Văn hoá, văn hoá học và văn hoá học so sánh

(Phan Xuân Viện, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 12 (66), THÁNG 7 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Văn hoá hình thành cùng với sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Thế nhưng, đến thế kỷ XIX, khi nhà nhân học nổi tiếng người Anh Edward Burnett Tylor (1832-1917) đưa ra định nghĩa về văn hoá thì văn hóa mới trở thành đối tượng khoa học. Trong suốt thế kỷ XIX và XX, đã xuất hiện nhiều trường phái nghiên cứu văn hoá, với những chủ thuyết và phương pháp nghiên cứu khác nhau. Ngành văn hoá học so sánh ra đời sau này mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, đầy hứa hẹn cho văn hoá học. Bài viết dưới đây trình bày các lý thuyết cơ bản nhất về văn hoá, văn hoá học và văn hoá học so sánh.

CULTURE, CULTURAL STUDIES, AND COMPARATIVE CULTURAL STUDIES

Abstract

            Culture was formed during the formation and development of the human society. However, not until the famous English anthropologist Edward Burnett Tylor (1832-1917) proposed a definition for culture did it became a scientific object. During the nineteenth and twentieth centuries, many trends of researching culture with different theories and methods had emerged. The comparative cultural studies have much potential for researching culture. This article presents essential theories about culture, cultural studies and comparative cultural studies.

 

***

1. Nguồn gốc của văn hóa

Khi bàn về sự tồn tại của con người, trong “Hệ tư tưởng Đức” (1845-1846), Marx và Engels viết: “Chúng tôi buộc phải bắt đầu bằng việc xác định tiền đề đầu tiên của mọi sự tồn tại của con người, do đấy cũng là tiền đề của mọi lịch sử, ấy là người ta phải có khả năng sống đã mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Vậy thì hành vi lịch sử đầu tiên là sự sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn các nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Hơn nữa, đó là một hành vi lịch sử, một điều kiện cơ bản của mọi lịch sử mà (hiện nay cũng như hàng ngàn năm về trước) người ta phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ chỉ cốt để duy trì đời sống con người” [1, tr.49-50]. Việc sản xuất ra của cải vật chất tất yếu cần đến công cụ lao động. Dựa theo khái niệm công cụ lao động để giải thích nguồn gốc văn hóa, con người trong hoạt động lao động đã tách mình ra khỏi thế giới động vật. Lý thuyết về nguồn gốc con người do F.Engels nêu ra trong bài báo Vai trò của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người công bố sau này vào những năm 1873-1876. Bài báo này là một chương trong tác phẩm Phép biện chứng tự nhiên. Phân tích các dữ kiện của nhiều nhà khoa học trước ông nói về nguồn gốc loài người, F.Engels đã đi đến kết luận: “Lao động đã sáng tạo ra con người”. Ông hiểu thuật ngữ lao động là hoạt động hợp lý có mục đích, bắt đầu từ việc chế tác ra những công cụ bằng đá, xương và gỗ.

Theo ý kiến K.Marx và F.Engels thì trong quá trình lao động, ý thức ở con người xuất hiện, và cùng với ý thức là xuất hiện nhu cầu muốn nói điều gì đó với nhau. Thế là, tiếng nói ra đời như là phương tiện giao tiếp trong quá trình cùng nhau hoạt động. Hệ quả của những tiền đề trên đây là rất lớn - quá trình lao động và tiếng nói ra đời. Và hoạt động của con người đã sản sinh ra văn hóa. Như vậy, sự sống còn xuất hiện là động cơ thúc đẩy mọi hoạt động người, và nhu cầu chỉ trở thành hiện thực khi con người hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu thụ các đối tượng thoả mãn nhu cầu. Khi nói người hoạt động sản xuất các đối tượng thỏa mãn nhu cầu, người ta chỉ có thể hiểu đó là sự tổ chức của một xã hội, không bao giờ có thể là sự sản xuất tự phát, tự động của từng cá nhân hay cá thể riêng lẻ, biệt lập, dù đó là xã hội thị tộc nguyên thủy. Hoạt động sản xuất – hoạt động để làm ra các đối tượng thỏa mãn nhu cầu – là xã hội tính. Điều ấy cho thấy dù mỗi cá nhân cảm giác nhu cầu dường như là cái gì thuộc riêng chủ thể cá nhân, kỳ thực, đó là cái phổ thông, cái chung của mọi người, chỉ có thể được thỏa mãn bằng những hoạt động tập thể của cả một xã hội [2, tr.22]. Các nhu cầu xã hội căn bản được chia ra làm sáu loại, đó là những nhu cầu được thấy ở mọi xã hội người, cho dù hình thức biểu thị nội dung của chúng ở thời kỳ này hay không gian nọ có khác nhau: 1. Nhu cầu tái sản sinh loài – lưu truyền huyết thống; 2. Nhu cầu kinh tế; 3. Nhu cầu chính trị; 4. Nhu cầu giáo dục; 5. Nhu cầu niềm tin; 6. Nhu cầu giải trí-tái sáng tạo. Riêng nhu cầu niềm tin là nhu cầu thuộc về tâm linh, nó xác lập tính mục đích chính thống của đời sống xã hội và cá nhân để cá nhân tự điều khiển hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích chung của tập thể và của toàn xã hội đồng thời thấy đời sống của mình là có ý nghĩa. Đó là sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Ở các xã hội nông nghiệp cổ đại, nhu cầu tâm linh chính yếu là niềm tin vào tín ngưỡng, tôn giáo,… Tín ngưỡng là thành tố quan trọng thứ hai được nhắc đến trong định nghĩa về văn hóa của nhà nhân học nổi tiếng người Anh Edward Burnett Tylor (1832-1917) – từ định nghĩa này văn hóa mới trở thành đối tượng khoa học vào thế kỷ XIX, theo nghĩa văn hóa là “Một toàn thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, pháp luật, phong tục và tất thảy những năng lực khác nhau và những tập quán khác mà con người hoạch đắc (acquérir, thu nhận được) với tư cách là thành viên của xã hội”.       

