Trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, những hình ảnh, biểu tượng về thế giới tâm linh, tôn giáo xuất hiện nhiều, một phần thể hiện sự sùng bái, một phần lại thể hiện sự giễu nhại.
Niềm tin vào thế giới tâm linh thể hiện đầu tiên ở việc Vũ Trọng Phụng chọn bút danh cho mình là Thiên Hư. Thiên Hư là một ngôi sao trong tử vi phương Đông, nghĩa là một nơi hư không ở trên trời. Nhiều bạn văn khẳng định Vũ Trọng Phụng là người biết xem tướng và lấy lá số tử vi rất thạo. Đọc các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, thấy ông thường dùng tử vi để dẫn dắt câu chuyện. Nhà văn thể hiện một sự tin tưởng say mê vào khoa lí số. Trong tác phẩm Số đỏ, lá số tử vi của Xuân là chìa khóa mở ra toàn bộ câu chuyện. Ông thầy số xem cho Xuân Tóc Đỏ đã chỉ ra những sự kiện mà về sau gần như ứng toàn bộ vào cuộc đời Xuân (Khốc Hư tí ngọ cư quan/ Tiếng tăm dậy khắp giang san một thì). Vũ Trọng Phụng cũng đã để cho nhiều sự kiện quan trọng trong tác phẩm Giông tố ứng với những lá số. Thậm chí, những ảnh hưởng của tử vi lí số và quan niệm tâm linh thể hiện ngay trong nhan đề các tác phẩm của ông như Số đỏ, Trúng số độc đắc, Giông tố, Bởi không duyên kiếp… Đặc biệt, trong việc giải quyết những xung đột nội tâm về tình cảm, Vũ Trọng Phụng càng hay sử dụng các quan niệm về duyên kiếp, số mệnh. Truyện ngắn Lấy vợ xấu có hẳn một luận đề: Người ta lấy vợ lấy chồng đều có số cả, số lấy phải vợ xấu thì cũng không tránh được. Với cuốn tiểu thuyết Dứt tình (1934) hay Bởi không duyên kiếp, báo Đuốc Nhà Nam có nhận xét: “Sự dứt tình đó - theo tác giả - chỉ là “Bởi không duyên kiếp” […]. Tác giả tin rằng ở ngoài cuộc đời, có một sức mạnh rất màu nhiệm thiêng liêng cầm quyền sinh sát mọi người. Sức mạnh đó là “duyên kiếp” hay là “định mệnh” (fatalité). Chính sức mạnh đó đã chi phối tới lũ người đang vùng vẫy và đang gây nên những tội lỗi đáng thương”. Nếu như ở giai đoạn đầu sáng tác, những yếu tố về định mệnh mới chỉ xuất hiện thưa thớt thì ở giai đoạn sau chiếm vị trí lớn và vai trò quan trọng trong sáng tác của nhà văn. Đặc biệt, trong các tác phẩm lớn, yếu tố định mệnh càng chi phối một cách sâu sắc, thậm chí đóng vai trò lời chỉ dẫn như trong Số đỏ, Trúng số độc đắc hay Giông tố. Trong Số đỏ, sự sắp xếp cho số phận thường xuyên gặp may mắn của nhân vật Xuân và sự xuất hiện nhiều lần hình ảnh của ông thầy bói chứng tỏ nhà văn cố gắng giải thích những hiện tượng ngẫu nhiên và những điều không thể đoán trước trong cuộc sống bằng những điềm báo và tiên đoán tướng học.
