Nguyễn Hành - một hồn thơ trác tuyệt gần như bị quên lãng

Số người biết về Nguyễn Hành hiện nay rất ít. Tôi có hỏi một vài người quan tâm đến văn chương, các vị ấy đều không hề biết Nguyễn Hành là ai.

20200525

Gõ Google, thấy xuất hiện một vài bài viết đáng chú ý như bài Nguyễn Hành (1771 - 1824) nhà thơ tài hoa trong An Nam ngũ tuyệt của Phạm Trọng Chánh (TS. Khoa học Giáo dục Viện Đại học Pars V Srbonne) và bài Nguyễn Du qua cảm nhận Nguyễn Hành của Lê Quang Trường… Sở dĩ tên tuổi Nguyễn Hành còn ít người biết đến vì mấy lý do chủ yếu như: các tác phẩm của ông đều được viết bằng chữ Hán như Quan Đông hải (Ngắm biển Đông), Minh Quyên thi tập (Tập thơ Tiếng kêu của chim Đỗ Quyên)…, số người giỏi chữ Hán ở nước ta hiện nay rất hiếm. Một vài bản dịch thơ Nguyễn Hành của Nhất Uyên và của nhóm biên soạn Minh Quyên thi tập (Nxb. Nghệ An, 2017) gồm Võ Minh Quang (chủ biên), Hồ Bách Khoa, Trần Thị Vinh, Hồ Công Lưu chưa có bản dịch nào thật hay, thật đặc sắc để có thể lưu truyền rộng rãi. Các nhà thơ tên tuổi thông thạo chữ Hán như Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ, Tùng Thiện Vương, Tản Đà, Khương Hữu Dụng, Nam Trân… không biết vì lý do gì mà chưa hề dịch một bài thơ nào của Nguyễn Hành. Phần lớn thơ Nguyễn Hành được sáng tác trong thời nhà Nguyễn nhưng một lòng hướng về nhà Lê nên không được lưu hành rộng rãi, thậm chí còn bị nghi kỵ, cấm đoán. Đương thời, Nguyễn Hành xếp trong “An Nam ngũ tuyệt”. Hiện vẫn chưa biết chắc chắn 5 vị đứng đầu văn chương nước Nam ta thời ấy là những ai. Có thuyết cho là gồm: Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Nguyễn Huy Tự, Phạn Huy Ích, Ngô Thời Vị. Cũng có thuyết cho là gồm: Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Đề, Nguyễn Du, Nguyễn Hành. Cả hai thuyết đều chưa có căn cứ khoa học.

Nguyễn Hành và Nguyễn Du có nhiều điểm tương đồng: Cùng dòng dõi họ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du là chú ruột của Nguyễn Hành); cả hai cùng sống trong thời kỳ lịch sử đầy biến động (cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn). Nguyễn Du (1766) lớn hơn Nguyễn Hành (1771) 5 tuổi và mất (1820) trước Nguyễn Hành (1824) 4 năm. Cả hai đều được cha, anh rèn cặp từ nhỏ và cùng chung hưởng những năm tháng tuổi thơ trong đại gia đình “danh gia vọng tộc”, tận mắt nhìn ngắm lâu đài nguy nga tráng lệ, cung vua, phủ chúa. Thời Tây Sơn, cả hai cùng lánh nạn (Nguyễn Du nương nhờ nhà vợ ở Hải An, Thái Bình, Nguyễn Hành nương nhờ nhà cậu ở Nam Sách, Hải Dương). Ngoài 30 tuổi, cả hai đều nổi tiếng là những bậc “danh sĩ” trong thiên hạ. Chỉ khác là Nguyễn Du có đi thi và đỗ Tam trường, còn Nguyễn Hành thì không dự bất kỳ một khóa thi nào. Nguyễn Du ra làm quan cho nhà Nguyễn còn Nguyễn Hành thì cương quyết chối từ - một lòng trung thành với nhà Lê. Nguyễn Du có được trên 20 năm cuộc sống tạm gọi là yên ổn, còn Nguyễn Hành thì gần như suốt đời chịu cảnh nghèo túng “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Nguyễn Du vừa viết bằng chữ Hán vừa viết bằng chữ Nôm, còn Nguyễn Hành chỉ viết bằng chữ Hán.

