19042024Fri
Last updateThu, 18 Apr 2024 12am

Đọc “Người Ba Na ở Kon Tum” của giáo sư Nguyễn Đổng Chi

Tóm tắt

              Mọi Kon Tum là một quyển sách nổi tiếng của ngành dân tộc học, văn hóa dân gian Việt Nam và gắn với tên tuổi của học giả Nguyễn Đổng Chi. Đọc Mọi Kon Tum, chúng ta sẽ thấy ông thực hiện nó với phương pháp điền dã dân tộc học rất bài bản, cách nhìn nhận và giải thích vấn đề khoa học rất xác đáng, tiến bộ, mặc dù Nguyễn Đổng Chi viết Mọi Kon Tum khi tuổi đời còn rất trẻ.

                      

Reading Moi Kontom  of author Nguyen Dong Chi

Moi Kontum is a well - known book belonging to the major of anthropology, Vietnamese folklore, which is related to name of the author, Nguyen Dong Chi. Reading The Barbarians in Kontom, we can see the author who carried out his research with the field work methods academically, the way for realizing and explaining scientific matters in exact and progress although Nguyen Dong  Chi was so young when he wrote the work.

Nguyễn Đổng Chi (1915-1984) là một học giả nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng lớn trong giới khoa học xã hội nước ta. Ông đã để lại dấu ấn của mình ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu như: Hán-Nôm, sử học, văn hóa dân gian và văn học,…bằng một niềm say mê hiếm có. Năm 2011, quyển sách Mọi Kontum của ông và người anh của mình-Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi được Nhà xuất bản Tri Thức tái bản với tên gọi Người Ba-Na ở Kontum. Được biết, công trình này được hai tác giả thực hiện trong vòng 10 tháng vào hai năm 1933 và 1934, sau này do Mộng Thương Thư Trai xuất bản ở Huế năm 1937. Cho đến nay, Mọi Kontum luôn được giới nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá rất cao, xem nó là một nghiên cứu tiêu biểu về dân tộc học, văn hóa dân gian được người Việt Nam thực hiện trước năm 1945. Điều đặc biệt và cần đáng nói nhất là công trình được Nguyễn Đổng Chi thực hiện khi còn rất trẻ, khi ấy ông ở độ tuổi 18. Cho nên, qua Mọi Kon Tum chắc chắn sẽ cho chúng ta hiểu hơn về ông-một người có thiên hướng nghiên cứu khoa học từ rất sớm, một tấm lòng gắn bó và sâu nặng với văn hóa dân tộc.

Quyển sách Mọi Kontum của hai tác giả Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi thể hiện được tính liên ngành trong nghiên cứu dân tộc học qua đánh giá: “Đây là một công trình điều tra dân tộc học…Toàn bộ tài liệu trong tập sách đều được hai tác giả ghi chép trong những ngày sống ở Kon –Tum. Sách vừa là một cuốn địa lí học lịch sử, khảo sát đất đai cương vực, kinh tế, chính trị tỉnh Kon – Tum qua các thời kì, vừa là một chuyên khảo dân tộc học, tìm hiểu các tộc người cộng cư ở đây, nguồn gốc chủng loại của họ, và phong  tục tập quán, bao gồm “thân thể, tâm tính, triết lý tín ngưỡng, thiên văn địa lý, hương thôn giao tế, gia tộc cư xử, sinh tử giá thú, sĩ nông công thương, du hí mỹ thuật”,…rất tỷ mỷ[1]. Mặc dù là thành quả chung của ông và người anh của mình, nhưng vai trò của Nguyễn Đổng Chi trong quyển sách Mọi Kontum rất quan trọng. Chúng ta biết được điều này qua lời giới thiệu của Andrew Hardy như sau: “Ý tưởng cho cuốn sách là của Kinh Chi, nhưng sự tham gia của Đổng Chi là hết sức quan trọng…Người em trai thì lại có thời gian, sức lực và cơ hội để học tiếng Ba Na, lang thang với người địa phương và thu thập dữ liệu dân tộc học[2]. Vì vậy, đây là cơ sở cho chúng ta nghiền ngẫm, hiểu rõ về ông ở phương diện quan điểm cũng như phương pháp nghiên cứu, đặc biệt là phong cách sống và làm khoa học của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi.

