Lý Lan trở lại với Bửu Sơn Kỳ Hương: Vận nước, phận người trong thời loạn

Nhà văn Lý Lan xây dựng 'Bửu Sơn Kỳ Hương' trên nền của lịch sử vùng đất Nam Kỳ vắt từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, nhưng lịch sử trong từng trang viết chỉ còn là những cảm niệm, những sợi chỉ màu lấp lánh nối từ tác giả đến người đọc.

Qyển tiểu thuyết mới của nhà văn Lý Lan - Bửu Sơn Kỳ Hương - mang chứa cả một thời tao loạn của đất Nam Kỳ, ở đó những phận người tứ xứ va đập nhau và các nền văn hóa giao nhau làm nảy sinh không chỉ một mối đạo mà mở ra những khoảng trời mới trong lịch sử vùng đất này.

Nhà văn Lý Lan xây dựng Bửu Sơn Kỳ Hương trên nền của lịch sử vùng đất Nam Kỳ vắt từ thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, nhưng lịch sử trong từng trang viết chỉ còn là những cảm niệm, những sợi chỉ màu lấp lánh nối từ tác giả đến người đọc.

Để từ đó, người đọc thấy được nghệ thuật gầy dựng các đầu mối quan hệ từ Biên Hòa đến Đề Ngạn (Chợ Lớn), về tận An Giang ở lục tỉnh của người Hoa từ khi hiện diện ở đất Nam Kỳ. Theo những thăng trầm thịnh suy của bốn thế hệ trong dòng họ Huỳnh dưới thương hiệu Phước Xuân Đường, sự trưởng thành của xã hội Nam Kỳ được phản ánh cùng với cả những xáo trộn loạn lạc ít ai hình dung hết được.

Bút pháp của Lý Lan khéo léo đến mức các mạch truyện được xây dựng đan cài nhau đủ sức che lấp cả phần chủ ý của tác giả.

Bạn đọc sẽ gặp một không gian u huyền của tự nhiên, một quang cảnh ngổn ngang của lịch sử, một gặp gỡ như định mệnh của nhiều nền văn hóa, một khắc ghi kỳ thú về phong tục, sinh hoạt và ngôn ngữ; và trên hết là tình yêu, những mối tình trong trẻo thoáng qua hay nặng trĩu mùi tục lụy, thảy đều lỡ làng, mà người đã bước vào đó rồi thì một đời đi tìm và đau đáu nhớ thương...

TS Nguyễn Thị Thanh Xuân

 Người đọc đắm mình vào thế giới của các câu chuyện, thấy các nhân vật như bước ra từ thuở hàn vi của Trương Vĩnh Ký, tuổi thiếu thời của Tôn Thọ Tường, chứng kiến sự va chạm của văn minh phương Tây vào cộng đồng người Việt và khởi đầu của các công trình liên quan đến quốc ngữ gắn liền với những tên tuổi như Taberd, Huình Tịnh Paulus Của...

Ở đó còn có nỗi lòng của quan Phan Thanh Giản khi phải tất tả mấy lần xuôi ngược từ kinh đô Huế vào Nam Kỳ rồi ra nước ngoài chỉ vì muốn yên dân những kẹt giữa thế triều đình đang không còn phương sách gì có thể giữ nước...

Trong mạch truyện đó, sự kiện Lê Văn Duyệt mất rồi dẫn đến loạn Lê Văn Khôi ở đất Sài Gòn - Chợ Lớn bấy giờ là một nỗi kinh hoàng cho nhiều cộng đồng cư dân đang làm ăn sinh sống nơi đây.

Thật thú vị khi nhà văn chọn góc nhìn từ trong lòng của xã hội Nam Kỳ lúc bấy giờ để ghi nhận không chỉ một sự kiện "giặc Khôi" mà còn theo dõi các diễn tiến cả bên trong và bên ngoài dẫn đến việc người Pháp đánh chiếm Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh.

Cũng nhờ góc nhìn đó, người đọc hôm nay như thấy mình dự vào một phần của lịch sử, thấy Châu Đốc thành đâu phải là nơi biên địa mà từng sầm uất phồn thịnh thế nào; thấy khả năng ứng phó của những ông chủ người Hoa trước biến động thời cuộc ra sao; và nhất là khả năng liên kết có vai trò quyết định giữa những người Hoa ở Đề Ngạn với xứ Quảng Đông, đất Nam Dương (Indonesia) và Tân Gia Ba (Singapore) chính là một phần tạo nên lợi thế giao thương của Sài Gòn và Nam Kỳ như nhiều người đã thấy nhưng ít người tường tận nguyên do.

Trong cơn biến động kinh hoàng khiến người chết, gia đình ly tán, quan dân mâu thuẫn, triều đình thúc thủ, bệnh dịch hoành hành, mạng người trong một xứ vốn đông đúc sầm uất thoắt trở nên mong manh nguy kịch, sức mạnh của tâm linh bỗng phát huy tác dụng như một sự hợp lẽ có nguồn cơn sâu xa.

Hình ảnh Phật thầy Tây An và việc ra đời mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mặc dù chỉ thấp thoáng qua những tình tiết, nhưng hình bóng một vị thầy tâm linh có khả năng giúp đời cứu người với tấm lòng nhập thế nhân bản xuyên suốt tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương.

Từ đó làm vỡ ra một lẽ khác cho người đọc hôm nay: Sự kết nối tâm linh bằng trực cảm hướng thiện của người dân một vùng miền vốn bắt nguồn từ xa xưa với những bài học được trả giá lắm khi bằng chính mạng sống con người.

Hiểu được điều này thì sẽ rõ hơn lịch sử của vùng đất Nam Kỳ, nhận ra nhiều giá trị hơn từ những cộng đồng người vốn gắn bó với nơi này không phải bằng độ dày của thời gian mà bằng chiều sâu nhân ái và độ mở của nghĩa khí.

 Nguồn: https://tuoitre.vn/ly-lan-tro-lai-voi-buu-son-ky-huong-van-nuoc-phan-nguoi-trong-thoi-loan-20220522093747456.htm

Bài viết cùng tác giả

Thông tin truy cập

63541784
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
215
12828
63541784

Thành viên trực tuyến

Đang có 266 khách và không thành viên đang online

Danh mục website