Sau chiến tranh khoảng 10 năm, đất nước có nhiều chuyển biến quan trọng. Các nhà văn đủ mọi thế hệ nghĩ và viết trong một bối cảnh mới. Song họ vẫn chưa thoát khỏi những yêu cầu của đoàn thể, họ vẫn phải phục vụ một “biểu tượng xã hội về chân lí”(1) cái biểu tượng có tính giai cấp, tính chiến đấu, hoặc ít ra cũng có tính nhân dân và màu sắc dân tộc đậm đà đính kèm. Ít có người cầm bút nào thoát khỏi sự ảnh hưởng của ý thức hệ. Cái tôi của nhà văn trước sức ép của hoàn cảnh lịch sử buộc phải mang tâm thế nâng cao trình độ chính trị để có thể “nhìn ra những công việc lớn của cách mạng”, chính nhiệm vụ chính trị và quán tính của một hình thái ý thức đã đòi hỏi nhà văn, nhà thơ tăng cường tính thời sự cho văn học, đã yêu cầu họ phải ra sức sáng tạo trên tư thế của những chiến sĩ để sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công. Báo cáo của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ ba, chỉ rõ có ba đề tài – chủ đề lớn đang đặt ra cho người cầm bút: chủ nghĩa xã hội, cách mạng về quan hệ sản xuất, sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, và lí tưởng, cách sống… của lớp thanh niên mới trong cuộc sống hôm nay(2). Có thể tìm thấy chẳng những cách tạo hình cho xã hội xã hội chủ nghĩa, mà còn cả những vấn đề của chiến tranh, cách mạng và lao động sản xuất trên các trang văn xuôi, thơ ca và phê bình văn học.Sự thay đổi ngữ cảnh văn hoá – xã hội có tính chất bước ngoặt, tác động tích cực đến giới sáng tác được đánh dấu bằng sự kiện đất nước bước vào công cuộc đổi mới toàn diện. Đầu năm 1986, Ban Bí thư ra Chỉ thị về công tác tư tưởng (15.4.1986), mở rộng dân chủ, sau đó ra Thông báo tuyên truyền trên báo chí về phê bình và tự phê bình (đợt 1: ngày 20.5.1986, đợt 2: ngày 21.6.1986). Cuối năm 1986, Đại hội Đảng VI được tiến hành, đánh dấu sự đổi mới của Đảng về tư duy, nhận thức, trước hết ở quan niệm đề cao thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, phát huy tinh thần dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, chống sức ỳ và tính bảo thủ của quan niệm cũ, mở ra một bối cảnh mới cho sự sáng tạo(3). Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (ngày 28 .11. 1987) yêu cầu: để thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng trong hoàn cảnh cách mạng khoa học, kỹ thuật đang diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng có, nền văn hoá, văn nghệ nước ta phải đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm; văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thể hiện tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri: “Đảng khuyến khích văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình và thể loại nghệ thuật, các hình thức biểu hiện”(4). Chỉ thị 31 (ngày 22.3.1988) của Ban Bí thư về thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh: các cấp uỷ đảng cần đổi mới và nâng cao trình độ quản lí văn hoá, văn nghệ, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo, phát triển sự nghiệp văn hoá, văn nghệ một cách thuận lợi, chống lối gò ép, thiếu dân chủ… Chỉ thị 52 của Ban Bí thư (ngày 08.6.1989) đặt ra vấn đề nhanh chóng đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học nghệ thuật, trong đó ghi rõ: các hội văn học nghệ thuật cần khắc phục thái độ coi nhẹ công tác lý luận, phê bình; các cơ quan báo chí, thông tấn, các nhà xuất bản ở trung ương và địa phương cần kiện toàn bộ phận lý luận, phê bình trong các ban biên tập; bảo đảm tỷ lệ thích đáng cho hoạt động lý luận, phê bình trên các trang báo, trong các kế hoạch xuất bản và các chương trình phát thanh, truyền hình tạo điều kiện cho các ý kiến khác nhau về văn học nghệ thuật được trình bày, trao đổi một cách dân chủ, công khai; Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương chủ trì cùng các cơ quan có liên quan hướng dẫn thảo luận một số vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để đi đến kết luận đúng đắn, có sức thuyết phục, chẳng hạn vấn đề văn nghệ với chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, văn nghệ và hiện thực trong tình hình đổi mới, đánh giá thành tựu văn học nghệ thuật 40 năm qua và tình hình văn học nghệ thuật hiện nay, v.v.. Chỉ thị 61, ngày 21 tháng 6 năm 1990 của Ban Bí thư tiếp tục khẳng định quan điểm và nguyên tắc “tự do sáng tác đi đôi với tự do phê bình”, nhằm bảo đảm cho quyền tự do sáng tạo, đồng thời bảo đảm cho sự hình thành dư luận xã hội đúng đắn đối với các tác phẩm và khuynh hướng văn học – nghệ thuật(5).