Đọc Mọi Kontum, ngay ở phần Cùng Bạn Độc Giả, chúng ta có thể thấy ngay quan điểm của các tác giả khi tiếp xúc với nền văn hóa vốn xa lạ với mình: “Ta sẽ thấy tục lệ của họ chẳng nhửng không mọi rợ chút nào mà trái lại có nhiều điều thuần túy hơn ta kia[3]. Đây là một cái nhìn rất hiện đại và tiến bộ của tác giả. Trong thời điểm đó, dưới nhãn quan của không ít người, vùng đất Tây Nguyên, trong đó có người Ba-Na, còn là một nơi xa xôi, sự sống còn hoang dã, kém văn minh, thậm chí nguy hiểm. Nhưng Nguyễn Đổng Chi đã có một cách nhìn khác, ông đã thấy được sâu thẳm bên trong họ một vẻ hồn nhiên, mộc mạc, một nền văn hóa bản địa lâu đời, phong phú và có nhiều vẻ đẹp độc đáo. Chẳng hạn, khi giới thiệu về tục cà răng căng tai của đồng bào, Nguyễn Đổng Chi chú ý đến việc người Ba-na tuy cà răng như vậy mà không mấy kẻ bị đau răng, ấy cũng nhờ nhựa long pơnek, vì nhựa ấy chẳng những là một thứ thuốc nhuộm răng mà lại là một thứ thuốc trị bệnh răng nữa[4]. Ngày nay, nhân học gọi đây là tri thức bản địa, một thứ tài sản vô giá của cộng đồng cần được gìn giữ và rất hữu ích cho con người. Cách nhìn của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi rất gần gũi với thuyết Tương đối luận văn hóa mà Franz.Boas (1858-1942) khởi xướng và cho rằng không có sự phân biệt cao thấp giữa các nền văn hóa và mỗi nền văn hóa cần được tôn trọng với các đặc điểm riêng, đặc biệt là phủ nhận giá  trị tuyệt đối của hệ thống chuẩn mực phương Tây, khước từ những nguyên tắc tộc người trung tâm khi so sánh với nền văn hóa khác mình. Cần lưu ý rằng, việc nghiên cứu dân tộc học và văn hóa dân gian nước ta ở thời điểm trước 1945 phần lớn do người Pháp tiến hành, gồm cha cố, giám mục, võ quan, công sứ và các học giả với cái nhìn kì thị chủng tộc, coi Châu Âu là trung tâm là điều dễ nhận thấy trong các công trình nghiên cứu của người Pháp[5]. Trên tất cả, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi muốn phủ định quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng Ba - Na là một dân tộc mọi rợ[6]. Thiết nghĩ, cách tiếp cận này của ông vẫn còn nguyên giá trị cho những người nghiên cứu dân tộc học ở nước ta hiện nay.

