Tết này, mời bạn đọc một tìm tòi công phu và những phát hiện quý báu về nhiều tác phẩm bị quên lãng của nhà văn Nam Cao…
Trong hai năm 2020, 2021, khi khu vực tôi cư trú tại Hà Nội bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19, ngày ngày ngồi trước máy tính, tôi bỗng nhận ra rằng, tính đến ngày 28-11-2021 (theo gia đình Nam Cao là ngày 30-11) là tròn 70 năm ngày nhà văn Nam Cao (1915 - 1951) hy sinh trên đường công tác.
Tôi bỗng nảy ra nhu cầu tìm hiểu lại xem, di sản ngòi bút của nhà văn Nam Cao đã được thu nhận, đưa vào các sưu tập, tuyển tập, giới thiệu với công chúng ra sao?
Liệu tất cả những gì từng được sinh ra dưới ngòi bút nhà văn đã được hậu thế chúng ta thu lượm, tái công bố cho công chúng hết chưa?
Kinh nghiệm làm nghiên cứu cho tôi thấy, ở Việt Nam, công việc sưu tầm di sản sáng tác của các tác gia đã quá cố rất ít khi được thực hiện chu đáo, chưa kể những thiếu hụt rất lớn về tư liệu sách báo lưu trữ.
Người ta biết: Cuối năm 1951, Nam Cao hy sinh. Năm 1956 truyện dài Sống mòn (viết 1944, bản thảo viết tay của Nam Cao do Tô Hoài cung cấp) được đưa in.
(Thật ra, đây là một việc đã trù định từ trước kháng chiến, chứng cứ là trên bìa 4 tạp chí Tiên Phong của Hội VHCQ số 21, ngày 16-10-1946, đã quảng cáo sắp in tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao).
Nhưng không rõ bản thảo Sống mòn được quản lý ra sao mà ngay những năm 1960, một chuyên gia Liên Xô là N. Nikulin đến Hà Nội, muốn làm rõ một số từ ngữ dị bản mà ông thấy trên bản in so với trang bản thảo được chụp ảnh in ở ngay đầu sách Sống mòn.
Đã không ai trong giới nhà văn ở Hà Nội có thể giúp được học giả Nga này (tức là sau khi in sách lần đầu, bản thảo Sống mòn đã bị thất lạc, mà đây là bản viết tay của chính tác giả).
Nam Cao thuộc trong số tác gia đầu tiên tham gia cách mạng và kháng chiến được hưởng quy chế làm tuyển tập tác phẩm, ngay trong thời bao cấp. Lần lượt đã có những tuyển tập Nam Cao, được biên soạn bởi Hà Minh Đức (1975), Phong Lê (1987); các bộ tuyển này sau đó được in lại nhiều lần.
Năm 1988, tạp chí Tác Phẩm Văn Học của Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới của hội cho in sưu tập Những cánh hoa tàn gồm trên dưới một chục truyện ngắn Nam Cao chưa từng có trong hai bộ tuyển tập kể trên; đây vốn là những truyện Nam Cao do nhà giáo Nguyễn Hoành Khung sưu tầm dùng làm tài liệu giảng dạy trong nhiều năm.
Đầu thế kỷ XXI lại xuất hiện bộ Toàn tập tác phẩm Nam Cao (Hà Minh Đức biên soạn, NXB Công An Nhân Dân, tập 1 năm 2002, tập 2 năm 2004).
Thế nhưng trong các bộ "tuyển tập", "toàn tập" kể trên vẫn thiếu vắng khá nhiều tác phẩm mà Nam Cao sinh thời từng viết và đăng báo!
Ngay truyện dài Truyện người hàng xóm của Nam Cao, đăng tuần san Trung Bắc Chủ Nhật (từ số 197, ngày 2-4-1944 đến số 220, ngày 17-9-1944) cũng không thấy tái bản thành sách riêng; chỉ có một vài đoạn trích được đưa vào một vài bộ tuyển.
Chưa kể 4 cuốn truyện dài (Cái bát, Một đời người, Cái miếu, Ngày lụt) mà được biết, Nam Cao đã bán đứt bản thảo cho (một vài) chủ xuất bản, và mất hẳn bản thảo.
Đối với tên tuổi Nam Cao, người ta sẵn sàng truy phong các danh hiệu, truy tặng các giải thưởng, cho lập nhà lưu niệm; nhưng tác phẩm thì không biết là phó mặc cho ai. Giới nhà văn, giới nghiên cứu chừng như đều "cầm lòng vậy" trước tình trạng dở dang về di sản chữ nghĩa của tác gia này.
