Cần đổi mới suy nghĩ về lịch sử và tiểu thuyết lịch sử

Trong những năm gần đây, tiểu thuyết lịch sử đã thực sự trở thành mối quan tâm của nhiều người, nhất là sau những thành công của Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Hoàng Quốc Hải, Võ Thị Hảo, Nam Dao… những sáng tác đó khơi gợi cho chúng ta những suy nghĩ mới về tiểu thuyết lịch sử và số phận của nó.

Lịch sử bao giờ cũng là gia tài của trí thức, người mẹ của chân lí. Những người băn khoăn về thời cuộc bao giờ cũng muốn trở về lật lại trang sử cũ để tìm câu trả lời cho các vấn đề hiện tại. Lịch sử là một hiện thực đặc thù, nó tuy có thật nhưng đã thuộc về quá khứ, tuy quá khứ nhưng nó vẫn là một bộ phận của hôm nay, không thể tách rời hôm nay, hàm chứa nhiều bí ẩn của xã hội và thời đại. Đúng là thời gian qua trong văn học Việt Nam đương đại đã xuất hiện nhiều tiểu thuyết lịch sử có giá trị, được bạn đọc chú ý, nhiều bộ sách đã tái bản nhiều lần với số lượng đáng kể trong tình hình sách xuất bản không lấy gì làm khởi sắc hiện nay, là một hiện tượng đáng chú ý. Đó là hiện tượng xuất hiện trong bối cảnh mối quan tâm về văn hóa ngày một gia tăng trong mấy chục năm qua. Trong học thuật nghiên cứu văn hóa nói chung cũng như văn hóa dân gian đều có tiến bộ. Trong hai cuộc kháng chiến chúng ta chủ yếu quan tâm các vấn đề chính trị, thế giới quan, lập trường giai cấp, nay xây dựng hòa bình, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, văn hóa xuống cấp, vấn đề văn hóa trở nên nổi bật, gay gắt.

Trước đây chúng ta cũng có viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng đó là loại tiểu thuyết lịch sử cách  mạng, viết về các tấm gương tranh đấu của lãnh tụ cách mạng thời trẻ, các chiến dịch, các cuộc khởi nghĩa…, trong đó các sự kiện lịch sử diễn ra theo quy luật đấu tranh giai cấp, địch ta, tiến bộ, phản động, nông dân với địa chủ, vô sản với tư sản, người yêu nước, kẻ bán nước, ngoại xâm, trong đó thường là ta tốt địch xấu, ta thắng địch thua, chủ yếu là ca ngợi chiến thắng, tạo thành một loại tiểu thuyết lịch sử chính trị theo quan điểm chính đảng. Đặc điểm của nó thường là có tính hư cấu tô hồng, điểm nhìn ý thức hệ, diễn ngôn chính trị, và các thứ đối lập khác. Nhiệm vụ của tiểu thuyết đó là ngợi ca anh hùng, tuyên truyền tấm gương chiến đấu, cổ vũ tinh thần hi sinh vì nghĩa lớn. Tiểu thuyết đó cũng thường quan tâm hành động chiến đấu bên ngoài, ít đi sâu vào phương diện tâm lí, nhân tính, vô thức, số phận. Quan điểm của tiểu thuyết đó không tránh khỏi hẹp hòi về phương diện ý thức hệ chính trị, các vấn đề phong phú của văn hóa dân tộc hầu như bị bỏ qua, vì cho là duy tâm, mê tín dị đoan, cổ hủ… Thời đó chúng ta khó mà có được các tiểu thuyết như của Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Mộng Giác… Chuyển hướng văn hóa trong tiểu thuyết lịch sử của ta phải được coi là một bước đột phá, một bước tiến, một hướng có tính phổ biến trên thế giới.