 

             2. Các trường phái nghiên cứu văn hóa

            2.1. Trường phái chức năng luận

Theo trường phái này thì mỗi hiện tượng văn hóa, mỗi hoạt động xã hội có nội dung và chức năng của nó, mỗi xã hội như một cơ thể sống trong đó mọi cơ quan có chức năng riêng, liên quan chặt chẽ với nhau. Đại diện tiêu biểu của trường phái chức năng luận, nhà nhân học người Anh Bronislaw Malinowski cho rằng: “Bất kỳ văn hóa nào trong tiến trình phát triển của nó đều tạo ra một giá trị ổn định, trong đó mỗi bộ phận của chỉnh thể đều thực hiện chức năng của nó” [dẫn theo 6, tr.25]. Cũng theo các nhà chức năng luận, mỗi nền văn minh đều có giá trị, không so cao thấp được. Để hiểu cách thức mà một xã hội hoạt động, người nghiên cứu phải tìm hiểu ảnh hưởng của mỗi phong tục hoặc thực hành đối với một thể chế hoặc một cấu trúc và ảnh hưởng của thể chế, cấu trúc ấy đối với những thể chế, cấu trúc khác. Sự tương thuộc giữa những cấu trúc và thể chế trong một xã hội, cách thức mà trong đó mỗi phong tục và thực hành được tạo lập và phụ thuộc vào tồn tại của những phong tục và thực hành, cấu trúc và thể chế khác. Nghiên cứu chức năng của một thể chế có nghĩa là tìm kiếm vai trò của nó trong tương quan với những thể chế, những thành tố văn hóa khác. Chức năng của một thể chế, cấu trúc là ở sự đóng góp của nó đối với sự liên tục và sống sót của toàn thể. Mỗi nền văn hóa có các giá trị có cách ứng xử khác nhau. Ví dụ như với đa số các tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên, muốn làm tốt chức năng khai thác nông nghiệp, thích nghi với đất nương rẫy nơi đây phải có những thiết chế phù hợp: để chọn đất rừng làm rẫy, người chủ nhà ra đi một mình hay với các thanh viên trong gia đình hay trong buôn làng mình phải tìm chọn những khoảnh đất rừng không phải là rừng già, rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh vì họ cho rằng những khu rừng này là nơi thần linh cư ngụ. Từ viễn tượng chức năng luận, Lowie xử lý các vấn đề mà ông cho là then chốt trong việc hiểu các nền văn hóa nguyên thủy: hôn nhân, gia đình, tài nguyên, tài sản, đẳng cấp xã hội, chính quyền, pháp luật và những hình thức khác nhau của các nhóm họ hàng, anh em, xã hội và chính trị. Qua công trình Không gian văn hóa nguyên thủy, Lowie cho thấy không gian văn hóa của xã hội nguyên thủy là một không gian đa dạng nhiều màu sắc với các đơn vị xã hội luôn vận động trong sự tương tác qua lại với nhau một cách đa chiều. Ông cung cấp cho các nhà nghiên cứu một khung phân tích mẫu mực của lý thuyết chức năng vốn là một lý thuyết quan trọng trong nhân học văn hóa, và một cái nhìn rộng hơn, sâu sắc hơn về những chân trời văn hóa khác.

2.2. Trường phái cấu trúc luận

Levi Strauss, đại biểu của trường phái cấu trúc cho rằng xã hội có một lớp che phủ bên ngoài không nhận thức được, các nhà khoa học phải giải thích được cấu trúc sâu bị che bên trong đó, người nghiên cứu cần vượt qua sự nghiên cứu những hiện tượng bề mặt để thâm nhập logic sâu hơn, khái quát hơn trong hệ thống văn hóa. Ông không tin cách con người sống quyết định cách họ nghĩ như quan điểm của trường phái chức năng. Đúng hơn, cách con người nghĩ quyết định cách họ sống. Theo trường phái này văn hóa do một số mã được lập trình sẵn trong não bộ người quyết định hơn là do các yếu tố bên ngoài. Mặt khác, quan tâm đến việc khảo sát những nền văn hóa đa dạng thì chính các nền văn hóa đa dạng này tiết lộ đặc tính chung của tinh thần nhân loại. Văn hoá là cái gì thay đổi thường xuyên, liên tục, đồng thời có những yếu tố ít biến đổi. Việc xây dựng một cấu trúc văn hoá cần đáp ứng thực tế đó. Có thể vận dụng hai thao tác trí tuệ: liên tưởng và tưởng tượng. Cấu trúc văn hoá vì vậy có hai bậc: Biểu tầng thường xuyên biến đổi, là biến số, yếu tố động của văn hoá; Cơ tầng ít biến đổi, là hằng số, yếu tố tĩnh của văn hoá. Cấu trúc ấy giải thích vì sao văn hoá chỉ biến đổi tiệm tiến chứ không biến đổi ngay tức khắc.

2.3. Trường phái lịch sử-địa lý

Giao lưu và tiếp biến văn hóa (acculturation) là quá trình các cộng đồng tộc người “gặp nhau”, tiếp xúc với nhau trên cơ sở đó “tiếp nhận” những giá trị văn hóa là động lực làm cho nhiều yếu tố văn hóa truyền thống luôn được điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp. Đó là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai nhóm. Giao lưu tiếp biến văn hóa tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng [6]. Mỗi tộc người đều có những nét văn hóa riêng biệt của mình, từ điều kiện như di cư, giao tiếp, trao đổi, sinh sống gần nhau… Các tộc người sẽ có quá trình trao đổi, học hỏi văn hóa lẫn nhau để tiếp thu, trao đổi những sắc thái văn hóa của nhau. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá đã tạo nên những khác biệt cho các cộng đồng tộc người tại các vùng văn hóa. Với lý thuyết về tính đặc thù lịch sử (historical particularision) của văn hóa, F. Boas và A. Kroeber cho rằng: “Văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử, nó gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý cụ thể” [6, tr.24]. Nghiên cứu hai nhóm tộc người Môn-Khmer và Nam Đảo đã thích nghi và ứng phó (hay tận dụng và đối phó) với môi trường canh tác nông nghiệp trồng lúa rẫy và lúa nước của họ như thế nào, cần thiết tìm hiểu các phương thức khai thác hay ứng phó của họ có những thiết chế xã hội nào, cũng như cách thức mà qua quá trình sinh sống và ứng xử với môi trường đất rừng, đất rẫy và đất ruộng của mình, hẳn nhiên giữa họ có sự ảnh hưởng, bị ảnh hưởng hay sự giao lưu văn hóa, sự chấp nhận, biến đổi văn hóa.

