Cho dù vai trò của người đọc được đề cao trong việc thông diễn tác phẩm, và dù rằng đã có tuyên bố nhấn mạnh "cái chết của tác giả", tác giả vẫn hiện hữu trong văn bản và không bao giờ phải chấp nhận một cái chết hoàn toàn tuyệt đối. Việc phát hiện ra tác giả của một tác phẩm từ lâu bị xem là khuyết danh, hay việc nhầm lẫn tác giả, hay việc nhận chân được tác giả thực sự của một văn bản được viết dưới một bút danh nào - tất cả đều đòi hỏi phải có cách đọc mới, trong đó những hiểu biết về tác giả đích thực sẽ đóng một vai trò quan trọng và tích cực trong diễn giải. Vừa đi đường, vừa kể chuyện (từ đây, gọi tắt là Vừa đi đường) trong khoảng gần 5 thập niên (1961-2009) vẫn được biết đến như một ký sự của tác giả T. Lan ghi theo lời kể của Hồ Chủ tịch. Phải đến năm 2009, việc Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Thế giới chính thức công bố những tư liệu quý cùng với bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này, ghi rõ tên tác giả là Hồ Chí Minh (T. Lan) đã đặt ra một loạt vấn đề cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là giới nghiên cứu văn học. Trước hết là vấn đề thể loại: cách đọc tác phẩm này như một ký sự rõ ràng không còn thích hợp nữa. Nên chăng tác phẩm này nên được đọc như một tự truyện, hay như một thể loại phức hợp nào đó? Với hiện trạng các bản thảo của sách vẫn đang được bảo tồn tốt, các vấn đề văn bản học của tác phẩm cũng cần được xem xét kỹ càng để thấy được những quá trình biên thuật và biên tập nghiêm túc và cẩn trọng với định hướng rõ ràng. Nhận diện được bản chất thể loại và các vấn đề văn bản là cơ sở để tìm hiểu và diễn giải tác phẩm theo những góc độ mới. Dựa trên những tư liệu đã được chính thức công bố hiện nay, bài viết thử đọc lại Vừa đi đường từ một góc nhìn mới của thể tự truyện. Sau khi khởi đầu với một lược khảo về những thay đổi căn bản trong các bản thảo, người viết nhìn lại bối cảnh chính trị - xã hội của tác phẩm, cũng như tìm hiểu hoàn cảnh thời gian tự sự của sách đã xác lập những tiền đề gì cho việc kể chuyện. Một số vấn đề lý thuyết căn bản của tự truyện, đặc biệt là tự truyện thuật ở ngôi thứ ba, sẽ được giới thiệu nhằm tạo cơ sở cho việc tìm hiểu Vừa đi đường. Tác phẩm này sẽ được đặt trong một mạng văn bản liên kết để làm rõ những nét chung và tính đặc thù của văn bản này. Cuối cùng, bài viết chọn đọc một vài mẩu chuyện trong Vừa đi đường từ góc độ tự truyện như những viên gạch lát thử nghiệm sơ bộ trên con đường nghiên cứu còn dài, hứa hẹn nhiều điều bất ngờ và lý thú đang trải ra trước mặt.
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ
Cho đến gần đây, các bản in Vừa đi đường vẫn xem tập sách của tác giả T. Lan được xuất bản lần đầu vào năm 1963 [29, 5], mà thường không nhắc đến việc tác phẩm này đã được công bố trước đó tổng cộng 13 kỳ trên báo Nhân Dân vào năm 1961. Bản đăng trên báo Nhân Dân sau được in lại chính xác trong sách của Nxb. Sự thật năm 1963. [15, 12 và 13].[1] Năm 2009, nhân Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ đăng ký Vừa đi đường của tác giả Hồ Chí Minh (từ đây, viết tắt HCM với tư cách là tác giả của sách) làm Di sản Tư liệu Thế giới với UNESCO, nhiều thông tin văn bản của tác phẩm này được tiết lộ đến công chúng. [23][2] Cũng trong năm này, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nxb. Thế Giới ấn hành sách Stories Told on the Trail do Lady Borton dịch sang tiếng Anh và được Trịnh Ngọc Thái biên tập (từ đây, gọi tắt là Stories) [15].[3] Năm 2013, sách được tái bản với một số nội dung mới: bài tựa “A Rare and Precious Book” (Một tập sách hiếm và quý)[4] của Lady Borton có thêm nhiều chi tiết mới được đưa vào, và cũng theo bài này, “Bản in lại năm 2013 này bao gồm các hình ảnh bổ sung về những bản thảo gốc của HCM”. [16, 11].[5]
Sách Stories cho biết tác phẩm Vừa đi đường được viết trong hơn 5 tháng, từ 7/2 đến 15/7 năm 1961. Đầu tiên, bản thảo được viết tay trên mặt sau còn trắng của bản tin Bộ Ngoại giao. Bản thảo thứ hai được tác giả đánh máy cũng trên mặt sau của những trang bản tin, những tờ lịch cũ, và các tài liệu khác. Sau khi đánh máy xong bản thảo này, tác giả thường vò nát và xé nhỏ bản thảo viết tay. Thư ký riêng của ông và các nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch đã thu nhặt và giữ lại bản thảo này. Nhân viên Phủ Chủ tịch đánh máy bản thảo lần 3 (và cũng là bản thảo cuối) trên giấy mới để gửi đến báo Nhân Dân; chính tay tác giả sửa chữa bản đánh máy này trước khi gửi đi. [16, 8][6] Phải nói rằng hai ấn bản năm 2009 và 2013 của sách Stories với ảnh chụp các trang bản thảo là tài liệu quý, cho phép hiểu thêm rất nhiều điều về quyển Vừa đi đường. Những tài liệu quý như thế lẽ ra phải được phát hành đến tay bạn đọc trong nước trước bằng tiếng Việt để tiện việc tìm hiểu, nghiên cứu.
Theo những tập bản thảo hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, sách Vừa đi đường nguyên có tựa là Ăn cơm mới, nói chuyện cũ. Đây là một thành ngữ thông dụng trong dân gian, ở đó, cơm mới là chỉ gạo mới từ vụ mùa vừa thu hoạch, liên quan đến tục cúng cơm mới vào dịp đầu năm nơi thôn làng Việt. Cơm mới còn là thời điểm hiện tại, thường tốt hơn so với thời kỳ khó khăn của những câu chuyện cũ được kể lại. “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” là dịp hồi tưởng, đứng chân ở hiện thời mà kiểm điểm quá vãng, để từ đó lạc quan hơn với những gì đang có và hiểu hơn những gì đã qua từ góc độ đương thời.[7] Thành ngữ này cũng hàm nghĩa hồi cố quá khứ để rút ra những bài học cho hiện tại. Bản thảo đầu tiên do HCM viết tay và bản thảo lần thứ hai do chính ông đánh máy, sửa chữa bằng bút đỏ đều có tựa đề Ăn cơm mới, nói chuyện cũ. Chỉ đến bản thảo lần ba do nhân viên Phủ Chủ tịch đánh máy, tựa đề này mới bị gạch bỏ, và được HCM tự tay viết thêm tựa mới là Vừa đi đường, vừa kể chuyện. Đây chính là bản thảo được đưa in trên báo Nhân Dân, và sau khi in xong, báo Nhân Dân đã gửi trả lại bản thảo này cho Văn phòng Chủ tịch lưu giữ [16, 14-15]. Hiện vẫn chưa rõ vì sao có sự thay đổi về tựa đề như trên, nhưng tựa đề mới miêu tả một sự vận động về đích (vừa đi đường), diễn ra cùng lúc với một hành động tự sự có tính động viên, khích lệ (vừa kể chuyện).
Một thay đổi đặc biệt quan trọng khác về mặt văn bản chính là việc thêm tên tác giả “T. Lan” vào bản thảo. Bản thảo viết tay đầu tiên không có tên tác giả, nhưng ở bản thảo đánh máy thứ hai, HCM đã viết thêm bút danh “T. Lan” vào bằng bút đỏ. “T. Lan” là một trong gần 170 tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tập và xác nhận. Cần nhắc thêm rằng, trong năm 1960, Hồ Chí Minh đã dùng hai bút danh khác nhau “Giăng Pho” và “Tuyết Lan” trong cùng một bài: “Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh Tuyết Lan trong bài ‘Ba chai rượu sâm banh’, đăng trên báo Nhân Dân, số 2331, ngày 27/04/1960. Dưới hình thức dịch lại bức thư của một công nhân tên là Giăng Pho [Jean Fort], ở Angiêri gửi cho tác giả nói về tình cảm của một người bạn quốc tế đối với Nguyễn Ái Quốc thời kỳ ở Pari và những năm sau này.” Như vậy, “T. Lan” cũng có thể là bút danh ký tắt của “Tuyết Lan”. “T. Lan” được dùng trong năm 1961: đó là “[b]út danh Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khi viết tác phẩm Vừa đi đường vừa kể chuyện, đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân, tháng 5/1961 và một bài báo khác nhan đề ‘Bác ăn Tết với chúng tôi’, đăng báo Nhân Dân, ngày 14/02/1961.” [3]. Lady Borton tiết lộ rằng, “Chỉ có ba hay bốn người biết được căn tính của “T. Lan”: tác giả Hồ Chí Minh, thư ký riêng của ông là Vũ Kỳ, một hay hai người đánh máy ở Văn phòng Chủ tịch, và Hoàng Tùng – Tổng Biên tập báo Nhân Dân.”
