Người nhà Vũ Trọng Phụng bị oan?

TP - Mấy ngày qua, người yêu văn học trong nước không khỏi bất ngờ và tiếc nuối trước thông tin nhà lưu niệm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng đã không còn nữa. Nó đã thuộc về người chủ mới và những hiện vật quí ghi dấu ấn một đời cầm bút của tác giả “Số đỏ” cũng không còn… Thực, hư ra sao?

20191028 VTP

Trong nghĩa trang, mộ của nhà văn nổi tiếng nằm ở vị trí trang trọng Ảnh: N.H.D

Không vào bảo tàng sẽ ra... đồng nát?

Trước khi tìm đến nhà lưu niệm và mộ phần của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi kết nối với nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Anh cho biết: Trước đây, mọi việc gìn giữ và bảo tồn di sản văn học của Vũ Trọng Phụng đều do người con duy nhất của cố nhà văn đảm đương, bà Vũ Mỵ Hằng. Sau này, bà Hằng khuất núi, công việc được chuyển giao cho chồng là ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể của nhà văn. “Khi ông Nghiêm Xuân Sơn mất đi, tôi không còn manh mối nào nữa”, nhà phê bình nói. Ngay khi đọc thông tin của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân qua mạng xã hội facebook phản ánh tình trạng nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng, Phạm Xuân Nguyên vừa từ Hà Tĩnh ra đã tức tốc “thị sát tình hình”: “Đến nhà lưu niệm, tôi bấm chuông 30 phút không có ai ra mở cổng, nhòm vào trong tôi vẫn thấy cái nhà lưu niệm nhưng cửa đóng im ỉm”. Nhà phê bình buồn bã ra về. Chúng tôi hỏi Phạm Xuân Nguyên: “Theo anh, những hiện vật quí trong nhà lưu niệm sẽ trôi về đâu?”. Nhà phê bình đáp: “Nếu không vào bảo tàng thì… ra đồng nát. Chứ còn về đâu?”.

Tôi kết nối điện thoại với Phó giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam, ông Lê Quang Sinh. Ông Quang Sinh cho biết, mấy ngày qua không hề nghe tin tức gì về nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng. Bảo tàng Văn học Việt Nam cũng không liên quan gì tới nhà lưu niệm của tác giả “Số đỏ”, không có chuyện bán mua hay trao tặng hiện vật liên quan đến cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Lẽ nào?

Sang tên, đổi chủ, nhà lưu niệm bị phá, mộ phần buộc phải di dời?

Tôi quyết định lên đường tìm hiểu và mời nhà thơ Lương Ngọc An, đồng hành. Hà Nội đã thay đổi nhiều, đường làng giờ đã thành đường phố, trong làng nhà cửa mọc san sát, khiến thi sĩ đi cùng tôi thở dài: “Nhà Vũ Trọng Phụng rộng thế, thời buổi này muốn giữ cũng khó. 300 m2 có thể xây biệt thự rồi”. Chúng tôi đến rất gần nhà lưu niệm, song Lương Ngọc An không thể xác định chính xác vị trí, dù trước đây anh đã ghé thăm địa chỉ văn chương này. Tôi dừng lại vài lần hỏi người bán hàng ven đường, họ đều nhiệt tình chỉ giúp. Người cuối cùng còn chỉ rõ: “Anh chị đến gần quán bán phở sẽ thấy nhà lưu niệm”.

Một thoáng buồn khi trước cổng hiện lên tấm biển xanh đề tên một công ty nào đó. Nhà lưu niệm đã trở thành trụ sở công ty tư nhân? Thật khó tin. Tôi bấm chuông, không ai ra mở cổng, chỉ có tiếng chó sủa liên hồi. Nhòm qua một ô nhỏ trên cổng tôi  thấy nhà lưu niệm vẫn mở cửa, soi vào trong thấy chiếc tủ kính vẫn trưng bày một vài món đồ vật (chẳng biết có phải hiện vật liên quan sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng?).  Tôi gọi Lương Ngọc An cùng nhòm vào trong. Hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam xác nhận: Vẫn là nhà lưu niệm xưa. Nhưng những ngôi mộ trong vườn nhà đã được di dời.

