Điểm tựa và lực đẩy

                                       (Trần Hữu Tá, Tạp chí Văn hoá  và Du lịch, số 11, tháng 5 năm 2013)

 

TÓM TẮT

Đổi mới giáo dục là vấn đề quan trọng và thiết yếu của giáo dục Việt Nam hiện nay. Điều cốt lõi là cơ quan quản lý giáo dục và người làm giáo dục nhận thức được đâu là điểm tựa và đâu là lực đẩy cho công cuộc đổi mới này. Bài viết này phân tích những điểm tựa cho quá trình đổi mới giáo dục ngay trong ngành sư phạm và hệ thống các trường đào tạo ngành sư phạm cũng như lực đẩy từ sức mạnh tổng hợp của nhà nước và toàn xã hội.

FULCRUM AND PROPULSIVE FORCE

Abstract

                        Today, an innovation is essential to the development of Vietnamese education. The key point is that educational managers and educators need to know exactly what are the fulcrum and the respulsive force for that innovation. This article analyses such fulcrums that exist in the educational profession and in the system of institutes for education training. It also points out that the required respulsive force comes from the combined power of the government and the society.

 

***

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả trái đất!” –  câu nói của Archimède (287-213 trước Công nguyên) – nhà bác học nổi tiếng Hi Lạp cổ xưa đã gây ấn tượng mạnh mẽ suốt 23 thế kỉ.

Xét cho cùng, chọn điểm xung yếu nhất để đột phá, hầu tạo ra sự chuyển biến của toàn cục trong bất cứ phương diện hoạt động nào cũng là giải pháp tất yếu của người lãnh đạo có bản lĩnh. Vậy cần làm gì để tạo sự chuyển vần mạnh mẽ cho “trái-đất-giáo-dục” mênh mông của chúng ta hiện nay? Chủ trương chiến lược đã có. Đó là quyết tâm “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế[1].

Hai từ “căn bản” và “toàn diện” đã làm rõ thái độ kiên quyết, triệt để của Đảng. Có thể hiểu, đó là một cách nói khác, mạnh hơn cụm từ “cải cách giáo dục” bấy lâu nay chúng ta hay nhắc tới.

1.Trong Báo cáo của BCH trung ương Đảng khóa 10 gần đây đã nêu khá chi tiết những gì cần đổi mới. Đó là “Đổi mới chương trình nội dung, phương pháp dạy và học, đổi mới cơ chế, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo”. Vấn đề cấp thiết hiện nay là sớm có kế hoạch tổng thể để hiện thực hóa những quyết sách đúng đắn nói trên. Phải “sớm, rất sớm” vì thời gian không ủng hộ chúng ta. Một câu chuyện rất thời sự: Tổng thống Mỹ B.Obama trong quá trình vận động tranh cử, đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ XÂY DỰNG LẠI nước Mỹ. Theo ông, cần ưu tiên cho 2 trọng điểm “tạo công ăn việc làm” cho nhân dân và “làm sao cho chúng ta có được hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới” “những nhà trường tốt nhất, những thầy cô giỏi nhất thế giới[2].

Nói và làm, ngay sau khi thắng cử, tổng thống Mỹ đã dự trù tuyển thêm  100.000 giáo viên Toán và các môn Khoa học, đồng thời tiến hành đào tạo lại người làm việc tại các đại học cộng đồng.

Trước mắt nhiều nước trên thế giới, nền giáo dục Mỹ hiện nay đã rất đáng mơ ước. Vậy mà ông B.Obama vẫn có một quyết tâm chiến lược rất đáng trân trọng như đã nói ở trên.

2. Xin quay lại chuyện nước ta: chưa hiểu diện mạo của kế hoạch tổng thể đổi mới giáo dục sắp tới sẽ ra sao, nhưng có một xác quyết: nội dung của đề án này dù được chuẩn bị công phu đến mấy, cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu thiếu một điều kiện tiên quyết – một “điểm tựa”, nói như Archimède – đó là đổi mới căn bản và toàn diện việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.

