Việt Nam trong quá khứ đã tiếp nhận những gì ở tư tưởng Đạo gia Trung Quốc?

Tư tưởng Đạo gia và một phái sinh của nó là Đạo giáo đã truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên, được người nước ta tiếp nhận theo cách thức riêng của mình cho đến tận 1945, khi lịch sử sang trang. Nội dung và cách thức tiếp nhận có thể chia làm hai thời kỳ khác biệt: thời Bắc thuộc và thời độc lập tự chủ.

I - Thời Bắc thuộc

Hãy nói trước hết về tư tưởng Đạo gia. Có 3 tác phẩm khả dĩ giúp ta tìm hiểu vấn đề này, đó là Lý hoặc luận của Mâu Bác (người Giao Châu, sống vào cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III); Sáu bức thư tranh luận về Đạo Phật giữa Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu (cuối thế kỷ V); và bài phú Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ (thế kỷ VIII).

- Trong Lý hoặc luận, Mâu Bác đã 15 lần trích lời Lão Tử, và 5 lần tôn vinh Lão Thị. Ông nói: “Lão Tử từ bỏ thánh trí, sửa mình để giữ lấy cái chân thực, muôn vật không đụng chạm đến chí hướng, thiên hạ không xê dịch nổi niềm vui, thiên tử không dùng được làm bầy tôi, chư hầu không kéo được làm bè bạn, ấy là điều đáng quý” (Tựa). Tư tưởng Đạo gia được Mâu Bác tiếp nhận như là một phương tiện để chứng giải cho giáo lý nhà Phật. Ông viết: “... Tôi dốc chí vào Đạo Phật, đồng thời nghiên cứu sách Lão Tử gồm 5000 chữ, lấy lẽ huyền diệu làm rượu để nhấm nháp” (Tựa).

- Trong Sáu bức thư, Đạo Cao và Pháp Minh cũng 5 lần dẫn Đạo gia. Khác với Lý hoặc Luận là ở chỗ nếu đối tượng trích dẫn của sách này là Lão Tử, thì đến Sáu bức thư, đối tượng trích dẫn lại là Trang Tử ? Và nếu ở Lý hoặc luận nội dung trích dẫn là những câu triết lý, thì đến Sáu bức thư, nội dung trích dẫn lại là các chuyện ngụ ngôn như “võng tượng huyền châu” (Trang Tử. Thiên địa); “Sô cẩu” ( Trang Tử. Thiên vận); “Thuyên đề” (Trang Tử. Ngoại vật); “Bào Đinh” (Trang Tử. Dưỡng sinh chủ)...

- Trong bài phú Bạch vân chiếu xuân hải, Khương Công Phụ đã phát huy cái nhìn “Thiên đạo tự nhiên” của Lão Tử và quan điểm “mỹ giả tự mỹ” của Trang Tử.

Bên cạnh Đạo gia mà chủ yếu là tư tưởng Lão Trang, Đạo giáo cũng để lại một số dấu vết trong tín ngưỡng và văn hóa nước ta thời Bắc thuộc.

- Lý hoặc luận cho thấy vào cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III, người Giao Châu đã biết tới chuyện Kiều Tùng, chuyện bùa chú của Bát tiên, chuyện tịch cốc để trường sinh bất tử. Và trong dân gian cũng đã có người thực hành một số phép tu luyện của Đạo giáo. Nhưng cũng có kẻ không tin, như tác giả Lý hoặc luận chẳng hạn. Mâu Bác viết: “Sách thần tiên khi nghe thì đầy rẫy cả tai, nhưng tìm sự hiệu nghiệm thì tựa hồ nắm gió bắt bóng” (Chương 29). Ông viết tiếp: “Khi tôi chưa hiểu đạo cả (Chỉ Đạo Phật - TN) thì cũng từng học tịch cốc. Phép thuật này có hiệu quả hàng trăm hàng nghìn kiểu, nhưng thực hiện không thấy có hiệu quả, không thấy tin tưởng nên mới thôi. Cứ xem như ba người thầy mà tôi theo học, ông nào cũng nói mình đã sống 700 tuổi, hoặc 500 tuổi, hoặc 300 tuổi, thế mà tôi học họ chưa đầy ba năm, tất cả đều chết ráo” (Chương 31).

