Đọc “Góp lời cho văn chương phương Nam”

K.VH - Nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bảo Định, mặc dù đang điều trị bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn cần mẫn với việc đọc và nghiên cứu văn chương. Nhân dịp sách Góp lời cho văn chương phương Nam (Nxb Đà Nẵng, 2025) của PGS.TS. Võ Văn Nhơn cũng các cộng sự ra mắt, ông đã gửi đến một bài viết công phu và đầy ắp hân thưởng. Website Khoa Văn học trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bảo Định cùng bạn đọc.

20250330 7

Trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của PGS.TS. Võ Văn Nhơn, văn chương phương Nam giữ vị trí trung tâm và nổi bật. Với nhiều công trình, như Đông Hồ - Mộng Tuyết (tác giả, 1992), Hồ Biểu Chánh - người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (đồng tác giả, 2006), Văn học quốc ngữ trước 1945 ở thành phố Hồ Chí Minh (tác giả, 2007), v.v. PGS.TS Võ Văn Nhơn đã đóng góp đáng kể cho nghiên cứu văn chương phương Nam -  đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Và hành trình nghiên cứu của ông tiếp tục mở rộng với nhiều trang viết về văn học Nam Bộ hiện đại, đương đại. Là đồng tác giả công trình Văn học Nam Bộ 1945-1954 (Nxb. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021), PGS.TS. Võ Văn Nhơn tiếp tục hành trình khám phá trữ lượng dồi dào của văn chương phương Nam. Tiếp nối nỗ lực này, PGS.TS. Võ Văn Nhơn và tập thể tác giả đã thực hiện công trình tâm huyết Góp lời cho văn chương phương Nam (Nxb. Đà Nẵng, 2025). Công trình quy tụ mười bốn bài nghiên cứu chuyên sâu về văn chương phương Nam trải dài từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI. Qua mỗi bài viết, bạn đọc có cơ hội nối kết hành trình văn chương phương Nam với nhãn quan mới và đóng góp mới.

Góp lời cho yếu tính văn chương phương Nam

Trước hết, bạn đọc có thể cảm nhận tấm lòng chân thành của PGS.TS. Võ Văn Nhơn cùng tập thể tác giả dành cho văn chương phương Nam. Đồng thời, tập sách còn là những sẻ chia của PGS.TS. Võ Văn Nhơn và các tác giả. Các bài nghiên cứu không chỉ là sinh hoạt học thuật giàu hàm lượng khoa học còn mang chỉ dấu những kỷ niệm học thuật sâu đậm trong sự nghiệp nghiên cứu văn học của mỗi của tác giả với PGS.TS. Võ Văn Nhơn. “Quyển sách nhỏ này là tập hợp những bài viết, cũng là những kỷ niệm rất đáng nhớ khi tôi làm việc với các đồng nghiệp tại Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; với các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một. Đây là tình yêu của chúng tôi đối với văn chương phương Nam, một bộ phận văn học thú vị của dân tộc nhưng còn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách sâu rộng, thỏa đáng” (tr.5).  Các tác giả cùng gặp gỡ nhau trong tình yêu dành cho văn chương phương Nam và từ đó, nhìn thấy văn chương phương Nam từ nhiều góc nhìn khác nhau; điều này khiến cho những tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn chương phương Nam hiện lên vừa quen thuộc vừa mới lạ.