Trên thế giới sự đổi thay của tiểu thuyết lịch sử gắn với sự đổi thay về quan niệm lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân lịch sử người ta nhận rõ lịch sử chỉ là sự trần thuật về lịch sử, mà đã là trần thuật thì khó tránh chủ quan trong lựa chọn, phán đoán, từ đó tạo nên sự hoài nghi đối với tính chân thực của văn bản lịch sử. Quan điểm đó làm nảy sinh loại tiểu thuyết lịch sử mới. Đó là loại tiểu thuyết trở về với văn hóa dân gian, hệ thống nhiều điểm nhìn của người dân thường, diễn ngôn trần thuật của con người đời thường, loại bỏ diễn ngôn của nhà viết sử, diễn ngôn chính trị. Tiểu thuyết lịch sử ngày nay thay đổi khuynh hướng tự sự vĩ mô chủ yếu gồm vĩ nhân và quốc gia đại sự bằng tự sự mảnh ghép, gia tộc, cá nhân, từ lịch đại chuyển sang đồng đại… Có thể nói đó là khuynh hướng mới trong tiểu thuyết lịch sử trên thế giới.

Mọi người đều biết, mối bận tâm của các cây bút viết tiểu thuyết lịch sử là vấn đề quan hệ sự thật và hư cấu. Viết theo sự thật (cứ coi các sự kiện được ghi trong sử là sự thật lịch sử) thì người đọc mất hứng thú, bởi thế thì thà đọc sử còn hơn. Nhưng nếu chỉ chú trọng đến hư cấu mà bỏ qua sự thật lịch sử thì liệu có thu phục được người đọc. Nhiều người nêu câu hỏi, phải chăng quan niệm của nhà tiểu thuyết Pháp A. Dumas về tiểu thuyết lịch sử đã lỗi thời?