Lady Borton cũng đã thử lý giải nguyên do HCM dùng bút danh “T. Lan” trong tập sách mang tính tự truyện/hồi ký này như sau, “Vào năm 1961, Việt Nam có văn hoá khiêm cung mạnh hơn ngày nay. Thời ấy, lãnh đạo Việt Nam có lẽ đều xem bất kỳ một tự truyện nào là việc mưu cầu chú ý không thích đáng. Để che dấu căn tính của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra người kể chuyện T. Lan như một cán bộ tháp tùng Chủ tịch trên đường thị sát chiến dịch giải phóng biên giới Việt – Trung khỏi sự kiểm soát của Pháp vào tháng 9/1950 trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954).” [16, 5] Trong thế lưỡng phân Đông – Tây, tự truyện thường được xem là một thực hành không mấy quen thuộc với các nước “phương Đông.” Tự truyện Gandhi ghi lại một trường hợp khá thú vị như sau. Khi biết Gandhi khởi sự viết tự truyện, một “người bạn sùng tín” của ông đã chất vấn, “Ai xui khiến ông dấn mình vào cuộc phiêu lưu đó? Viết tự truyện là một thói (tục) đặc biệt của Tây phương. Tôi chưa hề thấy một người Đông phương nào viết tự truyện, trừ những người chịu ảnh hưởng của Tây phương.” [13, 8]. Những nhận định này có thể ít nhiều giúp lý giải trường hợp “T. Lan” trong Vừa đi đường, nhưng việc tác giả sáng tạo nhân vật kể chuyện “trung gian” T. Lan ấy đã khiến tác phẩm này trở thành một trường hợp tự sự độc đáo của Việt Nam và thế giới.
So sánh ba bản thảo Vừa đi đường được Văn phòng Phủ Chủ tịch bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1970 và được lưu trữ ở đấy cho đến nay, cùng loạt bài đăng tải trên báo Nhân Dân năm 1961 với bản in của Nxb. Sự Thật năm 1963, có thể thấy một sự khác biệt tuy nhỏ nhưng đáng chú ý. Bìa trong bản sách in có thêm một dòng phụ đề trong ngoặc đơn “Một số mẩu chuyện về Bác Hồ trước năm 1945”. [28], và đã được bản tiếng Anh dịch sát thành “A number of anecdotes about Uncle Hồ from before 1945”. [15 và 16]. Phụ đề này giúp làm rõ nội dung của sách với bạn đọc và mặt khác, gợi nhớ đến mô thức đặt tựa của sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch do nhà xuất bản Văn nghệ in lần đầu bằng tiếng Việt năm 1955. Điều chưa rõ, cần tìm hiểu thêm ở đây là phụ đề này được tác giả bổ sung, hay do nhà xuất bản tự thêm vào. Tất cả những điều trình bày trên đây là những vấn đề văn bản cần lưu ý trước khi xem xét cấu trúc tự sự cơ bản của tác phẩm.
Thời gian và người kể chuyện
Lời giới thiệu trong Stories đã khái quát về thời điểm ra đời năm 1961 của tác phẩm Vừa đi đường: đó là lúc đất nước còn đang bị chia cắt, Mỹ đã can thiệp sâu vào miền Nam Việt Nam, và miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, ra sức thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng Lao động Việt Nam đề ra từ năm 1960. [16, 6]. Tại Đại hội này, Chủ tịch Đảng Hồ Chí Minh đọc lời khai mạc, trong đó có đoạn, “Từ trước tới nay, Đảng ta đã cố gắng liên hệ chặt chẽ chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tế cách mạng Việt Nam…Nhưng chúng ta còn khuyết điểm như: bệnh chủ quan, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa kinh nghiệm, tác phong quan liêu, chủ nghĩa cá nhân… chúng ta phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tăng cường giáo dục tư tưởng trong Đảng, đấu tranh khắc phục khuyết điểm… Phải nâng cao hơn nữa tính giai cấp và tính tiên phong của Đảng, tăng cường không ngừng mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, phải biết đoàn kết mọi người yêu nước và tiến bộ để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”. [1] Phát biểu trên nêu lên một số nội dung cấp thiết lúc bấy giờ: giáo dục chủ nghĩa Marx-Lenine, khắc phục những khuyết điểm và xây dựng mẫu hình lý tưởng của người cách mạng, và tăng cường “liên hệ giữa Đảng và quần chúng.” Sách Vừa đi đường sẽ góp phần thực hiện những nhiệm vụ này.
Những dòng đầu tiên của Vừa đi đường liên tục dẫn người đọc ngược dòng về những mốc thời gian của năm 1920 và rồi 1950: “Chuyện này bắt đầu cách đây đã hơn 40 năm về trước. Chúng tôi được nghe kể lại cách đây hơn 10 năm. Tôi nhớ được thế nào xin thuật lại thế ấy.” [28, 9]. Mỗi câu trong đoạn văn trích này thực hiện những chức năng thông báo khác nhau: câu đầu cho biết những sự việc lịch sử được kể diễn ra trong khoảng thời gian từ những năm 1920 trở đi; câu thứ hai cho biết thời gian những câu chuyện ấy được kể - đó là năm 1950; và câu cuối giới thiệu người kể trung gian đang cố gắng thuật chuyện trong khi đối mặt với những thách đố của năng lực ký ức. Hoàn cảnh thời gian tự sự cơ bản của Vừa đi đường có thể hình dung qua sơ đồ dưới đây.
Hoàn cảnh thời gian tự sự cơ bản của Vừa đi đường
Khi xem sách, người đọc tiếp nhận sự kiện trực tiếp từ T. Lan và dễ quên đi những gián cách thời gian mà đoạn mở đầu sách đã trình hiện. Đó là gián cách thời gian 30 năm kể từ khi những sự kiện xảy ra từ những thập niên 1920 cho đến thời điểm những sự kiện này được HCM kể lại cho T. Lan vào năm 1950; đó cũng là gián cách thời gian 10 năm kể từ khi HCM kể cho T. Lan vào năm 1950 cho đến khi T. Lan có dịp kể lại cho công chúng vào năm 1961. Gộp chung lại, khoảng cách 40 năm đã là một thách thức với ký ức. Hơn thế nữa, ở đây tình huống tự sự lại được xây dựng thành hai tầng bậc, với hai người kể chuyện, tiếp nối nhau theo lối kế thừa (từ HCM đến T. Lan và từ T. Lan đến bạn đọc). Ký ức theo đó đã phải đối mặt với thách thức nhân đôi vì nó không được lưu giữ trong một người kể duy nhất mà được chuyển giao sang một người kể thứ hai; người kể thứ hai lại lưu giữ ký ức ấy không phải như điều mình trực tiếp trải nghiệm mà như những tự sự lịch sử được nghe kể bởi một vị lãnh tụ tôn kính và vì thế cần phải ghi nhớ để tường thuật lại chính xác. Đến cuối sách, người đọc một lần nữa được nghe người kể T. Lan bộc bạch về việc cố gắng bảo đảm tính xác thực của những ghi chép mặc cho những hạn chế ký ức của mình: “Bác kể chuyện đến đó thì vừa về đến nhà, những câu chuyện trên đây Bác vừa đi đường vừa kể. Tối đến chỗ nghỉ, chúng tôi nhớ được chừng nào ghi lại chừng nấy.” [28, 79]. Ký ức và việc bảo đảm tính chân xác của những câu chuyện được kể lại, thuật sự và tái lập quá khứ, căn tính của người kể chuyện và một loạt câu hỏi khác liên quan đến tự truyện/hồi ức là những vấn đề cần làm rõ nhằm xây dựng tiền đề lý thuyết cho việc tìm hiểu tác phẩm Vừa đi đường.