2.4. Trường phái văn hóa sinh thái

            Hiện nay, có nhiều quan điểm trong giới khoa học liên quan đến vấn đề sinh thái văn hóa. Việc nhận thức được con người là bộ phận của giới tự nhiên, nằm trong một chỉnh thể thống nhất không tách rời nó phải sống hài hòa với tự nhiên thúc đẩy nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhân học bàn bạc nhiều về sự ảnh hưởng của môi trường đến các thành tố văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần,…trong đời sống con người. Trên thực tế, dù có những tư duy nghiên cứu không giống nhau nhưng khi xét mối quan hệ giữa môi trường và văn hóa, xã hội, các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất quan điểm “điều kiện môi trường nơi tộc người cư trú có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các yếu tố văn hóa đảm bảo đời sống” [9, tr.233]. Có thể cho rằng văn hóa sinh thái nhân văn là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình con người quan hệ, tác động và biến đổi giới tự nhiên nhằm tạo ra những vật phẩm văn hóa để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần và một môi trường sống ngày càng phù hợp hơn, thuận lợi và tốt đẹp hơn. Theo Ngô Đức Thịnh, “sinh sống lâu đời trong một môi trường sinh thái quen thuộc nên mỗi tộc người đã hình thành những kiểu thích ứng với môi trường nhất định, tạo nên những truyền thống sinh hoạt kinh tế, xã hội, văn hóa riêng” [5, tr.33]. Trên thực tế, “sự thích nghi của con người với điều kiện tự nhiên nơi cư trú có thể được thể hiện trong những đặc trưng văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, phong tục tập quán, những khía cạnh tâm lý, cũng có thể có những đặc trưng nhân chủng. Sự thay đổi của những điều kiện tự nhiên, cũng như việc xuất hiện những cảnh quan văn hóa đa dạng cùng với những yếu tố nhân chủng ở mức độ này hay khác gắn liền với tộc người và được thể hiện trong những đặc trưng văn hóa của tộc người” [3, tr.226-227] bởi vậy “cuộc sống người nguyên thủy còn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên thì những dấu ấn của môi trường đến các khía cạnh khác nhau của tộc người lại càng rõ ràng” [3, tr.231]. Thậm chí, cùng một tộc người nhưng “sinh sống trong môi trường khác nhau, trải qua một thời gian nhất định đã hình thành những yếu tố văn hóa khác nhau bởi chính điều kiện tự nhiên quy định hay có sự vay mượn những tộc người sống trong địa bàn đó” [3, tr.228] - dĩ nhiên, khi có sự vay mượn hay ảnh hưởng thì ắt hẳn có vấn đề về giao lưu tiếp biến văn hóa. Theo Nguyễn Văn Huyên, văn hóa sinh thái là toàn bộ những giá trị văn hóa – xã hội được thể hiện trong thái độ đối xử, trong hành vi tác động và cải biến thiên nhiên nhằm tạo ra môi trường sống phù hợp, đáp ứng nhu cầu sống lành mạnh, phát triển và tiến bộ của con người.

Như vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định môi trường có ảnh hưởng đến sự khác biệt văn hóa, vì “mỗi một tộc người đều sinh sống trên một lãnh thổ nhất định. Môi trường địa lý nơi tộc người đó sinh sống trong mối quan hệ qua lại với thiên nhiên đã ghi dấu ấn và tác động sâu sắc đến văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội của chính tộc người đó. Cho nên muốn tìm hiểu những đặc trưng của văn hóa tộc người, ngoài những vấn đề liên quan đến lịch sử tộc người đó, các nhà khoa học cũng dành một sự quan tâm đáng kể đến môi trường, nơi tộc người đó sinh sống” [3, tr.224-225]. Việc “nhận thức đúng đắn mối quan hệ hữu cơ giữa con người và tự nhiên, xác định một cách có ý thức tích cực các hoạt động thực tiễn của con người phù hợp với các quy luật của tự nhiên – đó là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề sinh thái - môi trường, sinh thái – nhân văn” [7, tr.33]. Chính vì vậy con người “cần có năng lực vận dụng đúng đắn các quy luật của tự nhiên vào mọi hoạt động thực tiễn của mình, cũng cần tạo ra một cuộc sống hài hòa, phù hợp với tự nhiên” [7, tr.33]. Và nếu con người biết lợi dụng, cải biến, cải tạo giới tự nhiên trong khuôn khổ, trong ngưỡng duy trì sự tồn tại và phát triển của thế giới tự nhiên thì điều đó sẽ đem lại điều kiện ngày càng tốt hơn cho cuộc sống và sự phát triển xã hội loài người, vừa đảm bảo sự ổn định và cân bằng sinh thái trong tính cộng sinh của nó vừa mới thật sự là hành vi thể hiện trình độ văn hóa sinh thái cao. F.Engels đã lưu ý rằng: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị dân tộc khác, (…), chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác” [dẫn theo 7, tr.33].

