Lược sử văn học Việt nam

20210324

Lời nói đầu sách Lược sử văn học Việt nam

Văn học Việt Nam từ khu vực ra thế giới, từ truyền thống đến hiện đại

Trần Đình Sử

Văn học Việt Nam là một nền văn học vừa cổ xưa vừa non trẻ và đang hội nhập với thế giới hiện đại.

Nói cổ xưa vì văn học Việt Nam gắn với lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc Việt bắt đầu từ thời các Vua Hùng, gắn với văn học dân gian truyền miệng vốn có vị trí rất quan trọng, nó lưu giữ tinh thần, trí tuệ, ngôn ngữ và là nền tảng của văn học viết của người Việt qua bao nhiêu biến cố lịch sử truyền lại cho thời hôm nay.

Nói là non trẻ  vì khác với các nền văn học như Ấn Độ, Trung Hoa, Hi Lạp… là các nền văn học già,  có từ “thời gian trục” trước CN, văn học viết Việt Nam mới xuất hiện từ thế kỉ X sau khi giành độc lập từ các triều đại Trung Hoa.

Văn học viết Việt Nam bắt đầu với thứ văn tự ngoại lai là chữ Hán. Sự xâm chiếm của đế quốc nhà Tần năm 214 TCN và sau đó của nhà Hán năm 111 TCN làm gián đoạn sự hình thành “văn tự sơ khai không theo hình mẫu Hán” của các tộc Choang – Tày –  Việt[1] và áp lực chữ Hán khiến người Việt quen với chữ Hán sau nghìn năm Bắc thuộc, nhưng dưới thời Bắc thuộc người Việt không có văn học viết. Theo sưu tầm của Trần Nghĩa, suốt nghìn năm Bắc thuộc, số bài văn do người Việt viết còn lại vẻn vẹn 25 văn bản.[2]    Phải có một quốc gia độc lập, người Việt trở thành chủ thể thì mới có được văn học của mình. Từ thế kỉ X khi quốc gia đã giành được độc lập, để xây dựng nền học vấn, giáo dục, khoa cử  và văn học của mình, người Việt đã buộc phải di thực cả một ngôn ngữ, văn tự ngoại lai là chữ Hán, văn ngôn, các thể loại, thậm chí cả phong cách, điển cố,  thể thức diễn đạt trong văn bản hành chính và sáng tác văn thơ. Sự mô phỏng, vay mượn là không trành khỏi. Điều quan trọng là người Việt Nam đã vượt qua sự mô phỏng tầm thường để đạt đến  tinh hoa như nguyên mẫu và đi sâu biểu đạt tâm hồn dân tộc mình. Văn học chữ Hán thời Lý Trần có những thành tựu độc đáo, đến thời Hậu Lê thế kỉ XV – XVII văn học chữ Hán đã phồn vinh. Các tác gia văn học chữ Hán của Việt Nam đương thời đã thấy Hán văn của họ “không nhường Hán Đường”[3], và nhà văn Trung Quốc hiện đại đã thấy trong văn học chữ Hán ấy có những “đại bút trác việt”[4]. Văn học chữ Hán Việt Nam là một bộ phận của văn học chữ Hán Đông Á có bản sắc riêng, mang đậm tinh thần Việt Nam.

Không thể mãi mãi viết bằng chữ Hán, người Việt Nam đã mô phỏng chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm, thứ chữ thiên về biểu ý và biểu âm, để sáng tác tác phẩm bằng tiếng Việt. Sau những mầm mống từ đầu thế kỉ XII[5], XIII, đến thế kỉ XV đã có những tác phẩm hoàn chỉnh như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Tập thơ này đánh dấu sự hình thành văn học dân tộc bằng tiếng dân tộc. Văn học tiếng Việt hình thành hầu như  cùng thời với nhiều nền văn học lớn châu Âu như Anh, Đức, Ý[6].  Từ thế kỉ XVI trở đi đã có cả một dòng văn học tiếng Việt phát triển rầm rộ, đạt đến cực thịnh trong thế kỉ XVIII, cơ hồ lấn át thơ văn chữ Hán, khiến dòng văn học này bắt đầu suy thoái. Nó đã  sáng tạo ra các thể loại văn học độc đáo của riêng người Việt, Việt hoá nhiều thể loại văn học chữ Hán, biến thành tài sản của người Việt. Văn học tiếng Việt đã đạt đến mức nghệ thuật cổ điển, kết tinh trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và nhiều tác gia khác.Văn học chữ Nôm đã giúp cho văn học cổ điển Việt Nam thoát dần các khuôn mẫu Hán, trở về với các truyền thống Đông Nam Á, như các truyện thơ,  để trở thành văn học độc lập, biểu hiện sâu sắc tâm hồn Việt Nam. Tuy vậy chữ Nôm là một thứ chữ rất phức tạp, khó phổ biến cho nhiều người, bởi vì người học phải biết chữ Hán trước đã rồi thì mới có thể đọc được và viết được chữ Nôm. Sự lệ thuộc vào chữ Hán của thứ chữ này khiến cho nó gây khó cho người sử dụng. Đó là một điều rất bất tiện, chưa nói đến bất tiện trong phiêm âm các từ trong tiếng phương Tây và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Văn học Việt Nam đã kết tinh các truyền thống văn học ưu tú của văn học Đông Á. Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo lâu đời, đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống bản địa và khu vực.