Tự truyện – Mấy vấn đề căn bản
Mặc dù đã được công chúng biết đến từ lâu qua những tác phẩm như Phan Bội Châu niên biểu của Phan Bội Châu hay Giấc mộng lớn của Tản Đà ở cuối thập niên 20 của thế kỷ XX [17][8], phải đến những năm đầu của thế kỷ XXI, tự truyện như một hình thức tự sự văn chương với những câu chuyện của diễn viên, nghệ sĩ, doanh nhân hay người nổi tiếng mới thực sự thu hút sự chú ý của độc giả Việt Nam bởi sự “dũng cảm” kể lại “những câu chuyện chân thật” của họ. Mặt khác, nhận định của tiểu thuyết gia người Mỹ Thomas Wolfe trong The Story of a Novel (Chuyện một bộ tiểu thuyết) cho rằng, “mọi tác phẩm sáng tạo nghiêm túc cuối cùng đều mang tính tự truyện, và một người phải sử dụng chất liệu và kinh nghiệm đời mình nếu như người ấy muốn sáng tạo ra bất kỳ thứ gì có giá trị đáng kể” [34, 21] trước đây đã được giới thiệu ở Việt Nam (rất tiếc là dịch lại từ một bản dịch Trung văn), và có ảnh hưởng nhất định. Đỗ Hải Ninh đã chuyển dẫn nhận định này từ sách Lý luận văn học của Đại học Sư phạm Hà Nội như một trong những cơ sở lý thuyết để xem xét khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng. [10]. Tương tự, Đoàn Cầm Thi đã nói đến một “tự truyện bất thành” trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. [12]. Đây chỉ là một đôi ví dụ trong số khá nhiều nghiên cứu tập trung tìm hiểu yếu tố tự truyện trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.[9] Những ví dụ này đã phần nào cho thấy một trong những vấn đề quan trọng trong lý thuyết tự truyện – đó là đường ranh mờ cần được tìm hiểu thêm giữa tính chân thực và hư cấu, giữa tự truyện và tiểu thuyết.
Về mặt lý thuyết, nhà lý luận văn học người Pháp Philippe Lejeune là một tên tuổi thường được trích dẫn mỗi khi tự truyện được bàn ở Việt Nam.[10] Với những sắc thái khác nhau biến đổi tuỳ theo người dịch, định nghĩa sau đây, được xem là của Lejeune, luôn được dẫn như tiền đề lý thuyết quan trọng: tự truyện là “chuyện kể có tính hồi tưởng bằng văn xuôi viết bởi một người có thực về sự hiện hữu của người ấy, trong đó tiêu điểm là đời sống cá nhân của người ấy, đặc biệt là câu chuyện về nhân cách của người đó.”[11] Thực ra, định nghĩa này không hoàn toàn là của Lejeune. [5, 51]. Trong bài “Le Pacte autobiographique, Vingt-cinq ans après” (Hiệp ước tự truyện, Hai mươi lăm năm sau), ông cho biết đã lấy định nghĩa đó trong từ điển bách khoa Larousse và chỉ thêm phần giới thuyết theo mô hình của Rousseau bằng cách mạnh đó là “câu chuyện về nhân cách”. [22, 21]. Một điều đáng nói khác là khi được trích dẫn ở Việt Nam, định nghĩa này thường bị tách khỏi bối cảnh mà Lejeune đã cẩn thận xác lập. Theo Lejeune, về mặt lịch sử, định nghĩa mà ông dùng dựa trên văn chương châu Âu trải dài qua hai thế kỷ, bắt đầu từ 1770. Quan trọng hơn, xét về mặt văn bản, ông xuất phát từ vị trí của người đọc: “Bằng việc lấy vị trí người đọc (là vị trí của tôi, vị trí duy nhất mà tôi hiểu rõ) như xuất phát điểm, tôi có dịp hiểu rõ hơn công năng của các văn bản (những sự khác biệt của công năng), vì các văn bản này được viết cho chúng ta, những người đọc, và khi đọc chúng, chính chúng ta là người khiến chúng phát huy công năng.” [18, 14; 21, 4]. Chính từ xuất phát điểm này mà Lejeune đã đặt tựa đề cho chuyên luận về tự truyện của ông là Le Pacte autobiographique, tức là “Hiệp ước tự truyện” giữa người viết và người đọc để người đọc tin những điều họ đọc được là sự thật.
Năm 2005, khi hồi niệm những gì đã viết 25 năm trước, Lejeune đã làm rõ hơn khái niệm “hiệp ước” (pacte) với câu hỏi “Hiệp ước tự truyện là gì?” và giải đáp, “Hiệp ước tự truyện là lời tác giả cam kết kể trực tiếp về đời mình (hay một phần đời, hay một phương diện của đời mình) trong tinh thần chân thực”. Hiệp ước, cam kết này được nhận biết/xác nhận đôi khi ở ngay trong tựa đề, với những chỉ ngữ như “Hồi ức” (Mémoires), “Kỷ niệm” (Souvenirs), “Chuyện đời tôi” (Histoire de ma vie); đôi khi những chỉ ngữ tương tự lại thấy ở phụ đề, ví như “Tự truyện” (Autobiographie), “Chuyện kể” (Récit), hay “Nhật ký” (Journal). Lại cũng có lúc bài tựa hay tuyên ngôn của tác giả giúp xác tín tính chất tự truyện của tác phẩm. Thông thường, “hiệp ước tự truyện” đòi hỏi sự đồng nhất về tên giữa tác giả được in tên trên bìa và người kể chuyện – nhân vật thuật chuyện về mình trong văn bản. [22, 31-32]
Với điểm xuất phát là người đọc, định nghĩa về tự truyện mà Lejeune đề xuất được phân thành những yếu tố sau đây:
- Hình thức ngôn ngữ
- Tự sự
- Bằng văn xuôi
- Chủ đề được xử lý: Đời sống cá nhân, chuyện về nhân cách
- Tình huống của tác giả: tác giả (mà danh tính thuộc về một người có thật) và người kể chuyện là đồng nhất
- Vị trí của người kể chuyện
- Người kể chuyện và nhân vật chính là đồng nhất
- Điểm nhìn hồi ức của tự sự
Theo Lejeune, tác phẩm nào đáp ứng được tất cả những điều kiện kể trên thì là tự truyện. Những thể loại gần với tự truyện không đáp ứng được hoàn toàn những đòi hỏi này. Việc thiếu mất một trong những yêu cầu trên sẽ dẫn đến những thể loại khác nhau.
- Hồi ký: (2)
- Tiểu sử: (4a)
- Tiểu thuyết nhân vật: (3)
- Thơ tự truyện: (1b)
- Nhật ký: (4b)
- Chân dung tự hoạ hay tiểu luận: (1a và 4b) [18, 14]
Cũng trong nghiên cứu này, Lejeune nói đến ba ngôi đại từ nhân xưng (tôi, anh, và anh ấy) được dùng cho nhân vật chính trong tự truyện như những nhân vật ngữ pháp (personne grammaticale), và so sánh với phương thức tương tự trong tiểu sử. Tuỳ thuộc vào quan hệ giữa “người kể” (narrateur) và “nhân vật chính” (personnage principal), tự truyện và tiểu sử kể ở ba ngôi nhân xưng nói trên sẽ dẫn đến những loại tự sự khác nhau, phản ánh trong biểu đồ dưới đây.
Tự truyện ở ngôi thứ ba
Ở biểu đồ trên, đáng chú ý là trường hợp tự truyện ngôi nhân xưng thứ ba. Trong sách Je est un autre,[14] Lejeune có hẳn một chương để bàn về “Tự truyện ở ngôi thứ ba” (“L’Autobiographie à la troisième personne”),[15] trích dẫn Paul Valéry đề từ ở đầu bài, “Cái tôi tự gọi mình là tôi, hay mày, hay hắn. Có 3 người trong tôi. Tam vị nhất thể. Tam vị nhất thể ấy mày-tao với cái tôi; nó đối xử với anh ấy như hắn.” Tiểu luận mở đầu với chuyện kịch tác gia người Đức Bertolt Brecht đề nghị diễn viên chuyển vị vai diễn của mình sang ngôi thứ ba và đưa nó vào quá khứ, nhằm gián cách họ với vai trò họ diễn. Với dẫn dụ này, Lejeune kết luận, “Những nhà tự tuyện cũng là diễn viên. Và nhiều người trong số họ tham gia trò chơi này một cách nghiêm túc, trước công chúng của họ. Nhưng do họ đồng thời là tác giả của vai trò mà họ đang diễn giải, quá trình này có một chức năng hoàn toàn khác đối với họ. Nó giúp họ bày tỏ những vấn đề về căn tính của họ, và đồng thời làm xiêu lòng độc giả của mình.” [20, 32] Lejeune phân tích, “Tác giả nói về mình như thể một người nào khác đang nói về mình, hay như thể mình đang nói về một người nào khác. Cái như thể này chỉ liên quan đến phát ngôn: việc bày tỏ tiếp tục phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt và đúng đắn của hợp đồng tự truyện.” [20, 32-33]. Trong khảo luận này, Lejeune tập trung vào hai tình huống khác nhau: tự truyện ở ngôi thứ ba và tự truyện với một người kể chuyện hư cấu.
Theo Lejeune, trong khuôn khổ tự truyện, việc dùng ngôi thứ ba ở đây về căn bản không khác mấy so với việc sử dụng ngôi thứ nhất. Trên thực tế, trong tự truyện, chúng ta thật ra không biến thành một người nào khác khi dùng ngôi thứ ba, và cũng không thực sự là cùng một người khi dùng ngôi thứ nhất. Những nhân vật (figures) ngôi thứ ba cung cấp một âm giai (gamme) những giải pháp trong đó việc gián cách được đặt lên trước để thể hiện sự căng kéo giữa căn tính và sự khác biệt. [20, 39]. Jean-Paul Sartre đã tinh tế chỉ ra điều này khi biểu tả, “Năm 1936, năm 1945, người ta đã làm tình làm tội cái kẻ mang tên tôi: chuyện đó có liên quan gì đến tôi? Tôi buộc kẻ đó phải trả giá vì những sự lăng nhục đã phải hứng chịu ấy: cái gã đần độn này thậm chí chẳng biết cách làm cho người ta tôn trọng mình.” [25, 260].