Nếu như trong Trúng số độc đắc, Số đỏ, sự xuất hiện của một ông thầy tướng số đã mở ra không gian truyện thì trong Giông tố, một loạt nhân vật đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng số mệnh. Khi Mịch bị Nghị Hách hiếp, ông thầy tướng đã phán cho Mịch một câu mà sau này vận vào cả cuộc đời của Mịch: Quan Phù, Thái Thuế long đong/ Tháng ngày chờ đợi cửa công mỏi mòn; và Sao Thai mà ngộ Đào Hoa/ Tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng. Hầu hết những quẻ bói xuất hiện trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng đều ứng với số phận của nhân vật. Thị Mịch sau khi tự tử và đấu tranh không thành đành chấp nhận số phận với suy nghĩ “Mịch tin rằng người ta có số mệnh, và cái số kiếp của Mịch đã như thế thì Mịch không thể cưỡng lại trời được nữa”. Mịch là một cô gái quê ít hiểu biết, có niềm tin mù quáng vào số phận là điều dễ hiểu. Nhưng Hải Vân - một nhân vật kẻ sĩ trí thức, thể hiện tư tưởng của tác giả, cũng là nhân vật tin vào mệnh trời và là người “lấy lá số tử vi rất thạo”. Hải Vân giải thích cuộc đời hoàn toàn do số phận: “Hầu như trong đời vẫn có một sức mạnh huyền bí gì đó, vẫn cầm quyền cuộc đời, đến nỗi không còn ai lại tự chủ nữa”; “Cuộc đời là trò chơi quái đản, bất tận của Hoàng thiên”; “Không ai đáng phục, không ai đáng khinh. Số mệnh xui khiến cả”- Những cặp phạm trù cuộc đời - số mệnh - tạo hóa - ông trời… cũng xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng - “Sống là mạo hiểm, là đánh xóc đĩa với tạo hóa”.
Không chỉ dùng quan niệm định mệnh để lí giải số phận con người, Vũ Trọng Phụng còn táo bạo dùng nó để giải thích cả nạn mại dâm: “Nạn ấy lại có tính chất số kiếp nữa, và nó đè ép số mệnh chúng ta bằng một mối sầu chua chát lạ thường. Cái số mệnh của con người ta ở đời là như thế…” (Lục xì). Nạn mại dâm mà cũng do số kiếp thì quả là một lí giải có phần tiêu cực và quá tin vào số mệnh của nhà văn. Đúng là trong văn hóa Việt, cái ngẫu nhiên thường được giải thích theo tư tưởng định mệnh. Trong hoàn cảnh xã hội đảo điên, cái ngẫu nhiên càng dễ xảy đến, con người không được ổn định về hoàn cảnh sống, dẫn đến những thay đổi về số phận. Nhiều bất trắc trong cuộc sống xảy đến mà con người không thể lí giải được, đành đổ lỗi cho số phận, định mệnh: “Sự đời là như thế, bao giờ cũng có cái sự gì xảy ra để cho người ta đang sướng hóa ra khổ, hoặc khổ rồi thì lại phải khổ hơn trước nữa” (Giông tố). Thậm chí có những việc do bản thân gây ra cũng đổ lỗi cho số phận, cho ông Trời. Tư tưởng số mệnh đã chi phối rất lớn đến kết cấu và những sự kiện xảy ra trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Ở cấp độ kết cấu, cốt truyện, ở cách sắp đặt những mối quan hệ giữa các nhân vật và số phận của chúng, tác phẩm của Vũ Trọng Phụng thường bị chi phối mạnh mẽ bởi triết lí định mệnh chủ nghĩa”. Những yếu tố bất ngờ thường xuyên xảy đến trong cuộc đời của các nhân vật và đẩy số phận của họ thay đổi theo. Trong Trúng số độc đắc, một anh chàng tình cờ được mẹ trông hàng giúp, một thiếu nữ tình cờ đến mua hàng, ba tháng sau gia đình hỏi cưới cô ta làm vợ anh và anh ta cũng đồng ý. Chính những sự việc tình cờ tưởng như nhỏ bé đó lại có quyết định quan trọng đối với cuộc đời con người. Vũ Trọng Phụng phải thốt lên rằng: “Ôi! Một việc cỏn con tưởng chừng như vô nghĩa lí vậy mà có thể ảnh hưởng rất to tát đến mức có thể xoay đổi cả cuộc đời con người ta! Một chuyến đò, một sự nhỡ giờ tàu, những điều vụn vặt ấy chính ra mà lại là hệ trọng vô cùng, và dám chắc đó là những cái huyền bí mà tạo hóa muốn an bài cho thế nhân” (Trúng số độc đắc).
Các nhân vật của Vũ Trọng Phụng đều quay cuồng trong số phận và sự sắp đặt của tạo hóa, thể hiện cảm giác bất lực trước giông tố cuộc đời. Việc Vũ Trọng Phụng thường xuyên dùng số mệnh để lí giải cuộc đời các nhân vật cho thấy rõ sự bế tắc trong cuộc sống và những vấn đề trong tâm lí của ông. Tuy nhiên, nhiều lúc ông lại thể hiện sự bất mãn, sự mất niềm tin vào thế giới tâm linh. Thường thì vào những thời điểm mà nhân vật bế tắc không thể giải quyết được, Vũ Trọng Phụng để cho họ quay lại nhạo báng Trời, Phật, thánh thần như sự buông xuôi của số phận.
Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, sự thể hiện về thế giới tâm linh không hề nhất quán. Rõ ràng Vũ Trọng Phụng là người rất tin vào thuyết số mệnh, nhưng trong nhiều tác phẩm, ông vẫn bộc lộ một thái độ nhạo báng. Những câu chửi Trời, nhạo báng Phật xuất hiện không ít lần trong sáng tác của nhà văn, ngay cả những tác phẩm có tư tưởng ngợi ca tâm linh, như Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc… Vũ Trọng Phụng đã đặt Trời, Phật vào một góc nhìn mới. Xã hội thay đổi khiến đồng tiền, quyền lực có một sức mạnh như Trời, như Phật: “Thời buổi tối tân này, Phật mà không biết tiến hóa theo văn minh thì cũng chết nhăn răng ra” (Số đỏ); “Chỉ có đồng tiền là Giời là Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó thì mới sống được” (Không một tiếng vang). Thậm chí đã có lúc con người chán nản nhìn cảnh đời mà nghi ngờ: “Giời, Phật, có làm gì hở? Có phải chỉ để làm bù nhìn mặc cho loài người chúng nó ăn thịt nhau” (Không một tiếng vang). Có những kẻ bất mãn trong cuộc sống tìm đến thế giới tâm linh như một sự an ủi, nhưng cũng có lúc, trong hoàn cảnh bế tắc, họ quay lại nhạo báng những gì mình đã tin tưởng. Đó là một quy luật của tâm lí con người, nhưng không phải ai cũng dám thể hiện điều đó. Sự chối bỏ, nhạo báng thế giới tâm linh thường bị cho là tội lỗi. Vậy mà Vũ Trọng Phụng để cho nhân vật Phú trong Vỡ đê chửi “Tiên sư cả Trời!”. Một khi cuộc sống quá nhiều đau khổ, người ta chẳng còn nghĩ được điều gì hơn thực tại đang diễn ra trước mắt. Mịch trong Giông tố dù rất tin tưởng ở số mệnh nhưng cũng có lúc chửi Trời là “những đồ thong manh”. Phúc trong Trúng số độc đắc dù đã thầm cảm ơn số phận cho mình may mắn được trúng số nhưng cũng có lúc khẳng định “Khi thất thế thì đất nặn nên Bụt”. Về điều này, Vũ Trọng Phụng muốn khẳng định thực tế trong thời buổi xã hội loạn lạc, tiền và quyền lực chiếm vị trí thứ nhất, mọi giá trị tưởng như tôn nghiêm trước đây đều bị hạ bệ một cách thê thảm: “Giời, Phật nào bây giờ? Làm gì có Giời, làm gì có Phật nào bây giờ? Ăn ở hiền hậu mà cứ vận hạn mãi… Đến thế mà còn tin được Giời, Phật nữa à? Có Giời có Phật mà đến thế à? Không có Giời, Phật nào cả. Hoặc có Giời, có Phật nhưng Giời, Phật không đủ quyền phép thiêng liêng, không công minh, không đáng cho ai kính thờ!...”.