Nguyễn Đổng Chi tiến hành nghiên cứu người Ba-Na bằng phương pháp gì? Chúng ta có thể biết rõ qua hồi ức của ông Nguyễn Hưng Chi-người em trai của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi: “Còn anh Đổng khi đó là một thanh niên 17-18 tuổi, anh vào các buôn ở xung quanh thị xã, làm quen, kết bạn với các thanh niên dân tộc ở trong vùng và cũng học cách nói chuyện, ve vãn các o dân tộc. Anh sắm một bộ y phục dân tộc gồm khố, áo, khăn choàng để đến đêm mặc vào đi chơi với bạn. Anh sưu tầm những mẫu  chuyện dân gian, những bài hát hoặc câu hát đối đáp nam nữ, đi xem những cuộc hội đâm trâu,…Nhân dân các buôn anh thường đến đã dành cho anh nhiều cảm tình, nhất là các cô thiếu nữ thì yêu anh lắm và anh thường nhận được những vết cấu véo đến thâm tím của các cô gái trẻ vì đối với  họ đó là biểu hiện của tình yêu, yêu càng đậm, véo càng đau….”[7]. Là một người không được đào tạo về dân tộc học, nhưng cách tìm kiếm tư liệu để tiến hành nghiên cứu người Ba-Na của ông chính là phương pháp điền dã dân tộc học với hai hình thức quan sát và tham dự sâu: “Đó là nhà dân tộc học sẽ tìm kiếm một sự hòa nhập sâu hơn vào thế giới của người khác nhằm nắm bắt những gì mà họ trải nghiệm như là một thứ đầy ý nghĩa và quan trọng. Bằng cách hòa nhập như thế, nhà  nghiên cứu điền dã có thể quan sát từ bên trong cách người ta sống, cách họ thực hiện chi kì sinh hoạt hàng ngày của mình[8]. Nguyễn Đổng Chi đã trở thành một dân tộc học đúng nghĩa, thậm chí là tuyệt vời, vì chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã dấn thân và trở thành một thành viên của cộng đồng, một người bạn thân thiết của người Ba-Na với phong cách vừa chơi vừa học. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã có một nhận xét xác đáng và thú vị:”Tôi nghĩ, ở thời điểm 1933, hai tác giả Mọi Kontum, có thể do có ít nhiều kiến thức, mà cũng có thể là là vô thức mà thôi, nhưng đã biết đi đúng phương pháp điều tra dân tộc học, mà chủ yếu là: hóa thân thành dân bản địa để sống với họ trong khi khảo sát về họ[9]. Trước đó, ông đã học tiếng Ba-Na như một phương tiện quan trọng để giao tiếp với đồng bào. Mặt khác, đây còn là chiếc chìa khóa để Nguyễn Đổng Chi bước vào thế giới văn hóa riêng của họ. Cách làm này của ông được giới nhân học thế giới ngày nay xem như là một nguyên tắc bắt buộc cho một nhà nhân học nếu muốn nghiên cứu văn hóa một tộc người khác ngôn ngữ với họ. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc lại một nhận xét của C.Wright Mills về thực trạng: “Nhiều nhà nhân học vô tình khoác lấy vai trò tên hề khi đi vào thực tế. Họ nói ngôn ngữ kì quặc với loại văn phạm không hoàn thiện, họ đặt những câu hỏi là sửng sốt và đôi khi thật sống sượng và vi phạm các luật lệ liên quan đến cách sự việc phải được thực hiện ra sao[10].

Trong phần đầu của sách, các tác giả đã cho biết: “Mọi Kontum chỉ là một tập ghi chép rặt nhửng chuyện thật, nghĩa là nhửng chuyện mắt chúng tôi thấy rõ ràng hoặc tai chúng tôi đà được nghe các người Pháp, Nam ở lâu năm trên xứ Mọi và nhất là  người bản xứ thuật lại[11]. Quả đúng như vậy, đọc Mọi Kontum, có thể thấy Nguyễn Đổng Chi để lại cho chúng ta một nguồn tư liệu tuyệt vời, sống động và chân thật về người Ba Na vào thập kỉ 30 của thế kỉ trước. Thiết nghĩ, để có được điều này, ông đã thực hiện một cách đúng đắn phương pháp điền dã dân tộc học thông qua tham dự vào đời sống, quan sát hiện thực diễn ra, nhất là việc giới thiệu khá toàn diện văn hóa tinh thần của họ-một vấn đề không dễ dàng chút nào đối với một nhà nghiên cứu trẻ và vốn không phải là người bản địa. Hiểu rõ ngôn ngữ người Ba-Na còn giúp cho Nguyễn Đổng Chi tiếp cận được kho tàng văn học dân gian phong phú của họ. Và qua văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết, câu đố, dân ca,…đã giúp cho tác giả và người đọc hiểu sâu hơn về đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, tri thức bản địa, luật tục, nghi lễ của người Ba-Na. Điều này cũng góp phần rất lớn vào việc nhận diện nhân sinh quan và thế giới quan của họ vốn được xem là tầng sâu của một nền văn hóa. Nguyễn Đổng Chi đã chạm đến điều đó. Một ý kiến tương tự cho biết  : “Điều đáng nữa là tập sách còn dành một phần cuối để ghi những tục ngữ, câu đố và truyền thuyết dân gian gắn với tín ngưỡng của đồng bào Thượng, chứng tỏ ngay từ cuốn sách nghiên cứu đó, xu hướng nghiên cứu văn hóa dân gian nguyên hợp đã sớm định hình trong Nguyễn Đổng Chi. Cho mãi đến những năm gần đây, một nhà dân tộc học người Pháp, Công-đô-mi-nax (Condominas) trong một dịp sang Việt Nam, vẫn còn nhắc đến cuốn sách trên với thái độ kính trọng[12].  Phải chăng đây còn là một tiền đề quan trọng để Nguyễn Đổng Chi sau này trở thành một chuyên gia lớn và hàng đầu về văn hóa dân gian nước ta? Những công trình về văn hóa dân gian của ông viết riêng hay chung như Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa  chí văn hóa dân gian Nghệ - TĩnhHát dặm Nghệ-Tĩnh,…cho đến nay vẫn có giá trị rất lớn cho nhiều thế hệ đã và đang tiếp nối sự nghiệp của ông. Một điều thú vị mà không thể không nói đến đó là các hình ảnh được nhóm tác giả in trong quyển sách. Có thể nói, đây là những hình ảnh rất quí và có giá trị, là các khoảnh khắc độc đáo của thời gian mà khó có thể bắt gặp lại. Đây là một loại tư liệu quí giá mà ngày nay được xem là một bộ phận chính của ngành Nhân học hình ảnh (Visual Anthropology). Thông qua những ảnh này, chúng ta gặp lại một nụ cười hồn nhiên của người mẹ đang địu con, nét dịu dàng của thiếu nữ Ba-Na với bộ ngực trần, khuôn mặt trầm tư của già làng, sự khỏe khắn của chàng trai xứ cao nguyên, một mái nhà rông cao vút giữa đại ngàn,…. Hình ảnh giúp cho chúng ta cảm nhận và những hiểu biết một cách cụ thể nhất về một nền văn hóa qua những thăng trầm của lịch sử. Nguyễn Đổng Chi đã ý thức rõ điều đó.