Về những tự truyện được viết xen lẫn giữa nhân vật tự sự ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, Lejeune cho rằng tự truyện kiểu cho thấy một lĩnh vực nghiên cứu tuyệt vời vì theo định nghĩa (hay theo hợp đồng của thể tự truyện), nó buộc người đọc phải tiến hành phiên dịch, do tất cả các quá trình được dùng đều theo phương thức tỉ dụ. Các văn bản ấy được trình bày như các văn bản song ngữ (bilingues), do chúng đặt những phát ngôn có nội dung tương tự, khi thì được viết ở ngôi thứ nhất, khi thì ở ngôi thứ ba, kề cận nhau trong thế đối sánh. [20, 43]. Việc dùng ngôi nhân xưng thứ ba trong tự truyện tạo ra một hiệu ứng độc đáo: chúng ta đọc văn bản từ điểm nhìn quy ước tự truyện mà bút pháp này đang vi phạm, do vậy mà người đọc luôn phải để tâm đến quy ước thể loại ấy. Trong trường hợp văn bản được viết hoàn toàn ở ngôi thứ ba mà lại là một văn bản dài, người đọc có nguy cơ quên mất là họ đang đọc một tự truyện. Việc này giải thích vì sao có rất ít tự truyện hiện đại viết hoàn toàn ở ngôi thứ ba (loại này hầu như không tồn tại trong thế giới văn chương Pháp ngữ). [20, 47]
Đáng chú ý nhất trong nghiên cứu tự truyện ở ngôi thứ ba là vấn đề mà Lejeune gọi là “nhân chứng hư cấu” (témoin fictif). Tác phẩm kinh điển của loại này là Tự truyện của Alice B. Toklas (The Autobiography of Alice B. Toklas) của nữ văn sĩ Mỹ Gertrude Stein. Dù tựa đề viết rõ là “tự truyện” của Alice B. Toklas, tác phẩm lại được viết bởi tác giả Gertrude Stein. Bản “tự truyện” này được kể từ điểm nhìn ngôi thứ nhất của Toklas, người bạn đồng hành trọn đời của tác giả Stein. Trên cơ sở quan hệ thân thiết giữa hai người phụ nữ này, dẫu rằng Stein là người viết sách, điểm nhìn của người kể chuyện hiển nhiên lại là của Alice B. Toklas. Lejeune nhận xét rằng điều bạn đọc cần làm khi đọc tác phẩm này là tưởng tượng ra việc một trong những người bạn thân của bạn sẽ kể về đời bạn như thế nào. Lẽ dĩ nhiên, không có giả trá ở đây: người đọc được cảnh báo về luật chơi vì ngay từ đầu, Gertrude Stein đã nói rõ mình là tác giả tập tự truyện của thư ký của bà. Người đọc sẽ phải lưu tâm rằng đây là một điều kiện của hợp đồng tự sự; và nếu như họ có chiều hướng quên đi điều này thì những câu cuối trong sách sẽ nhắc họ rằng, “Khoảng sáu tuần trước Gertrude Stein nói rằng với tôi, dường như cô [Toklas] sẽ không viết bản tự truyện ấy. Cô biết rằng tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ viết bản tự truyện ấy cho . Tôi sẽ viết nó đơn giản như Defoe viết tự truyện của Robinson Crusoe. Và bà ấy [Stein] đã làm điều đó, và nó chỉ là thế này thôi.” [26]. Lejeune chỉ ra rằng, “Trò chơi này là hai mặt: vừa hư cấu và vừa tự truyện. Xét về mặt hư cấu, chúng ta quan tâm với việc xây dựng nhân vật chứng nhân, với việc sáng tạo ra một điểm nhìn cho nhân vật ấy, với việc tạo ra một phong cách cho nó, để nó thích hợp với toàn bộ ký thuật; chúng ta hân thưởng việc sáng tạo ra sự tươi mới của một điểm nhìn khác về chúng ta. (…) Người đọc ắt bị cuốn hút bởi việc đọc song trùng (double lecture) bởi việc phát ngôn của “chứng nhân” với tư cách là thẩm quyền hư cấu và truyền đạt tự truyện đề xuất cho họ.” [20, 54]. Tất nhiên, tất cả các tự truyện đều không thể tách khỏi bối cảnh chính trị - xã hội nơi chúng được kể lại.
Bối cảnh chính trị - xã hội của tự truyện
Molly Andrews của Đại học Đông London (Univeristy of East London) đặt ra một loạt câu hỏi về việc viết tự truyện trong một bối cảnh chính trị-xã hội rộng lớn, “[V]ì sao một số câu chuyện được chọn và một số câu chuyện khác lại bị bỏ qua? Sự việc không tự nói được. Chúng ta chọn lấy một số sự việc nào đó, và hy vọng chúng sẽ nói thay cho chúng ta, thông qua chúng ta. Nhưng chúng ta nghĩ mình sẽ đạt được điều gì qua việc kể lại những câu chuyện của chúng ta cho người khác theo cách của mình? Điều gì khiến chúng ta diễn giải những sự kiện của thời đại mình theo cách này mà không phải là cách khác? Chúng ta nhận thức mình là ai trong quan hệ với những sự kiện ấy? Chúng ta tham gia vào việc nỗ lực hình thành môi trường chính trị của mình tích cực như thế nào? Chúng ta xác định điều gì là thế lực chính cho thay đổi trong cuộc đời mình? Chúng ta cảm thấy thuộc về nhóm, hay những nhóm nào, và điều này góp phần vào hiểu biết về thế giới chính trị của chúng ta như thế nào?” [6, 2]. Các nhà tâm lý học cũng đã nói đến quan hệ tương tác song phương giữa ký ức có tính tự truyện (autobiographical memory) và căn tính bản ngã đương thời (current self-identity). Ký ức có tính tự truyện đóng vai trò quan trọng trong việc kiến lập căn tính cá nhân. Những cái nhìn về bản ngã đương thời, những tín niệm, và mục tiêu của cá thể ảnh hưởng đến hồi ức và bình giá về bản ngã trước đó. Ngược lại, căn tính bản ngã đương thời của họ cũng chịu ảnh hưởng bởi việc họ ghi nhớ gì về quá khứ cá nhân của mình, và bởi việc họ nhớ lại tự ngã và những giai đoạn trước đó như thế nào. Những đánh giá được tái lập về hồi ức, khoảng cách được nhận thức từ những kinh nghiệm quá khứ và điểm nhìn về những hồi ức của họ có ý nghĩa đối với việc quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào. [33, 137]
Biểu đồ về quan hệ tương tác song phương giữa ký ức có tính tự truyện và căn tính bản ngã đương thời
Trong chuyên luận Bản ngã tự truyện trong thời đại và văn hoá (The Autobiographical Self in Time and Culture), Qi Wang cũng khẳng định rằng ký ức và cảm nhận về tự ngã của chúng ta bị quy định bởi thời đại và văn hoá. Do đó, tự truyện tất yếu bị chi phối bởi quan niệm mang tính văn hoá về bản ngã vốn luôn chuyển hoá qua các thời kỳ lịch sử. [32]. Những ý kiến về tự truyện được trình bày trên đây là tiền đề lý thuyết giúp tìm hiểu tác phẩm Vừa đi đường, trước hết trong mạng văn bản nối kết của nó.
Mạng văn bản của một tự truyện
Sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ra mắt độc giả lần đầu năm 1949 qua bản tiếng Trung Hồ Chí Minh truyện do Trương Niệm Thức dịch, nhà xuất bản Bát nguyệt ấn hành ở Thượng Hải. [31]. Dù tất cả tên người, tên đất Việt Nam và nước ngoài đều được phiên sang Trung văn, tên tác giả được in bằng chữ quốc ngữ không dấu “Tran Dan Tien” ở ngoài bìa và trong sách. Mặt khác, bản dịch Trung văn và bản tiếng Việt có một số khác biệt và không hoàn toàn trùng khớp về nội dung.[16] Cả một đoạn văn dài ở cuối sách Những mẩu chuyện mở đầu với câu “Chúng tôi không có tham vọng viết một quyển tiểu sử của Hồ Chủ tịch, chúng tôi chỉ mong quyển truyện này giúp đồng bào biết vài mẩu chuyện của vị lãnh tụ đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” đã không thể tìm thấy được trong bản dịch Trung văn. Từ đoạn văn dài kết lại cả tập sách này, người đọc biết rằng, “Địa bàn hoạt động của Hồ Chủ tịch bao la, trong nước có, ngoài nước có. Thường lại phải hoạt động bí mật, khi ẩn, khi hiện rất khó theo dõi, mà Hồ Chủ tịch thì ít muốn nói về mình. Chúng tôi phải công phu bắt mối người này sang người khác. Chúng tôi phải dựa vào một số các đồng chí thường được gần gũi Hồ Chủ tịch. Các đồng chí này thỉnh thoảng, tình cờ trong những giờ nghỉ ngơi sau công tác hay trong những lúc đi đường được nghe Hồ Chủ tịch kể cho ít mẩu chuyện trong đời hoạt động của Người.” [31, 151] Đó chính là “phương pháp gián tiếp” đã được Trần Dân Tiên nêu ở đầu sách, sau khi “phương pháp trực tiếp, nghĩa là nói chuyện thẳng với Hồ Chủ tịch để có tài liệu, điều ấy đã không thành”. Phương pháp gián tiếp bao gồm việc phỏng vấn “không cứ là người Việt Nam hay ngoại quốc, để lấy tài liệu viết tiểu sử.” [31, 9]. Sách Những mẩu chuyện kết thúc với mong đợi, “Chuyện của Hồ Chủ tịch trong và sau thời kỳ kháng chiến mong nhiều anh chị em chúng ta sẽ tiếp tục viết thêm.” [31, 151]. Về sau, Vừa đi đường đã đảm nhiệm việc này, lấp đầy một số khoảng trống chưa biết trong đời hoạt động của Hồ Chủ tịch.