Một số nỗ lực kiểm kê trong các cuốn Nghĩ tiếp về Nam Cao (nhiều tác giả, Viện Văn học và Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà đồng chủ trì biên soạn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1992), Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm (Viện Văn học chủ trì, Nguyễn Bích Thu biên soạn, sách in 1998) chỉ có thư mục nghiên cứu, không có thư mục tác phẩm Nam Cao.
Hai công trình này đều chưa vượt được những kê biên và dẫn giải của nhóm soạn giả Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A (Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Dung, Trần Hữu Tá) hồi những năm 1980, dù những kê biên trong đó chưa đầy đủ, thậm chí bỏ qua những thứ chỉ được ghi chung chung "và một số truyện thiếu nhi".
Quả thật, quanh tên tuổi Nam Cao, người ta thấy đã có sẵn mấy cái tên sáng giá: Tô Hoài, Hà Minh Đức, Phong Lê. Vậy nên, hễ cần biết gì đó liên quan tiểu sử Nam Cao, các nhà báo bèn đến hỏi người bạn văn của ông là Tô Hoài; hễ cần biết gì đó liên quan tác phẩm Nam Cao, các nhà báo bèn hỏi Hà Minh Đức, tác giả cuốn nghiên cứu đầu tiên về Nam Cao (1961) hoặc Phong Lê, là một trong số những chuyên gia hàng đầu của Viện Văn học về Nam Cao. Rút lại, độc giả chỉ có được những dữ liệu ngày càng chung chung.
Thế nên, trong thực chất, chúng ta đang bỏ quên Nam Cao, hoặc ít nhất cũng quên rằng hậu thế chúng ta chỉ mới biết được một phần cái thế giới ngôn từ chữ nghĩa mà nhà văn này sáng tạo ra. Người ta chỉ nhặt ra vài đoạn tác phẩm Nam Cao để dạy học trò phổ thông.
Có lẽ Nam Cao bắt đầu viết văn khi đang làm thư ký hiệu may Ba Lễ ở Sài Gòn. Tuy nhiên, những trang viết của Nam Cao được đăng báo lần đầu có lẽ không phải trên một tờ báo nào tại Sài Gòn, mà chính là trên báo chí ngoài Bắc, tại Hà Nội.
Theo những dữ liệu của nhóm soạn giả tập 30A Tổng tập văn học Việt Nam, những năm 1936 - 1940, Trần Hữu Trí (dưới các bút danh Thúy Rư, Nguyệt, Xuân Du) đã có thơ, truyện ngắn, kịch ngắn đăng trên những ấn phẩm ra hằng tuần như Tiểu Thuyết Thứ Bảy và Ích Hữu của nhà sách Tân Dân (chủ nhiệm Vũ Đình Long, trụ sở 93 Hàng Bông, Hà Nội); đôi khi đưa đăng tuần báo Hà Nội Tân Văn (sáng lập: Vũ Đình Dy, chủ bút: Vũ Ngọc Phan).
Năm 1941, tập truyện Đôi lứa xứng đôi, ký tên tác giả là Nam Cao, được in thành sách riêng tại Nhà xuất bản Đời Mới (Hà Nội). Đây là cuốn sách in đầu tiên của tác giả này. Từ đấy bút danh Nam Cao được sử dụng như bút danh chủ yếu của Trần Hữu Trí.
Hàng mấy chục truyện ngắn đăng Tiểu Thuyết Thứ Bảy, liền trong các năm 1941 đến 1944, khiến uy tín ngòi bút Nam Cao tăng lên.
Một vài tay bút đàn anh như Lê Văn Trương, Vũ Bằng đã sớm nhận ra và đánh giá cao tài năng của nhà văn trẻ này, nhưng dư luận xã hội khi ấy đang ngợp trong những âu lo dồn dập theo diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai; các thông tin dư luận văn nghệ cố nhiên bị chìm đi.
Phần lớn các truyện ngắn Nam Cao mà hiện nay đã rất phổ biến, là có nguồn từ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Đây là một ấn phẩm văn học in dấu nhiều tên tuổi, nhiều đoạn đường văn học sử, khởi đầu từ năm 1934 (số 1 ra ngày 2-6-1934), chưa rõ kết thúc lúc nào (có người cho biết, đến năm 1955 tờ này còn hoạt động).