Nói gọn hơn, những ứng xử mới trước phẩm giá của sự thật và bản chất của sáng tạo nghệ thuật đã tạo ra một bối cảnh mới cho văn nghệ sĩ sáng tác được nói thật, nói thẳng những suy nghĩ của mình. Những quyền cần thiết cho sáng tác bắt đầu được đặt ra và đỏi hỏi. Những mục tiêu xã hội học và chính trị thực dụng của văn học cũng được đề nghị xem xét lại một cách công khai hoặc được phát ngôn theo cách khác, nguyên tắc khác. Có thể nói, sự mở rộng dân chủ của xã hội đem lại cho hoạt động sáng tạo và phê bình văn chương một cơ hội lớn để điều chỉnh các quy tắc diễn ngôn. Người viết có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước để phát biểu chính kiến, sáng tạo văn học có nhiều khởi sắc và đạt nhiều thành tựu(6).
1. Quy ước chung của diễn ngôn văn học
Giai đoạn trước 1975, các nhà văn, nhà thơ của ta chỉ có tự do trong lối viết minh hoạ. Các diễn ngôn văn học chủ yếu vận hành trong một khuôn khổ có sẵn, các phát ngôn quy chiếu về các văn bản chính trị, chức năng của nó được thể hiện sinh động ở sự minh hoạ cho chính trị, cho đường lối chủ trương của lãnh đạo, nó truyền đạt một tri thức có sẵn, giáo điều. Cái được phát ngôn do nhà nước bao cấp, cho nên, nhà văn chỉ cần đi tìm chất liệu phù hợp để tạo hình cho nó. Các quy tắc của trò chơi đã được sắp sẵn để áp đặt lên những người chơi. Chủ thể phát ngôn buộc phải chấp nhận quy tắc chơi có trước để được phát ngôn, nó được tự do ca ngợi những cái bối cảnh mà nó được nói, chứ chưa tạo ra một thẩm quyền nào mới, thực sự dành riêng cho nó; chưa có nhiều phát ngôn nghịch biện, gai góc xuất hiện và tồn tại. Các phát ngôn trong diễn ngôn văn học trước 1975 chủ yếu buộc phải được đính kèm với điều kiện này hay khác của chính trị, xã hội để được chấp nhận, được hợp thức hoá, nhiều phát ngôn chứa đầy mặc cảm của người được phát ngôn: mặc cảm sai lầm và mặc cảm tội lỗi(7). Chính trị phong toả các trò chơi ngôn ngữ, giới hạn các nước đi của các thành viên tham gia trò chơi diễn ngôn có tính chất đặc quyền của nó. Nguyễn Trọng Tạo nhận thấy một thực tế: “Chính chúng ta, những người trực tiếp làm văn nghệ, cũng góp phần thắt chặt thêm sợi dây trói buộc bản thân mình” (8). Cách nói của Nguyễn Trọng Tạo gợi cho chúng ta, một lần nữa, nghĩ đến ý kiến của Michel Focault, rằng: quyền lực được thực thi trong thực tiễn ngôn từ của con người.
