Người tu nói về mộng (phần 1)

Tuyển dịch từ bài viết “Tăng nhân thuyết mộng” của nhà nghiên cứu Liêu Triệu Hanh[1], Viện nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc, Viện nghiên cứu trung ương Đài Loan.

Vũ Xuân Bạch Dương tuyển dịch

Từ ngữ quan trọng trong bài viết: Mộng; Giác; Phật giáo thời Minh; Thiền tông; Triệt Dung Chu Lý

Tô Thức: “Xưa nay như mộng, nào từng biết mộng”. (Vĩnh Ngộ Lạc)

I.            Lời nói đầu:

Phong trào luận đàm về mộng chốn tòng lâm[2] thời vãn Minh một thời cực kỳ hưng thịnh, các vị trưởng lão đều bày tỏ hứng thú cao độ đối với vấn đề mộng, cũng có nhiều kiến giải thâm nhập và thấu triệt. Nhưng luận thuật cụ thể nhất mà có hệ thống nhất, do chính bút giả tôi tận tai nghe tận mắt thấy được, có thể đến từ cuốn sách đang đứng vào bậc nhất là Mộng ngữ trích yếu của ngài Triệt Dung Chu Lý[3] (1591-1674) ở Điền Nam, sách này hướng về nhiều nguồn, dẫn chứng phong phú, vượt qua tất cả những sách khác. Nói đến lý luận về mộng chốn tòng lâm thời vãn Minh, ngài Triệt Dung Chu Lý trở thành nhân vật đáng mang tính đại biểu nhất, nhưng trước tác này của ngài từ trước đến nay vẫn chưa đưa đến bất kỳ sự chú ý và thảo luận nào của giới nghiên cứu, nên bài viết này chúng tôi sẽ dùng khá nhiều nội dung câu chữ có giới hạn của mình để đem tác phẩm tiêu biểu về mộng luận chốn tòng lâm thời vãn Minh này để thảo luận thêm. Đồng thời, hai nhân vật ở địa vị quan trọng trong việc phục hưng tòng lâm thời vãn Minh là ngài Hám Sơn Đức Thanh[4] (1546-1623) và Tử Bách Chân Khả[5] (1543-1603) cũng thường nói đến mộng, trong bài viết này chúng tôi cũng xem đây là đối tượng để quan sát. Ngoài ra chúng tôi còn chú ý giải thích và nói rõ thêm về nguồn gốc hoàn cảnh và mạch văn hóa liên quan đến hai ngài. Nói một cách tóm lược, đối với mộng luận, ngài Hám Sơn Đức Thanh thì thiên hướng chú trọng quá trình công phu tu hành, ngài Tử Bách Chân Khả thì lại tập trung chú ý cao đến nguyên nhân hình thành mộng từ góc độ dung hợp tánh tướng. Ngài Triệt Dung Chu Lý thì lại đại biểu cho sự hoàn thành việc hệ thống hóa chủ trương lý luận chốn tự viện thời vãn Minh. Bài viết này lấy điểm xuất phát từ mối quan hệ giữa mộng và giác, xem đối tượng bàn luận chủ yếu là những chủ trương lý luận về mộng của ba vị này, hy vọng có thể giúp ích cho việc lý giải nội dung, nguồn gốc và cơ cấu lý luận của mộng luận thời vãn Minh.


 

II.            “Phá sạch vô minh” và “Người trong giấc mộng”: Hai loại hình thái cơ bản của quan hệ mộng giác:

Nói về mộng trong Phật giáo, tác dụng điềm báo trước của nó tạm thời chúng ta khoan bàn đến, mà thường bổ sung những ví dụ về bản chất hư vọng của thế gian[6]. Chẳng hạn trong bài kệ Lục như [7]nổi tiếng, mộng được đặt ở vị trí đầu tiên; những học giả Duy thức[8] có người nói: “Sự giác ngộ hiện thời cũng chỉ như mộng”[9], hoặc thích lấy mộng để dụ cho sự không có thật của “biến kế sở chấp tính[10]”; là một trong những công án “đối với kẻ ngu trước mắt, không được nói mộng” của Thiền tông[11], cảnh mộng là giả dối. Trong Đại Tỳ Bà Sa luận quyển 37 tuy có chủ trương “mộng là có thực”, nhưng đa phần Phật giáo đều miêu tả mộng là ngắn ngủi, hư giả, không thể nương tựa vào. Về cơ bản, Phật giáo cuối đời Minh cũng kế thừa tư tưởng này, như trong ba vị cao tăng niên hiệu Vạn Lịch có vị tăng tính cách bảo thủ nhất là Vân Thê Châu Hoằng (1535-1615)[12] từng nói:

“Đời người chuyển đổi từ nhỏ đến lớn, lớn rồi già, già rồi chết. Trong nháy mắt đã nhập vào bào thai, nháy mắt lại ra khỏi bào thai, nháy mắt cứ vào rồi lại ra, không khi nào cùng. Mà khi sanh thì không biết từ đâu đến, chết cũng chẳng biết đi về đâu. Cứ mơ hồ mông lung như thế, tăm tối như thế, trải qua trăm ngàn vạn kiếp cũng chẳng biết mình là ai. Thoắt chốc lại trầm luân nơi địa ngục, thoáng chốc lại làm quỷ làm súc sanh, làm người rồi lại làm tiên. Lên rồi xuống, xuống rồi lại lên. Cứ trôi nổi vất vưởng như thế, lăng xăng như thế, qua trăm ngàn vạn kiếp cũng chẳng tự biết. Đấy chẳng phải là giấc mộng có thật hay sao? Thơ cổ có câu: ‘Trong giấc mộng xuân bên chiếc gối, đã đi hết mấy ngàn dặm ở Giang Nam.” Nay bị lợi danh dẫn dắt, kẻ đi ngược lại ngàn dặm, há phải nằm trên gối như vậy sao. Cho nên biết Trang Sinh mơ thấy bươm bướm, khi anh ta chưa mộng thấy bươm bướm, cũng là mộng vậy; Phu tử mộng thấy Chu công, khi ông ta chưa mơ thấy Chu công, cũng là trong mộng vậy. Từ bao nhiêu đại kiếp đến nay, không có một thời một khắc nào mà không ở trong mộng vậy. Đức Phật là người phá hết vô minh, đại giác sáng rỡ, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, Ngài là người tỉnh mộng rồi vậy[13].”

Đưa Trang Sinh để thí dụ cho Đạo gia, đưa Khổng Tử để thí dụ cho Nho gia, ý trong lời đều không bằng Phật gia. “Người tỉnh mộng” chỉ có một mình Phật Đà mới đủ để tôn xưng thôi, người đời (thậm chí bao gồm Khổng Tử, Trang Tử) kỳ thực đều ở trong mộng. “Mộng tỉnh” tức là Giác. Mộng là vô minh, là cảnh giới không có tác dụng của tự giác, dẫn đến luân chuyển trong sáu đường luân hồi. Đây cũng chính là nói: Mộng thực chất chính là hành trình vô tận của tăm tối, không có ánh sáng. Trong đoạn này, Phật (người giác ngộ) chuyển từ trong chúng sanh vô minh, trở thành hai thế giới khác biệt quá lớn. Chúng sanh thân ở trong mê tối, mà “bậc giác ngộ”  đại biểu cho cảnh giới toàn ánh sáng.

Ngài Vân Thê Châu Hoằng trong đoạn này kỳ thực vô cùng tương hợp với tư cách tổ sư Tịnh độ tông, theo nghiên cứu của ông Hoang Mục Kiến Ngộ, xưng danh niệm Phật luôn lấy ý thức tội ác sâu nặng làm cơ sở[14], trong đoạn văn này, “mộng” sánh ngang với vô minh, chỉ có đức Phật mới là người trí tỉnh giác từ trong mộng, như vậy, giữa chúng sanh và Phật tồn tại một khoảng cách cơ hồ không thể nào vượt qua được[15]. Cùng cách nghĩ như vậy, ngài Hám Sơn Đức Thanh trong đoạn văn luận về Tịnh độ sau đây bày tỏ càng rõ ràng hơn. Ngài nói:

“…Nhưng thuyết sanh Tịnh độ trong mộng chẳng phải thí dụ mà là lời chân thật. Lấy việc bồ tát tu hành mà nói, tu cho đến trước khi chứng đắc bậc thất địa, đều chưa thể phá mộng vô minh. Một lòng giáo hóa chúng sinh, thành tựu Tịnh độ, đều là những Phật sự trong mộng mà thôi. Cho nên bồ tát nhập hàng bát địa như mộng qua bến sông, còn chưa gọi là giác. Thẳng đến Phật, mới gọi là đại giác[16]”.