Xuất phát từ tình yêu văn chương Nam Bộ, nghiên cứu thể hiện sự kết tinh qua từng điểm mạnh của từng tác giả, PGS.TS. Võ Văn Nhơn đã tạo điều kiện giúp các tác giả (đặc biệt tác giả trẻ) bộc lộ thế mạnh riêng. Tấm lòng rất đáng quý của PGS.TS. Võ Văn Nhơn thể hiện ở chỗ trân trọng và dành lời nói đầu để nhắc đến thế mạnh của những tác giả cùng làm việc với ông để kiến tạo nên nghiên cứu “Góp lời cho văn chương phương Nam”. Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn biểu hiện tấm lòng trân trọng từng đóng góp của mỗi tác giả và nhìn thấy rõ được ưu điểm của mỗi tác giả. Đó là tầm bao quát của PGS.TS. Đoàn Lê Giang, là thế mạnh trong giảng dạy nghệ thuật học của Lê Thụy Tường Vi, ưu thế trong nghiên cứu văn học so sánh của Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, sự am hiểu văn học Nhật-Hàn của Ngô Trà Mi, v.v. Hơn thế, bạn đọc tìm hiểu tập sách này có thể dễ dàng nhận thấy số lượng tác giả trẻ là chủ yếu. Điều ấy, cho thấy, nhà nghiên cứu PGS.TS. Võ Văn Nhơn mong mỏi qua tập sách này, các nhà nghiên cứu trẻ được cơ hội tham gia và đến gần hơn với cộng đồng học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Đó là tấm lòng của ông dành cho thế hệ nhà nghiên cứu tiếp nối. Cũng chính vì vậy, trang viết như được tiếp thêm sinh lực mới, dưỡng chất mới, giúp cho cây văn chương phương Nam trổ bông kết trái tươi tắn, đặc sắc trên vùng phù sa châu thổ Cửu Long. Những bài viết như “Sau một trăm năm đọc lại Tuồng Thương Khó - Kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt”, “Quách Tấn và những trang thi thoại”, “Nhà báo, nhà thơ, dịch giả Trần Mai Châu”, “Văn học tuổi mới lớn ở Việt Nam”,v.v. cho thấy PGS.TS. Võ Văn Nhơn rất chú trọng tạo động lực cũng như điều kiện giúp các bạn trẻ cùng tham gia nghiên cứu và các nhà nghiên cứu trẻ được cơ hội bộc lộ nhãn quan của thế hệ mình về văn chương phương Nam. Vì vậy, trang nghiên cứu vừa có những nhận định thâm trầm của những nhà nghiên cứu đã có bề dày học thuật; vừa có nét tươi mới, gần gũi và trẻ trung của những bạn trẻ vừa khởi sự hành trình nghiên cứu.