Những mẩu chuyện về các hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch sẽ được thuật lại trên báo chí thông qua một (có lúc là hai) trung giới với những nhân vật như Tuyết Lan và T. Lan. Ngày 27 tháng 4 năm 1960, trên báo Nhân Dân có bài “Ba chai rượu sâm banh” của một người nước ngoài tên là Giăng Pho (Jean Fort), được Tuyết Lan dịch sang tiếng Việt. Lời mào đầu (“Lời người dịch”) viết rằng, “Thư của anh Giăng (Jean) dài hơn thế này. Nhưng tôi không dịch những đoạn nói về tình hình chính trị ở Pháp, chiến tranh ở An-giê-ri (Algérie), phong trào công nhân và nông dân Pháp.” Ngay đầu bài có phần tự giới thiệu, “Tôi là Giăng Pho (Jean Fort), thợ điện, đảng viên Đảng cộng sản Pháp. Tôi quen biết đồng chí Nguyễn-ái-Quốc từ năm 1920-1921, vì hồi đó chúng tôi cùng trọ một nhà, ở ngõ hẻm Công-poăng (Compoint).” Bài báo này có một vài câu chuyện rất gần với những gì đã được kể trong Những mẩu chuyện, chẳng hạn như chuyện về điều kiện sống tối giản và kham khổ của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Paris với viên gạch nung nóng để sưởi ấm giữa đông lạnh dưới đây.
Những mẩu chuyện về đời hoạt động… | “Ba chai rượu sâm banh” |
Mỗi buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. (…) Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét. [31, 38-39] |
Buồng anh Nguyễn chỉ vừa đặt một cái giường sắt, và một cái bàn cỏn con. Trên bàn có một cái thau, trong thau có một pô nước để rửa mặt. Thế thôi, không có đồ đạc gì khác. (…) Mỗi ngày anh chỉ đi làm thuê buổi sáng cho một xưởng phóng đại ảnh. Trưa về, anh nấu một soong cơm, trên cơm hấp một cái lạp xưởng hoặc một con cá mòi. Anh ăn một nửa, còn một nửa để tối ăn (…) Mùa đông giá lạnh, không đủ chăn đắp, trước khi đi làm, anh đặt nhờ một viên gạch trên bếp bà chủ nhà; tối về, anh gói viên gạch vào một tờ báo, rồi đút vào giường cho đỡ rét cóng. [14] |
Theo phương thức biên soạn của Những mẩu chuyện, có thể hiểu Giăng Pho là một trong những người ngoại quốc đã thuật lại hồi ức của mình về Hồ Chủ tịch. Cũng theo như giới thiệu, bài “Ba chai rượu sâm banh” là kết quả của việc trích dịch từ một lá thư dài hơn của Giăng Pho, và tựa đề hẳn là do người dịch thêm vào. Những chuyện được kể trong bài đến với người đọc không phải trực tiếp từ Hồ Chủ tịch mà qua hai trung giới: người kể (Giăng Pho) và người dịch (Tuyết Lan). Với hai tầng trung giới này, người đọc có thể băn khoăn về tính chân xác của những tự sự ấy. Tuy nhiên, các công bố chính thức đã xác nhận Giăng Pho và Tuyết Lan đều là những bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, [3] và điều này giúp người đọc xác tín hơn về những gì được nghe kể.
Nhân vật “T. Lan” cũng là một trường hợp đặc biệt. Sách Vừa đi đường cho biết về đoàn tuỳ tùng trong chuyến đi thị sát mặt trận của Hồ Chủ tịch năm 1950 như sau, “Đi với Bác có: một tiểu đội bảo vệ, một thày thuốc – bác sĩ Chân, đồng chí Thành và tôi, T. Lan.” [28, 3]. Trong chuyến đi này, T. Lan và đồng đội được nghe Bác kể về những chuyện xảy ra trước đó mà họ chưa từng biết. Trước khi Vừa đi đường được khởi đăng trên báo Nhân Dân ngày 10 tháng 05 năm 1961, cũng trên báo này đã có bài “Bác ăn Tết với chúng tôi” của tác giả T. Lan (đăng ngày 14 tháng 02 cùng năm). Trong bài này, các sự kiện xảy ra với Bác vào cuối năm 1940 được kể trong Vừa đi đường nay lại được kể qua góc nhìn của T. Lan, vì T. Lan là người trong cuộc, là người trực tiếp trải nghiệm những sự kiện ấy: “Vào cuối năm 1940, chúng tôi một nhóm thanh niên Cao Bằng bí mật sang Trung Quốc đi tìm cách mạng, tìm lãnh tụ cách mạng.” [27]. Đọc bài báo này cùng với sách Vừa đi đường, người đọc có điều kiện nhìn lại những thuật sự lịch sử từ hai góc độ khác nhau: một là góc nhìn của Hồ Chủ tịch (được T. Lan ghi lại), và hai là từ góc nhìn của T. Lan, người trực tiếp trải nghiệm những sự việc lịch sử nọ. Trên đây chỉ là một đôi ví dụ giúp hình dung được một mạng văn bản kết nối khá phong phú cho phép độc giả tìm hiểu sâu sắc hơn về Hồ Chủ tịch.[17]
Vừa đi đường đọc lại
Khác với “Ba chai rượu sâm banh” hay “Bác ăn Tết với chúng tôi” được kể từ góc độ của chứng nhân (hay người trực tiếp trải nghiệm), những mẩu chuyện trong Vừa đi đường được Hồ Chủ tịch trực tiếp kể cho “tác giả” T. Lan và được nhân vật này kể lại cho người đọc. Vì thế, người đọc có thể hiểu rằng trong tự sự này có thể sẽ có sự chủ quan của “tác giả” khi nhận xét hay bình luận. Việc “tác giả” nhấn mạnh các thời điểm kể khác nhau (1950 và 1961) về những sự kiện diễn ra 30 hay 40 năm trước đó cùng với khả năng ghi nhớ có hạn của ký ức (“Tôi nhớ được thế nào xin thuật lại thế ấy”) là cơ sở tiền đề để giải thích, dự phòng cho những nhầm lẫn có thể xảy ra ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến tính xác thực (véracité) của các chi tiết. Quả thật, điều này đã xảy ra ở Vừa đi đường, có thể thấy được trong đoạn nói về chính khách Raymond Poincaré (1860-1934), người từng giữ chức tổng thống Pháp trong 7 năm (1913-1920). Sách Vừa đi đường viết, “Trong một cuộc tổng tuyển cử hạ nghị viện Pháp, [Poincaré] đã cho dán khắp cả nước bức vẽ tuyên truyền chống cộng, dưới nhan đề là ‘Bôn-sơ-vích hai hàm răng ngậm dao’. Trong bức vẽ thì phía sau là những ngôi nhà đang cháy ngùn ngụt; phía trước là một người ‘bôn-sơ-vích’, mặt mũi rất dữ tợn, miệng ngậm một cái dao đẫm máu, tay xách cái đầu của một người đàn bà.” [28, 8]. Bức vẽ tuyên truyền chống cộng ấy đúng là có in hình một khuôn mặt đỏ ngầu, hung tợn, cắn chặt một con dao giữa hai hàm răng, bên dưới có dòng chữ Comment voter contre le bolchevisme? (Làm thế nào bỏ phiếu chống lại bolshevik), ngoài ra không có thêm hình ảnh nào khác. Cũng liên quan đến Poincaré, Vừa đi đường kể thêm một câu chuyện khác, “Đảng Cộng sản Pháp đập lại Poanh-ca-rê một vố cũng khá nặng. Số là Poanh-ca-rê trong khi đến thăm một nghĩa địa có hàng nghìn mộ lính Pháp, thì Poanh-ca-rê nhăn răng cười. Đảng Pháp lấy được bức ảnh đó, cho in ra hàng triệu tấm, dưới nhan đề “Poincaré qui rit” (nghĩa là Poanh-ca-rê nó cười) và bán khắp nước Pháp. Bức ảnh đó đã gây nên một phong trào sôi nổi chống Poanh-ca-rê.” [28, 9]. Xem lại bức ảnh lịch sử ấy, có thể thấy rõ hàng chữ “L’Homme qui rit” (người cười) in bên trên.[18] Hiển nhiên, hai trường hợp được dẫn trên đây chẳng qua chỉ là sự sai chệch chi tiết do hạn chế của ký ức, và những điều thêm vào chưa thật xác thực ấy cũng là cái mà Rousseau gọi là “điểm tô đôi chút một cách vô thưởng vô phạt, thì chỉ để bổ khuyết một chỗ trống do thiếu trí nhớ mà thôi.” [24, 16]. Đây cũng là cơ sở để hiểu hơn về ảnh hưởng của ký ức đối với tính xác thực trong tự truyện nói chung, và trong Vừa đi đường nói riêng.