Sự thật lịch sử và hư cấu đúng là hai vấn đề then chốt của tiểu thuyết lịch sử, nhưng không phải là đối lập. Xét từ nguyên, từ lịch sử (histoire) có 6 nghĩa. Một là chuyện kể; hai là chuyện đã xảy ra; ba là chỉ quá trình phát triển (Marx nói về quan điểm lịch sử); bốn là đời sống của con người xã hội (trong Gia đình thần thánh Marx nói, “Lịch sử chẳng phải cái gì khác mà chính là cuộc sống của con người theo đuổi một mục đích của mình”); năm là quá khứ của hiện tại đã lùi xa; sáu là chỉ khoa học lịch sử, sử học. Xét qua 6 nghĩa ấy, thì vấn đề đặt ra là quan hệ giữa tiểu thuyết và sử học, nói cách khác là văn học và sử học. Tiểu thuyết và sử học giống nhau vì chúng đều là chuyện kể. Đối tượng chung của cả hai đều là cuộc sống con người đã lùi về quá khứ, trong đó có sự thật lịch sử. Người ta thường nói tiểu thuyết phải trung thành với sự thật lịch sử. Nhà mácxít Hunggari G. Lukacs trong công trình Tiểu thuyết lịch sử (1937) từng nói: tiểu thuyết lịch sử không chỉ phải bảo đảm được “không khí lịch sử trong việc miêu tả hoàn cảnh”, mà quan trọng hơn là “miêu tả trung thực bằng nghệ thuật một thời kì lịch sử cụ thể”. Điều quan trọng ở đây là không khí lịch sử của hoàn cảnh và trung thực với một thời kì lịch sử cụ thể. Không thể làm thay đổi không khí lịch sử cũng như thời kì lịch sử cụ thể. Mỗi thời có không gian, thời gian xác định, có những sự kiện, có tin đồn, có huyền thoại, có mối lo, niềm vui, có cung cách chạy các việc, có bài ca, tập quán, trang phục, lối nói cửa miệng… không thể lẫn với thời khác. Cái chính của tiểu thuyết lịch sử là sáng tạo nhân vật và đời sống của một thời kì lịch sử cụ thể không lặp lại đó. Sự kiện lịch sử là dấu ấn của một thời, không thể thiếu đối với tiểu thuyết lịch sử. Song chúng ta quá quen với một quan niệm về sự thật lịch sử như là một cái gì khách quan duy nhất, bất biến, chỉ thế này, không thể thế khác. Đó là vì chúng ta quá tin vào sử và là một nhầm lẫn. Sự thật lịch sử trước hết là một sự thật. Khái niệm sự thật là cái có thật, thực tế, đối lập với cái giả tạo, bịa đặt, không có thật, chính là một yếu tố của cái đối tượng mà nhà sử học nghiên cứu. Nhưng nhà sử học cũng như nhà tiểu thuyết không ai tiếp xúc được với sự thật của họ, vì nó đã vĩnh viễn thuộc về quá khứ, họ chỉ tiếp xúc được với các lời đồn, lời ghi chép về nó mà thôi, mà ghi chép thì mang tính chủ quan. Do đó, “sự thật lịch sử” là một khái niệm ẩn dụ, mang tính chủ quan. Vì thế từ lâu người ta xem chuyện viết sử có tính chất văn chương. Trong lịch sử nhiều nước, trong đó có nước ta thường có chuyện đem thần thoại, truyền thuyết đưa vào lịch sử. Nhà mĩ học Đức F. W. Schelling xem quá khứ là một nghệ thuật lịch sử. Nhà triết học Ý B. Croce nói: Khái niệm lịch sử phù hợp với khái niệm chung về nghệ thuật. A. Duroff xem nguyên tắc thẩm mĩ là nguyên tắc của sử học. Còn nhà kinh điển mácxít F. Engels nói: Lịch sử thế giới là một nàng thơ vĩ đại, mở đầu là bi kịch, kết thúc là hài kịch. Nhà nghiên cứu Nga A. V. Gulưga viết sách Mĩ học của lịch sử. Các quan niệm đó cho thấy lịch sử và