Đoạn viết này có thể được xem là quan điểm về mộng của phái Tịnh độ, nhưng có điểm không giống với hòa thượng Vân Thê Châu Hoằng đó là: Đại sư Hám Sơn Đức Thanh thời đó xuất thân từ trung tâm của phái Hoa Nghiêm[17] nghĩa học chùa Đại Báo Ân ở Nam Kinh, lại có sự qua lại giao thiệp rất nhiều với các thiền sư, cùng với ngài Tử Bách Chân Khả thật là những tướng lĩnh trong việc thúc đẩy dung hòa giáo pháp tánh tướng[18], lại thêm rất nhiều chú thích đối với kinh điển của nhiều nhà Nho và Đạo gia, tư tưởng hợp thành đó có thể gọi là một gốc mà trổ ra nhiều nhánh[19]. Do vậy đối với việc nhận thức mộng, ngài Hám Sơn cũng hiểu biết hơn cả ngài Vân Thê Châu Hoằng, chuyện này ai cũng biết. Về điểm này, phần sau còn bàn luận tường tận hơn, đoạn viết này chỉ là đứng trên lập trường của pháp môn Tịnh độ mà quán sát quan hệ về mộng giác. Trước thời vãn Minh, Phật giáo trong khi luận về mối quan hệ giữa “mộng (chúng sanh, tăm tối)/ giác (Phật, sáng suốt)”, chủ yếu chọn lấy thái độ này[20], có thể nói là tư thế căn bản trong sự đối diện với mộng của Phật giáo Đại thừa.

Có thể nghĩ mà biết, ý nghĩa của sự lý giải này là: mộng nên buông bỏ, không đáng để lưu luyến, nếu thiếu đi bất cứ tác dụng tích cực chân chính nào, trên mặt cơ bản về nhận thức như thế này, đối với việc lý giải bản chất, quá trình cho đến các loại khả năng có tác dụng tích cực của mộng đều không thể thêm lưu ý nào nữa. ngài Trạm Nhiên Viên Trừng (1561-1626)[21] từng nói: Nhưng những thiền sư thời vãn Minh bộc lộ một thái độ vô cùng bất mãn với quan hệ “mộng (chúng sanh)/ giác (Phật)” của loại hình thái này. Do vậy mà các bậc thiền sư vãn Minh đem tình trạng phân tách giữa mộng và giác đổi thành hình thái giác mộng như một. Chẳng hạn như

“Người đời xem mộng là mộng, giác là giác, mà không biết giác tức mộng, mộng cũng chính là giác. Nếu giác là thật, thì không có chuyện vào mộng; nếu mộng là thực, thì không nên có giác. Có giác thì không có mộng, có mộng thì không có giác, giống như sáng tối tương hợp, sao có thể tự sanh. Do có nhiều quốc độ khác nhau nên mộng 50 ngày mới có được một điều giác, chỗ đắc đó nếu không phải là mộng chẳng lẽ lại không phải là giác sao? Như vậy, thì trong thế giới của ta lẽ nào chưa từng mộng, và lẽ nào chưa từng giác ư! Lấy đó mà suy ra, cái định lực mà ông trì đó (nhưng không mộng), gọi là hư giả; tín lực trì (nhưng không mộng), gọi là miễn cưỡng làm chủ; chư Phật thành tựu Phật sự trong mộng. Cái gọi là thuyết pháp trong mộng, độ chúng sanh trong mộng, mở phương tiện trong mộng, ngồi đạo tràng trong mộng, hiện thần thông trong mộng, nhập Niết Bàn trong mộng, Bồ tát tu vạn hạnh trong mộng, đem mộng cúng dường, hàng thanh văn, duyên giác đắc giải thoát trong mộng, nhập thiền định trong mộng, trời, người ba cõi thọ quả báo trong mộng, vào sanh tử trong mộng, tranh nhân ngã trong mộng, nói chuyện thị phi trong mộng. Họ tạo ác nghiệp trong mộng, xoay chuyển luân hồi trong mộng. Cư sĩ hứng hỏi trong mộng, lão tăng cũng trả lời trong mộng. Dấu tích cũng là mộng, tạo ra cũng trong mộng, dừng lại cũng là mộng, làm gì cũng là mộng[22].”

Lời này tuy rằng vẫn kế thừa cách lý luận cơ bản về “giác (sáng)/mộng (tối)” này của Phật giáo đời trước, nhưng điểm khác biệt là không đem hai phạm trù đó phân ra làm hai bên đối nghịch nhau, mà xem chúng là một thể tương hỗ và nương tựa nhau, giống như sanh tử đối với Niết Bàn, không có sanh tử thì cũng không có Niết Bàn. Nên không có mộng thì cũng không có giác. Quan niệm như vậy không chỉ đã đả phá sự phân biệt đẳng cấp giữa “giác (cao)/mộng (thấp)”, mà cũng đả phá luôn cả trạng thái phân biệt ngăn cách giữa Phật, Bồ tát và chúng sanh. Tuy là mộng đã trở thành tình trạng tồn tại phổ biến, “giác” vẫn là lý tưởng mà tất cả hành giả tu Phật theo đuổi. Tính trọng yếu của những luận thuyết về mộng chốn chùa chiền thời vãn Minh nằm ở chỗ: trong quá trình theo đuổi sự tỉnh giác, phải càng chuyên chú để suy nghĩ đào sâu về ý nghĩa và khả năng của mộng. Chẳng hạn ngài Hám Sơn Đức Thanh nói: “Dùng giác để nhập mộng, điên đảo càng nặng. Dùng mộng để nhập giác thì ngay đó được giải thoát!”[23]; Tử Bách Chân Khả cũng từng nói rằng: “Phàm là mộng lớn, đều là mộng giác mà nói cả. Mộng giác thì mộng trừ, giác giác thì giác trừ. Giác và mộng đều trừ bỏ, gọi là đại giác vậy.[24]”, điều này đủ chứng tỏ quan hệ giữa mộng và giác là sự quán sát hướng phát triển quan trọng của giới tu sĩ thời này trong lý luận về mộng.

Từ khẩu khí của ngài Trạm Nhiên Viên Trừng đối với người đời không như vậy mà xét, không khó để cảm nhận việc tự tìm tòi sáng tạo của ngài, cũng có nghĩa, khi ngài nói như vậy, ít nhất trong phạm vi kiến thức tương quan của ngài, cách nhận xét như thế mới có sự tách rời với quan điểm truyền thống. Tạm thời chưa bàn về nguồn cội lịch sử, thời đó không quan niệm mộng giác đối đầu nhau mà cho rằng mộng giác không hai, chắc chắn không chỉ có một mình Trạm Nhiên Viên Trừng, quan điểm này cũng không phải sở hữu riêng của những người tu thiền. Đương thời, văn nhân Hoàng Tỉnh Tăng (1490-1540) cũng từng viết tác phẩm Mộng giác luận[25], cũng từng phát huy thêm lý luận về mộng giác cùng một thể[26], vì vậy, quan điểm mộng giác nhất thể trong giới hạn nào đó có thể được xem là phong khí thời đại của đời vãn Minh. Vị tôn túc của tông Tào Động ở Phúc Kiến là Vĩnh Giác Nguyên Hiền (1578-1657)[27]thậm chí còn đưa mộng ra để dung nạp giác, ông nói:

“Thế giới hư không, chỉ như một giấc mộng mà thôi; ba xe bốn giáo, cũng chỉ là một pháp mộng thôi; chư Phật và chúng sanh, chỉ là người trong một giấc mộng vậy. Người trong mộng, theo giấc mộng, nhận pháp của mộng, sao lại dám chắc đó không phải là mộng trong mộng? Cho nên mới có lời nói trong mộng, nếu đó không là mộng thì là mộng công khai vậy. Có ở trong mộng mà biết đó là mộng, có ở trong mộng mới cầu ra khỏi mộng, nhưng đều vẫn tính là chưa ra khỏi mộng vậy. Đột nhiên phá mộng mà ra, thì cơn mộng, pháp mộng và người trong mộng, tất cả đều bị khóa xung quanh, chỉ có sự sáng suốt tròn đầy này, tự tại chiếu khắp, bổn lai chưa từng mộng, cũng chưa từng có giác. Ô hô! Đây là lời trong mộng vậy![28]