Tuy nhiên văn học Việt Nam cũng không ở mãi trong cái khung khu vực. Sự tiếp xúc Đông Tây, bắt đầu từ các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra thứ chữ kiểu Latinh để ghi âm tiếng Việt, sau này gọi là chữ quốc ngữ. Sự xâm lược của thực dân Pháp, một mặt gây nên những biến động chính trị, xã hội, mặt khác tạo nên sự tiếp xúc của Việt Nam với phương Tây, dấy lên phong trào canh tân theo các tư tưởng tư sản Âu Mĩ. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, khi chữ Hán và các kì thi Hán học bị bãi bỏ, chữ quốc ngữ thịnh hành và cùng với nó, một nền văn học hiện đại theo kiểu châu Âu dần dần xuất hiện. Chữ quốc ngữ rất dễ học, chỉ học một thời gian ngắn là người ta có thể thoát nạn mù chữ mà không cần phải biết một thứ chữ nào trước đó làm tiền đề. Chữ quốc ngữ gắn liền với lời ăn tiếng nói hàng ngày, đoạn tuyệt hẳn với truyền thống biểu đạt của văn ngôn khiến cho văn xuôi phát triển. Tuy có làm gián đoạn truyền thống nhưng chữ quốc ngữ mở ra viễn cảnh mới rộng lớn, và sẽ được bù đắp lại bằng phiên dịch và phiên âm. Đến lúc này, người Việt  lại bắt đầu di thực các thể loại văn học châu Âu như du kí, phóng sự, kịch nói, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, khảo luận, luận văn, xã luận, thơ mới, thơ tự do… Từ mô phỏng đến sáng tạo là con đường tưởng như rất dài nhưng lại rất ngắn. Với chữ quốc ngữ văn học Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nhiều mặt của văn học phương Tây và đã tự thay đổi mình cả trong tư duy và diễn đạt. Ý thức logic và lí tính gia tăng rõ rệt ngay trong cấu trúc ngôn ngữ. Không đầy nửa thế kỉ, từ 1885 đến 1930, văn học Việt Nam ( từ một nền văn học trung đại cổ xưa, gắn với truyền thống khu vực) đã hoá thân thành một nền văn học hiện đại theo mô hình châu Âu, trở thành một bộ phận của văn học thế giới.

Vậy là với sự đổi thay ba thứ chữ viết, văn học Việt Nam đã tự thay đổi vận mệnh của mình, từ chỗ phụ thuộc vào các khuôn mẫu cổ xưa của chữ Hán, chuyển sang bắt đầu tự chủ bằng chữ Nôm, rồi hòa nhịp với thế giới theo hướng đa dạng, tự do với chữ quốc ngữ. Sự thay đổi này đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của văn học Việt Nam.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, văn học thế kỉ XX có vị trí và ý nghĩa đặc biệt, đồng thời  trải qua con đường quanh co do mấy cuộc chiến tranh tạo nên. Từ đầu thế kỉ XX đến 1945, ở Việt Nam đã hình thành một nền văn học hiện đại thực thụ và đã chớm có khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa. Từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa văn học thiên về  phục vụ công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Sau năm 1954, đất nước chia làm hai miền, văn học miền Bắc vẫn đi sâu vào con đường văn học vô sản, xã hội chủ nghĩa; còn ở miền Nam văn học đi theo ảnh hưởng của văn học Âu Mĩ đương đại. Sau năm 1975 đất nước thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, chiến tranh biên giới phía bắc và chiến tranh biên giới phía tây nam. Văn học bộc lộ những yếu kém của chính sách văn nghệ, dẫn đến cuộc đổi mới có tính “cởi trói”cuối năm 1986. Cuối những năm 90 của thế kỉ XX, sự thâm nhập của internet cùng với sự kiện Việt Nam gia nhập WTO (2007), văn học có những đổi thay mới, vừa duy trì chủ nghĩa hiện thực vừa có dấu hiệu hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại.

