Tin từ gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho biết, tác giả ‘Đội gạo lên chùa’ vừa qua đời vào 14h55 hôm nay 12-6, vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 88 tuổi.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán vừa trở về từ gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau khi mang ảnh thờ cho nhà văn từ bức ảnh ông chụp cho biết tác giả Mẫu Thượng Ngàn qua đời tại nhà riêng. Nhà văn đã ốm mấy năm nay.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì đi theo kháng chiến, tham gia bộ đội.
Hòa bình lập lại, ông công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, rồi báo Thiếu Niên Tiền Phong nhưng sớm nghỉ hưu từ năm 1973. Trong thời gian làm báo, ông đã bắt đầu viết văn, viết biên khảo. Năm 1963, ông cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên có tên Rừng sâu.
Sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu cuộc đời nghèo khó của mình cùng hoàn cảnh khó khăn của đất nước lúc bấy giờ và cần mẫn, chuyên tâm hơn bên những trang viết đêm đêm. Hình ảnh ông đạp máy khâu, viết hàng ngàn trang tiểu thuyết luôn được giới văn nghệ sĩ và bạn đọc nhắc tới với niềm tôn kính sâu sắc.
Những bộ tiểu thuyết đồ sộ liên tiếp ra đời nhưng phải kiên nhẫn nằm trong ngăn kéo đợi nhiều năm sau mới được xuất bản. Sáng tác của ông theo hai thể loại là tiểu thuyết văn hóa lịch sử và tiểu thuyết phúng dụ.
Nổi tiếng nhất trong mảng tiểu thuyết văn hóa lịch sử có Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa.
Với Đội gạo lên chùa ra mắt năm 2011, Nguyễn Xuân Khánh từng được nhắc tới là nhà văn lớn tuổi nhất viết dài nhất, gần 900 trang.
Thể loại phúng dụ có thể kể đến Miền hoang tưởng, Chuyện ngõ nghèo. Trong đó, Miền hoang tưởng đã được xuất bản lần đầu tiên khá sớm, vào năm 1985, trong khi Chuyện ngõ nghèo viết năm 1982 nhưng mãi tới năm 2016 mới được Nhã Nam xuất bản với tên mới, không giữ được tên gốc của tác phẩm là Trư cuồng.
Chuyện ngõ nghèo lấy chất liệu từ chính đời sống nghèo khổ của tác giả một thời, cái thời mà người Hà Nội phải tăng gia nuôi lợn trong không gian sống vốn đã quá chật hẹp của gia đình để tồn tại qua cái nghèo.
Tuy thế, đây không phải là cuốn tự truyện mà tác giả chỉ dùng chút chất liệu hiện thực cộng với thủ pháp phúng dụ để viết lên câu chuyện buồn khi con người bị “lợn hóa”. Chuyện ngõ nghèo được trao giải Sách hay 2018, hạng mục Tác phẩm văn học.
Ngoài ra, ông còn dịch thuật nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Những quả vàng, Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất, Năm tuần trên khinh khí cầu, Tâm lý học đám đông.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội trao nhiều giải thưởng như:
- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 cho Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho Hồ Quý Ly.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho Mẫu Thượng Ngàn.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.
- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-van-nguyen-xuan-khanh-qua-doi-20210612205807326.htm