(*) Bài này biên lại chuyến du ngoạn từ Sài Gòn về Biên Hòa của tác giả và nhóm bạn hôm mồng Năm tháng Bảy âm lịch năm Kỷ Hợi, ứng dụng thủ pháp nhại lại (parody) ngôn ngữ văn học Quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX.
Ve sầu kêu rỉ rả chừng đôi tháng mà công chuyện đăng đăng đê đê coi bộ không có chi suy suyễn. Cô Út Gia Định ngó mông lung ra cửa, tần mần không muốn ba tháng hè đổ hết vô sự sách đèn. Sẵn tiện cô Ba từ Đại Hàn dân quấc về thăm nhà ít bữa, bèn nhắn người sốp phơ đầu tuần ghé nhà cô Tư đặng mà chở mấy chị em ra Biên Hoà, trước thăm kiểng chùa Thới Lan quận Chín dịp Vu Lan, sau vô vườn bưởi tĩnh tâm mà ngẫm ngợi sự đời.
Nhà cô Tư tuốt bên trong con lộ lớn, nhích tới đầu hẻm đã thấy sự học rành rành qua cảnh trí trường Hồng Bàng. Từ nhà ngó xéo ra thấy mặt trời mọc, đất dẫu thấp nhưng phước nhờ nước ngọt của ngọn sông Thị Nghè quanh co chan rưới nên vườn tược thạnh mậut. Mấy bông huê sáng nay nở bừng góc sân làm cảnh sáng sủa chớ chẳng u nhàn. Cô Ba và cô Năm lìa xa niên thiếu từ hồi nẫm mà tánh hồn hậu vô tư không bỏ, xúm xít quanh cái bông trắng muốt nhà cô Tư chợp lấy chợp để. Rồi hai cô cứ mê mẩn mà ngồi trong sân miết, áng chừng sắp bị chị em thét lác mới tất tả ra xe.
Người sốp phơ dáng điệu từ tốn, cười ngỏn ngoẻn như Thổ Địa. Sáng nay ổng ăn bận đạo mạo, bâu áo ủi cứng, nút cài chặt, trên ngực áo có chữ Tây chữ u. Thấy cô Út dòm ngó bèn cười hiền lành, lấp lửng: “Áo chỗ Thích Nhất Hạnh”. Cô Út ra chiều ý nhị: “Hồi chú còn tuổi trẻ chắc thích nhứt người tên Hạnh!”. Cô Tư mới rầy cô Út phang phang: “Con này chữ nghĩa chưa đong được một đấu, tài thêu tỉu cũng bạch tuột mà cái tật hóng hớt, tài lanh không ai bằng”. Cô Ba và cô Năm xúm lại binh vực can ngăn, cô Út được thể rùm beng, lườm nguýt cô Tư không ngớt.
Xe ra khỏi Hàng Xanh thì gặp xe đủ thứ, tốp ra tốp vô dập dìu không ngớt. Đến cầu Sài Gòn, xe mỗi lúc mỗi đông, ngó đường đi Biên Hòa hay là đường đi Thủ Dầu Một, đường nào xe hơi cũng nối đuôi mà chạy cả dọc. Xe du lịch, xe nhà binh, xe đò, xe hàng, xe hai bánh, xe đạp điện, xe Grab... chen nhau mà chạy rần rần. Lại thêm những đoàn xe lửa, tốp dưới Đà Nẵng, tốp trên Biên Hòa, tiếp nhau rầm rầm về tới, thổi sip-lê nạt đường nghe vang rân. Tâm hồn hăng hái của hạng thanh niên còn nhọc, mà sao tri ý của bực trưởng lão sốp phơ vô cùng trầm tĩnh. Ổng hỏi cô Út: “Sao sáng nay không thấy cô gì mà kèm cô Út mần đốc tờ đi chùa chung?”. Cô Út nước mắt chực linh láng, phân trần: “Vì xe đã chật rồi, người lên sau phải chòm nhom chớ không có chỗ ngồi, dị lắm!”. Cô Ba không dưng ngâm thơ: “Trong xe chật hẹp khôn phô/ Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng”, tưởng đánh trống lảng an ủi cô Út, ngờ đâu thêm dầu vô lửa, càng làm cổ mặc cảm bởi biết mình còn thua tiết rỡ của một con tì tất.