Trong phần hai của Les Confessions (Những lời bộc bạch), Rousseau có nói đến “những giấy tờ [ông] đã tập hợp để bổ sung cho ký ức và dẫn dắt” mình trong việc viết tự truyện. [24, 338]. Người đọc Vừa đi đường hẳn không thể quên được những số liệu được dẫn dụng khá chi tiết trong sách, chẳng hạn như những con số về tổn thất về kinh tế ở Nga sau bốn năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và việc hồi phục trong lĩnh vực này dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng trong những thập niên 20 và 30 của thế kỷ trước; hay số liệu về những tổn hại do phát-xít Đức gây ra ở Liên xô trong Thế chiến thứ hai, cũng thắng lợi và sự lớn mạnh của phe xã hội chủ nghĩa sau những thử thách sống còn và khốc liệt này. [28, 15-16, 78-79]. Những dữ liệu này một mặt bảo đảm tính chính xác lịch sử của tự sự, và mặt khác đưa người đọc ít nhiều tách khỏi mạch tự sự cá nhân để đến gần hơn với sử liệu chính thức. Mục đích dẫn dụng các số liệu này là để khẳng định niềm tin tất thắng vào con đường cách mệnh mà Hồ Chủ tịch đang dẫn dắt.
Như phụ đề đã nói rõ, Vừa đi đường là tập sách bao gồm “một số mẩu chuyện về Bác Hồ trước 1945”, và những mẩu chuyện này đã được kể có chọn lọc. Trong sách có đoạn như sau, “Trước khi Bác tiếp tục kể chuyện, anh Thành đề nghị: ‘Nếu Bác kể cho nghe những chuyện hoạt động bí mật của Bác thì chắc là thú vị lắm.’ Không đồng ý với anh Thành, bác sĩ Chân nói: ‘Đã là bí mật thì không nên nói công khai. Anh em cách mạng ở các nước khác có thể còn dùng những cách bí mật đó. Nói ra không lợi.’ Bác bảo: ‘Chú Chân nói đúng. Thôi để Bác kể những chuyện không bí mật vậy.” [28, 20]. Như thế, tiêu chí lựa chọn chuyện để kể là có thể công khai được và không ảnh hưởng đến những bí mật chính trị. Mặt khác, tuy không thật rõ về hai nhật vật bác sĩ Chân và đồng chí Thành tháp tùng và được nghe Hồ Chủ tịch kể chuyện, tên của họ khi đặt chung với nhau hợp thành một tiêu chí quan trọng luôn được trông đợi ở tự truyện – đó chính là sự “chân thành.” Tuy nhiên, cũng chính trong sự “chân thành” này lại nảy sinh mâu thuẫn trong lựa chọn khi phải quyết định điều gì có thể nói ra được (vì những nguyên nhân, mục đích nào đó), và điều gì cần phải giữ bí mật (vì những duyên do nào khác cũng không thể nói ra được).
Vừa đi đường là một tác phẩm xuất sắc trong việc miêu tả tính cách nhân vật, chính cũng như phụ. Hơn thế nữa, ảnh chụp các trang bản thảo được giới thiệu trong sách Stories thực sự rất quý vì giúp cho người đọc thấy rõ hơn những thay đổi từ bản thảo đến văn bản công bố chính thức. Có thể nói hầu như mỗi câu chuyện kể trong Vừa đi đường đều là tư liệu thú vị để tìm hiểu các hình thức tự sự khác nhau của tự truyện. Ở đây, chỉ tập trung vào hai trường hợp cụ thể. Trước hết, có thể đọc tiếp phần viết về Poincaré đã dẫn ở trên. Phần tiếp theo chuyển sang kể lại cuộc gặp giữa Nguyễn Ái Quốc và Thượng thư thuộc địa Albert Sarraut xảy ra trước ngày 22 tháng 6 năm 1922. [16, 29] Cuộc đối mặt của hai bên được miêu tả khá cặn kẽ, và qua những thay đổi trong các bản thảo, có thể thấy sự lựa chọn từ ngữ để khắc hoạ tính cách của hai nhân vật đã được thực hiện rất cẩn trọng. Đoạn trích dẫn dưới đây cho thấy văn bản đã trải qua những thay đổi như thế nào trước khi định hình như hiện tại (những chữ in đậm là thay đổi cuối cùng):
“Thượng thư thuộc địa mắt thì nhìn thẳng vào Bác chằm chằm, tay thì vẽ trên bàn, miệng thì nói một cách như phun ra lửa. Y nói đại ý như sau: “Hiện nay có những kẻ dại dột ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn Bolchevik bôn-sơ-vích ở Moscu Nga.” (…) Nói đến đó vẻ mặt ông ta trở nên y vẻ mặt thì hầm hầm, hai tay ông ta nắm lại và làm như đang bẻ gãy những vật gì rất cứng rắn – những người cách mạng Việt-nam…Bác cứ giữ một thái độ ung dung,. Ông ta nói gì thì nói, Bác vẫn cứ mỉm cười, để mặc y nói.” [16, 32-33]
Rõ ràng với những thay đổi cuối cùng, văn bản đã thể hiện tính cách đối lập của hai nhân vật mạnh mẽ hơn lên rất nhiều: một Albert Sarraut nóng giận, hung tợn trước một Nguyễn Ái Quốc ung dung, điềm tĩnh nhưng không kém phần kiên nghị. Thêm vào đó, việc thay thế “ông ta” bằng “y” khi nói về Sarraut đã thể hiện thái độ khinh thường của người kể đối với nhân vật này.
Một trường hợp thú vị khác liên quan đến việc Hồ Chủ tịch vừa ra khỏi nhà tù Quốc dân đảng năm 1943. Trong bản in hiện nay có đoạn kể rằng, “Khi được thả ra, mắt Bác nhìn kém, chân bước không được. Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước, dù đau mà phải bò, phải lết, cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng Bác chẳng những đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán như sau: Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân – Giang tâm như kính tịnh vô trần – Bồi hồi độc bộ Tây phong lĩnh – Nam vọng trùng dương ức cố nhân. Bác chỉ nhớ bài thơ đó. Chúng tôi cố hết sức chỉ tạm dịch như thế này: Mây ôm núi, núi ấp mây – Lòng sông chẳng gợn mảy may bụi hồng – Bồi hồi dạo đỉnh Tây phong – Trông vời cố quốc, chạnh lòng nhớ ai.” [28, 74] Trong cả 3 bản thảo vốn không có đoạn này. Chỉ đến khi có bản đánh máy cuối cùng, đoạn văn trên mới được Hồ Chủ tịch viết tay thêm vào. Bài thơ tứ tuyệt chữ Hán được T. Lan dịch sang thơ lục bát tiếng Việt và khiêm tốn nhìn nhận bản dịch chưa chuyển tải trọn vẹn tinh thần nguyên tác dù đã “cố gắng hết sức” cũng “chỉ tạm dịch” được như thế. Theo sách Stories, bài thơ này là một mật báo của Hồ Chí Minh gửi các đồng chí của mình. Năm 1943, có tin là ông đã mất do ở Trung Quốc hơn một năm rồi mà không có tin tức gì. Một hôm, các ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng nhận được một tờ Quảng Tây Nhật Báo, bên lề có mấy dòng chữ Hán viết tay, đại ý mong anh em bên nhà đều khoẻ mạnh, còn bên này mọi việc đều tốt, kèm theo bài thơ nói trên. Nhận ra đó là thủ bút của Hồ Chủ tịch, đồng thời căn cứ vào ngày báo ra lại là sau ngày nhận tin Chủ tịch đã mất, mọi người mừng là ông vẫn còn sống và mạnh khoẻ. [16, 149] Chức năng mật báo ấy của bài thơ không được nhắc đến trong Vừa đi đường có lẽ cũng là do tiêu chí chọn lọc, chỉ kể những chuyện có thể công khai được mà không gây tổn hại đến những điều cần bảo mật.