Giai đoạn sau 1980, đặc biệt kể từ 1986 trở đi, nhiều văn nghệ sĩ có ý thức sâu sắc về bối cảnh sáng tạo mới, họ chủ động thay đổi cách nhìn của mình, nỗ lực xác lập lại các quy tắc vận hành của diễn ngôn văn chương. Cuộc sống bấy giờ không chỉ đặt ra những vấn đề chung của xã hội mà cả những vấn đề riêng của cá nhân. Vũ Tú Nam cho rằng đã đến lúc tự thân văn học phải đổi khác, không thể đem văn học của một thời kì đã có sẵn để áp đặt lên cái nhìn của con người hôm nay. Chu Văn nói: nhà văn phải tự đổi mới chính mình, tự vượt qua chính mình. Hà Xuân Trường cho rằng: “sự đổi mới không bao giờ tự nó đến mà phải thông qua đấu tranh”(9). Chỉ có đổi mới, con người nhà văn mới có điều kiện thoát khỏi chức năng công cụ(10). Sự đổi mới thể hiện bản lĩnh giải phóng khỏi sự chuẩn hóa và áp đặt. Qua đổi mới và trong đổi mới, con người tập thể bị đe doạ phải nhường chỗ cho con người cá nhân. Chính dự án đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, một mặt tạo ra những điều kiện có lợi cho sự trở về của chủ thể, mặt khác tạo ra những điều kiện mới cho sự hợp lí hoá của hệ tư tưởng. Các nhà văn nói nhiều đến “mình”, “sống hết mình trên trang giấy”, “trở về với mình để sáng tạo”, “đấu tranh với chính mình để đổi mới”, họ trực tiếp nói tới các quyền chính đáng của người cầm bút, quyền được phát hiện những vấn đề của đời sống, quyền thông tin cho bạn đọc, quyền tự do, phê bình…(11). Dần dần, sự đổi mới – tìm tòi lại bị công chúng và chủ thể sáng tạo hợp thức hóa thành một nguyên tắc của trò chơi diễn ngôn. Nhà văn Hồ Phương nói: đổi mới tư duy trở thành thước đo tài năng và sự cố gắng của mỗi cây bút(12). Sự phát ngôn nào chỉ minh hoạ hoặc chưa thực sự đổi mới sẽ bị hòa tan, bị từ chối. Tác giả Lê Lựu nói: nếu nhà văn cảm thấy không có gì mới trong tư tưởng, trong nhận thức thì đừng có viết, vì khi ấy những gì viết ra sẽ bằng thừa, chúng sẽ nhạt nhẽo và không có ích. Sự đổi mới chuyển hóa thành nhân cách, đổi mới để đóng góp, đổi mới để tồn tại và để được viết. Mỗi nhà văn có một cách tạo nghĩa cho tinh thần “đổi mới”, mỗi nhà thơ cấp cho chữ đổi mới một nét nghĩa, một sắc thái ý nghĩa. Nguyên Ngọc đồng nhất sự đổi mới với sự tỉnh táo, sự trở lại chỗ đứng. Các nước cờ đổi mới ngôn ngữ đang phá bỏ những định kiến, những giáo điều, tạo ra nhiều con đường, nhiều cách tiếp cận hiện thực. Các cách chơi mới sẽ nâng cao chất lượng nghệ thuật cho sáng tác. Hữu Thỉnh đánh giá hoạt động đổi mới từ tiêu chí “hay” và “sáng rõ bản sắc”(13). Hồng Chương bàn về hiệu quả xã hội và thẩm mỹ của đổi mới, đổi mới nhằm nâng cao trình độ giác ngộ chủ nghĩa xã hội và trình độ thẩm mỹ của nhân dân(14). Sự đổi mới tạo ra tri thức và quyền lực cho diễn ngôn mới, đồng thời cũng thách thức những diễn ngôn kiểu cũ. Diễn ngôn văn học cũ chịu sự chi phối mạnh mẽ của quyền lực chính trị. Diễn ngôn văn học mới do quyền lực văn hoá, quyền lực tự do và tri thức thực tiễn tạo thành.
Quan hệ giữa trò chơi ngôn ngữ và đòi hỏi của chính trị có những điều chỉnh quan trọng. Giờ đây, người ta công khai đề nghị được phát ngôn cho tư tưởng và tình cảm của quần chúng nhân dân, phát ngôn cho lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, phát ngôn về cuộc sống, về thời đại họ đang sống, một cuộc sống, một thời đại có nhiều sóng gió chứ không chỉ có tụng ca, hân hoan; bấy giờ chính trị chỉ cần hoặc chỉ nên đứng ở “bề sâu” mà vẫn có thể tạo ra những bối cảnh mới cho cái tạng riêng, đề tài riêng, lối viết riêng nảy nở, cho tính nghệ thuật, tính dân chủ của văn học được phát huy (15).