tiểu thuyết rất gần gũi nhau, có họ hàng thân thích với nhau. Ngày nay các nhà tân lịch sử chủ nghĩa vẫn theo quan điểm đó. Theo họ thì lịch sử như một thực tại chỉ vĩnh viễn tồn tại trong tưởng tượng và văn bản đã có. Nói một cách chuẩn xác, cái gì là khách thể lịch sử nào? Khách thể lịch sử chính là sự biểu đạt về người và việc đã từng tồn tại. Thực thể của biểu đạt là văn bản, sách sử, tài liệu ghi chép. Hiểu như thế lịch sử thực chất chỉ là một thứ diễn ngôn mà thôi. Tin vào sự thật lịch sử thực chất là tin vào sự ghi chép của văn bản, tin vào một diễn ngôn. Lịch sử khách quan vẫn có, nhưng trước mắt ta chỉ có văn bản. Những sách sử chỉ là một cách ghi, một điểm nhìn, một lối tu từ, chỉ nhìn một phía, không phải là bản thân sự thật lịch sử hoàn chỉnh, với toàn bộ giá trị của nó. Do đó cuộc đi tìm sự thật lịch sử là việc của biết bao người, trong đó có nhà văn. Lịch sử dân tộc ta dưới thời phong kiến là lịch sử của triều đại, chủ yếu là dòng tộc trị vì, tuy gắn với dân tộc, đất nước, song vẫn có khoảng cách xa với dân tộc và đất nước, nhiều sự việc không được ghi. Triều đại sau lại viết lại lịch sử triều đại trước cho nên khó tránh sự việc có sai biệt. Sự thật là có nhiều sử và có nhiều sự thật lịch sử. Chỉ dựa vào ghi chép này rối tuyên bố ghi chép kia là xuyên tạc thì có khi cũng buồn cười. Vấn đề là chúng ta cần đối thoại với sử (văn bản), nghi vấn về sử (văn bản), đòi hỏi “giải thích”, “diễn giải” lại lịch sử, tạo ra diễn ngôn mới. Nói thế không có nghĩa là chúng ta hoài nghi các chiến công huy hoàng của dân tộc, hoài nghi sự nghiệp oanh liệt của các anh hùng kiệt xuất, những nhân vật lỗi lạc của dân tộc, mà chỉ muốn nói rằng, sử sách chỉ ghi một số ý kiến về các sự thật quá khứ mà không ai ngày nay được nhìn thấy, chứng kiến, chúng ta biết rất ít về nó, biết rất phiến diện, nhất là đời sống thực tế của những thời đã qua. Chỉ một việc đi tìm trang phục cổ của người Việt qua các triều đại cũng đã cho thấy cái biết của ta nghèo nàn, ít ỏi biết chừng nào. Không phải cái gì của người xưa cũng đã được lưu lại, được tả lại, kể lại đầy đủ, chi tiết. Ý thức cá nhân, tình cảm, cách thể hiện, cá tính… của nhân vật lịch sử vĩnh viễn mất đi theo cái chết của họ thì không thể tìm đâu được ngoài sự suy đoán, tưởng tượng. Chính vì vậy mà ngoài chính sử do nhà nước chủ trì, chỉ đạo trong các “quốc sử quán” ngày xưa do “sử quan” (ông quan viết sử) viết ra, hoặc cán bộ nhà nước của viện sử học ngày nay, dân gian còn có dã sử, có truyền thuyết, có diễn ca lịch sử, vè lịch sử, các giai thoại, truyện kể truyền miệng. Mà các hình thức sau là bước quá độ từ sử học đến nghệ thuật. Tất cả đều chỉ là đi tìm sự thật lịch sử mà thôi, và kết quả chỉ có được những “diễn ngôn tự sự” dưới dạng văn bản văn vần hay văn xuôi, truyền miệng hay chữ viết nào đó. Sự thật trong đó vẫn không phải là “sự thật” lịch sử. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết lịch sử (có thể kể cả kịch lịch sử, truyện ngắn lịch sử, truyện thơ lịch sử) trở thành một nhu cầu của mọi xã hội để làm sống lại quá khứ.

