1. Trong giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán - Nôm (Tập 1), nhà nghiên cứu Hán Ngữ Đặng Đức Siêu đã quan niệm: "Hư từ nói chung là những từ chỉ có ý nghĩa ngữ pháp về đại thể bao gồm: giới từ, liên từ, trợ từ các loại". Trần Văn Chánh trong cuốn Sơ lược ngữ pháp Hán Văn đã phân loại hư từ gồm 5 loại: phó từ, giới từ, liên từ, trợ từ, thán từ. Cổ văn xưa sử dụng hư từ rất nhiều bởi vì đó là những công cụ ngữ pháp quan trọng. Nó được dùng để diễn đạt tư duy phán đoán, suy lí, dùng để xác lập những quan hệ hoặc những tính hiệu ngắt câu (trong văn xuôi cổ ngày xưa người ta không dùng dấu chấm câu). Đó là những từ như: chi, hồ, giã, dã, hỉ, nhĩ, hựu, tương, dữ....Trong thơ cổ trước thời Đường số lượng hư từ cũng có hiện diện nhưng ít hơn so với văn xuôi:
Hỗ giang dữ tịch chi hề,
Nan thu lan dĩ vi bội,
Cốt dư nhược tương bất cập hề,
Khủng niên tuế chi bất ngô dữ.
(Ly tao - Khuất Nguyên)
(Hái giang ly và bạch chỉ a - Xâu lan mùa thu làm vòng đeo - Ta vội vàng như chẳng kịp a - Sợ tuổi tác chẳng chờ ta)
Do đặc điểm của thơ nói chung, thơ cần nói gọn, có vần, có nhịp, ngắt câu tương đối đều đặn... nên hư từ nhiều khi không cần thiết, nhất là đến thời Đường do đặc trưng nghệ thuật, do yêu cầu ngắn gọn hàm súc... nên hư từ càng giản lược đi rất nhiều.
2. Về quan niệm sử dụng hư từ trong thơ, các nhà lí luận cổ điển của Trung Quốc đã khá thống nhất với nhau ở một số điểm. Triệu Mạnh Phủ (đời Nguyên) cho rằng: "Thơ mà dùng hư từ thì yếu". Tạ Trăn, nhà bình luận đời Minh cũng nhấn mạnh: "Dùng nhiều thực từ thì ý giản mà câu mạnh, dùng nhiều hư từ thì ý phồn mà lời yếu". Như vậy trong quan niệm của các nhà lí luận cổ điển trên, việc vận dụng phổ biến thao tác tỉnh lược hư từ (đã trình bày cụ thể ở phần tỉnh lược) không giản đơn chỉ là vì yêu cầu kiệm lời mà chủ yếu xuất phát từ quan niệm về vẻ đẹp của lời nói hàm súc, cô đọng, giản dị. Trong thực tế, từ thơ Đường trở về sau và thơ chữ Hán của văn học trung đại Việt Nam, hư từ được sử dụng rất hạn chế trong thơ. Hiếm lắm ta mới bắt gặp những chi, hồ, giả, dã trong Đường thi.:
Tá vấn bạch đầu ông
Thuỳ vân kỉ thế dã ?
(Vương Xương Linh)
(Nhắn hỏi ông đầu bạc - Buông câu đó mấy đời ?)
Tự quân chi xuất hĩ,
Bất phục lí tân ki.
(Tự quân chi xuất hĩ - Trương Cửu Linh)
(Từ ngày chàng bước ra đi - cái khung dệt cửi chưa hề dúng tay)
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến tỏ ra kín kẽ hơn như Nguyễn Khắc Phi đã có những nhận xét xác đáng: "Trong luật thi, vận dụng hư từ rất khó song nếu vận dụng thành công thì đó lại thường là những điểm sáng của bài thơ. Thực từ như máu thịt, như xương cốt, hư từ như gân khớp. Gân khớp linh động mới chuyển động nhanh được"(1). Hay nói như Nguyễn Sĩ Đại: “Ta thấy cái đặc sắc của sự tỉnh lược. Nhưng khi cố tình dùng các hư từ, các nhà thơ tứ tuyệt đã đem lại cho người đọc một hứng thú không kém phần thú vị” (2). Như vậy trong thơ Đường vẫn có sử dụng hư từ tuy ở mức hạn chế nhưng khi đã sử dụng thì những hư từ ấy có giá trị không nhỏ trong việc tạo dựng những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ, thậm chí chúng được xem như là “nhãn tự”. Trong bài viết Cái hay của thơ Đường, nhà nghiên cứu Phan Ngọc (Nhữ Thành) đã có nhận xét: “Vì mục đích của thơ Đường là nêu tính thống nhất cho nên tất cả những hư từ này có tác dụng giới thiệu sự đồng nhất đều được sử dụng” (3). Thế nên ta không thể phủ nhận có một hệ thống hư từ đã được sử dụng trong Đường thi đã đem lại cho người đọc một hứng thú không kém phần thú vị.
