Kỷ niệm Ngữ Văn 1 Đại học Tổng hợp

Lớp Ngữ Văn Khóa 1 Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh khai giảng vào khoảng tháng 9 năm 1975, bốn tháng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các bạn tôi ngày đó bao gồm rất nhiều thành phần xuất thân. Tuổi đời, người nhỏ nhất sinh năm 1958, người lớn nhất là anh Đỗ Hữu Trọng sinh năm 1943, tính ra bây giờ, các bạn và tôi đều thuộc loại người “Tri thiên mệnh” cả. Bốn mươi năm, thời gian cũng đủ dài để làm cho kí ức chúng ta trở nên mờ mịt, xa xôi. Nay cần ghi lại thì chẳng biết viết gì. Các bạn cho phép tôi nhớ gì ghi nấy vậy, gọi là chút tình “bình thủy tương phùng” thôi.

Tôi không nhớ rõ lắm về sĩ số của lớp nhưng có lẽ là 50 bạn, sau đó có vài bạn nhập học trễ, chuyển từ Hà Nội về ...  Sĩ số dần hơn 50. Đến gần cuối năm học đầu, lác đác có vài bạn nghỉ vì việc riêng, vì chuyển khoa, chuyển trường. Việc đi, về, nghỉ học của các bạn là câu chuyện lớn, mà ngay cả lúc này, chúng ta cũng không thể vài câu mà nói hết được. Việc này như là hệ quả tổng hợp của lịch sử, xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của nước mình ngày ấy. Nói ra nó có vẻ vĩ mô quá nhưng có như thế thật.

Trong số bè bạn của lớp, lúc ấy, có 12 bạn gốc bộ đội, các anh đi học với đủ quân phục, có khi có cả quân hàm, đa số các anh từng chiến đấu trong nhiều binh chủng, trên nhiều chiến trường. Rời cây súng, các anh cầm cây bút. Về tuổi tác, các anh lớn hơn các bạn năm-bảy tuổi, về chính trị, các anh không là Đảng viên thì cũng là Đoàn viên, về kinh tế, các anh đi học có hưởng lương. Tại lớp cũng như tại kí túc xá, các anh rất chan hòa, nhưng các bạn trẻ lại có tâm lý “là lạ”, tới bây giờ, tôi vẫn cảm thấy khó định hình, nhưng có thật. Hằng tháng, các anh họp chi bộ, họp chi đoàn, chúng tôi e dè mà ngưỡng mộ. Là những người có học, các bạn tôi thường tỏ ra không dám gần gũivới các anh, vì ngại các bạn nghĩ họ xu phục sao đó. Đến nay, tất cả các anh, dù làm việc ở lãnh vực nào, cũng như tôi, đều đã về hưu. Được nghỉ, chắc chắn các anh cũng có lúc nghĩ về lớp học của chúng mình, chắc chắn ai cũng muốn có dịp nào đó hội ngộ để vui chơi, “chia buồn sớt vui”. Mấy dòng này cũng đủ nhắc lại cho vui về những ngày gian nan mà trong trẻo, sống chân thành, không nghĩ đến lợi danh, cạnh tranh, rình rập, cái thời nó mới đẹp làm sao!

Tôi lại nhớ đến các thầy. Sau này, khi làm nghề dạy học, tôi lại càng nhớ các thầy biết bao! Những thầy dạy các môn cơ bản như Triết học, Lịch sử Đảng, vân vân, thật dễ hiểu mà lại trở nên xa lạ, chỉ muốn thi xong rồi cất đi. Thầy Nguyễn Tài Cẩn, phụ trách môn Ngôn ngữ học đại cương, một môn học khó nhằn, tôi cam đoan rằng bài giảng của thầy ngày nay rất ít ai nhớ, nhưng tôi tin rằng các bạn đều không quên thầy về sự tận tụy, ân cần. Các thầy của chúng ta, người nhiều người ít đều để lại trong chúng ta những tri thức nghề nghiệp không thể không tri ân. Có hơn hai phần ba thầy cô của chúng ta đã về “thế giới của người hiền”. Số còn lại cũng gần đất xa trời cả. Tiếc thay, quí thầy cô, khi dạy ta, họ không nhắc chúng ta cái nghĩa thầy trò, còn trò thì vì mưu sinh, cạnh tranh, vì cơm áo, vợ con mà chúng ta chẳng làm được cái nghĩa mà Nho gia xem là một trong ba giềng mối lớn của xã hội. Tôi nghĩ là sau lần kỉ niệm này, chúng ta, ai có lòng, nên ghé thăm quí thầy còn tại thế: Thầy Nguyễn Lộc, Thầy Mai Cao Chương, Thầy Huỳnh Minh Đức... Tôi đặc biệt quý thầy Trần Đình Hượu, tiếc thay, sau ngày ra trường, tôi không bao giờ còn gặp lại thầy nữa. Còn mấy chục thầy cô nữa, tôi không quên nhưng tôi chẳng làm được gì cả, thật đáng trách và xấu hổ.