Trong quyển sách Viết các ghi chép điền dã dân tộc học, các tác giả đã nhấn mạnh đến ý nghĩa của công việc điền dã dân tộc học là sẽ giúp cho nhà nghiên cứu gắn bó một cách tích cực với các hoạt động tại địa phương, được hòa mình vào đời sống xã hội và có được sự thấu cảm với phương thức hành xử và cảm nhận của người địa phương. Cuối cùng, nó sẽ khuyến khích nhà nghiên cứu trân trọng hơn đời sống xã hội, nhìn thấy cận cảnh cách người dân vật lộn với những bất ổn và rối ren. Sự gần gũi của nhà nghiên cứu thực địa với đời sống và hoạt động thường nhật của người khác sẽ nâng cao khả năng cảm thụ của anh ta về đời sống xã hội như một điển hình[13]. Từ đây, chúng ta có thể hiểu hơn về chàng trai Nguyễn Đổng Chi khi đi nghiên cứu về người Ba-na ở  Kontum ở độ tuổi đôi mươi. Chính nhờ điều này đã giúp cho ông có một cảm quan sâu sắc về đời sống của con người, nhất là các tộc người thiểu số và người nông dân, và tạo nên một phong cách sống cũng như nghiên cứu là gần gũi, giản dị, khiêm tốn và luôn tận tụy với công việc ngay khi ông còn rất trẻ. Đây là những phẩm chất cần thiết cho nhà dân tộc học, người nghiên cứu văn hóa dân gian. Bài viết Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về điều đó. Nguyễn Đổng Chi cũng là người biết nói chung một thứ ngôn ngữ với nông dân. Trong 50 năm quen biết và hoạt động chung với nhau, tôi chưa bao giờ thấy ông tỏ ra mình là “trí thức” như một vài người nào đấy. Đối với ai, ông cũng cởi mở hồn nhiên như thế, như cái bản tính đôn hậu vốn đã có trong ông. Tất nhiên, đây chính là kết quả của một quá trình rèn luyện lâu dài, gian khổ, cộng với quá trình sống nhiều ở nông thôn, hiểu biết người nông dân từ chân tơ kẻ tóc. Có khi ông cùng họ đi lao động cày bừa, cấy hái và cùng họ dự các buổi hát giặm, hát ví trong các mùa cấy gặt. Có những ngày rỗi rãi ông đã cùng anh em tổ chức các cuộc đi chơi đến các làng xã khác vừa để tìm hiểu phong cảnh, phát hiện các di tích lịch sử, tìm tòi các hòn đá, mảnh sành, mảnh bát, vừa để tìm hiểu sâu đời sống nông dân. Chính những cuộc “đi điền dã” đó với cách sống giản dị, rất bình dân của ông, đã từng bước tạo nên cái vốn đã thúc đẩy ông đi vào nghiên cứu văn hóa dân gian mà rồi đây sẽ là nguồn yêu thích lâu bền nhất[14]. Với bạn bè và đồng nghiệp cũng như sự nghiệp khoa học của mình thì Giáo sư Nguyễn Đổng Chi là người nhũn nhặn, ít nói, gần như nhường nhịn người khác, và cũng ân cần giúp đỡ người khác chí tình, có thể nói Nguyễn Đổng Chi là một người không biết nghĩ xấu về một ai, cũng không hề biết nói dối trong học thuật. Tâm hồn giản dị, không màng lợi danh, sự xa lạ với những gì hoa hòe, đao to búa lớn, luôn thấm quyện trong phong cách sống cũng như ngòi bút của nhà học giả[15]. Ngày nay, các công trình của ông để lại cho hậu thế là những vì sao tỏa sáng. Nhưng có lẽ, theo chúng tôi, chính những phẩm chất và phong cách trong cuộc sống cũng như khoa học của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi thì tỏa sáng hơn cả. Mọi Kontum là một viên đá đầu tiên để hình thành nên một lâu đài đồ sộ về sau.  

