Một nền văn học lớn đòi hỏi sự phát triển đa dạng của các thể loại, đồng thời trông chờ vào những bộ tiểu thuyết lớn có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Văn học Việt Nam thế kỷ XX được ghi dấu bằng những tiểu thuyết trường thiên: Cửa biển của Nguyên Hồng, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Dòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh, Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác… Khi cầm bút viết những tác phẩm đó, chắc hẳn các tác giả đã học tập kinh nghiệm từ những nhà văn nước ngoài đặc biệt gần gũi với công chúng Việt Nam: Victor Hugo, Lev Tolstoy, Ernest Hemingway…
Riêng về văn học Nga, từ trong chiến tranh, đã hình thành một thế hệ dịch giả xuất sắc (Nguyễn Hiến Lê, Cao Xuân Hạo, Hoàng Thiếu Sơn, Nhữ Thành, Nhị Ca, Dương Tường…) và một thế hệ những nhà nghiên cứu chuyên sâu: Đỗ Hồng Chung chuyên về A. Puskin, Hoàng Ngọc Hiến chuyên về V. Mayakovsky, Nguyễn Kim Đính chuyên về M. Gorky, Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Trường Lịch chuyên về L. Tolstoy… Những dịch phẩm và công trình nghiên cứu của họ đã bắc nhịp cầu giao lưu văn hóa và văn học Nga - Việt trong dạng thức tinh hoa của nó.
PGS. TS. Nguyễn Trường Lịch là nhà nghiên cứu, nhà giáo làm việc bền bỉ ở Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tròn nửa thế kỷ, tính từ năm 1960. Những năm gần đây, tuy đã về hưu, ông vẫn liên tục khảo cứu và cho xuất bản những công trình mới. Ngoài bộ giáo trình Lịch sử văn học Nga mà ông là đồng tác giả, Nguyễn Trường Lịch đã hoàn thành những chuyên khảo công phu về L. Tolstoy, H. C. Andersen, Nguyễn Du.
Chuyên khảo Đại văn hào Lev Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết, dày 630 trang, khổ 16x24 do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành cuối năm 2022 có thể xem là tập đại thành trong sự nghiệp nghiên cứu của Nguyễn Trường Lịch. Cuốn sách này kế thừa và phát triển hai công trình đã xuất bản của cùng tác giả: L. N. Tolstoy (1986), Tiểu thuyết Lev Tolstoy (2010).
Trên thế giới, hàng ngàn công trình nghiên cứu về L. Tolstoy (1828-1910) đã ra mắt, càng ngày học giới càng khám phá và phát hiện thêm những khía cạnh mới mẻ, độc đáo trong cảm hứng, quan niệm nghệ thuật và thi pháp của thiên tài Tolstoy. Đối với một nhà nghiên cứu Việt Nam, điều quan trọng là tìm cách tiếp cận thỏa đáng nhất để giới thiệu một cách hệ thống sự nghiệp, tài năng và phong cách tiểu thuyết của nhà văn lớn đến với bạn đọc Việt Nam, trước hết là bạn đọc trong nhà trường.
So với những công trình trước đây, trong chuyên khảo này, Nguyễn Trường Lịch đã cập nhật một số lý thuyết và phương pháp nghiên cứu mới như thi pháp học, tự sự học, nhưng ông đã hòa kết một cách nhuần nhuyễn với cách tiếp cận truyền thống về văn hóa - lịch sử, tiểu sử học và tâm lý học. Những trang thuyết phục nhất vẫn là những trang phân tích sự kết hợp giữa biện chứng pháp lịch sử và biện chứng pháp tâm hồn dưới ngòi bút L. Tolstoy, chẳng hạn những trang viết về hình tượng “Natasha Rostova, một tâm hồn Nga” và “Kutuzov, người anh hùng dân tộc Nga” trong thế giới nhân vật vô cùng phong phú và đa dạng của Tolstoy.
Đặt “Lev Tolstoy trong dòng chảy văn hóa - nghệ thuật Nga”, Nguyễn Trường Lịch đã tái hiện hành trình sáng tạo của đại văn hào, từ bộ tự truyện ba tập Thời thơ ấu, Thời thiếu niên, Thời thanh niên cho đến ba đỉnh cao tiểu thuyết trong kho tàng lịch sử văn học thế giới: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh. Đó là hành trình đi tìm cái đẹp gắn bó mật thiết với cái thật, hay như L. Tolstoy nói: “Nhân vật trung tâm trong thiên truyện của tôi, nhân vật mà tôi yêu mến với tất cả sức mạnh tâm hồn và cố gắng thể hiện trong toàn bộ vẻ đẹp của nó, nhân vật đã, đang và sẽ đẹp mãi mãi: đó là sự thật”.
Nhưng sự thật của đời sống và của lòng người chỉ chạm được đến trái tim bạn đọc nhờ sức thuyết phục của nghệ thuật tiểu thuyết. Bàn về vần đề này trong tác phẩm L. Tolstoy, Nguyễn Trường Lịch phân tích một cách chi tiết thi pháp tự sự, mối quan hệ giữa lịch sử và hư cấu, mối quan hệ giữa không gian và thời gian nghệ thuật, những thủ pháp trần thuật và kết cấu đa tuyến đã làm nên chủ nghĩa hiện thực tâm lý - sử thi của Tolstoy, “một bước tiến trong sự phát triển nghệ thuật toàn nhân loại”.
Rút ra những bài học lớn từ cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của L. Tolstoy, cuốn sách của Nguyễn Trường Lịch cho thấy “Tolstoy vẫn đang sống giữa văn đàn thế giới”. Tác phẩm của ông, dù sáng tác gần 200 năm trước, vẫn tiếp tục gợi ý cho độc giả thời nay tìm câu trả lời cho những vấn đề nỏng bỏng không thôi ám ảnh nhân loại: chiến tranh và hòa bình, vận mệnh đất nước và số phận con người, lý tưởng xã hội và hạnh phúc cá nhân.
Đúng như M. V. Llosa, nhà văn Peru được giải thưởng Nobel năm 2010, đã viết: “Chúng ta không thể nói rằng một pho tiểu thuyết tương tự Chiến tranh và hòa bình tạo nên hiệu ứng như thế nào. Cái này không sờ được, không thấy được đâu. Nhưng tôi tuyệt đối tin tưởng rằng mình đã có được sự hình dung hoàn chỉnh về con người và thế giới, bởi vì mình đã đọc pho sách vĩ đại đó. Văn chương giúp ta thính nhạy lên rất nhiều đối với tất cả, từ khổ đau đến hạnh phúc. Và với ý nghĩa đó, tôi hết sức nghiêm túc mà tin rằng văn chương nghệ thuật có một ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống”. Còn K. Fedin, nhà văn Nga thế kỷ XX, thì khẳng định: “L. Tolstoy là một trong những thiên tài mà sức sáng tạo như nguồn nước nuôi dưỡng sự sống, nguồn nước chảy mãi không bao giờ vơi cạn”.
Trong ý nghĩa đó, chuyên khảo Đại văn hào L. Tolstoy và nghệ thuật tiểu thuyết của Nguyễn Trường Lịch là cuốn sách cần thiết không chỉ cho những người dạy văn, học văn mà còn cho những người sáng tác và bạn đọc yêu văn học nói chung.
TP. Hồ Chí Minh, 2023
Huỳnh Như Phương