3. Thơ thiên nhiên đời Trần đã tiếp nhận hệ thống hư từ này với tư cách là những “nhãn tự” đặc biệt. Hệ thống hư từ mà người viết muốn đề cập ở đây trước tiên là những hư từ như: dữ (與), tương (相), cộng (共). Có nghĩa đại khái là cùng nhau.
Trong bài thơ Xuân đán, Chu Văn An viết:
身與孤雲長戀岫,
心同古井不生瀾。
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
(Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi - Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng).
Câu thơ sử dụng dữ (與) nhằm thể hiện sự đồng nhất, hoà nhập giữa thi nhân và thiên nhiên. Nhà thơ muốn sống cảnh nhàn dật nơi thâm sơn, ở đấy chỉ có thiên nhiên và lòng người không còn vướng bận những nỗi lo toan của trần thế.
Một lần đến chùa Đông Sơn, Trần Minh Tông đã cảm tác bài Đề Đông Sơn Tự, trong hai câu thơ đầu như sau:
雲似青山山似雲,
雲山長與老僧親。
Vân tự thanh sơn sơn tự vân,
Vân sơn trường dữ lão tăng thân.
(Mây tựa núi xanh, núi tựa mây - Mây và núi mãi mãi gần gũi với nhà sư già)
Trong câu thơ này dữ có vai trò như một chất keo nối kết hai hình ảnh mây núi vào vị sư già nhằm khắc họa không gian Thiền, không gian ẩn dật tiêu biểu của Thiền nhân. Trong thơ Nguyễn Khuyến ta cũng bắt gặp hình ảnh này:
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá,
Sư cụ nằm chung với khói mây.
(Nhớ cảnh chùa Đọi)
Bên cạnh việc dùng dữ (與), thơ thiên nhiên đời Trần còn dùng tương (相), cộng, (共) để nêu lên quan hệ tương hỗ. Trong một bài thơ cảm tác trước cảnh xuân, bài Xuân Cảnh, Trần Nhân Tông đã viết:
楊柳花深鳥語池
花堂簷影暮雲飛
客來不問人間事
共倚欄杆看翠微
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi,
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thúy vi.
(Sâu trong khóm hoa dương liễu, chim hót chậm rãi - Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay - Khách đến chơi không hỏi việc người đời - Cùng dựa lan can ngắm màu xanh của chân trời).
Con người vô ngôn là hình ảnh nổi bật trong thơ thiên nhiên đời Trần. Các thi nhân đề cao sự trực cảm, bác bỏ sự suy luận lí trí nên họ xem thường ngôn ngữ, bởi ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng. Họ chủ trương con đường duy nhất đạt được chân lí là sự chứng nghiệm của bản thân chứ không thể thay thế bằng sự học hỏi qua những lời diễn giải, thuyết minh. Ở bài thơ này ta thấy khách và chủ vốn đều là những con người vô ngôn, họ không trò chuyện. Nhưng thực chất họ đã nói với nhau rất nhiều. Điều đó đã được thể hiện qua hư từ cộng. Cộng lúc này trở thành nhãn tự của cả bài thơ. Cộng thể hiện sự hoà nhập, hoà hợp giữa hai tâm hồn với nhau đồng thời giữa hai tâm hồn ấy với thiên nhiên tạo vật. Cả khách - chủ đều đã đạt được sự đại ngộ bởi khi họ đã cùng bình tâm, tâm đã tĩnh từ đó mà họ có thể chiêm nghiệm lẽ đời, những "nhân gian sự" từ thiên nhiên ngoại vật.
