Văn học dân gian không có bản chính thức duy nhất

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về việc SGK môn Ngữ văn lớp 10 đã thay đổi đoạn kết trong câu chuyện cổ tích quen thuộc Tấm Cám. Xung quanh vấn đề này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS Chu Xuân Diên, nguyên Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Trường ĐH KHXH-NV, người có nhiều năm nghiên cứu văn học dân gian.

* Phóng viên: Ông nhận xét như thế nào xung quanh chuyện tranh cãi về đoạn kết truyện Tấm Cám trong SGK lớp 10?


* PGS CHU XUÂN DIÊN
: Vào khoảng những năm 2002-2003, sinh viên khoa Ngữ văn - Báo chí khi ấy có tổ chức một chuyến sưu tầm thơ văn dân gian ở Bạc Liêu, tôi có đề nghị các em chú ý xem người dân ở đây kể truyện Tấm Cám như thế nào. Kết quả, các em đã ghi nhận 17 lời kể Tấm Cám khác nhau, trong đó riêng đoạn kết cũng có nhiều kiểu.

 

Nhắc đến điều đó để cho thấy, cần ghi nhớ, Tấm Cám là truyện dân gian, mang tính truyền khẩu. Mà đã truyền khẩu thì việc tồn tại những dị bản khác nhau là hết sức bình thường. Bản Tấm Cám dùng trong SGK hiện nay chủ yếu dựa vào bản kể trong “Truyện cổ dân gian các dân tộc Việt Nam” (1961) do nhà văn Vũ Ngọc Phan làm chủ biên. Mà bản này lại có phần giống bản của GS Nguyễn Đổng Chi trong tập 4 bộ “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”.

Thực ra, so với các câu truyện cổ tích khác, Tấm Cám là một tác phẩm tương đối đặc biệt vì trong số các dị bản có một số dị bản có cái kết “khác thường”, cho nhân vật chính có sự thay đổi về tính cách, điều hiếm xảy ra với các câu truyện cổ tích. Chính vì thế, không phải đến bây giờ mới nảy sinh các tranh cãi về đoạn kết Tấm Cám mà đã nhiều lần, giới khoa học đề cập đến vấn đề này trong các công trình nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam.

* Vậy theo PGS, truyện Tấm Cám trong SGK có nên thay đổi đoạn kết hay không và nếu thay đổi thì nên như thế nào mới hợp lý?

* Với trường hợp Tấm Cám, đây là một tác phẩm đặc thù nên khi giảng dạy ở trường học, chỉ cần lựa chọn một dị bản phù hợp với ý nghĩa của truyện là người tốt được hưởng hạnh phúc, kẻ xấu bị trừng phạt là đủ. Phần kết hiện nay nếu cảm thấy nhạy cảm thì hoàn toàn có thể chọn một dị bản có phần kết nhẹ nhàng hơn như một số dị bản cho vua hoặc ông trời là người trừng phạt.

Bên cạnh đó, sách nâng cao, sách dành cho giáo viên có thể mở rộng thêm bằng cách giới thiệu những dị bản khác, nhất là những dị bản có phần kết khác biệt hoàn toàn để học sinh có thể hiểu thêm.

Đừng hiểu nhầm là cứ đưa vào SGK là trở thành tác phẩm chuẩn mực khó thay thế, cần phải chú ý rằng, trong văn học dân gian, không có cái gọi là bản chính thức duy nhất, có thể thay thế cho mọi dị bản, vì thế việc sửa chữa hay thay thế dị bản này bằng dị bản khác cũng không phải là chuyện không thể.

Tuy nhiên, không nhất thiết tác phẩm nào cũng vậy, do Tấm Cám có những dị bản khác nhau hoàn toàn về tính cách nhân vật nên mới cần bổ sung thêm. Còn nhiều truyện dân gian, cổ tích khác, các dị bản chỉ khác nhau một số chi tiết phụ, không quá quan trọng thì ở cấp trường học không cần bổ sung thêm các dị bản khác.

* Từ việc tranh cãi về sửa chữa nội dung truyện cổ tích giảng dạy trong SGK vừa qua, ông có nhận xét gì về việc giảng dạy văn học dân gian trong trường học hiện nay?

* Theo quan điểm của tôi, việc này lẽ ra không có gì đáng phải làm ầm ĩ cả lên nếu hiểu rõ bản chất của truyện cổ tích. Ai cũng biết truyện cổ tích là do trí tưởng tượng của nhân dân tạo nên. Những sự kiện, chi tiết được kể lạ là không có thật, không nên đối chiếu, gán ghép với những sự thật cụ thể trong cuộc đời để phát hiện, đánh giá tính cách nhân vật. Do đó, các sự kiện, nhân vật, tình tiết trong truyện cổ tích nên coi là những hình tượng, có tính biểu trưng, diễn đạt một ý tưởng, thái độ nhất định nào đó.

Như trong Tấm Cám đoạn kết nên hiểu là biểu hiện ý tưởng về cái ác bị trừng phạt chứ không phải là sự trừng phạt kể trong đó là chuyện xảy ra trong đời thực. Thầy cô giáo chỉ cần truyền tải đầy đủ những tư tưởng chính đó cho học sinh là đã thành công. Ở phạm vi trường học, thì nên chú trọng dạy cổ tích theo đúng nghĩa là một truyện cổ tích, không nên quá câu nệ vào những chi tiết rồi biến nó thành những vấn đề phức tạp.

Tất nhiên, trong chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian, có thể tìm hiểu tại sao có tình tiết đó trong cổ tích, tức là tìm hiểu tình tiết đó phản ánh điều gì trong đời sống, lịch sử xã hội và văn hóa của những chi tiết đó. Nhưng đó là chuyện của những cấp học sau này, có những chuyên ngành liên quan đến khoa học về văn hóa dân gian. Sau này, nếu có đam mê, các em học sinh hôm nay có thể tiếp cận, tìm hiểu kỹ hơn. 

TƯỜNG VY (thực hiện)

 

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2011/11/272988/

Thông tin truy cập

60828259
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1981
9068
60828259

Thành viên trực tuyến

Đang có 141 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website