- Trong Sáu bức thư, ta thấy Đạo giáo tuy vẫn tiếp tục phát triển trong dân gian, nhưng đối với giới trí thức Phật giáo thì vẫn là đối tượng bị phê phán giống như thời Mâu Bác. Pháp Minh viết trong bức thư trả lời Lý Miễu: “gửi lòng dạ, ở cỗ xôi bà cốt, dốc thành tâm vào câu chú đạo bùa, nắm cái tà để mong cái chính, giữ cái giả để chờ cái thật (...) thì dù Phật có “hiện rõ thân hình, tỏa ánh sáng, chuyển rung mặt đất, liệu có thể thấy được chăng” (Bức thư số 6).

- Đến Bạch vân chiếu xuân hải phú, một tác phẩm của Nho sĩ, Đạo giáo trở thành nguồn cảm hứng để sáng tác:

"Vòm trời thoắt mở màu tốt đẹp trải trăng,
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifHơi thẩn vừa thu, ánh trong lành chiếu vạch"...
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gif"Bấy giờ thì:
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifGò đảo băng tan,
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifBãi bờ tuyết sạch.
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifLâu đài hiện rõ chốn Tam Sơn.
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifHoa cỏ gồm thu vào một cảnh,
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifGần cây quỳnh mà rỡ ràng,
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifPhủ Đài Dao mà óng ánh..."
http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/icones/10x2.gifRõ là một cảnh thần tiên tuyệt đẹp!

II - Thời độc lập tự chủ

Từ thế kỷ X trở về sau, tư tưởng Đạo gia không còn được sự tá trợ nhiều của đạo Phật để trở thành một thứ anh Hai trong gia đình Tam giáo (Phật, Lão, Nho) như dưới thời Bắc thuộc, thời đạo Phật phát triển mạnh. Đạo gia trong thời kỳ nước ta độc lập tự chủ đã bị đẩy dần xuống hàng thứ ba sau Nho và Phật, thường được dẫn dụng như là những từ ngữ hoặc điển cố để minh họa cho tư tưởng “nhân sinh nhược đại mộng”, “phú quý tự phù vân” trong triết lý cũng như trong thơ văn, nhất là từ giữa thế kỷ XV trở đi, khi Nho giáo chiếm lĩnh vũ đài học thuật, và từ thế kỷ XVI trở đi, khi nước ta bước vào thời kỳ Nam - Bắc phân tranh... Điều này được minh chứng qua các sách Phật giáo như Khóa hư lục (thường dẫn các điển của Đạo gia như “Man Xúc tương trì”, “Thác thược”, “Tử Cơ ẩn kỷ”, “Bằng điểu”, “Thiên lại”, “Hồ điệp mộng”), Thượng sĩ ngữ lục (“Hòa quang đồng trần”, “Nhất khúc vô sinh”) và trong thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm... cho mai đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, với “Đời đáng chán hay không đáng chán”, “Giấc mộng lớn”, “Giấc mộng con”...

Có thể nói so với thời kỳ Bắc thuộc, vai trò của tư tưởng Đạo gia ở Việt Nam và trong giai đoạn sau mỗi lúc một lu mờ!

Nhưng với Đạo giáo thì ngược lại. Nhờ dung hợp được với tín ngưỡng và phong tục tập quán bản địa, Đạo giáo cơ hồ ngày càng được hoan nghênh và phát triển mạnh ở Việt Nam.