Diễn ngôn văn học giai đoạn 1986 -1991 cố gắng nới rộng quyền hạn chiếm lĩnh hiện thực của mình, nó có nhu cầu chiếm lĩnh diện mạo đầy đủ của con người, tạo nghĩa cho số phận, cùng tâm lí thật của nó. Nguyễn Tuân quan niệm “đã viết văn thì phải viết cho hay và viết cho đúng cái bản chất bên trong của con người và tính cách của mình, cái tạng riêng của mình… một người viết văn phải ngự trị ở một cõi riêng trong cái nghề rộng lớn này. Chính ở cõi riêng đó mà người trong nghề trọng anh, người đọc cần đến anh”. Nguyên Ngọc yêu cầu văn học mô tả cái bản chất nhất của con người, nói được chiều sâu tâm lí, số phận của con người. Chu Văn nhận xét: văn chương bây giờ thích cái thật, không có cái thật sâu sắc, các phát ngôn văn học khó đứng. Sự thật ở văn học giai đoạn mới biểu hiện trong những suy tư về số phận, về những vấn đề mà nhà văn mà mọi người cùng quan tâm. Sự thật về số phận, về con người. Nguyễn Minh Châu nói đến Con người viết hoa hiện diện trong cái vòng tròn đồng tâm của văn học và cuộc sống (16). Diễn ngôn văn học bấy giờ không chỉ chú trọng nói thật, nhìn thẳng sự thật mà còn đề cao cách nói thật, một cách nói có nghệ thuật và có tư tưởng sâu sắc. Sự thật thao túng các diễn ngôn. Sự thật giành quyền được phát ngôn. Sự phát ngôn của nhà văn chủ hướng tiến gần đời sống hàng ngày, tạo ra trọng lượng và hiệu lực cho sự thật. Sự thật được tạo ra bởi chủ thể. Huỳnh Kim đã viết:“Đồng tiền mất giá trượt dài như hòn đá lăn ào xuống vực/ Cái trớ trêu là đá lao xuống, còn tiền lại leo lên/ Chiều qua phà Cần Thơ anh lại nghe người ăn xin mù hát buồn đau câu vọng cổ/ Và mười đồng của ai cho, rơi ào chiếc xô nhôm như một tiếng thở dài/ Mười đồng này ai trượt giá cho ai?/ Về bến xe miền Tây giữa mưa khuya nhòa ánh điện/ Cô gái nào níu kéo ba lô/ Anh bộ đội đi theo em nghĩ/ Không trượt đâu, vẫn giá giang hồ/ Buốt giá trong lòng, chợt nhớ buổi chia tay/ Em so sánh giá củ khoai lang lúc bấy giờ/ và năm ngoái/ Rất bình tĩnh lạnh lùng nhìn anh, em nói:/ Trượt giá hết rồi kể cả tình yêu/ Anh không tin đâu/ Dù lòng vẫn đau nhiều” (Trượt giá). Chúng ta thấy, chất vịnh, chất diễn, hoặc ca ngâm trong các phát ngôn đã giảm rõ rệt. Ở đây, các phát ngôn thơ đã gạt ra bên lề cái chất thơ mộng, đẹp mịn và du dương của nó.
Nếu trước đây, diễn ngôn sử thi “truyền phán về cái đã được biết trước, đã xong, đã được kết luận trước”, phát ngôn về dân tộc, cách mạng, thống trị văn đàn, tạo thành một diễn ngôn kiểu mẫu, thì bây giờ quyền lực của chúng giảm sút, chúng đang bị hạ bệ và buộc phải nhường chỗ cho diễn ngôn “phi sử thi hoá”, các nhà văn chủ đích phát ngôn về “cái đương đại chưa hoàn thành”, đang biến đổi, đang có rất nhiều khả năng và chưa xong xuôi. Hoàn cảnh chính trị, văn hóa mới không chỉ tạo ra tính chất mới cho diễn ngôn mà còn tạo ra những diễn ngôn mới. Diễn ngôn tập thể suy giảm quyền năng, diễn ngôn của cá nhân nhà văn giành được thẩm quyền nói về sự thật, nhà văn có điều kiện bộc lộ những cách nghĩ, cách nhìn và tiếng nói riêng trước những đòi hỏi khẩn thiết của hiện thực cuộc sống. Cái nhân gian bé tícủa Nguyễn Khải, Thời xa vắng của Lê Lựu, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Không phải chuyện đùa của Khuất Quang Thụy… có tính tự thuật, chúng cho thấy kinh nghiệm cá nhân của người sáng tác trước những vấn đề của nhân sinh, thế sự. Diễn ngôn văn học chối bỏ sự minh họa, và cái hiện thực một chiều, tạo ra một hiện thực đa dạng, sáng tạo lại hiện thực qua trải nghiệm cá nhân, gợi lên những suy nghĩ về đạo đức, nhân cách, đồng thời giải thích động cơ của những cách ứng xử, những kiểu quan niệm sống khác nhau(17). Diễn ngôn về những nhân vật điển hình, những người tốt, việc tốt mất đi giá trị quan trọng của nó, do những nghĩa mà nó đem lại đã trở nên xơ cứng, nhàm chán và đơn điệu; diễn ngôn về những nghịch lí, những góc khuất, những sự cản trở… tạo ra những nghĩa mới, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của độc giả, nên nhanh chóng xác lập được vị thế và giá trị của nó trong đời sống văn hoá xã hội(18). Hoàng Ngọc Hiến nói đúng rằng: bản chất của mọi sự đổi mới thực sự trong văn học nghệ thuật ở chỗ nó tạo ra ý nghĩa mới. Ông giải thích rõ hơn rằng “thời đại chúng ta đang sống đòi hỏi một sự xác định mới ý nghĩa của nhân sinh ở nhiều mặt cốt yếu”(19).