Xe dừng ở ngã ba lộ ăn lạt. Ếch nhái hay ễnh ương chi mà sáng ra đã kêu rân không kiêng nể người, được cái đồ ăn nóng nẩy và mấy người bồi bếp tận tình.
Nhà nước mở mấy cái lộ quản hạt cho xe hơi chạy từ Sài Gòn xuống miền Đông, miền Tây lâu rồi mà coi bộ không muốn ngừng thu giá. Cô Tư chuẩn bị sẵn tiền lẻ ơn cần trao tận tay người sốp phơ khiến ổng cảm động, day mặt qua chỗ khác mà miệng cười múm mím. Hèn chi ổng chạy rề rề mà mặt mũi lộ vẻ sốt sắng chớ không sốt ruột chi hết. Ổng còn khen cô Tư hôm nay giọng điệu thanh bai. Cô Tư giản cặp chơn mày, cười như hoa hàm tiếu. Cô Tư là vậy, vì chưng cha yêu mẹ mến từ mới biết đi biết nói cho tới chừng khôn lớn nên người, nếp nhà dạy dỗ răn nghiêm nên tự nhiên quen thói tục cao sang, tự nhiên nhiễm gia phong thuần hậu. Ông sốp phơ mà trẻ lại chừng ba chục tuổi, cô Tư mà chưa ván đóng thuyền, dễ gì mà ổng không xao xiến.
Lại nói về ông sốp phơ. Thuở đời nay, người nhơn đức lại vui vẻ, không biết quanh quẹo mà cũng chả hề phỉnh phờ, ai mà hổng khoái, hổng muốn giữ riêng mình. Ngặt một điều ông sốp phơ nhẹ dạ lại không biết cách chối từ, nên rình rình bốn cô không để ý là con mắt láo liên chực cho người lạ lên xe, nhất là phe cánh hường nhan. Tra gạn cũng bằng thừa, vì ổng không chối bao giờ, chỉ thanh minh: “Nhơn tình ấm lạnh, thôi thì thương chút phận linh đinh, chớ qua nào phải hạng người đụng gì quơ nấy”.
Xe đi độ chừng một tiếng đồng hồ, qua mấy cái bùng binh thách thức tâm trí người ta. Người sốp phơ tư lương chơn xác nên cũng kịp đánh xe tới đúng chỗ cần tới, rồi cài số de cái xe qua trái, chạy thẳng vào sân chùa Thới Lan. Cảnh trí hực hỡ đúng kiểu chùa Xiêm La nhưng lại không thấy chi xa lạ hay chướng mắt, ngược lại là đằng khác. Huê kiểng thanh tao, cảnh vật nhàn nhã, kẻ qua người lại không nhiều nên tha hồ an tĩnh.
"Cảnh trí hực hỡ đúng kiểu chủa Xiêm La nhưng lại không thấy chi xa lạ..." - Ảnh: Diễm Trang
Cô Ba bữa nay bận cái áo xanh lý ngọt lịm, điệu bộ khi chợp hình ngả nghiêng như Nguyệt Nga trên thuyền đi cống giặc Khổ Qua. Nhìn vậy thôi chớ trí không hề mọn, là hạng gái trâm anh phiệt duyệt, tiết tháo cao thượng, gặp khúc chông gai lập tức tìm đường cái quang bằng phẳng mà đi. Còn cô Năm ai nhìn một lần cũng nhứt định đánh giá là hạng gái tân thời, mặt mày sắc sảo mà lời ăn tiếng nói ra chiều lễ phép chớ chưa có cái tư tưởng quá khích đến nỗi đạp đổ cả gia đình là cái gốc của xã hội. Cô Ba và cô Năm tư dung xinh xẻo, điệu bộ trẻ trung chợp hình chơn dung cho nhau. Hai cô nầy coi bộ thân nhau nhứt nhà, hạp tánh đa lung, người hứng kẻ tung nên tình ý chưa bao giờ lợt lạt.
