Trần Hoài Anh
(Đại học Văn Hoá TP.HCM)
TÓM TẮT
Khi nghiên cứu một nền văn học, không chỉ nói đến sáng tác mà còn phải nói đến lý luận - phê bình. Nước ta, từ sau 1975, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, khoa nghiên cứu văn học đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu văn học dân tộc và văn học thế giới, nhất là trong việc tiếp nhận lý luận - phê bình văn học phương Tây. Tuy vậy, bộ phận văn học ở đô thị miền Nam trước 1975, trong đó có lý luận - phê bình văn học vẫn chưa được xem là một bộ phận của văn học dân tộc. Vì vậy, một trong những yêu cầu của quá trình đổi mới lý luận - phê bình văn học nước nhà, ngoài việc tiếp nhận các thành tựu lý luận - phê bình văn học hiện đại của thế giới, nên chăng còn phải biết kế thừa, phát triển thành tựu của lý luận – phê bình văn học dân tộc trong đó có lý luận phê bình văn học đô thị miền Nam trước 1975.
Với ý nghĩa đó, tham luận sẽ phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần “gạn đục khơi trong” những thành tựu và hạn chế của lý luận - phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, nhất là việc tiếp nhận các khuynh hướng lý luận - phê bình văn học phương Tây như: chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm học, mỹ học tiếp nhận, cấu trúc luận, hiện tượng luận ... Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn để đổi mới nền lý luận - phê bình văn học dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Có như thế mới đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nền lý luận - phê bình văn học dân tộc theo tinh thần nghị quyết 23 – NQ/TW của Bộ chính trị, khóa X về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, đó là: “tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học Việt Nam hiện đại.”
Và đây cũng là một định hướng đúng đắn cho sự đổi mới và phát triển nền lý luận - phê bình văn học dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa hôm nay.
Từ khóa: Lý luận – phê bình văn học miền Nam; Đổi mới; Phát triển