Nhu cầu tiểu thuyết lịch sử trước hết là nhu cầu diễn ngôn, là nhu cầu đối thoại, phản biện lại với lịch sử, nhu cầu đi tìm những khả năng đã mất, những góc nhìn mới. Tiểu thuyết lịch sử suy cho cùng cũng chỉ là một loại diễn ngôn đặc thù về sự thật lịch sử, không phải bản thân sự thật lịch sử. Để tạo ra được diễn ngôn về lịch sử thì tiểu thuyết lịch sử cần sử dụng những “sự thật lịch sử” nhất định, bao gồm sự kiện, nhân vật, phong tục, tập quán, đồ dùng, đồ trang sức, bài hát, trò chơi đương thời…, nhưng không thể đòi hỏi “hoàn nguyên lịch sử”, một việc mà bản thân sử học cũng không làm được. Ở đây câu nói nổi tiếng của A. Dumas vẫn đúng. “Sự thật lịch sử” mà mọi người đã biết theo sách sử đóng vai trò là những kí hiệu đánh dấu cái thời mà nhà tiểu thuyết miêu tả, nó là cái đinh để nhà văn treo câu chuyện của mình lên. Nhưng nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử không phải là kể lại, tái hiện “sự thật lịch sử”, như trong sách sử. Như thế người đọc chán là phải, bởi đó là sao lại sách sử, có thêm thắt ít nhiều, có gì thú vị đâu. Nhiệm vụ của tiểu thuyết lịch sử là sáng tạo ra diễn ngôn mới về lịch sử, nêu ra cách nói mới, góc nhìn mới, phán xét mới, gợi mở khả năng mới. Ở đây trong tiểu thuyết lịch sử “sự thật lịch sử” chỉ là đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật, chứ không phải là nội dung của tiểu thuyết lịch sử. Nhầm lẫn rất lớn, tồn tại dai dẳng lâu nay là mỗi khi nói đến tiểu thuyết lịch sử thì người ta đều đòi hỏi trung thành với “sự thật lịch sử” như là yêu cầu về nội dung của tiểu thuyết, mà không biết rằng, đó chỉ là ngôn ngữ, còn nội dung là cái tư tưởng mới mẻ, độc đáo sâu xa về ý nghĩa của lịch sử đã khích lệ nhà văn cầm bút. Sự thật lịch sử là ngôn ngữ đặc thù của tiểu thuyết lịch sử. Không có ngôn ngữ đó thì không có tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử khác với các tiểu thuyết khác chính ở ngôn ngữ đó. Nhà văn có thể bỏ qua không nói đến hoặc nói nhầm một vài sự thật lịch sử mà tiểu thuyết vẫn có thể có tính chân thật. Tính chân thật lịch sử không ở ngôn ngữ mà ở bản thân sự diễn giải của diễn ngôn. Chính vì lẽ đó mà A. Dumas coi “sự thật lịch sử” chỉ là cái đinh để nhà văn móc lên cái áo của mình.