Trong bốn năm học tôi đặc biệt nhớ những ngày lao động tập thể trong thành phố và các vùng lân cận, và đợt thực tập thực tế ở tỉnh Đồng Tháp. Đợt lao động nào cũng có những kỉ niệm. Có lẽ cái nhọc nhằn, thiếu thốn, vất vả và bẩn thỉu đã làm cho chúng ta dày dạn hơn, hiểu cuộc sống, hiểu con người hơn, biết cảm thông với mọi sự vật trên đời. Đó là đợt vét kênh ở chợ Ông Tạ, nhìn dòng nước đen ngòm, rác rến, xác súc vật, cỏ rác, mùi hôi thối nực nồng, thế mà các bạn cũng như tôi, chỉ bằng tay không và một vài công cụ thô sơ, đã làm sạch và khai thông dòng chảy chỉ trong một buổi sáng. Lại nhớ đợt xây dựng trận địa tên lửa ở khu vực ra-đa Phú Lâm. Đất khô và rắn, mỗi ụ tên lửa giống như một quả đồi nhỏ, phân công các bạn nam khỏe vác mỗi bạn một khối đất lớn, các bạn nữ đứng thành hàng chuyền tay nhau những thỏi đất nhỏ, nhiều bạn thì đập đất cho chặt. Lúc ấy hầu hết chúng tôi ở ký túc xá đều ăn mì sợi hoặc “bánh xe lịch sử”[1], húp canh “toàn quốc”[2], lao động nặng chưa quá hai giờ anh nào anh nấy mặt mày xanh lè. Ngặt là khúc, nhưng tôi nhớ, chiều hôm ấy đã có mấy bạn không đạp nổi xe để về nhà. Đợt lao động dài ngày ở Chánh Phú Hòa (Bến Cát, Sông Bé nay thuộc tỉnh Bình Dương), tôi nghĩ là nhiều bạn không thể nào quên. Đợt đó, nhiệm vụ của lớp là vác cây, đắp nền, dựng nhà, xây dựng cơ sở xã hội để chăm sóc cho người già lang thang, cơ nhỡ. Đó là một công trình rộng lớn được làm bằng gỗ, đặc biệt là cái hội trường có sức chứa hơn ngàn người và hàng chục dãy nhà gỗ, lợp lá. Có nhiều chuyện vừa vui, vừa dễ sợ. Chúng tôi phải tắm giặt lúc hoàng hôn. Các bạn nữ được các bạn nam bộ đội làm cho một cái nhà tắm rất “tiện nghi” sát mép nước, ba mặt là vách đất được khoét lõm sườn đồi, lối vào và nơi lấy nước được che chắn bằng những mảnh áo mưa. Các bạn nữ an tâm tắm giặt. Tiếc thay nền đất lại sình lầy, không mang thao xô chậu nên sinh chuyện. Ngay tối đầu tiên, có người mặt mày hơ hãi thì thầm nhau điều gì mà các bạn sau đó đều ở dơ, không dám ra suối. Các bạn nam được lệnh tắm giặt sau các bạn nữ, do đó cũng chịu trận. Thì ra suối rất nhiều đỉa trâu, khi co lại nó gần bằng hột chôm chôm, khi bơi, nó dài cả tấc mà đen thui mới dễ sợ. Mới đưa chân khuấy nước nhẹ, ta lập tức thấy thế nào là “đỉa lềnh tựa bánh canh”. Những lời động viên, những bài học trực quan sinh động của các anh bộ đội sau đó đã làm cho các cô giảm sợ và an tâm cho đến hết đợt lao động. Trong đợt này tôi mới thật sự kinh hãi vì gặp hai loài động vật quen mà lạ, đó là bò cạp và rắn. Con bò cạp sao mà nó to thế, gần giống một con cua đồng lớn, lại đen mun, nó bò đi tự tin và vừa bò vừa đưa cái kim độc về phía trước. Thật vô phúc, bạn giẫm phải. Bọn này lại nhiều, có khi cả ổ có năm, sáu con một lúc. Rừng cây bụi mới đốn để tạo mặt bằng, tôi gặp rắn độc, lúc đó không có cái gì để tự vệ, nó khoanh tròn và nhìn mình đến không dám quay lưng để chạy. May quá, có một cành cây vừa thằng vừa lớn được tôi dũng để đập một nhát thật mạnh vào nó. Con rắn không chết, tôi phải đập liên tục nhiều phát. Đến lúc dập nát cả thân mình nó lại chẳng trúng cái đầu. Cái đầu nó sống mới kinh, tôi đưa cái cây đến gần, nó táp lấy táp để, hai cái răng nanh giương lên thật đáng sợ. Từ hôm ấy tôi chẳng dám đi lại lung tung nữa. Có một chuyện mà sau này tôi mới biết, đó là nhiệm vụ tôi được phân công đánh thức các bạn dậy vào buổi sáng: 5g30 thức dậy, 6g00 ăn sáng, 6g30 ra công trường, cứ thế đúng 5g30 tôi hò hét, tôi đâu biết các bạn “ngủ nướng nó sướng thế nào”, vì thế các bạn ấy ghét tôi lắm. Cái điều đó sau này bạn Trạch, bạn Biên đã nói với tôi. Phải chi các bạn nói ngay lúc đó thì hay biết chừng nào. Bờ suối thì ngắn, hàng chục người làm vệ sinh sao được, sao cho kịp giờ. Kỉ niệm thì nhiều, đợt đó tôi mang về được một bó củi khá lớn cùng với một lưỡi rựa gãy cán, cái lưỡi rựa cùn ấy, tôi vẫn còn giữ đến ngày nay.

