Chuyển hướng văn hóa trong nghiên cứu văn học Trung Quốc

Nghiên cứu văn hoá học là một khuynh hướng mới rất sôi động trong nghiên cứu văn học Trung Quốc mấy năm gần đây. Hướng nghiên cứu nảy sinh từ những năm 50 ở Anh với trường phái Birmingham (R. Williams, R.Hoggart), ở Đức với trường phái Frankfurt (D. Kellner), những năm 70 ở Pháp với R.Barthes, . Họ chủ trương nghiên cứu các hiện tượng đời sống văn hoá như đấu vật, quảng cáo, thoát y vũ, kiểu dáng ôtô, minh tinh màn bạc…, phát hiện ý nghĩa văn hoá và ý thức hệ của chúng, vừa có thái độ phê phán vừa coi đó là đời sống bình thường của đô thị. Hướng nghiên cứu này đến những năm 80 lan sang úc, Canada, Mĩ, chuyển thành một hướng nghiên cứu có tính chất xã hội, chính trị như nghiên cứu nữ quyền, hậu thực dân và trở thành một trào lưu có tính thế giới.

Năm 1985, cùng với chuyến thăm Trung Quốc của F. Jameson nó được giới thiệu, nhưng chưa được chú ý. Năm 1992, với sự chuyển hướng kinh tế thị trường, các vấn đề xã hội mới xuất hiện, đặc biệt là văn hoá đại chúng, khiến người ta bắt đầu quan tâm vấn đề văn hoá. Đến cuối những năm 90 các học giả Trung Quốc mới thấy hết ý nghĩa của vấn đề, thế là Lí Âu Phạn, Uông Huy, Chu Tiểu Nghi, Từ Huỷ, Lí Đà, Lí Tượng Ngu, Nam Phàm, Đào Đông Phong, Trần Hiểu Minh, La Cương, Mạnh Phồn Hoa, Vương Đức Thắng, Vương Nhạc Xuyên…đều có bài viết về nghiên cứu văn hoá. Năm 2002 Kim Nguyên Phủ mở website culstudies.com, bắt đầu đồng loạt giới thiệu, tổ chức hội thảo, ra các tủ sách, phiên dịch giới thiệu nghiên cứu văn hoá rầm rộ vào Trung Quốc. Năm 2003 Đào Đông Phong, Kim Nguyên Phủ, Vương Đức Thắng công bố một chùm bài về nghiên cứu văn hoá trên Văn nghệ tranh minh số 6, gây thảo luận. Đến 2004 thì tạo được một phong trào rộng lớn.