Với vị trí địa chính trị đặc biệt, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, văn học Việt Nam trước sau đều mang âm hưởng chủ đạo của chủ nghĩa yêu nước và bên cạnh đó là tiếng nói tố cáo sự bất công, oan khuất, chế giễu sự giả dối và tham tàn, thể hiện khát vọng tự do, dân chủ và hạnh phúc. Mười thế kỉ hầu như giẫm chân tại chỗ, ngưng trệ trong thi pháp văn học trung đại, nhưng từ cuối thế kỉ XIX thi pháp văn học bắt đầu đổi thay căn bản, hoàn toàn lột xác để thanh một nền văn học mới, hiện đại, trải qua nhanh chóng hầu hết các trào lưu văn học trên thế giới dưới dạng rút gọn và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào quá trình văn học thế giới.

Từ trước đến nay ở Việt Nam đã có nhiều bộ lịch sử văn học dân tộc gồm nhiều tập, chủ yếu dành cho sinh viên đại học chuyên ngành, mà chưa có một cuốn lược sử, ngắn gọn, dành cho mọi người, những ai muốn tìm hiểu lịch sử văn học dân tộc một cách đại cương. Nhằm mục đích đó, cuốn sách đã chia văn học thành những giai đoạn lớn, trình bày những khuynh hướng văn học nổi bật nhất. Quyển sách Lược sử văn học Việt Nam này được biên soạn chủ yếu dựa vào nhận thức chung đó. Sách gồm bốn chương, ứng với bốn phần, văn học dân gian Việt Nam, văn học trung đại Việt Nam, văn học hiện đại Việt Nam thời thuộc Pháp và văn học từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Các soạn giả được phân công phụ trách như sau:

Nguyễn Xuân Kính: Chương I;

Lã Nhâm Thìn: Phần 2.1, Chương 2;

Vũ Thanh: Phần 2.2, 2.3, Chương 2;

Trần Văn Toàn: Chương 3;

Nguyễn Văn Long : Phần 4.1 và 4.3 Chương 4;

Huỳnh Như Phương: Phần 4.2, chương  4.

Trần Đình Sử chủ biên và viết Lời nói đầu.

Sách khó tránh những khiếm khuyết, chúng tôi mong nhận được chỉ giáo từ bạn đọc.

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2019.

Lược sử Văn học Việt Nam

Các tác giả: Trần Đình Sử (Chủ biên), Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như Phương, Vũ Thanh, Lã Nhâm Thìn, Trần Văn Toàn

Nội dung:

- Văn học dân gian Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại

- Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến năm 1885: bản sắc riêng trong khu vực văn hóa chữ Hán

- Văn học Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1945: chữ quốc ngữ và quá trình hiện đại hóa toàn diện

- Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay: từ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đến đổi mới và hội nhập thế giới

Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, quý I năm 2021.


[1] Nguyễn Quang Hồng, Khái luận văn tự học chữ Nôm, NXb Giáo dục, 2009, tr. 79.

[2] Trần Nghĩa. Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt trước thế kỉ thứ X, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000.

[3] Ngô Thì Nhậm. Xem Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981, tr. 76.

[4] Vu Tại Chiếu. Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Quân sự nghị văn Bắc Kinh, năm 2000, tr. 96.

[5] Nguyễn Quang Hồng. Văn tự học chữ Nôm, Sdd, tr. 144.

[6] Sự kiện này tương ứng với sự hình thành văn học dân tộc của các nước châu Âu: nhà thơ Anh G. Chauser (thế kỉ XIII) bắt đầu làm thơ bằng tiếng Anh, Dante bắt đầu sáng tác bằng tiếng Ý thế kỉ XIV, Martin Opiz, Grimmenhauzen bắt đầu sáng tác bằng tiếng Đức thế kỉ XV.

Thông tin truy cập

63740759
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3630
35223
63740759

Thành viên trực tuyến

Đang có 480 khách và không thành viên đang online

Danh mục website