Đợt thực tập thực tế 21 ngày sưu tầm văn học dân gian ở Hòa An, Đồng Tháp cũng để lại biết bao kỉ niệm. Được phân công về Xẻo Bèo, tôi và Nguyễn Thanh Bình cùng với ba bạn nữ tôi đã quên tên nhưng các sự kiện thì ấn tượng lắm. Đồng Tháp kênh rạch đầy, chúng tôi đến trước mùa nước nổi, ruộng lúa mới gieo sạ, nông dân đang rảnh rỗi, do công tác tiền trạm tốt, nhân dân địa phương tỏ ra thân thiện và chu đáo. Tuy nhiên, họ cũng “để ý” cách nói năng, cư xử và thái độ của từng thành viên. Tôi ở nhà trưởng ấp Xẻo Bèo, cùng Bình Nguyễn, nhân dân địa phương chưa quen nghe ngôn ngữ thành phố và bác học vì vậy tôi phải phiên dịch cho các bạn. Đợt này có nhiều điều mới lạ đồng thời cũng có điều làm tôi “sáng ra” khi đi vào cuộc sống. Nhân dân giàu có nhưng thiếu thốn đủ thứ và họ không bâng khuâng gì cái thiếu cũng như cái lạc hậu đó. Họ có tiền mà cũng quá giàu tình cảm đến không ngờ, họ chân thành và tự nhiên nếu mình sống chan hòa với họ. Nhà ông trưởng ấp khá rộng. Họ có hai cô con gái sắp đến tuổi lấy chổng, Tổ phân công mỗi thành viên nấu cơm một ngày. Tiền thì ít mà chợ Cao Lãnh thì cách nhà đến gần bốn cây số, không có xe, kể cả xe đạp, lãnh nhiệm vụ nấu cơm cho tổ, quả là gay go. Không nấu lấy gì ăn, tôi không có tiền nhiều. Các bạn khác đều cắt cơm. Họ đi ra chợ Cao Lãnh để ăn bún trừ bữa. Việc này hình như có nhiều lý do. Có lẽ đây là kỉ niệm khó quên đối với nhiều người. Riêng tôi và Bình Nguyễn vẫn phải nấu ăn. Nồi niêu, chén đũa, củi lửa, cái gì cũng không có, thế mới gay. Bữa đầu tiên, khi lấy gạo chuẩn bị nấu, chủ nhà bảo: “Chúng bây ăn gạo này ah. Ở đây gạo này ta chỉ nấu cho heo”. Thế rồi ông bảo hai chúng tôi ăn cùng gia đình. Tôi không biết từ chối làm sao nên đành ăn uống cùng gia đình mà trong lòng áy náy không yên. Vốn sinh ra trong gia đình nông dân, vất vả từ bé nên tôi hơi siêng năng, chính những việc nho nhỏ như sáng sớm tôi quét nhà, quét sân, xách nước đổ vào lu, đánh phèn và chép bài hát cho trẻ con trong xóm, buổi tối tôi biết đốt nhang ở bàn thiên trước nhà, biết ngồi nói chuyện đủ thứ với ông Trưởng ấp, tôi còn cả gan uống trà và uống rượu với chủ nhà và các bô lão trong xóm. Đợt thực tập thực tế ấy tôi sưu tầm được không nhiều thơ ca dân gian nhưng cũng đã báo cáo được một kết quả chấp nhận được. Chỉ có kết quả ngoài yêu cầu mới dễ sợ và ngạc nhiên không ngờ. Hôm đoàn rút về, tôi đã chào cả nhà tối hôm trước, gởi họ tiền cơm và củi lửa, họ từ chối một cách giận dữ. Riêng