Vừa kể chuyện tiếp theo
Những diễn giải, phân tích trên đây giúp khẳng định một điều: quả thật, Vừa đi đường, vừa kể chuyện là một tác phẩm tự thuật quý và hiếm. Từ những bản thảo hiện có, người đọc có điều kiện hiểu rõ hơn quá trình sáng tác của một tác phẩm đặc sắc, trong đó tác giả danh nghĩa (T. Lan) thực ra là người kể chuyện hư cấu, đóng vai trò trung giới thuật chuyện thay cho tác giả thực (Hồ Chí Minh) về cuộc đời mình. Tình huống độc đáo này cùng với điều kiện thuật sự dựa trên ký ức song trùng (dựa trên hồi ức, Hồ Chủ tịch kể lại những điều xảy ra trước đó 30 năm cho T. Lan, và lại dựa trên hồi ức, T. Lan thuật chuyện cho bạn đọc khoảng 10 năm sau khi được nghe kể) đã góp phần tạo nên tính phức hợp thu hút độc giả, đặc biệt là những người nghiên cứu tự truyện. Với những điều kiện tự sự đặc biệt được trình thuật công khai như thế, người đọc đã được gián tiếp nhắc nhở về tính chân xác tương đối của tác phẩm, về yếu tố hư cấu có thể đã tham gia ít nhiều vào tác phẩm nhằm lấp đầy những khoảng trống mà ký ức hạn chế đã để lại. Không nhằm mục đích thuật lại toàn bộ những gì đã diễn ra với Hồ Chủ tịch, Vừa đi đường tự giới hạn trong phạm vi “một số mẩu chuyện” về đời hoạt động của ông trước năm 1945, với nguyên tắc chọn lọc: công bố những gì có thể công khai được, và bảo mật những gì những gì được xem là bí mật, nếu công khai sẽ không có lợi cho cách mạng.
Để hiểu Vừa đi đường, không thể không tìm hiểu những lý thuyết tự truyện; mặt khác, nghiên cứu tập sách quý này tất yếu sẽ làm phong phú hơn lý thuyết tự truyện nói chung, và tự truyện ở Việt Nam nói riêng. Tự truyện cần được khảo cứu trong mạng tác phẩm liên quan: quan hệ liên văn bản này giúp người đọc hình dung rõ hơn tác giả đã khắc hoạ hình tượng bản thân như thế nào trong những bối cảnh thời đại và văn hoá của họ. Được viết vào đầu thập niên 1960 khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Vừa đi đường xây dựng mẫu hình lý tưởng của người cách mạng nhằm tăng cường liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Tập sách giới thiệu Hồ Chủ tịch như tấm gương tiêu biểu cho mọi người. Đó là một con người chân thành, khiêm tốn, giản dị gần gũi với nhân dân, chan hoà, quan tâm đến quần chúng, điềm tĩnh nhưng kiên quyết đấu tranh chống thực dân – đế quốc, và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của cách mạng. Một tập sách đặc sắc như thế với những bản thảo gốc hiện vẫn đang đang được bảo quản cẩn thận đương nhiên có sức hấp dẫn lạ kỳ, luôn mời gọi những nghiên cứu tiếp nối làm rõ hơn các tầng nghĩa đa dạng vẫn còn ẩn mình trong từng dòng chữ, ở từng trang sách.
Bản thảo viết tay với tựa đề Ăn cơm mới, nói chuyện cũ với dấu xé đã được ghép lại.
Ở bản thảo này, từ “Bác” được viết tắt là “B.”
Bản thảo do tác giả đánh máy, vẫn với tựa đề Ăn cơm mới, nói chuyện cũ, nhưng đã có tên “T. Lan” viết thêm vào bằng mực đỏ. Ngoài câu “Bác định đi thăm mặt trận”, từ “Bác” trong bản thảo này vẫn được đánh máy tắt là “B.”
Bản thảo được nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch đánh máy. Tựa đề Ăn cơm mới, nói chuyện cũ bị gạch bỏ, và tựa đề mới Vừa đi đường, vừa kể chuyện được tác giả viết tay thêm vào. Từ “Bác” được đánh máy đầy đủ.
Nguồn: Stories Told on the Trail (2009)
Tranh tuyên truyền của chính quyền Poincaré “Làm thế nào bỏ phiếu chống lại bolshevik?”
Bức ảnh chống Poincaré với tiêu đề “L’Homme qui rit” (Người cười) Nguồn: Internet
Tài liệu tham khảo
- “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng”, Trang Lịch sử Việt Nam, http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1159&Itemid=5, truy cập ngày 01/02/2019.
- “Lady Borton: I’m an Honest American Woman,” Vietnam Plus, 20/10/2010, https://en.vietnamplus.vn/lady-borton-im-an-honest-american-woman/23440.vnp, truy cập ngày 31/01/2019.
- “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 23/10/2013, https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/1837-nh-ng-ten-g-i-bi-danh-but-danh-c-a-ch-t-ch-h-chi-minh-ph-n-cu-i.html, truy cập ngày 31/01/2019.
- “Vietnam: UNESCO Heritage Recognition Sought for Ho Chi Minh Script”, Việt Nam News, 21/07/2009, http://vietnamnews.vn/print/unesco-heritage-recognition-sought-for-ho-chi-minh-script/190157.html, truy cập ngày 31/01/2019.
- Allamand, Carole (2018), “The Autobiographical Pact, Forty-Five Years Later”, European Journal of Life Writing, số VII, tr. 51-56.
- Andrews, Molly (2007), Shaping History – Narratives of Political Change, Cambridge University Press.
- Borton, Lady (2007), “Piece of Uncle Ho History Surfaces in London”, Viet Nam News, 21/05/2007, https://vietnamnews.vn/sunday/features/164816/piece-of-uncle-ho-history-surfaces-in-london.html#7yb34KfTOtRu04Sz.97, truy cập ngày 31/01/2019.
- Borton, Lady (2010), “Cuốn sách: Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, Hồn Việt, số 57, http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/694-cun-sch-va-i-ng-va-k-chuyn.aspx, truy cập ngày 31/01/2019.
- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên, 2003), Từ điển Văn học Bộ mới, Nxb. Thế Giới.
- Đỗ Hải Ninh (2009), “Khuynh hướng tự truyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại”, Tạp chí Sông Hương, số 250 (tháng 12), http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c196/n4496/Khuynh-huong-tu-truyen-trong-tieu-thuyet-Viet-Nam-duong-dai.html, truy cập ngày 31/01/2019.
- Đỗ Hải Ninh (2014), “Mối quan hệ giữa tự truyện – tiểu thuyết và một số dạng tự thuật trong văn học Việt Nam đương đại”, Trang “Phê bình Văn học,” https://phebinhvanhoc.com.vn/moi-quan-he-giua-tu-truyen-tieu-thuyet-va-mot-so-dang-tu-thuat-trong-van-hoc-viet-nam-duong-dai/, truy cập ngày 31/01/2019.
- Đoàn Cầm Thi (?), “Nỗi buồn chiến tranh: Tự truyện bất thành”, Trang Tiền vệ, http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=4572, truy cập ngày 09/02/2019.
- Gandhi, Mahatma (2018), Tự truyện Gandhi, Ni sư Trí Hải dịch, Sách Khai Tâm và Nxb. Hồng Đức.
- Giăng Pho (Jean Fort) (1960), “Ba chai rượu sâm banh”, Tuyết Lan dịch, Nhân Dân, 27/04/1960.
- Hồ Chí Minh (T. Lan) (2009), Stories Told on the Trail, Hồ Chí Minh Museum và Thế Giới Publishers.
- Hồ Chí Minh (T. Lan) (2013), Stories Told on the Trail, Hồ Chí Minh Museum và Thế Giới Publishers.
- Lê Tú Anh (2010), “Phan Bội Châu niên biểu (Phan Bội Châu) và Giấc mộng lớn (Tản Đà) – Những bước đi đầu tiên của tự truyện Việt Nam”, Tạp chí Khoa học (Đại học Hồng Đức), số 6, tr. 5-12.
- Lejeune, Philippe (1975), Le Pacte autobiographique, Seuil.
- Lejeune, Philippe (1977), “Autobiography in the Third Person”, Annette và Edward Tomarken dịch từ tiếng Pháp, New Literary History, số 9:1, tr. 27-50.
- Lejeune, Philippe (1980), Je est un autre – L’Autobiographie de la littérature aux médias, Seuil.
- Lejeune, Philippe (1989), On Autobiography, Katherine Leary dịch từ tiếng Pháp, Minneapolis: University of Minnesota Press.
- Lejeune, Philippe (2005), Signes de vie – Le Pacte autobiographique 2, Seuil.
- M. An (2009), “Đăng ký tác phẩm Vừa đi đường, vừa kể chuyện là Di sản Tư liệu Thế giới”, Sài gòn Giải phóng, 15/07/2009, http://www.sggp.org.vn/dang-ky-tac-pham-vua-di-duong-vua-ke-chuyen-la-di-san-tu-lieu-the-gioi-78335.html, truy cập ngày 31/01/2019.
