Kiều Thanh Quế (1914 - 1947), còn có các bút danh Mộc Khuê, Quế Lang, Tô Kiều Phương, Nguyễn Văn Hai, là một trong số những nhà văn, dịch giả, nhà phê bình có uy tín của miền Nam và cũng là người có công đầu xây dựng nền văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Quê ông ở làng Hắc Lăng, xã Tam Phước, huyện Long Ðất (nay thuộc thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)...
Kiều Thanh Quế hy sinh giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ và bút lực đang dồi dào, nhưng cũng đã kịp để lại nhiều văn phẩm có giá trị. Các tác phẩm của ông hầu hết được công bố trong khoảng thời gian từ năm 1940 đến 1945, thời điểm phê bình văn học phát triển mạnh mẽ. Ðó là các tác phẩm như: Hai mươi tuổi (tiểu thuyết, 1940), Ðứa con của tội ác (truyện ngắn), Ba mươi năm văn học (phê bình, 1941), Phê bình văn học (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (1943), Ðàn bà và nhà văn (1943), Học thuyết Frued (khảo luận, 1943), Thi hào Tagore (khảo luận, 1943), Một ngày của Tolstoi (khảo luận), Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội (1945)... Bước đầu, một số tác phẩm đã được tuyển chọn và in trong cuốn khảo cứu, phê bình Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Nguyễn Hữu Sơn - Phan Mạnh Hùng sưu tập, giới thiệu, NXB Thanh niên, H.2009). Tuy nhiên, cho đến nay, các đóng góp của Kiều Thanh Quế cho văn học sử nước nhà vẫn chưa được quan tâm đúng mức và đánh giá có hệ thống; ngay cả "hồ sơ hoạt động cách mạng" và những oan khuất của ông cũng chưa phải đã được đông đảo độc giả biết đến.
Trên thực tế, với lịch sử ngành phê bình văn học ở Việt Nam, Thiếu Sơn là người có tác phẩm phê bình xuất bản sớm nhất (Phê bình và cảo luận, 1933), nhưng về sức viết và công việc cập nhật đời sống văn học thì Kiều Thanh Quế có phần vượt lên. Vì không phải ai cũng tỏ ra bao quát được một cách hệ thống nhiều lĩnh vực và có một lối làm phê bình chuyên sâu như Kiều Thanh Quế. Ba mươi năm văn học là cuốn sách "tính sổ văn học" gọn gàng mà chắc chắn của tác giả này. Ông đã từng làm công việc "tính sổ văn học" trên Ðông Dương tuần báo từ những năm 1940; gần với cách làm phê bình của ông với quy mô đáng kể chỉ có Trương Tửu, Lê Thanh. Nhìn lại cách làm và sự quan sát của Kiều Thanh Quế, chúng ta thấy, thật ra cách phân chia phê bình văn học ra làm hai loại là phê bình hàn lâm và phê bình báo chí như hiện nay bộc lộ những điểm chưa hợp lý. Trong những năm đầu thế kỷ 20, báo chí thiên về phê bình, có không ít cuốn sách phê bình là sự góp nhặt, tập hợp các bài báo đã đăng (Phê bình và cảo luận, Chương dân thi thoại, Thi sĩ Tản Ðà...); và số đông người làm phê bình gắn bó với báo chí, với xuất bản, chẳng hạn Thiếu Sơn viết trên Phụ nữ tân văn, Thái Phỉ trên Ngọ báo và Tân văn, Hoài Thanh trên Tràng An, Lê Tràng Kiều trên Hà Nội báo và Tiểu thuyết thứ Năm,... còn Kiều Thanh Quế thì viết trên Mai và Tri tân. Ngay từ những bước đi đầu tiên, phê bình văn học hiện đại ở Việt Nam đã gắn bó với diễn đàn báo chí; gần như phải gắn liền với báo chí và hoạt động xuất bản văn học thì phê bình mới phát triển nhanh, đồng thời còn thể hiện rõ tính thời sự cùng vai trò của nó đối với sáng tác và công chúng văn học rộng rãi...
