Đối thoại với hoa (NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, tháng 11-2018), tập tiểu luận phê bình thứ 7 của Nguyễn Thị Minh Thái, là cuốn sách kỷ niệm 45 năm bước vào nghề văn của tác giả.
Đây cũng là cuốn thứ 3 trong bộ 3 tác phẩm cùng chủ đề, mà 2 cuốn trước là Đánh đường tìm hoa (2010) và Mặt người mặt hoa (2012) đều do NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM ấn hành.
Không ngại ngần đưa ra những phản biện
Thật khó xác định một thể loại nhất quán trong những cuốn sách gần đây của Nguyễn Thị Minh Thái: có tiểu luận phê bình, phỏng vấn, trao đổi, có ký sự nhân vật, chân dung và cả hồi ức. Trong đó, đối thoại là cái mạch vừa hiển lộ vừa ẩn tàng, làm sợi dây nối kết những trang văn: đối thoại giữa tác giả và nhà báo, giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận, giữa người sáng tác và nhà phê bình, đồng thời là tự đối thoại ngay bên trong tâm thức của người cầm bút.
Khi ra trường với tấm bằng cử nhân văn chương do Trường Đại học Tổng hợp đào tạo, cùng với lứa sinh viên tốt nghiệp năm miền Bắc vừa ngưng tiếng bom Mỹ và chớm thấy dấu hiệu hòa bình, mang theo hành trang là những bài thơ và tiểu luận công bố trong học đường, Nguyễn Thị Minh Thái có 4 năm thử nghề biên tập (ở NXB Văn học) và giảng dạy (ở Khoa Viết văn - Viết báo thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội) trước khi là thành viên của Tạp chí Sân khấu (năm 1977). Văn học - báo chí - sân khấu là cái trục mà cuộc đời và nghề nghiệp của bà xoay quanh và để lại dấu ấn sâu đậm trong những trang viết.
Nếu những nhà đạo diễn đàn anh học tập lý thuyết sân khấu phương Tây để vận dụng vào việc xây dựng kịch nghệ ở Việt Nam, thì người làm phê bình cũng có thể tiếp thu lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào việc phân tích, đánh giá những hiện tượng sân khấu trong nước. Xét cho cùng, trừ những tài năng kiệt xuất có tầm nhân loại, người làm văn nghệ thời nào cũng là làm với dân tộc mình và cho dân tộc mình là chính. Trong lĩnh vực nghệ thuật, đời sống văn hóa của dân tộc là đất đai màu mỡ cho sự ra đời và phát triển của các loại hình độc đáo: rối nước, chèo, tuồng, cải lương…
Nguyễn Thị Minh Thái không ngần ngại dấn bước vào những lĩnh vực đó, không chỉ để hiểu sự tương tác với kịch nói hiện đại mà còn để thỏa lòng đam mê nghệ thuật của mình và để hiểu sâu sắc hơn tâm hồn dân tộc. Bà cũng không bàng quan với những hiện tượng mới trong điện ảnh, hội họa, âm nhạc, múa… để làm tròn tư cách của một người mê mải dõi theo đời sống nghệ thuật đương đại của đất nước.
Cọ xát với dòng đời cuộn chảy, ngòi bút Nguyễn Thị Minh Thái không ngần ngại đưa ra những phản biện, chỉ trích về những vở hài kịch tầm thường, những chương trình truyền hình thực tế sao chép dễ dãi, những thảm họa truyền thông online, những biểu hiện của tình trạng sa sút trong đời sống văn hóa ở đô thị - điều mà bà gọi là “sự đảo lộn về chuẩn thẩm mỹ”. Những người trong cuộc thoạt đầu có thể khó chịu và cảm thấy phật ý với cách viết, cách nói có phần gay gắt, thậm chí hơi gây hấn của bà, nhưng rồi cũng chấp nhận những ý kiến ấy vì 2 lẽ: bà chỉ nói lên sự thực một cách thành tâm mà không hề “phủ nhận sạch trơn”; và bà cũng chưa hề truy đến cùng nguồn cơn của thực trạng chính là sự phản ứng lại một “chuẩn thẩm mỹ độc tôn” được du nhập trái với thẩm mỹ ôn nhu và hiếu hòa của dân tộc.