Điểm chung, quán xuyến toàn bộ tập sách là chất giọng hồn hậu dung dị rất Nam Bộ; bạn đọc cảm nhận được sự khiêm nhường và tận tụy của PGS.TS. Võ Văn Nhơn cũng như tập thể tác giả khi đến với văn chương phương Nam. “Có bài viết khá sâu, có bài vẫn còn có thể khai triển thêm. Có nhiều vấn đề của văn chương phương Nam còn có thể khám phá, tìm hiểu thêm. Còn nhiều tác giả quan trọng chúng tôi chưa có dịp nói đến. Nhưng xin xem đây là tấm lòng của chúng tôi với văn chương phương Nam mà chúng tôi muốn gắn bó lâu dài, rất mong được sự đóng góp của các nhà nghiên cứu và quý độc giả” (tr.7). Trong chất giọng nhẹ nhàng hiền hậu đó, bạn đọc sẽ nhận ra hoài vọng của các nhà nghiên cứu. Hoài vọng của các tác giả là giúp cho bạn đọc nhận thấy sâu sắc hơn nữa đặc điểm riêng của văn học Nam Bộ trong bối cảnh văn học hiện đại Việt Nam; cho thấy đóng góp của văn học Nam Bộ với nền văn học nước nhà, nhận thấy điểm riêng, điểm độc đáo trong thể thống nhất hữu cơ của văn học Việt Nam đầy năng lượng và năng động. “Văn học Việt Nam là một nền văn học thống nhất với những quy luật và đặc điểm chung. Nhưng bên cạnh đó, văn học của các địa phương cũng có những quy luật, đặc điểm riêng xuất phát từ đặc trưng về xã hội, địa lý, kinh tế, … của địa phương mình. Điều này góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho bức tranh chung của văn học dân tộc” (tr.9). Trong đó, nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn và Đoàn Lê Giang đã nhấn mạnh những đặc điểm mang tính khái quát chung, cũng là những đóng góp đáng quý của văn học Nam Bộ cho nền văn học hiện đại Việt Nam: tiên phong trên con đường hiện đại hóa; đậm đà tình yêu nước; giàu tính đạo lý và tinh thần dân chủ; ngoài ra văn học Nam Bộ còn là nền văn học có ý thức hướng ngoại, chú trọng chức năng giải trí và rất quan tâm đến quần chúng đặc biệt là quần chúng lao động bình dân. Thêm nữa, hai nhà nghiên cứu đã cho thấy tính đô thị của văn học Nam Bộ hiện đại, bởi quá trình thuộc địa hóa đồng thời với quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa; dẫu rằng quá trình thuộc địa hóa bởi sự xâm lược của ngoại bang – tình trạng này đồng thời là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho con người Nam Bộ vươn mình để khẳng định nền văn học dân tộc trong cuộc “va chạm” với văn học phương Tây. Văn học Nam Bộ có hệ hình hoàn chỉnh, thống nhất và vận động nhịp nhàng giữa hiện thực xã hội năng động hiện đại; lực lượng sáng tạo đông đảo đa dạng thành phần và xuất thân; cộng đồng độc giả phong phú thị hiếu thẩm mỹ và những bộ phận khác hỗ trợ cho in ấn xuất bản (báo, tạp chí, nhà in, cơ quan ngôn luận, hội nhóm truyền bá, v.v.) tất cả tạo nên sinh cảnh văn chương giàu trữ lượng. có thể nói, bài viết “Đi tìm đặc điểm văn học quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX” của hai nhà nghiên cứu PGS.TS. Võ Văn Nhơn và PGS.TS. Đoàn Lê Giang đã khái quát hóa được những đặc điểm nổi bật trong sự vận động phát triển của văn học Nam Bộ; bài viết giúp ích rất nhiều cho bạn đọc bước đầu tìm hiểu văn học Nam Bộ.

Các bài nghiên cứu tiếp theo làm rõ thêm những yếu tính văn chương phương Nam mà bài nghiên cứu của PGS.TS. Võ Văn Nhơn và PGS.TS. Đoàn Lê Giang đã nói đến. Mỗi bài viết có sự độc lập riêng vừa thống nhất trong tinh thần chung; và nhất là góp phần làm sáng đẹp thêm tinh thần đạo lý cũng như lòng yêu nước của văn chương phương Nam. Chẳng hạn, bài viết “Đặng Thúc Liêng và những đóng góp đối với văn học, báo chí quốc ngữ Nam Bộ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Trúc Bạch và PGS.TS. Võ Văn Nhơn như làm bùng cháy thêm tinh thần yêu nước nồng nàn của người Nam Bộ đầu thế kỷ XX, nối dài nhiệt huyết của chí sĩ yêu nước xưa trong tâm hồn Nam Bộ hôm nay. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, Đặng Thúc Liêng thuộc thế hệ nhà Nho, nhà văn, nhà báo tiên phong trong cuộc vận động đấu tranh yêu nước. “Có lẽ chính hoàn cảnh bi đát của đất nước cộng hưởng với dòng máu công thần họ Đặng đã khiến Đặng Thúc Liêng cháy bỏng ý chí học tập, trau dồi tri thức từ thuở thiếu thời; kiến tạo nơi ông một bản lĩnh sống, hoạt động và cống hiến vì đất nước” (tr.62-63). Qua hình tượng Đặng Thúc Liêng, hai nhà nghiên cứu đã khai mở những yếu tính văn chương phương Nam cũng như khí chất con người Nam Bộ thời bấy giờ. Qua đó, trang viết giúp người đọc xâu kết lịch trình phát triển văn chương vùng đất này. Khi nghiên cứu Đặng Thúc Liêng, trang viết cũng đã nối liền thời kỳ văn học thế kỷ XIX và thời kỳ văn học đầu thế kỷ XX với hai hệ hình văn học khác nhau vốn là sự chuyển giao đầy gian lao và thử thách của văn học nước nhà. Bài viết như làm rõ tính chất giao thời, bản lề, cầu nối và bước dịch chuyển toàn bộ chính trị văn hóa xã hội; chuyển dịch hệ hình tư tưởng thời đại cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Góp lời cho văn học sử phương Nam