Vì sao có cuộc chuyển hướng văn hoá như vậy? Theo Triệu Dũng, đó là vì nghiên cứu văn học sau khi “trở về với chính mình”, đóng khung trong văn học thuần tuý kinh điển và tinh anh, chân trời bị thu hẹp, bất lực trước sự biến đổi của văn học trong xã hội tiêu dùng. Lúc này trên thực tế văn học đã chuyển ra bên lề, không còn ở vị trí trung tâm, trong lúc đó văn hóa đại chúng trở thành một hiện tượng xã hội rộng lớn, gắn liền với kinh tế và tiêu dùng, một lĩnh vực đang ở trung tâm đời sống. Mặt khác, bản thân văn học đương đại cũng thay đổi lớn. Sáng tác văn học, ngoài tính thẩm mĩ, ngày càng mang thêm tính hàng hoá, tính thời thượng, tính bằng phẳng và chỉ còn là cái biểu đạt. Chúng có thể hấp dẫn, mua vui, lạ mắt, nhưng càng rời xa các nguyên tắc, quy phạm của văn học truyền thống để biến thành sản phẩm của văn hoá đại chúng. Như thế, nếu nghiên cứu như cũ thì phạm vi văn học bị thu hẹp, còn chuyển sang nghiên cứu văn hoá sẽ làm cho nghiên cứu văn học gắn bó với đời sống đương đại, là một cách để nó tự cứu mình.[1]Theo Trần Hiểu Minh, văn học đương đại Trung Quốc ngày càng mang sắc thái văn hoá, đặc trưng hình thái ý thức của nó nay đã chịu sự quy định của nhiều tầng thực tiễn lịch sử. Văn học Trung Quốc những năm 90 là sản phẩm dung hoà các yếu tố chính trị , văn hoá, kinh tế, làm cho văn học càng giống một thứ cận văn học, một thứ văn hoá tạp chủng.[2]”Văn học càng giống văn hoá”, nhận định đó chứng tỏ, nhà nghiên cứu văn học nếu vẫn dùng quan niệm, phương pháp, phạm trù của văn học truyền thống sẽ không tương thích với văn học đang biến đổi. Chỉ có vận dụng phương pháp văn hoá thì mới thích hợp. Nhà nghiên cứu Nghê Văn Tiêm nói: “Những người nghiên cứu văn học như tôi, sở dĩ chuyển sang nghiên cứu văn hoá, là bởi vì hiện nay văn học trong xã hội đã chuyển sang bên lề, biến thành những mảnh vụn, xuyên qua văn học mà quan sát sự đổi thay của văn hoá xã hội Trung Quốc đã trở thành một việc làm đáng ngờ, thậm chí là không thể, mà trong các hiện tượng văn hoá thông tục và rộng lớn lại có khả năng chứa đựng càng nhiều bí mật của Trung Quốc đương đại”[3].

Theo Đồng Khánh Bính, chuyển hướng văn hoá có một lí do khác ngoài văn hoá đại chúng. Lí luận văn học trước nay quá coi trọng tính tự chủ, tính thẩm mĩ mà ít chú ý mối quan hệ văn học với xã hôi, lịch sử. Các nhà nghiên cứu phương Tây kịp nhận ra, họ nhằm vào thân phận dân tộc, nêu ra “chủ nghĩa phương Đông”; nhằm vào giới tính, đề ra “chủ nghĩa nữ quyền”; nhằm vào vị thế các nước thế giới thứ ba đặt ra vấn đề “hậu thực dân”; nhằm vào văn bản và lịch sử mà đưa ra “chủ nghĩa tân lịch sử”. Các hướng nghiên cứu ấy làm cho các nhà nghiên cứu văn học TrungQuốc tự cảm thấy mình bị lạc hậu, muốn đuổi theo.[4]

Theo Đinh Hiểu Nguyên, Lỗ Khu Nguyên nghiên cứu văn hoá còn có một nhánh khác, đó là sinh thái văn hoá của văn học. Cần nghiên cứu văn học trong mối quan hệ với sinh thái tinh thần xung quanh nó, và mặt khác, với toàn bộ môi trường sinh thái tự nhiên của văn học nữa[5]. Có thể ghép vào nghiên cứu văn hoá vào một hướng nghiên cứu rộng lớn hơn là văn nghệ nhân loại học, nghiên cứu tương quan giữa văn nghệ với sự ý thức của nhân loại[6] (bao gồm các vấn đề như văn nghệ và chữa bệnh, văn nghệ và giới tính, văn nghệ và thần thoại, ma quỷ, văn nghệ và văn bản…). Như vậy nội dung nghiên cứu văn hoá có nội dung khá phong phú. Điều này đúng như Pierre Bourdieu đã nói: “Nơi nào đột phá giới hạn của bộ môn thì nơi đó sẽ có sự tiến triển của khoa học”.