Các ghi chép thống kê tác phẩm Nam Cao ở Tổng tập văn học Việt Nam tập 30A chủ yếu cũng là từ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Song, chính các sưu tập Tiểu Thuyết Thứ Bảy tại các kho lưu trữ, thư viện hiện đều ở tình trạng thiếu thốn.
Về série Truyền Bá (cũng được gọi là tuần báo) của nhà sách Tân Dân, theo một bản kê sơ bộ từ 25-8-1941 đến 20-9-1945, ra được 190 kỳ, trong đó tác phẩm Nam Cao mà tôi mới tìm lại được là: Người đàn bà nuôi rắn (số 153, ngày 9-11-1944); Áo vải (số 170, ngày 29-3-1945); Người câm biết nói (số 184, ngày 9-8-1945).
Hiện vẫn còn những tác phẩm Nam Cao trong série này chưa tìm thấy văn bản: Hoàng hậu Yết-Tê (số 157, ngày 7-12-1944); Thằng khờ (số 163, ngày 25-1-1945); Anh cóc kệu (số 179, ngày 5-7-1945); Người Mường (số 189, ngày 13-9-1945).
Loại sách Hoa Mai của Nhà xuất bản Cộng Lực thì hiện chưa thấy ai khảo sát thống kê. Căn cứ các trang quảng cáo in trong các tập sách Hoa Mai hiện còn, ta có thể biết rằng série sách này bắt đầu xuất bản trong tháng 9-1941, mỗi tháng ra 2 cuốn, thường là vào các ngày 1 và 15.
Những tác phẩm Nam Cao in trong loại sách này đã tìm thấy và đưa vào sưu tập Những cánh hoa tàn (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, 1988) là Nụ cười (HM. 6, ra ngày 1-12-1941); Người thợ rèn (HM. 23, ngày 1-10-1942).
Những tác phẩm Nam Cao in trong loại sách Hoa Mai tôi mới tìm thấy (2021) là Con mèo mắt ngọc (HM. 10, ngày 1-2-1942); Ba người bạn (HM. 13, ngày 1-5-1942); Những trẻ khốn nạn (HM. 17, ngày 1-7-1942, và HM. 18, ngày 15-7-1942); Bảy bông lúa lép (HM. 40, ngày 1-2-1944).
Một số tác phẩm của Nam Cao in sách Hoa Mai nhưng hiện chưa tìm thấy văn bản là: Đầu đường xó chợ (HM. 27, khoảng tháng 11-1942; là phần truyện tiếp theo Những trẻ khốn nạn); Phiêu lưu (HM. 34, ngày 15-12-1942). Tập truyện Nửa đêm của Nam Cao cũng do nhà Cộng Lực xuất bản (1943) nhưng không nằm trong loại sách Hoa Mai.
Một tư nhân làm xuất bản khác là Phùng Văn Hợp ở số 40 Hàng Đồng, Hà Nội, đã dựa vào tác phẩm của Nam Cao để mở đầu loại sách Bọ Ngựa của mình.
Cuốn truyện Đảo Hang Cọp của Nam Cao được ghi tên thể loại là "truyện phiêu lưu" (bìa 1 có tên Nhà xuất bản Éditions Bách Việt; bìa 4 ghi giấy phép in số 268 ký ngày 2-10-1942) dường như mở đầu cho loại sách này. Hiện không có tư liệu để biết hoạt động tiếp theo của série sách này ra sao.
Một loại ấn phẩm tương tự nữa mà Nam Cao tham dự, là Nhi Đồng Họa Bản của nhà sách Kiến Thiết, ở số 4bis, Borgnis Desbordes (Tràng Thi, Hà Nội). Chưa có tư liệu để biết chừng trên 10 kỳ đầu của série Nhi Đồng Họa Bản này ra sao; chỉ biết số 12 và số 13 in truyện Thám hiểm châu Phi của Nam Cao, dường như in và phát hành cùng lúc cả hai tập (bút tích nộp lưu chiểu ghi cùng ngày 28-10-1942).
Chủ xuất bản dàn trang theo hình thức báo chí: trang 2 (bìa 2) và khoảng 3-4 trang cuối là một truyện rất ngắn của tác giả khác, một vài trang tranh đố và giải đố, còn lại hầu hết các trang ruột đều dành cho Thám hiểm châu Phi của Nam Cao.