Trong xu hướng ngày càng quan tâm khám phá trữ lượng văn học Nam Bộ, có thể nói, tập sách Góp lời cho văn chương phương Nam (2025) đã có đóng góp đáng kể cho nghiên cứu văn học Nam Bộ hiện nay chí ít trên hai phương diện: đóng góp trên phương diện văn học sử và đóng góp trên phương diện văn hóa xã hội. Nhiều bài viết (ví dụ như bài viết “Ai đã phát hiện ra Truyện thầy Lazaro Phiền”, “Sự vận dụng và tầm ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp”, “Truyện ngắn và tiểu thuyết ở chiến khu Nam Bộ trong dòng chảy văn học yêu nước thời kháng Pháp 1945 – 1954”,…) không chỉ cung cấp thêm kiến thức cho bạn đọc mới vỡ lòng tìm hiểu văn chương phương Nam mà còn góp thêm cứ liệu, góc nhìn cho những nhà nghiên cứu chuyên nghiên cứu lịch sử, văn học, văn hóa Nam Bộ. Trong hệ sinh thái văn chương phương Nam hơn ba trăm năm, người đọc thấy được vẫn còn nhiều điều cần được tiếp tục khám phá, minh định. Do đó, những nỗ lực bổ khuyết, thuyết minh, đính chính và đào sâu thêm của các tác giả với các bài viết mang tính văn học sử như vậy là đóng góp rất đáng hoan nghênh rất đáng trân trọng.

Không chỉ phát hiện mà còn tái khám phá (cụ thể ở thể loại kịch), tập sách do PGS.TS. Võ Văn Nhơn chủ biên còn có những điểm mới, góp thêm góc nhìn, tư liệu cho văn học sử. Bài viết “Ai đã phát hiện ra Truyện thầy Lazaro Phiền?” của PGS.TS. Võ Văn Nhơn và PGS.TS. Phan Mạnh Hùng đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan tác phẩm của Nguyễn Trọng Quản cũng như lịch sử tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Bài viết đã làm sáng tỏ về người phát hiện và xác định vị trí của Truyện thầy Lazaro Phiền là Bùi Đức Tịnh trong công trình Phần đóng góp của văn học miền Nam - Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và Thơ Mới (do Nxb. Lửa Thiêng ấn hành, 1975). Qua đó, bài viết của các tác giả đã giúp bạn đọc nhận thấy sâu sắc thêm những giá trị tiên phong của Nguyễn Trọng Quản và Truyện thầy Lazaro Phiền cũng như văn học quốc ngữ Nam Bộ.

Về vấn đề văn học sử, nhiều trang viết trong tập sách nghiên cứu cũng đụng chạm đến tiến trình phát triển của văn học Nam Bộ trên phương diện thể loại (kịch, ký, tiểu thuyết, thi thoại,…); qua đó cho thấy tính tiên phong, tính hiện đại và tính đạo lý (như bài viết của PGS. Võ Văn Nhơn và PGS. Đoàn Lê Giang đã nhấn mạnh ngay từ đầu). Chính vì thế, tập sách này đóng góp thêm tư liệu, góc nhìn và căn cứ cho việc xác định tiến trình phát triển của văn học Nam bộ trong dòng chảy phát triển chung của văn học chữ quốc ngữ Việt Nam. Ngoài ra, tập sách còn đóng góp trên phương diện văn hóa xã hội; giúp bạn đọc thêm hiểu biết về đời sống văn hóa xã hội và con người Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cho đến văn học - văn hóa Nam Bộ hiện đại và đương đại.