2. Quy ước riêng của diễn ngôn thơ
Diễn ngôn thơ sau 1986(20) chấp nhận sự điều chỉnh quy tắc chơi chung của văn học, nó chấp nhận mọi thể nghiệm, tìm tòi. Xuân Diệu phê phán trò chơi “ôn cố” của thơ, đồng thời thấy rằng các nhà thơ của ta cần đánh giá lại những ý đồ muốn dựng lại bản anh hùng ca của dân tộc bằng trường ca. Ông nói: những bài thơ chứa nhiều sự kiện cách mạng chỉ có giá trị tư liệu, những phát ngôn đề cập đến lịch sử một cách giản đơn và kém chất văn đang bị đe doạ không có chỗ đứng trong bảo tàng văn học. Ông nhấn mạnh, những phát ngôn có kiểu dạng phóng sự, biên niên sử thuật sẽ không được thơ hợp thức hóa, và độc giả sẽ gạt nó sang bên lề(21). Đến lúc này, diễn ngôn thơ đòi hỏi những phát ngôn của nó phải được nội tâm hóa, cá nhân hóa, chủ thể hoá trong cảm quan mới và nhận thức lại: “Lâu nay chỉ thấy có một trời trên đầu/ Ngoài tuổi bốn mươi mới hiểu hơn trời là vô tận/ Chỉ cần ngồi máy bay vượt lên mấy trăm mét/ Ta đã có một trời ở trên đầu và trời ở dưới chân” (Võ Thanh An). Chủ thể của các phát ngôn thơ giành cho mình cái quyền được nói về những mất mát, buồn đau, về nhu cầu riêng tư của cá nhân(22).
Chiến tranh trong thơ giai đoạn trước được tạo hình chủ yếu qua âm hưởng sử thi, còn chiến tranh trong cái nhìn của con người hôm nay có âm hưởng của bi kịch. Đoàn Minh Tuấn bộc bạch: “Ngày tôi rời đồng đội/ Sư đoàn áp tải 42 xác đồng đội trở về”. Nguyễn Thị Hồng Ngát nói về chiến tranh, nhưng không vẽ những chân dung anh hùng mà vẽ những chân dung vọng phu có ở khắp mọi miền Tổ quốc:“Đất nước nhiều loạn lạc/ nên đi đâu cũng gặp/ những hòn vọng phu/ đứng ngóng chờ chồng…”
Diễn ngôn thơ giai đoạn này cũng có nhu cầu tạo ra sự thực, nói thực. Ý Nhi nhấn mạnh: thơ coi trọng sự thật, nhà thơ thể hiện chân thực nỗi lòng và kinh nghiệm sống của bản thân mình. Sự thực ở thơ được hiểu theo nghĩa, nó nói lên “những kinh nghiệm nội tâm” của người cầm bút, một thứ sự thật thuộc về cái Tôi trữ tình, nó thiên về tâm lí học. Sự thực ở thơ, của lời phát ngôn do chủ thể phát ngôn đảm bảo, nó không đòi hỏi phải được kiểm chứng. Năng lực cảm nhận sự thật, phẩm giá của sự thật có ở chủ thể phát ngôn, do chủ thể phát ngôn quy định: “Mỗi cuộc đời mang thầm bao nhiêu chuyện/ Chạm nổi chạm chìm trong thịt trong xương” (Huy Cận). Diễn ngôn thơ giai đoạn 1986 – 1991 có nhu cầu đồng nhất cái được phát ngôn và lời phát ngôn: “Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé/ Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh” (Hoàng Nhuận Cầm). Nó quy ước trong trò chơi ngôn ngữ của nó, các phát ngôn cần phải vận hành trên cơ sở sự thật, nó nói thật, ngôn ngữ thơ thiết lập cho nó mối quan hệ quy chiếu, những phát ngôn nào chưa biết quy chiếu đến “hiện thực kinh nghiệm, nếm trải” của cái Tôi sẽ không được tham gia vào trò chơi của thơ: “Anh đi qua những thành phố bọc vàng/ Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ/ Qua ánh nắng bảy màu, qua ngọn đèn hạt đỗ/ Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh/ Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh/ Những đôi mắt nhìn anh như họng súng/ Anh đi qua tổ chim non mới dựng/ Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm” (Hoàng Nhuận Cầm)…