Bầu trời đang xám xịt tự nhiên xanh lét, nắng nôi tưng bừng làm cả nhà được bữa chợp hình ưng bụng. Rồi còn dừng chơn ở đền Trấn Biên, qua cái hồ nước xanh, vô đền mà cúi lạy mười bậc tiền nhân trí dũng song toàn, có công mở cõi. Cả nhà biểu cô Năm, cô Út sờ đầu rùa đội bia tấn sĩ, không quên dặn dò cả hai về mần phứt đốc tờ cho mát tấm thân, riêng cô Út có đụng chồng cũng không vướng víu.
Xe xơ rơ qua mấy con đường rồi quẹo vô lộ nhỏ. Nhơn dân ở dọc theo lộ nầy, thấy xe nhà cô Út đi qua không buồn ngó. Cô Út nhớ ngày nhỏ theo má về Biên Hoà lần đầu, mấy người xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn chuối nanh heo, trồng cây bưởi Tân Triều, chưa thấy nhiều văn minh nơi thị thành, nghe tiếng xe hơi chạy ồ ồ trên lộ thì xóng lưng mà ngó, con nít người lớn trong nhà đều bỏ chạy ra sân đứng mà coi. Heo trong chuồng đương ăn cũng kiu la quắn ột. Nhắc đến má làm cô Út buồn nghiến, có cơm búng lúc này nhai thì lưỡi lừa cá xương phải biết.
Vườn bưởi mùa mưa rộ trái chứ không được mấy bông. Hơi nước hơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ khiến tất thảy hân hoan thơ thới, quên hết các cực nhọc đã qua để vui rước sung sướng, huỡn bước thong dong. Gió lất phất thổi nhẹ mái tóc đờ mi gạc xông của cô Ba, chớ cô Tư, cô Năm và cô Út đều búi tó gọn ghẽ nên không sự chi làm khó. Cả bọn ní na ní nần trong vườn, miệng hát rấm ra rấm rít. Mấy con gà giò, gà Tây chéo chéc kiếm ăn, trong khi mấy con mực, con vện lim dim ra chừng buồn ngủ mà vẫn ráng liếm cẳng, liếm tay. Ác nhơn hôn, chưa mỏi chơn mà bụng đà khát nước, đành kéo vô cái chòi ngoài mé kinh, ngó quanh quất nào thấy bóng bồi lui tới. Rình rập hồi lâu thì được một chàng thiếu niên coi như hình tiếp rước. Ăn ba hột cơm giản dị mà cười nói râm ran không ngớt, ra chừng tâm đầu ý hiệp lắm đa.
Ngó bóng câu áng chừng sắp xế, ông sốp phơ thủng thẳng nhắc đường còn xa lắc, không tiện dan díu lâu thêm. Dữ ác hôn, hổng biết ổng bươn bả đi tuốt hồi nào mà sắm sửa được hai trái bưởi ổi giống hiếm. Áng chừng mấy cô sắp sửa kiện cáo, ổng bèn đền bồi bằng cách đánh xe vô vựa bưởi Thu Hương Út Chí. Bưởi một chục mười hai, đếm trái tính tiền chớ không cân kí, giá rẻ chỉ bằng một phần ba giá thị thành, lựa sướng rơn tay. Ngặt nỗi mắc cái giống gì mà toàn bưởi da xanh, bưởi thường chớ không có bưởi ổi.
Về đến nhà cô Tư, cả bọn vỡn liên tu nói cười mà bụng dạ rậm rịt lưu liến. Cô Ba biết lần hồi tháng lụn ngày qua, bóng thiều quang đưa lẹ không buồn xót ai, tuổi già rụt rịt bên chơn nên càng trân quý phút giây sum hiệp. Riêng cô Út xa chốn phiền ba đô hội gần một ngày, dù có lúc bị quở nhắc đường công danh tới mức xuội lơ nhưng không lấy chi phiền trách mà thanh thản lung lắm. Bê trễ công chuyện một chút mà đặng tình gia quyến.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 33-2019 (1.496) 15.8.2019, tr. 39-40.