Cuốn Phê bình văn học của Kiều Thanh Quế mặc dù được NXB Tân Việt in năm 1942, nhưng lại gồm những bài viết trong khoảng thời gian từ năm 1933 đến 1936. Ở đấy, Kiều Thanh Quế đặt ra nhiều vấn đề quan trọng của văn học, nghệ thuật nói chung và phê bình nói riêng như: tiêu chuẩn đánh giá, mỹ cảm và văn phong của người viết; tính ẩn dụ, tính hàm súc và tính chân thật của văn học, vai trò của kết cấu và lời văn trong việc sáng tạo (Chủ nghĩa nghệ thuật, Cái lối văn chương rườm rà mà trống rỗng đang nhiễu hại xứ này)... Cho rằng văn chương phải "cải tạo xã hội", gắn với tinh thần hiện thực của dân tộc, nhà văn cần có "lý tưởng xã hội", ông phê phán gay gắt những lối văn chỉ chăm chú vào hình thức, thứ văn chạy theo mode "sáo mòn và trống rỗng", thứ văn vay mượn lệ thuộc quá nhiều vào các yếu tố ngoại lai (Nhân tuần và văn chương, Bàn về lối đoản thiên tiểu thuyết). Kiều Thanh Quế nhấn mạnh: "Tìm cái đẹp trong không gian là nghệ thuật", "tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình"; "nghệ thuật là phê bình không gian, những cái trước mắt ta và ngoài tai ta"... Do chọn chỗ đứng "vị nhân sinh", nên khi bàn về quan hệ giữa phê bình và văn hóa, phê bình và văn học, Kiều Thanh Quế đã đề cao vai trò truyền bá văn hóa của phê bình. Ðối với ông, sứ mạng của nhà phê bình là tuyên truyền những cái tận thiện, tận mỹ, có nhiệm vụ làm sáng tỏ các vấn đề quan hệ với nhân sinh tạo thành một trào lưu tư tưởng tự do, mới mẻ. Liên quan mật thiết với bộ phận truyền bá văn hóa, theo Kiều Thanh Quế, nhà văn nào cũng phải có "cặp mắt của Boileau", anh ta phải nghiêm khắc với chính mình, phải có tâm hồn phê phán, phục thiện trước những tư tưởng mới mẻ, hợp thời. Trong nhiều bài viết của mình, một mặt tác giả Phê bình văn học bộc lộ sự chịu ảnh hưởng của Brunnetière, Sainte Beuve, Haine, Taine; mặt khác cho thấy ông tán đồng với Hải Triều trong phê bình Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, khen cách phê bình của Phan Văn Hùm trong phê bình Thời gian của Xuân Diệu, đánh giá cao Vũ Trọng Phụng ở Giông tố. Song, cũng tương tự quan niệm của Hoài Thanh, ở Kiều Thanh Quế, kẻ làm phê bình luôn cần cảm xúc - sự mẫn cảm, phê bình "là một phát minh và một sáng tạo vĩnh viễn", "phải nói cho đúng đã đành, mà lại cần phải nói cho hay nữa"...
Kiều Thanh Quế không cực đoan đề cao phái vị nhân sinh để hạ thấp phái vị nghệ thuật, hay ngược lại. Dường như ông sớm nhìn ra và chọn lọc lấy cái hạt nhân hợp lý trong mỗi quan điểm vị nhân sinh và vị nghệ thuật. Ông lên án lối phê bình quảng cáo, chỉ biết chỉ trích hoặc đố kị: "nhà phê bình chân chính" không làm việc quảng cáo như bọn con buôn, trả thù như tiểu nhân, mà cần quan tâm giới thiệu những nhân tài không may bị bỏ quên hoặc chớm nở, cộng tác với các nhà văn hữu danh làm cho nền văn học nước nhà có những áng văn hay và dọn đường "tiếp đón những bậc siêu xuất"... Ðặc biệt, Kiều Thanh Quế còn đề nghị vận dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp phê bình. Ít ai có được nhận thức đúng đắn về những giới hạn và chỗ sở dụng của mỗi phương pháp phê bình như Kiều Thanh Quế ở thời điểm đó. Qua các công trình của ông, chúng ta thấy lối phê bình hiện đại, giới thiệu nhiều phương pháp phê bình, đặt nền móng cho việc viết lịch sử phê bình, sớm có những đánh giá về đội ngũ phê bình, phác họa chân dung các nhà phê bình nước ta trong vòng gần hai mươi năm.
Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam là công trình văn học sử khảo sát một cách hệ thống nền văn học chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ - một cách làm mà người ta mới thấy rõ rệt ở Dương Quảng Hàm - có thể xem đây là một trong những cuốn văn học so sánh, đối chiếu xuất hiện sớm ở Việt Nam. Tác giả tiến hành so sánh, rút ra những đặc tính của Hoa văn, Pháp văn, chỉ ra sự khác biệt trong quan niệm văn chương học thuật của phương Tây và phương Ðông. Ðàn bà và nhà văn là cuốn sách bàn về giới trong văn học xét theo từng cấu trúc văn hóa xã hội cụ thể, giúp cho độc giả thấy được địa vị của phụ nữ trong văn chương Ðông Tây, ảnh hưởng của phụ nữ đối với sáng tác và cách ứng xử của nhà văn đối với phụ nữ từ quan điểm của phụ quyền. Mặc dù quyển Ðàn bà và nhà văn chưa có tinh thần đấu tranh cho quyền bình đẳng của nữ giới trong văn học, chưa chủ trương trình bày cặn kẽ văn học sử nữ giới, nhưng nó đã góp phần đặt ra vấn đề thiết thực mà những nhà làm văn học sử và bộ môn tâm lý học nghệ thuật sau này cần quan tâm lý giải thấu đáo hơn.
TRẦN THIỆN KHANH (Viện Văn học)
Nguồn: http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/van-hoa/chan-dung/ki-u-thanh-qu-nha-phe-binh-v-n-h-c-ng-i-chi-n-s-cach-m-ng-1.313245#ccVEq7S3KZyK