Diễn ngôn thơ sau 1986 còn quy ước lại tiếng nói của nó. Các sáng thơ 1986 – 1991 đang cố gắng hạ giọng, bớt đi những tiếng ồn cổ động, những khẩu hiệu tuyên truyền, những lời nói khoa trương sáo rỗng, nó cũng tránh sự mô tả bề bộn những hành động và sự kiện bên ngoài để có điều kiện, thời gian chuyển sang bề sâu của trải nghiệm, ý thức. “Công chúng thơ “muốn nghe cái cuộc sống bình thường với nhiều âm thanh và nhiều giọng điệu được nói qua ngôn ngữ giản dị, chân chất của chính nó”. Giai đoạn trước 1975, các phát ngôn thơ hướng đến đề tài chống Mỹ cứu nước, và xây dựng chủ nghĩa xã hội có ưu thế trong việc sử dụng lối nói ngoa dụ, người phát ngôn được đặt vào vị trí của bộ phận tiên tiến trong xã hội, chủ yếu tụng ca và bộc lộ những tình cảm tập thể. Nói về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ thể phát ngôn thường tạo ra một công trường lớn, ở đó con người được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội: “Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên, trăng lặn vẫn không ra ngoài” (Tế Hanh), “Yêu biết mấy những bước đi dáng đứng/ Cuộc đời ta chập chững buổi đầu tiên/ Tập làm chủ, tập làm người xây dựng/ Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên” (Tố Hữu), “Chào anh chị em công nhân/ Của thành phố anh hùng/ Đã nổi lên diệt Tây/ Đã vùng lên đánh Nhật/ Đã có những chiến sĩ thép gang/ Đang thi đua xây dựng khu gang thép” (Sóng Hồng). Nói về đề tài chống Mỹ cứu nước, các phát ngôn thơ thường tạo những hình cảnh kì vĩ cho cảm hứng sử thi: “Chúng muốn đốt ta làm tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu), “Cha ông xưa có bao giờ bố trí các binh đoàn/ Trên vạn đỉnh Trường Sơn, dọc bờ Đông Hải/ Trên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi/ Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng/ Ta mọc dậy trước mặt nghìn nhân loại/ Hai chữ Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng” (Chế Lan Viên). Sau 1975, trong các phát ngôn thơ, giọng ca hùng tráng giữa muôn vàn quần chúng nhường chỗ cho giọng chiêm nghiệm, suy tư cá nhân, giọng đời tư thế sự:“Có lẽ mai sau ta sẽ tự cười mình/ Đa cảm thế sống làm sao nổi/ Đau cái đau của người cùng giới/ Buồn nỗi buồn của những người đàn bà đang yêu” (Nguyễn Thị Hồng Ngát); “Chị lấy chồng người Việt/ Bàn tay quen xới vun/ Dải đất này chao đảo/ Chẳng riêng mình chị cơi đốm lửa nhọc nhằn” (Dư Thị Hoàn), “Năm tháng vèo qua, vừa lỡ chuyến tàu/ Sống một nửa, một nửa dành nghe ngóng/ Nửa lẳng lặng buồn, còn nửa để… xôn xao” (Quang Khải)…
Công chúng và thực tiễn sử dụng của thơ sau 1986 cũng đòi hỏi, các chủ thể phát ngôn phải giảm bớt tiếng nói trữ tình, tăng cường “chất nghĩ”, lượng tin. Ý Nhi chủ trương ở thơ chất triết lí cần nhiều hơn và cũng thực hơn (23). Vũ Quần Phương cũng nhận thấy độc giả bây giờ chờ đợi một trò chơi mới, họ mong đợi nhà thơ mang đến một lượng tin mới, họ muốn thấy trong phát ngôn của nhà thơ “sự thật” được nhìn thẳng. Các phát ngôn mang danh tính thơ, chất thơ đang được định nghĩa lại, được cắt nghĩa khác trước. Độc giả bàn đến cách nghĩ, cách giải quyết việc đời sâu sắc, mới mẻ của nhà thơ trong thơ. “Đọc các tập thơ xuất bản gần đây của già lẫn trẻ: nhiều tập có sự thâm thúy hơn trước, những vấn đề của nội tâm con người được đề cập đến khá chân thực, mạnh dạn. Tính chất người của thơ lấn dần tính chất việc”(24). Nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch: “Tôi thèm đọc những bài thơ giàu ý tưởng”. Bài sau đây của Đỗ Văn Trị có ý tưởng mới, nói chính trị một cách sâu sắc “Quá khứ/ như chùm quả già/ vỏ cứng/ rụng xuống thập kỉ 90/ tung toé/ vỡ tan/ Có kẻ hoang mang/- Mất cả rồi/ Có người/ lặng lẽ/ cười/- Còn hạt đó thôi!” (Quả vỡ).