Ở điểm này, ngài Viên Trừng càng nói rõ ràng, thẳng thắn hơn: “Chư Phật và chúng sanh, chỉ là người trong một cơn mộng”, mộng đã là một loại trạng huống phổ biến trong cuộc sống, hoàn toàn không có bất cứ ngoại lệ nào, cho nên những người nói khoác là không có mộng, nếu lấy kinh nghiệm thực tiễn để xét, thì tuyệt đối không thể chấp nhận[29]. Do vậy, khi nói “mộng” tức đã bao gồm luôn đặc chất của “giác”. Tuy cùng ở trong mộng, nhưng vẫn có “kẻ biết đó là mộng”, “kẻ muốn ra khỏi mộng”, đó được cho là sự tự giác cao độ. “Phá mộng để thoát ra” thì có thể đạt đến cảnh địa viên chiếu tự tại, vượt cả cảnh giới mộng giác chia làm hai bên đối lập, cho dù đây dường như cũng chỉ là một lý tưởng cao vời không chạm đến được. Do đó, “mộng” bao hàm một tính khả năng có thể khế hợp một thể với chân lý. Cũng chính là nói: “mộng” không chỉ là một loại cảnh giới, mà đồng thời cũng có thể mang đầy đủ ý nghĩa của lịch trình công phu.

Vì vậy, lý luận về mộng của giới tu sĩ thời vãn Minh một mặt tiếp tục kế thừa giáo pháp truyền thống, có thể thấy tiêu biểu qua hai quan niệm “vô minh” và “vô thường”[30]; mặt khác có một quan điểm đáng chú ý là: mộng giác trở thành hai mặt của một thể hợp nhất, trước khi triệt ngộ tỉnh mộng, thì những cảnh trong mộng đã trở thành một quá trình cộng đồng, phổ biến và tất yếu phải trải qua của nhân loại. Người trước nối tiếp người trước nữa có kế thừa, người đi sau tuy cũng có thể nhận được sự gợi ý của tiền nhân (như “mộng tam muội”[31]), nhưng bao nhiêu phấn đấu có thể thấy rõ sự cấu thành những phát biểu cá nhân của giới tu sĩ mang đầy đủ tính sáng tạo độc đáo tương xứng. Hai mặt kể trên trong sách vở, tác phẩm của Phật giáo thời vãn Minh do ứng theo tuyến trình và điều kiện khác nhau tương tác mà xuất hiện, tạo thành những điều lệ cơ bản trong luận thuyết về mộng chốn tòng lâm thời ấy.

Đoạn văn trên viết về sự phân tách trong quan hệ mộng và giác, có thể thấy rằng mộng luận thời vãn Minh và mộng luận của Phật giáo thời kỳ trước đó có một đường ngăn cách. Tuy chúng ta không thể chỉ ra đích xác nhân vật nào và thời điểm nào tạo nên sự thay đổi này, nhưng nhìn trong tuyến trình phát triển từ thời vãn Minh, sự xuất hiện của ba vị cao tăng trong niên hiệu Vạn Lịch, chắc chắn là điểm phân nhánh trong sự phát triển của Phật giáo thời này. Nếu xét trong những tài liệu hiện có, thì hai vị sư Hám Sơn Đức Thanh và Tử Bách Chân Khả đều có rất nhiều kiến giải độc đáo về mộng, sau đây là đoạn viết chọn đối tượng thảo luận là lịch trình công phu trong luận thuyết về mộng của hai vị ấy.

 

III.            “Dùng mộng vào giác” và “nắng xuân chiếu tuyết” : mối quan hệ rất đáng bàn luận về mộng giác giữa Hám Sơn Đức Thanh và Tử Bách Chân Khả:

 

Những câu chữ luận về mộng của Hám Sơn Đức Thanh trong tuyển tập của ông rất nhiều, nhưng lập luận của ông cũng không nhiều bằng hai đoạn đã dẫn ở phần trên. Ông cho rằng: “Tất cả thánh phàm, đều y theo nghiệp lực như huyễn ảo mà được trụ và duy trì, thì việc đi, đến, khởi dậy hay dừng lại, tụ, tán hay ẩn, hiện, không gì là không phải chuyện trong mộng[32]”; “Phật nói sinh tử hay Niết Bàn, đều như cơn mộng hôm qua, nên Phật Tổ cũng là người trong mộng. Một đại tạng kinh, ngàn bảy trăm nguyên tắc, không gì không phải là lời khi tỉnh mộng[33]”, đều xếp cùng những phát ngôn về quan điểm mộng giác nhất thể đã nói trên. Tuy thế,  những điểm đặc sắc trong tư tưởng cá nhân cũng bất ngờ có thể thấy, ví dụ ông nói:

“Tất cả thế gian, mờ ảo như trong mộng. Trong mộng không gì là không có, thì sau khi giác rồi sao có được. Cho nên không giác sao có thể vượt qua cái có, không vượt qua cái có sao có thể lìa khỏi thế gian[34]”. Quan điểm cơ bản của đoạn này cũng kế thừa từ Phật giáo truyền thống, điều này vốn không cần phải bàn nhiều. Nhưng ông lại nói tiếp:

“Cái gọi là xuất thế gian, tức là không lìa khỏi thế gian. Xuất thế, tức là ở ngay tại thế gian mà lìa khỏi thế gian vậy. Kẻ ở ngay tại thế gian mà lìa thế gian, gọi là thánh nhân vậy[35]”.

Ông nhấn mạnh điểm “ở ngay tại thế gian mà lìa thế gian” cũng chính là nhập thế mà xuất thế, không bị lây những thói quen ô nhiễm của thế tục, mà có thể thích ứng với thế gian không chướng ngại, ông đã mạnh mẽ hòa nhập vào cái tâm tình của thế gian mà thể hiện sự vô ngại, đây là bằng chứng một lần nữa cho thấy Phật giáo cuối đời Minh vô cùng mạnh mẽ trong việc quan tâm đến hiện thực thế gian. Cái khuynh hướng cho rằng sinh mạng nằm ở “ngay tại thế gian mà lìa thế gian” này của ông cũng phản ánh trong chủ trương của ông đối với mộng. Những pháp ngữ về mộng đã trở thành tiêu chuẩn xử thế, ứng thế của ngài Hám Sơn Đức Thanh. Ngài nói:

“Giả dụ như Phật Tổ, ngài đưa ra một lời pháp rằng chư pháp như mộng, đó là con đường quan trọng để xuất thế gian. Nhưng kẻ trí và ngu trong đời, đa phần họ đều có thể nói đời người như mộng thôi, lời đó của họ tuy giống như thế, nhưng ý nghĩa thì không phải thế. Thực ra chưa từng có kẻ nào chân thật dùng mắt mà nhìn thấu được đời người như mộng cả. Nếu quả là có nhìn thấu được, thì tự nhiên có thể khoát tay bỏ đi không màng đến tất cả những mấu chốt quan trọng trong đời như: vinh nhục, lợi hại, được mất, thị phi. Liệu có kẻ nào dám động chạm đến cái đỉnh đó chăng? Kỳ thực trong đó chẳng có gì quá huyền diệu, thậm chí là bước sơ khởi nhất, không gì không là ở chỗ đó. Ta trong việc xử thế, đầu tiên phải đem chuyện trong mộng thử bày trước mắt, quan sát kỹ càng, nhất định phải nhìn rõ từng thứ một, bất giác phát hiện ra một chỗ buồn cười lớn, đến đây thì đột nhiên giác ngộ câu thoại đầu bình thường hay nói là như mộng đó hoàn toàn khác xa. Tức đem cùng một chỗ, cùng một niệm chuyển mà đem cái cảnh giới được bày ra trước mắt theo trong mộng để quan sát thật kỹ lưỡng, nhìn cho đến khi hôn trầm điên đảo, bỗng dưng mạnh mẽ giác ngộ, như thế là quay lại quán xét cả một đời, quay trở về tất cả mọi cảnh giới đã trải qua, tỉ mỉ chân thật để cầu chúng, sáng suốt đến nỗi không thể đạt tới, cái chỗ sáng suốt không đạt tới được ấy chính là cánh cửa đầu tiên để lìa sanh tử của chư Phật và các Tổ sư vậy[36]”.

