GD&TĐ - Hôm nay (23/12), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức Hội thảo cấp quốc gia “Kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du” với sự tham dự của đông đảo các Giáo sư, nhà nghiên cứu văn học, sử học, văn hóa đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Việt Nam.
Tại phiên khai mạc, GS.TS Ahn Kyong Hwan (Hàn Quốc) đã trao tặng bản Truyện Kiều và một số tác phẩm văn học VN khác do GS dịch ra tiếng Hàn (Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp); PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - thay mặt cho nhóm tác giả ở Liên bang Nga trao tặng Truyện Kiều bản mới dịch ra tiếng Nga cho Trường ĐH KHXH&NV TPHCM.
Hội thảo chia ra thành 3 tiểu ban: Nguyễn Du và thơ chữ Hán; Văn bản và tư tưởng Truyện Kiều; Văn chương Truyện Kiều, với hơn 50 tham luận tham gia của các nhà nghiên cứu văn học.
Phát biểu tại, PGS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, Trưởng ban tổ chức hội thảo khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của hội thảo; đồng thời nhấn mạnh Hội thảo mong muốn lắng nghe những phát biểu mang tính chuyên môn sâu từ các nhà nghiên cứu: Sử học, Văn hoá học, Việt Nam học và Ngữ văn học với các chủ điểm:
- Nghiên cứu mới về tiểu sử, dòng họ, thời đại của Nguyễn Du; những vấn đề liên quan đến hoạt động ngoại giao, đi sứ, tiếp sứ thần Trung Quốc của ông; những hoạt động của ông trong thời gian làm quan ở Huế, Cai bạ dinh Quảng Bình; những vấn đề văn bản học tác phẩm của Nguyễn Du;
- Nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều như là nơi hội tụ, tập đại thành của văn hóa Việt Nam; những đóng góp của Nguyễn Du cho sự phát triển văn hóa dân tộc; các biểu hiện của hoạt động và ứng xử văn hóa trong Truyện Kiều và thơ chữ Nôm, chữ Hán của ông; Nghiên cứu Truyện Kiều và thơ chữ Hán Nguyễn Du như một hiện tượng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh quốc tế; việc dịch và giới thiệu Truyện Kiều ở nước ngoài; Nghiên cứu so sánh tác phẩm của Nguyễn Du với văn học Đông Á và thế giới;
- Đặc biệt là những vấn đề ngữ văn học: nghiên cứu tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật của Nguyễn Du trong thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán; nghiên cứu thế giới nghệ thuật, nhân vật, ngôn ngữ tiếng Việt trong Truyện Kiều; bằng phương thức, cách thức nào mà Nguyễn Du đã chuyển tải một cách khéo léo, tài tình tâm hồn dân tộc và nâng tiếng Việt đến đỉnh cao như thế… .
Với báo cáo đề dẫn đầy xúc động, PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) một lần nữa ôn lại hành trình sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du.
“Tưởng nhớ đến Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc chúng ta, một con người được sinh ra như là sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta, đồng thời cũng là một con người góp phần làm sâu sắc hơn, phong phú hơn văn hóa chúng ta, làm vẻ vang non sông đất nước chúng ta, góp phần làm cho dân tộc ta trường tồn và phát triển mãi mãi.
200 năm trước Nguyễn Du lo không có ai hiểu nỗi lòng mình - Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?, chúng ta không dám mạo muội làm người tri âm của ông, nhưng chúng ta là những người trân trọng tấm lòng của ông, trân trọng những đóng góp của ông đối với dân tộc.
“Những đấng tài hoa” như ông “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Chúng ta đến đây thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến ông, cầm ngọn đuốc soi tỏ những trang văn “tinh anh” của ông và truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ thế hệ chúng ta cho đến những thế hệ mai sau” - PGS.TS Đoàn Lê Giang kết thúc bài phát biểu.
GS.TS Ahn Kyong Hwan trao tặng bản Truyện Kiều và một số tác phẩm văn học VN dịch ra tiếng Hàn choPGS.TSVõ Văn Sen (trái)
PGS.TS Trần Hữu Tá và PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh tại hội thảo
PGS.TS Đoàn Lê Giang trình bày tham luận tại hội thảo
NGUỒN: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hon-50-tham-luan-khoa-hoc-ve-nguyen-du-1539213-c.html