Năm qua, ở TP Hồ Chí Minh, hai cuộc thi văn học do Báo Người Lao Động và NXB Văn hóa – Văn nghệ tổ chức đã thu được kết quả là hai tập truyện ngắn: Ánh sáng giữa đời thường (NXB Hội Nhà văn, 2019) và Một nửa làm đầy thế giới (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019).
Là người theo dõi từ đầu hai cuộc thi và góp phần tuyển chọn hai cuốn sách nói trên, chúng tôi có một vài ghi nhận về những tác phẩm truyện ngắn mang hơi thở cuộc sống hôm nay.
Ảnh ký họa chân dung nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương – Tác giả: Thanh Hồ
Ánh sáng giữa đời thường
Đọc tập truyện Ánh sáng giữa đời thường, có thể cảm nhận những truyện ngắn này dường như cũng hấp thu chất thời sự nóng hổi của tờ báo; ngược lại nó truyền thêm cái tình, chất văn vào những dòng chữ in. Thật sự là không có gì lỗi nhịp với đời sống trong những truyện ngắn đã được tuyển chọn. Bạn đọc cảm thấy được hâm nóng bởi những vấn đề thời sự diễn ra hằng ngày: sự suy thoái của môi trường sinh thái, nỗi bất trắc từ những dự án thu hồi đất, nạn cờ bạc, nạn làm hàng giả… Đồng thời, người đọc cũng điềm tĩnh hơn trong nhận thức và lý giải nguồn cơn của những thực tế đó. Bóng tối đáng sợ nhất không phải là bóng tối ngoài xã hội mà là bóng tối trong lòng người. Ánh sáng có ý nghĩa cứu chuộc và giải thoát vẫn là ánh sáng của lương tri.
Tập truyện ngắn Ánh sáng giữa đời thường
Người lao động là những người làm ra sản phẩm cho xã hội trong cuộc sống thường nhật. Chính họ sáng tạo ra đời sống này, đất nước này. Các tác phẩm đã miêu tả chân thực cuộc mưu sinh tất bật và lao động nặng nhọc của người thợ xây, người làm ruộng, người thợ cắt tóc, người bảo vệ già, người lái xe ôm, người bán hàng rong, người đánh cá, cô giáo mầm non, thầy giáo vùng cao, người bác sĩ, người sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật… Không hiếm khó khăn, trở lực cả ở bên ngoài lẫn bên trong bản thân mà họ phải vượt qua để thể hiện chính mình bằng nghề nghiệp.
Những cảnh đời, số phận, tính cách và tâm tư của các nhân vật cho thấy họ không chỉ làm ra của cải vật chất mà còn sáng tạo nên những giá trị tinh thần, góp phần giữ gìn phong hóa của dân tộc. Giữa những cám dỗ ở đô thị hay cảnh đời lam lũ ở nông thôn, con người vẫn giữ gìn sự trong sạch, giữ tình đồng nghiệp, tình làng nghĩa xóm; người ta không thể vì kế sinh nhai hay vì một món lợi mà bất chấp đạo lý.
Truyện ngắn Dưới ánh sáng thiên đường của Trịnh Phương Trà khắc họa hình ảnh một người thầy thuốc nhân hậu đã chạy đua với thời gian để làm hồi sinh những trái tim đang kiệt sức. Sử dụng khéo léo một số từ ngữ chuyên môn, dồn nén thời gian trong không gian nhỏ hẹp của phòng mổ, tác phẩm đánh thức sự đồng cảm với những lương y giàu lòng hy sinh trong bối cảnh xã hội đang có biểu hiện sa sút về y đức.
Truyện ngắn Mùa đông đã về của Nguyễn Lê Vân Khánh, không đề cập trực diện đến lao động nghề nghiệp, nhưng bày tỏ một cách ứng xử của con người với đời sống, để cuối cùng tìm thấy sự bình an của tâm hồn qua công việc yêu thích nơi một quán nhỏ miền quê xa. Trái với truyện ngắn giàu chất thơ của Nguyễn Lê Vân Khánh là truyện ngắn dữ dội và đầy góc cạnh của Đặng Chương Ngạn: Bốn cái vỏ xe. Cài đặt những chi tiết trong một cấu trúc chặt chẽ dẫn đến kết thúc đau đớn, tác giả cảnh báo về luật nhân quả nhãn tiền nếu con người để cho quỷ dữ của lòng tham dụ dỗ sa vào điều ác.
Trong cuốn sách này có hai truyện ngắn viết về đề tài người lao động Việt Nam nơi xa xứ. Nếu nhân vật trong Trước giờ đi thật xa của Khánh Liên mang nỗi lòng giằng xé khi chia tay làng quê nghèo khổ ra nước ngoài làm việc với hy vọng đổi đời, thì nhân vật trong Phỏng vấn của Kiều Bích Hương tự tin chứng tỏ được lòng trung thực và năng lực để chinh phục người tuyển dụng vào vị trí điều dưỡng viên ở một nhà dưỡng lão nơi xứ người. Thì ra ở đâu trên trái đất này, người lao động yêu nghề cũng xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm mà rèn luyện cho mình kỹ năng cần thiết để làm việc. Ngay trong nghịch cảnh, những người lao động chân chính, qua sự chọn lựa của mình, vẫn nêu cao phẩm giá con người Việt Nam.