Kiên trì đồng hành với đời sống văn hóa nghệ thuật
Đọc lại những bài viết của Nguyễn Thị Minh Thái được tập hợp trong những cuốn sách dày dặn, có thể nói rằng, trong 4 thập niên gần đây, ở nước ta, hiếm có nhà phê bình nào đồng hành với đời sống văn hóa nghệ thuật một cách kiên trì và nhiệt tâm như thế. Nói riêng trên lĩnh vực sân khấu, ít có cây bút nào viết được nhiều và kỹ lưỡng như bà. Bà viết về công trình của những đạo diễn nổi tiếng, lẫn thử nghiệm nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng; về sáng tác của một vài quan chức văn nghệ, lẫn những bài thơ và trang văn lóe sáng của những tài năng mới định hình. Vượt qua đôi chỗ thù tạc, xuê xoa và văn phong báo chí, những bài viết của Nguyễn Thị Minh Thái về cả kịch bản lẫn vở diễn Quẫn, Rừng trúc, Hồn Trương Ba - da hàng thịt… có sức thuyết phục đối với công chúng. Phê bình như vậy không phải là thứ tầm gửi hay vật trang điểm, mà là tiếng nói nối dài ý nghĩa và sức sống của nghệ thuật trên nền tảng của văn hóa. Trong những năm dạy học ở Khoa Báo chí - Truyền thông, bà có điều kiện đúc kết thành quả lao động bền bỉ đó trong cuốn sách bổ ích cho việc đào tạo ở nhà trường: Phê bình văn học nghệ thuật trên báo chí (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005).
Là nhà giáo, nhà báo, nhà phê bình, đồng thời là nhà thơ, nhà văn, Nguyễn Thị Minh Thái biết cách thay đổi điểm nhìn trong trang viết của mình khi cần thiết. Có lúc bà nhìn trực diện vào sân khấu để nắm bắt toàn cảnh; có lúc bà ở hậu trường để nhìn thấy bếp núc của lao động nghệ thuật; lại có lúc bà đứng bên cạnh nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ, nghệ nhân để ghi nhận và sẻ chia tâm tình của họ. Thử đọc một đoạn viết về đám tang của NSND Lê Dung: “Không gian lễ tang ngập tràn tiếng hát của Lê Dung, trong những ca khúc đưa tiễn chính mình; người đàn bà hát cô đơn, khi nằm xuống đầu năm 2001, đã không thấy một người tình nào có mặt trong tang lễ mình, trọn vẹn từ đầu đến cuối”.
Không hẹn mà gặp, giáo sư Tất Thắng, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, khi viết lời tựa cho những cuốn sách trước đây của Nguyễn Thị Minh Thái đều nhận ra rằng tác giả, trong khi tái hiện chân dung tinh thần của các đồng nghiệp cũng đồng thời tự biểu hiện chân dung của chính mình. Đó là hình ảnh cô bé ngày sơ tán ở Thái Nguyên, nhớ bố mà chỉ được nghe giọng hát của bố qua chiếc loa truyền thanh thị xã. Đó là hình ảnh người nữ nghiên cứu sinh “nếm trải mùi vị xa xứ, khi những hàng cây nước Nga vào mùa trút lá, lá phong vàng rụng đầy như tấm thảm màu tươi vàng xao xác dưới chân. Mùa đông Nga. Chấp chới bay những bông tuyết xiên chéo ngàn ngạt muốt trắng ngoài cửa sổ. Tôi băng ngang vườn cây đã trút chẳng còn một chiếc lá trên cành… Dấu giày tôi in đậm trên tuyết trắng phau. Trên không trắng xám trời mây, vẫn không ngừng rơi những bông tuyết lạnh trên đôi má nóng bừng”. Hình như tác giả “khuyến mãi” cho ta những đoạn văn trữ tình đó để bù lại những lúc căng thẳng vì đối thoại biến thành tranh luận.
Đã gần hết 2 thập niên đầu của thế kỷ 21; trước bao nhiêu xáo trộn và phân rã giữa cảnh đời và trong lòng người, người đàn bà cầm bút đa đoan Nguyễn Thị Minh Thái chắc không dễ ung dung thưởng trà và mộng dưới hoa cho đến hết mùa sen, như thơ bà đã viết: Đầm sen vắng hoe/ hè qua/ để lại thẫm xanh/ tầng tầng lá già/ và để lại/ nỗi buồn còn già hơn lá/ nở muộn phiền trong lác đác hoa…
Nguồn: Sài Gòn giải phóng, ngày 25.11.2018.