Chúng tôi tìm đến nghĩa trang Quán Dền - Nhân Chính- Hà Nội và gặp hai người đàn ông, một trong số đó hình như  có nhiệm vụ trông coi nghĩa trang. Người này kể: “Cuối năm vừa rồi, gia đình chuyển về đây 5, 6 cái mộ, nhưng mộ của cụ Vũ Trọng Phụng được đặt ở trung tâm, bởi cụ là danh nhân văn hóa. 4, 5 cái thì ở kia”, ông chỉ tay ra đằng xa. Tôi hỏi: “Người nhà cụ Vũ Trọng Phụng có thường xuyên đến đây hương nhang không?”. Vị này đáp: “Có chứ. Rằm, mồng một nào cũng có cháu ông ấy, nếu không nhầm là cháu ngoại, đến thắp hương”. Tôi hỏi tiếp: “Tại sao những ngôi mộ trước đây nằm trong vườn nhà bây giờ lại ra nghĩa trang, ông có biết không?”. Người đàn ông chép miệng: “Mảnh đất họ bán rồi còn gì. Bán chỗ thì chuyển mộ. Nhà lưu niệm cũng phá hết, xây nhà khác, chủ khác  mua rồi”. Tôi dừng câu chuyện tại đây và quyết định quay trở lại nơi nhà văn Vũ Trọng Phụng từng sống, bởi nhận ra, người đàn ông chăm sóc nghĩa trang, tuy cởi mở song nắm vấn đề không thật chính xác, rõ ràng nhà lưu niệm vẫn còn, tại sao  lại nói đã đập đi, đã xây nhà mới?

Mọi hiện vật trước ra sao, nay vẫn vậy?

Tôi lại đứng trước cổng nhà lưu niệm, lại bấm chuông và chờ đợi trong tiếng chó sủa. Cổng vẫn im lìm. Nhìn lên tấm biển công ty, tôi tìm được một số điện thoại, liền gọi ngay: “Tôi muốn hỏi, trong công ty này có nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng phải không?”. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông nền nã đáp lại: “Vâng, đúng rồi”. “Anh có thể mở cổng cho tôi thăm nhà lưu niệm được không? Tôi đang đứng trước cổng công ty”, tôi nói. Người đàn ông đáp: “Hiện tại nhà tôi không có ai ở nhà”. Tôi hỏi thẳng: “Tôi nghe dư luận nói, nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng đã thay tên đổi chủ, phải không anh?”. Phản ứng của người đàn ông: “Chẳng biết chị nghe thông tin ở đâu, sang nhượng như nào? Nhà lưu niệm có phá gì đâu? Đây vẫn là nhà tôi”.

10 phút sau, tôi  gọi điện lại cho người khẳng định “nhà lưu niệm là nhà tôi”: “Anh à, vậy anh là người nhà của nhà văn Vũ Trọng Phụng?”. Bỗng nhiên khoảng cách giữa chúng tôi xích lại gần: “Vâng, đúng rồi. Tôi là cháu ngoại”. Anh cho biết, sổ đỏ của khu nhà và đất này đứng tên 3 người, gồm hai người dì của anh có tên Nghiêm Thị Hằng Phương, Nghiêm Thị Hằng Nga và anh, Nguyễn Thanh Tú. Các dì của anh đang ở Sài Gòn, hiện nay khu nhà chỉ có anh và vợ anh sống. Vợ anh đang mang bầu. Anh đang đi làm, ở nhà chỉ có vợ, vợ anh mệt nên không muốn tiếp ai. Có một chút nghi ngờ trong tôi, vì trong trí nhớ của tôi, bà Vũ Mỵ Hằng, con gái của nhà văn Vũ Trọng Phụng, có một người con tên gái thứ tên Ngọc, chính người con gái thứ này được giao trách nhiệm trông nom gia tài của ông ngoại. Chị Ngọc giờ ở đâu? Tôi cũng được biết nhà văn Vũ Trọng Phụng còn có một chắt tên Hiệp, anh là một lái tàu. Anh Hiệp giờ ở đâu? Anh Thanh Tú giúp tôi giải tỏa thắc mắc: Dì tôi, Nghiêm Thị Hằng Nga ở nhà gọi là Ngọc. Còn tôi là anh trai của Hiệp. Trước đây, chị Hằng Nga (tức Ngọc) và “chắt” Hiệp từng ở đây, chăm chút di sản văn học của nhà văn để lại. Còn nay, chỉ có anh Tú và vợ anh ở ngôi nhà này. Phải chăng, vì thế một số người tưởng nhà lưu niệm đã “sang tên đổi chủ”?