Nhà nghiên cứu Vương Đức Thắng cho rằng coi thẩm mĩ hoá đời thường là “một nguyên tắc mĩ học mới”, theo tác giả Trương Tú Mai thì thẩm mĩ hoá đời thuờng là một “sách lược mới về nghệ thuật”, nhằm san bằng khoảng cách đời thường và nghệ thuật trong thời hiện đại[7]. Tác giả Kim Nguyên Phủ khẳng định “nghiên cứu văn học chuyển sang nghiên cứu văn hoá là tất yếu và hợp lí, đồng thời là một sự sáng tạo, một thành quả tích cực của thời đại mới, là một đột phá trong tình trạng khó khăn của lí luận văn học”.[8]

Nhưng nghiên cứu văn hoá như thế nào? Hầu hết những người hô hào chuyển hướng văn hóa đều xuất thân nghiên cứu văn học, vì thế nảy ra vấn đề mở rộng “biên giới” lí luận văn học. Nhiều người yêu cầu nghiên cứu văn học phải hướng về nghiên cứu “các hiện tượng thẩm mĩ hoá đời thường”, tức văn hoá đại chúng và vấn đề này được quan tâm nhiều nhất. Bước vào công nghiệp hoá, đô thị hoá, cuộc sống đời thường trở nên lặp lại, vật hoá, số hoá, cứng nhắc, đơn điệu, mất hết chất thơ tự nhiên. Nhưng mặt khác sự tồn tại của thị trường lại đòi hỏi tạo ra các nhu cầu tiêu dùng có tính chất thẩm mĩ và giải trí rất rộng lớn, xoá bỏ sự đối lập đời thường với nghệ thuật. Một số nhà nghệ sĩ, nhà tư tưởng trước đây như O. Wilde, M. Foucault, M. Duchamp, J. Dewey, L. Witgenstain thích xoá bỏ ranh giới nghệ thuật và đời thường như mặc những bộ áo quần khác thường, có cử chỉ, điệu bộ nghệ thuật, thẩm mĩ hoá. Tác giả Anh Mike Featherstone trong sách Văn hoá tiêu dùng và chủ nghĩa hậu hiện đại cho rằng thẩm mĩ hóa đời thường có ba nội dung: một là làm cho nghệ thuật bình thường hoá thành một thứ cận nghệ thuật, hai là đem đời sống chuyển hoá thành nghệ thuật, ba là làm cho các hiện tượng kí hiệu, hình ảnh tràn ngập đời sống. Biến cái siêu thực thành hiện thực. Do hình thái xã hội thay đổi, đời sống vật chất đô thị phong phú nên nhu cầu nghệ thuật hoá đời thường như ý tưởng Featherstone đang được thực hiện. Những quầy bar, thời trang, siêu thị, điểm nghỉ ngơi, điểm giải trí, thẩm mĩ viện, vườn hoa đường phố, công viên theo chủ đề…đều được mĩ hoá. Tất nhiên, các hiện tượng nổi bật của văn hoá đại chúng như phim bộ, tiết mục truyền hình, truyện tranh, văn học thông tục, giải trí, gala cười, các trò chơi gams, đồ chơi, quảng cáo, thời trang, âm nhạc thời thượng, karaoke…tràn ngập đô thị. Trong sự muôn màu của văn hoá đại chúng ẩn chưa vật dục, sắc dục, quyền lực dục. Đó là một hiện tượng văn hoá xã hội không thể coi thường và là đối tượng của nghiên cứu văn hoá. Tuy nhiên đó không phải là đối tượng của nghiên cứu văn học, nhưng liên quan đến văn học, bởi vì đó là hiện tượng mang nội dung ý thức hệ. Văn hoá xã hội là một quá trình tự động truyền bá, không chịu sự ràng buộc của tầng lớp trí thức. Hiện tượng thẩm mĩ hoá đời thường là hiện tượng thẩm mĩ, có người xem nó “lật đổ” khái niệm thẩm mĩ của Kant, “trở thành một thứ luân lí đời thường mới, một hiện thực thẩm mĩ mới”, nó “mở ra một cao trào khoái cảm cho con người”, đòi hỏi mở rộng nghiên cứu. Mặt khác văn hoá đại chúng là một hiện tượng ý thức hệ, “thẩm mĩ của ai”, nghiên cứu nó để hiểu ý thức hệ thời đại.