3. Văn hóa học so sánh

3.1. Bản sắc văn hóa, sự biến đổi văn hóa, tiếp xúc và giao lưu tiếp biến văn hóa

Bản sắc văn hóa là những yếu tố văn hóa bền vững, có quá trình lâu dài, làm nên nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của cả một dân tộc. Những di sản văn hóa vật chất và tinh thần của một dân tộc được bảo vệ và tôn vinh không chỉ vì lợi ích của dân tộc đó, mà còn vì lợi ích của cả nhân loại. Giữa các nền văn hóa, văn minh khác nhau thường có những mâu thuẫn nhất định. Bản chất của những mâu thuẫn này nằm ở sự khác biệt về quan niệm sống, đạo đức, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... Mỗi dân tộc thường có khuynh hướng bảo vệ nền văn hóa lâu đời của mình, chống lại sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Văn hoá giống như cái cây, bị chặt cành vẫn phát triển, nhưng sẽ chết khi bị chặt gốc. Cái gốc ấy là bản sắc văn hoá dân tộc. Tiếp xúc văn hoá là một quy luật. Tiếp xúc văn hoá khác với giao lưu văn hoá. Giao lưu có thể làm giàu bản sắc văn hoá. Tiếp xúc có thể làm biến đổi cơ cấu văn hoá của một dân tộc. Thí dụ, tiếp xúc văn hoá với Đông Nam Á làm hình thành văn hoá Việt; tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người láng giềng có cùng nguồn cội ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên tạo nên vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên có đặc trưng, bản sắc riêng.

  3.2. Các trường phái và khuynh hướng nghiên cứu văn hóa vùng

            Vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên, chủ yếu bao gồm hai nền văn hóa của hai nhóm ngữ hệ Nam Đảo và Môn Khơme, được xem là đối tượng khảo sát về sự tác động giữa con người với môi trường tự nhiên và giữa con người với nhau trong môi trường không gian văn hóa xã hội Trường Sơn-Tây Nguyên. Qua nghiên cứu vùng văn hóa này sẽ cho ta thấy được các sắc thái văn hoá đa dạng của các cộng đồng người, thấy được sự hình thành, phát triển, biến đổi, giao lưu, tiếp thu, lan toả của văn hoá của hai nhóm tộc người. Điểm qua các trường phái và khuynh hướng nghiên cứu văn hóa vùng trên thế giới có thể dẫn ra các trường phái và khuynh hướng như: tiến hoá luận (évolutionism); lý thuyết khuếch tán văn hóa với các trường phái như: trường phái văn hóa lịch sử Đức-Áo, trường phái “age and area” Bắc Mỹ, trường phái truyền bá văn hóa Anh; lý thuyết vùng văn hóa Bắc Mỹ; lý thuyết khu vực lịch sử-văn hóa; lý thuyết loại hình kinh tế-văn hóa Nga. Lý thuyết sau luôn kế thừa thành tựu và khắc phục những hạn chế của lý thuyết trước. Bản chất tư tưởng văn hoá vùng là sự tương đồng và khác biệt văn hoá. Con người đã có ý niệm về sự tương đồng và khác biệt từ xa xưa, các lý thuyết về vùng văn hoá ra đời nhằm giải thích các hiện tượng tương đồng và khác biệt về văn hóa trong một vùng văn hóa hay ở các vùng văn hóa khác nhau là sự kế thừa, phát triển để dần hoàn thiện hơn [8].

3.3. Các giai đoạn nghiên cứu so sánh văn hóa

Trong khoảng hai thế kỷ XVIII – XIX, ở châu Âu xuất hiện một cao trào khoa học mới  gọi là “chủ nghĩa so sánh”. Và từ năm 1821 về sau, hàng loạt các khoa học như tôn giáo học so sánh, thần thoại học so sánh, chính trị học so sánh, sử học so sánh, triết học so sánh, kinh tế học so sánh, văn hóa học so sánh v.v.. theo chủ nghĩa so sánh lần lượt ra đời, hình thành một cao trào “so sánh”. Sự xuất hiện của các khoa học theo chủ nghĩa so sánh này đã đặt nền móng quan trọng cho văn hóa học so sánh, góp phần thúc đẩy sự hình thành của khoa học này. Là sản phẩm của thời đại lịch sử mới, văn hóa học so sánh là khoa học tiến hành nghiên cứu so sánh tư duy và phương pháp đối với văn hóa của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Nhân vật đại diện cho trường phái văn hóa lịch sử là các nhà tư tưởng người Đức thế kỷ XVIII như Herder Johann Gottfried von, Alexander von Humboldt v.v. Một mặt họ thừa nhận văn hóa thế giới do đa dân tộc sáng tạo nên chứ không phải chỉ có châu Âu mới đóng góp vào sự phát triển của văn hóa thế giới. Mặt khác, trong quan niệm của họ chỗ nào cũng thể hiện quan niệm “dĩ Âu vi trung”, cho rằng những đóng góp của dân tộc Đức đối với thế giới là không gì sánh nổi. Điều này làm cho họ tiến dần đến thuyết “tương đối luận văn hóa” trong nghiên cứu so sánh văn hóa thế giới. Chẳng hạn Herder cho rằng: “Bất kì dân tộc nào mà bên trong nó có tầng lớp tinh anh vững mạnh sẽ giống như mỗi quả cầu đều có một trung tâm dẫn lực”. Ở đây, văn hóa dân tộc bản địa được xem như một chỉnh thể hữu cơ độc lập, nó có tính đối kháng cao. Sự tiếp xúc với văn hóa ngoại lai, văn hóa các dân tộc khác có chăng chỉ là chiều đồng hóa của văn hóa bản địa ấy đối với các nền văn hóa khác, và chỉ có những nền văn hóa đã biến đổi thông qua đồng hóa mới có thể gia nhập vào hạt nhân văn hóa của nền văn hóa bản địa này. Từ nhận định này, có thể nêu lên một phản đề rằng: ở một chừng mực nào đó, trên thế giới không có nền văn hóa của một dân tộc văn minh nào chỉ do hoàn toàn dân tộc đó sáng tạo độc lập. Đừng nói chi là các dân tộc văn minh, ngay cả các thổ dân, văn hóa của họ được hình thành đều phải trải qua quá trình giao lưu tiếp xúc với văn hóa các nhóm tộc người lân cận. Cải thiện văn hóa dân tộc là quy luật cơ bản của tiến bộ văn minh nhân loại. Trong khi các khoa học mang tính chất văn hóa so sánh phát triển nhanh chóng thì chính chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung” lại là một nhân tố gây trở lực. Trong các khoa học này, nhân loại học là một lĩnh vực được nhiều người quan tâm. Ngoài nhân học thể chất, từ nhân học kinh điển của Morgan, Franz Boas, nhân học văn hóa của Malinowski, đến nhân học cấu trúc của Levi-Strauss, nghiên cứu tư duy nguyên thủy của Levy- Bruhl, lý luận nghệ thuật nguyên thủy của Plekhanov..., nhân học đã trở thành khoa học có phạm vi rất rộng. Lĩnh vực gần nhất với nhân học là thần thoại học, bao gồm cả thần thoại học so sánh của Max Müller, phê bình thần thoại…  Ngày nay, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, lý luận cơ bản của văn hoá học so sánh cần thiết có những nghiên cứu tỉ mỉ, những ảnh hưởng quan trọng của một nền văn hoá thế giới hội nhập của nhân loại. Loại nghiên cứu này trước mắt có hai phương diện nền tảng: một là văn hóa học so sánh phải cung cấp công cụ khoa học và lý luận cho nghiên cứu văn hóa đa dân tộc, hai là văn hóa học so sánh cũng phải tiến hành nghiên cứu thực tiễn đối với các nền văn hóa, nghiên cứu hình thái thể hiện văn hóa, đặc điểm chung cũng như quy luật của chúng, sau đó căn cứ vào những điểm tương đồng và dị biệt văn hóa để quan sát các mặt đối lập, xung đột hay hài hòa, dung hợp giữa chúng. Cốt lõi của lý luận này là phá bỏ ranh giới văn hóa để nghiên cứu văn hóa, từ đó có thể hình thành các quan niệm về giao lưu văn hóa và đối thoại văn hóa. Loại nghiên cứu này thực chất coi văn hóa thế giới là một chỉnh thể trong nghiên cứu đòi hỏi ở khoa văn hóa học so sánh những yêu cầu càng cao hơn về hệ thống lý luận. Trong lĩnh vực văn hóa, tính ngoại tại chính là chiếc đòn bẩy mạnh nhất. Một nền văn hóa chỉ có thể thể hiện chính mình đầy đủ và sâu sắc nhất trong mắt của một nền văn hóa khác (dĩ nhiên không phải là toàn bộ, vì cùng lúc lại có nhiều nền văn hóa khác cùng tiếp xúc nên sẽ nhìn thấy và hiểu được nhiều thứ hơn từ các nền văn hóa này)… Trong tình huống hai nền văn hóa gặp gỡ đối thoại như thế, giữa chúng sẽ không dung hợp lẫn nhau, cũng không hòa trộn lẫn nhau, mỗi bên tự duy trì tính thống nhất và tính hoàn chỉnh trong khai phóng (cải cách, mở thoáng) của chính mình, từ đó cả hai cùng phong phú lên hơn.[9]