“Anh có trăn trở cần làm gì đó để nhà lưu niệm thực sự thành một địa chỉ văn hóa?”. Anh Thanh Tú nói: “Giai đoạn này có mỗi mình ở đây, vợ mình đang bầu bí nên mình chưa nghĩ tới chuyện đó được”. Về hiện vật của nhà lưu niệm anh Tú khẳng định: Mọi hiện vật trước đây thế nào giờ vẫn vậy.  Anh mời chúng tôi tới thăm nhà lưu niệm vào thứ 7, chủ nhật tuần tới, bởi cuối tuần này anh bận đưa vợ đi khám. Chúng tôi sẽ trở lại nhà lưu niệm theo lời mời của anh và sẽ rõ hơn, nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng thực sự hiện hữu hay chỉ còn... xác nhà? Còn câu chuyện di dời các ngôi mộ ra nghĩa trang, theo anh Tú, xuất phát từ ý nguyện của cả gia đình. Theo chúng tôi, di dời mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng ra nghĩa trang là điều nên làm, mộ ngay giữa vườn nhà, khu vườn ấy lại nằm trong quần thể dân cư đông đúc. Tại nghĩa trang, mộ của nhà văn nằm ở vị trí trang trọng nhất.

Khát vọng song cũng đành “bó tay”

Hội Nhà văn Việt Nam có quan tâm đến nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng nói riêng, nhà lưu niệm của các nhà văn nổi tiếng đã khuất nói chung? Hội đã, đang và sẽ làm gì để cùng với gia đình của người đã khuất biến nơi đây thành những địa chỉ văn hóa? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Hội Nhà văn mong muốn tạo ra một đời sống văn hóa từ tác phẩm và từ tác giả, những người đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam. Không chỉ Vũ Trọng Phụng mà nhiều nhà văn, nhà thơ danh tiếng khác của các thời đại trôi qua. Nhưng cần chiến lược và cần ngân sách cho chiến lược ấy, mới thực hiện được khát vọng này. Những người như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và nhiều nhà văn khác, đáng lẽ phải tạo ra không gian của họ. Có khi không gian rất đơn giản như một bức tượng trong công viên chẳng hạn. Ở đây, vai trò của Hội Nhà văn chưa đủ, cần chiến lược của Nhà nước”. Ông kể thêm: “Vừa rồi, Bảo tàng Hội Nhà văn làm khu tượng của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi của những thời kỳ văn học trước, còn các nhà văn, nhà thơ hiện đại như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng... chưa làm được. Nhiều cái khó, nhất là ngân sách”.

Như vậy, nhà lưu niệm ra đời, tồn tại và phát huy giá trị ra sao, thuộc về gia đình của cố nhà văn. Nhà lưu niệm lớn hay nhỏ không căn cứ vào tên tuổi, tầm vóc trên văn đàn  của người đã khuất, mà phụ thuộc vào tấm lòng cũng như khả năng tài chính của người thân của họ.  Giới văn chương đồn, nhà lưu niệm của nhà thơ Nguyễn Phan Hách mới ra đời, rất đàng hoàng và đầy đủ hiện vật. Nhà phê bình Ngô Thảo cũng đang nỗ lực cùng với người thân của thi sĩ Thu Bồn hoàn thành nhà lưu niệm cho ông. Trăn trở của Ngô Thảo: “Làm không khó... Duy trì, bảo dưỡng và có người xem mới khó. Nhà lưu niệm không phải miếu thờ”. Khi Bảo tàng Hội Nhà văn nói riêng, các bảo tàng khắp nơi nói chung, còn ít người ghé đến thì nhà lưu niệm của một tác giả nổi tiếng, nguy cơ biến thành... miếu thờ không phải không có khả năng xảy ra.

Một góc nhà lưu niệm (ảnh chụp từ ô trống nhỏ trên cổng)

NÔNG HỒNG DIỆU

Nguồn: Tiền phong, ngày 27.10.2019.

Thông tin truy cập

60531345
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12838
10018
60531345

Thành viên trực tuyến

Đang có 381 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website