Ở đoạn này thuyết minh tường tận hành trình công phu từ mộng đến giác, nói một cách đơn giản là: chính do đem tất thảy mọi thứ xem như huyễn ảo, do vậy tâm không bị ngăn ngại, do không bị ngăn ngại nên không sợ hãi. Trong đoạn này, mục đích nhìn tất cả việc đời như mộng nằm ở việc có thể cự tuyệt, bài xích mọi ảnh hưởng của “vinh nhục, lợi hại, được mất, thị phi”, xa hơn nữa là khi “xử thế”, “không ai có thể chạm đến được cái đỉnh đó”. Trọng điểm nằm ở việc quán chiếu thấu suốt mộng, thành tựu thái độ sống “ở ngay tại thế gian mà lìa xuất thế gian”. Do vậy, mộng trở thành cái đài cao triển vọng của những cảnh huống trong sinh mạng, những chuyện yêu, hận phù phiếm trong đời người ấy đều như khói tan đi, bởi vì hư huyễn nên mọi chấp trước đều có thể buông bỏ, đó chính là nói chỗ “sáng suốt không đạt tới được”. Tính chất đặc biệt này của mộng đã trở thành một thể khế hợp với chân lý, thậm chí có thể đối mặt với vô vàn sức mạnh tích cực trong những hoàn cảnh khác nhau của sinh mệnh (rất có mùi vị của môn tâm lý trị liệu[37]). Có thể nói đây là điểm đặc sắc lớn nhất trong lý luận về mộng của ngài Hám Sơn Đức Thanh.

Cho dù Hám Sơn Đức Thanh có chú tâm quán sát mộng một cách thận trọng, tỉ mỉ thế nào, thì mục đích của ông vẫn nằm ở hành động lúc thể khế hợp giác chiếu, do vậy mà ông tuy luận về mộng, dụng ý mà ông muốn đào sâu cũng chỉ ở giác. Hám Sơn Đức Thanh trong bài văn Mộng giác minh đã có miêu tả rõ ràng về quan hệ mộng giác. Ông viết:

      “Thiện ác không có đầu mối, một tâm niệm quay lại; phàm thánh không ngăn cách chỉ có ở mộng giác. Dùng giác để vào mộng thì điên đảo càng nặng; dùng mộng để vào giác thì ngay tại đó giải thoát. Mộng giác đều không, tịch tĩnh do đây mà linh ứng biết được; không sanh không diệt, còn suy còn nghĩ gì nữa…. Sanh tử đến đi là giấc mộng lớn tăm tối; nhưng theo nghiệp mà chuyển, nếu không có sanh. Có sanh mà không chấp thì phải theo mộng giác; lấy con mắt tỉnh táo nhìn thì không có dây nhợ nào tự bó buộc. Niệm niệm hồi quang, tâm tâm phản chiếu; nhưng không theo tình, đó gọi là cảnh giới diệu kỳ[38].”

“Phàm thánh không ngăn cách” mới gọi là chúng sanh bình đẳng, thiện ác vốn không hề có một hình dạng, tính chất và nội hàm bất biến cố định nào cả, nhưng nếu không thể thấu rõ tột cùng quan hệ mộng giác, do si mê mà dẫn đến muôn vàn ác nghiệp càng sanh. “Dùng giác vào mộng, điên đảo càng nặng” gọi là nắm cái hư giả để làm nên cái thực, xét trong quan điểm nhà Phật, chuyện đời vốn là hư vọng, nhưng người đời cứ nhận là thật, nên mới có vô vàn điên đảo, sai lầm, hoang đường. Nếu có thể đem thế sự đều nhìn thấy như mộng huyễn thì tất cả mọi vô minh tăm tối mới theo đó mà bị phá trừ, “mộng” ở đây mới đại biểu cho đặc trưng “sáng suốt không đạt tới được” trong khế hợp thể của mộng được. Vế cuối câu “giấc mộng lớn tăm tối” là trở về quan điểm Phật giáo truyền thống, dùng để thí dụ cho sự vô thường và huyễn hóa của đời người.

Mộng luận của ngài Tử Bách Chân Khả tuy không mang tính xã hội cao như ngài Hám Sơn Đức Thanh nhưng tinh tế hơn. Tử Bách Chân Khả luận mộng tuy rằng cũng có lặp lại hàm ý sinh mạng hư huyễn và mộng giác nhất thể quán đã nói ở trên, có điều, ông đối với mộng xem như vật, nhận thức khá khách quan. Chẳng hạn, ông nói như thế này khi tiếp cận nguyên nhân hình thành mộng:

“Có mộng lớn rồi sau mới có đại giác, phàm đã giác tỉnh thì không ngủ, không ngủ thì không mộng, mà mắt chúng sanh ngủ ở sắc, tai ngủ ở âm thanh, mũi ngủ ở mùi thơm thối, lưỡi ngủ ở vị, thân ngủ ở việc xúc chạm, ý ngủ ở pháp trần, một khi ngủ là vĩnh viễn ngủ, trải kiếp dài vẫn không giác tỉnh. Căn và trần[39] đối nghịch nhau như thế, thức[40] thì lay động bên trong, mở mắt nhắm mắt, tuy có tỉnh ngủ, nhưng thật ra đều là ngủ cả. Duy chỉ có người đạt tới giác mới từ các trần mà phát hiện ra, do căn có tướng, tri vốn vô tri, tướng vốn vô tướng, cho nên biết căn và trần đối nghịch như thế, chẳng đợi quán không mà tự nhiên đã được tiêu diệt. Bởi thế mới nói: “Tâm điên loạn mau chóng dừng lại chính là bồ đề”. Bồ đề ở đây là chỉ giác vậy. Ô hô! Vốn cùng là một gốc sáng suốt, mà chia thành sáu thứ hòa hợp, tích lũy chấp trước cho đến khi kiên cố, mà mỗi thứ đều không biết hóa giải, lấy ngủ để làm giác ngộ, lấy khổ để làm vui, điên đảo mộng tưởng, sơ suất không kêu lên nổi tiếng sấm đại giác, thì kẻ ngủ mê cuối cùng cũng không giác tỉnh vậy.[41]

Đoạn này chú ý đến mộng là do bởi “căn - trần đối kháng, thức dao động ở trong”, mộng cố nhiên không phải là ở cảnh giới bên ngoài thật có, nhưng người trí từ trong đó thể hội và quán sát được đây là do tác dụng của ý thức khi giác quan và cảnh bên ngoài tiếp xúc với nhau, không câu nệ, không chấp trước, lấy sự thành tựu này có thể khế ngộ với thực tướng của sinh mệnh. “Mở mắt nhắm mắt, tuy có tỉnh ngủ, nhưng thật ra đều là ngủ”, câu nói này kỳ thực đã đem sự tuần hoàn qua lại giữa “tỉnh/ngủ” buộc lại với nhau, xem như quá trình chỉnh thể của sinh mệnh, cũng chính là nói: không có sinh mệnh giác tỉnh, thực ra không hề khác với việc hôn trầm mà ngủ. Chỉ có ở trong trạng thái, tình huống thấu triệt và phi thường thì sinh mệnh mới có khả năng tỉnh giác triệt để.