Nhắc  đến Giáo sư Nguyễn Đổng Chi mà không nhắc đến người cháu nối nghiệp ông- một trong những nhà dân tộc học xuất sắc của Việt Nam và thế giới là Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995) hẳn là một thiếu sót lớn. Trong đại gia đình nổi tiếng này, Phó giáo sư Nguyễn Đức Từ Chi là người kế thừa những “di sản khoa học và tinh thần” của ông, trong đó không thể không có Mọi Kontum. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi-một thành viên trong đại gia đình đã nhớ lại:”Sau này, anh trai con bác tôi, nhà dân tộc Từ Chi, cũng đã sử dụng phương pháp ấy khi đi sâu vào người Mường, Chỉ có khác là ông có nhiều thời gian hơn, và đi vào người Mường rất nhiều đợt, mỗi đợt có một yêu cầu cụ thể, nên kết quả thu hoạch được trình bày một chủ để tuy hẹp nhưng sâu là vũ trụ quan người Mường[16]. Còn Giáo sư Phạm Đức Dương, người bạn thân của nhà dân tộc học Từ Chi cho rằng: Ông cụ và chú Anh Nguyễn Đổng Chi là người viết quyển Mọi Kontum, công trình biên khảo dân tộc đầu tiên theo hướng Tây phương, cho nên nếu Từ trở thành nhà dân tộc học thì cũng không có gì lạ[17]. Cũng giống như Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ngoài tài năng, Nguyễn Đức Từ Chi còn là một nhân cách lớn, đó là lối sống giản dị, chan hòa, tình nghĩa với bạn bè và đồng nghiệp, khiêm tốn và cẩn trọng cùng với một niềm say mê lớn với khoa học. Đặc biệt, theo Giáo sư Lê Hồng Lý, lúc sinh thời, nhà dân tộc học Từ Chi thường nhắc nhở các học trò của ông rằng lý thuyết cũng như quan điểm của nhà nghiên cứu có thể thay đổi theo thời gian, song tư liệu mà ta thu thập được ở những thời điểm thì không có gì thay thế được[18]. Vì vậy, qua các công trình mà ông công bố đã cho thấy một điều nổi bật là cụ Từ luôn nhấn mạnh đến tính bản địa trong nghiên cứu với nguồn tư liệu thực tế vô cùng phong phú, sống động được cộng đồng cung cấp. Điều này rất cần thiết vì nó góp phần hạn chế tính chủ quan, suy diễn và áp đặt của nhà nghiên cứu. Ông đã sắp xếp, hệ thống và đối chiếu cẩn thận tư liệu có được từ nhiều nguồn khác nhau để cho ra những kết luận thật xác đáng và sâu sắc, tầm cỡ. Cạp váy Mường, Món ăn Huế, món ăn Mường, Cõi sống và cõi chết trong quan niệm của người Mường, Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền Bắc bộ,…và nhiều công trình khác của ông đã thể hiện rõ điều đó. Phải chăng, ông đã học được điều đó từ cách nghiên cứu của bố mình-Bác sĩ Nguyễn Kinh Chi và người chú Nguyễn Đổng Chi? Chẳng hạn, đọc Mọi Kontum, chúng ta thấy hai tác giả đã dựa vào những tư liệu thu thập được mà có một phát hiện độc đáo và giải thích thuyết phục về tục cà răng căng tai của người Ba Na vốn có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ trâu làm vật tổ.