Sự xuất hiện của báo Gõ Mõ trong Số đỏ một lần nữa cho thấy sự giải huyền thoại trong cái nhìn về nhà Phật. Sư thầy cũng ham hố tranh giành quyền lợi như người thường, thậm chí hơn cả người thường. Nếu như trong văn học trung đại, hình ảnh những sư thầy trong các bài thơ thiền thể hiện một sự tĩnh tại tuyệt đối trong thế giới tinh thần thì sư thầy trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng lại quá nhiều ham muốn, dục vọng. Sư cũng đi hát cô đầu. Sư Tăng Phú được miêu tả với một vẻ ngoài rất phong tình: “Ông này cũng tân thời Âu hóa theo văn minh vì ông có ba cái răng vàng trong mồm, cái áo lụa Thượng Hải nhuộm nâu, đi đôi dép cao su và nhất là đẹp giai lắm, trông phong tình lắm”. Những gì mà Vũ Trọng Phụng phản ánh trước đây hàng thế kỉ thì bây giờ đúng với thực tế. Các sư chùa chân chính ngày càng ít, những người mang danh nghĩa nhà sư để tư lợi ngày càng nhiều. Công cuộc làm ăn giữa Xuân Tóc Đỏ và sư Tăng Phú được cho là đoạn mỉa mai nhất trong cái nhìn về nhà Phật: Xuân muốn được trả “năm mươi phần trăm” khi đồng ý quảng cáo cho tờ Gõ Mõ nhưng sư Tăng Phú chỉ trả “ba mươi phần trăm”. Sự trao đổi làm ăn cho thấy rõ sự biến chất của những kẻ dựa hơi nhà Phật: “Ấy ngài đừng tính đắt với Phật mà phải tội”; “Ấy ngài chớ trả rẻ nhà chùa mà phải tội”. Những kẻ đại diện cho Giời Phật đó đã biến thần linh thành phàm tục để kiếm lợi cho cá nhân. Hình ảnh Em Chã - đứa con cầu tự ở chùa Hương của bà Phó Đoan tiếp tục là một sự mỉa mai trong quan niệm về tâm linh. Bà Phó Đoan tôn sùng con như Giời Phật. Chính vì sự tôn sùng đó mà cậu bé được phỉnh nịnh, ăn uống quá đủ đầy, chiều chuộng vô độ dẫn đến sự phát triển sớm về thể xác một cách lệch lạc. Những hình ảnh về cậu con cầu tự cởi truồng nhong nhong trên lưng vú em đã cho thấy sự dâm dục quá sớm ở một đứa trẻ mười một tuổi. Chính Xuân Tóc Đỏ đã lên tiếng: “Dù là con Giời con Phật thì cũng có thể dâm như mọi người, có khi lại hơn mọi người!”. Đám giai nhân trong nhà thì bàn tán về cậu bé: “Ghê chưa! Chết nỗi! Mặt mũi thằng bé như con Giời, con Phật, ai ngờ hư hỏng sớm thế!”. Chứng kiến sự phỉnh nịnh thái quá đối với thể xác của cậu con cầu tự, Xuân Tóc Đỏ đã chửi thề: “Mẹ kiếp, con Giời với lại chả con Phật”… Thế giới tâm linh đã bị hoen ố bởi vật chất, bởi cách sống thành thị Âu hóa nửa mùa. Sự tiếp biến văn hóa một cách khiên cưỡng khiến xã hội đảo điên dẫn đến hệ lụy là một nền văn hóa lai căng Tây Tàu lẫn lộn, và thế giới tâm linh không còn giữ được bản chất thiêng liêng của nó. Đỗ Minh Hợp trong cuốn Tôn giáo học nhập môn cho rằng, hầu hết các giá trị văn hóa tôn giáo đều xuất phát từ nông thôn chứ không phải thành thị. Khi con người bị cái bả vật chất cám dỗ thì những giá trị về văn hóa tinh thần đều bị tiêu trừ. Các nhân vật trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, hầu hết đều tha hóa về tinh thần từ khi dư thừa về vật chất hoặc từ khi di chuyển lên thành phố. Quan niệm về thế giới tâm linh cũng biến chuyển theo quy luật này. Dù đã cố gắng để vượt lên số phận nhưng họ luôn bị đẩy vào những tình thế bế tắc hoàn toàn. Trong hoàn cảnh đó, không còn niềm tin vào bất cứ một giá trị nào, các nhân vật quay lại nhạo báng toàn bộ những điều mình đã từng tin tưởng. Vật chất đã biến số phận và cuộc đời con người thành trò hề của tạo hóa.
Thế giới tâm linh luôn là nơi trú ngụ bình an của tâm hồn mỗi khi con người gặp bất trắc. Thế nhưng, những tiếp biến văn hóa nhố nhăng đã khiến mọi giá trị thành lệch chuẩn, kể cả thế giới tâm linh tưởng như là chốn linh thiêng không thể chạm tới. Trong thế nước đôi ấy, nhận xét của Hoàng Cầm thật xác đáng: “Có lẽ Vũ Trọng Phụng trong tư tưởng, tin ở số mệnh nhưng trên tác phẩm thì lại chứng minh: số mệnh chính là cái thượng tầng đểu cáng, vô sỉ của xã hội thực dân, mại bản” (Nhớ Vũ Trọng Phụng)
V.T.T.
Nguồn: Văn nghệ quân đội, ngày 18.4.2019.