Nói về việc dùng cả hai phạm trù mộng và giác để luận bàn sanh tử thì nguồn gốc đã có từ lâu, trong sách Trang Tử đã thấy dùng[42], trong truyền thống thiền học cũng không thiếu những người bàn về vấn đề này, nay Tử Bách nói mộng giác với chức năng làm thí dụ đương nhiên rõ ràng là dễ thấy. Chẳng qua, Tử Bách Chân Khả không xem mộng và giác như hai đầu ngăn cách mà ý thức đến vô vàn sợi dây liên kết giữa chúng, nên có khi chưa chắc có thể phân chia ranh giới rõ ràng. Khi các đại sư thời vãn Minh luận về mộng giác, chỉ có mỗi mình ngài Tử Bách Chân Khả mới có thể có được sự thể hội riêng đối với vấn đề này, ngài nói:

“Quay về quán sát giấc mộng tướng vật ngã lay động, ví như khi tỉnh thì cười mộng điên đảo, dù mộng sâu, nhưng tập khí còn sót từ nhiếu kiếp chưa thể trừ ngay được. Xem sở ngộ của ta là không nương dựa, không vật, không ngã, như hư không mà linh nghiệm, việc trị mộng, trừ tập khí ví như ánh nắng xuân chiếu vào tuyết tàn, tuyết sao có thể còn đọng lâu được?[43]

Ở đây dùng hình ảnh nắng xuân và tuyết tàn để dụ cho quan hệ tập khí sót lại giữa giác và mộng, không khỏi khiến người ta liên tưởng đến lời pháp “Lý thì đốn ngộ, nhân nhờ ngộ mà nhất loạt tiêu trừ. Mọi sự sở dĩ không có đốn trừ là do đã hết phân thứ tự[44]” trong kinh Lăng Nghiêm. “Không nương dựa, không vật, không ngã, như hư không mà linh nghiệm” tức là cảnh giới “sáng suốt không đạt tới được” đã nói ở trước. “Tập khí còn sót lại” là chỉ những thói quen còn lại sau khi đoạn trừ phiền não, còn gọi là “tàn tập, dư khí, tập khí”. Hàng nhị thừa không thể đoạn trừ tập khí còn sót lại, chỉ có Phật mới có thể cắt đứt. Nói cách khác, ngài Tử Bách Chân Khả mới là người từ giữ lấy cảnh huống giằng co chân thật trong quá trình từ mê ám hướng đến tỉnh ngộ để dùng đó luận về mộng giác. Tuy rằng mùa xuân thì ấm áp, nhưng sự tay chảy của tuyết trong ánh nắng lại là một quá trình tàn khốc không dễ quay đầu lại được. Giác tỉnh về căn bản tuy là một lịch trình ấm áp tiến đến ánh sáng, nhưng cái mầm của kiếp sống mới nhất định là cùng lúc đi theo với cái chết của kiếp sống cũ. Cũng như nắng xuân chiếu vào tuyết, như sự tan chảy đi hết những tập khí dư thừa của cơn mộng sâu mới chính là chỗ không ai có thể đạt tới được, từ mê muội đến giác tỉnh, cũng không phải do tính toán mà có thể đạt được. Ngài lại nói:

“Lúc mơ thì ngộ, lúc tỉnh thì mê, đường phàm và thánh ngăn chia, xét cùng nguồn gốc của việc đó, chẳng qua là do chưa đạt tới bản nguyên, cho nên nói đạt được gốc thì quên tình, biết tâm thể hợp nhất, ngay đây mà quán sát. Tình chẳng đợi quên mà đã tự quên rồi. Nếu thể chưa hợp, cũng chẳng cần cầu cho hợp, thế nào gọi là thể hợp? Chính là vô tư mà khế hợp vậy. Nếu được như vậy, tri tâm tức là đạt gốc, đạt gốc tức là tri tâm, rõ ràng là thế. Cho nên kẻ đạt gốc tri tâm, tuy cũng loạn trong cảnh mộng cùng với chúng sanh, nhưng kẻ ấy đã đạt cảnh vô tình, biết tâm không có gì ở ngoài nó, càng mộng thì càng giác, đến ngày nào đó duyên mộng bị cắt đứt mạnh mẽ thì hình tướng của giác cũng là không.[45]

Trong đoạn văn này, “quên tình” đồng nghĩa với “giác”, “lấy tình để quên tình” là chỉ cho việc cố ý không tự nhiên. “Tình chẳng đợi quên mà đã tự quên rồi” tức là nói “khởi niệm tức giả dối”. Trong đoạn này, tâm chính là mấu chốt thể hội khế hợp với chân lý, việc thể hội chứng minh đối với tâm trở thành con đường duy nhất của chân lý, “tình” là cơn mộng huyễn ảo trôi qua mắt, thông qua sự khởi diệt của ảo mộng, tiến tới hoặc lặp lại không ngừng, sau đó bạo phát ngay thời khắc lặp lại đó, giống như sóng lớn qua rồi thì trời trong muôn dặm. Như đã nói ở trước, đoạn văn này vẫn mang đậm màu sắc “lý luận đốn ngộ tiệm tu”[46], càng đáng chú ý là: “tình” ở đây đã đồng với những cảnh tượng của quá trình trong mộng rồi, tình mê huyễn mộng trở thành sự gặp gỡ không thể tránh khỏi trước khi tỉnh ngộ, ngài Triệt Dung Chu Lý cũng nói: “chỗ cảm của tình thì tương hợp với mộng[47]”. Thời vãn Minh, quan điểm về tình với mộng dần dần trở thành một sợi dây liên hệ chặt chẽ không thể chia cắt, cùng với trào lưu văn nghệ và tác phẩm văn học đã tạo nên một thứ thanh âm hài hòa phong phú[48].

(Còn tiếp)

CHÚ THÍCH



[1] (Lời người dịch) Nhà nghiên cứu Liêu Triệu Hanh: là tiến sĩ nghiên cứu của khoa Xã hội nhân văn, thuộc đại học Đông Kinh, Nhật Bản, hiện nay là chuyên viên nghiên cứu kiêm quản lý mới nhậm chức của thư viện Viện Nghiên cứu Văn Triết Trung Quốc, trực thuộc Viện Ngiên cứu trung ương Đài Loan tại Đài Bắc. Ông là chuyên gia nghiên cứu về văn học Phật giáo đời Minh, Thanh, trong đó thơ thiền là một trong những đối tượng nghiên cứu chính. Ngoài ra, học giả Liêu Triệu Hanh còn hướng nghiên cứu sang thơ thiền và văn học Phật giáo của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Á. Ông có các trước tác như: Mộc Yêm thiền sư thi ca trung đích Nhật Bản đồ tượng; Huệ Hồng giác phạm tại Minh đại- Tống đại thiền học tại vãn Minh đích thư tả, diễn dị dữ phản hưởng, v…v… và rất nhiều bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học cũng như sách nghiên cứu trong và ngoài Đài Loan.

 

[2] (Lời người dịch) Tòng lâm: chỉ những chùa chiền lớn, tự viện. Đây cũng chỉ giới tăng sĩ thời cuối đời nhà Minh.

 

[3] Triệt Dung Chu Lý: lúc nhỏ hiệu là Triệt Dung, họ ngoài đời là Đỗ, người ở Vân Nam. Ngài sanh vào năm thứ 18 niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, năm 11 tuổi ngài vào đến chùa Đại Học ở núi Kê Túc lễ bái ngài Thiên Chu làm sư phụ, sau đến Diêu Thành tham học với ngài Mật Tạng đại sư, ở tại núi Diệu Phong. Ngài mất năm thứ 3 niên hiệu Thuận Trị đời Thanh, thọ 56 tuổi. Về cuộc đời ngài có thể xem trong sách Điền Thích ký, quyển 2, Tòng thư tập thành tục biên, Đài Bắc, Tân Văn Phong xuất bản công ty, 1989, tập 252, trang 32-33 do Thích Viên Đỉnh đời Thanh biên soạn.

 

[4] Hám Sơn Đức Thanh: người ở Toàn Tiêu, sinh vào năm thứ 24 niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh. Năm 12 tuổi, ngài đến chùa Báo Ân ở Nam Kinh, theo ngài Tây Lâm Vĩnh Ninh (1483-1565) xuất gia, năm 19 tuổi ngài cạo tóc thọ cụ túc giới (là giới luật thành tăng hoặc ni trong nhà Phật), ngài có mối quan hệ bạn bè sâu sắc với ngài Tuyết Lãng Hồng Ân (1545-1607). Năm 26 tuổi ngài rời khỏi chùa đi ngao du qua phương Bắc, năm 30 tuổi ngộ đạo ở núi Ngũ Đài. Ngoài 50 tuổi, ngài bị vu khống và bị bắt vào ngục, rồi bị đày thả ra ở Lĩnh Nam, làm cuộc đại chấn hưng về giáo hóa ở Tào Khê. Ngài viên tịch năm thứ 2 niên hiệu Thiên Khải, tuổi đời thọ 78, tuổi tăng được 60 năm.

