08102024Tue
Last updateMon, 07 Oct 2024 12am

Ảnh hưởng của tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn đến tiểu thuyết ở đô thị Nam Bộ 1945-1954

 

Nguyễn Thị Phương Thuý(*)

Tham luận tại Hội thảo Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn - 80 năm nhìn lại    

             Với nhiều thành tựu rực rỡ cả về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng, Tự Lực văn đoàn không chỉ là dấu son của một thời kỳ hiện đại hoá văn học Việt Nam đầy sôi động mà còn để lại ảnh hưởng sâu đậm trong sáng tác của nhiều nhà văn cùng thời và giai đoạn sau. Đô thị Nam Bộ 1945-1954 đã chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của nhiều cây bút giàu lý tưởng tranh đấu bảo vệ quê hương, giàu tình cảm với nhân dân lao động và những người nghèo khổ, thể hiện qua những phong cách lý tính nhưng lại không hề thiếu chất hào hoa, lãng mạn. Sáng tác văn xuôi của họ mang không ít dấu ấn của Tự Lực văn đoàn từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật. Tôn chỉ, mục đích, nội dung tư tưởng và phong cách nghệ thuật của Tự Lực văn đoàn thống nhất trên tất cả các thể loại văn xuôi, và ảnh hưởng của họ đến văn học Nam Bộ không chỉ gói gọn ở lĩnh vực tiểu thuyết. Thế nhưng trong khuôn khổ một báo cáo khoa học, bài viết này chỉ có thể điểm qua ảnh hưởng của tiểu thuyết nhóm Tự lực đối với một số lượng giới hạn các tiểu thuyết của một số nhà văn Nam Bộ như Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, Sơn Khanh, Việt Quang, Thanh Thuỷ, Ngọc Sơn…