Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo
Đó là nhận định của TS Trần Đăng Trung - Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG Hà Nội tại Hội thảo khoa học “Chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại” do Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG-HCM tổ chức ngày 22/12.
Theo TS Phan Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Khoa Văn Học, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQ-HCM, hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu, xu hướng tiếp cận mới về đề tài chiến tranh - đất nước - con người trong văn học và điện ảnh đương đại. Đồng thời, sự tham gia của các nhà văn, đạo diễn sẽ góp thêm những ý kiến, dự định, trăn trở sáng tạo của người cầm bút về đề tài này trong tương lai.
Chiến tranh nhìn từ văn học và điện ảnh
Tiếp cận chiến tranh từ các sáng tác thơ cách mạng trong giai đoạn 1954-1975, TS Phạm Quốc Ca - Trường ĐH Đà Lạt cho rằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong chiến đấu và sản xuất vừa là đối tượng phản ánh vừa là mục đích sáng tác của các nhà thơ trong giai đoạn này.
“Đó là thời đại anh hùng, một đi không trở lại, không thể lấy thước tấc bình thường mà đo được. Một trong những quy luật thép lúc bấy giờ là không cho phép sự phân tâm, yếu lòng. Những bài thơ như Sẹo đất của Ngô Văn Phú, Vòng trắng của Phạm Tiến Duật ngày hôm nay ta đọc lại thấy bình thường nhưng xuất hiện vào những năm 1973-1974 đã là sự kiện xôn xao. Những bài thơ bi thương về chiến tranh của Lưu Quang Vũ chỉ tồn tại trong sổ tay hoặc lưu hành trong đám bạn bè thân thiết, thực sự là ‘đồ quốc cấm’ lúc bấy giờ” - TS Phạm Quốc Ca nhấn mạnh.
Đề cập thơ đô thị miền Nam cùng thời kỳ, theo TS Phạm Quốc Ca, cái bi với những biểu hiện đa dạng là âm điệu cơ bản. Thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhạc Trịnh Công Sơn được đặt biệt yêu thích vì nó mang tâm trạng chán ghét chiến tranh của người dân miền Nam đương thời.
Ở góc độ điện ảnh, nhà phê bình Tô Hoàng phân tích phim tài liệu The Vietnam War của bộ đôi đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick với những “điểm son” nhất định, dù đây “là phim của người Mỹ” và được “lý giải theo cách của họ”. Ông đánh giá: “Với The Vietnam War, ngay từ vài ba tập đầu đã tựa như cho người xem thấy chính nghĩa thuộc bên nào? Nhân dân ở cả nông thôn lẫn thành thị phía Nam ủng hộ ai? Vì sao biện pháp gom dân vào ấp chiến lược của Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn thất bại? Lính Mỹ thật khó phân biệt đâu là dân đâu là lính ‘Việt Cộng’? ‘Việt Cộng’ tác chiến không dàn tuyến mà ‘xuất quỷ nhập thần’. Chúng ta hiểu, một cuộc chiến tranh với mục đích chính nghĩa, dựa vào dân, được dân đùm bọc, chở che mới tiến hành tác chiến như vậy được. The Vietnam War không muốn hay không gọi thành tên, nhưng chúng ta nhận ra ngay hình thái của một cuộc chiến tranh nhân dân quen thuộc”.
Thảo luận về chủ đề “Văn học và ký ức về chiến tranh Việt Nam”, TS Trần Đăng Trung nhận xét: “Những tác phẩm văn học về cuộc chiến đóng vai trò đáng kể trong việc lưu giữ và củng cố ký ức chiến tranh phổ biến. Nhưng đồng thời không ngừng khơi dậy và bổ sung vào sự ghi nhớ của cộng đồng những câu chuyện và trải nghiệm khuất lấp, thường bị bỏ qua hay lãng quên”.
Lý giải tình trạng mâu thuẫn dai dẳng giữa các nhóm người sau chiến tranh, TS Trung cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do các bên không thể thống nhất về cách cuộc chiến được ghi nhớ hay tạo lập một ký ức chung, câu chuyện chung mà các bên đều có thể đồng cảm và chấp nhận, đều cảm thấy mình là một phần ở trong đó. Ông phân tích: “Sự thiên lệch này phản ánh một phần bản chất sâu thẳm trong con người vốn luôn lấy mình làm trung tâm và hệ quy chiếu. Không chấp nhận và không khoan thứ cho kẻ địch, đó là một luật lệ nghiệt ngã của chiến tranh. Và ảnh hưởng của thái độ thù nghịch đó sẽ còn đeo bám con người rất dai dẳng ngay cả khi cuộc xung đột đã khép lại”.