Trong bối cảnh văn học Đông Á, văn học Nhật Bản là nền văn học lớn. Bên cạnh văn học Trung Quốc, văn học Nhật cũng dần lan tỏa và cho thấy sức ảnh hưởng rộng rãi ở khu vực và trên thế giới. Ở Việt Nam, mối quan hệ văn hóa xã hội giữa Việt Nam và Nhật Bản thường khiến bạn đọc nhớ đến cụ Sào Nam Phan Bội Châu, thế nhưng ở Nam Bộ, Lư Khê đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt dành cho văn học Nhật từ khá sớm. Hơn thế, ngoài việc nhận định văn học Nhật, Lư Khê còn quan sát tình hình khu vực Thái Bình Dương và đưa ra những tiên lượng mà lịch sử chứng minh là đúng đắn. Chẳng hạn như khi ông cho rằng dân tộc đó nay mai có thể khuấy đục Thái Bình Dương (tr.100). “Ngoài ra, sự hoài nghi đầy ý nhị cuối bài báo liệu người Nhật có nhân đạo như văn học Nhựt hay không cho thấy những lo lắng tiềm ẩn của Lư Khê trước tình hình chiến tranh Đông Á vào những năm cuối thập niên 1930. Từ đó, chúng ta cũng có thể thấy được việc lựa chọn đề tài về văn chương Nhật của Lư Khê còn hàm ẩn những ưu tư trước thời cuộc” (tr.100). Có thể nói, bài viết “Lư Khê và bài báo đầu tiên ở Nam Kỳ giới thiệu văn học Nhật Bản” của nhà nghiên cứu Ngô Trà Mi và PGS.TS. Võ Văn Nhơn đã giúp cho chúng ta thêm hiểu biết về góc nhìn và tâm thế tiếp nhận văn học Nhật, văn hóa Nhật của người Nam Bộ đầu thế kỷ XX. Bài viết không chỉ có giá trị trong việc minh định bối cảnh văn học Đông Á đầu thế kỷ XX mà còn góp thêm tư liệu để xác định tương tác giữa bối cảnh chính trị xã hội với sinh hoạt văn chương Nam Bộ. Qua đó, ta thấy rằng văn học Nam Bộ là không gian văn học nhanh nhạy, cập nhật, đa dạng và nhiều mối liên hệ rộng rãi.

Đóng góp đáng trân quý của tập sách Góp lời cho văn chương phương Nam (2025) chính là những nghiên cứu xoay quanh kịch Nam Bộ (Tuồng Cha Minh, Tuồng Thương Khó). Có thể nói, đây là địa hạt còn ít được đào sâu khai thác, bởi những khó khăn khách quan do hạn chế tài liệu; tuy nhiên, các tác giả (Võ Văn Nhơn, Lệ Thụy Tường Vi, Đinh Phạm Phương Thảo) cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc sưu tầm, tiếp cận và mở rộng quan hệ trong giới nghiên cứu học thuật để có thể tìm được trực tiếp văn bản. Không chỉ có ý nghĩa về lý luận, lịch sử văn học Nam Bộ, những bài viết “Vở kịch quốc ngữ hiện đại đầu tiên của Việt Nam”, “Sau một trăm năm đọc lại Tuồng Thương Khó - Kịch bản sân khấu hiện đại đầu tiên của người Việt”,… trước hết thể hiện nỗ lực và tâm huyết của nhà nghiên cứu, thể hiện tinh thần khoa học minh xác nghiêm túc và đóng góp vào việc giữ gìn di sản văn học của thế hệ đi trước. Nhất là, sự khám phá, phát hiện này càng khẳng định thêm độ phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc của văn học Nam Bộ. Việc phát hiện và nghiên cứu Tuồng Thương Khó (1912) của Nguyễn Bá Tòng, các tác giả đã góp phần làm rõ quá trình hiện đại hóa văn học quốc ngữ Nam Bộ nói riêng, văn học quốc ngữ Việt Nam nói chung. Sự nghiên cứu của các tác giả vừa bao quát diện rộng văn học vừa đi sâu vào từng phương diện thi pháp (xung đột kịch, hành động kịch, hệ thống nhân vật, kết cấu, ngôn ngữ kịch). Trang nghiên cứu đã giúp bạn đọc phát hiện ra sự gặp gỡ độc đáo giữa kịch phương Tây và tuồng truyền thống. “Tuồng Thương Khó là sự kết hợp của nghệ thuật viết kịch theo kiểu truyền thống và hiện đại, là kết quả của quá trình tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa phương Tây cùng với cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc. Bằng việc lựa chọn một lối đi hoàn toàn khác với con đường mòn suốt hằng thế kỷ của kịch hát truyền thống, Nguyễn Bá Tòng đã tạo một bước đột phá, mang tính chất tiên phong trong việc viết kịch bằng văn xuôi, đặt tiền đề cho một cấu trúc viết kịch mới” (tr.47).