 

[5] Tử Bách Chân Khả: pháp danh là Đạt Quán, người Giang Tô, sinh vào năm thứ 21 niên hiệu Gia Tĩnh. Năm 17 tuổi, ngài theo sư Minh Giác Quy Hổ Khưu xuất gia, năm 20 tuổi thọ cụ túc giới, ngài bước chân giong ruổi từng trải cùng khắp bốn phương. Năm Vạn Lịch thứ 7, ngài cùng với nhóm các ông Lục Quang Tổ phát đại nguyện khắc Đại tạng kinh, bên cạnh đó cố gắng hết sức khôi phục các chùa chiền. Năm 14 tuổi, ngài kết mối tri giao với ngài Hám Sơn Đức Thanh. Năm 31 tuổi, do vì bị liên lụy trong công văn yêu mị, ngài ngồi mà thoát hóa trong ngục, tuổi đời thọ 61, tuổi tăng được 41 năm. Ngài Tử Bách có địa vị cực cao trong giới Phật giáo thời cuối Minh, ngài và Lý Trác Ngô cùng được tôn xưng là hai vị đại giáo chủ, người đời sau xếp ngài trong nhóm bốn vị đại sư thời cuối Minh cùng với Hám Sơn Đức Thanh, Vân Thê Châu Hoằng và Ngẫu Ích Trí Húc.

 

[6] Luận về mộng của Ấn Độ, có thể xem trong O’Flaherty, Dream, Illusion, and Other Realities, ed., Wendy Doniger (Chicago: University of Chicago Press, 1984); Anthony C. Yu, Rereading the Stone: Desire and the marking of Fiction in Dream of the Red Chamber (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1997); Lý Thích Học Trung dịch: Trùng độc “Thạch đầu ký”: Tình dục và hư cấu trong “Hồng lâu mộng”, Đài Bắc, Mạch Điền xuất bản, 2004, trang 201-216; Hà Hợp Chuẩn Hùng: “明惠 --- 夢を生 きる”, trang 24-30.

 

[7] Trong kinh Kim Cang có bài kệ : “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp, nên quán sát như vậy”, bài kệ này được gọi là kệ Lục như. (Trích trong Đại Tạng kinh, Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật kinh, Cưu Ma La Thập dịch, Đài Bắc, Tân Văn Phong xuất bản công ty, 1983, cuốn số 8, trang 7526.

 

[8] (Lời người dịch) Duy thức tông: là một trong những tông phái của Phật giáo Đại thừa, còn gọi là Duy tâm tông, Pháp tướng tông hay Thức tông, Thức học (tên Ấn Độ là Du Già hành tông), do hai đại sư người Ấn Độ là Vô Trước và Thế Thân sáng lập vào thế kỷ thứ 4 công nguyên. Quan điểm chính của phái này là rõ chân lý về vạn pháp thuộc các thức. Chúng sanh có 8 loại ý thức, trong đó loại thứ 8 là A Lại Gia thức chứa đựng tất cả thông tin, mầm mống (chủng tử), chúng sản sinh ra các hiện tượng tâm thức. Duy thức tông quan niệm các pháp trên thế gian đều từ tâm thức mà hiện, vì tất cả pháp đều không rời khỏi tâm thức, nên gọi là duy thức. Xem thêm trong: CBETA-Trung Hoa điện tử Phật điển hiệp hội (Từ điển Phật học điện tử), Đài Bắc, website: http//www.cbeta.org, phần: Hoa Nghiêm kinh nội chương môn đẳng tạp khổng mục chương, quyển 1, T45, No.1870.

 

[9] Xem bản của Thế Thân Tạo, Huyền Trang dịch (Đường), Duy thức thập nhị luận, Đại tạng kinh, tập 31, trang 76b.

 

[10] (Lời người dịch) Biến kế sở chấp tính: là một trong ba tự tính của Duy thức tông. Duy thức tông chia vũ trụ vạn vật làm ba loại tính chất là: Biến kế sở chấp tính; Y tha khởi tính; Viên thành thực tính. Biến kế qua tất cả pháp, sau đó mê chấp điên đảo, chấp có hoặc chấp không, đó gọi là Biến kế sở chấp tính. Vạn pháp đều không có tự tính, nên không thể đơn độc sanh khởi, phải dựa vào các duyên đầu đủ mới có thể sanh, đó gọi là Y tha khởi tính. Bản thể của các pháp gọi là Pháp tính, cũng gọi là Chân như, rõ ràng là thường trụ, đầy khắp mười phương, là tính đầy đủ viên mãn chân thật, gọi là Viên thành thực tính. Trong đó biến kế là vọng hữu, y tha là giả hữu, viên thành là thực hữu. (trích dịch từ Phật học từ điển thường kiến từ vựng, Trần Nghĩa Hiếu cư sĩ biên soạn, Đài Bắc, 2005, trang 61).

 

[11] Vạn Tùng lão nhân (Nguyên) bình xướng: Thủ sơn tam cú, bình xướng, Tòng Dung lục, Đài Bắc: Quảng Văn thư cục, 1971, quyển hạ, trang 34a.

 

[12] Vân Thê Châu Hoằng, tự là Phật Huệ, biệt hiệu là Liên Trì, người ở Cổ Hàng (Hàng Châu), xứ Nhân Hòa. Ngài sinh vào năm 14 niên hiệu Gia Tĩnh, năm 31 tuổi mẹ mất ngài xuất gia, theo hòa thượng Tánh Thiên, sau đó đi nhiều nơi, vào kinh đô tham kiến hai vị đại sư là Biến Dung Chân Viên và Tiếu Nham Đức Bảo. Năm Trùng Khánh thứ 5, ngài 37 tuổi, kết am tu ở Vân Thê, Hàng Châu, phát triển nơi đó thành xã niệm Phật lớn nhất cuối đời Minh, dùng pháp môn Tịnh độ để rộng độ chúng sanh, cùng với các ông Đổng Kỳ Xương, anh em Viên Trung lang và các danh nhân cư sĩ thường đến đó. Ngài viên tịch năm Vạn Lịch 43, thọ 81 tuổi, tăng lạp được 50 tuổi. Ngài được tôn xưng là vị tổ thứ 8 trong số 13 vị tổ sư của Tịnh độ tông (còn gọi là Liên tông) Trung Hoa.

 

[13] Xem Vân Thê Châu Hoằng (Minh): Vân Thê pháp vựng, Trúc Song tam bút, Thế mộng, Gia Hưng tạng, Đài Bắc: Tân Văn Phong xuất bản công ty, 1987, tập 33, trang 70c.

 

[14] Về điểm này, xin xem rõ trong Hoang Mộc Kiến Ngộ: “中國佛教と親鸞”, “中國心學の鼓動と佛教”,Phúc Cương, Trung Quốc thư điếm, 1995, trang 291-329; bài dịch:  Trung Quốc Phật giáo cơ sở tính cách đích diễn biến, Cổ kim luận hành, Liêu Triệu Hanh dịch, kỳ số 10, trang 88-100, tháng 12 năm 2003.

 

[15] Có thể tham khảo đoạn này trong Kinh Viên giác, kinh chép: “Này thiện nam, cái vô minh này không có thật thể. Như người trong mộng, khi mộng chẳng phải không có (cảnh vật) và đến khi thức dậy rõ ràng (cảnh vật) chẳng có. Như hoa đốm diệt trong hư không, không thể nói có chỗ diệt cố định. Vì cớ sao? Vì không có chỗ sanh. Tất cả chúng sanh ở trong vô sanh mà vọng thấy có sanh diệt, nên nói luân chuyển sanh tử.”(Thích Thanh Từ , Kinh Viên giác giảng giải, chương 1: Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thưa hỏi; đoạn dịch thứ 7, http://www.thuong-chieu.org/uni/KinhSachThiKe/Kinh/KinhVienGiac/TRANG_CHINH.htm  )

Xem bản gốc đoạn kinh này trong Đại phương quảng viên giác Tu Đa La liễu nghĩa kinh, Đại tạng kinh, Phật Đà Đa La (Đường) dịch, tập 17, trang 913b-c.

 

[16]Hám Sơn Đức Thanh (Minh): Đáp Viên Thương Nhụ sử quân, Hám Sơn Đại sư mộng du toàn tập, quyển 18, Vạn tục tạng, Đài Bắc: Tân Văn Phong xuất bản công ty, 1983, tập 127, trang 472.