Những văn bản tác phẩm này được lưu giữ từ nguồn sách nộp lưu chiểu mà chính quyền thực dân Pháp đưa thành quy chế thi hành tại Đông Dương từ năm 1922. Ngoài số bản lưu tại Thư viện Trung ương ở Hà Nội (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam), mỗi tên (titre) sách báo nộp lưu chiểu đều được gửi ít nhất 1 bản (exemplaire) sang Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris.
Vài năm gần đây, Thư viện Quốc gia Pháp đã đưa lên mạng các bản PDF sách chữ Việt nộp lưu chiểu trước 1954 hoặc trước 1945, tạo thuận lợi đáng kể cho giới nghiên cứu và những bạn đọc quan tâm.
Toàn bộ 9 tác phẩm của Nam Cao mới tìm lại được văn bản kể trên, đều lấy từ nguồn của Thư viện Quốc gia Pháp (trang Gallica.bnf.fr).
Trong số ấn phẩm thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam (1943 - 1947), lưu trữ tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, có một số cuốn in tác phẩm Nam Cao. Cuốn Năm anh hàng thịt (1945) thuộc tủ sách "Gương chiến đấu"; cuốn Căm hờn (của nhiều tác giả trong Hội Văn hóa cứu quốc), có bài Một cuộc đốt làng của Nam Cao. Đây là hai tác phẩm chưa từng được in lại, cũng chưa từng được đưa vào cuốn tuyển nào.
Như vậy, có thể nói, mặc dù các tác phẩm đã được làm thành tuyển tập, toàn tập một vài lần, song tác gia Nam Cao vẫn còn khá nhiều tác phẩm đã từng đăng báo trong sinh thời ông, nhưng đến nay vẫn chưa được tìm lại, chưa được đưa vào các sưu tập.
Vậy những văn bản tác phẩm mới tìm lại này có giá trị ra sao? Có được như những tác phẩm đã biết của Nam Cao? Tôi có thể đáp ngắn gọn: những gì thuộc ngòi bút Nam Cao luôn luôn mang đặc trưng của lối viết Nam Cao.
Tôi cũng quê Hà Nam, cùng tỉnh với Nam Cao. Lần này đọc lại văn ông, tôi càng nhận rõ là Nam Cao đưa khá nhiều phương ngữ Hà Nam, hay rộng hơn, phương ngữ vùng Sơn Nam hạ, tức vùng cư dân phía nam đồng bằng sông Hồng, vào lời văn kể chuyện, thậm chí cả văn tùy bút, bút ký.
Đây chính là một đặc điểm về lời văn của những nhà văn có xu hướng miêu tả phong tục. Không chỉ mô tả ngoại hình, hành vi nhân vật, nhà văn kiểu này còn chú ý lắng nghe giọng nói của nhân vật, và trong lối viết, gắng làm cho công chúng, chừng nào đó, cũng nghe ra sắc thái giọng nói các nhân vật.
Nếu so sánh với những truyện ngắn đã phổ biến, tức là hầu hết những truyện ngắn Nam Cao đăng Tiểu Thuyết Thứ Bảy, thì các tác phẩm mới tìm lại là "truyện" (với hàm nghĩa "truyện vừa" chứ không phải "truyện ngắn"), dung lượng mỗi truyện khoảng 5.000 - 7.000 từ hoặc dài hơn.
Vẫn theo hướng miêu tả phong tục, song nếu ở các truyện ngắn đăng Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Nam Cao có không ít trang nhấn vào những cảnh ngộ đói khổ, những thói tật của con người, nhất là tật xấu của "người nhà quê", thì ở các truyện đưa đăng các loại sách série Hoa Mai hay Truyền Bá, ông hướng tới những nét tính cách lạ, hay, đáng khen của con người, đôi lúc như để nêu gương, tuy không quá khiên cưỡng.
Ngòi bút Nam Cao như không ngại kiểu truyện luận đề, bởi biết thuyết phục bằng những trải nghiệm thực. Ta sẽ thấy rõ điều này qua truyện Áo vải (tuần san Truyền Bá, số 170, ngày 29-3-1945).
Truyện Ba người bạn (sách Hoa Mai, số 13, tháng 5-1942) cũng vậy. Ở truyện này dường như có dấu vết kỷ niệm thời tác giả từ làng quê Đại Hoàng ra Nam Định học cao đẳng tiểu học.
Trên đề tài nông thôn, ở loạt tác phẩm mới tìm lại được này, tôi đặc biệt đánh giá cao hai tác phẩm: truyện Những trẻ khốn nạn (sách Hoa Mai số 17 và số 18, tháng 7-1942) và truyện Áo vải (Truyền Bá, tháng 3-1945).