3.4. Vấn đề phương pháp nghiên cứu liên ngành trong văn hoá học

Sau gần 100 năm kể từ khi văn hóa trở thành đối tượng nghiên cứu riêng biệt của nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, nhiều nhà khoa học đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết về một lối tư duy tổng hợp để khắc phục những bất cập của từng cách tiếp cận riêng biệt trong nghiên cứu văn hóa và họ đã đề xuất về việc hình thành một bộ môn khoa học văn hóa mới mang tính tổng hợp mà đặc trưng của nó là phương pháp tiếp cận liên ngành. Các nhà khoa học đã đặt hy vọng ở một bộ môn khoa học mới, có khả năng nghiên cứu văn hóa một cách toàn diện hơn, sâu sắc và khách quan hơn. Tính tổng hợp và tính liên ngành của văn hóa học được thể hiện trước hết ở cách nhìn tổng thể đối với đối tượng khảo cứu (các sự kiện, hiện tượng và các quá trình văn hóa), thậm chí, ngay cả khi đối tượng ấy chỉ là thành tố của một tổng thể thì nó vẫn là một hiện tượng xã hội tổng thể. Do đối tượng nghiên cứu là một hiện tượng tổng thể, nên muốn hiểu nó một cách toàn diện và sâu sắc (cấu trúc bề mặt và cấu trúc chiều sâu), người ta phải sử dụng những phương pháp nghiên cứu của các chuyên ngành khác nhau trong sự phối trí hợp lí. Do nghiên cứu văn hoá học đòi hỏi quan điểm tổng thểtoàn cục cho nên phương pháp liên ngành là nhằm tiếp cận đối tượng bằng nhiều cách thức, dựa trên cứ liệu của nhiều chuyên ngành. Có ba mức độ liên ngành:

- Dùng phương pháp của một ngành ứng dụng vào các ngành khác. Thí dụ khảo cổ học dùng phương pháp xác định niên đại bằng hàm lượng đồng vị phóng xạ C14 của địa chất học. Ngôn ngữ học dùng hàm lượng từ cơ bản để xác định niên đại chia tách các ngôn ngữ, các ngôn ngữ họ hàng gần và họ hàng xa. Đây là phương pháp sơ đẳng nhất của nghiên cứu liên ngành.

          - Dùng lý thuyết của ngành A áp dụng vào các ngành B, C, D để xem xét hiệu quả. Nếu thấy đúng thì lý thuyết ấy có giá trị phổ biến, có thể tin cậy được. Thí dụ lý thuyết làn sóng của vật lý học: những làn sóng càng gần nơi phát sinh ra lực thì càng mạnh, càng xa thì càng yếu, được áp dụng vào sinh học, từ đó phát hiện rằng các giống cây trồng càng gần trung tâm càng biến đổi nhiều, càng xa trung tâm càng ít biến đổi. Trong ngôn ngữ học, việc áp dụng lý thuyết làn sóng làm hình thành lý thuyết tâm-biên (càng ở ngoại biên, các phương ngữ càng bảo lưu nhiều yếu tố cổ, ví như người Việt ở Paris bảo thủ hơn người Việt ở Hà Nội). 