bao gạo, ông chủ nhà bảo hãy để lại, rồi ông đổi cho bao khác ngon hơn, tôi từ chối, bảo không thể mang về được (thời đó có lệnh ngăn sông cấm chợ ngặt nghèo lắm) ông bảo cứ mang đi, lấy cớ nặng quá không vác nổi ông bảo rằng sẽ có người vác lên xe. Hai cô con gái, một cô gánh quày chuối và mấy đòn bánh tét bánh ít, một cô gánh hai túi gạo khá nặng đến chỗ xe đậu, họ đưa các đồ vật ấy vào xe cẩn thận và bảo: “Để các anh ăn cho vui”. Đợt đó tôi và Bình Nguyễn thu hoạch khá. Nhưng chưa hết, khoảng một tháng sau, hai cô gái cùng anh Nhái ở Xẻo Bèo đến thăm tôi ở ký túc xá, không có Bình Nguyễn tôi phải tiếp họ. Nếu để họ ăn “bánh xe lịch sử” và húp canh “toàn quốc” thì khác nào tiếp bạn bằng “cà thiu cơm hẩm” tôi gồng mình dắt họ về nhà người quen, đãi họ một bữa cơm đạm bạc để họ thấy được cái nghèo khó của mình, và thấy rõ các anh trí thức thật ra cũng chẳng có gì để tựa nương. May quá, sau đó họ đã một đi không trở lại. Đã nhiều lần quay lại Hòa An, tôi chưa dám ghé Xẻo Bèo, tôi và các bạn còn nợ họ món nợ ân tình khó trả. Còn nhiều kỉ niệm đáng nhớ và đáng quên nhưng làm sao nói hết được. Chúng mình ngày xưa đi học khó khăn quá, đói và nghèo, nhớ những lon gui-gô cơm ăn trưa, cơm thì ít khoai thì nhiều, đứa nào cũng tìm một gốc để giở ra ngồi ăn, bây giờ nhớ lại mới thảm sầu làm sao nhưng cũng tự hào biết bao. Nhiều bạn trong chúng tôi đã và đang thành đạt. Nhìn vào cơ ngơi của trường hiện nay, nhìn các bạn trẻ ngày nay, các bạn sinh viên ngoại quốc, các phương tiện dạy học tiên tiến, làm sao chúng tôi không tin rằng các bạn không giỏi hơn chúng tôi. Trường ta cần xây dựng bề thế hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Viết kỉ yếu của lớp, chúng ta chỉ nhắc các kỉ niệm của một thời trẻ trung, vụng dại mà vui, “mỗi ngày ta chọn một niềm vui”. Nên như thế lắm! Các bạn nghĩ sao?

Nguyễn Văn Ngọc

Lớp Ngữ văn Khóa I (1975-1979)



[1] “Bánh xe lịch sử”: một loại lương thực gồm bột mì trụng nước vo lại thành viên ép cho dẹp có hình giống bánh xe đường kính khoảng 10cm đem luộc, mỗi sinh viên được phát 4 miếng/bữa cơm; khi ăn phải nhai thật lâu vì dai như kẹo cao su và phải húp nhiều nước canh vì khó nuốt trôi.

[2] “Canh toàn quốc”: canh toàn nước, không có thịt, chỉ có vài cọng rau.

Thông tin truy cập

60427537
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8512
6820
60427537

Thành viên trực tuyến

Đang có 206 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website