Lâu nay chúng ta băn khoăn trước sự vận hành chậm chạp và tác động không đủ mạnh của giáo dục đến sự phát triển đồng bộ của đất nước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến sự non yếu, tiệm thoái của ngành sư phạm. Sự tiệm thoái này không phải bây giờ mới xảy ra, mà đã có và phát triển với tốc độ tăng dần đều từ hơn một nửa thế kỷ nay rồi.

Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, do sức ép của cuộc sống, đã có quá nhiều loại hình đào tạo giáo viên ở các địa phương trên miền Bắc, nhiều đến mức khó thống kê xuể. Một dẫn chứng: để có giáo viên cấp II (tức trung học cơ sở)  nhiều năm chúng ta đã tuyển học sinh lớp 10 (lớp cuối của cấp III) vào học 2 năm (10+2), rồi 1 năm (10+1); lớp 7 vào học 3 năm (7+3) rồi 2 năm (7+2). Cũng có lúc là 10+3 và 7+3, nhưng là 3 tháng! Việc đào tạo giáo viên cấp III (tức trung học phổ thông bây giờ) cũng ở trong tình trạng tương tự, có lúc chương trình học của Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ dồn lại trong 2 năm. Tình trạng “cơm chấm cơm” thậm chí “cơm nguội chấm cơm nát”, như cách nói phổ biến của 50 năm trước, không ngờ đến nay vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều địa phương, thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Số lượng học sinh đăng ký thi vào các trường Sư phạm ngày càng sụt giảm, kết quả trúng tuyển nguyện vọng 1 rất thấp. Nhiều ngành ở nhiều trường liên tục không đạt chỉ tiêu. Một số ngành không tuyển được người học phải tạm thời đóng cửa (Từ tạm thời đến vĩnh viễn chỉ cách nhau một bước!). Mùa thi năm ngoái chẳng hạn, không ít thí sinh tiếng là trúng tuyển nhưng lại là kết quả của sự “bòn mót” đến kiệt cùng của ban tuyển sinh các trường. Chẳng hạn, thi vào khoa Sử mà có em được tuyển chỉ đạt 1 điểm, nửa điểm (0.5) thậm chí 1/4 điểm (0.25) môn Sử. Tôi không hiểu các thầy cô ở các khoa, các trường ĐHSP sẽ thần thông biến hóa như thế nào để phù phép giúp những thí sinh yếu kém cực kỳ như thế, sau bốn năm lại có thể vững vàng đứng trên bục giảng ở các trường THPT?

Ở thập niên thứ hai của thế kỉ 21 này, khi chất lượng giáo viên của các nước láng giềng cũng như của rất nhiều nước khác trên thế giới không ngừng được nâng cao thì chúng ta lại đang đào tạo một thế hệ giáo viên mới, trong đó có những người với chất lượng đầu vào như thế đấy.

Những sinh viên sư phạm trẻ này không có lỗi. Trách nhiệm thuộc về chúng ta, đặc biệt đối với những người đang làm công tác quản lý. Vì vậy, ngay bây giờ chúng ta buộc phải sửa sai.

Có thể xem xét sự suy thoái ấy từ một góc độ khác: mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng giữa số lượng và chất lượng của các trường sư phạm. Cho đến nay trên cả nước hầu như tỉnh thành nào cũng có trường cao đẳng sư phạm “lên đời” bằng cách nhập vào các trường đại học đa ngành mới thành lập. Và chúng ta có tới hơn 10 trường đại học làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và trung học cơ sở. Hệ thống các trường sư phạm này được đẻ ra ào ạt, hào hứng cách đây hai ba thập niên, nhưng đến nay số đông lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng vì việc chăm nuôi quá kém. Nhiều trường cao đẳng sư phạm cơ sở phòng ốc tồi tàn, trang thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên được tập hợp thiếu chọn lọc, thiếu chuẩn bị về cả tinh thần, tư tưởng lẫn chuyên môn nghiệp vụ và không được một chút ưu đãi nào về vật chất. Làm sao có thể yêu cầu họ yên tâm, phấn khởi?