Mang tính định hướng chung, bài viết “Sự vận dụng và tầm ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp” của hai nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy đã góp thêm tư liệu và góc nhìn cho bước ngoặt lịch sử xã hội trước và sau cách mạng tháng Tám cũng như bước ngoặt trong sinh hoạt văn học nghệ thuật giai đoạn này. “Có thể nói ở những năm trước Cách mạng tháng Tám, nhờ ảnh hưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam mà nhiều nhà văn đã không rơi vào con đường bế tắc và đã có những bước tiến gần hơn với dân tộc, với cách mạng, như cách nhà văn thuộc trào lưu hiện thực phê phán Việt Nam nói trên chẳng hạn” (tr.127-128). Từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), bài viết đã làm rõ nguyên động lực mới thúc đẩy cách mạng Việt Nam cũng như văn học Việt Nam. Theo đó, bài nghiên cứu cũng lý giải nhiều hiện tượng văn học cũng như lý giải chiều hướng vận động của văn học giai đoạn trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp. Qua đó, hai tác giả rút ra một số nhận thức quan trọng liên quan đến định hướng về con người, đường đi, cách thức xây dựng nền văn hóa Việt Nam; đánh giá cao vai trò Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong việc xây dựng nền tảng cho một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trong việc tiếp nhận và vận dụng cũng có những bài học cần rút kinh nghiệm.

Góp lời về tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn chương phương Nam

Với Lý Lan, hai tác giả Trương Hoàng Khang và Võ Văn Nhơn nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của thiên nhiên đối với con người - chỉ ra yếu tính thiên nhiên gắn liền tính người. Nhãn quan phê bình di chuyển song hành giữa hai tuyến: “cách mạng giới” và “cách mạng xanh” để phản ánh nên sự diễn hiện của thực hành sống của con người trong thời đại đô thị hóa (tr.176). Từ góc nhìn của phụ nữ về chính phụ nữ về thiên nhiên, như hai tác giả chia sẻ, Lý Lan thực hiện cuộc truy tìm bản ngã. “Cuộc truy tìm bản ngã này, đó có thể là lối tiếp cận truy nguyên quá khứ, viết lại hành trình của người đàn bà từ thuở nguyên sơ, lúc thế giới chưa tồn tại chỉ nhờ máy móc, đến ngày con đàn cháu đống và tiếp tục tìm kiếm sự ảnh hưởng của người đàn ông – cậu Hai đối với thế hệ mình, thậm chí là sau mình nữa” (tr.181). Xa hơn, hai nhà nghiên cứu nhận thấy viết bằng ngôn ngữ thân xác là cách mà nhà văn nữ giải tỏa ẩn ức và đó cũng là trải nghiệm cần thiết hình thành căn tính người (tr.185). Tính dục có vai trò nhất định trong hành trình trải nghiệm và lập thành căn tính người. Theo hai tác giả, “đây là một hành trình tự nhiên qua đó con người tìm ra căn cước tình dục mà cũng là căn cước con người đích thực của mình. Ngoài ra, nó còn phô bày được hiện thực xã hội, khía cạnh của đời sống thực thường được ẩn giấu sau màng lưới thanh lọc của quy luật văn chương hay xã hội” (tr.185). Đến với Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan, hai tác giả làm rõ cuộc chiến thường trực mà người phụ nữ phải trải qua. Sự thấu hiểu một cách sâu sắc tâm hồn phụ nữ giúp bài viết đi sâu vào cuộc chiến nội tại của phụ nữ, cũng như cuộc chiến giũa con người và thiên nhiên mà người phụ nữ dự phần cũng như giúp khai mở. Ở đó, trang viết của hai tác giả phơi bày hiện thực hậu chiến với công nghiệp hóa đô thị hóa không chỉ gây ra những u uẩn trong tâm hồn phụ nữ mà còn gây ra tổn thương cho thiên nhiên.