Người làm văn chương thời nào cũng có quan niệm riêng của mình. Nguyễn Hành không là ngoại lệ. Nhưng tôn thờ văn chương, đề cao văn chương, thấu hiểu cái vi diệu của văn chương thì ít ai bằng Nguyễn Hành. Trong bài Văn tại tư (Văn chương phải là chính nó), Nguyễn Hành viết: Văn chương bổn linh khí/ Tạo hóa giả ngô nhân/ Tinh chi xuất ư quỷ/ Diệu xử nhược hữu thần/ Vô cùng tỉ Hà Hán/ Bất trắc loại phong vân… (Văn chương là linh khí/ Tạo hóa tặng người trần/ Khi xuất thì như quỷ/ Khi nhập thì như thần/ Dài như mây, như gió/ Rộng như dòng sông Ngân…). Bài Ẩm trà sự (Việc uống trà), từ việc uống trà, Nguyễn Hành suy luận về bản chất của văn chương như sau: Tức thử ẩm trà sự/ Hà vi bất khả ngôn/ Văn chương vô định thể/ Đắc ý dữ thùy luân (Tỷ như việc uống trà/ Dư vị không thể tả/ Nếu ràng buộc văn chương/ Chẳng ai thèm đọc cả). Cái ý văn chương là chính nó, không thể ràng buộc, khống chế, điều khiển, được Nguyễn Hành đặc biệt lưu tâm. Có lẽ ở xứ ta, Nguyễn Hành là một trong những người đầu tiên đề cao và cổ súy cho quan điểm tự do sáng tác. Nguyễn Hành cũng giống như Nguyễn Trãi: Ung dung cứ nói điều ta thích, uốn lưỡi theo đời ta chịu đâu! Mặc dù sống dưới thời Tây Sơn hay dưới thời nhà Nguyễn, ông vẫn can đảm ca ngợi những trung thần thời nhà Lê, như: Lý Trần Quán, Nguyễn Huy Trạc… Trong bài Đan Nhiễm Ngự sự công (Ông Ngự sử ở làng Đan Nhiễm), nhà thơ tôn vinh khí tiết của Nguyễn Huy Trạc. Ông Ngự sử ở làng Đan Nhiễm không chịu ra làm quan cho nhà Tây Sơn, đã tìm cách uống thuốc độc tự tử: Ẩm độc cam như thuần (Uống thuốc độc mà như uống rượu ngon). Nguyễn Hành còn nêu gương Thúy Ái phu nhân. Theo tiểu dẫn của tác giả: “Nàng họ Phan, tên tự Thuận Nương, người Trảo Nha, Thạch Hà, Hà Tĩnh, là vợ ông Tiền Suất đội họ Ngô. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn đánh chiếm sông Thúy Ái (Nhĩ Hà), quân nhà Lê thất trận, ông họ Ngô chết chìm, mất xác. Mấy hôm sau, bà Thuận Nương mặc áo quần mới, chèo thuyền ra giữa sông, trẫm mình tự vẫn theo chồng”: Nhĩ Hà vạn cổ lưu/ Bất tận phu nhân tiết (Tiết nghĩa của phu nhân/ Sông Nhĩ lưu truyền mãi). Nguyễn Du cũng hoài Lê nhưng chỉ thể hiện một cách kín đáo chứ không bộc trực như Nguyễn Hành. Chính cái tính bộc trực ấy mà nhà thơ từng rước họa vào thân. Có kẻ ngầm tâu với em trai Nguyễn Hành là Nguyễn Ngỗ - một ông quan to triều Tây Sơn - rằng: “Nguyễn Hành có ý khôi phục nhà Lê”. Nguyễn Ngỗ đã sai quân lính truy bắt anh trai. Nguyễn Hành vội vàng gửi hai cô con gái đang nhỏ dại cho một bà lão ở Ngãi Am (Nam Sách, Hải Dương) rồi chạy trốn. Phải 3 tháng sau cha con mới gặp lại nhau. Nhà thơ xúc động nghẹn ngào viết bài Hỉ nhị nữ lai tự Vĩnh Lại (Vui gặp hai con đến từ Vĩnh Lại): Huyết thuộc nan dung xử/ Tha nhân cánh tự chi/ Tương khan bi hỉ tập/ Hàm tiếu lệ song thùy (Anh em nuôi thù hận/ Người dưng tốt quá trời!