Còn các trường đại học làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên – số lượng nhiều ít có khác nhau – thì sao? Trong khá nhiều trường, đội ngũ giảng viên vừa thiếu vừa yếu như đã nói ở trên, đặc biệt thiếu cán bộ khoa học đầu đàn để giúp đỡ giảng viên trẻ và để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng cao về chất lượng. Có nơi khá mạnh như Đại học Sư phạm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nhưng ở đây lại tiềm ẩn một nguy cơ khác: tốc độ đào tạo giảng viên trẻ có trình độ cao thua sút quá nhiều so với đà nghỉ hưu của số giáo sư nòng cốt.

Trước thực trạng khắc nghiệt ấy, tự nhiên ta thấy mục tiêu “đại học hóa” toàn bộ đội ngũ giáo viên, kể từ ngành mầm non trở lên trong vòng 15, 20 năm tới – một mục tiêu cần thiết, đầy tham vọng – lại có khả năng là kết quả của sự tính toán chưa kỹ lưỡng, nặng tính bốc đồng, duy ý chí, nếu…

Chúng tôi muốn nói: nếu không sớm có một kế hoạch tổng thể về việc đổi mới ngành sư phạm.

3. Ngành sư phạm – ngành công nghiệp nặng của toàn nền giáo dục – chỉ có thể là đòn bẩy đích thực với điều kiện nó được Nhà nước quan tâm và xã hội thực sự trọng thị. Vì thế  nhất thiết cần có sự đổi mới về 4 phương diện sau đây:

3.1. Đổi mới về chính sách tuyển dụng và sử dụng. Việc tuyển sinh phải là khâu đầu tiên cần được coi trọng – Tiêu chuẩn chọn lựa không thể cẩu thả như một số đơn vị đã thực hiện. Các em được trúng tuyển phải đảm bảo về học lực, hạnh kiểm. Khác với các trường đại học – cao đẳng khác, các em cần được thẩm định về ngoại hình (không cần như người mẫu, nhưng không có dị tật). Những em không may có khiếm khuyết về cơ thể (gù lưng, teo cơ tay hoặc chân, v.v) cũng như về năng lực phát âm, diễn đạt tiếng Việt và tiếng nước ngoài (nếu thi vào khoa ngoại ngữ sư phạm) thì nên khuyên các em chọn các ngành nghề thích hợp. Sẽ rất yên tâm nếu các em khi đăng ký chọn ngành đã có lòng tự hào chính đáng về nghề dạy học mà họ sẽ gắn bó trọn đời. Thoạt nghe, có thể nghĩ yêu cầu này có phần ảo tưởng, nhưng trên thực tế phải coi đây là yêu cầu mang tính nguyên tắc và suy cho cùng, chẳng có gì nhiệm màu, cao xa cả. Chỉ cần bằng sự trân trọng đúng mức qua cách nhìn nhận, đối xử với giáo viên của quan chức Đảng, chính quyền và ngành giáo dục, cũng như qua chính sách học bổng, tuyển dụng và sử dụng.

Về học bổng, nên học tại kinh nghiệm tích cực của giai đoạn 1954-1975. Tất cả sinh viên sư phạm đều có học bổng tạm đủ sống (22 đồng/tháng, tiền ăn chỉ 15đ, mỗi người còn 7đ tiêu vặt), có chỗ ở trong ký túc xá. Chỉ tiêu tuyển sinh phải được tính toán kỹ và chính xác, để tất cả các em tốt nghiệp nhất thiết phải có việc làm.

Chế độ lương bổng cho giáo viên (cũng như cho cán bộ y tế) cần được cải thiện đáng kể, để họ có thể “sống được bằng lương” như một vị lãnh đạo cấp cao đã từng đoan quyết.