 

[17] (Lời người dịch) Phái Hoa Nghiêm (Hoa Nghiêm tông): là một trong những tông phái của Phật giáo Đại thừa, được sáng lập bởi hòa thượng Đỗ Thuận đời Đường ở Trung Quốc, sau có ngài quốc sư Hiền Thủ xiển dương thêm nên còn gọi là Hiền Thủ tông. Tông này lý luận tất cả vạn pháp lý sự đều vô ngại, mọi sự đều không ngăn ngại, tất cả mọi sự vật hiện tượng đều tương thông đan nhập vào nhau, phụ thuộc lẫn nhau và không có pháp nào tồn tại độc lập. Người tu theo tông này phải lấy con mắt bình đẳng một cách cao độ để thể hội và quán sát vạn sự vạn vật theo lý này. Tu được như vậy thì chứng nhập và Nhất chân pháp giới tức là trí tuệ của Phật. Phái Hoa Nghiêm được truyền sang Nhật và đóng vai trò quan trọng trong nền triết lý Phật giáo tại đây. (Xem thêm trong Trần Nghĩa Hiếu cư sĩ biên soạn: Phật học thường kiến từ vựng, Đại thừa tinh xá ấn kinh hội, Đài Bắc, trang 269). Hoa Nghiêm nghĩa học chỉ việc học tập nghiên cứu ý nghĩa sâu xa trong kinh Hoa Nghiêm.

 

[18](Lời người dịch) Giáo pháp Tánh Tướng: ở đây chỉ Duy thức tông. Đây là tên gọi khác của Duy thức tông, còn gọi là Pháp tướng tông. Tông này mục đích làm sáng tỏ tận cùng tánh tướng của vạn pháp, theo lý luận của duy thức nên còn gọi là Duy thức tông.

 

[19] Nghiên cứu tư tưởng Hám Sơn Đức Thanh, xem trong Hoang Mộc Kiến Ngộ: “憨山德清の生涯と思想”,陽明學の開展と佛教,Đông Kinh, Nghiên Văn xuất bản, 1984, trang 135-173.                 

 

[20] Đương nhiên nói như vậy hoàn toàn không có ý chia “mộng (tối)/ giác (sáng)”, quan điểm như thế đã hoàn toàn bị xóa bỏ, chẳng hạn như ngài Ngẫu Ích Trí Húc trong đoạn này về cơ bản vẫn kế thừa quan điểm truyền thống, ngài nói: “Phật đoạn dứt vô minh, như từ mộng giác. Đã tự mình giác rồi, còn có thể giác ngộ cho người khác, giác ngộ tất cả pháp, không pháp nào không tường tận, nên mới gọi là Phật. Lại nữa tâm ở trong mộng thì tâm không thể diệt, đây gọi là gốc của giác; theo mộng tỉnh lại, mới biết mộng vốn không, gọi là bắt đầu giác; nếu đã theo mộng tỉnh, duy chỉ có một tâm, càng không có hai tâm, đây gọi là giác cứu cánh. Cái giác tính này, các loài hàm linh vốn đều đã có đầy đủ, không bắt đầu không kết thúc. Ngài Thích Ca Mâu Ni, chẳng qua là đạt được trước bọn chúng ta mà thôi, cho nên hiển bày thành đạo Phật, là thầy của chúng ta.” Xem Ngẫu Ích Trí Húc (Minh): Phật di giáo kinh giải, Gia Hưng tạng, tập 19, trang 629a. Có điều đoạn trích này có câu “Phật chẳng qua là đắc trước chúng ta” mang đầy phong vị thiền.

 

[21] Trạm Nhiên Viên Trừng, là vị tăng thuộc tông Tào Động đời Minh. Người ở Cối Kê, họ là Hạ, hiệu là Tán Mộc đạo nhân, thọ giới với ngài Vân Thê Châu Hoằng, viên tịch vào tháng 12 năm thứ 6 niên hiệu Thiên Khải, thọ 66 tuổi, tuối tu hành được 43 năm. Ngài có mối quan hệ tốt với nhóm Chu Hải Môn, Đào Vọng Linh và những huynh đệ khác, một thời được tôn xưng là vị cao tăng ở Chiết Đông. Về cuộc đời ngài Trạm Nhiên Viên Trừng, có thể đọc thêm trong Trạch Điền Thụy Tuệ: Minh Lý truy lưu khúc gia Tán Mộc Trạm Nhiên thiền sư sự tích, thu thập từ sách:“佛教と中國文學”, Đông Kinh, Quốc thư san hành hội, 1975, trang 101-113; Ngài Trạm Nhiên Viên Trừng có ảnh hưởng rất lớn ở Chiết Đông, việc nghiên cứu tư tưởng thiền của ngài có thể xem trong Hoang Mộc Kiến Ngộ:  “明末の禪僧湛然圓澄にっぃて”, thu thập trong sách Minh đại tư tưởng nghiên cứu, Đông Kinh, Sáng Văn xã, 1978, trang 329-353.

 

[22] Ngài Viên Trừng (Minh) nói, Minh Phàm (Minh) ghi chép, Đinh Nguyên Công, Kỳ Tuấn Giai (Thanh) biên soạn: Cối Kê Vân Môn Trạm Nhiên Trừng thiền sư ngữ lục, quyển 7, Gia Hưng tạng, tập 25, trang 642b-c.

 

[23]Hám Sơn Đức Thanh: Mộng giác minh, Hám Sơn đại sư mộng du toàn tập, quyển 36, trang 743.

 

[24] Tử Bách Chân Khả (Minh): Trường Tùng Nhự Thoái, Hám Sơn Đức Thanh biên soạn: Tử Bách tôn giả toàn tập, quyển 9, Vạn tục tạng, tập 126, trang 783.

 

[25] Hoàng Tỉnh Tăng, tự là Miễn Chi, hiệu là Ngũ Nhạc, người huyện Ngô. Ông sinh vào năm thứ 2 niên hiệu Hoằng Trị, thi hương vào năm Gia Tĩnh thứ 10, theo chân Vương Thủ Nhân, Trạm Nhược Thủy đi khắp đó đây, lại học làm thơ với Lý Mộng Dương, đọc rộng mọi loại sách vở, nghe nhiều học rộng, là người giỏi nhất thời đó. Trước tác của ông có Tây Dương triều cống điển lục, Nghĩ thi ngoại truyện, Khách vấn, Tao uyển, Ngũ Nhạc sơn nhân tập. Ông mất vào năm Gia Tĩnh thứ 18, thọ 51 tuổi.

 

[26] Hoàng Tỉnh Tăng nói: Có mộng trước rồi sau mới có giác; có giác rồi sau mới có mộng. Mộng nếu như chẳng được lập thì sao có thể hiển giác; giác nếu không rõ ràng, thì sao có thể phân biệt đâu là mộng. Đâu là thực đâu là hư, đâu là chân thật đâu là chỗ nương tựa, đâu là đúng đâu là sai, đâu là chung đâu là riêng. Ôi giác mộng đều là che đậy, là nghiêng lệch, là ngụ ý cả thôi. Giác và mộng là một, vĩnh hằng, ở tất cả mọi nơi, chưa từng có giác, cũng chưa từng có mộng vậy.”

 

[27] Vĩnh Giác Nguyên Hiền, họ là Thái, người ở Kiến Dương tỉnh Phúc Kiến. Ông sinh vào năm Vạn Lịch thứ 6 đời nhà Minh, lúc nhỏ tên là Mậu Đức, là nho sinh. Năm 40 tuổi, theo ngài Thọ Xương Vô Minh xuất gia, sau khi ngài Thọ Xương mất, theo ngài Bác Sơn Vô Dị đến ở Bác Sơn, được ba năm ông quay về Phúc Kiến ở tại vùng Song Kế Phong thuộc huyện Sa. Sau khi ngộ đạo ở tuổi 46, ngài ở tại am Kim Tiên ở Âu Ninh, sau lại dời đến ở Cổ Sơn, xiển dương mạnh tông Tào Động ở Bát Mân. Năm 13 niên hiệu Thuận Trị đời Thanh (1657) ngài viên tịch, thọ 80 tuổi. Có thể xem rõ cuộc đời ngài trong sách Phúc Châu Cổ Sơn Bạch Vân Phong Dũng Tuyền thiền tự Vĩnh Giác Huyền Công Đại hòa thượng hành nghiệp điển ký của Lâm Chi Phiên đời Thanh và sách Cổ Sơn Vĩnh Giác lão nhân truyện của Phan Tấn Đài đời Thanh, đều có đủ trong cuốn Cổ Sơn Vĩnh Giác Hòa thượng quảng lục do sư Đạo Bái đời Thanh biên soạn lại, quyển 30, Gia Hưng tạng, tập 27, trang 742a-742b.

 

[28] Vĩnh Giác Nguyên Hiền đời Minh: Mị ngôn (Lời nói trong mộng)-Tự, Cổ Sơn Vĩnh Giác hòa thượng quảng lục, quyển 29, Gia Hưng tạng, tập 27, trang 729b.