Thiền sư Huyền Quang viết trong Hoá châu tác:
海天草木共愁吟
Hải thiên thảo mộc cộng sầu ngâm
(Cây cỏ trời biển cùng ta ngâm nga nỗi buồn).
Nguyên tắc tìm kiếm mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên là cấu tứ phổ biến trong thơ thiên nhiên đời Trần. Ở câu thơ này, con người và thiên nhiên có sự đồng cảm sâu sắc cùng vui, cùng buồn, cùng hòa điệu. Hư từ cộng đã làm nổi bật mối giao cảm đặc biệt giữa người và cảnh. Đến đây ta lại nhớ đến câu thơ trong bài Sơ nguyệt của Nguyễn Du :
一庭霜露共愁眠
Nhất đình sương lộ cộng sầu miên
Trước khi Nguyễn Trãi viết những câu thơ như: "Núi láng giềng, chim bầu bạn - Mây khách khứa, nguyệt anh tam" (Thuật hứng XIX) thì trước đó hơn trăm năm năm Trần Anh Tông đã viết:
絕峰更有學仙者
清風明月相為鄰
Tuyệt phong cánh hữu học tiên giả
Thanh phong minh nguyệt tương vi lân (4)
(Trên đỉnh núi cao nhất lại có người học đạo tiên - Cùng gió mát trăng trong kết bạn láng giềng).
Hư từ tương trong câu thơ trên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác lập nghĩa cho cả hai câu thơ. Lúc này chữ tương đóng vai trò như là "một sợi dây liên hệ" nối câu trên và câu dưới. Bên cạnh ý nghĩa ngữ pháp, nó còn có sự liên kết về mặt ngữ nghĩa: con người (tiên giả) hoà hợp với thiên nhiên (thanh phong minh nguyệt) trở thành tri âm tri kỉ.
Trong một câu thơ khác trong bài Đăng Bảo Đài sơn, Trần Nhân Tông viết:
雲山相遠近
Vân sơn tương viễn cận
(Núi như mây, ngọn xa ngọn gần).
Hư từ tương ở trường hợp này, đã liên kết hai tính chất của vân sơn là gần xa góp phần tạo dựng một không gian trải dài từ gần cho đến xa.
Bên cạnh các hệ hư từ nêu trên thơ thiên nhiên đời Trần còn sử dụng các hư từ như: hựu (又), tại (在). Nguyễn Trung Ngạn, một đêm đậu thuyền ở Kim Lăng Thành đã cảm tác viết bài Dạ bạc Kim Lăng Thành trong đó có câu:
人在扁舟月在河
Nhân tại biển chu nguyệt tại hà
(Người thì ở trong chiếc thuyền hẹp, trăng thì ở trên sông).
Cùng với việc sử dụng hư từ tại (在) và vận dụng phép lặp trên chính hư từ ấy, thi nhân muốn nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa chủ thể trữ tình với vầng trăng: người cô đơn lạnh lẽo trên sông và trăng cũng vậy. Cảm khái về thân phận cô đơn, hoàn cảnh tha hương được khơi gợi từ chính tương quan giữa các hình ảnh được tạo dựng từ biện pháp lặp hư từ tại. Trong Xuân nhật khê thượng vãn hành Nguyễn Tử Thành viết:
月在松梢水在頭
Nguyệt tại tùng sao thuỷ tại đầu
(Trăng trên ngọn tùng, suối đầu nguồn).
Ở câu thơ này, phép lặp hư từ tại đã "cố định vị trí" hai không gian mang tính đối lập. Tuy nhiên với sự liên kết nội tại (do hiệu quả của phép đối, phép lặp mà hư từ tại đóng vai trò quan trọng) giữa các hình ảnh người đọc vẫn hình dung ra được bức tranh thiên nhiên có tính chỉnh thể rất cao.