/ Vui với buồn lẫn lộn/ Miệng cười, mắt lệ rơi). Chắc chắn Nguyễn Du chưa bao giờ lâm vào tình cảnh éo le như thế. Chỉ bốn câu ngắn gọn mà chất chứa bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm trạng, bao nhiêu nghịch lý. Gặp lại hai con thì mừng rỡ, với bà cụ cứu giúp con mình thì vừa cảm phục vừa biết ơn. Nghĩ đến người em ruột quyết truy bắt anh bằng được để xử tội mà buồn, mà giận, mà xót xa, cay đắng cho cái sự đời. Bởi cái nghi án có mưu đồ làm phản đó mà ông phải vào hầu cửa quan không biết bao nhiêu lần. Trong bài Hữu trào chi giả (Có điều cười mỉa), nhà thơ tự trào: Tha niên hải nội tri danh sĩ/ Kim nhật thành trung khất thực nhân/ Tối thị nhất ban chân khả tiếu/ Công môn an dụng nhữ tần tần (Năm nào tên tuổi lừng danh/ Mà nay hành khất quanh thành nắng mưa/ Có điều này - nực cười chưa!/ Quan đâu cần, vẫn sớm trưa ra, vào). Nguyễn Du chỉ có mười năm gió bụi nhưng ngay những năm tháng đó, gia cảnh Nguyễn Du cũng không đến nỗi nào. Vì họ Đoàn bên vợ Nguyễn Du ở Hải An Thái Bình lúc bấy giờ vẫn rất sung túc. Nguyễn Hành thì trải qua gần 40 năm gió bụi. Ông chỉ nương nhờ gia đình cậu ruột ở Nam Sách, Hải Dương trong một thời gian ngắn. Gần 40 năm, ông và vợ phải “may thuê, viết mướn kiếm ăn lần hồi”. Nhiều ngày cái chum nhà ông không còn một hột gạo nào. Trong bài Mễ tận (Hết gạo), nhà thơ “cười ra nước mắt”: Thiên dữ trường bần lộc (Trời cấp cho ta cái lộc nghèo mãi). Ông rất biết ơn những người hàng xóm ở Nam Sách, ở bắc thành Thăng Long từng cưu mang, giúp đỡ gia đình ông trong năm tháng khốn khó. Người mang cho ông vài củ khoai lang, người mang tặng ông dăm ba đấu gạo. Ông đáp lại bằng những bài thơ mộc mạc, chân tình. Mùa đông đến, trong khi nhà giàu mua sắm áo lông cừu chống rét, còn ông thì “dùng lửa làm áo”. Bởi không có áo ấm nên mùa đông với ông chẳng khác gì mùa thu. Nói về cái nghèo, cái khổ ông không thua gì Đỗ Phủ. Có thể xem Nguyễn Hành là Đỗ Phủ của đất Việt. Nghèo thì nghèo nhưng nhà thơ vẫn yêu đời, lạc quan, vẫn ngắm hoa, thưởng nguyệt. Bởi hơn ai hết, ông bằng lòng với cái giáo lý mà cha ông từng truyền dạy cho ông: “Tôi trung không thờ hai vua”. Về điều này thì Nguyễn Du mềm dẻo hơn ông, linh hoạt hơn ông, khôn khéo hơn ông. Nhưng không phải vì thế mà ông né tránh, xa cách người chú ruột của mình. Ngược lại, Nguyễn Hành là một trong những nhà thơ đương thời gần gũi Nguyễn Du nhất, hiểu rõ tính cách và tài năng của Nguyễn Du nhất và cũng là người làm nhiều thơ tặng Nguyễn Du nhất (6 bài). Nghe tin Nguyễn Du cáo bệnh từ quan xin về quê nhà Hồng Lĩnh (thời làm tri phủ Thượng Tín, 1804), Nguyễn Hành cảm tác ngay bài thơ Hỉ thúc phụ Thường Tín tri phủ giải quan quy (Mừng chú từ quan tri phủ Thường Tín về quê), trong đó có hai câu sử dụng hình ảnh ẩn dụ đầy ngụ ý: Bạch vân bản thi vô tâm xuất/ Phi điểu nghi ư vị quyện hoàn (Mây trắng vô tâm rời hang núi/ Chưa