Tập sách Góp lời cho văn chương phương Nam là sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đối với sáng tác đương đại ở Nam Bộ. Nhờ đó, dòng chảy văn học Nam Bộ được nối kết liền mạch, với sự vận động ngày càng căng tràn sức sống, cho thấy yếu tính văn học Nam Bộ tiếp tục được trao truyền và phát triển. Qua trang văn của tác giả trẻ Trương Chí Hùng, hai nhà nghiên cứu Hà Thị Thới và Võ Văn Nhơn góp phần chia sẻ sinh hoạt văn chương hiện nay ở An Giang cũng như ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Bạn đọc xa gần có dịp hiểu thêm và nhờ đó yêu quý thêm con người và vùng đất giàu truyền thống, giàu nét đẹp văn hóa và không ngừng đổi mới để tiếp tục phát triển.

Thay lời kết

Góp lời cho văn chương phương Nam (2025), PGS.TS. Võ Văn Nhơn và tập thể tác giả mang lại nhiều đóng góp trên phương diện học thuật cũng như truyền cảm hứng cùng sự hiểu biết đến cộng đồng độc giả quan tâm văn học Nam Bộ hiện nay. Tập sách gợi mở và đặt nền móng quan trọng cho văn học Nam Bộ trong tiến trình văn học Việt Nam, đặc biệt giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Điều ấy, không những bổ sung mà còn khởi động nhiều tư liệu mới, góc nhìn mới mang đến luận cứ mới cho việc viết văn học sử. Dù rằng, chủ biên PGS.TS. Võ Văn Nhơn rất khiêm tốn: “Sách chỉ là tập hợp các bài viết với đồng nghiệp, học trò thôi, còn nhiều bất cập”; song trên hết, tập sách đã nhóm lửa khêu sáng thêm những yếu tính của văn học Nam Bộ: tính tiên phong, tính hiện đại, tính đạo lý, tính đa dạng và tinh thần yêu nước nồng nàn. Tập sách cũng nêu cao tinh thần cộng tác học thuật, khích lệ tác giả trẻ và thúc đẩy nhãn quan nghiên cứu văn học liên ngành. 

Về mặt văn hóa xã hội, tập sách góp phần bảo tồn di sản văn học Nam Bộ xưa và nay, kết nối quá khứ và hiện tại, tạo nên dòng mạch văn học Nam Bộ xuyên suốt nhất quán, cũng từ đó, kích hoạt những hướng nghiên cứu mới về địa hạt văn học giàu trữ lượng này. Có thể nói, Góp lời cho văn chương phương Nam là một công trình có giá trị học thuật cao, đóng góp đa chiều cho nghiên cứu văn học Nam Bộ - không những làm phong phú thêm hiểu biết về văn học sử còn khẳng định vị thế của văn chương phương Nam trong dòng chảy văn học dân tộc. Có lẽ quan trọng hơn, sự thể hiện tấm lòng của những người nghiên cứu dành cho một vùng văn học giàu trữ lượng phong phú bản sắc nhưng nhiều khoảng trống cần được tiếp tục khám phá, khai mở và tái khám phá.

Trần Bảo Định 

Thông tin truy cập

65775879
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
14499
17313
65775879

Thành viên trực tuyến

Đang có 457 khách và không thành viên đang online

Danh mục website