Hư cấu là bản chất của tiểu thuyết, thể hiện bản chất của sáng tạo nghệ thuật. M. Gorki từng nói tỉ lệ sự thật và hư cấu trong tiểu thuyết là 2/98. Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử như Tam quốc diễn nghĩa người ta thường nói tỉ lệ đó là 3/7, nhưng thực tế là lớn hơn nhiều. Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử theo tôi không phải là bỏ qua sự thật lịch sử, mà là tưởng tượng lại sự kiện, nhân vật lịch sử theo những khả năng mà tài liệu mách bảo, hoặc là đặt một nhân vật hư cấu vào trong một bối cảnh lịch sử để khám phá tư tưởng, tình cảm hành động của một thời kì cụ thể. Nhà văn có quyền giải thích sự kiện khác với định luận trong sử. Ở Trung Quốc, Quách Mạt Nhược thường viết loại kịch “phiên án”, tức lật ngược nhận định của lịch sử. Mở màn vở kịch Thái Văn Cơ, Thái Văn Cơ, người tình của Tào Tháo đang ngồi vá cái chăn rách và nói với Tào: “Cái chăn này mình đắp đã mười năm rồi đấy nhỉ!”. Thật khó tin, nhưng tác giả có sở cứ. Sự thật lịch sử theo Ju. Lotman, là sự thực hiện một trong vô vàn khả năng của hiện thực quá khứ, sự thật đó đã làm cho vô vàn các khả năng lịch sử khác mất cơ hội được thực hiện, mà thiếu chúng, ta khó mà hiểu hết hiện thực. Nhà văn Nam Dao trong một bài viết có nói: “Tưởng tượng, Nguyễn Huệ không chết sớm, Minh Mệnh không tàn sát giáo dân, Tự Đức nghe và làm theo điều trần của Nguyễn Trường Tộ, v.v… thì hôm nay thế nào?”. Nhân vật lịch sử cũng là con người, do khả năng về trí tuệ, tri thức, tính cách, tu dưỡng… mà họ có thể khôn ngoan hoặc dại dột, có thể hủy hoại một cơ đồ. Vì vậy đi tìm các khả năng đã mất, phân tích các nguyên nhân sâu xa để tạo mới diễn ngôn, hiểu mới lại lịch sử. Tiểu thuyết hư cấu, theo tôi không phải là bịa đặt tùy tiện, mà là đi tìm lại các khả năng đã mất để lí giải cái khả năng đã được thực hiện, tìm xem nó đã bị đánh mất như thế nào. Bằng cách đó đọc tiểu thuyết lịch sử con người trở nên thông minh hơn, sáng suốt hơn, biết trân trọng, không bỏ qua các cơ hội nghìn năm có một để quốc gia hưng thịnh, con người hạnh phúc. Tiểu thuyết lịch sử nào cũng mang trong mình hai lần lịch sử: lịch sử thời đã qua và lịch sử thời người viết đang sống. Chỉ quan tâm thời đã qua mà không nêu được vấn đề quan tâm của người hiện tại thì tiểu thuyết cũng khó hấp dẫn. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử là cách diễn giải mới đối với lịch sử. Đó là ưu thế của tiểu thuyết lịch sử so với lịch sử. Mà nếu chỉ quan tâm hiện tại bỏ mất lịch sử thì không có tiểu thuyết lịch sử nữa. Tính hiện đại của diễn ngôn là điều bắt buộc, không tránh được. Diễn ngôn là những quy tắc phát ngôn, thường ẩn chìm trong vô thức cộng đồng quy định lối nói, cái gì được nói và không được nói của mỗi thời. Cái mới của diễn ngôn là vượt qua diễn ngôn cũ, tạo ra diễn ngôn mới. Mari A ngtoanet là một hoàng hậu được lịch sử coi là người dâm đãng, lăng loàn. Nhưng trong một phim truyện danh nhân, hình tượng hoàng hậu được sáng tạo  thành một người bình dị, hồn nhiên, yêu đời, yêu thiên nhiên và các loài vật. Tính cách đó trái ngược với lối sống kiểu cách của giới quý tộc, vì thế mà bà bị gièm pha, bài xích. Mozart là nghệ sĩ thiên tài, ông sáng tạo tự do và biểu diễn thành công, khiến cho vị nhạc sư cung đình không chịu được, đố kị và hãm hại. Cách giải thích sáng tạo ấy của Puskin được nhà điện ảnh đồng tình, đã sáng tạo thành hình tượng một nhạc sĩ tự do, đối lập với nhạc cung đình. Rất tiếc, ở Việt Nam rất ít phát triển tiểu thuyết danh nhân, một chi loại của tiểu thuyết lịch sử.  Dĩ nhiên cũng có một số truyện về Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, nhưng phần nhiều thiên về kể chuyện, ít có ý thức tạo diễn ngôn mới về nhân vật. Truyện danh nhân lãnh tụ của Liên Xô trước đây có nhiều kiêng kị. Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết lịch sử của Liên Xô viết về Lenin. Họ có hẳn một ngành sáng tác về Lenin được gọi là “Leniniana”, quy tụ vào đó nhiều nhà văn tài năng, nào Valentin Kataev, Maria Prilegiaeva, Sava Dangulov, Marietta Shaginhian và nhiều người khác. Có một sự thật là Lenin thường xuyên bị các cơn đau đầu hành hạ cả trong cuộc họp, trong khi viết bài, đọc sách, khi dự míttinh, nhưng ông đau bệnh gì thì không ai nói. Mãi sau khi Liên Xô sụp đổ người ta mới cho biết ông đau một thứ bệnh làm hủy hoại thần kinh. Lenin vốn là người rất khỏe mạnh mà ông không có con, lại mất sớm. Nếu ông không mất sớm, hẳn lịch sử sẽ có những bước đi khác với bây giờ. Thời nào lịch sử và văn học về lịch sử cũng có kiêng kị, có độ vênh thì đòi hỏi sự thật lịch sử đối với thời xưa, khi sự kiêng húy còn khắc nghiệt hơn, hoặc không thua kém bây giờ, viết toàn sự thật lịch sử sao được? Trong đời sống có khi sự thật lịch sử to như cả một triều đại vẫn bị bỏ quên, bỏ qua, không muốn nói đến hoặc không được nói khác. Vì thế yêu cầu “sự thật lịch sử” khắt khe theo lối đối chiếu văn bản sử học với văn bản tiểu thuyết là sản phẩm của ngộ nhận về “lịch sử”. Nhưng coi nhẹ “sự thật lịch sử” là coi nhẹ ngôn ngữ của loại tiểu thuyết này, sẽ làm mất hứng thú của người đọc đối với nó. Nhà văn cần đột phá “sự thật lịch sử một thời”, phát hiện những sự thật lịch sử bị bỏ qua, bỏ sót, bị che giấu, bị tô màu, sáng tạo diễn ngôn mới về lịch sử mới tạo được sức hấp dẫn.