mỏi, chim khôn chọn chốn về). Năm 1806, Nguyễn Du bất ngờ nhận được chiếu chỉ vào Kinh đô Phú Xuân giữ chức Đông các học sĩ. Nguyễn Hành có làm bài Tống thúc phụ Đông các học sĩ phó Nam kinh (Tiễn chú Đông các học sĩ vào kinh đô phía Nam): Hồng Ngư đa tú khí/ Phu Tử độc trì danh/ Bào mã đương triều quý/ Thuần lô cố viên tình… (Núi Hồng nhiều tú khí/ Hun đúc chú nổi danh/ Dẫu vinh hoa, phú quý/ Không quên túp lều tranh). Dịch sát nghĩa là: Dẫu được vinh hiển ở triều đình, mặc áo bào, cưỡi ngựa/ Mà tình cảm vẫn nhớ rau thuần, cá lô nơi quê nhà xưa. Phải hiểu lòng yêu quê hương của chú mình đến mức nào nhà thơ mới quả quyết như thế. Trong bài tiếp theo Thướng thúc phụ Đông các học sĩ (Thơ dâng chú là Đông các học sĩ), Nguyễn Hành một lần nữa khẳng định tài năng siêu việt của chú mình: Ngô môn tú xuất như Phu Tử/ Cửu thập cửu phong trung nhất phong/ Phấm tại ngọc đường kim mã quí/ Tâm tương mộc thực thảo y đồng/ Giang hồ lăng miếu nhiêu song thích/ Thi họa cầm thư thiện tứ công/ Khước vị thuần lô vong bất đắc/ Kỷ hà quý khứ tại thu phong (Chú kiệt xuất nhất họ ta/ Chín mươi chín đỉnh chú là đỉnh cao/ Dù đang lầu ngọc, áo bào/ Vẫn thích áo vải, cơm rau quê mình/ Giang hồ thỏa chí tang tình/ Cầm thư thi họa cung đình mấy ai/ Rau thuần, cá vược nhớ hoài/ Mùa thu gió nổi một hai tìm về). Ngày 10 tháng Tám (Âm lịch) năm 1820, Nguyễn Du mất. Một năm sau (1821), Nguyễn Hành làm bài thơ Ức công (Nhớ chú): Thập cửu niên tiền thúc Phi Tử/ Nhất thế tài hoa kim dã hử/ Ngô môn hậu phúc công xảo hoàn/ Dịch lệ hà năng tốc công tử?/ Tam thu luân lạc thử thành trung/ Nam vọng phù vân mỗi ức công/ Quy khứ gia sơn văn dạ lữ/ Tinh linh hoang dữ năng thời đồng (Mười chín năm trước, chú ơi/ Lừng danh thiên hạ một người tài hoa/ Phúc dày cả họ nhà ta/ Dịch lan, chú mất sao mà quá nhanh/ Ba năm lưu lạc Bắc thành/ Phương Nam nhớ chú, cháu đành nhìn mây/ Về quê, nghe thú gọi bầy/ Tưởng trông thấy chú như ngày xa xưa). Câu đầu bài thơ này có bản chép: Thập cửu niên tiền Tố Như tử và dịch thành: “Mười chín năm về trước Tố Như mất” là không chính xác. Bởi Nguyễn Hành làm bài thơ này sau một năm, khi nghe chú mình mất thì không thể có chuyện 19 năm về trước được. Mười chín năm về trước là nhà thơ tính từ khi Nguyễn Du ra làm quan với nhà Nguyễn (1802) đến 1821 (thời điểm Nguyễn Hành làm bài thơ này). Liên quan đến cái chết của Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Hành còn có bài Đại dịch (Nạn dịch lớn). Qua diễn tả của tác giả, chúng ta được biết cái nạn dịch khủng khiếp xảy ra vào mùa thu năm 1820, khiến cho hàng vạn người phải rời bỏ thế gian: Lẫm nhược đại quân hành/Tao nhiên vạn lý kinh/ Cổ lai vô thử dịch/ Xiêm Lạp chí Long thành… (Như đại quân ào tới/ Kinh hãi cả núi sông/ Dịch lớn chưa từng thấy/ Chân Lạp đến Thăng Long…). Chính đại dịch này đã cướp mất của chúng ta thiên tài Nguyễn Du.