 

[29]Từ sau khi Trang Tử đã đưa ra mệnh đề “chí nhân vô mộng” (người đạo đức cao tột không mộng mị), trong lịch sử lâu xa của lý luận về mộng ở Trung Quốc, mộng có hay không khởi đầu và kết thúc là một đề tài tranh luận chưa đưa ra kết luận. Có điều trong thời vãn Minh, thuyết “chí nhân phi vô mộng” (người đạo đức cao tột không ai không có mộng) rõ ràng lại chiếm ưu thế, mà quan điểm này dường như cũng phù hợp với nhận thức về mộng của người thời hiện đại. Về điểm này, có thể xem thêm trong sách Mộng dữ Trung Quốc văn hóa của Lưu Văn Anh , Bắc Kinh, Nhân Dân xuất bản xã, 2003, trang 315~325.

 

[30] Phật giáo Nhật Bản thường dùng mộng để nói vô thường. Xem sách “明惠 --- 夢を生 きる”của Hà Hợp Chuẩn Hùng.

 

[31] Từ đoạn này trở xuống của ngài Nguyên Hiểu có thể nói là phát huy cụ thể “như mộng tam muội”, đáng để tham khảo. Ngài nói: “Tôi và chúng sanh, chỉ ngủ trong giấc mộng dài, lại xét bậy đó là thật, nghịch thuận với lục trần. Hai tướng nam nữ, đều là mộng của tôi, vĩnh viễn không thật. Sao còn nói đến nào là buồn vui, nào là suy nghĩ tính toán, cứ quán xét mộng như vậy, dần dần tu đắc đạt như mộng tam muội . Đạt được tam muội từ việc này thì đắc được vô sanh nhẫn, theo giấc mộng dài, hoát nhiên mà giác ngộ. Đó là biết bản lai mãi mãi không bao giờ thay đổi mất đi.” Xem trong Đại thừa lục tình sám hối, Đại chánh tạng của Thích Nguyên Hiểu đời Đường, tập 45, trang 922b.  

 

[32]Hám Sơn Đức Thanh: Dữ Ngọc Trung Bạch Thái sử, Hám Sơn Đức Thanh mộng du toàn tập, quyển 15, trang 417.

 

[33]Hám Sơn Đức Thanh: Dữ Ngọc Trung Bạch Thái sử, Hám Sơn Đức Thanh mộng du toàn tập, quyển 47, trang 857.

 

[34]Hám Sơn Đức Thanh: Dữ Ngọc Trung Bạch Thái sử, Hám Sơn Đức Thanh mộng du toàn tập, quyển 45, trang 836.

 

[35] Giống như chú thích trên.

 

[36] Hám Sơn Đức Thanh: Đáp Dương Nguyên Nhụ Nguyên Nhung, Hám Sơn Đại sư mộng du toàn tập, quyển 15, trang 428-429.

 

[37] Trong lý luận về mộng chốn tòng lâm vào thời điểm giao thoa giữa đời Minh và Thanh đã có nhận thức đến việc xem mộng là công cụ quan trọng trong kiểm soát hoạt động tâm lý, bài thơ này của vị tôn túc Thiên Nhiên Hàm Thị tông Tào Động ở Lĩnh Nam thời cuối Minh đầu Thanh là ví dụ. Ngài viết: “Thế gian chỉ có mộng, có thể biết lòng ta.Thấy nghe luyện tập mà giác biết, động tĩnh từ lâu không phải thật. Ví như hình bóng trong gương, muôn hình vạn trạng cũng chẳng có gì gần gũi. Nửa đêm lơ lửng nơi đài cao, hình ảnh sao có thể bày ra. Đột nhiên xứng như bó đuốc với mặt trời, bắt đầu từ ánh sáng giác ngộ mà sinh ra bụi trần. Cảnh trong mộng có từ đâu, chỉ là người nằm trên giường. Giác biết không bằng mưu tính, chỉ một hơi thở đã thành xưa nay. Một tấc lòng há có vào ra, mở hay đóng ai là nguyên nhân. Lên cao mà thâu hết tám phương, tản ra xa tít mà xa khỏi cổ áo. Những điều trông thấy đều là bên ngoài thân người, núi cao biển rộng lay động mặt trời, mặt trăng và tinh tú. Cứ dong ruổi con mắt mà không thể quay ngược lại nhìn, thế thì sao biết ta có thân.” Xem trong: Mộng, Hạt Đường thi tập, quyển 5, Tứ khố cấm hủy thư tùng san – Tập bộ, Bắc Kinh, Bắc Kinh xuất bản xã, 2000, tập 116, trang 11a.

 

[38] Hám Sơn Đức Thanh: Mộng giác minh, Hám Sơn đại sư mộng du toàn tập, quyển 36, trang 743.

 

[39] (Lời người dịch) Căn và trần: theo quan điểm nhà Phật, Căn chỉ sáu căn, tức sáu bộ phận trong cơ thể con người là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý;  Trần chỉ sáu trần, tức sáu yếu tố tương tác với sáu căn là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Do căn và trần tương tác với nhau thành ra niệm khởi, người không biết nhiếp giữ các căn thì sẽ luôn sanh phiền não, do sự tác động của sáu trần mà si mê điên đảo, gây tạo nghiệp chướng, đây là nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Người tu hành mà giữ được các căn thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi những yếu tố trần bên ngoài thì được tỉnh giác, tuy trong hoàn cảnh không thể tách khỏi sự xâm nhập của các trần nhưng các căn được điều khiển vững vàng không lay động, không bị ô nhiễm, đây là nguồn an lạc, giải thoát. Có thể xem thêm trong phần Lục căn thuyết, Long Thư tăng quảng tịnh độ văn, quyển 10, T47, No.1970, Trung Hoa điện tử Phật điển hiệp hội, Đài Bắc, website: http//www.cbeta.org.

 

[40] (Lời người dịch) Thức: theo Duy thức học Phật giáo, thức ở đây chỉ 8 loại căn thức của chúng sanh, sáu thức đầu chính là sáu căn thức: thức mắt, thức tai, thức mũi, thức lưỡi, thức thân, thức ý, hai thức sau là Mạt Na thức và A Lại Gia thức.

 

[41] Tử Bách Chân Khả: Pháp ngữ - Thị Giang sinh thụy tinh, Tử Bách tôn giả toàn tập, quyển 7, trang 753.

 

[42] Về điểm này, có thể xem thêm trong Vương Dục: Biện vô thắng phụ luận giáo địch tựa sanh tử hoặc mộng giác bất tương giải ngộ, xếp vào sách của Vương Dục: Lão Trang tư tưởng gia toàn tập, Đài Bắc, Liên Kinh xuất bản sự nghiệp công ty, 1981, trang 229-244. Đại Tân Hạo: “死 の凝視”, thu thập từ trước tác của họ Thị là “莊子の哲學”, Đông Kinh, Kính Thảo thư phòng, 1996, trang 11-64; Kim Cốc Trị:  “死生は命とり” , thu thập từ trước tác của họ Thị là “死と運命”, Đông Kinh, Pháp Tạng quán, 1986, trang 31-55.

 

[43] Tử Bách Chân Khả: Pháp ngữ, Tử Bách tôn giả toàn tập, quyển 7, trang 747.

 

[44] Bát Thích Mật Đế Thích đời Đường: Đại Phật Đảnh Như lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ tát vạn hạnh thủ lăng nghiêm kinh, quyển 10, Đại tạng kinh, tập 19, trang 155a.

 

[45] Tử Bách Chân Khả: Pháp ngữ, Tử Bách tôn giả toàn tập, quyển 6, trang 746.

 

[46] Khuynh nhướng lý luận về tiệm tu và đốn ngộ trong hệ thống tư tưởng đời Minh có thể xem rõ trong Hoang Mộc Kiến Ngộ:  “頓悟と漸修”, “陽明學の位相”, Đông Kinh, Nghiên Văn xuất bản, 1992, trang 108-140.

 

[47] Triệt Dung Chu Lý (Minh): Mộng ngữ trích yếu, quyển hạ, Gia Hưng tạng, tập 25, trang 279b.

 

[48] Xem thêm trong Liêu Đằng Diệp: Trung Quốc mộng hý nghiên cứu.

Thông tin truy cập

63662347
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6065
17595
63662347

Thành viên trực tuyến

Đang có 1089 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website