Sáng ngày 12/9/2021, buổi Tọa đàm Alumnitalk 2021 “Kết nối thế hệ” với chủ đề “Sinh viên khoa Văn trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình” đã được tổ chức với sự tham dự của 250 sinh viên. Buổi tọa đàm đã giải đáp cho hàng loạt câu hỏi liên quan đến kiến thức cơ bản, cũng như kinh nghiệm của người học Văn trong việc tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình.
Chương trình Tọa đàm Alumnitalk 2021 “Kết nối thế hệ” là không gian để các bạn sinh viên gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi và học hỏi những kinh nghiệm đến từ các thầy cô, anh chị là cựu sinh viên khoa có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất các chương trình truyền hình. Không những vậy, chương trình còn phần nào giải đáp được những thắc mắc của các bạn về lĩnh vực nghề nghiệp nhiều triển vọng này, thông qua đó tiếp thêm động lực giúp các bạn trẻ mạnh dạn theo đuổi đam mê của bản thân.
Nói về mục đích của chương trình, bạn Cẩm Xương - Trưởng BTC cho biết: “Chương trình truyền hình ngày nay trở thành một món ăn tinh thần, là “người bạn” quen thuộc của mọi người dân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Chính vì thế, sự quan tâm đối với các vấn đề và ngành nghề liên quan ngày một tăng cao. Ngay khi công bố poster, chương trình đã thu hút hơn 400 lượt đăng ký, bao gồm các bạn sinh viên trong, ngoài khoa và cả các bạn học sinh, sinh viên tại các trường lân cận”.
Diễn giả của chương trình là hai Cựu sinh viên khoa Văn học thành công, có kinh nghiệm khá dày dặn trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, gồm:
- Thầy Lê Huỳnh Minh Hiếu - Giảng viên thỉnh giảng khoa Văn học, Production Manager Giám đốc sản xuất Công ty Sen Vàng; từng tham gia sản xuất các chương trình gây tiếng vang như: Hoa hậu Việt Nam, The Voice Kid - Giọng hát Việt nhí, The Remix - Hòa âm ánh sáng, Ca sĩ thần tượng...
- Chị Nguyễn Thế Thùy Dương - Biên tập viên, Phóng viên đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long; chịu trách nhiệm biên tập cho các chương trình ăn khách tại nhà đài như: Chắp cánh ước mơ, Thần tài gõ cửa, Vợ tôi là số 1,...
Với những kinh nghiệm của bản thân có được, hai vị diễn giả đã giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan đối với lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình. Hai anh chị đã chia sẻ rất sinh động, cuốn hút không chỉ về những kiến thức cơ bản mà cả những vấn đề chuyên sâu hơn như các yếu tố, kỹ năng, các câu chuyện phía sau màn ảnh. Bên cạnh đó, hiểu được nhu cầu và đặc thù của các bạn sinh viên tham gia, hai diễn giả còn khai thác, phân tích đâu là lợi thế và hạn chế, cũng như cơ hội việc làm và cách tiếp cận nghề nghiệp dành cho các bạn sinh viên mới vào nghề.
Từ những chia sẻ của hai vị diễn giả - những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chúng ta có thể nhận thấy mọi chương trình truyền hình đều trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu. Tuy nhiên, một chương trình ra đời và tạo nên điểm nhấn khác biệt so với các chương trình khác, thông thường sẽ xuất phát chính từ khâu lên chương trình khung (format), ý tưởng. Do vậy, vai trò của ban biên tập chương trình là rất lớn, bởi một chương trình thành công không chỉ nằm ở việc đáp ứng được thị hiếu của khán giả, mà còn phải biết sáng tạo và bắt kịp xu hướng hiện đại.
Hơn thế nữa, hai diễn giả còn giúp sinh viên khoa Văn nhận thấy được cơ hội việc làm của bản thân vô cùng phong phú, không hạn chế như những lầm tưởng trước nay. Lời chia sẻ súc tích của chị Thùy Dương “Chỉ cần ở đâu có chữ, ở đó có người học Văn” đã tạo động lực to lớn với các bạn sinh viên. Những lợi thế về sử dụng ngôn từ, khai thác nhân vật, cảm thụ văn chương nói riêng và nghệ thuật nói chung đã giúp sinh viên khoa Văn học thuận lợi hơn trong việc triển khai ý tưởng trên giấy và thể hiện lên khung hình. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cũng cần trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng xã hội, cũng như kiến thức liên quan đến kỹ thuật quay và dựng hình. Biết tận dụng những lợi thế của bản thân và không quên học hỏi thêm những kỹ năng mới sẽ là bước đệm quan trọng, mở rộng cơ hội thăng tiến trong tương lai ở ngành nghề này.
Thông qua những câu chuyện của bản thân, thầy Minh Hiếu và chị Thùy Dương nhắn gửi đến các bạn khán giả tham gia chương trình: Trước hết, cần xác định rõ khả năng cũng như đam mê của mình; từ đó định hình hướng đi cho bản thân, phát triển, trau dồi thêm những kỹ năng cần thiết. Đặc biệt, không nên bỏ qua các cơ hội thử sức từ các hoạt động ngoại khóa thời sinh viên do Đoàn - Hội, Câu lạc bộ tổ chức bởi đó là những hành trang quý báu mà các bạn sẽ cần đến sau này.
Trong bối cảnh vô cùng đặc biệt hiện nay khiến việc gặp gỡ hay làm việc trực tiếp trở nên vô cùng hạn chế, talkshow trực tuyến như một cầu nối, tạo điều kiện cho các thế hệ đi trước giao lưu, truyền ngọn lửa nghề cho những bạn trẻ có cùng đam mê. TS. Hồ Khánh Vân - Phó Trưởng Khoa Văn học thay mặt Chi ủy - Ban Chủ nhiệm khoa gửi lời chúc mừng hai diễn giả đã thành công trong sự nghiệp của mình và quay trở lại Khoa, tiếp tục truyền cảm hứng đến những thế hệ đàn em.
Bên cạnh những chia sẻ vô cùng thú vị, hai vị diễn giả cũng không quên thể hiện sự tri ân đến quý thầy cô, cũng như những kiến thức mà bản thân đã có được trong suốt thời gian theo học tại khoa Văn học và Ngôn ngữ - tiền thân của khoa Văn học ngày nay. Tin chắc rằng, sau buổi Talkshow Alumnitalk 2021 “Kết nối thế hệ” - “Sinh viên khoa Văn trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình”, các bạn sinh viên sẽ có thêm nhiều động lực, nguồn cảm hứng để tiến gần hơn với đam mê của bản thân.
Phương Khanh