Đọc thơ vịnh cảnh, vịnh sử, vịnh nhân tình thế thái của Nguyễn Hành ta mới biết Nguyễn Hành có kiến văn rộng, rất nhạy cảm, tinh tế, thâm trầm và sâu sắc. Qua các bài: Đào hoa vịnh, Độc Cao Thích vịnh, Trấn Vũ quán, Vịnh sử, Hào kiệt khách vịnh, Thân Bao Tư vịnh, Tổng vịnh Tây Sơn… đã phần nào thể hiện điều đó. Chẳng hạn như bài Kính giải (Lý giải về cái kính). Đầu tiên tác giả đặt câu hỏi: Thế giới kinh trung hư/ Hà nhân năng cửu cư? (Thế giới ở trong gương là hư ảo/ Cớ sao người đời vẫn sống lâu với nó?). Tiếp đến tác giả chỉ ra rằng: Tâm tương diện bất như (Tâm với mặt chẳng giống nhau). Bởi thế cho nên tác giả ao ước: Dục tầm kính bối khán/ Ưng kiến bổn lai sơ (Muốn tìm chiếc gương xem được phía sau lưng/ Để thấy bản tính xưa nay của mình). Đúng là một phát hiện bất ngờ và độc đáo!

Trong Lời dẫn về khúc nhạc chim Đỗ Quyên hót, Nguyễn Hành tâm sự: “Chim Đỗ Quyên có tiếng kêu đau khổ, đến hết sức lực thì tất treo ngược trên cành cây mà thôi. Ta giờ lấy văn chương mà kêu lên, đến mức nói đầy đủ sự thống khổ của mình. Những mong bộc lộ được hết nỗi lòng chính mình thôi. Rồi sẽ có thanh âm đặc biệt nào đó có thể nghe (tiếng kêu ở thơ ta) mà có thể họa lại. Ta đã lấy tiếng kêu này để lắng nghe tiếng vọng ở đời”.

Nếu thơ Nguyễn Hành được dịch hay hơn (những đoạn dịch thơ trong bài viết là những thử nghiệm ban đầu của tôi), được quảng bá rộng rãi hơn, tôi tin là sẽ có nhiều “thanh âm đặc biệt cất tiếng họa lại”. Một tài năng thơ trác tuyệt như Nguyễn Hành mà bị người đời gần như quên lãng thật tiếc lắm thay!

Mai Văn Hoan

Nguồn: Tạp chí Sông Hương SDB36/03-2020, ngày 27.4.2020.

 

Thông tin truy cập

63694659
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14951
23426
63694659

Thành viên trực tuyến

Đang có 663 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website