Có người nêu vấn đề, tiểu thuyết lịch sử thường có xu hướng tôn vinh lịch sử theo tâm thức chung của cộng đồng. Thái độ “tôn vinh” ấy sẽ như thế nào trong bối cảnh hậu hiện đại gắn liền với cảm hứng hoài nghi “đại tự sự” và “giải thiêng” huyền thoại?

Tôi nghĩ rằng văn học là biểu hiện giá trị nhân sinh, tôn vinh các giá trị của con người lịch sử, tôn vinh chiến công lịch sử là chuyện tối cần thiết. Văn học Việt Nam cần tôn vinh đích đáng các giá trị đích thực của văn hóa Việt, người Việt trong quá khứ, nhất là trong bối cảnh văn hóa xuống cấp, đạo đức suy thoái  như ngày nay. Song trong đời sống từng có xu hướng huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Thần thoại hóa, thánh hóa nhân vật lịch sử là xu hướng diễn ngôn lịch sử của một thời, một tầng lớp người, khi dân trí chưa cao, thông tin ít, con người dễ tin vào những biểu hiện huyền diệu, lúc đó thần thoại hóa dễ có tác động tuyên truyền thuyết phục. Hồi Cách mạng tháng Tám mới thành công, có tin đồn Cụ Hồ mắt có bốn con ngươi, giống với mắt của Văn Vương, người sáng lập ra nhà Chu của Trung Quốc. Trong bài viết Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dứt khoát phủ nhận tin đồn có khuynh hướng thần thoại ấy, và khẳng định Hồ Chủ tịch cũng là người như mọi người chúng ta, nhưng chỉ khác ở tầm vóc hành động và trí tuệ hơn người. Ngày nay thời đại bùng nổ thông tin, dân trí đã có sự thay đổi lớn, phải có cách thuyết phục khác. Tôn vinh theo lối thần thoại hóa thực chất là tôn vinh một chiều. Quan niệm hiện đại và hậu hiện đại về lịch sử đã có nhiều điểm mới, khác. Chủ nghĩa hiện đại nghi ngờ khả năng tiến bộ do lịch sử đem lại. Nhà mácxít phương Tây Walter Benjamin không tán thành quan điểm lịch sử của Marx. Còn lí thuyết hậu hiện đại thì coi lịch sử đã cáo chung. Lịch sử trong tiểu thuyết Kafka, Joyce nằm trong trật tự vĩnh hằng, lịch sử trong tiểu thuyết Marquez tuần hoàn, lặp lại. Lịch sử trong các tiểu thuyết của Mạc Ngôn không trùng, mà nằm song song với chính sử Trung Quốc cận hiện đại. M. Foucault chủ trương cắt rời, phủ nhận tính liên tục của lịch sử. Sau khi bức tường Berlin sụp đổ Fredric Fukuyama tuyên bố “lịch sử đã cáo chung”, nhưng với lí thuyết hậu thực dân, nữ quyền luận… lịch sử đang tái cấu tạo. Lịch sử không thể cáo chung được, nhưng nó có nhiều cách nhìn, nhiều đối thoại, bổ sung nhau. Thay cho đại tự sự là tiểu tự sự, thay đại lịch sử sẽ là tiểu lịch sử. Lí thuyết hậu thực dân phê phán các quan điểm của các học giả phương Tây áp đặt cho lịch sử, văn hóa các nước thuộc địa phương Đông, và như thế đòi hỏi lịch sử ở phương Tây phải viết lại. Trào lưu viết lại lịch sử cũng là một trào lưu đáng chú ý ở nhiều nước trên thế giới. Không nói đâu xa ở Trung Quốc người ta cũng đang viết lại lịch sử văn học, thay đổi bức tranh văn học bấy lâu nay quen nhìn một chiều. Lịch sử đã có những cách hiểu khác hẳn nhau thì tiểu thuyết lịch sử ngày nay cũng có nhiều con đường để khai triển. Đó là sáng tạo diễn ngôn về diễn ngôn.

Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam thời đổi mới có rất nhiều tác phẩm đến được với lòng người, được người đọc trân trọng, yêu chuộng. Điểm đáng chú ý nhất là nó đã vượt qua mô hình cũ và tạo ra nhiều hướng phát triển có hứa hẹn. Có hướng “văn chương hóa lịch sử” như Hoàng Quốc Hải với hai bộ trường thiên. Có hướng nghiêng về phương diện văn hóa, đối thoại văn hóa như Nguyễn Xuân Khánh, có hướng diễn giải lại lịch sử như Nguyễn Thị Lộ của Hà Văn Thùy, có hướng “phi trung tâm hóa” như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, có hướng phi huyền thoại hóa lịch sử như Hội thề của Nguyễn Quang Thân, có hướng đối thoại với chính sử như Mạc Đăng Dung của Lưu Văn Khuê, có hướng đổi mới cách nhìn như Biết đâu địa ngục thiên đường của Nguyễn Khắc Phê, có hướng viết “tiểu sử gia tộc” hư cấu, mà thực ra là viết lịch sử thời đại với con mắt giễu nhại trong Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, còn có hướng ngụ ngôn hóa lịch sử… Tất nhiên ý kiến đánh giá tiểu thuyết lịch sử hiện đang có nhiều khoảng cách xa, có nhiều vấn đề đáng quan tâm bàn bạc, song theo tôi có một khoảng cách không nhỏ là quan điểm cũ về lịch sử vẫn đang chi phối cách phê bình, không chấp nhận cái nhìn đa chiều về văn hóa và lịch sử. Những cái nhìn khác nhau vẫn có thể song song tồn tại. Tôi nghĩ rằng sáng tạo lại diễn ngôn lịch sử bằng nghệ thuật sẽ là một nguồn cảm hứng lớn cho các nhà văn Việt Nam hôm nay và ngày mai

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2012

Nguồn: http://www.vannghequandoi.com.vn

Thông tin truy cập

60776797
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20967
10454
60776797

Thành viên trực tuyến

Đang có 900 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website