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi tuy đã vĩnh biệt chúng ta nhưng những công trình của ông để lại cho nền khoa học xã hội nước nhà thì rất lớn và vẫn còn nguyên giá trị. Mọi Kontum là một trong những công trình nổi bật và tiêu biểu của ông. Nó đã cho thấy một tài năng khoa học về dân tộc học và văn hóa dân gian ngay khi còn rất trẻ và cũng rất hiếm gặp. Có lẽ càng ca ngợi và nói nhiều về Giáo sư Nguyễn Đổng Chi thì càng không đúng với tính cách của ông. Nhưng điều đọng lại nhất với chúng tôi, đó là tinh thần say mê khoa học của ông như là ngọn lửa được truyền qua nhiều thế hệ và mãi cho đến tận hôm nay. Xin mượn vài câu trong bài ca trù do chính ông sáng tác để kết thúc bài viết này:

                                    “ Thân tuy lão, đâu đã cam lão đại

                                  Sổ về hưu vẫn ngần ngại chửa đăng tên

                                  Hãy còn dan díu bút nghiên[19]

ThS. Dương Hoàng Lộc

(Trường ĐHKHXH&NV TpHCM)

                                     Tài liệu tham khảo

  1. Robert M.Emerson-Rachel I.Frezt-LinDa L Shaw (2014), Viết các ghi chép điền dã dân tộc học (Writing Ethnographic Fieldnotes) (Ngô Thị Phương Lan và Trương Thị Thu Hằng dịch), Hà Nội, Nxb. Tri Thức.
  2. Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), Những cuộc đời những trang  thơ - Kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn quốc gia (1953-2003), Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội.
  3. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Ba-Na ở KonTum, Hà Nội, Nxb Tri Thức.
  4. Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM) (2006), Một số vấn đề phương pháp & lý thuyết nghiên cứu Nhân học, Tp.HCM, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM.

Nguồn: Sách Nguyễn Đổng Chi học giả-nhà văn, Nxb Trẻ, 2015.


[1] Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), Những cuộc đời những trang  thơ – Kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Khoa học Xã hội và nhân văn quốc gia (1953-2003), Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, trang 174.

[2] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Ba-Na ở KonTum, Hà Nội, Nxb Tri Thức, trang 64-66.

[3] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd, trang 129.

[4] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd, trang 214.

[5] Nguyễn Xuân Kính, Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam. In trong: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (2001), Một thế kỉ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, Hà Nội, Nxb.Văn hóa thông tin, trang 43-44.

[6] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd , trang 69.

[7]  Dẫn theo Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd, trang 65.

[8] Robert M.Emerson-Rachel I.Frezt-LinDa L Shaw (2014), Viết các ghi chép điền dã dân tộc học (Writing Ethnographic Fieldnotes) (Ngô Thị Phương Lan và Trương Thị Thu Hằng dịch), Hà Nội, Nxb. Tri Thức, trang 29.

[9] Dẫn theo Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd,  trang 74

[10] Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM) (2006), Một số vấn đề phương pháp & lý thuyết nghiên cứu Nhân học, Tp.HCM, Nxb. Đại học Quốc gia TpHCM, trang 29.

[11] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd,  trang 131-132.

[12] Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), sđd, trang 174-175.

[13] Robert M.Emerson-Rachel I.Frezt-LinDa L Shaw (2014), sđd, trang 33.

[14] Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), sđd, trang 184.

[15] Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), sđd, trang 192-193.

[16] Dẫn theo Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd, trang 74.

[17] Phạm Đức Dương, Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995), một nhà nhân học xuất sắc. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), sđd, trang 326. 

[18] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), sđd, trang 53.

[19] Dẫn theo Nguyễn Chung Anh, Nguyễn Đổng Chi nhà văn-nhà khoa học. In trong: Nguyễn Đức Tồn (chủ biên) (2003), sđd, trang 192.