Một nửa làm đầy thế giới
Những người đàn bà trong tập truyện Một nửa làm đầy thế giới tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. “Một nửa” chỉ là cách nói hình ảnh. Thật ra, phụ nữ là tất cả cuộc đời này. Sự khiếm khuyết hay tổn thương của thế giới đó sẽ làm khiếm khuyết và tổn thương đến cả nhân loại. Có thể nói nữ giới quang gánh trên vai và mang nợ cho cả loài người.
Từ những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cho cả cuộc đời khốn khó này.
Tập truyện ngắn Một nửa làm đầy thế giới
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, người mà ngòi bút đã chạm đến trái tim chúng ta khi khắc họa những cảnh đời bất hạnh, có nói đến “sự cam chịu, nhẫn nhịn và yếu đuối” của một số nhân vật nữ. Quả thật vậy, có quá nhiều nước mắt, sự buông xuôi và thỏa hiệp trước những bất công ngang trái. Dù sao, cũng chính vì vậy mà chúng ta càng ý thức rõ hơn về vấn đề nhân phẩm và quyền hưởng hạnh phúc của người phụ nữ chưa bao giờ thôi là vấn đề cấp bách trong xã hội ta. Đọc Đường về Sai Chản, một truyện vừa thu gọn mang yếu tố phong tục của Phan Đức Lộc, có cảm giác như thời gian ngưng đọng từ lâu, khi mà trên một mảnh đất vùng cao, người con gái trở thành món hàng chuyền qua tay những người đàn ông. Dường như ở đâu ta cũng gặp những người đàn bà “tàn phai trong từng thớ thịt”, “số phận như trái bần trôi”, kéo lê cuộc đời qua “những tháng ngày nhàn nhạt” (Giấc mơ rơi ở chân cầu của Cát Lâm, Hái xuống chợ của Nguyễn Thu Hằng, Vé số của Y Nguyên). Trước những cảnh đời tù túng và bế tắc đó, người đọc dễ đồng cảm với sự phản kháng nhất thời nhưng quyết liệt của một nhân vật “muốn mọc vây mọc đuôi để có thể tự tạo đường bơi ngược” (Con Béncủa Võ Đăng Khoa) hay vỡ òa niềm vui trước hạnh phúc muộn màng sau những tháng ngày lay lắt trong nỗi cô đơn và hoài nhớ, bị bỏ quên trong tình cảnh nghiệt ngã đầy sóng gió (Người đàn bà lái máy cày của Hoàng Nghĩa, Vạc sành kêu sương của Triệu Vẽ, Dưới bóng cây gạo nở hoa của Tịnh Bảo, Cuối mùa cỏ cháy của Phong Dương), tuy đôi khi những kết thúc có hậu này chưa hoàn toàn thuyết phục.
Dù sao, thế giới vẫn tồn tại, con người vẫn phải sống, ngay trong nghịch cảnh. Người ta phải tìm một cách ứng xử điềm tĩnh với cuộc đời này. Đi câu cá trong ngày giỗ mẹ để nhớ lại niềm vui bình dị của mẹ lúc sinh thời, thay vì hòa nhập với màn kịch đạo đức giả, đó là một cách ứng xử, hơn thế, một cách “phản kháng” về văn hóa (Chở mẹ đi câu cá của Lê Ngọc Hạnh). Ở một phương diện khác, phẩm chất văn hóa của đời sống bộc lộ trong truyện ngắn Tràng phan của Tống Phước Bảo. Đây là một tác phẩm có cốt truyện lạ, viết về một nghề lạ ngày càng mai một ở một góc nhỏ ít người biết của thành phố chúng ta: nghề may cờ phướn. Qua câu chuyện làm nghề truyền thống, tác giả thể hiện tự nhiên, chân thực và cảm động về tình cảm gia đình, nỗi nhớ thương lưu luyến trong xa cách của những người phụ nữ đã bền bỉ gìn giữ nếp nhà thời mở cửa.
Thiết nghĩ, hai cuộc thi chỉ kéo dài trong vòng một năm mà tìm ra được tác phẩm chói sáng hẳn là điều bất khả. Nhưng nếu nhìn tổng thể, những tác phẩm in thành sách cung cấp cho chúng ta một bức tranh phong phú và đa dạng về chân dung, tính cách, tâm lý và sinh hoạt của con người Việt Nam hôm nay từ nông thôn đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Bảo vệ phụ nữ, trân quý người lao động và xây dựng một xã hội xứng đáng với phẩm giá con người chính là bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ cuộc sống và hạnh phúc của tất cả chúng ta trên đất nước này.
H.N.P