Thêm nữa nên rạch ròi trong việc bố trí công tác. Sinh viên học giỏi, đậu cao nên được ưu tiên nơi công tác. Những ai do yêu cầu của tổ chức phải giảng dạy ở vùng cao, vùng sâu nên có hạn định về thời gian, sau đó nhất thiết phải được điều chuyển về nơi hợp với nguyện vọng cá nhân. Các nước đều làm thế. Trước năm 1945, ở cả Đông Dương cũng đã thực thi chính sách ấy. Trước 1975, ở miền Nam cũng vậy. Thế nhưng thực tiễn hôm nay đã có những hiện tượng tiêu cực, phản nhân văn. Bài viết “Bằng cấp cao vẫn lao đao xin việc” đăng trên báo Tuổi trẻ (13/10/2010) đã liệt kê hàng chục trường hợp đau lòng, đáng phẫn nộ. Có những em – tên tuổi, địa chỉ rõ ràng –  tốt nghiệp loại xuất sắc, đoạt giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trung ương, muốn xin dạy học ở quê hương nhưng cũng bị từ chối, thực chất vì chưa đáp ứng được yêu cầu “đầu tiên” (có nghĩa là “tiền đâu?”) cho người có chức có quyền ở địa phương.

3.2. Đổi mới về qui trình và phương pháp đào tạo. Phương hướng chủ yếu, theo tôi có thể tóm tắt như sau: hãy để cho việc giảng dạy và học tập được tiến hành đúng với tinh thần đại học và thể hiện đậm nét bản sắc của từng khoa trong trường Sư phạm. Tinh thần đại học có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi tối đa để sinh viên (SV) không ngừng nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm về việc học tập, nghiên cứu của bản thân, thật sự là chủ thể và luôn được chủ động sáng tạo trong suốt quá trình đào tạo dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt có trách nhiệm của các giáo sư, giảng viên…

Thể hiện đậm nét bản sắc riêng có nghĩa là quán triệt mục tiêu đào tạo của trường Sư phạm, để SV sau này có thể làm tốt nhiệm vụ. SV của chúng ta ngoài đạo đức nghề nghiệp, nhất thiết phải nắm vững kiến thức khoa học và biết cách hành nghề một cách thành thạo.

Mỗi trường, mỗi khoa, mỗi tổ bộ môn, thậm chí mỗi giảng viên, trên cơ sở trăn trở với nhiệm vụ trọng yếu này, sẽ có không ít biện pháp giải quyết độc đáo, sáng tạo.

Riêng tôi, xin được nhấn mạnh mấy đề nghị sau đây. Phải nói ngay, nhưng ý dưới đây không mới mẻ gì cho lắm nhưng quả là cần thiết nếu chúng ta thật lòng muốn nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ nhất, ngay từ năm học đầu tiên, hãy luyện cho SV năng lực chủ động trong tư duy và thói quen tự học, tự nghiên cứu. Ngay từ đầu mỗi năm học, SV cần được biết (bằng văn bản) yêu cầu của các tổ bộ môn những sách cần đọc, bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo. Như thế cách lên lớp tất yếu phải thay đổi. Số thời gian làm việc cá nhân của SV sẽ tăng lên nhiều và nội dung hoạt động của người thầy sẽ khác hiện nay về cơ bản. Thay vì say sưa thuyết giảng – có thể rất hấp dẫn nhưng nặng tính độc thoại – như hiện nay, giảng viên trong mỗi học phần chủ yếu sẽ chỉ xác định yêu cầu, nêu những vấn đề cần tìm hiểu, gợi ý cách thức tiếp cận và lý giải vấn đề. Và cuối cùng, các giảng viên sẽ chủ trì các xêmina, huy động SV vào cuộc, tham gia đến mức tối đa thuyết trình, đối thoại, tranh luận.

Trong quá trình học, SV phải được rèn luyện, kiểm tra qua các bài thu hoạch, bài thi, bài nghiên cứu. Sau khi thầy chấm, SV không chỉ được biết điểm mà còn được xem lại bài làm của họ và được thầy, qua tiết trả bài, phân tích chỗ đúng, chỗ sai. Có như thế việc làm bài mới thật sự có ích cho người được đào tạo và trách nhiệm của người dạy càng thêm cụ thể.