Diễn ngôn thơ giai đoạn 1986 -1991 có tính phê phán hiện thực, nó phản tỉnh trước các huý kị, nó xốc lại các giá trị đời sống đích thực, nó dựng lên cho mình một bảng giá trị riêng, đánh giá nó người ta cần phải đặt ra tiêu chí cái hèn và bản lĩnh của chủ thể phát ngôn, cho đến lúc này thơ đã giành lấy cho mình cái quyền được nói nhiều nghĩa và được hoài nghi các biểu tượng xã hội đã được thiết lập trước đó bằng cảm hứng sử thi và cái nhìn lí tưởng hóa. Lê Thị Mây viết: Nước Nga “Của Những linh hồn chết/ Nông nô/ Của Chiến tranh và hoà bình/ Sử thi/ Của Anh em nhà karamadop/ Bi kịch/ Của Lênin/ Cách mạng tháng Mười/… Niềm vinh quang cách mạng tháng Mười/ Niềm vinh quang của nhân dân chiến thắng/ Hitle đã chết sao Liên xô hùng cường sụp đổ?”. Ngô Mai Phong viết những câu thơ trĩu nặng niềm cảm thương, song cũng thể hiện rõ thái độ phê phán mạnh mẽ, bộc trực: “Người ta gọi than bằng đủ các tên gọi mĩ miều/ Vậy mà than vẫn cứ đen đúa, sù sì, khốn khổ/ Làm sao có thể hạch toán được sự mất ngủ/ ca ba, nỗi lo con ốm, ngày mai nhà hết gạo?/ Trong hơi ấm lửa than có nỗi lạnh sâu xa/ của mỗi cuộc đời…/ Yêu thật, cần chi ba mươi sáu chước!/ Tôi sổ toẹt những câu thơ nhạt hoét/ Một thứ than không cháy được bao giờ/ Đến máy móc cũng đang đòi lột xác/ Sao nhà thơ không dám cởi trần?…”. Độc giả không chờ đợi thơ đem đến các giáo huấn, các chỉ thị. Độc giả cần những cách nhìn, cách nghĩ trung thực, những đổi mới, tìm tòi, cả thử nghiệm và đề xuất táo bạo của người phát ngôn (Phỏng vấn Chí Phèo – Trần Mạnh Hảo…).
Có thể coi thơ như một diễn ngôn của tri thức, thơ cung cấp cho con người tri thức, nó biểu hiện sự diễn giải, cắt nghĩa thế giới của nhà thơ, nó trở thành một nguồn tri thức, một đối tượng để các độc giả nhận biết và tìm hiểu. Diễn ngôn thơ cũng như bất kì diễn ngôn văn học nào, có tính kí hiệu. Cái biểu đạt của phát ngôn thơ có thể chịu sự quy định của các chủ thể, chủ thể có những sáng kiến riêng để phô diễn nghĩa, tạo lập nghĩa; cũng có khi cái biểu đạt ấy chỉ có phận sự thi hành các mặc ước của thể loại, của cộng đồng, mọi ý nghĩa được tạo ra từ diễn ngôn phải dựa vào một ý nghĩa đã được thành lập trước đó và được cộng đồng chấp thuận. Chủ thể phát ngôn trong thơ luôn được giả định đứng ở vị trí tác giả, sự giả định này không những giúp tác giả dễ thế ngôn, thác ngôn mà còn tạo cho độc giả cũng có cơ hội được “sở hữu” phát ngôn đó, chỉ có thơ mới tạo ra cho độc giả được đóng vai nhà thơ phát ngôn, hoặc thế ngôn chủ thể phát ngôn trong nó. Có thể khảo sát diễn ngôn thơ nói riêng và diễn ngôn văn học nói chung ở mấy bình diện sau đây: người phát, người nhận, vật quy chiếu, các quy tắc của diễn ngôn chi phối sự hợp thức hoá các phát ngôn trong kiểu loại diễn ngôn đó, mục đích của diễn ngôn và tiêu chí của diễn ngôn… Ở trên chúng tôi mới bước đầu khảo sát quy ước diễn ngôn, những vấn đề phức tạp và thú vị còn lại cần nghiên cứu công phu hơn, sâu hơn nữa.