- Tìm những điểm nổi trội, giao thoa giữa các ngành khoa học. Các ngành khoa học thường có điểm chung nhau, giao thoa với nhau. Thí dụ, tiếp xúc văn hóa giúp phát hiện những dấu ấn, những yếu tố văn hoá nội sinh và ngoại sinh tác động lẫn nhau. Trong văn hóa Việt Nam, các các yếu tố ngoại sinh được Việt Nam hóa, còn các yếu tố nội sinh được hiện đại hóa.

Trong khi Racliffe-Brown – nhà nhân học Anh danh tiếng – không thừa nhận một khoa học chung về văn hóa và cho rằng văn hóa là một khái niệm trừu tượng bởi giá trị và chuẩn mực của một xã hội là không thể quan sát được. Hoặc nhiều nhà nghiên cứu theo quan điểm phản thực chứng luận (anti-positivism) thì lại cho rằng: văn hóa của nhân loại là không đồng nhất và vô cùng đa dạng, giữa chúng không có những quy luật chung, vì thế, văn hóa không thể được nghiên cứu theo thực chứng luận (positivism) (tức không thừa nhận một khoa học chung về văn hóa). Có ý kiến ngược lại, cho rằng, thực ra, trước khi xuất hiện thuật ngữ culturology (văn hóa học) đã có nhiều nhà khoa học, cùng nhiều công trình cụ thể đã thực hiện việc nghiên cứu văn hóa theo quan điểm và phương pháp liên ngành (interdisciplin). Nói cách khác, những người này cho rằng: Văn hóa là một tồn tại khách quan, dù các hình thái của nó rất đa dạng nhưng người ta vẫn có thể trắc đạc nó một cách khoa học và có thể so sánh các biểu thị văn hóa để tìm ra những nét tương đồng, những quy luật chung trên cơ sở tính thống nhất tinh thần của nhân loại. Các công trình đi theo hướng đơn ngành không thể nghiên cứu văn hóa một cách toàn diện và lại càng không thể đảm nhận được những nội dung ngày càng phức tạp mà thời đại đặt ra đối với nghiên cứu văn hóa (hàng loạt những vấn đề như: hình thái, bản sắc, quá trình biến đổi và tích hợp văn hóa, thể chế văn hóa, chính sách văn hóa, tính dân tộc, tính hiện đại trong văn hóa, văn hóa và phát triển…). Tính bức thiết của quan điểm và phương pháp nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu văn hóa và đưa ra cách lý giải cũng như khả năng liên kết các quan điểm và các phương pháp nghiên cứu nhằm góp phần vào việc xây dựng cơ sở khoa học trong quá trình hình thành và phát triển môn văn hóa học. Và chỉ với phương pháp nghiên cứu liên ngành mới cho phép có được những nghiên cứu văn hóa học phản ánh đúng cái đối tượng siêu phức tạp của nó là văn hóa. Trong điều kiện còn hạn chế về tư liệu tra cứu, hiện nay ở Việt nam cần thiết có thể dựa vào những quan điểm tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của một số chuyên ngành tương đối phổ biến như: dân tộc chí, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, xã hội học,… trong đó thuận lợi hơn cả là quan điểm và phương pháp nghiên cứu của ngành nhân học.