Việc làm này không đơn giản, đòi hỏi người thầy thật sự có tiềm lực khoa học sâu rộng. Hơn thế nữa, sự chuẩn bị cho mỗi buổi lên lớp cũng như toàn bộ học phần sẽ rất vất vả, công phu, mất thì giờ nhiều hơn.

Thứ hai, SV nên được sớm phân loại về trình độ học lực, năng khiếu chuyên môn. Trên cơ sở đó, việc giảng dạy của mỗi thầy cũng như toàn bộ kế hoạch đào tạo của tổ bộ môn và của khoa đồng thời sẽ phải quan tâm đến cả hai đối tượng: SV trung bình và khá (đại trà, số đông), SV giỏi và xuất sắc (số ít, cá biệt). Đối tượng thứ hai này đáng được chăm sóc đặc biệt, thậm chí mỗi thầy giỏi đỡ đầu mỗi em. Các em được tạo điều kiện để có thể học và thật sự nắm vững một ngoại ngữ, được đọc nhiều hơn, kể cả sách trong tủ sách dành riêng cho các giảng viên của khoa hoặc tủ sách gia đình của từng thầy, được hướng dẫn nghiên cứu, tập thu hoạch bằng các bài viết từ đơn giản đến phức tạp, được tạo điều kiện tham dự ở những mức độ khác nhau các hội nghị khoa học, được giúp đỡ để có mặt trong các nội san và các tạp chí chuyên ngành một cách đàng hoàng.

Nếu làm tốt việc này, tin là chúng ta sẽ đào tạo được một thế hệ trí thức trẻ đầy tài năng, có thể bổ sung và thay thế một cách yên tâm lớp cán bộ khoa học đầu đàn vốn hiện nay đã chồn chân mỏi gối.

Tất nhiên, để làm được công việc không đơn giản này, khoa và trường, thậm chí cả cấp cao hơn (Bộ GD-ĐT) cần có chế độ, chính sách khuyến khích cụ thể và tích cực, cả về tinh thần và tài chính đối với cả thầy và trò.

3.3. Để đạt được một cách vững chắc yêu cầu đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ, chúng ta nên lưu ý học hỏi phương thức đào tạo truyền thống của các trường đại học y khoa (trong nước cũng như trên thế giới). SV y trong suốt quá trình học tập luôn được gắn bó chặt chẽ với bệnh viện. Gắn bó từ năm đầu mới vào trường cho đến lúc tốt nghiệp. Bệnh viện trở thành giảng đường thuộc loại chủ yếu của SV. Ở đây họ có vô số điều cần học, từ thấp đến cao, độ khó tăng dần, từ công việc của hộ lý, y tá tới nhiệm vụ chính yếu của bác sĩ. Ở đây họ có không ít người trên thực tế là thầy của họ.

Tất nhiên không ít trường đã có phương thức đào tạo tương tự, nhưng quá trình đào tạo ở nhiều đơn vị vẫn còn trong tình thế dạy dỗ “khép kín” khá xưa cũ.

Khoa Văn cũng như các khoa khác trong trường ĐHSP có nên và có thể vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm rất tốt này không?

3.4. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng nghiêm ngặt và trong hoàn cảnh ngày càng thuận lợi của các trường đại học như hiện nay, nên chăng chúng ta có kế hoạch phối hợp hoạt động của từng cụm trường (theo điều kiện địa lý, đặc điểm chuyên ngành) và rộng ra của cả hệ thống các trường đại học trong toàn quốc để nhân sức nhau lên và để SV được rộng đường học hỏi.

