Tại hội thảo về thi hào Nguyễn Đình Chiểu nhân 200 năm ngày sinh của ông, nhiều nghiên cứu mới về tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam được công bố.
Hôm nay 11.11, Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM và Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cùng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới".
PGS Hà Văn Minh phát biểu tại hội thảo "Thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu: Hướng tiếp cận và thành tựu nghiên cứu mới" - MẠNH ANH
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại TP.HCM và trực tuyến tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đây là sự kiện để các nhà nghiên cứu văn học trong cả nước công bố những nghiên cứu mới về cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá Việt Nam tiêu biểu, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS Hà Văn Minh, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh Nguyễn Đình Chiểu là tác gia lớn cuối cùng thuộc mảng văn học viết bằng chữ Nôm đặc sắc trong văn chương trung đại Việt Nam. Gia tài văn chương mà ông để lại đặc biệt đa dạng và độc đáo.
Nhiều tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, ngay từ khi ra đời đã trở thành món ăn tinh thần quý báu của nhân dân Nam bộ và dần trở thành di sản có ý nghĩa bản sắc của lịch sử văn hóa, văn học Việt Nam. Dấu ấn văn chương, tầm vóc tư tưởng và tài năng, nhân cách của ông ngày càng được thế giới biết đến và phổ biến rộng rãi.
Những gợi mở từ cuộc đời, nhân cách và di sản Nguyễn Đình Chiểu có biên độ và chiều sâu rộng lớn, nếu không muốn nói là vô hạn. Việc tiếp tục tìm tòi tư liệu và khám phá những ý tưởng nghiên cứu mới về di sản Nguyễn Đình Chiểu luôn đặt ra cấp bách đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Công tác nghiên cứu di sản và nhiệm vụ chuyển vận các giá trị Nguyễn Đình Chiểu cho hiện tại và tương lai đã có nhiều thành tựu. Nhưng tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và phát hiện lại những giá trị và cách tiếp cận; làm mới và làm dày thêm cơ sở vững chắc để khẳng định tầm vóc thời đại có tính biểu tượng cho lịch sử và văn hóa Việt Nam: biểu tượng Nguyễn Đình Chiểu.
Hệ giá trị Nguyễn Đình Chiểu sẵn có hấp lực dồi dào, lần này lại tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đến từ nhiều đơn vị nghiên cứu, cơ sở đào tạo và lĩnh vực công tác khác nhau trong nước và quốc tế.
Nội dung các tham luận được trình bày tại hội thảo phong phú, gồm những nghiên cứu mới về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Trong đó, có một nhóm nội dung không thể thiếu với một tác gia quen thuộc trong chương trình giáo dục phổ thông là nghiên cứu và đề xuất quan điểm, giải pháp dạy học về Nguyễn Đình Chiểu trong nhà trường các cấp.
Đặc biệt, theo PGS Hà Văn Minh, một nhóm nội dung rất ý nghĩa được trình bày ở hội thảo này đáng kể đến là những nghiên cứu văn bản học và phát hiện mới, công bố tư liệu mới về di sản văn chương Nguyễn Đình Chiểu; tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu ở nước ngoài.
Đó là một loạt các vấn đề như những phát hiện mới về văn bản Lục Vân Tiên, các dị bản Nôm truyện Lục Vân Tiên, khảo thuật lời tựa cho bản dịch tiếng Pháp của Lục Vân Tiên (1885), về bản Lục Vân Tiên quốc ngữ (1867).
Những tư liệu chữ Nôm và ngoại văn mới được khai thác, tình hình khắc in truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu ở Quảng Đông (Trung Quốc) cuối thế kỷ XIX, vấn đề tiếp nhận và giới thiệu Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của người Pháp…
“Các nghiên cứu trên giúp làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và sự vận hành của đời sống văn hiến Việt Nam trong một thời đoạn có bước chuyển lớn về văn tự và ngôn ngữ văn chương dân tộc nói chung.
Nghiên cứu văn bản học di sản của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như nhiều tác giả văn chương Nam bộ, vốn gặp rất nhiều khó khăn, ít có thành tựu đột phá. Vì thế, những nỗ lực khảo cứu theo hướng này cần được ghi nhận đặc biệt”, PGS Hà Văn Minh nói.
Quý Hiên
Nguồn: Báo Thanh niên, ngày 11.11.2022.