Một loại quan điểm có tính bảo thủ như của trường phái Frankfurt thì xem văn hoá đại chúng có các thuộc tính như “tiêu chuẩn hoá, mô hình hoá, tính thủ cựu, tính lừa mị”, nó là thứ sản phẩm “khống chế người tiêu dùng”. Xét về mặt ý thức hệ, nó đại diện cho sự sáng tạo cảm tính của tập đoàn chiếm hữu tư bản văn hoá xã hội, do đó không nên dể dãi lúc nào cũng xem chúng là đại diện cho tiến bộ, dân chủ, nhưng về mặt giải mã kí hiệu, chiến lược tự sự rất dể rơi vào cạm bẩy. Dương Xuân Thời chủ trương “Triển khai phê phán thẩm mĩ đối với đời thường”[9].

Một loại ý kiến khác thì xem bộ phận hưởng lạc của văn hoá đại chúng chỉ là một phần nhỏ, còn phần lớn của “thẩm mĩ hoá đời thường” tạo điều kiện cho con người có sự hài hoà giữa lí tính và cảm tính, nên cần có thái độ khoan dung.[10]Có nhà mĩ học như Chu Đức Vinh cho rằng việc thẩm mĩ hoá đời thường chỉ có giới hạn, vì đó là hai lĩnh vực khác nhau. Khi mĩ hóa thì cái phần đời thường đã rời bỏ đời thường mà đi vào thế giới thẩm mĩ, không nên đồng nhất một cách dung tục. Theo ông thẩm mĩ dù ở đâu thì đều cùng một bản chất như nhau. Mĩ học không thể tầm thường hoá đến mức dạy người ta cách tô son môi và làm kiểu tóc. Tuy nhiên ở Mĩ Nancy Etcoff có sách Survival of the Prettiest, bản dịch Trung văn là Kẻ đẹp được sống (nxb. Hữu nghị, 2000), nghiên cứu cụ thể về vẻ đẹp của người, trong đó gồm vẻ đẹp, trang sức, biểu hiện, kích thước cơ thể, trang phục. Điều này chứng tỏ đi vào đời thường mĩ học vẫn có dất dụng võ.

Về phương pháp nghiên cứu văn hoá trước hết phải khẳng định đó là nghiên cứu liên ngành. Nó bao gồm phương pháp dân tộc học (ethnography), phương pháp phân tích văn bản (textual approaches), phương pháp tiếp nhận (recepion studies), phương pháp xã hội học. Ngoài ra còn dùng phương pháp nghiên cứu trường hợp cụ thể, phương pháp phân tích triệu chứng. Theo Vương Nhạc Xuyên quan trọng nhất là phương pháp phân tích diễn ngôn. Diễn ngôn là một chỉnh thể chung nhất của biểu đạt, với phương thức không xác định nhất biểu thị tính năng của từ ngữ. Nó có cấu trúc trần thuật chỉnh thể, bất kể là diễn ngôn triết học, kinh tế, tri thức hay quyền lực chúng ta đều có thể tìm được mô hình hoạt động cơ bản của nó và nêu ra sự chất vấn. Diễn ngôn đối với ý nghĩa ẩn giấu đều có sự che đậy , như thế qua lời nói đã phát ra có thể tìm được điều ẩn giấu, điều đã nói từ trước hay điều chưa tiện nói ra. Phân tích diễn ngôn cần chú ý “chỗ gẫy”, “vết nứt”, chỗ mâu thuẫn, xung đột. Cần có một cách nhìn cởi mở hơn để nhìn nghiên cứu văn hoá. Nhìn lực căng giữa hình thái ý thức, tư thế Tây học và lập trường dân tộc; từ văn hoá chữ viết đến văn hoá hình ảnh nhìn ra nguyên nhân nội tại của các vấn đề ồn ào của văn hoá tiêu dùng trên phương tiện truyền thông; từ mô hình văn học thuần tuý nhìn sang mô hình thẩm mĩ mới của chủng tộc, giới tính, giai cấp, văn hoá vùng, văn hoá phương tiện, văn hoá nữ tính và hậu thực dân; từ sự chuyển đổi hình thái học thuật mà hình thành các hướng nghiên cứu mới. Nghiên cứu văn hoá đang tạo ra quá trình phá cũ xây mới rất mạnh.[11]