Thật ra lâu nay việc này đã được thực hiện, nhưng mới chỉ bó hẹp trong việc mời giáo sư thỉnh giảng. Mời một cách vội vã, dạy một cách cập rập và lúc cán bộ trẻ đã ít nhiều cứng cáp có thể lên lớp, kế hoạch thỉnh giảng ấy được cắt luôn để tiết kiệm ngân sách. Vì thế cho đến nay hầu hết các khoa, các trường đã và đang hoạt động đơn độc, cô lập.

Chúng ta có thể nghĩ đến một kế hoạch hợp tác căn cơ, dài hơi, thiết thực, trong tầm tay được không? Chẳng hạn:

Về tài liệu sách vở. Giúp nhau nhân bản các công trình quí hiếm vì xuất bản đã lâu, các sách nghiên cứu của nước ngoài mà nếu bỏ ngoại tệ ra mua thì rất tốn kém. Giúp nhau nhân bản các luận án tiến sĩ đã bảo vệ thành công.

Mặt khác, có thể hợp tác với nhau viết những bộ giáo trình, những chuyên luận có chất lượng cao, khá chuẩn mực để dùng chung trong công tác đào tạo đại học và sau đại học. Đồng thời có bàn bạc, thống nhất kế hoạch ghi âm và ghi hình những bài giảng được chuẩn bị thật công phu, kỹ lưỡng của các giáo sư đầu ngành, đặc biệt là những giáo sư cao niên, mà chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, dù muốn trực tiếp truyền đạt cho thế hệ trẻ những điều sở đắc nhưng không ít vị sẽ lâm vào tình trạng “lực bất tòng tâm”.

Các khoa, các trường có thể hợp tác để luân phiên đăng cai các hội nghị khoa học trẻ cho SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tôi nói là “luân phiên” để gánh nặng khỏi rơi vào một vài đơn vị và để SV cả nước có dịp tham quan, hiểu biết đất nước. Mỗi hội nghị nên làm cho một đối tượng cụ thể, có sự giúp đỡ của các thầy, làm cho đúng trình tự qui cách một hội nghị khoa học, có in kỷ yếu, có chia tiểu ban, có tranh luận…

Nếu ngồi lại với nhau để bàn bạc chắc chắn sẽ tìm ra nhiều hình thức hợp tác sinh động, thiết thực trong hoạt động đào tạo.

4. Đổi mới việc tổ chức hệ thống các trường Sư phạm. Mươi năm gần đây, không hiểu do “sáng kiến” của ai, bên cạnh một số ít trường còn giữ nguyên bảng hiệu ĐHSP (chẳng hạn: ĐHSP Hà Nội, ĐHSP Tp. HCM) đã nảy sinh 2 hiện tượng có vẻ mới mẻ:

Thứ nhất, biến trường ĐHSP vốn có truyền thống đáng nể thành trường ĐH đa ngành (như: ĐHSP Vinh, Thái Nguyên…) trong đó Sư phạm là một hoặc hai khoa (Khoa Sư phạm KHXH và Khoa Sư phạm KHTN).

Thứ hai, xây dựng trường Đại học mới của địa phương, lấy CĐSP có từ lâu của tỉnh làm nòng cốt và đôn nó lên thành Khoa Sư phạm.

Hậu quả rất sớm nhận biết: khoa SP trở thành khoa loại 2, không phải là đối tượng được lãnh đạo trường quan tâm đúng mức. Chất lượng đào tạo vì thế khá khiêm tốn. Có thể tiến hành điều tra xã hội học qua các Sở GD-ĐT để kiểm chứng tính chính xác của nhận định trên. Gần đây nhất, một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã công khai từ chối tuyển dụng 2 đối tượng – sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức và sinh viên khoa Sư phạm các trường đại học địa phương. Đúng sai về mặt pháp luật, xin không bàn ở đây. Chỉ muốn nói: độ tin cậy của xã hội đối với các sản phẩm từ những trung tâm đào tạo này đã bị giảm sút nghiêm trọng.