Có thể thấy Nam Cao dự kiến sơ đồ một loạt truyện trải dài theo không gian và thời gian, nối một làng quê Bắc Kỳ (như làng Đại Hoàng quê tác giả) với các đô thị Nam Định, Sài Gòn, những năm 1930 - 1940, dù mỗi lần chỉ đưa ra khá ít nhân vật.
Đây là chuyện một gia đình nghèo, chồng phải vào tận Sài Gòn làm ăn; một ngày kia người vợ được tin chồng ốm nặng, có thể chết. Chị phải bán hết thửa đất và ngôi nhà, bán cả đứa con trai lớn cho một điền chủ hiếm con trong làng, bế đứa con mới đẻ lên tàu hỏa vào Sài Gòn thăm nuôi chồng.
Câu chuyện được kể từ cảm nhận của Tích, nhân vật chính của truyện, cậu bé chừng sáu, bảy tuổi. Bị bán làm con nuôi bà lý, Tích phải chịu đựng những trò chơi quái ác của thằng Ấu, con bà chủ. Bọn trẻ nghèo chơi với nhau, cùng nhau đối phó với thằng Ấu.
May cho Tích, một ngày kia có người được bố mẹ nó từ Sài Gòn nhờ đem tiền về chuộc nó ra khỏi nhà chủ, đưa vô Sài Gòn với bố mẹ. Truyện Những trẻ khốn nạn chấm dứt ở đấy, nhưng tiếp theo, ở cuốn Đầu đường xó chợ (sách Hoa Mai s. 27, hiện chưa tìm thấy văn bản), Tích vô Sài Gòn với bố mẹ, rồi phải sống với những trẻ khốn khổ của phố phường, dưới bàn tay chỉ huy tàn nhẫn của một tên ăn mày cho vay nợ lãi.
Đọc Những trẻ khốn nạn có thể cảm nhận một lòng thương vô hạn Nam Cao dành cho những đứa trẻ nhà nghèo; chúng không chỉ mất cha mẹ, thất học, ăn đói mặc rách, mà còn bị bắt làm việc quá sức, bị hành hạ, đánh đập. Ông cũng cho thấy những nết tốt ở các em: sự trung thực, tình thương bạn trẻ cùng cảnh ngộ, lòng căm ghét những kẻ áp chế người khác.
Có thể tìm thấy ở truyện này những đoạn văn tuyệt tác về tình mẫu tử, ví dụ đoạn ba mẹ con trong đêm ly biệt, một cảnh "vừa êm đềm vừa đau đớn". Đoạn văn này dưới tay bút Nam Cao tôi cho là xuất sắc hơn hẳn đoạn văn tả chị Dậu với đứa con bị bán cùng đàn chó, dưới tay bút Ngô Tất Tố trong Tắt đèn. Thiết nghĩ, đoạn văn này rất xứng đáng được sử dụng làm bài giảng văn cho học trò.
Truyện Áo vải (tuần báo Truyền Bá, số 170, ngày 29-3-1945) lại bộc lộ cái nhìn thiện cảm đầy trân trọng của Nam Cao đối với "người nhà quê". Không khí chiến tranh thế giới lan đến xứ này, các thành phố lớn như Hải Phòng bị ném bom, dân thành phố chia nhỏ gia đình, tản cư về các vùng quê. Bà Hoan Ký từ Hải Phòng đưa hai con về gửi nhà chị cu Thiêm - vú em nhà bà ngày trước - ở một làng quê xa, cho hai con đi học trường làng với con chị, quen dần với cuộc sống làng quê.
Những lời này của bà Hoan Ký chứa đựng sự khẳng định của tác giả: "Tôi cho chúng nó về đây, là để chúng nó nếm qua cái vị nhà quê, kẻo chúng nó quen ăn ngon mặc lành mãi, không biết rằng còn có những người ăn đói mặc rách, khổ sở như thế nào. Với lại cũng để cho chúng nó được gần gũi một ân nhân của mẹ chúng nó xưa, một con mẹ nhà quê chỉ mặc áo vải suốt đời, nhưng còn đáng trọng bằng mười kẻ mặc lụa là gấm vóc".
Truyện Áo vải của Nam Cao còn như báo trước sự trải nghiệm của những "thị dân xã hội chủ nghĩa" sơ tán về các vùng thôn quê hợp tác xã ở miền Bắc, những năm 1964 - 1975!