Tuy nhiên, từ nghiên cứu văn hoá mà nêu vấn đề mở rộng biên giới lí luận văn học như Đào Đông Phong đề ra từ năm 2002 trong bài báo Thẩm mĩ hoá đời thường và sự trỗi dậy của nghiên cứu văn hoá – kiêm bàn về sự nghĩ lại đối với bộ môn lí luận văn học.[12]và một số bài khác, thì lại dấy lên một cuộc tranh luận rộng rãi về việc “mở rộng biên giới nghiên cứu văn học”. Cơ sở ý kiến của Đào Đông Phong là coi nhẹ bản chất của văn học(theo hướng “phản bản chất chủ nghĩa”), nhập nhoà ranh giới văn học, mĩ học, văn hoá đại chúng, cho nên mới đề ra khẩu hiệu mở rộng biên giới lí luận văn học, đòi hỏi nghiên cứu cả các hiện tượng xa lạ với văn học. Theo Triệu Dũng, hệ thống lí luận văn học hiện nay xây dựng trên nền tảng văn học kinh điển, không phù hợp với văn học hiện nay, là thời đại mà văn nghệ đại chúng là hình thức văn học chủ yếu, vì thế cần phải chuyển hướng nghiên cứu[13].

Theo ý kiến của Chu Lập Nguyên, “khủng hoảng” của lí luận văn học không phải vì “văn hoá đại chúng”, “thẩm mĩ hoá đời thường”. Do đó nghiên cứu thẩm mĩ hoá đời thường không giúp giải quyết khủng hoảng của lí luận văn học. Mặt khác, nghiên cứu văn hoá là nghiên cứu liên ngành, không có giới hạn cố định, không phải là môn chuyên ngành, do đó không thể dùng để cải tạo lại bộ môn lí luận văn học là môn chuyên ngành được. Tuy nhiên không phải vì vậy mà cự tuyệt nghiên cứu văn hoá. Văn học là một phần của văn hoá, biết sử dụng cái nhìn văn hoá thích hợp thì sẽ hiểu văn học sâu hơn, cũng có thể mở rộng diện nghiên cứu. Phương pháp liên ngành cũng có ý nghĩa đối với lí luận văn học.[14] Lí luận văn học sẽ là bộ môn mở, bao dung nhiều thành phần. Nó sẽ coi trọng nghiên cứu diễn ngôn, văn bản, văn loại, phương tiện truyền bá, văn học đại chúng, mối quan hệ giữa văn học và ý thức hệ, văn học và văn hoá…Lí luận văn học dù sao không thể như cũ.

Với chuyển hướng nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu văn học Trung Quốc đang mở ra những hướng nghiên cứu mới trong tầm nhìn văn hoá.

Thứ nhất, định hướng nghiên cứu thi pháp văn hoá, bao gồm thi pháp đối thoại và thi pháp cácnavan kiểu M. Bakhtin, nghiên cứu mẫu gốc huyền thoại kiểu Northrop Frye, trần thuật lịch sử kiểu H. White, so sánh văn loại học kiểu E. Miner, phê bình văn hoá kiểu F. Jameson. Theo khuynh hướng này người ta phát huy hướng nghiên cứu văn hoá học văn học vốn có của các nhà nghiên cứu Trung Quốc như Quách Mạt Nhược, Văn Nhất Đa, Chu Quang Tiềm, Tông Bạch Hoa[15]