Đã đến lúc cần giải thể bớt các khoa Sư phạm thuộc 2 loại hình trường này và tập trung sức xây dựng mới hoặc tái lập một số trường ĐHSP vùng, như ĐHSP Thái Nguyên, Vinh, Cần Thơ… Làm sao để những cơ sở này đủ mạnh về trường lớp, về đội ngũ giáo sư – giảng viên cũng như về kinh phí hoạt động

Thứ ba, đổi mới trong việc qui định nhiệm vụ chính trị cho hệ thống các trường Sư phạm.

Lâu nay các trường hầu như chỉ tập trung vào nhiệm vụ đào tạo mới. Việc bồi dưỡng, đào tạo lại và hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa cũng như toàn trường được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Đã đến lúc cần thống nhất quan niệm: hệ thống ĐHSP phải coi trọng cân đối 3 nhiệm vụ nói trên: đào tạo mới/ bồi dưỡng, đào tạo lại/ nghiên cứu khoa học.

Về nhiệm vụ thứ nhất, không có gì phải bàn thêm.

Về nhiệm vụ thứ hai: thực tiễn kết quả giảng dạy ở THPT, THCS của nhiều nơi đã khiến chúng ta lo ngại. Như trên đã nói, chất lượng đào tạo sau 12 năm ở bậc học phổ thông nhìn chung ngày càng sa sút. Có nhiều nguyên nhân, nhưng đầu tiên phải kể đến sự “dậm chân tại chỗ” về năng lực chuyên môn của người thầy. Đội ngũ giáo viên phổ thông giống như những con tằm, luôn luôn được các nhà quản lý và cả xã hội nói chung yêu cầu phải nhả những sợi tơ óng chuốt, nhưng thật là nghịch lý – họ không được cung cấp những nong lá dâu tươi non. Cuối cùng, họ đành bằng lòng – nhất là giáo viên trẻ – với việc “có gì đọc nấy” hết sức tản mạn và gần như chỉ làm bạn đường tri kỉ với mấy cuốn sách giáo khoa và tập giáo án mỗi năm chép lại một lần cho mới. Kinh nghiệm nhiều nước (Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,…) rất đáng học tập: giáo viên trung học, sau một hạn kỳ (4 hoặc 5 năm) đứng lớp lại được quyền bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong 1 năm. Họ có thể đăng ký nội dung bồi dưỡng và tự xử lý, hoặc tham dự những khóa bồi dưỡng (với những chuyên đề được công bố rành mạch) ở các trường ĐHSP, do các GS có uy tín đứng lớp.

Tôi đã có dịp trao đổi với một vị lãnh đạo ngành, ý kiến này được ông chia sẻ, chỉ có điều… (ông hơi ngập ngừng) là tiền đâu để thực hiện? Nhà nước mình hay thật! Có thể bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng để mua tàu “khủng” nhưng cũ nát, về neo vất vưởng ở gần một cảng nào đó. Sắp tới sẽ chi hàng tỉ đô la, đăng cai tổ chức ASIAN 2019 để có mươi huy chương về các môn thể thao thế giới ít biết đến. Cứ tưởng chỉ riêng đại họa tham nhũng đã đủ để đất nước đảo điên “lên bờ xuống ruộng”, nào ngờ lại thêm các bệnh nan y như lãng phí, thích phô trương, và không loại trừ để có dịp “đục nước béo cò”

Nếu chủ trương bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên (dưới 50 tuổi đối với nam và dưới 45 tuổi đối với nữ) được đưa vào kế hoạch hoạt động của ngành giáo dục, tôi e rằng các trường ĐHSP sẽ không sợ thiếu việc, mà phải tăng tốc tối đa mới hi vọng hoàn thành nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: các trường ĐHSP là nơi tập trung nhiều nhà khoa học có uy tín thế nhưng chưa bao giờ lãnh đạo ngành và trường lại có yêu cầu sát sao đối với các giáo sư – giảng viên về phương diện này. Nên chăng, có chỉ tiêu cụ thể cho từng loại cán bộ. Chẳng hạn, số trợ lý trẻ phải giải quyết bậc Cao học trong mấy năm (hiện nay đã làm). Số giảng viên đã có kinh nghiệm và ở độ tuổi dưới 30 phải bảo vệ xong luận án tiến sĩ trong bao lâu (hiện nay làm chưa đều khắp). Những người đã có học vị cao phải phấn đấu để 1, 2 năm có một bài báo khoa học và 4, 5 năm có một công trình dầy dặn, dài hơi.