- Rousseau, Jean-Jaques (2017), Những lời bộc bạch, Lê Hồng Sâm dịch, Nxb. Tri Thức.
- Sartre, Jean-Paul (2017), Ngôn từ, Thuận và Lê Ngọc Mai dịch, Nhã Nam và Nxb. Văn học.
- Stein, Gertrude (1933), The Autobiography of Alice B. Toklas, Project Gutenberg of Australian eBook, gutenberg.net.au/ebooks06/0608711.txt
- T. Lan (1961), “Bác ăn Tết với chúng tôi”, Nhân Dân, 14/02/1961.
- T. Lan (1963), Vừa đi đường, vừa kể chuyện, Nxb. Sự Thật.
- T. Lan (2008), Vừa đi đường, vừa kể chuyện, Nxb. Trẻ.
- Trần Dân Tiên (1949), Hồ Chí Minh truyện, Trương Niệm Thức dịch, Bát nguyệt xuất bản xã.
- Trần Dân Tiên (2004), Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Nghệ An.
- Wang, Qi (2013), The Autobiographical Self in Time and Culture, Oxford University Press.
- Wilson, Anne E. và Michael Ross (2003), “The Identity Function of Autobiographical Memory: Time Is on Our Side”, Memory, số 11:2, tr. 137-149.
- Wolfe, Thomas (1962), The Thomas Wolfe Reader, C. Hugh Holman biên tập, giới thiệu và chú giải, Charles Scribner’s Sons.
Trần T. Lam*
Tóm tắt
Trong số rất nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vừa đi đường, vừa kể chuyện hẳn nhiên là một trong những tác phẩm độc đáo của ông. Được viết và đăng tải hàng ngày thành hai đợt trên báo Nhân Dân trong năm 1961, tập sách này đến nay vẫn thường được biết như tác phẩm của một nhà văn ký tên là T. Lan. Vừa đi đường, vừa kể chuyện đến với người đọc như một tập hợp những mẩu chuyện về hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch do chính ông kể lại cho T. Lan ghi chép, và sách đã được đọc và diễn giải theo cách này. Tuy nhiên, năm 2009, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Thế giới cho ra mắt bản dịch tiếng Anh của tác phẩm, khẳng định rõ Hồ Chí Minh là tác giả của sách dưới bút danh T. Lan. Điều này đòi hỏi những cách đọc và diễn giải mới đối với tác phẩm dưới ánh sáng của lý thuyết tự truyện. Với “sự trở lại của tác giả,” bài viết lược khảo những thay đổi trong ba tập bản thảo của Vừa đi đường, vừa kể chuyện để hiểu rõ hơn tác phẩm đã được viết như thế nào, đồng thời đề xuất một cách đọc mới dựa trên lý thuyết tự truyện đối với tác phẩm này.
Từ khoá: tự truyện, ký ức, hư cấu, mạng văn bản (liên văn bản)
Abstract
Tales Told on the Revolutionary Road:
Stories Told on the Trail – A Rare and Precious Narrative
Among his voluminous writing, Ho Chi Minh’s Stories Told on the Trail surely stands out as one of his unique works. First written and published daily in two sets in People’s Newspaper (Nhan Dan) in 1961, this had been known as the work written by a writer by the name of T. Lan. Stories Told on the Trail has come to readers as a collection of anecdotes about Ho Chi Minh’s revolutionary activities told by himself and recorded by T. Lan, and consequently, it has been read and interpreted this way. However, the publication of an English translation of the book by the Ho Chi Minh Museum and the The Gioi Publishers in 2009 clearly confirms that Ho Chi Minh is in fact the work’s author who wrote it under the pen name of T. Lan. This consequently requires new readings and interpretations for the book in the light of theories of autobiography. With the “return of the author,” this paper examines changes in three sets of manuscripts of Stories Told on the Trail to better understand how it was written and suggests a new reading for the book based on theories of autobiography.
Keywords: autobiography, memory, fiction, textual network (intertextuality)
* Nhà nghiên cứu độc lập, Hà Nội, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
[1] Theo Stories, tác phẩm Vừa đi đường được đăng thành hai đợt trên báo Nhân Dân: đợt 1 từ ngày 10 đến 14/05/1961, đợt 2 từ ngày 28 đến 31/05 và từ ngày 3 đến 6/8/1961. [16, 12]
[2] Theo bản tin của báo Sài gòn Giải phóng, tác phẩm được đăng ký là “di sản tư liệu thế giới” (World Documentary Heritage). Đây là chương trình được UNESCO khởi xướng năm 1992 với tên chính thức là “Chương trình Ký ức Thế giới” (Memory of the World Programme). Việt Nam News đã dùng tên chương trình này khi đưa tin. [4]
[3] Lady Borton là nhà văn, nhà báo, và nhà hoạt động từ thiện người Mỹ, tác giả của nhiều tác phẩm về Việt Nam như Sensing the enemy: An American among the Vietnamese Boat people (Doubleday, 1984), hay After Sorrow: An American among the Vietnamese (Kodansha USA, 1996). Bà đến Việt Nam lần đầu năm 1969, và từ đó đến nay đã trở lại đất nước này rất nhiều lần. Tự nhận là “một người Mỹ chân thật”, Borton muốn giới thiệu Việt Nam như bà đã trải nghiệm ra thế giới. Xem [2].
[4] Bài của Lady Borton in trong ấn bản 2009 đã được Trung Hiếu dịch sang tiếng Việt. [8] Đoạn mở đầu cho biết, “Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan là một cuốn tự truyện duy nhất được Hồ Chí Minh - người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại, viết. Tập tiểu sử Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch được xuất bản năm 1948 với bút danh Trần Dân Tiên. Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chưa bao giờ dùng bút danh Trần Dân Tiên.”. Đoạn này đã được bỏ trong ấn bản năm 2013.
[5] Hình ảnh trích từ bản thảo Vừa đi đường cũng đã được dùng trong sách Legal Case Against Nguyen Ai Quoc (Ho Chi Minh) in Hong Kong (Nxb. Chính trị Quốc gia, 2006). Xem [7].
[6] Xem Phụ lục các trang bản thảo ở cuối bài.
[7] Xem thêm Phạm Văn Tình (2011), “Ngôn ngữ dân gian về Tết”, tham khảo tại http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=62943, truy cập ngày 31/01/2019.
[8] Cả hai tác phẩm này cùng được viết trong năm 1929.
[9] Về quan hệ giữa tự truyện và tiểu thuyết cùng một số dạng tự thuật trong văn học Việt Nam đương đại, xem thêm [11].
[10] Chẳng hạn như trong Từ điển Văn học bộ mới [9, 1905-1906]
[11] Nguyên văn là “Récit rétrospectif en prose qu’une personne réelle fait de sa propre existence, lorsqu’elle met l’accent sur la vie individuelle, en particulier sur l’histoire de sa personnalité” [18, 14]
[12] Các thuật ngữ Autodiégetique, Homodiégetique, và Heterodiégetique của nhà tự sự học G. Genette được Lejeune dẫn dụng ở đây. [18, 18]
[13] Lejeune giải thích, “Trường hợp tiểu sử hướng đến nhân vật mẫu [biographie adressée au modèle] là trường hợp của những diễn văn hàn lâm gửi đến người mà cuộc đời được kể lại trước khán thính giả - người tiếp nhận thực sự [diễn văn ấy], tựa như trong một tự truyện kể ở ngôi thứ hai.” [18, 18]
[14] Je est un autre (Tôi là một người khác) là một tựa đề khó dịch đầy đủ vì nó trộn lẫn ngôi nhân xưng thứ nhất Je (tôi) với động từ être (là) chia ở ngôi thứ ba (est).
[15] Hiện nay đã có 2 bản dịch tiếng Anh; xem [19] và [21].
[16] Ở cuối bản dịch tiếng Trung có đoạn, “最後,我們應該附記一下,據胡主席的左右說,他永遠保持「胡志明」這個姓名,是為了對中國表示禮貌。” (Cuối cùng, chúng tôi nên viết thêm đôi chút, theo lời Hồ Chủ tịch, ông mãi mãi giữ tên “Hồ Chí Minh” là để biểu thị phép lịch sự với Trung Quốc) [31, 191]. Do đoạn này không có trong bản tiếng Việt, nên không rõ có phải do người dịch (Trương Niệm Thức) thêm vào hay không? Ngoài ra, toàn bộ chương 27 trong bản dịch tiếng Trung (tr. 140-143) nói về những cuộc gặp gỡ thân thiện, hữu nghị giữa Hồ Chủ tịch và một tiểu đội quân nhân người Mỹ khi ông vừa trở về từ Trung Quốc cũng không thấy có trong bản tiếng Việt.
[17] Chẳng hạn như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dùng bút danh “Trần Lam” trong bài “Chuyện giả mà có thật” thuật chuyện những hoạt động của mình đăng trên báo Nhân Dân, số 2242, ra ngày 9 tháng 5 năm 1960. [3]
[18] Xem Phụ lục 2 ở cuối bài.