Thứ hai, nghiên cứu mối quan hệ văn học với các truyền thống văn hoá, chẳng hạn văn học với Nho học, Đạo học, Phật học[16], văn hoá với thi ca, văn hoá với tư duy tiểu thuyết, sinh thái tinh thần với thể loại phóng sự… Mối quan hệ văn học với chính trị được nghiên cứu dưới góc độ văn học với văn hoá chính trị, văn học với các thể chế văn học như nghị quyết về văn học, phê bình văn học, tổ chức văn học, báo chí…Một số vụ án văn học nay được nhìn từ góc độ văn hoá, chẳng hạn trường hợp Hồ Phong.

Thứ ba, nghiên cứu “văn học đại chúng”. Nhiều hiện tượng văn học trước đây coi là văn học đại chúng, thông tục, không nghiên cứu, nay bắt đầu nghiên cứu, chẳng hạn tiểu thuyết của Trương Hận Thuỷ, Quỳnh Dao, Kim Dung, Trương ái Linh. Nhiều tác phẩm kinh điển của văn học cách mạng hiện đại Trung Quốc như tiểu thuyết của Triệu Thụ Lí, Rừng thẳm tuyết dày của Khúc Ba, kịch Bạch mao nữ, tác phẩm củaMao Thuẫn, Đinh Linh, Lương Bân, Dương Mạt, Liễu Thanh…được nghiên cứu trong mối quan hệ giữa văn nghệ đại chúng và hình thía ý thức[17].

Rõ ràng nghiên cứu văn hóa đã mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu văn học, cho phép người ta nhìn văn học dưới nhiều góc độ mới đầy hứa hẹn.

Trong trào lưu nghiên cứu văn hoá rầm rộ, nghiên cứu văn học thuần tuý vẫn tiếp tục. Vương Lạp Bảo nghiên cứu truyện ngắn như là Nghệ thuật thuần tuý nhất thế kỉ XX,[18] Trần Hiểu Minh có công trình Văn học thuần tuý không chết.[19] Đỗ Thư Doanh trong sách Văn học sẽ tiêu vong sao?[20] cũng khẳng định, dù văn hoá hình ảnh, văn hoá nghe nhìn phát triển đến đâu văn học thuần tuý vẫn không chết.

Nhìn sự chuyển đổi nghiên cứu văn học dưới tác động của tính hiện đại thì có thể thấy lí luận và nghiên cứu văn học Trung Quốc đang trải qua những biến đổi to lớn, dẫn đến sự hình thành một hình thái lí luận văn học mới là điều không thể tránh khỏi.


[1] Triệu Dũng. Khảo sát và phản tư về nghiên cứu văn hoá, Khoa học xã hội TrungQuốc, số2 – 2005.

[2] Trần Hiể Minh. Nghiên cứu văn hoá – thời đại hậu – hậu cấu trúc đang đến, trong sách Kim Nguyên Phủ biên soạn.Nghiên cứu văn hoá: lí luận và thựctiễn, Đại học Hà Nam, 2004, tr.36.

[3] Nghê Văn Tiêm. Hi vọng và cạm bẩy: từ mấy bài tập mà bàn về “nghiên cứu văn hoá”. Lí Đà, Trần Yừn Cốc chủ bên: Thị giới, tập số 7, nxb. Giáo dục Hà Bắc, 2002, tr. 114.

[4] Đồng Khánh Bính. Lời tựa cho tủ sách lí luận văn học và nghiên cứu văn hoá, Đại học Bắc Kinh, 2005, tr.2.

[5] Đinh Hiểu Nguyên. Sinh thái văn hoá và phóng sự, nxb. Tam Liên Thượng Hải, 2001.; Lỗ Khu Nguyên . Tầm nhìn sinh thái của phê bình văn học nghệ thuật. Học thuật nguyệt san, số1 – 2001.