Phải coi đây là nhiệm vụ bắt buộc với bất cứ ai ở ĐHSP (tất nhiên cũng như ở các trường đại học khác). Có thưởng phạt phân minh. Người nào liên tục không hoàn thành nhiệm vụ, cần kiên quyết chuyển công tác, vì đã thiếu trách nhiệm với bản thân cũng như với nhà trường.

5. Có điểm tựa tốt, nhưng cũng cần có lực đẩy mạnh. Lực đẩy ở đây là tổng hợp sức mạnh của Nhà nước và toàn dân, là chủ trương mạnh dạn xã hội hóa một bộ phận quan trọng các cấp, các ngành học, là tinh giản bộ máy tham mưu cho Bộ trưởng cũng như cho các giám đốc sở. Điều cần nhấn mạnh: lực đẩy chủ yếu phải là các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Một suy nghĩ cụ thể về nhân sự: 67 năm qua, thời chiến cũng như thời bình, Bộ trưởng Bộ quốc phòng nước ta bao giờ cũng ở trong Bộ chính trị. Đó là cần thiết, để phòng và chống hiểm họa ngoại xâm. Chính vì vậy, để chống giặc dốt có hiệu quả (mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xếp cao hơn cả giặc ngoại xâm nữa), để nhanh chóng khắc phục thực trạng – xin nhấn mạnh lại “thực trạng” chứ không chỉ là “nguy cơ” tụt hậu mà Đảng đã nêu – một ngành có hơn 20 triệu người – cả thầy và trò – chiếm 1/4 dân số, đông gấp 20 lần quân đội, thì người đứng đầu ngành giáo dục có mặt trong Bộ chính trị phải coi là chuyện đương nhiên

Lại nữa, sự ân cần và chân thành quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của các thầy cô, đặc biệt là các cô giáo mầm non, các giáo viên tiểu học, những người giảng dạy ở vùng sâu, vùng cao… phải trở thành nếp quen, thành trách nhiệm không thể thiếu của cán bộ quản lý các cấp. Nếu cách đối xử với người trong nghề dạy học chưa được cải thiện triệt để, ngược lại cứ tiếp tục “vô tư” đòi hỏi cao họ trong sự nghiệp trồng người thì quả thật nhẫn tâm. Gần đây, PGS Vũ Văn Rỹ (Viện khoa học giáo dục) trong một báo cáo khoa học có đưa ra con số đáng ngại: Hơn 50% giáo viên chán nghề và muốn chuyển nghề.

Xin hãy có những giải pháp thật tích cực để giảm thiểu con số khủng khiếp này, làm sao để giáo viên yên tâm, vui vẻ gắn với bảng đen, phấn trắng, với lớp lớp học trò các cấp. Ngược lại, nếu để lại tình hình phát triển theo chiều hướng xấu, chưa hiểu đất nước sẽ đi về đâu, chứ đừng nói gì đến việc có thể tự hào “sánh vai các cường quốc năm châu” như tâm nguyện suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

 

Tài liệu tham khảo

1.      Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), NXB Chính trị quốc gia, H, 2011

2.      Danh Đức, Chiến thắng của quần chúng, Tuổi trẻ cuối tuần số 41, ngày 9.11.2012

 


 


[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), NXB Chính trị quốc gia, H, 2011, tr 77

[2] Danh Đức, Chiến thắng của quần chúng, Tuổi trẻ cuối tuần số 41, ngày 9.11.2012

Thông tin truy cập

60795950
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15451
24669
60795950

Thành viên trực tuyến

Đang có 343 khách và không thành viên đang online

Danh mục website