Sách trong các série Hoa Mai, Bọ Ngựa, Truyền Bá, Nhi Đồng Họa Bản đều nhắm đến độc giả niên thiếu. Can dự sách văn học ở khu vực thể tài ấy, ngòi bút Nam Cao không chỉ mô tả, thể hiện đời sống đương thời ở làng quê, mà còn mở rộng khả năng sáng tác của mình sang các phạm vi khác: viết mới truyện cổ tích, viết truyện phiêu lưu, truyện hình sự…
Con mèo mắt ngọc (sách Hoa Mai, số 10, Tết 1942) là một sáng tác cổ tích đặc sắc, một kiểu truyện Tấm Cám được viết mới lại. Ở truyện này, Nam Cao tự chứng tỏ không chỉ nắm vững và giỏi vận dụng các mô típ truyện cổ tích, mà còn dám và biết đưa vào tác phẩm những yếu tố của tự sự kiểu tiểu thuyết.
Các truyện Đảo Hang Cọp (sách Bọ Ngựa, tháng 10-1942), Thám hiểm châu Phi (Nhi Đồng Họa Bản, số 12 và 13, tháng 10-1942) đều là truyện phiêu lưu, tuy Đảo Hang Cọp là truyện hư cấu, còn Thám hiểm châu Phi lại là chuyện thực về các nhà thám hiểm Anh Mỹ, trong đó Nam Cao đã dùng nhân vật thiếu niên làm điểm tựa trần thuật cho câu chuyện, miêu tả chuyến thám hiểm vùng hồ Victoria ở Đông Phi vào năm 1875 của Henry Morton Stanley (1841 - 1904), cho thấy hiểu biết sâu rộng, chi tiết của Nam Cao về địa lý lịch sử.
Đọc tác phẩm này của Nam Cao, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy, về sau, trong mấy năm làm báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc, Nam Cao đã dành thời gian cùng một số người khác biên soạn một loạt cuốn sách giáo khoa địa lý (châu Âu, châu Á, châu Phi, địa lý Việt Nam), được in lại nhiều lần.
Cuốn Bảy bông lúa lép (sách Hoa Mai, số 40, tháng 2-1944) chỉ gồm ba đoạn rút từ kinh Thánh. Ta biết, gia đình Nam Cao vốn theo Công giáo. Cuốn sách cho thấy Nam Cao không chỉ là một giáo dân như mọi giáo dân, mà còn là một nhà văn, một trí thức Công giáo.
Cuốn sách còn dành 10 trang cuối nói về "Nước Việt Nam về thời thượng cổ", rút từ sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim. Như vậy, ta có thể nhận xét, Nam Cao đã đem ý thức về tôn giáo của mình và gia đình mình gắn với ý thức về dân tộc mình, Tổ quốc mình.
Có thể thấy rõ, ở di sản sáng tác của Nam Cao, bên cạnh số truyện ngắn, tiểu thuyết đã và đang được lưu hành, vẫn còn một số lượng đáng kể những tác phẩm có nguy cơ mất hẳn, dù đã được công bố trên sách báo ngay lúc tác giả còn sống.
Sưu tập này chỉ mới tìm lại thêm được một số sáng tác của Nam Cao, chủ yếu là những truyện ông đã viết và in trong các loại sách phổ thông dành cho tuổi học trò của một số nhà sách ở Hà Nội những năm 1940 - 1945.
Những sáng tác này có thể bổ sung cho công chúng độc giả những nét chưa biết đến về phạm vi miêu tả, khả năng sáng tác của nhà văn Nam Cao, hoặc làm sâu sắc hơn những nét đã từng biểu lộ rõ ở những sáng tác đã biết.
Việt Nam hiện vẫn không hiếm những trường hợp tác gia văn học các giai đoạn khác nhau mà di sản sáng tác bị mai một, không đến được với công chúng độc giả và giới sáng tác, phê bình.
Những mất mát ấy không chỉ là tổn thất riêng của các tác gia đã quá cố và thân nhân họ, mà còn là mất mát, thiệt thòi chung cho công chúng độc giả, cho tài sản văn học chung của dân tộc.
____________________________________________________________________________________
(*) Những kết quả khảo sát này được soạn thành một sưu tập, lấy tên một truyện là Người câm biết nói để gọi tên (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2021).
LẠI NGUYÊN ÂN
NGỌC THÀNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