[6] Diệp thư Hiến. Văn học và nhân loại học. Nxb. Văn hiễn khoa học xã hội, Bắc Kinh, 2003. Dịch Trung Thiên. Nhân loại học nghệ thuật. Văn nghệ Thượng hải, 2001. Lục Quý Sơn. Luận cương nhân học văn nghệ, Đại học sư phạmThiểm Tây, Tây An, 2000.

[7] Trương Tú Mai. Khảo về thẩm mĩ hoá đời thường, Tạp chi khoa học Đại học Nam Kinh, số 3, 9-2004.

[8] Theo tổng thuật của Bạch Diệp Tranh luận về thẩm mĩ hoá đời thường, Báo của Viện nghiên cứu văn học,

Ngày 7 – 7 – 2005.

[9] Dương Xuân Thời. Triển khai phê phán thẩm mĩ đối với đời thường. Văn nghệ tranh minh, số 2 – 2005.

[10] NgãiTú Mai. Khảo biện mĩ hoá đời thường. Tạpchi khoa học Đại học sư phạm Nam Kinh, số 3 – 2004.

[11] Vương Nhạc Xuyên. Hình tượng trong gương của Trung Quốc, nxb. Biêndịch trung ương, 2001, tr. 15 – 19.

[12] Đào Đông Phong. Bài đăng Khoa học xã hội Chiết giang, số1 – 2002. Ông còn có các bài: Thẩm mĩ hoá đời thường và phane tư về bộ môn nghiên cứu vănhọc, Khoa học xã hội Thiên Tân, số4 – 2004; Thẩm mĩ hoá đời thường và sự xây dựng lại môn xã hội học văn nghệ, Nghiên cứu văn nghệ, số 4 – 2004; Thẩm mĩ hó đời thường và sự trỗi dậy của người truyền thông văn hoá, Văn nghệ tranh minh, số 6 – 2003.

[13] Triệu Dũng. Diểm sinhtrưởng của lí luận văn học thế kỉ mới ởđâu? Văn nghệ tranh minh, số 3 -2004.

[14] Chu Lập Nguyên.Phản tư về chuyển hướng văn hoá học của lí luận văn học. Báo Khoa học Đại học sư phạm Thiên Tân, số 3 – 2005.

[15] Tưởng Thuật Trác. Thi pháp học văn hoá – lí thuyết và thực tiễn, Nhân dân văn học, Bắc Kinh, 2005.

[16] Ví dụ,các công trình của Cát Triệu Quang, Đinh Hiểu Nguyên. Sinh thái văn hoá và phóng sự, Nxb. Tam Liên, Thượng Hải, 2001; Ngô Sĩ Dư. Văn hoá Trung Quốc và tư duytiểu thuyết, Nxb. Tam Liên, Thượng Hải, 2000; VươngBản Triều. Thể chế văn học Trung Quốc đương đại. Nxb. Tân Tinh, Hà Bắc, 2007; Vương Lệ Lệ.Giữa văn nghệ và hình thái ý thức, Nxb. Đại học nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 2003.

[17] Đường Tiểu Binh soạn. Đọc hiểu lại. Văn nghệđại chúng và hình thái ý thức. Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, 2007.

[18] Vương Lạp Bảo. Truyện ngắn nghệ thuật thuần tuý nhất thế kỉ XX, Đông Nam đại học xuất bản, Nam Kinh, 2006.

[19] Trần Hiểu Minh, Văn học thuần tuý không chết, Đại học Bắc Kinh, 2007.

[20] Đỗ Thư Doanh. Văn học sẽ tiêu vong sao? Trung Sơn đại học xuất bnr, Quảng Châu, 2006.

Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-va-cac-khoa-hoc-giap-ranh/2119-tran-dinh-su-chuyen-huong-van-hoa-trong-nghien-cuu-van-hoc-trung-quoc-.html

Thông tin truy cập

60535441
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
16934
10018
60535441

Thành viên trực tuyến

Đang có 293 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website