3.5. Văn hoá học như là một khoa học liên ngành và hướng tiếp cận nhân học

Với một khoa học liên ngành như văn hóa học, các hiện tượng, sự kiện và quá trình văn hóa cần được khảo cứu toàn diện, chỉnh thể. Bởi lẽ, bằng cách tiếp cận liên ngành, đối tượng nghiên cứu sẽ được phân tích - tổng hợp từ nhiều phương diện, nhiều chiều kích: chiều thời gian (dân tộc chí - ethnography, dân tộc học - ethnology, nhân học - anthropology, phân tâm học - psychoanalysis) và chiều không gian (xã hội học - sociology, tâm lý học xã hội – social psychology); cái bên trong, cái cá thể (tâm lý học, phân tâm học) và cái bên ngoài, cái xã hội (xã hội học, dân tộc học); cái cụ thể, cái đặc thù (dân tộc chí, dân tộc học) và cái trừu tượng, cái khái quát (triết học, nhân học, xã hội học). Trong các hướng tiếp cận trên, đối với hiện tượng văn hóa là tín ngưỡng hồn lúa và so sánh tín ngưỡng hồn lúa trong đời sống văn hóa cổ truyền của hai nhóm tộc người Nam Đảo và Môn Khmer ở Trường Sơn-Tây Nguyên, chúng tôi chọn hướng tiếp cận dân tộc chí-dân tộc học-nhân học. Qua tìm hiểu những nét căn bản về hướng tiếp cận này, có thể thấy rằng sẽ không có nhân học hiện đại nếu không có những tiền đề dân tộc chí, dân tộc học. Đối với dân tộc chí (ethnography), đa số các nhà khoa học đều chấp nhận đây là môn học về sự miêu tả các xã hội cổ sơ, bán khai và các nền văn hóa riêng biệt. Levi Strauss cho rằng đối tượng của dân tộc chí là sự khảo cứu những biểu thị vật chất của hoạt động người. Sự ăn và sự ở, sự mặc và trang sức, vũ khí chiến tranh và dụng cụ của các công việc thời bình, săn bắn, đánh cá, trồng trọt và công nghệ, phương tiện vận tải và trao đổi, lễ - tết - hội tôn giáo, các trò chơi, nghệ thuật phát triển mạnh hay yếu, tất thảy những gì, trong sự sinh tồn vật chất của các cá nhân, các gia đình hay các xã hội trình ra nét nào đó đặc biệt, là thuộc lĩnh vực của dân tộc chí…Dân tộc chí mặc dầu chỉ là khoa học miêu tả nhưng nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, ít ra là trên phương diện phương pháp (bởi không có khoa học nào mà lại không cần đến quan sát và miêu tả cả). Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở miêu tả thì người ta sẽ chẳng bao giờ thoát ra khỏi được những “sự lạ” không cùng của thế giới này để đi đến được một hay những kết luận có tính khái quát khả dĩ áp dụng được cho cuộc sống đương đại. Do vậy, đến giữa thế kỷ XIX, dân tộc học được ra đời với tư cách là bước phát triển mới của dân tộc chí; đó là khoa học nghiên cứu văn hóa và xã hội các tộc người (thường là ở các xã hội bán khai, hay nói rộng ra là các xã hội cổ truyền). Nó đánh dấu cho một bước tiến so với những kết quả thuần túy miêu thuật của dân tộc chí. Quá trình hình thành dân tộc học gắn liền với sự phát triển của giai cấp tư sản châu Âu: Mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa và sau này là xâm chiếm và mở rộng thuộc địa để kiếm tìm nguồn tài nguyên mới và nhân công mới. Trong khoảng 100 năm của thời kỳ này, những kiến thức tương đối toàn diện về các xã hội và các nền văn hóa ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, hoặc các nước ở châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương đã được thu thập và chúng thực sự trở thành công cụ đắc lực cho quá trình thực dân hóa. Nhiều nhà dân tộc học coi cuốn “Văn hóa nguyên thủy” của Edward Burnett Tylor là tác phẩm mẫu mực của xu hướng dân tộc học. Theo Tylor, đối tượng của dân tộc học là văn hóa của các dân tộc sơ khai, nhưng ông không nhằm nghiên cứu văn hóa của các dân tộc sơ khai một cách thuần túy mà nhằm tìm ra những quy luật chung về quá trình hình thành, phát triển của văn hóa. Thuật ngữ anthropology được các học giả châu Âu hiểu là khoa học về lịch sử tự nhiên của con người (mà đối tượng của nó là các dân tộc sơ khai, các giống người tiền sử). Còn như, vào thời lan tràn của chủ nghĩa thực dân, nhu cầu căn bản của các nhà tài trợ cho các nhà khoa học thời đó không phải chỉ là những đặc điểm khảo cổ học của các nền văn hóa bản địa hay đặc điểm cấu tạo hình thể của con người về mặt nhân chủng, mà là cái gì đó thực dụng hơn, có ích hơn cho công cuộc xâm chiếm và mở rộng thuộc địa của họ: đó chính là những kiến thức toàn diện về xã hội của người bản địa. Có lẽ đó chính là những lý do mà thuật ngữ nhân học xã hội (social anthropology) và nhân học văn hóa (cultural anthropology) ra đời. Hai thuật ngữ này được gộp chung vào thuật ngữ nhân học (từ này cũng được chuyển ngữ từ từ anthropology với ý nghĩa chủ yếu là để phân biệt nó với nhân chủng học  hay nhân học hình thái). Như vậy: Nhân học xuất hiện với tư cách là sự kế thừa và phát triển dân tộc chí, dân tộc học một cách âm thầm. Nhưng cũng lại cần thiết nhận ra rằng dân tộc chí, dân tộc học và nhân học không tạo thành ba môn học khác nhau hay ba quan niệm khác nhau về cùng những khảo cứu. Thực tế đó là ba giai đoạn hay ba yếu tố của cùng một khảo cứu, và sự ưa thích đối với từ này hay từ nọ chỉ diễn đạt sự chú ý lớn hơn đối với một loại hình khảo cứu, nó không bao giờ có thể bác bỏ hai loại hình kia. Bởi lẽ, cả Dân tộc học và Nhân học đều dựa vào những tư liệu Dân tộc chí để tiến hành những nghiên cứu của mình. Dân tộc chí chủ yếu là sự quan sát và sự phân tích các nhóm người được xem xét trong tính riêng biệt của chúng và nhằm phục nguyên theo cách trung thành nhất khả thể đời sống của mỗi nhóm; trong khi ấy, nhà dân tộc học sử dụng theo so sánh những tư liệu được trình ra bởi nhà dân tộc chí. Với những xác định như vậy, dân tộc chí có cùng một nghĩa trong mọi nước; và dân tộc học tương ứng suýt soát với cái mà người ta hiểu là nhân học xã hội và nhân học văn hóa… Qua tìm hiểu, có thể phân biệt dân tộc học (ethnology) với nhân học (anthropology) như sau: Có hai xu hướng dân tộc học, một là các công trình theo hướng chuyên sâu, phân tích và thường tập trung vào văn hóa một tộc người nào đó – các công trình dân tộc học; mặt khác, là những công trình ưu tiên theo hướng so sánh, tổng hợp được gọi là những công trình nhân học. Nói cách khác, các công trình nhân học thường tổng hợp các hiện tượng (văn hóa và xã hội) từ những không gian và thời gian xã hội khác nhau để đi đến một kết luận chung về cấu trúc và chức năng của một hay những hình thái thể chế nào đó. Lịch sử phát triển nhân học đã cho thấy: không có những tư tưởng phương pháp luận (ví dụ những tư tưởng xã hội học của E. Durkheim), và cả các khái niệm của xã hội học, thì nhân học không thể có sự phát triển như ngày nay được. Chính những tư tưởng xã hội học (tổng thể - thực chứng và hành vi – phản thực chứng) đã trở thành cơ sở của những khác biệt về quan điểm của nhiều trường phái lý thuyết nhân học hiện đại. Một yếu tố căn bản làm cho nhân học trở thành khoa học có tính khái quát cao hơn dân tộc học là nó đã sử dụng được những tư tưởng và bộ máy khái niệm của xã hội học. Ở đây ta thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa dân tộc học, nhân học và xã hội học: Xã hội học đã thâu nhận và hoàn thiện bộ máy khái niệm của mình từ nhiều khái niệm dân tộc học (ví dụ: thể chế, thân tộc, các hệ thống xã hội – cơ cấu xã hội, biểu tượng, chuẩn mực, giá trị,…); đến lượt nhân học (với tư cách là giai đoạn phát triển mới của dân tộc học, tức là kế thừa những tri thức dân tộc chí, dân tộc học) lại tiếp thu hệ khái niệm của xã hội học để làm công cụ cho quá trình khái quát hóa, tổng hợp của mình… Việc tập trung vào một trong ba vấn đề như cơ cấu, chức năng hoặc thể chế - những vấn đề cơ bản của xã hội học, đã tạo cơ sở cho nhân học có được hệ thống lý thuyết cũng như khái niệm (công cụ khái quát, tổng hợp) của mình, khiến nó trở thành một khoa học phổ quát: với nó, người ta có thể nghiên cứu bất kỳ kiểu loại xã hội nào. Về vấn đề này Pritchard viết “nhân học dễ tổng quát hóa hơn và có một lý thuyết đại cương mà sử học không có. Không chỉ có những điểm tương đồng rõ rệt giữa các xã hội cổ sơ trên thế giới, mà các xã hội này còn có thể phân loại thành vài nhóm có giới hạn nếu ta áp dụng phương pháp phân tích cơ cấu. Điều này làm cho đề tài được thống nhất. Các nhà nhân học khảo cứu xã hội cổ sơ luôn luôn theo một cách thức nhất định, dù cho có khảo cứu ở Polynesia, ở Phi Châu, hay xứ Laponia, và bất cứ họ viết về một đề tài nào – một hệ thống thân tộc, một hình thức sinh hoạt tôn giáo, hay một định chế chính trị - đề tài đó phải được đặt trong cơ cấu xã hội toàn diện” [dẫn theo 4]. Như vậy, có thể cho rằng cái chung chứ không phải cái riêng, cái khác biệt là mục đích của nhân học. Tóm lại, Nhân học hiểu theo nghĩa thông dụng là hệ thống lý thuyết đại cương và phương pháp nghiên cứu giúp cho những người nghiên cứu ở những đối tượng khảo sát khác nhau (về không gian và thời gian) có cùng một cách thức thu thập thông tin và xử lý chúng. Vì thế, nhân học là dân tộc học so sánh – đối chiếu. Đến đây, ta có thể tạm hiểu nhân học là: giai đoạn phát triển cao nhất của dân tộc chí và dân tộc học; kết quả của sự giao thoa với xã hội học; có đối tượng nghiên cứu là cấu trúc – chức năng các hiện tượng xã hội và văn hóa với tư cách là những sự kiện xã hội tổng thể; có đối tượng khảo sát: là các sự kiện xã hội và văn hóa trong các xã hội cổ truyền (bao gồm cả xã hội bán khai, cổ sơ,…); có phương pháp luận nghiên cứu: xem xét các sự kiện xã hội và văn hóa ấy trong mối tương quan với chủ thể của chúng; dùng phương pháp chủ đạo là phương pháp tham dự và tái dựng mô hình [4]. Mặt khác, những mặt mạnh của nhân học văn hóa là nhờ ở những thuận lợi sau:

- Đối tượng khảo sát ở các xã hội cổ truyền thường không bị chia cắt vì chúng mang tính tổng thể - toàn vẹn. Do đó các nhà nhân học có thể tiếp cận đối tượng với tư cách là một sự kiện xã hội tổng thể, không phải qua những khâu trung gian mới có thể hiểu những mối liên hệ xã hội của sự kiện.

- Ở các xã hội chưa phân tầng ấy, các giá trị, chuẩn mực xã hội và những hình thái biểu thị chúng thường nhất quán, đồng đều, nếu muốn tiến hành những nghiên cứu theo quan điểm và phương pháp nhân học người ta sẽ không phải đầu tư lớn về công sức, thời gian và tài chính khi nghiên cứu ấy đòi hỏi mẫu nghiên cứu lớn. Ví dụ, để có thể thu thập được những thông tin, dù là định tính, người ta có thể chỉ dựa vào phương pháp phỏng vấn hay quan sát thâm nhập, dễ dàng ở từng nhóm và cả ở tất cả các nhóm. Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu không nhất thiết phải sử dụng những phương pháp định lượng kết hợp với định tính của xã hội học.

Tuy nhiên, có một hạn chế của nhân học – khi nghiên cứu các xã hội cổ sơ, cổ truyền – là không phải nhà nghiên cứu nào cũng biết ngôn ngữ của người bản xứ, điều đó trực tiếp gây hạn chế cho toàn bộ nghiên cứu thâm nhập của nhà nhân học (hoặc họ phải lấy và hiểu các thông tin từ người phiên dịch, hoặc họ phải sử dụng những thành quả của những nghiên cứu khác – một nguồn mà không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan và đầy đủ).

 

Tài liệu tham khảo

1. Marx-Engels, Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, T.3.

2. Đoàn Văn Chúc (2004), Văn hóa học, Nxb Lao động.

3. Ngô Văn Lệ (2004), Tộc người và văn hóa tộc người, Nxb Đại học Quốc gia TPHCM.

4. Bùi Quang Thắng (2003), Hành trình vào văn hóa học, Nxb Văn hóa - Thông tin. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/thu-vien-so-sach-anh-video/tu-sach-van-hoa-hoc/1151-bui-quang-thang-hanh-trinh-vao-van-hoa-hoc-c12.html

5. Ngô Đức Thịnh (2006), Văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH.

6. Nguyễn Văn Tiệp (2008), Giáo trình nhân học đại cường, Nxb ĐHQGTPHCM.

7. Vũ Minh Tâm (2006), Văn hóa sinh thái-nhân văn và hệ thống tự nhiên-con người-xã hội, Tc. Khoa học xã hội, số 6.2006.

8. Ngô Đức Thịnh, Các trường phái và khuynh hướng nghiên cứu văn hóa vùng, http://tailieu.vn/xem-tai-lieu/cac-truong-phai-va-khuynh-huong-nghien-cuu-van-hoa-vung.180835.html

9. Phương Hán Văn, Các giai đoạn nghiên cứu so sánh văn hóa, Nguyễn Ngọc Thơ dịch, http://www.vanhoahoc.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=405&Itemid=6

 

Thông tin truy cập

60798926
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
18427
24669
60798926

Thành viên trực tuyến

Đang có 363 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website