Ngay từ thời Lý Trần, đã xuất hiện những Đạo sĩ lừng danh như Thông Huyền, Hoàn Nguyên, Huyền Vân. Đặc biệt về sau đã xuất hiện cuốn Kê song xuyết thập mà hậu thân của nó là Hội chân biên ghi lại sự tích 27 vị “tiên Việt Nam” qua 25 truyền thuyết Đạo giáo, trong đó có 13 tiên ông và 14 tiên nữ, với các Đạo tổ, Chân nhân, Thánh Mẫu, Tiên Nương, Tiên nữ...

Tìm hiểu kỹ, ta thấy cả hai phái Đạo giáo “Phù lục” và “Đan đỉnh” đều tìm được đất sống ở Việt Nam.

- Phái “Phù lục” nghiêng về bùa chú, gọi là “Đạo giáo phù thủy” đã đi sâu vào dân gian theo hướng dùng phép thuật, niệm chú, cầu cơ, vẽ bùa... để trấn yểm, trừ tà, chữa bệnh, nhằm cứu nhân độ thế. Về mặt này, ta có các sách đáng chú ý như: Thái Thượng cảm ứng thiên, Cứu kiếp hoàng kinh, Tiêu tai diên thọ diệu kinh, Lã Tổ chỉ huyền thiên bí chú, Trần triều hiển thánh độ thế chân kinh, Thỉnh phù tróc ngục ấn quyết... (trong đó có một số ít sách là của Trung Quốc, do ta in lại và bổ sung thêm).

- Phái “Đan đỉnh” thì nghiêng về tu tiên luyện đan, gọi là “Đạo giáo thần tiên”, với các Đạo sĩ, Đạo cô sẵn sàng rời gia đình để rong du cõi ngoại. Trên thực tế, ở Việt Nam chưa thấy xuất hiện loại người này. Một nhà tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX từng nói:

Cần lao tự cổ trường sinh tể,
Hà tất cao đường tọa thám lư!
(Từ xưa, lao động là món thuốc bổ để sống lâu,
Cứ gì phải ngồi trên nhà cao để luyện thuốc trường sinh bất tử).

Nhưng riêng đối với tiểu thuyết cổ Việt Nam thì Đạo giáo thần tiên lại gây nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là với tiểu thuyết chữ Hán. Dễ dàng nhận thấy dấu ấn của Đạo giáo thần tiên qua không ít câu chuyện chép trong Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Thánh Tông di thảo, Đào hoa mộng ký v.v. ở lĩnh vực này, các truyền thuyết Đạo giáo thần tiên đã được chăm chú khai thác và tiểu thuyết hóa về các mặt cốt truyện, nhân vật, khung cảnh...

Có thể nói Đạo giáo đã kích thích óc tưởng tượng của giới nhà văn trên đường đi tìm cái đẹp trong cuộc sống con người, làm cho con người trở nên ngày một hoàn thiện hơn, hưởng thụ nhiều mỹ cảm văn học hơn. Đối với sự phát triển của thể loại văn học nước ta, chính Đạo giáo đã góp phần dẫn dắt tiểu thuyết cổ Việt Nam đi từ bút ký đến chí quái, truyền kỳ và một vài thể loại tiểu thuyết khác nữa như diễm tình, công án...

ở đây có một câu hỏi đáng được đặt ra là liệu trong thế kỷ XXI, Đạo gia có vai trò gì trong văn hóa Việt Nam, và nhìn rộng ra là văn hóa Đông phương, văn hóa cả hành tinh ? Về vấn đề này tôi xin giới thiệu một nhận định của Trương Đăng Quế từ giữa thế kỷ XIX để chúng ta cùng suy ngẫm. Ông viết:

“Lão Tử trốn đời, tuy vô tâm mà thật ra là hữu tâm (...) Lão Tử rất hiểu và rất sành về thuật xử thế, gọi là vô tâm nhưng rất dính dáng với đời, như thế vẫn là hữu tâm” (Quảng Khê văn tập. Sử học)

Nghĩa là đời còn thì tư tưởng Đạo gia vẫn chưa phải đã gác sang một bên được !

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 4/2000

Thông tin truy cập

63660531
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4249
17595
63660531

Thành viên trực tuyến

Đang có 794 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website