Mùa mưa Sài Gòn năm nay, Trương Gia Hòa cho xuất bản liền hai cuốn tản văn. Hôm ra mắt Đêm nay con có mơ không?** ở Đường Sách, trời đang mưa lớn bỗng ngớt hạt khi bạn bè đến chia vui cùng tác giả, người vừa bình an đứng dậy và tiếp tục cầm bút sau một cơn đau dài.
Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (NXB Văn hóa Văn nghệ - Phương Nam Book, TP HCM, tháng 11-2017) không tách khỏi mạch văn của Gia Hòa: tiếng nói hòa ái trong khát khao một gia đình hạnh phúc ấm êm, một tương giao thuận thảo với xóm giềng, thân bằng quyến thuộc. Chị đã gieo trồng mầm thiện trong cuộc đời lắm khi bạc ác này qua những trang văn về những bông huệ trắng của bà nội “thơm suốt thời hương khói thần tiên”, về những chiếc lá tràm khuynh diệp kỳ diệu lót dưới đáy hòm trước chuyến hành trình vĩnh cửu của ông nội, về khu vườn hoa khế hoa cau như có tiên nữ xuống xức dầu thơm, về những bông lựu vừa đậu trái trong bồn cây ở chung cư, về những cái vỏ nghêu xếp trên khoảng sân trước “thềm nhà nắng rụng”… Công cha, nghĩa mẹ, tình vợ chồng, bè bạn bao giờ cũng sâu sắc, linh động dưới ngòi bút Trương Gia Hòa.
Cuốn sách này không chỉ kể chuyện nhà chuyện cửa, chuyện “tuổi thơ dặm dài”, chuyện tivi, facebook và iPad, mà còn có tiếng vang vọng và ánh xạ của thời thế. Bởi tác giả không chỉ là một nhà thơ hiền dịu mà còn là một nhà báo có nhãn quan xã hội. Biết bao là đồng cảm khi Gia Hòa cùng ăn bữa cơm từ thiện với những người nghèo ở bệnh viện Ung bướu, dự lễ cúng kỳ yên với đồng bào Quảng Nam ở Bảy Hiền, hay dõi theo nhịp quang gánh của người đàn bà mòn dép chai vai trên những ngõ hẻm Sài Gòn. Nhà báo nghiêm khắc này cũng dành sẵn những bình luận tinh quái cho những kẻ trang hoàng chỗ ngồi để phô trương quyền thế, những nhà giàu mới nổi học làm sang với cái tủ sách chưng toàn tạp chí thời trang, những kẻ lắm đất đai mà không có nổi một “vườn hạnh” của riêng mình.
Cuốn sách không nói gì xa xôi mà luôn nhắc ta chuyện làm người. Làm người thật khó. Làm người nữ càng khó. Ôi, người đàn bà đầu trọc, người đàn bà tóc giả, người đàn bà quắt queo trong văn Gia Hòa, mỗi người là một số phận, họ đi qua cuộc đời khổ đau và trầm luân này, với “quang gánh mộng mơ” và “vết chai từ vô thức”, “oằn nặng trên vai biết bao lo lắng về kiếp người” mà lòng vẫn băn khoăn tự hỏi hôn nhân nên là hai bánh răng chỗ đầy chỗ khuyết hay hai vòng tròn tròn trĩnh như bông vụ.
Trong bài viết đầu tập sách này, Trương Gia Hòa có câu văn thật hay: “Như hôm nay, trên tầng cao của khu chung cư, cửa sổ mở toang cho gió tự do ra vào, tôi nằm im nghe đâu đó có cả mùi sen tàn tạ, như nghe được cả tiếng cá đớp trăng, nghe hết, tiếng xe, tiếng tình nhân, tiếng đêm thở ra một hơi dài buốt lạnh”. Câu văn làm tôi nhớ những bài thơ thời sinh viên của Hòa mà tôi đã chuyển cho Chim Trắng in thành một trang thơ cùng với Trần Lê Sơn Ý, Quốc Sinh, Trần Đình Thọ… Người thiếu nữ ngơ ngác năm xưa nay đã là một người đàn bà nhiều trải nghiệm, dẫu có lúc khóc thầm thì nước mắt cũng mau khô mà nhìn thẳng vào cuộc đời “lê thê bải hoải”.
Mong Trương Gia Hòa vẫn tiếp tục làm thơ và viết tản văn, để những đốm nắng vẫn rơi trên hiên nhà, để mây vẫn nhẫn nại bay qua bầu trời trên triền đê, như là bay từ thời thơ ấu.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
*Tản văn của Trương Gia Hòa, NXB Văn hóa Văn nghệ - Phương Nam Book, TP HCM, tháng 11-2017.
** Tác phẩm được Tặng thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2017.