Dịch giả, nhà thơ Nhật Chiêu bình "Truyện Kiều" - tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du - tại buổi nói chuyện chủ đề "Kiều và cái hồng nhan".
Chương trình nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào (1820-2020), diễn ra vào 14h ngày 20/6 tại Cà phê thứ bảy, TP HCM, có sự tham gia của Tiến sĩ Bùi Trân Phượng. Về cách gọi "cái hồng nhan", Nhật Chiêu lấy ý tưởng từ câu Kiều: "Còn chi là cái hồng nhan, Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?".
Nhà thơ cho biết: "Không bao giờ nói hết được ý nghĩa và vẻ đẹp của Truyện Kiều. Điều ta có thể nhận thấy ngay trong kiệt tác của Nguyễn Du là cái đau đớn đọa đày ở đàn bà qua hình tượng nàng Kiều. Kiều là hình bóng đau khổ của người nữ, cái khổ mà Nguyễn Du gọi là 'cái hồng nhan' ".
Nhật Chiêu là một trong những chuyên gia về Truyện Kiều. Không chỉ tham gia giảng dạy ở các đại học về tác phẩm này và về đại thi hào Nguyễn Du, ông còn có nhiều bài phân tích, nghiên cứu về giá trị Truyện Kiều qua thời gian như: Nói lái trong Truyện Kiều, Triết lý Tarot và Truyện Kiều: Từ ngây thơ đến thế giới... Ông cũng sáng tác nhiều thi phẩm lấy cảm hứng từ tác phẩm của Nguyễn Du, được bạn đọc yêu thích, như: Trong cõi tình không, Tố Như là áng thơ bay... với lời thơ như:
"Về đây ta khóc với lòng
sông Lam khói tỏa núi Hồng mù mây
với người ta khóc hôm nay
chẳng mong ai khóc một ngày mai sau
hai trăm năm đã thế nào
những điều trông thấy mà đau hơn Kiều
tiếng đàn ai đã phiêu diêu
tiếng thơ ta vẫn còn chiêu liêu buồn
lòng người ra một cỗi nguồn
về đây mà vượt nhiễu nhương đời này
Tố Như là áng thơ bay
cõi người ta hát cho ngày phục sinh"
(Tố Như là áng thơ bay)
Dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du, trong nước diễn ra một số chương trình, sự kiện như: khởi quay phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du kinh phí 15 tỷ đồng, vở ballet truyện Kiều lần đầu được dựng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM (HBSO) - diễn tối 20/6 tại Nhà hát TP HCM, 14/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820) quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Ông sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, là nhà thơ lớn được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Ông có ba tập tác phẩm tiếng Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông.
Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Thoại Hà
Nguồn: VnExpress, ngày 19.06.2020.