Đề xuất khuynh hướng sang tác mới trong bối cảnh hiện nay, TS Trần Đăng Trung nhận định: “Một tác phẩm văn học đích thực về chiến tranh tất yếu phải là tác phẩm nói về nhân tính và mang tinh thần hòa giải, làm thuyên giảm nỗi đau cũng như sự thù hận”.
Viết để không bị lãng quên
Đại diện thế hệ cầm bút trong cuộc chiến tranh với Mỹ, nhà thơ Giang Nam cho biết, từ Đổi mới đến nay, ông rất hoan nghênh những tác phẩm đi vào lòng dân với những suy nghĩ mới. Tuy nhiên, tác giả của thi phẩm Quê hương cho rằng có những điều cần xem lại. Đơn cử, quan điểm về văn học nghệ thuật phải dám nói lên sự thật, đặc biệt là mặc tiêu cực, xấu xa của cuộc kháng chiến mà hồi chiến tranh không cho phép, quan điểm này có đúng và có sai.
“Đừng quên là cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống của cha ông đang diễn ra từng ngày. Cuộc chiến đấu ấy buộc ta phải thận trọng. Có không ít nhà văn, nhà thơ vi phạm và đã loại ra khỏi đội ngũ. Lực lượng chống đối ta ở trong nước và nước ngoài luôn tìm mọi cách mua chuộc, xuyên tạc, lôi kéo văn nghệ sĩ. Tóm lại, ‘đổi mới’, theo tôi là của những người chiến thắng, cần tìm hình thức và nội dung mới cho văn học nghệ thuật của ta. Đó không phải là vũ khí của kẻ thất bại đang tìm mọi cách để trả thù”.
Nhà thơ Giang Nam cũng bày tỏ niềm tin vào các cây bút trẻ sẽ sáng tạo những tác phẩm hay, viết về chiến tranh sâu sắc hơn, nghĩa tình hơn những cây bút từng trải qua cuộc chiến.
Chia sẻ những khó khăn khi thực hiện các bộ phim về đề tài chiến tranh, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: “Cái khó là mình có điều gì đó mới mẻ để nói với người xem không hay chỉ lặp lại những điều mà mọi người đều biết như ta là chính nghĩa, địch là phi nghĩa, ta bao giờ cũng thắng và địch bao giờ cũng thua. Nếu như vậy thì khán giả sẽ nói: ‘Biết rồi! Khổ lắm. Nói mãi!”. Họ sẽ quay lưng lại với những phim về đề tài chiến tranh, chủ yếu để kỷ niệm những ngày lễ lớn, vô cùng tốn kém mà không ai xem như chúng ta từng chứng kiến”.
Đạo diễn của Bao giờ cho đến tháng Mười cho biết thêm, các phim của ông dù làm về đề tài chiến tranh hay phim có hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Hà Nội mùa đông 46 đều không mang màu sắc tuyên truyền chính trị. Chúng chỉ nói đến số phận con người nên chạm được trái tim của mọi người. “Tôi còn nhớ năm 2010 khi chiếu phim Đừng đốt ở Trường ĐH De Anza bên Mỹ, có một thanh niên người da màu đã phát biểu trong phần giao lưu sau khi chiếu phim như sau: ‘Tôi có người anh chết trong chiến tranh ở Việt Nam. Tôi căm thù người Việt Nam. Nhưng nay xem xong phim Đừng đốt, tôi không muốn nuôi giữ lòng hận thù đó nữa” - đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Trở về từ chiến trường Campuchia, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng thế hệ cầm bút của ông viết để khẳng định mình là những người lính thế hệ mới, chỉ muốn ở bên nhau bền vai sát cánh, vì sự sống của bản thân và đồng đội. “Tôi viết như một sự giãi bày, lên tiếng về chân dung thế hệ mình. Không cường điệu, chẳng lên gân, viết như một lựa chọn không thể nào khác. Chứng kiến cuộc sống chiến đấu khốc liệt của đồng đội còn ở lại chiến trường, còn vì nhau mà chiến đấu, những trang viết của tôi vì thế thiếu đi tính hoa mỹ mà tràn đầy sự trần trụi” - tác giả của trường ca Giữa ngày và đêm bày tỏ.
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nói thêm: “Khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh giữ nước từ xa, chúng tôi nghĩ về nó và làm nó sống lại trên những trang viết của mình với sự chân thật cần thiết phải có. Bởi đó là món nợ với những mất mát lớn lao mà đồng đội đã vĩnh viễn ra đi không có ngày về hoặc trở về với những thương tật, là gánh nặng giữa đời thường. Tôi viết bởi tôi không muốn thế hệ lính của mình bị lãng quên trong cuộc chiến”.
Nguồn: Bản tin ĐHQG-HCM số 191-192 - 2019