Hà Nội, cuối năm 2009
———————
(1) Alain Tourain (2003). Phê phán tính hiện đại, (Huyền Giang dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr. 275
(2) Hữu Thỉnh (1986). “Chủ nghĩa xã hội – mục đích và niềm say mê sáng tạo của những người viết văn trẻ”,Văn nghệ số 1, ngày 4.1, tr. 2-3
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam (2006). Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(7) Nguyễn Hồng Phong (1987). “Để văn nghệ ta có được nhiều đỉnh cao và phong phú”, Văn nghệ số 49 -50, ngày 5.12, Hà Nội.
(8) Nguyễn Trọng Tạo (1988). “Cái giá của văn học”, Văn nghệ số 3 – 4 – 5, ngày 23.1, Hà Nội.
(9) Hà Xuân Trường (1987). “Văn học nghệ thuật trong đổi mới tư duy”, Văn nghệ số 1, ngày 3.1, Hà Nội.
(10) Trần Độ (1987). “Những quan điểm văn hoá văn nghệ trong Đại hội VI”, Văn nghệ số 6, ngày 7.2, Hà Nội
(11) Đào Vũ (1987). “Vấn đề mấu chốt là người sáng tác chưa sống hết mình và chưa được sống hết mình trên trang giấy”, Văn nghệ số 3-4, ngày 17.1, Hà Nội.
(12) Hồ Phương (1987). “Đổi mới tư duy là yêu cầu tự thân”, Văn nghệ số 2, ngày 10.1, Hà Nội.
(13) Hữu Thỉnh (1987). “Đổi mới để hay, để làm rõ bản sắc”, Văn nghệ số 3- 4 ngày 17- 01, Hà Nội.
(14) Hồng Chương (1988). “Đổi mới về sứ mệnh lịch sử của văn nghệ”, Văn nghệ số 5, ngày 31.1, Hà Nội.
(15) N.V.L. “Những việc cần làm ngay”/ Nhân dân, ngày 24 tháng 6 năm 1987 được đăng lại trên báo Văn nghệ số 27 ngày 4.7.1987. Ở bài báo này tác giả N.V.L bày tỏ quan điểm cho rằng báo chí không phải chỉ là “diễn đàn của Đảng, Chính phủ và một số cán bộ viết báo” mà còn phải là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân.
(16) Bửu Nam thực hiện (1986). “Ngày xuân phỏng vấn các nhà văn”, Văn nghệ số 5 -6, ngày 1.2, Hà Nội.
(17) Nguyễn Minh Châu (1987). “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ”, Văn nghệ số 49 – 50, ngày 5.12, Hà Nội.
(18) Lê Lựu (1987). “Điều quan trọng lúc này là trung thực và trung thực”, Văn nghệ số 27, ngày 4.7, Hà Nội.
(19) Hoàng Ngọc Hiến (1987). “Trước hết là đổi mới cách nhìn”, Văn nghệ số 3-4, ngày 17.1, Hà Nội.
(20) Chúng tôi chỉ xét đến các tác phẩm được sáng tác trong khoảng thời gian 1986 -1991, không khảo sát các sáng tác đã được sáng tác trước thời điểm đó và đến giai đoạn này mới công bố, hoặc được tuyển lại, đăng lại.
(21) Hồng Chương (1988). “Đổi mới về sứ mệnh lịch sử của văn nghệ”, Văn nghệ số 5, ngày 31.1, Hà Nội, tr. 3
(22) Hồng Nhu (1988 ) “Vẻ đẹp của nỗi đau buồn trong thơ”, Văn nghệ số 3-4-5, ngày 23.1, Hà Nội.
(23) “Trò chuyện về một vài vấn đề văn học hiện nay”(1986), Văn nghệ, số 19, ngày 10.5, Hà Nội.
(24) Vũ Quần Phương (1987). “Để có thơ hay thì đừng in thơ dở, để bớt thơ dở thì người thơ nên trở về với chính mình”, Văn nghệ số 2, ngày 10.1, Hà Nội.
Nguồn: Tạp chí Sông Hương số 254 tháng 04- 2010