Đặc biệt trong thơ thiên nhiên đời Trần sử dụng rất nhiều hư từ hựu (又): lại. Trong bài tứ tuyệt Hoàng Giang dạ vũ , Nguyễn Phi Khanh viết:
孤燈明又滅
Cô đăng minh hựu diệt
(Ngọn đèn hiu hắt sáng rồi lại tắt)
Hư từ hựu trong câu thơ này được sử dụng độc đáo. Nó thể hiện sự lặp lại của hai trạng thái sáng - mờ của ánh đèn cô đơn. Như đã nói ở trước hình ảnh "cô đăng" biểu trưng cho hình ảnh thi nhân. Qua đó giúp cho người đọc có thể hình dung ra được hình ảnh của một cô nhân đang thao thức suốt canh trường vì những trăn trở về giấc mộng hải hồ chưa thoả chí. Đây chẳng phải là thủ pháp "hoạ vân xuất nguyệt" quen thuộc trong Đường thi đó sao?
Bên cạnh đó, hư từ hựu còn nằm trong cấu trúc đối xứng ở các ngữ đoạn trong nội bộ câu thể hiện sự thừa tiếp. Có khi đó là sự thừa tiếp các hình ảnh không gian:
山青水綠又秋光
Sơn thanh / thủy lục / (hựu) thu quang.
(Phiếm chu - Huyền Quang)
Hình ảnh không gian nằm phía sau hư từ hựu đã bổ sung làm cho bức tranh thiên nhiên với non xanh nước biếc trở nên rộng lớn, khoáng đạt hơn. Từ đó càng đối lập với hình ảnh của con người nhỏ bé, cô đơn (tiểu đỉnh).
Cùng có những tác dụng đó hư từ hựu trong câu kết của bài Hoá Thành thần chung của Nguyễn Phi Khanh càng độc đáo hơn khi nó tạo sự thừa tiếp ở hai hình ảnh nhằm nối kết hai không gian: ở trên cao, ở dưới thấp từ đó tạo dựng không gian mang tính thống nhất:
月白又江空
Nguyệt bạch / (hựu) / giang không.
Hơn thế nữa ngoài việc thể hiện sự thừa tiếp của các hình ảnh không gian, hư từ hựu còn thể hiện sự thừa tiếp trong hành động:
Khan Sơn / khan thuỷ / (hựu) khan vân.
4. Như đã nói ở trên tuy hư từ được dùng hết sức hạn chế trong thơ thiên nhiên đời Trần, tuy nhiên khi tác giả đã dùng thì những hư từ ấy đều có giá trị biểu đạt rất cao. Đồng thời qua việc sử dụng hư từ trong thơ cũng góp phần khẳng định tài năng của thi nhân thời Trần. Đó là điều mà Phan Ngọc cũng đã khẳng định: "Giỏi thơ Đường là giỏi dụng hệ hư từ này chứ không phải giỏi điển tích, giỏi đối chọi"(5).
Chú thích
- Nhiều tác giả (1997),Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà Nẵng.
- Nguyễn Sĩ Đại (1996), Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, NXB Văn học, Hà Nội.
- Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.
- Vân Tiêu am.
- Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Văn Chánh (1997), Sơ lược ngữ pháp Hán văn, NXB Đà Nẵng.
- Nguyễn Sĩ Đại (1996), Một số đặc trưng nghệ thuật thơ tứ tuyệt thời Đường, NXB Văn học, Hà Nội
- Nhiều tác giả (2004), Từ điển thuật Ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
- Nhiều tác giả (1997), Về thi pháp thơ Đường, NXB Đà Nẵng.
- Phan Ngọc (1995), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, NXB Trẻ, TPHCM.
- Ngô Văn Phú (dịch) (2008), Đường thi tam bách thủ (唐詩三百首) do Hoành Đường Thoái Sĩ (蘅塘退士) soạn, NXB Văn học, Hà Nội.
- Đặng Đức Siêu (2004), Ngữ văn Hán Nôm, NXB Đại học Sư Phạm Hà Nội.
- Viện Văn học (1987), Thơ văn Lý Trần (tập 2), Uỷ ban KHXHNV - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Thị Băng Thanh (1999), Những suy nghĩ từ văn học trung đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần (tập 2- quyển thượng), Uỷ ban KHXHNV - NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam từ thế kỉ thứ X - thế kỉ thứ XIV, Trung tâm nghiên cứu quốc học - NXB Văn học, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016