), Cao Bá Quát toàn tập, Tập I, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

2. Mai Quốc Liên chủ biên (2012), Cao Bá Quát toàn tập, Tập II, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

3. Mai Quốc Liên phiên âm, dịch nghĩa, chú thích (1996), Nguyễn Du toàn tập, Tập 1 và 2, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

4. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Tập 1, 2 và 3, Nxb. Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.

5. Nguyễn Thị Nhàn, “Yếu tố chiêm mộng trong truyện thơ Nôm”, http://www.pupuneko.net/tabid/330/itemid/4991/default.aspx

6. Sigmund Freud (1970), Phân tâm học nhập môn, Nguyễn Xuân Hiếu dịch, Nxb. Khai trí.

7. Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục.

8. Kim Cương Tử chủ biên (1998), Từ điển Phật học Hán-Việt, Nxb. Khoa học Xã Hội, Hà Nội.


[1] Căn cứ theo Cao Bá Quát toàn tập (Mai Quốc Liên chủ biên), hai tập, Nxb.Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Tập I năm 2004, Tập II năm 2012. Toàn tập công bố 1212 bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát. Các trích dẫn thơ Cao Bá Quát trong bài đều căn cứ theo sách này.

[2] Rau thuần, cá lô: Thuần là một loài rau mọc trong hồ nước, chỉ phần đọt non nhú lên khỏi mặt đất mới được hái làm rau. Lô, cũng đọc là lư, là một loài cá nước ngọt rất ngon, nhưng phông phải cá vược ở ta.

[3] Hậu Sơn Cư Sĩ là hiệu của Trần Sư Đạo (1053-1102), nhà thơ đời Tống, từng làm quan đến chức Giáo thụ Từ Châu, Giáo thụ Dĩnh Châu, suốt đời an bần lạc đạo. Trước tác có Hậu Sơn tiên sinh tập, Hậu Sơn từ…

[4] Phật Thóc Vàng: dịch chữ Kim Túc trong nguyên văn, chỉ Kim Túc Như Lai, được coi là tiền thân của cư sĩ Duy-ma. Vị cổ Phật này đã mượn thân cư sĩ giáng sinh cùng thời với đức Phật Thích-ca để ủng hộ Phật Pháp [8; tr.634]. Thi hào Lý Bạch trong bài Đáp Hồ Châu Ca Diệp tư mã vấn Bạch thị hà nhân tự nhận mình là “trích tiên” (tiên bị đày), và kiếp sau của ông sẽ là Kim túc Như Lai (Thanh Liên cư sĩ trích tiên nhân,… Kim Túc Như Lai thị hậu thân).

[5] Cõi Thượng Thanh: một trong 3 cõi Thanh (Tam Thanh) của Đạo giáo (gồm Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Tam Thanh), nơi ở của các đạo sĩ đắc đạo thành tiên.

[6] Trường Cát là tên tự của Lý Hạ (790-816), nhà thơ lớn đời Đường được mệnh danh là Thi Quỷ. Sách xưa chép rằng: Lý Hạ mỗi khi đi đâu thì cưỡi lừa, hễ nghĩ ra một câu thơ hay thì chép bỏ vào túi gấm do tiểu đồng mang theo hầu, tối về sửa lại thành bài.

[7] Búa trăng: dịch chữ nguyệt phủ có nghĩa là “búa để sửa trăng”. Theo truyện thần thoại Trung Quốc, mặt trăng là do 7 thứ báu vật (san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, kim ngân, trân châu, lưu ly) hợp thành, và phải dùng tám vạn hai ngàn hộ để sửa nó.

[8] Hương án lại: tiên đồng phụ trách việc hương đèn ở nhà trời. Nguyên chú: Nguyên Chẩn thi, Ngã thị Ngọc Hoàng hương án lại (Thơ Nguyên Chẩn có câu: Ta vốn là viên quan coi việc hương án của Ngọc Hoàng). Bài thơ Dĩ châu trạch khoa ư Lạc Thiên của thi sĩ Nguyên Chẩn đời Đường có 2 câu cuối: Ngã thị Ngọc Hoàng hương án lại/ Trích cư do đắc trú Bồng Lai (Ta vốn là viên quan coi việc hương án của Ngọc Hoàng/ Bị đày đi còn ở chốn Bồng Lai).

[9] Hoàng Cô: tên gọi khác của sao Khiên Ngưu.

[10] Thiên Tôn: tên gọi khác của sao Chức Nữ.

[11] Lang Phong: tên núi, tương truyền là nơi ở của thần tiên.

[12] Động Tân: tức Lã (Lữ) Động Tân, cũng đọc Đỗng Tân, người đời Đường, một trong tám vị được gọi là Bát tiên.

[13] Ông tiên họ Ngô: chỉ Ngô Cương, người đời Hán, tu thành tiên, sau mắc lỗi, bị đày vào cung trăng đẵn cây quế.

[14] Chân nhân: giáo phẩm Đạo giáo dành cho giáo sĩ đắc đạo thành tiên.

[15] Nam Đẩu Tinh Quân: là sáu ngôi sao về phương Nam, coi việc thọ yểu trong nhân gian (theo Đạo giáo).

[16] Ba đảo: còn gọi là Tam thần sơn, đó là 3 đảo theo truyền thuyết là nơi thần tiên ở ngoài biển khơi, gồm Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu.

[17] Mười châu: Theo sách Thập châu ký của Đông Phương Sóc thời Tây Hán, đó là 10 đảo thần tiên ở, ngoài biển khơi, trong đó có Doanh Châu.

[18] Cung Nhị Châu: chữ Hán gọi là Nhị Cung, hay Nhị Châu Cung, là nơi tiên ở (theo Đạo giáo).

[19] Thiên Thai: tên núi ở Triết Giang, tương truyền có tiên ở, do đó thường dùng chỉ cảnh tiên hay cõi tiên.

[20] Tam Thanh, Bát Cảnh như thể cũng theo cùng: nguyên văn Tam Thanh Bát Cảnh như truy tuỳ. Tam Thanh Bát Cảnh ở đây theo chúng tôi là từ ngữ của Đạo giáo. Tam Thanh là từ chỉ chung 3 cõi Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh như đã chú ở trên (chứ không phải chỉ 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh ở Lạng Sơn nước ta) và Bát Cảnh là chỉ 8 cảnh sắc đẹp (không phải chỉ 8 cảnh đẹp quanh Hồ Tây ở nước ta, hay “Tiêu tương bát cảnh” ở Trung Quốc). Câu thơ Cao Bá Quát lấy từ ý thơ Lưu Vũ Tích đời Đường: Tiên tâm tòng thử tại Dao Trì/ Tam Thanh Bát Cảnh tương truy tuỳ (Lòng tiên từ nay ở Dao Trì/ Tam Thanh Bát Cảnh cùng theo về - Tam Hương dịch lâu phục đổ).

[21] “anh bộ binh… trong bọn Trúc Lâm”: nguyên văn (Ngã thị) Trúc Lâm cùng đồ chi bộ binh, chính là Nguyễn Tịch đời Tấn, một trong “Trúc Lâm thất hiền”, tính phóng đạt, thường uống rượu say liên miên, từng xin vào làm Hiệu uý trong trại bộ binh để có dịp uống rượu ngon. 

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận Văn học, Niên san 2015

Thông tin truy cập

60516721
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8232
12997
60516721

Thành viên trực tuyến

Đang có 280 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website